Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Nỡ Lòng Nào - Truyện Nguyễn Thị Thanh Dương

nha lau 4 tang
Bà Thục đậu xe xong thong thả đi lên lầu 2 bằng thang bộ, bà vẫn thích thế để thêm dịp vận động cơ thể, hơn là dùng thang máy cho tiện nghi và mau chóng. Unit 1 phòng ngủ của bà trong khu apartment này được thiết kế gọn xinh, địa điểm lại gần khu thương mại Việt Nam cũng như chợ Mỹ nên bà rất vừa lòng. Bà Thục thay quần áo và nằm ra chiếc ghế mây nghỉ ngơi, bà vừa ra chợ Việt Nam vào dịch vụ gởi tiền để chuyển 10,000 đồng về cho người em trai.<!>
Thế là bà đã làm tròn lời hứa hẹn với em và với tình cảm trong con người bà, lòng bà thảnh thơi, nhẹ nhỏm và vui mừng khi nghĩ đến gia đình em trai, chắc là vợ chồng con cháu họ đã sung sướng biết bao nhiêu.
Bà Thục thuê căn apartment với giá trợ cấp của chính phủ dành cho người có lợi tức thấp, kể từ khi bà đủ tuổi về hưu 2 năm nay, bà sống ở Mỹ đơn độc không chồng, không con, mà ở Việt Nam cũng chẳng còn ai thân thích gần gũi ngoài gia đình ông Thức, đứa em trai duy nhất, cha mẹ bà đã lần lượt qua đời kể từ khi sau 1975.
Ngày xưa gia đình bà nghèo, nhưng cha mẹ bà cũng chắt chiu nuôi 2 chị em bà ăn học, đứa con gái là bà học hành chăm chỉ giỏi giang bao nhiêu, thì thằng em học hành vừa lười vừa dở bấy nhiêu.
Cô Thục đã trở thành 1 dược sĩ. Cô dược sĩ Thục ngày ấy đã đi làm và phụ giúp cha mẹ đắc lực trong cuộc sống hàng ngày, còn Thức học không xong, thi rớt Tú Tài Thức đi lính, ngành tác chiến nay đây mai đó. Cô Thục thương em lận đận, mỗi khi em về phép ngoài các món ngon nấu cho em ăn, cô còn cho em tiền khi trở lại đơn vị.
Cô Thục không mấy xinh đẹp, có bằng cấp, ngành nghề sáng giá, nên hình như đó là những lý do khiến các chàng trai không thích đến gần, và cô miệt mài hi sinh cho gia đình nên hầu như không có cơ hội đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Tuổi xuân trôi qua lúc nào không hay.
Sau 1975 cũng như bao nhiêu gia đình khác, cuộc sống nhà cô Thục trở nên chật vật khó khăn, rồi Thức lấy vợ sinh con, bấy nhiêu người sống cùng trong một nhà đã trở nên chật chội và tài chính càng lúc càng khó khăn hơn.
Năm 1989 cô Thục đi vượt biên tìm tự do và thêm lý do không kém phần quan trọng là vì kinh tế để có thể giúp đỡ gia đình hữu hiệu hơn, chuyến đi vượt biên cuối mùa đã khiến Thục phải chờ đợi ở Thái Lan hơn 4 năm sau khi đậu thanh lọc mới được phép đến Mỹ định cư.
Sang Mỹ ở lứa tuổi về chiều, 49 tuổi rồi, Thục chợt nhận ra mình đã lãng quên chính mình hơn nửa đời người, học lại thì không thể mà lấy chồng cũng không xong.
Cô Thục đã đi làm những công việc trong hãng xưởng để có tiền sinh sống và gởi giúp tối đa những đồng tiền của mình kiếm được về gia đình ở Việt Nam .
Rồi cô Thục cũng lấy chồng.
Nhưng chỉ là một cuộc hôn nhân gượng gạo, cố gắng kéo dài được mấy năm cho có đôi, có cặp thì người chồng đã chia tay trả Thục trở về vị trí độc thân như cũ, thế là cô Thục gìa chấp nhận duyên phận thiệt thòi hẩm hiu, ở vậy cho đến giờ.
Thỉnh thoảng bạn bè cũng có ý giới thiệu cho bà một ông độc thân góa vợ nào đó, để đỡ đần và bầu bạn cùng nhau cho vui nhà, nhưng bà từ chối ngay, đời chắc gì vui, duyên chắc gì may? lỡ gặp ông khó tính khó nết, hay ông ngã ra ốm đau bệnh hoạn nằm một chỗ thì bà phải hầu hạ, còn nếu ngược lại bà ốm đau nằm một chỗ chưa chắc ông kia hầu hạ được gì.
Cuộc sống độc thân tuổi về hưu tuy có lúc buồn mà thảnh thơi, hàng ngày bà xem các phim truyện trên ti vi vừa để giải trí vừa để duy trì tiếng Anh của mình, rồi nghe nhạc, đọc sách, một đam mê ngày cô Thục còn trẻ để tìm lại cảm giác thú vị của ngày xưa.
Với đồng lương lao động tằn tiện bao lâu nay bà Thục cũng để dành được một món tiền, bà cất kỹ trong nhà băng.Từ ngày về hưu bà sống bằng những đồng tiền hưu trí của mình cũng gọi là đủ, vì bà không có nhu cầu gì nhiều ngoài hàng năm vẫn gởi chút tiền về Việt Nam cho gia đình Thức hiện vẫn sống tại căn nhà cũ, nơi xóm nghèo xưa do cha mẹ để lại.Xưa bà Thục thương thằng em vất vả đời lính, nay lại thương em vất vả cảnh nghèo, nên bà vẫn không ngừng gởi về đỡ đần cho em.
Bà Thục đã đưa chồng về thăm Việt Nam 1 lần để giới thiệu chồng với gia đình mình. Sau cuộc hôn nhân gãy đổ bà buồn chán và tủi thân, không có ý định về Việt Nam nữa. Nhưng những chuyện buồn vui của cuộc sống nơi xứ người bà vẫn tâm sự với người em ruột thịt của mình cho vơi nhẹ lòng, hai chị em đã luôn gần gũi từ thuở ấu thơ đến khi khôn lớn và cho đến bây giờ cả hai cùng tuổi xế chiều.
Bà kể từ chuyện bà bị bệnh cao máu, cao mỡ, và bệnh cườm mắt, phải uống thuốc và nhỏ mắt mỗi ngày mấy lần cho đến hết cuộc đời, đến những chuyện vặt vãnh hàng ngày. Từ chuyện bà về hưu và tiết kiệm xin được ở nhà giá rẻ dành cho người già, xin được tiền food stamp, đến chuyện bà dành dụm được món tiền phòng thân sau này.Tóm lại bà Thục hài lòng với cuộc sống vật chất bảo đảm, dù cô đơn một mình một nhà.
Mới đây ông Thức đã gọi phone cho bà và tha thiết đưa ra một đề nghị mong chị giúp đỡ, thay vì chị gởi cho chút tiền mỗi năm và mỗi khi gia đình em cơ nhỡ thì em xin chị giúp hẳn một món tiền để có vốn làm ăn là 10 ngàn đô la.
Bà Thục đã suy nghĩ rất kỹ, bà đã già rồi và một ngày nào đó sẽ chết đi, số tiền dành dụm tuy không nhiều, nhưng là tất cả mồ hôi công sức của bà phải được hữu ích cho người thân của mình. Bây giờ họ đang nghèo khổ, họ đang cần tiền. Thế là bà Thục đồng ý
Và hôm nay bà đã làm xong nhiệm vụ thân thương ấy.
Hai hôm sau bà Thục nhận được phone của ông Thức, người em hoan hỉ báo tin đã nhận 10 ngàn đô của bà và không tiếc lời cám ơn chị. Lòng bà Thục ấm lên, vui lên, nhiều gấp cả chục lần niềm vui của người em.
Từ nay bà Thục sống thanh thản hơn dù món tiền dành dụm của bà đã vơi đi, bà sẽ viết lại một tờ di chúc nếu sau này bà chết, sau phần chi phí cho hậu sự, còn bao nhiêu, dù ít ỏi, nhờ người ta gởi những đồng tiền còn lại về cho Thức.
Vậy mà 3 tháng sau ông Thức gọi phone sang, bà Thục chưa kịp vui mừng hỏi han em đã làm ăn gì chưa thì ông Thức buồn rầu tuyên bố:
- Chị ơi, nhà em mới vừa bị kẻ gian đột nhập xông thuốc mê và lấy cắp hết 10 ngàn đô rồi !
Bà Thục bàng hoàng nghe em nói tiếp:
- Chị có thương em, thương các cháu chị, thì xin chị giúp em lần nữa…
Bà Thục không còn sức cầm lấy chiếc điện thoại nữa, bà buông phone và buông người ngồi phịch xuống ghế như một kẻ không hồn.
Bà đã mất ăn mất ngủ mấy ngày đêm, 10 ngàn đô là bao công lao và tấm lòng của bà gởi về, thế mà bị mất đi một cách gọn gàng êm thắm, nhẹ tênh như bông gòn, như mây bay, gió thoảng, hay như một trò đùa, một màn kịch vụng về không hơn không kém.
Bà không thể nào tin được.Nhưng em trai bà nỡ lòng nào dựng lên màn kịch này để lừa dối bà, để xin thêm tiền của bà ? Bà dằn vặt tự hỏi và không thể trả lời.Cuối cùng bà Thục quyết định sẽ về Việt Nam bất ngờ, đối diện với em mình để tìm hiểu sự thật cho ra lẽ.
****
Từ phi trường Tân Sơn Nhất, bà Thục thuê xe Taxi đưa bà đến một khách sạn tại Gò Vấp, bà biết căn nhà cũ sẽ không có chỗ thoải mái cho bà vì theo lời ông Thức kể bấy lâu nay là hai đứa con đã lập gia đình và một đứa còn độc thân đều ở chung với vợ chồng Thức, nhà đất ở Việt Nam rất đắt đỏ, Thức tiền bạc đâu mà lo cho các con chỗ ở riêng.
Cuộc sống là sự tuần hoàn như cây cối, già cỗi thì chết đi, cây con thì sinh sôi nẩy nở…xưa căn nhà ấy có cha mẹ và 2 chị em bà, nay căn nhà ấy đã đông hơn, thêm lên mấy đầu người rồi.
Buổi chiều hôm sau bà Thục tìm về xóm cũ tại khu cầu hang quận Gò Vấp.
Khu xóm nay đã đổi khác rất nhiều nhưng bà làm sao quên được lối cũ, cảnh xưa. Kia vẫn là đường rầy xe lửa dẫn đến ga Xóm Thơm, và bên này là nhà cửa chen chúc.
Bà vừa đi vừa dò tìm theo những dấu vết cũ, cuối cùng bà Thục cũng tìm ra đúng số nhà, nhưng đứng trước căn nhà bà kinh ngạc, không tin đây là sự thật vì căn nhà to đồ sộ và cao ngất 4 tầng lầu, chứ không phải là căn nhà trệt tầm thường ngày xưa cô Thục từng ở từ thuở sinh ra đến khi lớn lên với cha mẹ mình nữa.
Bà ngại ngần, bà ngẩn ngơ, không dám gõ cửa, mà đi ra một quán nước ở đầu con hẻm, đối diện xéo xéo với nhà ông Thức, bà gọi một ly nước uống để định thần lại cho tỉnh táo, kẻo bà tưởng mình đang mơ.
Hay là bà đã nhìn lầm số nhà ? Không, chắc chắn là không vì bà đã nhìn kỹ mấy lần rồi.. Hay là em trai bà đã bán nhà cho người khác ? Cũng không, vì bà mới gởi số tiền 10 ngàn đô về địa chỉ nhà này.
Khi cô hầu bàn bưng ly nước ra thì bà Thục vờ hỏi bâng quơ :
- Căn lầu 4 tầng kia sao mà đẹp thế…
Cô gái vui vẻ tiếp chuyện:
- Dạ, bởi vì căn lầu đó ông bà Thức mới xây vài năm nay, kiểu đẹp, nhà mới nên ăn đứt mấy căn lầu khác.
- Ông bà Thức giàu có sướng thật…
Cô hầu bàn xuýt xoa:
- Ông Thức còn xây cho hai đứa con có gia đình ra ở riêng mỗi đứa một căn lầu tương tự căn này nữa đó. Căn này thì ông bà ở chung với thằng Út còn độc thân. Ba cha con ông Thức cùng làm chủ một xưởng cưa gỗ xuất khẩu, giàu có lắm lắm luôn, nhất xóm luôn.
Bà Thục cũng xuýt xoa:
- Số họ thật may mắn, làm ăn thành đạt nhỉ.
- Còn nữa bác ạ, nghe nói mới đây người thân ở nước ngoài gởi cho họ 10 ngàn đô nữa cơ, đã giàu có mà tiền ở mãi đâu cứ tự nhiên chảy vào túi.
Thế là bà Thục đã hiểu, gia đình ông Thức đã ăn nên làm ra từ lúc nào nhưng Thức không hề kể cho bà nghe, mà vẫn chăm chỉ than thở xin xỏ bà dù mỗi lần chỉ vài trăm đô, và cuối cùng là món tiền 10 ngàn đô. Nhưng họ chưa chịu dừng lại ở đó, lại nói bị mất cắp để xin thêm, có lẽ vì thấy bà đồng ý cho 10 ngàn đô dễ dàng quá chăng ?
Ông Thức biết bà không có ý định trở về thăm Việt Nam nữa, bà ngại đi xa vì đi đâu cũng phải mang theo mấy loại thuốc men lỉnh kỉnh như con mọn, lại sợ ngả bệnh bất ngờ, và vì nơi đó những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui, nơi đó cha mẹ bà đã không còn nữa, thằng em trai của bà đã già đi, và các cháu thì dường như xa lạ. Bà chỉ liên hệ với họ qua phone và gởi tiền về giúp em, giúp cháu khi cần thiết là đủ vui rồi.
Bà Thục thất vọng không ngờ em bà đã đổi thay đến thế, nó đã lợi dụng lòng tốt và tình thương của bà dành cho nó từ thuở còn thanh xuân cho đến giờ..
Bà Thục giận lắm, định quay trở về khách sạn, không gặp em, không bao giờ gặp nó nữa, bà sẽ trở về Mỹ và quên đi thằng em đã đối xử với bà không còn tình nghĩa. Nhưng sau khi uống hết ly nước, lòng tự giằng co, bà vẫn quyết định đến nhà ông Thức.
Bà bấm chuông cổng, tiếng chó sủa inh ỏi rồi có người ra mở cổng. Chính là Thức, ông ta ngơ ngác nhìn bà chị rồi thảng thốt kêu lên không biết vì vui mừng hay vì kinh ngạc như bà đã kinh ngạc khi nhìn thấy ngôi nhà:
- Trời ơi, chị Thục hả ?
- Vâng, tôi là Thục đây.
- Trời ơi, sao chị về không báo trước để em và các cháu ra phi trường đón ?
Bà theo chân em vào nhà, căn phòng khách rộng lớn với đồ đạc bóng bẩy sang trọng làm bà Thục chóa cả mắt vì bà quen với phòng khách nhỏ gọn ở căn apartment của bà rồi. Từ bộ bàn ghế, vách tường, đến kệ trang trí đều là sản phẩm của gỗ qúy với kiểu dáng đẹp, sành điệu và quý phái, đúng với phong cách thành đạt của ông chủ kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu.
Vợ ông Thức cũng từ dưới nhà chạy ra hớn hở :
- Chị về chúng em mừng quá, hành lý chị đâu ? Nhà em rộng rãi xin mời chị…
- Cám ơn em, chị không biết nhà đã xây lại rộng đẹp thế này nên đã ở khách sạn rồi
Sau vài câu thăm hỏi thông thường, bà Thục buồn buồn và nghiêm trang đi vào vấn đề:
- Các em đã làm ăn khá giả, có cơ ngơi thế mà không cho chị biết để chị mừng với, mà còn gây cho chị cảm tưởng là các em vẫn nghèo khó như xưa và xin chị món tiền 10 ngàn đô là thế nào?.
Ông Thức vội lên tiếng bào chữa:
- Nhờ trời thương gia đình em mới phất lên những năm sau này. Em xin lỗi chị, chỉ vì muốn vun đắp tom góp cho con cháu em mới xin tiền chị…
Bà Thục cay đắng:
- Kể cả việc em bịa đặt ra bị mất 10 ngàn đô để xin thêm lần nữa? em tưởng chị giàu có lắm sao ?. Chị đã chắt chiu bao lâu mới để dành được số tiền ấy.
Ông Thức cố giải bày:
- Dù gì cuộc sống bên Mỹ chị cũng được bảo đảm lúc tuổi già, nhà nước lo hết, có đồng vốn nào chị không cho các cháu thì cho ai bây giờ? Cho trước thì khỏi cho sau, con cháu em cũng như con cháu chị…
Vợ Thức xen vào cho câu chuyện chuyển sang hướng khác :
- Nếu chị muốn về sống ở Việt Nam thì chúng em mời chị về đây ở chung căn nhà này như ngày xưa. Bây giờ những 4 tầng lầu, chị cứ ở hẳn 1 tầng tha hồ rộng rãi, lại có chị có em…
Tình chị em gì khi mà họ đang sống trong giàu có, vợ chồng, con cháu đông đủ quây quần bên cạnh mà vẫn moi móc những đồng tiền dành dụm của bà, một người già sống đơn độc nơi quê người, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng trông chờ vào xã hội, vào người dưng giúp đỡ, hơn nữa bà Thục không bao giờ có ý định về sống ở Việt Nam nên bà từ chối ngay:
- Chị ở Mỹ quen rồi, ở đấy có mọi tiện nghi và lợi ích, về đây khỏe mạnh thì không sao, lỡ ốm đau sao bằng bên Mỹ được.
- Chị nghĩ thế cũng phải, nhưng bất cứ lúc nào chị thay đổi ý định thì cứ trở về, chúng em luôn chờ đón chị.
- Cám ơn hai em.
Khi bà Thục đứng lên từ giả vợ chồng ông Thức, người em ái ngại cầm bàn tay chị, cố biện minh lần nữa:
- Mong chị hiễu cho chúng em, đằng nào những món tiền dành dụm chị không cần tới, mà bên này thì con cháu đông, công việc làm ăn lúc này lúc khác chẳng biết đâu được, chị bên ấy một thân một mình, có đồng nào cho các cháu là chắc chắn nhất, không đi đâu mà thiệt chị ạ.
Vợ ông Thức vẫn ngọt ngào mời chào:
-Mỗi ngày chị đến ăn cơm với chúng em và các cháu cho vui nhé? chị đồng ý đi để ngày mai em làm món ngon đãi chị.
- Ừ, mai chị sẽ đến đây, chị ăn thế nào cũng được mà…
Vợ chồng ông Thức gọi xe taxi đến và vui vẻ tiễn chân bà Thục ra cổng, đợi người chị vào xe họ mới quay vào nhà.
Bà Thục ngồi trên xe, quay nhìn ngôi nhà lầu 4 tầng lần nữa, từ trong đáy lòng bà Thục vui mừng khi thấy cảnh nhà em trai giàu có, và cũng từ trong đáy lòng bà cảm thấy một sự đổ vỡ, tan nát. Đôi mắt bà rưng rưng nhỏ lệ.…
Bà biết rằng ngày mai, cũng như mỗi ngày sau đó, trong thời gian còn ở Việt Nam, bà sẽ đến đây ăn cơm với em, với các cháu. Đấy vẫn là tình cảm, là tình ruột thịt bà dành cho họ, bà không nỡ quay mặt với họ, dù rằng bà đau đớn vì mất đi hình ảnh người em ruột thân thương gần gũi ngày xưa, dù rằng bà xấu hổ giùm người em ruột tham lam, tính toán và ích kỷ bây giờ.
Và nỗi đau đớn ấy, sự xấu hổ ấy sẽ theo bà về Mỹ, và theo bà cho đến hết cuộc đời.


Nguyễn Thị Thanh Dương

Không có nhận xét nào: