Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/6 - Lê Minh Nguyên



Phi trường Istanbul mở lại sau vụ tấn công khủng bố
Hôm nay, Phi trường Quốc tế Ataturk tại Istanbul đã mở cửa sau một vụ tấn công tự sát tối ngày hôm qua làm 41 người thiệt mạng và làm ít nhất 147 người bị thương.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trong một tuyên bố tại phi trường Ataturk ngày hôm nay nói “Phi trường của chúng tôi đã mở cho các chuyến bay đi và đến vào lúc 2:20 giờ địa phương.”<!>

Hãng hàng không Turkish Airlines nói đã thực hiện lại tất cả các chuyến bay, và Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Phi trường Ataturk ở Istanbul vào cuối ngày hôm qua.
Tuy nhiên ngày hôm nay, Iran vẫn còn ngưng các chuyến bay đến Istanbul.
Các đoạn phim truyền hình ngày hôm qua cho thấy tình trạng hỗn loạn tại phi trường Ataturk - phi trường lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới.

Thông tín viên Đài VOA Dorian Jones ở Istanbul nói một trong những tay đánh bom đã kích nổ bên ngoài ga đến quốc tế. Khu vực này thường đầy người chờ phương tiện chuyên chở. Hai kẻ tấn công khác được biết đã tìm cách vào bên trong phi trường, nơi được cảnh sát vũ trang đầy đủ và các máy chiếu quang tuyến X bảo vệ.
Một nhân chứng tại hiện trường nói với ban Thổ Nhĩ Kỳ Đài VOA là “Có hai tiếng nổ nhỏ và sau đó là một tiếng nổ lớn. Mọi người chạy tán loạn. Họ không biết chạy đi đâu. Chúng tôi đang chờ em gái tôi, nhưng không thể tìm được. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi.”

Một người mục kích thứ hai cũng cho biết về cảnh tượng hỗn loạn này “Có những tiếng súng nổ tại một hướng và ở hướng khác có tiếng bom nổ, và mọi người tranh nhau bỏ chạy và nhiều người máu me đầy mình nằm trên lề đường.”
Thủ tướng Albania, ông Edi Rama, có mặt trên chiếc máy bay đáp xuống phi trường Ataturk chỉ vài phút sau những cuộc tấn công. Sau đó ông chia buồn cùng với những nạn nhân. Trên trang Twitter chính thức của ông, Thủ tướng Albania nói ông cảm thấy “thương tiếc cho những sinh mạng vô tội bị cướp mất trong hành vi đã man của những người không có Đức Chúa Trời hay không có hy vọng hay một chỗ đứng giữa nhân loại.”
Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm nhưng Thủ tướng Yildirim nói những chứng cớ ban đầu cho thấy đây là một cuộc tấn công của những phần tử cực đoan Nhà nước Hồi Giáo mà tiếng Ả Rập gọi là “Daesh.” Ông gọi vụ tấn công này là “hèn nhát” và cho biết nước ông quyết tâm tiếp tục chiến đấu chống lại những phần tử cực đoan.

Ông Yildirim nói “Đoàn kết là câu trả lời tốt nhất đối với khủng bố.”
Nhà nước Hồi Giáo đã bị qui trách về hai cuộc đánh bom tự sát trước đây trong năm tại Istanbul nhắm vào các du khách nước ngoài.
Tổ chức nổi dậy PKK người Kurd cũng thực hiện những vụ đánh bom tự sát, nhưng thường nhắm vào các lực lượng an ninh, như vụ tấn công vào một xe buýt cảnh sát trong tháng này làm 11 người thiệt mạng.

Trong năm qua cả Ankara lẫn Istanbul đều đã xảy ra những vụ đánh bom do Nhà nước Hồi Giáo và phe nổi dậy người Kurd thực hiện, làm cho mấy mươi người thiệt mạng. - VOA

2.
Ông Hun Sen: ASEAN chớ can thiệp vào Biển Đông --- Biển Đông: Indonesia nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna

Hôm 28/6, tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cảnh báo những người đồng cấp của ông trong khối ASEAN chớ can thiệp vào các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Lời phát biểu của ông được đưa ra tại một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, và trước khi một tòa quốc tế có thể ra phán quyết vào tuần sau về vụ khiếu nại của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Campuchia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông song những năm gần đây đã trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc rất nhiều. Trong khi đó, Việt Nam là nước có tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc. Philippines cũng có những tranh chấp lớn với Trung Quốc.
Philippines đã khiếu nại với tòa trọng tài ở La Haye vào năm 2013 sau khi các tàu hải quân của Trung Quốc tiến vào bãi cạn Scarborough có tranh chấp rồi không rời đi. Dự kiến phán quyết của tòa sẽ được đưa ra hôm 7/7. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết.
Ông Hun Sen đã phát biểu về vấn đề Biển Đông vào hôm 28/6 như sau: “Đảng CPP không ủng hộ - đúng hơn là chống lại - bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Các nỗ lực của một số nước ngoài khu vực nhăm huy động lực lượng chống lại Trung Quốc sẽ đem lại những tác động tiêu cực đến ASEAN và hòa bình trong khu vực”.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần thủ tướng Campuchia và đảng CPP cầm quyền của ông nêu ra vân đề Biển Đông.
Campuchia gần đây đối mặt với những chỉ trích nặng nề vì thân Trung Quốc. Một số nước ASEAN đã chỉ trích nước này sau khi Campuchia phối hợp với một số nước khác rút lại các tuyên bố của ASEAN phê phán Trung Quốc về những hành động của họ trên biển sau một hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc mới đây cũng như tại một hội nghị của ASEAN ở Phnom Penh hồi năm 2012. - VOA
Sau một loạt vụ đối đầu giữa các tàu cá Trung Quốc với các tàu tuần duyên Indonesia, Jakarta dự trù nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, nằm ở phía Nam Biển Đông.

Theo lời bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu hôm qua, 28/06/2016, Hạ Viện Indonesia đã thông qua một ngân sách bổ sung 846 triệu đôla cho năm 2016, một phần để bộ Quốc Phòng nước này nâng cấp căn cứ quân sự ở Natuna.
Với khoản tiền bổ sung nói trên, ngân sách quốc phòng tổng cộng của Indonesia năm nay lên tới 8,25 tỷ đôla. Quốc hội Indonesia đã thông qua ngân sách mới này, sau chuyến viếng thăm vào tuần trước của tổng thống Joko Widodo đến quần đảo Natuna, quần đảo mà Bắc Kinh khẳng định "có chủ quyền chồng lấn", vì nằm trong bản đồ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ nên để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard, một căn cứ không quân lớn hơn và tối tân hơn sẽ được xây dựng trên quần đảo Natuna. Jakarta cũng dự trù mua ba khu trục hạm và một chiến đấu cơ phản lực sẽ trú đóng ở căn cứ này. Ngoài ra, Indonesia sẽ triển khai thêm thủy quân lục chiến và lực lượng tinh nhuệ đến Natuna.
Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần duyên Indonesia ở Natuna. Cách đây hai tuần, một tàu chiến Indonesia đã bắn cảnh cáo vào một tàu cá Trung Quốc bị xem là đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Chiếc tàu cá Trung Quốc sau đó đã bị chặn lại và toàn bộ thuyền viên bị bắt.

Vào thứ năm tuần trước, tổng thống Joko Widodo đã chủ trì một cuộc họp của nội các trên một chiến hạm đậu ngoài khơi quần đảo Natuna, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng vùng này là thuộc Indonesia.
Sau chuyến đi nói trên của tổng thống Widodo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố là Bắc Kinh thừa nhận chủ quyền của Indonesia trên quần đảo Natuna. Nhưng bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng hai nước có chủ quyền chồng lấn nhau ở khu vực này và đây là vấn đề cần được giải quyết. - RFI

Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ huấn luyện quan chức Campuchia chống tội phạm mạng

Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã mời các giới chức cấp cao của Campuchia học hỏi về vấn đề tội phạm mạng từ các chuyên gia Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Phorn Bopha của đài VOA tại Phnom Penh, lời mời được đưa ra trong lúc một số quốc gia và các tổ chức phi chính phủ bày tỏ quan tâm về dự luật chống tội phạm mạng mà giới hữu trách Campuchia soạn thảo trong vài năm gần đây.

Những người chỉ trích cho rằng dự luật về chống tội phạm mạng của Campuchia có thể bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do biểu đạt và bóp nghẹt tiếng nói bất đồng, trong lúc dân chúng nước này sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook để bày tỏ ý kiến chính trị.

Ông Kan Channmeta, một giới chức cấp cao của Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia, cho biết ông ước tính khoảng 7 triệu người, gần phân nửa dân số, sử dụng internet một cách thường xuyên.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia, ông William Heidt, cho biết vào đầu tháng này rằng Hoa Kỳ muốn làm việc với chính phủ Campuchia để bảo đảm là người dân Campuchia được tự do bày tỏ ý kiến trên mạng.

Ông nói “Tội phạm mạng là một vấn đề thật sự ở Mỹ cũng như ở Campuchia, cho nên chúng tôi đang làm việc với Campuchia.”

Đại sứ Heidt cho biết các khoá huấn luyện sẽ đưa các giới chức Campuchia tới Mỹ “để xem luật lệ mạng của chúng tôi hoạt động như thế nào, nước Mỹ chấp hành luật lệ và truy tố tội phạm mạng như thế nào.” Ông nói thêm rằng “Chúng tôi cũng sẽ tìm cách để bảo đảm là internet của các bạn tiếp tục là một nơi để bày tỏ ý kiến một cách tự do.”

Các nhà quan sát cho biết Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền cai trị Campuchia hơn 30 năm, đang dùng Facebook để trình bày chính sách của mình và đồng thời cũng để tìm hiểu ý kiến của người dân. Các nhà phân tích nói đây là một chiến thuật quan trọng để tranh giành sự ủng hộ của giới trẻ với Đảng Cứu Quốc Campuchia thuộc phe đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.

Ông Phay Siphan, người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, nói tuy chính phủ ông hoan nghênh chương trình huấn luyện, nhưng không phải tất cả những gì được áp dụng tại Mỹ đều có thể áp dụng ở Campuchia.
Ông nói “Tôi muốn biết các tiêu chuẩn của Mỹ liên quan tới cách thức tăng cường an ninh quốc gia và kiến thức về đất nước của họ.”
Ông cho biết luật lệ về tội phạm mạng của Mỹ sẽ được dùng như những điểm tham chiếu để Campuchia soạn lại luật lệ của mình.
Ông nói “Chúng tôi tham khảo luật Mỹ vì mặc dù chúng tôi chưa tới đó nhưng chúng tôi chuẩn bị cho những năm tới đây, khi kinh tế của chúng tôi phát triển mạnh, mức sống được nâng cao và luật lệ được tôn trọng. Chúng tôi muốn thu thập những yếu tố để đưa vào việc soạn thảo luật về tội phạm mạng.”
Ông Siphan cũng cho biết các giới chức chính phủ ở Phnom Penh có thể gặp phải những chướng ngại khi thực thi các luật lệ chống tội phạm mạng. Ông nêu ra vụ tranh chấp giữa Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với công ty Apple xoay quanh mức độ mà các toà án có thể ép buộc để các nhà sản xuất mở khoá những chiếc điện thoại di động mà dữ liệu được mật mã hoá.

Tướng Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, cho biết sự hiểu biết của giới hữu trách Campuchia về cách thức đối phó với tội phạm mạng vẫn còn thấp.
Ông nói “Công nghệ tiến bộ rất nhanh chóng và một số nước sẽ không bắt kịp các nước phát triển. Kiến thức về tội phạm mạng đôi khi vượt quá khả năng của chúng tôi. Và như quí vị đã biết, chúng tôi không phải là nước sản xuất máy tính hoặc các chuyên gia lập trình điện toán. Hầu hết các chương trình điện toán mà chúng tôi dùng là của Mỹ, cho nên chúng tôi rất vui khi thấy các chuyên gia của mình có thể học hỏi thêm về những công nghệ tối tân ở các nước phát triển, nhất là nước Mỹ.”

Tướng Sopheak cũng cho biết chính phủ ở Phnom Penh cảm thấy bất mãn trước việc một số người Mỹ gốc Campuchia dùng Facebook để lăng mạ thủ tướng Hun Sen và những nhà lãnh đạo khác trong chính phủ.
Ông nói “Tôi muốn họ không làm như vậy nữa, và nếu những trường hợp như vậy vẫn tiếp diễn, tôi muốn các giới chức Mỹ hợp tác, ít ra là để cho những người đó biết rằng mặc dù họ là người Mỹ, họ vẫn phải tôn trọng những truyền thống của Campuchia." - VOA

4.
Tòa án Tối cao Mỹ bác yêu cầu phúc thẩm về phá thai, thuốc tránh thai
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã bác bỏ yêu cầu phúc thẩm của hai bang tìm cách áp đặt những hạn chế đối với những cơ sở phá thai, vốn đã bị những tòa án cấp thấp hơn bác bỏ.

Các thẩm phán từ chối nghe yêu cầu phúc thẩm về những luật ở bang Mississippi và bang Wisconsin mà lẽ ra sẽ bắt buộc những bác sĩ thực hiện những ca phá thai tại những cơ sở phá thai phải có đặc quyền tiếp nhận bệnh nhân tại những bệnh viện địa phương.
Tòa án Tối cao bác bỏ những yêu cầu phúc thẩm này một ngày sau khi bác bỏ một điều khoản luật tương tự ở bang Texas.
Sự bác bỏ này cho phép cơ sở phá thai duy nhất ở Mississippi, nằm ở thủ phủ Jackson, vẫn mở cửa hoạt động.

Tòa án Tối cao cũng bác bỏ yêu cầu phúc thẩm của những dược sĩ ở bang Washington, những người chống đối việc cung cấp thuốc tránh thai khẩn cấp cho phụ nữ vì những lý do tôn giáo. Sự bác bỏ này giữ nguyên một phán quyết hồi tháng 7 của tòa án cấp thấp hơn duy trì một quy định của bang bắt buộc những nhà thuốc phải kịp thời cung cấp tất cả những loại thuốc được kê toa.
Bang Washington áp dụng quy định này lần đầu tiên vào năm 2007 sau khi một số người phụ nữ bị từ chối cấp thuốc tránh thai khẩn cấp. Hai dược sĩ tại một nhà thuốc ở thành phố Olympia, bang Washington đã đệ đơn kiện, nói rằng quy định này buộc họ phải vi phạm niềm tin tôn giáo của mình. - VOA

Tin Việt Nam
5.
Việt Nam 'lấn cấn' trong việc công bố thông tin vụ cá chết --- "Tung hỏa mù” trước khi tuyên bố nguyên nhân cá chết?

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn của Việt Nam, Văn phòng Chính phủ sẽ họp báo hôm 30/6 để công bố thông tin về nạn cá chết vừa qua ở miền trung. Công chúng cho rằng đã hơn hai tháng kể từ khi nạn cá chết bắt đầu, việc nhà nước chần chừ trong việc công bố cho thấy có vấn đề về sự minh bạch và trách nhiệm.
Nạn cá chết xảy ra từ đầu tháng Tư, bắt đầu ở Hà Tĩnh rồi xuất hiện liên tiếp ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nằm ở phía nam của Hà Tĩnh.

Nhiều người nghi ngờ rằng một khu phức hợp công nghiệp thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh là thủ phạm, vì khu này sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa và hệ thống xả nước thải của nó không tuân theo các quy định của Việt Nam.
Hồi đầu tháng này, ngày 2/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói đã xác định được nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì cần điều tra thêm để có “đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật” nhằm xác định thủ phạm. Gần cuối tháng, một Phó Tổng cục trưởng của Bộ Công an nói có thể có họp báo vào ngày 29/6 để cung cấp thông tin về nạn cá chết.
Việc nhà chức trách trì hoãn công bố thông tin và dời ngày họp báo càng làm tăng thêm sự nghi ngại của công chúng về tính minh bạch. Cựu ký giả và hiện là một nhà hoạt động vì dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét với VOA:
“Người dân cũng thấy rằng chính phủ đang có những cái mắc mớ rất lớn. […] Vì cái nguyên nhân có thể liên quan đến cái nhà máy Formosa. […] Nếu liên quan tới đó, thì do những sai sót từ hồi trước. Chính phủ đã cấp phép dễ dàng, không kiểm tra chuyện xử lý nước thải, và họ có một phần trách nhiệm lớn trong chuyện xả thải này”.

Xét đến tính đáng tin cậy của các cơ quan nhà nước Việt Nam, ông Chênh cho rằng không thể chắc chắn nhà chức trách sẽ công bố cụ thể nguyên nhân gì hay ai là thủ phạm gây ra nạn cá chết hay không. Ông nói thêm điều đáng quan tâm lúc này là hướng khắc phục như thế nào.
“Quan trọng là hướng khắc phục chứ không phải chỉ có chỉ ra nguyên nhân. Mà có nguyên nhân cho rõ ràng thì mới nói tới cái chuyện khắc phục được”.
Một thạc sỹ kỹ thuật môi trường, ông Đào Nhật Đình, nói với VOA ông không kỳ vọng cuộc họp báo ngày 30/6 sẽ công bố thủ phạm. Với kinh nghiệm 17 năm kinh nghiệm trong ngành môi trường và 10 năm trong công nghệ hóa, ông Đình nhận định:

“Phần lớn những cái mẫu lấy được như lần họp lần trước đã không chứng minh được cái gì cả, […] và sau đó vẫn tiếp tục lấy mẫu và có lẽ cũng không chứng minh được gì do đó mới kéo dài như vậy. Cái thứ hai, là hóa chất cụ thể gì thì cho đến nay vẫn là bí mật. Tôi chỉ đoán là người ta có thể lấy một trong những hóa chất tẩy rửa để người ta kết tội thôi”.
Ông Đình cho rằng cá ở các tỉnh chết ở các vùng nước nông sâu khác nhau vì vậy nhiều khả năng là do các độc tố khác nhau gây ra. Về phương pháp tìm nguyên nhân, ông góp ý:

“Quan điểm của riêng tôi thì nên tách cái vụ đó ra thành những vụ riêng biệt thì có lẽ sẽ dễ giải thích hơn”.
Mặc dù nhiều người quan tâm đến nguyên nhân gây cá chết, song ông Đình chỉ ra rằng lúc này chính phủ cũng cần phải cho biết biển miền trung Việt Nam đã sạch hay chưa.
“Tôi kỳ vọng nhất là chính phủ có nói là như vậy thì biển đã sạch chưa, bởi vì kết quả phân tích từ hôm 26/4 đến giờ cứ đều mỗi ngày lấy một lần thì như vậy biển đã sạch. Nhưng mà tại sao không ai dám công bố?”
Do lo ngại các vùng biển còn bị ô nhiễm, sinh kế của người dân ven biển sống nhờ vào đánh bắt hải sản và du lịch đã chịu tác động tiêu cực trong mấy tháng qua. Điều này có một phần liên quan đến việc chính quyền chần chừ công bố thông tin. - VOA

Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết vào chiều ngày 30 tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân cá chết hằng loạt tại 4 tỉnh miền trung khởi đi từ Hà Tĩnh hồi đầu tháng tư vừa qua.
Hai ngày trước khi công bố Bộ Công an họp sơ kết 6 tháng đầu năm và báo Hà Tĩnh đăng bài nhắc đến ‘thế lực thù địch’ lợi dụng thảm họa môi trường cá chết để phá hoại.
Nhận định của những người quan tâm về điều đó ra sao?

‘Thế lực thù địch’

Truyền thông trong nước loan tin tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công an diễn ra sáng 28 tháng 6 ở thành phố Hồ Chí Minh, ông bộ trưởng Tô Lâm cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là ‘tiếp tục ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình’.
Mạng báo Thanh Niên dẫn lời ông thượng tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An rằng trong thời gian 6 tháng qua ‘các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, vấn đề an ninh, trật tự, môi trường gia tăng các hoạt động chống phá quyết liệt hơn…’

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng có ý kiến về nhận định đó của người đứng đầu ngành công an Việt Nam:
“Tôi cho rằng đánh giá của ông bộ trưởng Bộ Công an là hết sức bất công đối với lòng người, đối với những cuộc biểu tình về vụ cá chết ở Formosa. Vì theo đánh giá 6 tháng đầu năm của ông bộ trưởng Bộ Công an chỉ chuyên chú vào các ‘lực lượng thù địch’ mà ông không hề nêu lên thực trạng là những cuộc biểu tình của người dân chứ không phải cúa các ‘lực lượng thù địch’ đã bị công an tại một số tỉnh, thành đàn áp thô bạo, rất dã mạn. Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8 tháng 5 năm 2016: bắt bớ, đánh đập, câu lưu hàng vài trăm người một cách thô bạo.

Đó là một thực tế mà các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ quốc tế đã lên án chính phủ Việt Nam, lên án ngành công an Việt Nam về chuyện đó. Đó là đánh giá bất công của ông bộ trưởng Bộ Công an; đã không nêu ra vấn đề đó!
Thứ hai nữa sau những cuộc biểu tình về môi trường của dân chúng, ngành công an đã không thể có chứng minh nào về việc có lực lượng thù địch tham gia: tỷ lệ của lực lượng thù địch tham gia là bao nhiêu và những bằng chứng xác đáng về lực lượng thù địch- là ai, ở đâu; mà chỉ nêu chung chung là ‘lực lượng thù địch’. 

Nếu mà như vậy thì đánh đồng với một khối quần chúng nhân dân khổng lồ bức xúc về hằng loạt vấn đề, về cá chết, về đời sống ngư dân miền Trung nheo nhóc; mà chính phủ chưa hề chưa hề và chậm trễ trong việc công bố nguyên nhân cá chết. Và về những việc liên quan đến quốc gia, rồi liên quan đến Trung Quốc…”

Ý thức người dân

Mạng báo Hà Tĩnh vào ngày 28 tháng 6 có bài của tác giả Văn Lý tựa đề ‘Hãy tỉnh táo trước âm mưu lợi dụng cá chết để phá hoại!’. Trong bài tác giả viết ‘…rồi đây nếu nguyên nhân gây nhiễm độc biển được xác định; trong trường hợp này người dân phải hết sức tỉnh tảo, sáng suốt sát cánh cũng các cơ quan chức năng; các cấp chính quyền để cùng nhau xử lý. Tất cả những hành động quá khích, ‘vơ đũa cả nắm’, đổ lỗi, trút giận lên đầu hằng vạn lao động trong và ngoài nước có mặt trong khu vực gây nhiễm độc, hay vào những cỗ máy, những công trình hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho dân tộc…, là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của nhân dân.”

Một người dân sống tại khu vực Kỳ Anh, Hà Tĩnh lâu nay phải thất nghiệp không thể đi biển kiếm sống, hiện đang trông chờ chính phủ công bố nguyên nhân vùng biển quê anh bị nhiễm độc khiến cá chết, dân không dám ăn, không dám tắm biển. Còn ai đi biển xa về thì hải sản bán giá chỉ còn 1 phần 5 trước đây, rồi nơi thu mua mang cá đó đi tiêu thụ ở đâu không biết. Anh này nói rõ:
“Không có sự gì kích động, phá hoại cả! Đó là phía Nhà nước, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh lo sợ, nói lên vậy thôi. Chứ ở vùng này chưa có gì cả! Không ai có thể kích động được mình cả. Chỉ có mình đứng lên nói lên tiếng nói của mình chứ không ai xúi giục cả!”

Chị Thu Nguyệt, một người tham gia biểu tình đòi hỏi minh bạch về nguyên nhân cá chết tại khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ phản bác lại ý kiến nói những người đi biểu tình như bản thân chị là do ‘thế lực thù địch xúi giục’:
“Điều đó họ nói hoàn toàn sai sự thật. Trong những cuộc biểu tình tôi tham gia; nếu nói biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa bị cho là ‘chính trị’ thì tôi không nói. Còn đây là biểu tình vì môi trường. Trong những cuộc biểu tình về môi trường mà hô Hoàng Sa, Trường Sa thì tôi ngăn họ lại; chúng tôi chỉ hô hào cần minh bạch, ‘cá cần nước sạch’. 

Chính tôi là người đi biểu tình thường xuyên nên những điều họ nói hoàn toàn sai sự thật!”

Xu thế tất yếu

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra nhận định nếu nguyên nhân cá chết mà chính phủ đưa ra bị cho là không trung thực, không xác đáng, thì sẽ có phản kháng. Ông nhận định:
“Nói chung ngành công an rất sợ biểu tình. Vậy bây giờ họ phải làm sao? Họ phải thành thật thôi. Sợ thì muôn đời, và sợ không giải quyết được gì cả. Vì có một qui luật ‘họ càng đàn áp, thì đấu tranh càng mạnh’. Tất cả đấu tranh sinh ra từ áp bức. Đấu tranh đến một lúc nào đó để giải quyết áp bức, giải quyết bất công.”

Chị Thu Nguyệt khẳng định lực lượng công an, an ninh sẽ tiếp tục đàn áp những người dân xuống đường bày tỏ quan điểm của họ trước những vấn đề xã hội, nhất là tình trạng môi sinh tồi tệ; tuy nhiên chị cho biết vẫn phải lên tiếng:
“Cho dù họ ngăn cấm hay ngăn cản việc đòi hỏi quyền của mình bảo vệ môi trường cho người dân Việt Nam (dù họ ngăn cản thế nào đi nữa), tôi nói thẳng là sẵn sàng hy sinh để đi ra ngoài sát cánh cùng với anh em đứng lên bảo vệ môi trường của đất nước Việt Nam cho trong sạch. Còn việc họ đàn áp chúng tôi (điều đó đương nhiên có rồi); nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm để họ thấy rằng họ đang làm sai. 
Tôi biết điều 43, Hiến Pháp 2013 của Việt Nam (qui định) là người dân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường nên tôi cứ dựa theo đó để làm. Tôi nói với họ nếu có bắt tôi, đưa tôi vào tù đi chăng nữa, tôi vẫn làm đúng luật của Nhà nước Việt Nam đưa ra, chứ tôi không làm sai. Họ làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

Tôi biết làm việc này sẽ không thắng lại họ đâu; nhưng phải làm để lớp trẻ thấy rằng những gì luật pháp đưa ra đều sai hoàn toàn. Mình quyết chiến cho dân tộc Việt Nam chứ không phải cho bản thân mình nữa. Nếu mình không đứng lên được thì người dân Việt Nam sẽ chết dần, chết mòn trong sự ô nhiễm này.”
Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì chính quyền Hà Nội đang bối rối vì có ra luật biểu tình hay không thì tình trạng ức chế sẽ khiến dân chúng ‘bùng nổ’ phản kháng. - RFA

6.
Bộ trưởng Thông tin kiêm ghế tuyên giáo
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phân công Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm nhiệm ghế Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Quyết định phân công về nhân sự trung ương được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký.
Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã từng là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong giai đoạn 2011-2014.
Ông được báo chí trong nước mô tả là người có nhiều kinh nghiệm về công tác tuyên giáo và thông tin và từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (2007-2011).

Ông Tuấn cũng là trưởng phòng Tuyên truyền, báo chí - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình trong 10 năm (1988-1998).
Ông sinh năm 1960 tại Đồng Hới, Quảng Bình và được bầu vào Banchấp hành TƯ Đảng tại Đại hội Đảng 12.
Vào đầu tháng Tư năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tán thành phê chuẩn ông vào ghế Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son.

'Tập trung quyền lực'

Nói với BBC Tiếng Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định đây là “một quyết định hi hữu”.
“Không có việc bốc thẳng một quan chức hành chính bên chính phủ đưa về kiêm nhiệm một chức vụ bên đảng cho nên đây là quyết định hết sức bất thường, rất hi hữu, thường chỉ xảy ra trong thời chiến thôi, thời bình không có,” ông Dũng nói.

Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập phân tích: “Ông Trương Minh Tuấn là về làm phó cho ông Võ Văn Thưởng. Có lẽ trong thời gian gần đây Đảng lo lắng về tình trạng tản quyến và phân quyền về một số địa phương các bộ ngành, và phát sinh tình trạng cát cứ quyền lực với một số bộ ngành và địa phương. Có thể nói là trong thời gian qua và sau Đại hội 12, thì nguy cơ về cát cứ được đặt lên cao không kém gì nguy cơ về tham nhũng trong Đảng”.
Ông Dũng nhận định động thái phân công kiêm nhiệm này là “"Đảng muốn tập quyền, và chọn một lãnh vực rất quan trọng là mặt trận tư tưởng, thông tin, quản ly hơn 800 tờ báo. Đây là một ý tưởng Đảng hóa chính phủ, để Đảng dễ quản lý hơn về con người, công việc."
“Hệ quả là "một cổ hai tròng" cho ông Trương Minh Tuấn, vừa chạy đi chạy lại Bộ thông tin Truyền thông và Ban Tuyên Giáo. Ông sẽ nhận chỉ đạo từ cả hai cấp trên, một bên là Võ Văn Thưởng hay cao hơn là ông Đinh Thế Huynh và Nguyễn Phú Trọng, một cấp trên trực tiếp là ông Nguyễn Xuân Phúc.”

Tuy nhiên, ông Phạm Chí Dũng nhận định việc này "không ảnh hưởng gì” đến thông tin báo chí.
“Khi ông Tuấn làm thứ trưởng bộ thông tin truyền thông thì đã nổi tiếng là có bàn tay sắt rồi, nên nếu ông có kiêm thêm một chức vụ bên ban tuyên giáo Trung ương thì mức độ vẫn vậy thôi, không hơn và cũng không kém hơn,” ông Dũng cho biết.
Một nhà báo muốn ẩn danh từ Sài Gòn cũng nói với BBC đây là biểu hiện mà ông gọi là “tập trung quyền lực”.
Người này nói: “Tập trung quyền lực thì dễ giải quyết công việc hơn, nhưng mặt xấu là quyền lực thì có thể tha hóa, như chúng ta có thể thấy xếp hạng tự do báo chí ở Việt Nam”.

Nhà báo này cho biết: “Ta có thể thấy qua những việc làm của ông Trương Minh Tuấn như rút thẻ nhà báo của nhà báo Đỗ Hùng hay gần đây là nhà báo Mai Phan Lợi. Về mặt luật pháp rõ ràng không ổn, ông Tuấn đã căn cứ vào luật gì để thu thẻ các nhà báo này, như với nhà báo Đỗ Hùng thì là một nội dung trên Facebook, nhà báo Phan Lợi là vì từ “tan xác”.”
“Tôi thấy các hành xử quyền lực này còn cảm tính, và không hành xử dựa trên pháp luật, và dễ dẫn đến thể hiện quyền lực theo hướng tha hóa,” phóng viên này nhận định.

'Phép thử'

Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền trung đang được dư luận và truyền thông quan tâm nhiều và có thể là phép thử về tự do thông tin tại Việt Nam.
Truyền thông tại Việt Nam khá kín tiếng về vụ cá chết sau một giai đoạn đầu đưa tin khá rầm rộ.
Tuy nhiên vào tuần này báo chí trong nước đồng loạt chạy tin phóng sự của truyền thông Đài Loan, theo đó tập trung vào cáo buộc đối với công ty Formosa.
Theo dự kiến nhà chức trách Việt Nam sẽ công bố kết quả điều tra về nguyên nhân gây cá chết vào cuối tháng Sáu.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn, được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói tại cuộc họp báo của Chính phủ rằng chưa thể công bố nguyên nhân cá chết.

"Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực.
“Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin”, Bộ trưởng Tuấn nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi tháng Tư, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) nói "bản chất của hệ thống Việt Nam vẫn nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước, của bộ máy chính trị với báo chí".
Đại Sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever mới đây bàn về quyền được tiệp cận thông tin, những thách thức và khó khăn trong khi tác nghiệp.
“Tiếp cận Thông tin và các Quyền Tự do Cơ bản: Quyền của bạn!” là chủ đề được ông Lever đề cấp tới vào Ngày Quốc tế về Tự do Báo chí. - VOA

7.
Thủ tướng VN chỉ thị Sài Gòn phải là 'hòn ngọc chiếu sáng', dân nói gì?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Sài Gòn phải ‘phát huy được vai trò đầu tàu, là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’. Phát biểu trên được người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hôm 27/6. Người dân nói gì về việc này? Khánh An tìm hiểu thêm chi tiết.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã so sánh Sài Gòn với Bangkok của Thái Lan. Ông Phúc nói thành phố đứng đầu Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó. Báo chí Việt Nam trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “So với Bangkok, một thủ đô với diện tích nhỏ hơn, dân số tương đương, nhưng lại có GDP gấp 3 lần TP.HCM”.

Để xứng đáng là thành phố “đầu tàu” của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thành phố phải có tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị rõ ràng hơn để có thể trở thành “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông, chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường”.
Nhận xét về ý tưởng và phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, anh Bùi Mạnh Tiến, một kỹ sư làm việc tại TP.HCM, cho VOA biết:

“Nếu thủ tướng nói như vậy thì em nghĩ có lẽ cũng có thể, vì bây giờ Việt Nam đang gia nhập TPP, hợp tác với Mỹ. Bây giờ chuyển hướng sang hợp tác với Mỹ nên em nghĩ là chắc được. Sài Gòn bây giờ đô thị, địa ốc phát triển nhiều lắm, giới nhà giàu cũng nhiều nữa”.
Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng để biến Sài Gòn hiện tại thành “hòn ngọc” trên thực tế phải mất rất nhiều thời gian, có thể tới 20, 30 năm vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề.

“Nói chung là về sự chênh lệch, thu nhập. Sài Gòn cũng là mảnh đất mà người dân ở các tỉnh tập họp về nên thành phần hơi đa dạng, đủ loại thành phần. Nếu muốn cải thiện đều lên hết thì cũng phải mất thời gian”.
Trong khi đó, cô Diên An, một người làm nghề tự do ở TP.HCM, thẳng thắn nói:
“Thấy mới tin, còn nghe thì hổng tin đâu!”

Giải thích cho sự “mất lòng tin” của mình đối với các lãnh đạo Việt Nam, Diên An cho biết:
“Gần đây xảy ra quá nhiều chuyện, vừa rồi là cái vụ Formosa đó, cá chết quá trời còn chưa xong nữa mà nói gì hòn ngọc chiếu sáng gì. Mình không tin gì hết á”.
Cả Mạnh Tiến và Diên An đều cho rằng ý thức của người dân Việt Nam còn kém và để cải thiện điều này, cần phải có sự thay đổi gốc rễ từ rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường...
“Nói chung Việt Nam mình còn thiếu nhiều lắm, nhưng yếu tố đầu tiên mình quan tâm là vấn đề môi trường và ý thức của người dân”.

“Em không biết là sẽ thay đổi như thế nào. Người dân bây giờ đi ra nước ngoài, ý thức của người ta chưa được bằng các nước châu Âu hay các nước phát triển khác. Cái đó nếu muốn phát triển thì phải đẩy mạnh giáo dục và làm nhiều thứ khác. Bây giờ Việt Nam vẫn còn tụt hậu nhiều”.
Với cái nhìn của một kinh tế gia và nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hiện đang sinh sống tại TP.HCM, cho rằng việc biến Sài Gòn thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ hiện nay là một ‘ý tưởng ảo’.

“Một hòn ngọc thì phải đúng nghĩa là hòn ngọc saphire, nghĩa là về mặt kinh tế phải bảo đảm đời sống cho người dân. Đứng so sánh GDP (bình quân thu nhập đầu người) trước năm 1975 và hiện nay, mà bây giời phải nhìn vào tỉ lệ nghèo hóa của người dân. Ở Sài Gòn hiện nay còn rất nhiều người nghèo, rất nhiều người lang thang ăn xin. Tất cả những gì mà Sài Gòn thể hiện ra hiện nay là một bộ mặt hoàn toàn không đáp ứng được giống như Đà Nẵng: không có tình trạng ăn xin, cướp giật hay gái điếm, mà Sài Gòn tràn ngập những cái đó. Cho nên tôi nghĩ việc đưa Sài Gòn trở về ‘hòn ngọc viễn Đông’ trước đây là một ý tưởng rất ảo”.
Theo nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam, những việc cần làm trước mắt đối với thành phố đứng đầu cả nước là phải giảm số lượng hộ nghèo, giảm tình trạng cướp giật mà ông gọi là ‘kinh khủng’ hiện nay, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe… và khoan hãy bàn đến những ý tưởng mà ông cho là ‘chẳng bao giờ thực hiện được’.

Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng biến Sài Gòn trở lại thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ được đưa ra bàn thảo. Trước đó vào cuối năm ngoái, Bí thư Thành ủy mới nhậm chức Đinh La Thăng cũng đã đưa ra ý tưởng này khiến báo chí và dư luận Việt Nam được dịp bàn luận xôn xao cùng với những ý tưởng hiến kế được đưa ra. Tuy nhiên cũng như nhiều phát biểu được cho là thẳng thắn, có tính ‘cải cách’, ‘đột phá’, ông Đinh La Thăng cho tới nay vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả lời nói của mình.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại nhưng nhấn mạnh thêm ý tưởng ‘không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’, mà là ‘hòn ngọc chiếu sáng’, theo nhận xét của TS. Phạm Chí Dũng, không phải là dấu hiệu cho thấy có sự hợp lực giữa hai người đứng đầu Chính phủ và thành phố.
“Tôi không cho rằng có sự hợp lực giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Đinh La Thăng ở đây, mà đây là chuyện của ai người đó làm, gần như là mạnh ai người đó làm. Theo kinh nghiệm ở Việt Nam, những người nói ít thì làm được nhiều hơn, người nói nhiều thì làm được ít hơn. Từ lúc ông Thăng nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông nói quá nhiều. Nhưng cho tới giờ, hiệu quả đạt được của lời nói của ông thì không bao nhiêu, có thể nói là rất ít. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc nói ít hơn hẳn và ít xuất hiện hơn hẳn, thì về phía doanh nghiệp, họ có khen ông Phúc. Họ nói rằng đây là người làm việc thực chất, mặc dù trong tình cảnh ngổn ngang hiện nay còn quá nhiều việc phải làm, nhưng dù sao ông Phúc cũng có làm được một vài việc. Ít nhất là hiện nay ông ấy đang thúc đẩy giải quyết tình trạng giấy phép con, một trong những căn cơ về tham nhũng ở Việt Nam”.

Theo thống kê được Bí thư Đinh La Thăng đưa ra hôm 27/6, mức độ tăng trưởng của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,47%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đưa ra là từ 8% - 8,5%. Cũng theo nhận xét của người đứng đầu thành phố, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị TP.HCM xây dựng đề án thí điểm cơ chế đặc thù để trình Chính phủ thẩm định. Được biết, TP.HCM đã kiến nghị 7 nhóm vấn đề quan trọng liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính đặc thù, chủ động tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư…Bí thư Thành ủy thành phố cho biết những kiến nghị này căn cứ trên Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, cho phép thành phố thí điểm tất cả những vấn đề luật chưa có, chưa quy định. - VOA

Không có nhận xét nào: