Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Siêu lừa đảo Ma Đớp - Chiêu Ấn

1. Chuyện cũ nhưng vẫn mới
sieu-lua-dao-ma-dop3
Hiện ở Mỹ có một ông già 78 tuổi đang ngồi bóc lịch với bản án khổng lồ là 150 năm tù. Ngày dự trù mãn hạn tù của ông ta là ngày14 tháng 11 năm 2139, lúc ông 201 tuổi, nếu ông còn sống. Đương nhiên điều này là một điều không tưởng vì hiện thời sức khoẻ ông ta không được tốt cho lắm với một lần bị kích tim và yếu thận. Hơn nữa trong lịch sử nhân loại chưa có người đàn ông nào sống tới 201 tuổi cả. Người đàn ông có tuổi thọ kỷ lục là ông Jiroemon Kimura người Nhật, chào đời ngày19-4-1897 và “sayonara” cuộc đời ngày12-6-2013, hưởng thọ đúng 116 năm 54 ngày. Người đàn ông cao tuổi nhất còn sống hiện nay là một ông người Nhật khác tên Yasutaro Koide 112 tuổi.<!->
 Bích chương phim tài liệu Chasing Madoff (1910)
Người tù Mỹ cao niên mà chúng ta đang đề cập ở đây đã lãnh bản án ngày 12 Tháng Ba năm 2009. Bảy năm qua, người đời không hề quên ông và không để cho ông yên. Họ vẫn tiếp tục bươi móc, viết sách, dựng kịch, làm phim tài liệu, và phim tập truyền hình chiếu nhiều kỳ.
sieu-lua-dao-ma-dop2Bích chương phim truyền hình The Wizard of Lies của đài HBO (2015)
Vậy “người tù thế kỷ” đó là ai? Xin được gọi ông là Ma Đớp, phiên âm theo tên thật Bernie Madoff của ông. Ma Đớp là người đã tạo ra kế hoạch lừa đảo tài chánh lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và cả thế giới. Số tiền lừa đảo lên đến 64.8 tỷ Mỹ kim. Nạn nhân của ông gồm nhiều người danh tiếng, trong số đó có mấy người quá đỗi tuyệt vọng phải quyên sinh.
Trong 7 năm qua đã có 7 quyển sách viết về Ma Đớp xuất bản ở Hoa Kỳ. Trong quyển có tựa đề The Wizard of Lies phát hành năm 2011, tác giả Diana B. Henriques của The New York Times đã viết tường tận dứt khoát về nhân vật này và mưu kế lừa đảo thần sầu của ông ta. Để có đầy đủ chất liệu, tác giả Henriques đã truy cập tài liệu chưa hề tiết lộ và thực hiện hơn một trăm cuộc phỏng vấn, bao gồm các cuộc phỏng vấn đích thân Ma Đớp đầu tiên kể từ khi ông ngồi tù năm 2009. Henriques cũng cung cấp chi tiết sống động từ các vụ thưa kiện và các cuộc điều tra của chính phủ, cho nổ tung những huyền thoại vây quanh câu chuyện, và trong phần kết đã tiết lộ những phát triển pháp lý mới mẻ.
sieu-lua-dao-ma-dop1Rene-Thierry Magon de la Villehuchet
Được dựng thành bộ phim truyền hình hồi hộp nhiều tập về đời thật trong giới tài chánh, The Wizard of Lies bắt đầu trình chiếu Tháng Hai năm 2016 tương phản sự vượt lên đáng kể của Ma Đớp ở Wall Street với những cảnh ấn tượng sự tuột dốc nhanh chóng về phía tự hủy diệt. Đây cũng là sự phơi bày đầy đủ nhất về thảm họa cá nhân đau lòng và sự đánh dấu cuộc chiến pháp lý kéo theo sau sự sụp đổ của Ma Đớp, các vụ tự tử, thất bại kinh doanh, gia đình rạn nứt, tổ chức từ thiện bị đóng cửa. Vụ lường gạt chấn động vượt thời gian này quả là một bài học hiển nhiên đích đáng cho chính quyền Washington và giới tài chánh Wall Street New York.
Khi đứa bé trai kháu khỉnh bụ bẫm vừa lọt lòng mẹ chào đời ngày 29 Tháng Tư năm 1938 tại quận hạt Queens thuộc thành phố Nữu Ước, đôi vợ chồng Ralph and Sylvia Madoff gốc Do Thái mừng rỡ đặt cho con một cái tên đẹp Bernard có gốc gác cổ ngữ Ðức mang ý nghĩa là một chú gấu can đảm. Họ không ngờ được rằng bảy mươi năm sau, đứa con trai yêu quý đó của họ trở thành một tay lừa bịp lừng danh nhất trong ngành đầu tư của lịch sử nhân loại. Chú gấu can đảm đã âm thầm lường gạt cả thế giới qua nhiều thập niên và sau cùng đã can đảm thú nhận tội lỗi trước tòa án và trước công chúng.
Nhưng sự can đảm của Ma Đớp (vì ông đớp tiền bạc tỉ của thiên hạ như là ma vậy) không thể nào làm cho hàng nhiều ngàn nạn nhân của ông nguôi giận mà tha thứ cho ông. Vì ông mà họ đã mất hết sản nghiệp dành dụm và tích lũy cho sự an sinh trong lúc tuổi già. Trong số họ đã có một số người không còn trông mong gì có thể lấy lại được số tiền đầu tư đã mất nên tuyệt vọng và tự tử.
Một người là Rene-Thierry Magon de la Villehuchet, 65 tuổi, thuộc dòng dõi quý tộc Pháp và là giám đốc công ty quản lý đầu tư Access International Advisors và công ty Credit Lyonnais Securities USA. Ông cắt đứt mạch máu cổ tay và uống thuốc ngủ tự sát ngày 23/12/2008 vì không biết phải ăn nói làm sao với những khách hàng đầu tư của ông khi Ma Đớp xơi của ông mất $1.4 tỉ.
Một người nữa là William Foxton, cũng 65 tuổi, một cựu sĩ quan có nhiều chiến công trong quân đội Anh và giải ngũ trong thập niên 1970 với cấp bậc thiếu tá. Ông tích cực tham gia hoạt động nhân đạo tại vùng Ba Nhĩ Cán trong hai thập niên 1990, 2000 với tư cách là phát ngôn nhân của Tổ Chức An Ninh Hợp Tác Âu Châu. Ông dùng súng bắn vào đầu ngày 10/2/2009 tại thị xã Southampton cách Luân Ðôn 130 km về phía Tây Nam vì tuyệt vọng khi biết ra số tiền $1.45 triệu tiết kiệm đầu tư trong hai quỹ Herald USA Fund and Herald Luxemburg Fund để hưởng nhàn lúc tuổi già đã biến thành mây khói theo Ma Đớp.
sieu-lua-dao-ma-dopBích chương loạt phim truyền hình Madoff của đài ABC (2015)
Ngoài ra, đôi vợ chồng Sonja và Erwin Kohn tận bên Áo quốc cũng tự sát vì ngân hàng Medici Bank ở Vienna của họ cũng đầu tư và bị mất $2.1 tỉ cho Ma Đớp.
Về phần những nạn nhân sống để chống mắt mà xem, có những cặp vợ chồng mất của cải đâm ra đổ lỗi cho nhau gây xào xáo gia đình và đi đến đổ vỡ. Có người chồng ly dị vợ trước đây chia của “half and half”; nay bỗng thấy cái phần một nửa của mình chỉ là tiền ảo, bèn khiếu nại đòi chia lại. Hai vợ chồng Steven Simkin và Laura Blank đầu tư $5.4 triệu vào công ty Ma Đớp không lâu trước khi hai người ly thân vào năm 2004. Sau khi ly hôn, Simkin trả cho người vợ từng chung sống 30 năm một nửa số tài sản như thỏa thuận. Khi vụ lừa gạt Ma Đớp đổ bể, ông Simkin mới giật mình phát hiện ra tài sản chung của hai người trước khi ly hôn thực ra đã bốc hơi một khoản đáng kể vào tay Ma Đớp. Khoản tiền chia cho bà vợ trước đó không bị sứt mẻ một xu, bao nhiêu thiệt thòi bây giờ ông gánh hết.
Tuy nhiên, ông Simkin không kiện Ma Đớp mà lại quay ra kiện bà vợ của mình. Ông đòi phải chia lại số tài sản thực tế, nghĩa là bà vợ phải bù cho ông ta một phần thua thiệt. Hiện chưa có kết luận cuối cùng nhưng tòa án cho rằng tài khoản của họ đã bị thâm hụt ngoài ý muốn và rõ ràng nguyên nhân không phải là do bà vợ gây ra. Tuy bà vợ Laura đã may mắn được chia tiền trước khi vụ Ma Đớp lừa gạt lộ tẩy, nhưng dư luận cho rằng dù sao bà vợ Laura cũng nên nghĩ lại tình xưa nghĩa cũ mà chia sẻ một phần thiệt hại với ông chồng hiền.
Và trong số nạn nhân cũng có người ngửa mặt cười hả hê trước thềm tòa án khi nghe tin kẻ lường gạt mình không được tòa cho tại ngoại hầu tra. Họ càng tỏ ra vui mừng hơn và reo hò lớn hơn khi nghe tin các công tố viên quyết định tịch biên luôn tài sản hơn một trăm triệu Mỹ kim do Ruth, vợ của Ma Đớp đứng tên sở hữu vì số tài sản đó có được cũng là do kết quả của tài lừa gạt của chồng bà.
sieu-lua-dao-ma-dop4
Toàn bộ tài sản của vợ chồng ông Ma Đớp đều bị sai áp và thu hồi để bán lấy tiền bồi thường cho các nạn nhân bị ông lường gạt. Tính sơ sơ thôi cũng có các món bất động sản và động sản đáng giá sau đây (tính theo thời giá năm 2008):
– Một căn gia cư lầu cao chót (penhouse) hạng sang độc ở Manhattan tậu năm 1984 trị giá $7 triệu;
– Một ngôi biệt thự gần bãi biển ở Palm Beach, Florida mua năm 1994 trị giá $11 triệu;
– Một ngôi nhà nghỉ mát ven biển ở Cap d’Antibe, Pháp quốc giá $1 triệu;
– Một ngôi nhà nghỉ mát ven biển tậu năm 1979 ở Montauk, Long Island, tiểu bang New York giá $3 triệu;
– Toàn bộ đồ đạc trang trí trong bốn ngôi nhà đó trị giá $10 triệu;
– $17 triệu tiền mặt và $45 triệu giá trị chứng khoán của Ruth Madoff;
– Một du thuyền tên “Bull” giá $7 triệu ở Pháp và một du thuyền nhỏ tên “Little Bull” trị giá $320,000 ở Montauk, và một tàu câu cá trị giá $2.2 triệu ở Palm Beach, Florida;
– Một chiếc Mercedes SLK đời 1999 mui trần, một chiếc Mercedes station wagon đời 2001 và một chiếc Volkswagen đời 2004.
Ðó là chưa kể $2.6 triệu trị giá nữ trang và các món tài sản không khai báo khác. Ông cáo già này trước khi ra đầu thú làm sao khỏi đã bàn tính với bà vợ tìm cách tẩu tán bớt tài sản. Nhà chức trách không dễ dàng gì thu hồi tất cả của chìm của nổi của vợ chồng Ma Đớp, nhất là những món của cải nằm ngoài nước Mỹ. Ma Đớp khai với tòa rằng ngoài ông ra, không còn ai khác can dự vào vụ siêu lường gạt này. Thế còn bà vợ Ruth 49 năm quen nhau từ thời trung học của ông, còn hai người con trai Andrew và Mark của ông, còn ông em trai Peter bên ông, còn ai khác nữa bên gia đình vợ ông, những thuộc hạ thân cận của ông, không bất cứ ai trong đám của họ biết những việc dối gian của ông làm hơn hai mươi năm qua? Ai đã giúp ông tạo ra những tờ trình định kỳ tổng kết trương mục ma để gửi đi cho khách hàng đầu tư? Ai đã giúp ông làm thủ tục rửa tiền? Liệu tòa có tin một siêu lừa đảo như ông đã nói thật hay không. Dĩ nhiên là không.
Nhà chức trách đã truy tìm xem Ma Đớp đã giấu tài sản ở những đâu. Chắc chắn ông ta đã rửa tiền tại nhiều ngân hàng nước ngoài như Thụy Sĩ, Anh quốc, Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Gibraltar; có thể ở Ý và Áo quốc nữa. Một tài liệu công bố ngày 13 Tháng Ba, 2009 cho thấy tài sản của Ma Đớp trị giá từ $823 triệu đến $826 triệu.
2. Ðương đầu với pháp luật
Tính đến ngày xử án, nhà chức trách chỉ mới phanh phui ra được gốc gác của khoảng $1 tỉ trong số $65 tỉ mà Ma Ðớp báo cáo với 4,800 nhà đầu tư nạn nhân hồi tháng Mười Một năm 2008. Số tiền $65 tỉ đó được tính gồm cả tiền lời đáng lẽ được đẻ ra qua mấy thập niên từ số tiền vốn đầu tư nguyên thủy ít hơn.
Ma Ðớp khai trước tòa rằng vào đầu thập niên 1990 khi có cuộc khủng hoảng kinh tế, ông ta bắt đầu nghĩ tới chuyện lường gạt theo kiểu Kim Tự Tháp, tức là bằng cách lấy tiền ký thác của người đầu tư mới để phát tiền lời cho khách hàng đầu tư cũ. Ở Mỹ người ta quen gọi kiểu lường gạt này là “Ponzi scheme”, mưu mẹo Ponzi, đặt theo tên của Charles Ponzi, một anh chàng đại bịp gốc di dân Y-ta-lồ ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, nổi tiếng vì đã giở trò lừa gạt kiểu này vào thập niên 1920.
Theo lời công tố đoàn, vụ lừa gạt Ma Ðớp bắt đầu xảy ra trong thập niên 1980, và điều này khiến cho lời biện bạch của Ruth, vợ Ma Ðớp, cho rằng bà ta mua căn penhouse trước khi chồng bà giở trò bịp thiên hạ trở thành khó tin.

Lợi dụng luật lệ của tiểu bang Florida vốn bênh vực và nương tay đối với con nợ, Ruth đã khai rằng ngôi biệt thự sát bãi biển ở Palm Beach là nơi cư trú thường trực của bà ta để xin miễn trừ siết nợ; và đơn xin của bà đã được quận hạt Palm Beach chấp thuận. Nhưng theo như sự phân tích của một luật sư chuyên ngành địa ốc, cái nhà được bảo vệ là một chuyện, còn tiền mua nhà có phải là tiền bất chánh hay không là một chuyện khác. Như vậy thì chưa chắc vợ Ma Ðớp có thể sẽ mãi mãi yên tâm hằng đêm ngủ ngon giấc theo tiếng sóng vỗ rì rào trong ngôi biệt thự bên bờ Ðại Tây Dương đó. Làm sao bà có thể ngủ yên cơ chứ khi mà hằng ngàn nạn nhân của chồng bà đang điêu đứng trắng tay.
Tuy nhiên, số nạn nhân này đã nhận được tin an ủi phần nào. Ngày 17 tháng Ba năm 2009, cơ quan thuế vụ IRS của Mỹ (Internal Revenue Service) đưa ra bảng hướng dẫn miễn trừ hoặc hoàn trả lại thuế đánh trên lợi tức đầu tư mà trước đây tưởng có nay hóa ra là không thực. Trình bày trước Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, ủy viên Douglas Shulman của IRS cho biết các điều hướng dẫn này dành cho những nạn nhân bị mất mát vốn liếng trong các vụ lường gạt đầu tư kiểu “Ponzi scheme” như cái vụ Ma Ðớp. Vì lợi tức kiếm được trong vụ này là lợi tức ma cho nên nạn nhân nào trình đầy đủ bằng cớ thì có thể sẽ được IRS bồi hoàn tiền thuế đã đóng. Ðây là một vấn đề khá phức tạp, muốn tính toán cho đúng phải cần nhiều thời gian mới quyết định được.
Ðặc biệt có một nạn nhân vẫn còn giữ được óc khôi hài là ông Burt Ross, cựu thị trưởng Fort Lee, tiểu bang New Jersey. Ông cho biết ông ta đã đóng thuế cho số lợi tức đầu tư ma. Ross nói ông mất toi $5 triệu tiền đầu tư cho lão Ma Ðớp cộng với $375,000 tiền thuế. Ross tuyên bố với báo chí như sau,“Ðó là món thuế tôi đóng cho lợi tức đầu tư mà tôi tưởng tôi lời nhưng thực sự tôi không hề kiếm được vì tiền đó tôi có rút ra bao giờ đâu. Vì thế, đó là lợi tức ma; và tiền thuế đóng cho lợi tức ma cần phải được sở thuế trả lại cho tôi.” Trên trang blog “thedailybeast.com” đăng ngày 5/2/2009, ông này viết,“I made the list!” Tôi được vào danh sách! Danh sách gì? Có người hỏi. Theo ông Ross, đó là danh sách hội viên của câu lạc bộ những kẻ bị lừa độc đáo nhất trên thế giới. (But for me, there’s also reason to celebrate losing $5 million to Uncle Bernie: I’m now officially a member of the most exclusive Club of Suckers that ever walked the face of the earth.) Ông không buồn; ông cảm thấy được an ủi vì đồng hội đồng thuyền với ông còn có nhiều tai to mặt lớn khác.
Số tiền mà sở thuế vụ hoàn trả lại cho “dân oan” ước tính có thể lên đến $17 tỉ. Ngoài ra, các nạn nhân của Ma Ðớp còn có thể gỡ gạc lấy lại tối đa là $500,000 tiền bồi thường từ Cơ Quan Bảo Vệ Người Ðầu Tư Chứng Khoán SIPC (Securities Investor Protection Corp.). Hạn chót nạp đơn xin bồi thường là Tháng Bảy năm 2009. Nghe vậy, các nạn nhân từng cúng tiền cho Ma Ðớp vội vã làm đơn xin bồi thường thiệt lẹ sợ trễ, vì SIPC chỉ có khoảng $1.6 tỉ trong két sắt mà thôi.
Riêng siêu lừa Ma Ðớp, với tội ác tày đình đã gây ra, ông ta chỉ tuyên bố trước quan tòa sơ thẩm Denny Chin là “rất lấy làm tiếc và xấu hổ” và hoàn toàn nhận tội. Ma Ðớp nói rằng ông ta có thừa phương cách để cao bay xa chạy nhưng ông ta đã quyết định ở lại để một mình nhận tội. Nhà đương cuộc cũng đã biết thế cho nên trong thời gian mấy tháng quản thúc Ma Ðớp tại gia, họ đã gắn vào cổ chân của lão ta một cái vòng phát tín hiệu điện tử để theo dõi đường đi nước bước của lão. Hàng trăm người dự khán trong phiên tòa đã vỗ tay hoan hô khi ông tòa người Mỹ gốc Tàu Denny Chin bác bỏ lời cầu xin cho Ma Ðớp được tại ngoại. Ông quan tòa này làm như vậy là đúng vì nếu thả lỏng Ma Ðớp, rủi lão ta đổi ý chuồn mất sang một cái xứ đảo hẻo lánh nào đó không có ký thỏa ước dẫn độ với Hoa Kỳ thì tính sao đây.
Vấn đề còn lại phải giải quyết là làm cách nào nhà chức trách điều tra để xem còn những ai là đồng lõa của Ma Ðớp và xem Ma Ðớp đã giấu tài sản ở những đâu. Nếu không thì đến khi chết, hàng nhiều ngàn nạn nhân của Ma Ðớp cũng sẽ còn trăn trở dưới mồ và không thể ngậm cười nơi chín suối. DeWitt Baker, một trong những nạn nhân ngậm một mối căm hờn này nói, “Nếu được, tôi sẽ ném đá ông ta cho đến chết. Tôi nghĩ ông ta chẳng có một lóng xương thành thật nào trong con người của ông ta.”(I’d stone him to death. I don’t think he has a sincere bone in his body). Phải chạm mặt với nhiều nạn nhân bất mãn và giận dữ như vậy khi ra tòa, Ma Ðớp cũng ngán sợ được tặng cho một viên đạn đồng đen nên mặc áo giáp chống đạn cho chắc ăn.
Có tin đồn cho rằng Ma Ðớp rửa tiền qua môi giới của tổ chức tội ác mà người trong nước CHXHCNVN bây giờ quen gọi là xã hội đen. Người ta đồn như thế là vì phó giám đốc tài chính (CFO) của Ma Ðớp là Frank Dipascali; mà vợ của Frank là Joanne làm việc cho ngân hàng JP Morgan Chase, nơi Ma Ðớp có hai trương mục. Thư ký riêng của Ma Ðớp là Annette (Argese) Bongiorno là hàng xóm của cặp vợ chồng Dipascali trong khu xóm Howard Beach, quận hạt Queens, New York có tiếng là khu cư trú của nhóm tội ác có tổ chức. Bà thư ký Annette này có chồng làm thợ điện bị tai nạn nghề nghiệp và đang hưởng tiền bồi thường lao động; vậy mà họ ở trong một cái nhà to đùng trị giá sơ sơ khoảng hai triệu rưỡi đồng đô la xanh.
Một nguồn tin khác cho biết nhân viên của Ma Ðớp không ai lương dưới $100,000/năm. Một thảo chương viên điện toán được trả lương từ $250,000 đến $350,000/năm. Ba người trưởng phòng (managers) có lương từ nửa triệu tới $750,000/năm. Hai ông con Andrew và Mark của bố già Ma Ðớp lãnh lương bốn triệu/năm. Ðể thêm phần rắc rối, luật sư đại diện cho Frank Dipascali lại chính là Marc Mukasey, con trai của Tổng trưởng Tư pháp Michael Mukasey (phát âm nghe như là “Mưu Cái Gì” trong tiếng Việt). Ông tổng trưởng gốc Do Thái này (do Tổng thống George W Bush đề cử thay thế cho Alberto Gonzales từ chức) làm việc từ 9/11/2008 đến 20/1/2009.
sieu-lua-dao1 Tổng trưởng Tư Pháp Mỹ Michael Mukasey
Thật không ai có thể ngờ từ một con người chững chạc được trọng vọng kính nể như Ma Ðớp, trong một sớm một chiều bị vạch mặt chỉ tên thành kẻ lừa đảo số một của lịch sử Wall Street cũng chỉ vì lòng tham không đáy. Theo lời khai trước tòa, Ma Ðớp cho rằng thoạt đầu ông ta chỉ nghĩ sẽ tạm thời dối gian một ít lâu thôi cho qua cơn trì trệ rồi sau đó sẽ vực dậy đi trở lại con đường ngay. Nhưng trở lại đường ngay quá khó khăn và trở thành không tưởng, lão đã phóng lao đành phải theo lao. Và chuyện phải đến sau cùng đã đến, không cách chi tránh khỏi. Ðó là ngày âm mưu lường gạt của lão bị phát giác và lão phải ngồi tù. Lão đã chờ đợi ngày ấy từ lâu.

Nạn nhân của Ma Ðớp thuộc nhiều thành phần, từ những cơ quan, tổ chức như ngân hàng hải ngoại, những hội từ thiện cho đến những nhà đầu tư cá nhân, những người già đã về hưu và những người có tiếng tăm trong xã hội, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Frank Lautenberg và Loretta Weinberg tiểu bang New Jersey, nhà tài phiệt địa ốc và chủ nhà xuất bản Mort Zuckerman, chủ đội banh dã cầu New York Mets Fred Wilpon, người chủ trì chương trình phỏng vấn truyền hình Lary King, Jeffrey Katzenberg, tổng giám đốc của công ty điện ảnh hoạt họa DreamWorks Animation SKG Inc., đạo diễn điện ảnh Steven Spielberg, cựu nữ minh tinh Zsa Zsa Gabor, diễn viên điện ảnh John Malkovich, cặp vợ chồng tài tử điện ảnh Kevin Bacon và Kyra Sedgwick, và Elie Wiesel, một nhà văn lớn của Do Thái, tác giả của 57 quyển sách và là người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1986 với danh hiệu Thông sứ của nhân loại.
sieu-lua-dao Lary King, một trong số nạn nhân bị gạt
Một nạn nhân khác là Dr. Henry Backe thì gọi Ma Ðớp là một tên khủng bố kinh tế (an economic terrorist). Nhiều nạn nhân đổ lỗi cho Ủy Ban Hoán Ðổi Chứng Khoán SEC (Securities and Exchange Commission) đã không kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các công ty đầu tư mới xảy ra cớ sự.
3. Người hùng Harry Markopolos
Ma Ðớp (Madoff) làm chủ tịch công ty BLMIS (Bernard L. Madoff Investment Securities) ở Nữu Ước và MSIL (Madoff Securities International Ltd.) ở Luân Ðôn.
Trụ sở công ty đầu tư BLMIS của Ma Ðớp chiếm 3 tầng lầu 17, 18 và 19 của tòa cao ốc Lipstick Building (còn được gọi là 53rd at Third vì nằm ở góc đường Third Avenue và 53rd Street) ở địa chỉ số 885 Third Avenue, Manhattan, New York. Cao ốc thương mãi này có 34 tầng, chiều cao 138m, hoàn tất năm 1986 có hình dáng bầu cạnh, vách ngoài trám đá hoa cương, mỗi tầng viền ngang màu son đỏ nên trông giống như một thỏi son thoa môi với ba khúc nhỏ dần từ dưới lên trên để cho ánh nắng chiếu xuống đường phố. Tầng trệt của cao ốc này được cấu tạo với một góc cạnh mặt tiền trống trải để dành lối cho số lượng đông đảo người đi bộ. Lầu 17 là đầu não bộ chỉ huy và là nơi bí mật ngụy tạo những bảng tường trình trương mục định kỳ. Lầu 18 và 19 là nơi làm việc của nhân viên, nơi giao tiếp khách hàng ngây thơ mang tiền đến cúng cho Ma Ðớp.
harry-markopolos1 Lipstick Bldg, trụ sở của công ty BLMIS của Ma Đớp
Nhưng tại sao tiền của khách hàng ký thác Ma Ðớp không đầu tư một xu teng suốt hai mươi năm mà SEC không biết thì thật là chuyện lạ. Chẳng có một cổ phần nào mua vào hay bán ra. Chẳng phải ông ta bòn rút một ít chỗ này, ăn chặn một ít chỗ kia để dễ dàng qua mặt mọi người. Ðàng này ông ta nuốt trọn gói, thế mà không ai hay biết.
Lý do thứ nhất, ông là một người có thành tích đứng đắn, có uy tín và có cái mã bề ngoài của một con người đứng đắn đàng hoàng, giao thiệp rộng, quen biết nhiều tai to mặt lớn trong giới tài phiệt và chính trị, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện và gây quỹ cho các cuộc vận động tranh cử. Riêng nội cái chức cựu chủ tịch thị trường chứng khoán Nasdaq (National Association of Securities Dealers Automated Quotations) cũng đủ ăn tiền. Ông ta tạo ra được cho mình cái vẻ bất cần, rằng “vì nể sự quen biết và sự giới thiệu của các bạn thân tín của chúng tôi, thấy quý vị năn nỉ quá, công ty chúng tôi nhận tiền đầu tư của quý vị để làm phước đấy!” Ông ta đã khéo léo mua được sự tin cậy của mọi người.
Lý do thứ hai, công ty đầu tư chứng khoán BLMIS của Ma Ðớp có tay trong giúp đỡ nên có thể qua mặt các cuộc thanh kiểm (auditing) của SEC. Trong 15 năm qua, SEC xét sổ sách công ty của Ma Ðớp năm bảy lượt. Chuyên gia phân tích tài chính Harry Markopolos được chương trình truyền hình “60 Minutes” phỏng vấn; ông cho biết từ năm 2000 đến năm 2008, ông đã gửi tài liệu báo động đỏ cho SEC 5 lần. SEC động thủ quá chậm trễ hoặc có thể nói là bất lực; lý do tại sao vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Em trai của Bernard (Bernie) Madoff là Peter Madoff, 63 tuổi, vừa nắm chức phó giám đốc pháp lý (CCO, chief compliance officer) của BLMIS vừa là chủ tịch của Financial Industry Regulatory Authority Inc. (gọi tắt là FINRA), một cơ quan thẩm quyền giám sát việc thực thi điều luật trong ngành kỹ nghệ tài chánh. Con gái của Peter Madoff là Shana là một luật sư làm nhân viên pháp lý (compliance officer) cho cha cô và bác cô, trong khi chồng cô là luật sư Eric Swanson thì làm nhân viên pháp lý cho SEC làm việc trong toán điều tra Ma Ðớp và “không thấy có gì sai trái”. Chủ tịch SEC, ông Christopher Cox và tổng thanh tra của SEC, ông David Kotz, đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao các nhân viên SEC không phát hiện được mánh khóe của Madoff. Sự liên hệ phối ngẫu giữa cặp vợ chồng Eric và Shana Swanson này đang bị đặt nghi vấn vì vi phạm nguyên tắc xung đột quyền lợi (conflict of interest).
Ngày 18 Tháng Ba, 2009, kế toán trưởng David Friehling của Ma Ðớp ra nộp mình và nhận tội gian lận sổ sách với nhà chức trách. Friehling là một kế toán viên độc lập và không phải là một nhân viên của công ty BLMIS của Ma Ðớp. Friehling là thanh kiểm viên có nhiệm vụ phê chuẩn và chứng thực bảng tổng kết thường niên của Ma Ðớp để nạp cho SEC và gửi đi cho khách hàng đầu tư trong suốt thời gian từ 1991 đến năm 2008. David Friehling 49 tuổi (sinh năm 1950) theo như tội trạng đành ngồi tù bóc lịch 105 năm vì đã “vi phạm trầm trọng sự tin cậy của công chúng đầu tư” (serious breach of the investing public’s trust).
Vì thế mà Ma Ðớp vẫn tiếp tục làm ăn bất chính bòn rút tiền của thiên hạ bất chấp có sự nghi ngờ và lên tiếng báo động từ năm 1999 của Harry Markopolos, một phân tích gia tài chính chuyên nghiệp và một giảo nghiệm viên hữu thệ về gian lận đầu tư có bằng cấp CFA (Chartered Financial Analyst) và CFE (Certified Fraud Examiner).
Harry Markopolos 52 tuổi, từng làm việc cho công ty quản trị đầu tư Rampart Investment Management Co. ở Boston từ 1991 đến 2004 và là điều tra viên tài chánh. Sếp của Harry hỏi anh rằng công ty của Madoff đầu tư thế quái nào mà có thể mang lời về đều đều trung bình hơn 10% mỗi năm, bất kể thị trường chứng khoán trồi hay sụt và tại sao công ty của mình làm không được như thế. Harry nghe sếp nói vậy liền dốc công sức theo dõi, nghiên cứu và phân tích lề lối đầu tư của Ma Ðớp (với sự trợ giúp của một nhà toán học) và đã đi đến kết luận rằng việc đầu tư mang lãi trung bình 12% mỗi năm của Ma Ðớp là vô khả thi và không tưởng; điều đó có nghĩa là Ma Ðớp làm ăn gian lận bịp bợm. Phải mất gần mười năm SEC mới nắm đủ bằng chứng truy tố Ma Ðớp. Sau khi Ma Ðớp bị bắt và ngồi tù, ngày 11 Tháng Hai năm 2009, Markopolos được Hiệp Hội Phân Tích Gia Ðầu Tư Boston vinh danh và trao tặng một còi trọng tài bằng bạc. Từ nay trở đi, mỗi khi chàng rút còi ra thổi một cái, SEC hoặc IRS hoặc FBI chắc chắn sẽ nghiêm túc lắng nghe, xắn tay áo lên và lẹ làng đi tóm kẻ gian chứ không còn khinh thường cho rằng chàng chỉ là “the boy who cried wolf”, một thằng bé hay mách lẻo cứ hở có một chút chuyện gì cũng kêu réo nữa.
harry-markopolos Harry Markopolos, người phanh phui vụ lường gạt của Ma Đớp – nguồn time.com
Ngày nay, Harry đã trở thành anh hùng đối với giới tài chính đầu tư và giới truyền thông đua nhau săn đón chàng. Ðã có vài đại diện nhà xuất bản, hãng phim tiếp xúc với Harry với đề nghị chàng viết sách và làm thành phim nhưng coi bộ Harry không thích hào quang mà chỉ muốn duy trì sự riêng tư cá nhân và cuộc sống yên lặng bình thường mà thôi.
Dân ghiền xem xi nê nếu đã từng xem qua phim Wall Street năm 1987 do Michael Douglas đóng vai chính nhận xét rằng nhân vật Gordon Gekko trong phim gợi liên tưởng rất nhiều đến hình ảnh của siêu lừa Ma Ðớp. Các nhà làm phim ở thủ đô điện ảnh Hollywood đâu chịu bỏ qua câu chuyện ly kỳ hấp dẫn này nên mới vừa trình chiếu hai bộ phim mới về Ma Ðớp, một là The Wizard of Lies do diễn viên Robert De Niro thủ vai Ma Ðớp; hai là phim Madoff với diễn viên Richard Dreyfuss thủ vai Ma Ðớp. Ðây cũng là phim truyện truyền hình với bốn kỳ chiếu (episodes), mỗi kỳ một giờ, dựng dựa theo quyển sách The Madoff Chronicles của Brian Ross.
Ðối với quần chúng khán giả, họ tò mò xem phim về cuộc đời Ma Ðớp như xem một tấn tuồng đầy kịch tính khá hấp dẫn. Nhưng đối với hậu duệ giòng họ Madoff thì đó có thể lại là một vết thương âm ỉ cứ khơi nhắc lại mãi, một mối nhục gia đình mà họ muốn quên đi, muốn xa lánh, muốn xóa tan trong tâm trí.
Con trai lớn của Ma Ðớp là Mark Madoff treo cổ tự tử bằng dây dắt chó ngày 11-12-2010 ở tuổi 46 vì không thể chịu nổi nỗi nhục gia đình và sự dính líu đến cái họ đồng nghĩa với một điều xấu xa. Chính vì lẽ đó, sau cái chết của Mark, vợ và 4 đứa con của Mark đã lấy họ mới là Morgan. Mark được hỏa thiêu và tang lễ diễn ra trong vòng riêng tư kín đáo.
Người vợ hơn nửa thế kỷ của Ma Ðớp là Ruth cảm thấy nhục nhã nên mỗi khi đi ra đường cứ sợ người ta nhận ra mình. Chỉ vào tù thăm chồng vài lần lúc ban đầu, nhưng sau cái chết của Mark, bà chấm dứt liên lạc với chồng, coi đó như là một cuộc ly dị còn hôn thú.
Con trai út là Andrew Madoff chết vì bệnh ung thư máu ngày 3-9-2014 ở tuổi 48 sau sáu năm muốn xa lánh với cái họ Ma Ðớp oan gia và nỗi oán hận người cha gian ngoa. Trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình truyền hình “60 Minutes” năm 2011 do Morley Safer phụ trách, Andrew nói là đã bị người cha lợi dụng như một tấm bình phong. “Ðiều đó không thể nào tha thứ. Không người cha nào nên làm như thế với con mình.”
Tôi thắc mắc ông siêu lừa Ma Ðớp trong tù có được cho xem những phim này không.
Chiêu Ấn.
Nguồn tài liệu tham khảo: Wikipedia và báo mạng Hoa Kỳ.
PH-HCA

Không có nhận xét nào: