Một Vài Suy Nghĩ.
Tôi không được biết nhiều về ông Trần Huỳnh Duy Thức. Những gì tôi đọc được về ông là ông là một trí thức Miền Nam, xuất thân từ một gia đình không thuộc về giới trưởng giả, một người dân thường thế thôi. Ông đã trở thành một nhà khoa học nhờ những cố gắng bản thân và ông cũng đã thành công về thương trường. Nếu chỉ nghĩ tới hạnh phúc cá nhân, thì có thể nói là ông đã thành công, và con đường vinh hoa phú quý trải dài trước mặt.<!>
Tuy nhiên, ông đã không chịu đi theo con đường đó. Con đường mà ông chọn là việc tranh đấu cho một thể chế dân chủ, trong đó người dân có quyền có tiếng nói về việc lựa chọn thể chế . Ông đã từng tuyên bố : Tôi không đòi hỏi phải lật đổ chế độ hiện hành. Cái mà ông đòi hỏi là một cuộc Trưng Cầu Dân Ý.
Sau 1975, chế độ độc tài Cộng Sản với một đảng duy nhất rơi xuống đầu người Miền Nam một cách trời ơi đất hỡi. Mấy chục triệu người Miền Nam không có một cơ hội nào để tán thành hay phản đối. Người Cộng Sản vẫn chủ trương Quyền Lực đến từ họng súng, nên họ cho rằng vì Miền Nam thất trận, nên ý kiến người dân Miền Nam là cỏ rác, không cần đếm xỉa đến. Ông THDT , như bản tánh người Miền Nam, tuy rất hiền lành nhưng không phải nhu nhược đến độ chấp nhận tất cả những điều kiện mà bên thắng trận ban phát cho. Bởi thế cho nên ông chỉ yêu cầu một việc là người dân có quyền chọn con đường mà họ muốn đi. Theo như chỗ tôi hiểu, thì qua một cuộc Trưng Cầu Dân Ý, nếu lòng dân lựa chọn chánh quyền đương thời, thì điều đó không còn gì để bàn cãi. Việc này rất hợp tình, hợp lý, và tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhớ lại hồi trước, khi ông Ngô Đình Diệm muốn Miền Nam trở thành một quốc gia theo chính thể Cộng Hòa, ông cũng phải tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý. Vậy thì có gì quá đáng để người ta bắt ông, và quàng lên đầu ông một bản án quá nặng. Sau này, để thanh toán việc oan ức này, người ta đề nghị sẽ thả ông nếu ông chịu bỏ nước ra đi để sang Mỹ, như nhiều người trước ông đã chấp nhận. Việc ông từ chối giải pháp này càng cho ta thấy được tánh kiên cường của một người Miền Nam. Và sau cùng, ông quyết định làm một cuộc tuyệt thực có thể đưa đến mất mạng nếu người ta không nhương bộ.
Có thể nói đây là một cuộc tranh đấu cuối cùng giữa ông và bọn cầm quyền đương thời.
Nếu ông chết, thì đảng CS cũng sẽ chết theo, vì cái chết của ông sẽ là một giọt nước làm tràn đầy cái ly chứa những sự phẫn nộ của người dân.
Nếu ông sống, thì ông sẽ trở thành một Nelson Mandela Việt Nam.
Trong cả hai trường hợp, tuy chưa biết nhiều về ông, nhưng chúng ta phải nghiêng mình kính phục.
Không lẽ chỉ Nam Phi mới sản sinh ra được những người anh hùng ??
Xin chúc lành cho ông, một Nelson Mandela Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét