Vòng quay của bánh xe xích lô ở Sài Gòn ấy vậy đã ngót gần 80 năm
nay. Nhưng rồi những phương tiện hiện đại được thay thế, nhịp sống
hối hả hơn, người dân thành phố họa may lắm mới bắt gặp được
hình ảnh những chiếc xích lô trên phố.
Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi có dịp ghé lại khu chợ Tân Định (quận 1, TP. HCM) một trong những ngôi chợ lâu đời và nơi đây cũng là nơi mà những người đạp xích lô thường tập trung lại với nhau để trò chuyện sau một ngày làm việc mệt nhoài.
“Có lẽ những người đạp xích lô cuối cùng còn xót lại là chúng tôi. Ở cái chợ Tân Định này, những người đạp xích lô ai cũng đều có thâm niên 50 – 60 năm rồi”, người lao phu chia sẻ trong lúc ngồi chờ khách.
Người lao phu ấy tên Trung Văn Lai (75 tuổi), ông là người già nhất trong số những người đạp xích lô mưu sinh ở Sài Gòn. Rời quê Mỹ Tho (Tiền Giang) lên Sài Gòn sống bằng nghề đạp xích lô đã hàng chục năm nay ở chợ Tân Định, nên khi hỏi thăm về ông, ai ai cũng biết. Mỗi buổi sáng sớm, sau khi thưởng thức ngụm trà nóng, nhấm nháp vị cà phê đắng cùng hơi thuốc, ông lão và chiếc xích lô lại phải quần quật làm việc cho đến tận khuya.
Ông Trung Văn Lai nhọc nhằn kéo xích lô về vỉa hè quen thuộc để chờ khách.
Gương mặt khắc khổ theo năm tháng với nghề xích lô của người lao phu già.
Ông Lai chia sẻ: “Cũng quen rồi, cuộc sống của tôi gắn bó với con ngựa sắt này đã mấy chục năm nay, mặc dù thời cuộc có thay đổi, sự lam lũ vẫn kéo dài nhưng tôi vẫn yêu nghề vì cảm nhận được sự bình dị của người Sài Gòn. Sáng giờ có 2 cuốc (chuyến) được mười mấy nghìn, nhưng cũng vui vì ít nhất còn có khách cần đến mình”.
Nói vừa dứt lời ông rít điếu thuốc và thở một hơi thật dài rồi tiếp tục câu chuyện: “Càng ngày khách cứ ít dần, dường như không còn ai muốn đi xích lô nữa rồi. Cả khu vực chợ này chỉ tầm vài người còn hành nghề như tôi”.
Theo lời ông, khách đi xích lô thường là những người nội trợ đã thân quen trong suốt mấy năm qua. Họ chọn người lao phu già nua với dáng người nhỏ thó, đôi chân run run nhưng vẫn đứng vững để đạp xe đưa khách đi đến những nơi cần đến. Ông không ngả giá vì khách quen. Có người khách quen ở tận quận Gò Vấp nhưng ông vẫn nhận chở, mặc dù rất tốn sức nhưng nhờ mối đi xa mà ông mới có đồng ra đồng vào.
Ông Lai đang chở khách dưới cái nắng khá gắt ở Sài Gòn của tháng cuối năm.
“Tôi thấy những người đạp xích lô ở đây đều đã lớn tuổi nhưng hằng ngày vẫn gồng mình đạp xích lô thấy tội lắm. Nhiều lúc thấy mấy ổng ngồi nheo mày đợi khách mà xót, nên mỗi ngày đi chợ tôi bắt mối chở đi coi như giúp phần nào trong công cuộc mưu sinh. Mà cũng lạ nghen, tại sao lại cấm xích lô hoạt động nhiều chứ, nó cũng là một nét văn hóa của Sài Gòn mà”, một người khách quen của ông Lai chia sẻ.
Với kỹ thuật hiện đại vận chuyển bằng cơ giới ngày nay, người ta dường như bỏ quên những giá trị đã từng làm nên một nét đặc trưng riêng và chiếc xích lô đến một lúc nào đó sẽ không còn ở Sài Gòn nữa.
Đang trò chuyện cùng ông Lai, một người bạn của ông trong nghề, đạp chiếc xích lô thong dong từ quận Phú Nhuận về với mồ hôi nhễ nhại hỏi: “Sáng giờ có cuốc nào chưa ông? Được 2 cuốc ngắn hà, còn ông? (ông Lai đáp). Tôi cũng được 3 cuốc nhưng đường xa quá, hơi mệt vì cũng già cả rồi”. Sau đó 2 bạn già mời nhau điếu thuốc, châm đỏ lửa tiếp tục ngồi chờ khách.
Trong tương lai, người Sài Gòn có còn được nhìn thấy những người đạp xích lô trên phố nữa không?
Chỉ có những "triệu phú thời gian" mới chọn xích lô chậm chạp mà đi
Ông Lê Văn Ngà (65 tuổi) người bạn trong nghề của ông Lai đạp xe xích lô từ trước năm 1975 đến nay. Ông Ngà tâm sự rằng, cuộc sống xô bồ hiện nay đã dần mất đi một phần nào đó giá trị văn hóa của người Việt nói chung và người Sài Gòn nói riêng.
"Xe xích lô nó không gây ồn ào như các loại xe có động cơ, nó giữ môi trường trong sạch so với xe ngựa hồi trước kia. Xích lô ngày xưa là phương tiện đi lại không thể thiếu được của những người giàu ở Sài Gòn. Thời kỳ đó quá ít xe máy, ô tô nên xích lô rất thịnh trị, được tung hoành khắp phố phường. Thời đó nhiều người đã sống "khỏe" với nghề xích lô này, còn bây giờ thì chỉ đủ kiếm cơm qua ngày”, giọng ông Ngà trầm ngâm.
Còn ông Lê Văn Ý (56 tuổi) một dân gốc Sài Gòn vì thế cũng có thể hiểu rõ được giá trị của xích lô đã tạo nên những nét đặc trưng của vùng đất này như nào. Ông Ý kể: “Xưa kia, người đi xích lô có 2 dạng, 1 để thưởng ngoạn cảnh sắc của thành phố hòn ngọc viễn đông, 2 là đi vì có công chuyện gấp. Còn xích lô Sài Gòn bây giờ khác hẳn, ngoài chở người thì còn chở hàng như để bù đắp những lúc ế khách. Mà ngẫm nghĩ cũng đúng, Sài Gòn bây giờ đất chật, người đông, xe lắm, xích lô dường như không thể bon chen nổi với cuộc sống sôi động, nếu ai chọn xích lô là phương tiện chính thì người đó là “triệu phú thời gian”.
Ông Lê Văn Ý vẫn lạc quan với nghề dù biết có thể trong tương lai xích lô sẽ không còn.
Đối với ông Linh, người từ vùng quê miền Trung lặn lội vào Sài Gòn sống bằng nghề đạp xích lô cũng đã mấy chục năm cho hay, trong hoàn cảnh nghèo túng, lắm người đi vào nghề đạp xích lô để lo cái ăn, cái mặc và ông cũng không phải ngoại lệ.
“Những ai không có việc làm chỉ cần bỏ ra một ít vốn nho nhỏ mua xe và đạp qua ngày. Nhưng đến hiện tại thì để trụ được với nghề xích lô là điều khó lắm, trong khi thành phố có quy định cấm nữa thì càng không biết phải sống làm sao. Một ngày nào đó sẽ vắng bóng những chiếc xích lô như thế này. Có thể chúng tôi là những người cuối cùng còn đạp xích lô nhưng sau khi già chết đi thì sẽ không còn đâu”, người lao phu nói xong lại lặng lẽ theo vòng quay bánh xe hòa vào dòng người đông đúc.
Ông Linh đang đợi khách bên vỉa hè cùng những người bạn trong nghề.
Về đêm, ông Ngà và những người xích lô cuối cùng ở Sài Gòn lại chọn góc nào đó để chợp mắt.
Theo Wikipedia, xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người đam mê thể thao tên là Coupeaud phát minh ra. Phải vất vả lắm ông mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves. Nhưng rốt cục nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở nước Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là ở thuộc địa Phnompenh.
Từ Phnompenh, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình tới Sài Gòn. Hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km hết có 17 giờ 23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì qua năm 1940, con số này đã là 200 chiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét