Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 11 June 16 - TS Nguyễn Nam Sơn

1. Một Mình - Lam Phương - Thanh Tùng - Ngọc Hạ - Quang Dũng - Gs TranNangPhung - NNS
<!>
2. Lời Cỏ May - Lê An Tuyên - Phạm Phương Thảo - Gs TranNangPhung - NNS

3. Hà Tĩnh Mình Thương - An Thuyên - Minh Phương - Gs TranNangPhung - NNS

Tình thân,
NNS
....................................................................................................................
Chuyện Thời sự & xã hội

(i) Ns Tuấn Khanh: Con cá, chủ nghĩa Dân tộc với những lằn roi
Trong phút chốc, con cá ở Việt Nam trở thành một hình tượng mang tính cấm kỵ. Từ cuối tháng 4, khi khu công nghiệp luyện thép Formosa, Hà Tĩnh, đầu độc biển Việt Nam và quan chức các cấp của chính phủ bày tỏ một thái độ che đậy đến kỳ cùng, con cá bỗng nhiên trở nên là một thứ dễ khích động cảm giác của người dân. Vì vậy, trong danh sách của muôn vàn thứ khác bị điểm danh, con cá bị chụp ảnh, lăn tay và đánh số như một tội phạm mới mẻ.
Trong tạp chí Đẹp số tháng 6/2016, diễn viên Hứa Vĩ Văn được mời chụp ảnh với chiếc áo có hình con cá. Thế nhưng sự tinh ý trước thời cuộc của những người kiểm duyệt, họ đã biến con cá thành con ốc. Dĩ nhiên, lý do ngụy trá ấy là “cho đỡ phần nhạy cảm”. Sự kiện này làm tôi nhớ lại xiết bao, hơn 10 năm làm báo của mình trong hệ thống truyền thông nhà nước, mà cách kiểm duyệt – hay nói đúng hơn là sự sợ hãi dẫn đến điểm trung thành hèn hạ của rất nhiều người có chức vụ, khiến đời sống luôn trở thành những diễn tiến thô bỉ qua lưỡi hái kiểm duyệt.
Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie). Dù là một tài năng vượt bậc của nước Nga thời Cộng sản, nhưng kể từ khi có ý kiến minh bạch về cuộc đời, về bạn bè mình, ông bị trục xuất khỏi Viện văn học Liên bang Xô Viết vì tư tưởng “chủ nghĩa cá nhân” vào năm 1956. Trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1965, Yevtushenko bị cấm xuất cảnh vì dám mở lời khen ngợi Boris Pasternak, cũng như vì quan điểm chính trị của ông. Tên ông cũng bị đục khỏi báo chí Nga Sô, kiểm duyệt không khác gì những con cá vô danh của Việt Nam. Quả thật, khi người ta im lặng, hay sự im lặng được diễn đạt bằng cách nói vòng vo, hăm dọa… đó cũng chính là dấu hiệu của sự lừa dối. Cũng như những lời cấm kỵ về nhiều thứ mà trước nay không hề có văn bản chính thức nào, con cá Việt Nam trở thành tội phạm. Mọi ngày trong thành phố, những ai mặc những chiếc áo có hình cá, vẽ lên mặt một con cá hoặc diễn đạt một hình thức nào đó, có khái niệm cá, đều bị các thành phần an ninh chìm, lực lượng áo xanh, áo cứt ngựa nhìn ngó như kẻ thù. Không ít những người trong đó bị bắt giữ, đánh đập, ép nhận tội nào đó vu vơ cho thích hợp hoàn cảnh.
Năm 2014, trong tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo đặt gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Thế Thanh, cựu giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn, cho in một loạt áo thun có in chữ Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam để kêu gọi sự quan tâm của mọi người. Công an văn hóa đã đến gặp và yêu cầu bà nếu đã lỡ in rồi, thì không được phát tán rộng rãi nữa. Hôm sau, Anh H., một người làm việc trong báo Sài Gòn Tiếp Thị, vui mừng mặc chiếc áo đó đi làm. Vừa đi được một đoạn, anh bị 2 thanh niên to khỏe, ép xe chặn lại giữa đường và buộc phải cởi chiếc áo đó ra. Giằng co được một lúc, anh H. sợ trễ giờ làm nên phải quay về thay chiếc áo khác.
Một chương trình ca nhạc được dự định tổ chức để gom quỹ cho các gia đình các liệt sĩ Gạc Ma, với các bài hát đã cố làm làm nhạt nhẽo, bởi chỉ hát loanh quanh về biển, cũng bị người phụ trách kiểm duyệt ở Sở Văn hóa Thông tin Sài Gòn là Võ Trọng Nam từ chối, với lý do “nhạy cảm lắm”. Trong suốt 74 ngày giàn khoan HD981 ngạo nghễ trụ trên biển, những người tức giận với cách ngang ngược của Trung Quốc đã xuống đường phản đối. Kết quả là họ bị bắt, bị đánh, bị công an đến nhà sách nhiễu, triệu tập… với mục đích để làm giảm sự nhạy cảm – mà cần hiểu ở đây là nhạy cảm phiền lòng cho Bắc Kinh.
Trớ trêu thay, lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc lại phải nhận những lằn roi. Trong lịch sử Việt Nam, đi qua mọi thời kỳ, việc vẫn tồn tại được quốc gia hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương suốt hàng ngàn năm dù vô vàn lần bị xâm lược từ nhiều phía, cũng chỉ bởi người Việt có được một tài sản trân quý vô giá, đó là chủ nghĩa dân tộc. Thật đau lòng khi hôm nay, mỗi ngày lại nhìn thấy lòng yêu nước, con người với chủ nghĩa dân tộc sôi sục từ ngàn năm trước truyền lại, vẫn không từ nan để dấn thân, mỗi ngày lại nhận những lằn roi càng nặng nề thú tính hơn.
Chủ nghĩa dân tộc là hành trang không ai bị bắt phải mang vác. Nhưng nếu là người của một quốc gia, nếu không có chủ nghĩa dân tộc chảy trong dòng máu,  ắt phận người chỉ là kẻ ăn bám, trục lợi, vong bản hoặc lưu cư cho một âm mưu. Đâu ai buộc Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Nguyễn Thái Học… phải chọn hy sinh thân mình vì những người không quen biết, vì những bờ cõi của tổ quốc mà họ chưa hề đặt chân đến. Thậm chí, Trương Công Định còn quyết liệt tuyên bố vào năm 1862, về một chế độ đã chấp nhận đầu hàng và thuận làm kẻ dưới của ngoại bang, rằng “Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”.
Chủ nghĩa dân tộc cuộn trào trong dòng máu, khiến mỗi con người chỉ cần biết yêu cuộc sống và đất nước này thôi, cũng đã lẫm liệt, vượt lên mọi thứ quan lại với bổng lộc và những lời xảo trá.
Tháng 4/2016, tôi có nhận lời thiết kế giúp cho một chiếc áo thun, giúp cho một phong trào kêu gọi ý thức tiết kiệm nước ở nông thôn miền Tây. Áo sẽ phát cho nhiều sinh viên tham gia mặc trong ngày vận động về bảo vệ nguồn nước trong tình trạng hạn, mặn. Bản logo thiết kế in áo, tôi viết khẩu hiệu “Giữ nước như người miền Tây”, sau khi đưa đi cho ban giám đốc một trường đại học duyệt, đã bị đổi lại vô cùng đơn điệu là “Hãy tiết kiệm nước”. Khi dò hỏi, tôi ngẩn người khi biết được một vị trí thức, có chức có quyền, nói rằng “nghe giữ nước có vẻ nhạy cảm quá”.
Từ Hoàng sa, Trường sa rồi đến con cá, đến nguồn nước… những gì của quê hương này cứ như đang tuột dần ra khỏi bàn tay nắm tuyệt vọng của ý thức dân tộc. Hôm nay, đến “giữ nước” mà đã là nỗi sợ hãi của người có học thuộc chính quyền, thì mai sau, dân tộc này sẽ về đâu?
Tháng 5/2016, tôi nhìn thấy trên mạng xã hội, những thanh niên khỏe mạnh được chính quyền nuôi dạy, bịt mặt, giấu mình trong đám đông và xông vào đánh đập dã man những người biểu tình, chỉ vì họ đòi minh bạch một môi trường sống của những người cách xa họ cả ngàn cây số. Những người bịt mặt đó, nghiến răng, hét vào bộ đàm “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. “ĐM, đập chết mẹ tụi nó”. Mẹ của ai? Mẹ của những người yêu nước? Mẹ của những người đã thề không phản bội quê hương này cần phải bị đập chết?
Trong các lý luận về sự hình thành các nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc là đối trọng gay gắt với chủ nghĩa cộng sản mà Karl Marx đề ra. Bản chất của thuyết Karl Marx là dựng một nhà nước từ sự phân hóa giai cấp và cai trị, không cần phân biệt gì khác. Còn Chủ nghĩa dân tộc dựa trên tinh thần quốc gia và giống nòi để hình thành nhà nước phục vụ. Hôm nay, những lằn roi đang giáng xuống ở Việt Nam, có phải là chỉ dấu của sự xung đột đến hồi khốc liệt giữa Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa dân tộc?
Có thể những thanh niên yêu nước xuống đường hôm qua và hôm nay rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó trong cuộc sống rất đỗi phù du này. Nhưng trước họ, những người mẹ miền Trung cũng mòn mỏi chết với bờ biển đầy chất độc ngoại bang. Cá giẫy chết. Người thoi thóp. Những lằn roi hận thù tự dàn dựng vào cá-vào đảo-vào biên giới-vào ý thức-vào người cứ quất vào lịch sử đất nước này, có phải là những cú tát như cơ hội để người người cùng sực tỉnh, rằng, nếu không có ý thức về đất nước, tổ tiên, dân tộc, như những con cá vô danh vô định, mai này rồi chúng ta sẽ trôi dạt về đâu?

*** Bùi Quang Vơm: Tội phạm Vũng Áng
Tội phạm Vũng Áng là ai?
Cho dù đến tận bây giờ, nguyên nhân cá chết xuất phát từ vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, vẫn chưa được nhà nước Việt Nam công bố, thậm chí có ý định không bao giờ công bố qua việc mượn lời chuyên gia Nhật Bản lấp lửng rằng, “có thể phải cần một năm”. Nhưng trước áp lực của xã hội, ngày hôm 02/06/2016, trong cuộc họp báo của Chính phủ, bộ trưởng Truyền Thông Trương Minh Tuấn nói “Về nguyên nhân cá chết chưa thể công bố, các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác định nguyên nhân. Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực”. Theo cách trả lời có phần ỡm ờ này, thì người ta “mười phần đã đoán ra được chín”. Chẳng có gì là khó hiểu. Vì kết luận khoa học xác định nguyên nhân cá chết đã có ngay từ ngày 20/04/2016, theo Giáo sư Tiến Sĩ Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang “Ở Vũng Áng sau khi xảy ra sự cố như thế thì (các) nhà khoa học đã ra rất nhiều phương án để tiến hành và những phương án đều thu được những kết quả.
Theo tôi nghĩ có cái gì đó mà người ta không muốn nói. Chứ tìm cả năm cũng vậy vì người ta đã biết nguyên nhân rồi. Như thế thôi, không được ai phát biểu hết: chỉ Tổng Cục Môi Trường và Bộ Tài nguyên – Môi trường mới được phát biểu, ai muốn phát biểu cũng không được. Người ta đã nói như vậy rồi thì thôi!”
Dư luận của cả xã hội, cả tập thể các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế không thể nói ra, nhưng thừa biết không ai khác ngoài nhà máy thép Formosa. Dẫu Chính phủ kết luận là ai, thì người ta vẫn tin rằng chỉ có nhà máy thép. Nếu thủ phạm Chính phủ nói không phải là Formosa thì dứt khoát có chuyện khuất tất được che đậy phía sau. Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn mới che đậy một sự thật hiển nhiên như vậy.
Bất chấp thủ đọan nhả tin từ từ của chính phủ Việt Nam, bất chấp phía sau chứa đựng âm mưu hay mục đích gì, bất chấp kết quả công bố thế nào, thủ phạm là ai, điều mà tất cả chúng ta, tất cả dân chúng, tất cả những người làm khoa học hay không làm khoa học, cả trong nước và cả trên thế giới đều nhất trí một điều là cần phải đóng cửa nhà máy thép Formosa. Vì nó còn nằm đấy thì còn xả thải và nguy cơ cá chết, dân chết và nguy cơ huỷ hoại môi trường sống của con cháu muôn đời vẫn còn nguyên đấy.
Nguyên nhân gây ra nạn cá chết không cần phải có các nhà khoa học nghiên cứu để kết luận. Truy ra nguyên nhân, để truy ra thủ phạm. Đó là việc của công lý, xử đúng người đúng tội. Nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần nằm ở việc xử ai. Mục đích chính là bảo vệ môi trường và đời sống của con người. Không cần biết có phải chính do nhà máy thép Vũng Áng xả thải không qua xử lý hay không, điều chúng ta đã không còn tranh cãi là sản xuất thép là một loại sản xuất gây ra độc hại, huỷ hoại môi trường. Và đặt nhà máý thép tại vị trí nhạy cảm này là hoàn toàn sai. Vậy giải pháp cho nó rõ ràng là:
1- Bắt buộc nhà máy thép phải xử ký triệt để đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường.
2- Sửa lại luật về quy trình và chế độ giám sát xử lý trước xả thải ra biển.
3- Đóng cửa từng bước và tiến tới đóng cửa hoàn toàn nhà máy thép tại Vũng Áng.
4- Xác minh thông tin tàu đánh cá Trung quốc thả những thùng chứa hoá chất độc, được đục thủng trước cho thoát ra từ từ, tại vùng biển ngoài khơi Vũng Áng, tiến hành trục vớt và nạo rửa đáy biển nếu có.
5- Xử lý tẩy rửa vùng biển khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa ngay. Thủ phạm là Trung Quốc phía sau người Đài Loan, không có gì phải che giấu.
Vậy tại sao có sự ra đời và tồn tại của nhà máy này?
– Theo tất cả các phân tích khoa học, cả về mặt kinh tế, thảm họa môi trường lẫn an ninh quốc phòng, việc tồn tại một nhà máy thép tại thời điểm chính “Bắc Kinh hiện đã ra lệnh cấm các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất thép, ximăng, nhôm điện phân, kính và đóng tàu cho tới năm 2017”. Sản lượng thép từ lâu đã vượt qua nhu cầu thị trường.“Đường Sơn, được xem như là “kinh đô” của ngành luyện thép, nay chỉ còn là cái bóng của chính họ với những nhà kho bị bỏ trống và bàn ghế bỏ không”. “Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2”. Và chính Formosa “Năm 2009, Formosa “vinh dự” nhận giải “Hành tinh đen” – do Ethecon, tổ chức bảo vệ môi trường Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường”.
Vậy ai là người ký duyệt cho Formosa thực hiện đầu tư?
Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, ngày 01/05/2016, Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng nêu ra câu hỏi vì sao lại phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép. Ông nhắc lại chi tiết vào “ngày 15 tháng giêng năm 2008, Formosa mới có thư trình thủ tướng về dự án thép thì ngay ngày hôm sau 16 tháng giêng, vị quan chức đứng đầu của Hà Tĩnh lúc bấy giờ là ông Võ Kim Cự bí thư kiêm chủ tịch HĐND Hà Tĩnh có thư trình xin Thủ tướng ‘cho phép’, mặc dù Formosa không hề gửi thư đó cho ông Cự”. Tại sao ngày 15/01/2008, Formosa có thư trình thủ tướng xin đầu tư dự án, thì ngày 16/01/2008 đích thân bí thư chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự làm tờ trình xin Thủ tướng cho phép Formosa đầu tư. Võ Kim Cự tiên tri trước ý định đầu tư của Formosa? ...“Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 với nội dung: đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan) lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án cảng nước sâu Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh”. Ngay trong ngày 4/03/2008, Hoàng Trung Hải ký công văn 323/Ttg đồng ý cho tập đoàn Formosa lập Dự án Nhà máy thép Vũng Áng.
Ba tháng sau, ngày 6/06/2088, Hoàng Trung Hải ký tiếp công văn 869/Ttg thực hiện Dự án đầu tư khu liên hợp Gang thép và cảng sâu Sơn Dương tại Vũng Áng. Trên cơ sở công văn này, ngày 21/5/2008, Công ty Formosa có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 12/6/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho Công ty với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.
Chưa bao giờ một Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ đôla, chiếm dụng 3,300ha đất, di dời hàng nghìn hộ dân, mà từ ngày trình tờ xin tới ngày lập luận chứng Dự án, trình duyệt Dự án tổng thể, lập và trình duyệt Dự án chi tiết, cấp giấy phép đầu tư, chỉ có thời gian 4 tháng, trong khi thông thường không thể dưới 3 năm.
Tháng 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định cấp cho Formosa 300 tỷ đồng từ ngân sách, xây nhà ở cho công nhân người Trung quốc. Thủ tướng Dũng dự lễ động thổ nhà máy thép Vũng Áng, ngày 02/12/2012, 17/09/2015 khánh thành tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.
Như vậy, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự có mặt của công ty thép Formosa tại Vũng Áng. Tại sao. Vì không đủ trình độ. Vì tiền. Hay vì một thế lực nào khác.
Ông Nguyễn Gia Kiểng, chủ tịch Tập Hợp dân chủ đa nguyên nhận định “đã có sự câu kết bất chính giữa chế độ cộng sản và các thế lực tài phiệt nước ngoài, ở đây là công ty Formosa”. Chế độ cộng sản mà ông Kiểng đề cập là bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng lưu ý một điều rằng, ban đầu, dự án được phê duyệt trên danh nghĩa là cho tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, nhưng hiện nay, cổ phần của tập đoàn Formosa đã được nhượng lại tới 25% cho tổng công ty thép Trung Quốc, Chine Steel, và lao động của công ty thép Vũng Áng hiện tại gồm10.000/16.000 là người Trung Quốc lục địa. Phải truy tìm cho ra ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Võ Kim Cự đã nhận của Formosa bao nhiêu tìền, trong số tiền đó có bao nhiêu xuất phát từ Trung Quốc cộng sản. Số tiền này tuồn sang Quỹ đầu tư của cô Nguyễn Thanh Phượng bằng con đường nào. Phải truy tố bằng được ông Dũng ra Toà. Trước một thảm hoạ cho quốc gia như vậy, trước một nguy cơ tiêu diệt nguồn sống của hàng triệu người, có hàng nghìn bà con đang đói và nguy cơ chết vì nhiễm độc, không thể để cho Dũng có quyền thoát tội. Hãy xem, trong khi dân đói, cá chết, ông Dũng đi thăm chùa Thiên Hưng tại Bình Định và nghe Đàm Vĩnh Hưng hát “Thành phố buồn” tại Sài Gòn. Phải là loại người như thế nào mới có thể nhẫn tâm như vậy.
Có liên hệ gì giữa Trung Nam Hải và cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng không? Chắc chắn an ninh chính trị của đảng đã có câu trả lời. Ông Võ Kim Cự đã buộc phải thôi chức bí thư Hà Tĩnh trước khi có đại hội đảng, tháng 10/2015. Ông Dũng bị buộc phải bàn giao cho ông Phúc trước tháng tư năm 2016.
Có gì liên hệ gì giữa vụ cá chết tại Vũng Áng với chuyến thăm của Tổng thống OBAMA không?.
Cẩn tắc vô áy náy, tốt nhất là nên rà soát lại tất cả những dự án do ông Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, và tiến hành kiểm tra, loại bỏ các yếu tố Trung Quốc ra khỏi các dự án đó.

*** Anh Vũ (RFA): Lao động Trung quốc ở Formosa - Vũng Áng hiện nay
Hiện đang có rất nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc tại Vũng Áng, trong đó có tới 3.000 lao động không có giấy phép làm việc. Họ là ai và đang sinh sống và làm việc ra sao? Người lao động Việt Nam trong khu công nghiệp Formosa và người dân Vũng Áng nói gì nói gì về họ?
Cục cằn và keo kiệt
Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, tổng số lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5.321 người trong đó lao động Trung Quốc là 3.680 người. Theo thông tin của VNN online cho biết, hiện có trên 3.000 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép. Nói về số lượng công nhân người Trung Quốc hiện làm việc tại Formosa Vũng Áng, anh Bằng, một người dân ở thị xã Kỳ Anh đã từng làm công nhân tại khu công nghiệp Formosa nói với chúng tôi: “Tôi từng làm công nhân của Formosa từ năm 2013, lúc đó số lượng công nhân Trung Quốc có khoảng 10.000 người.”
Chị Ngoan, một công nhân hiện làm việc trong khu vực Formosa cho biết, lao động Trung Quốc làm việc trong Formasa rất đông, họ được bố trí ở tại các ký túc xá xây dựng bên ngoài khu công nghiệp Formosa trên một vùng rất rộng. Chị khẳng định: “Tôi là công nhân thuộc C19 trong khu công nghiệp Formosa. Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa). Nghĩa là cả ngày họ làm việc ở trong đó và sáng đi, chiều về. Họ mua nguyên cả một vùng đất để làm nhà ở ở đó.”
Trả lời câu hỏi về tính cách và thái độ của các công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Formosa? Theo chị Ngoan họ là những người cục cằn và keo kiệt, họ không biết nói tiếng Việt. Tuy nhiên hiện tượng công nhân Trung Quốc ăn nhậu say xỉn hay đánh lộn là rất ít. Chị bày tỏ: “Họ đưa công nhân của họ sang đa phần là không có giấy phép, 1 phần 3 là những người tù tội, bụi đời. Vì thế hồi có bạo loạn, em làm ở C19 có 2 người Trung Quốc chết mà không ai nhận xác vì họ không có giấy tờ tùy thân. Để đó 4-5 ngày thì xác trương sình lên. Vậy không biết họ làm thế nào để đưa xác chết về nước.”
Anh Bằng cho rằng, vào năm 2013 lúc mới sang Việt Nam các lao động Trung Quốc tỏ ra coi khinh người Việt Nam ra mặt, điều đó có thể dẫn đến các hiểu lầm của mọi người. Tuy vậy sau vụ bạo loạn tháng 5/2014 tại Vũng Áng những lao động Trung Quốc này đã biết và thay đổi thái độ. Anh giải thích: “Nhìn chung họ cũng vẫn quan hệ bình thường với người Việt mình và chẳng có sự phân biệt gì cả. Đấy là nói rất thật mà chẳng thiên gì về Việt Nam hay Trung Quốc. Phải thừa nhận hồi trước khi có bạo loạn (5/2014) thì họ cũng có coi thường người Việt mình, nhưng sau đó đến bây giờ thì họ rất tôn trọng.”
Chị Ngoan cho biết, có một số lao động Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam, song đó chỉ là việc tạm thời mang tính mua vui. Theo chị các phụ nữ Việt Nam cũng xác định trước như vậy, vì thế đó không phải là chuyện bất thường. Chị tiếp lời: “Ở trong đó thấy phụ nữ người Việt Nam mình cặp bồ, cặp bịch với bọn họ rất là đông. Cũng có những người lập gia đình với người Trung Quốc, song có ít người đưa nhau về ở bên Trung Quốc lắm, chứ không phải anh nào lấy vợ rồi cũng đưa họ về bên kia đâu, ít lắm.”
Nói về sinh hoạt của các lao động Trung Quốc trong khu vực Vũng Áng. Theo anh Bằng ngoài phố cũng có nhiều người Trung Quốc và Đài loan mở cửa hàng kinh doanh bên cạnh các cửa hàng của người địa phương. Anh cho biết quan hệ giữa người Việt ở Vũng Áng và các lao động Trung Quốc bình thường và thân thiện. Anh cho biết: “Thu nhập bình quân của công nhân Trung Quốc vào khoảng 30-35 triệu VNĐ/tháng, nói chung họ cực kỳ tiết kiệm. Cửa hàng của người Trung Quốc cũng có nhiều, của người Đài Loan cũng có nhiều. Đó là các quán ăn, tiệm tạp hóa hay cửa hàng bán quần áo. Công nhân Trung Quốc vẫn ra phố chơi, mua bán và tiêu dùng bình thường, theo tôi nhận định họ vẫn sống thoải mái và không có gì khác biệt cả.”
"Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép"
Dưới nhan đề "Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép", báo VNN cho biết, liên quan đến tình trạng lao động Trung Quốc trái phép tại Formosa Vũng Áng, báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, chỉ có 1.400/4.154 lao động Trung Quốc được cấp phép, chỉ đạt 36%.
Nói về tình trạng lao động Trung Quốc làm việc trái phép trong khu công nghiệp Formosa, anh Bắc cho biết về số lượng cụ thể thì khó mà xác định được cụ thể là bao nhiêu người. Theo anh các cấp chính quyền ở Kỳ Anh – Hà tĩnh đã buông lỏng quản lý. Anh Bằng tiếp lời: “Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường. Rõ ràng như vậy là chứng tỏ họ làm việc bất hợp pháp, vì tại sao họ không về ở tại các ký túc xá hay khách sạn của Công ty? Và tôi xác nhận là không bao giờ thấy công an kiểm tra họ.”
Chị Ngoan cho biết rằng hết sức ngạc nhiên về việc công an ở Vũng Áng hiện nay chỉ lo bảo vệ cho lao động Trung Quốc, kể cả số lao động trái phép. Ngược lại họ lại bắt nạt lao động người Việt Nam. Chị nói: “Không biết công an có kiểm tra giấy tờ của công nhân Trung Quốc ở trên chỗ họ ở hay không? Nhưng trong khu vực Formosa thì không thấy họ kiểm tra bao giờ, mà chỉ thấy họ kiểm tra và bắt người Việt nam mình. Công an chỉ bảo vệ cho người Trung Quốc chứ không bảo vệ cho người Việt Nam, mà hắn còn hành người Việt Nam. Em cảm thấy buồn vì bất công quá.”
Tác giả Nguyễn Hữu Qúy viết trên báo Người Việt gần đây có đánh giá rằng: "Rõ ràng, Trung Quốc đang thực hiện cuộc di dân rất âm thầm, nhưng quyết liệt và hiệu quả vào lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, có sự tiếp tay của quan chức Việt Nam ở cấp cao, thông qua chính sách đầu tư xây dựng và khai khoáng. Mà Vũng Áng quả là một vị trí lý tưởng không chỉ để khống chế Việt Nam về mặt đường bộ, mà toàn bộ đường biển đi vào Vịnh Bắc Bộ."
Liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, anh Bằng cảnh báo: “Cái tin ấy thì tôi có được nghe, nhưng theo sự nhìn nhận của tôi thì hệ thống tường rào của Formosa họ làm kiên cố như kinh thành của Vua chúa. Gỉa sử bây giờ ở bên ngoài xe tăng của mình có đâm vào, tường có sập xuống thì cũng không thể lên được. Bởi vì hệ thống tường ấy có hào sâu 8 m, rộng 8m bao xung quanh. Xe tăng đâm vào cũng không thể lên nổi.”
Đại biểu quốc hội Trần Tiến Dũng thấy rằng, việc lao động Trung Quốc không hợp pháp đang cư trú và làm việc trong dự án Formosa đã vi phạm điểm B, khoản 5, điều 17, nghị định 167/2013 về việc “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác ở Việt Nam nhưng không được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam” với mức xử phạt sẽ từ 15-25 triệu đồng/ngườicông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, một sai phạm có thể sẽ phải chịu nhiều hình thức xử lý khác nhau.

*** Nguyễn Anh Tuấn: Vì sao tôi làm phóng sự ở Formosa?
Một nhà hoạt động ở Việt Nam chia sẻ với BBC lý do vì sao đã dành một tháng ở Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, miền trung Việt Nam, để làm phóng sự về vụ cá chết hàng loạt và bất thường.
Trao đổi với BBC hôm 02/6/2016, ông Nguyễn Anh Tuấn, người vừa công bố một loạt clip video phỏng vấn người dân ở địa phương ven biển, gần khu công nghiệp Vũng Áng và nhà máy thép Formosa, nói: "Đầu tiên tôi ra đấy chính là để khảo sát tình hình mình muốn coi, chứng kiến tận mắt coi tình hình như thế nào khi đợt đầu tôi ra đấy. Sau đó tôi về lại nhà và tôi có bàn bạc với một số người bạn để tiến hành vài công việc cứu trợ đầu tiên, cũng chỉ là đi để phát gạo ở ngoài đó thôi.... Sau khi tôi ra đợt thứ hai và phát gạo xong thì khảo sát một lần nữa tình hình ở đó kỹ hơn, thấy nó có khá nhiều vấn đề. Nó không những là các vấn đề về mặt kinh tế, mà còn là vấn đề về môi trường, rồi có thêm những vấn đề về thông tin, cũng như về quan hệ giữa cư dân địa phương và chính quyền địa phương không được hữu hảo."
'Tương lai mù mịt'
Trước câu hỏi ông đã tận mắt và tận tai quan sát, hay nghe được những gì từ những người đã tiếp xúc trong thời gian làm các phóng sự, phỏng vấn, nhà hoạt động xã hội dân sự đáp: "Nếu như có xem các clip phỏng vấn, thì có thể thấy tôi cũng tiếp xúc được với rất nhiều người, mỗi người thì có một câu chuyện khác nhau, có cả những câu chuyện như chuyện người thợ lặn về bệnh tình, cũng như những triệu chứng mà họ đang gặp phải...".  "Câu chuyện của những người ngư dân về chuyện họ không ra khơi đánh bắt cá được, rồi cũng có câu chuyện của các em học sinh, 155 em, cũng vì chuyện bố mẹ không đồng thuận với chính quyền địa phương về việc là di dời, nhường đất cho dự án Formosa, nên các em trong hai năm không được đến trường...".
"Nếu nói chuyện khiến tôi ấn tượng nhất, thì đó là cái mờ mịt trong tương lai của những người dân ở đó, từ trẻ em, cho tới những người lớn tuổi, mình không thấy được nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế này, thì tương lai của họ sẽ đi về đâu," ông Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC. (Theo BBC)
(ii) T. Vấn: Nhìn lại mình khó đến vậy sao?
Trong nước, vụ cá chết tuy chưa giải quyết, nhưng dư luận lại quan tâm đến một vấn đề khác nóng hơn. Đó là việc ông Bob Kerrey, một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh ở Việt Nam , được mời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Phản ứng mạnh nhất, và sớm nhất, đến từ bà Tôn Nữ thị Ninh, một nhân vật ngoại giao Cộng Sản. Theo bà này :“ ông Bob Kerrey hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật ông đã là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969 . . .”
Vụ Thạnh Phong là như thế nào ? Hãy nghe nhà văn Nguyên Ngọc (trong nước): “Đầu năm 1969, Bob Kerrey là đại úy, chỉ huy một trung đội SEALs, kiểu đơn vị biệt kích tinh nhuệ nhất hải quân Mỹ. Phân đội của ông được báo có lãnh đạo cao cấp của Việt cộng sẽ họp cùng bí thư chi bộ địa phương ở Thạnh Phong, một ấp nhỏ ven biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ông cho đơn vị của mình tập kích vào Thạnh Phong. Ông nói rằng ông không tự tay giết người, điều ấy có thể tin, một người chỉ huy không nhất thiết phải tự mình bắn. Nhưng ông thừa nhận ông chịu trách nhiệm toàn bộ: họ đã giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ và trẻ em cùng một ông già. Bob nói: “Cuối cùng vẫn là những người phụ nữ đã chết, những đứa trẻ đã chết… vẫn là cái chết.” Và là tội ác. “Tội lỗi đối với tôi là cảm giác đầy hủy diệt….". Suốt 32 năm nay. Suốt đời…
Sau chiến tranh, Bob Kerrey từng là thượng nghị sĩ, là thống đốc bang, là ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, và trên tất cả các cương vị đó, ông đã có đóng góp quan trọng và lâu dài cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước, ông cũng là một trong những nhân vật hàng đầu thiết kế chương trình kiên trì suốt nhiều năm cho sự ra đời của FUV hôm nay. Có thể nói không quá, ông đã làm tất cả cho Việt Nam, cho giáo dục Việt Nam… Nhưng chưa bao giờ ông coi là có thể bù đắp tội lỗi đã gây ra. . .”.
Mới đây nhất, nhân vật ưa trình diễn Đinh La Thăng  vốn không bỏ qua một cơ hội nào để lấy điểm người Sài Gòn cũng vội vã ý kiến (đã bị rút ra khỏi báo Tuổi Trẻ): “Tôi thiết nghĩ trong vấn đề liên quan đến ông Bob Kerrey, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý và truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của ông cha ta trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc. Nếu chúng ta không giàu lòng tha thứ, thì dân tộc này đã không thể mạnh mẽ và đáng được kính trọng như ngày hôm nay. . .”. 
Dường như, sợi dây thần kinh xấu hổ của các vị lãnh đạo cộng sản đã bị bất khiển dụng, đã bị tê liệt hết thuốc chữa rồi.
Trong chiến tranh, đối đầu nhau là hai bên tham chiến, sẵn sàng bắn giết nhau trước hết là để tự vệ, để sống còn. Mấy anh Việt Cộng ở Thạnh Phong chết nhát, không dám ra trực diện đối đầu với đám lính Mỹ súng ống đầy người, nên núp trong dân, lấy dân làm mộc che thân. Trong trường hợp này, “Collateral Damage” là điều không thể tránh khỏi. Thử hỏi, không có tin tình báo về mấy anh lãnh đạo cao cấp Việt Cộng đang tụ họp bàn chuyện gây xáo trộn ở địa phương thì làm gì xẩy ra vụ Thạnh Phong. Giết người, nhất là đàn bà, trẻ em, dù trong thời chiến, vẫn phải xem là có tội. Với vụ Thạnh Phong, đơn vị lính Mỹ dưới quyền ông Bob Kerrey có tội bao nhiêu thì đám lãnh đạo Việt Cộng chết nhát dùng dân che thân phải mang tội gấp hai lần như vậy. Không có đám hèn nhát các ông thì những người dân vô tội Thạnh Phong chắc chắn sẽ không phải chết oan. Để rồi ngày nay nói về sự kiện ấy với tư cách kẻ không có tội lên án kẻ có tội. Đó là một thái độ thiếu lương thiện với lịch sử, với chính vong linh những người chết oan năm ấy. Cái giọng điệu của quý ông bà Việt Cộng hôm nay nói về Bob Kerrey, dù bênh hay chống việc ông ta được mời giữ chức vụ Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, đều cố tình làm ngơ chi tiết “không có lửa làm sao có khói” này. Lại còn mở miệng nhân nghĩa “vượt qua thù hận, vị tha”.
Tôi chưa bao giờ đồng tình với việc quân đội Mỹ có mặt ở miền Nam trước đây, vì sự có mặt của họ đã làm cho miền Nam mất chính nghĩa, không chỉ với người dân trong nước mà còn cả với thế giới vốn không hiểu biết nhiều lắm về thực chất cuộc chiến lúc bấy giờ. Bây giờ, người dân trong nước và thế giới có mở mắt ra thì mọi sự cũng đã rồi. Thế nhưng đã hơn 40 năm sau cuộc chiến, những luận điệu tuyên truyền ấu trĩ thời chiến tranh vẫn cứ được đem ra nhai đi nhai lại. Để làm gì vậy? để xoa dịu cái mặc cảm ăn mày ăn nhặt hôm nay với kẻ cựu thù năm xưa chăng? Hay không dám nhìn thẳng vào mình, không dám nhận ra những sai lầm làm chết ba triệu con người Việt Nam để chẳng được cái tích sự gì, ngoài hơn hai mươi năm cố gắng thoát ra khỏi hậu quả của sự sai lầm năm xưa?
Mới đây, trong một bức thư gởi người tù bất khuất Trần Huỳnh Duy Thức, ba nhân vật của những ngày Sài Gòn xuống đường thời miền VNCH Huỳnh tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu đã đem những ngày tù của mình thưở ấy ra so sánh với với sự tù đầy hiện nay của anh Trần Huỳnh Duy Thức: “ . . . chúng tôi cũng từng là những người tù chính trị trước năm 1975, đã từng bị tra tấn, đánh đập dã man, có người tưởng đã chết nếu không được bạn cõng đi tìm cách chạy chữa với hy vọng mong manh còn nước còn tát. Cho đến nay, một số trong chúng tôi vẫn đang bị hành hạ bởi những di chứng của cuộc sống trong tù buổi ấy. . .”. Dường như quý ông tác giả bức thư nói trên đã quên mất rằng ngày xưa họ bị tù vì tiếp tay cho cái chủ nghĩa bất nhân cộng sản chiến thắng, để ngày nay nó đã bỏ tù bao con người đòi hỏi tự do dân chủ cho đất nước, trong đó có anh Trần Huỳnh Duy Thức. Chia sẻ thì cứ chia sẻ, đồng cảm thì cứ đồng cảm, nhưng chớ nên so sánh, đã không ích gì mà đôi khi còn gây phản ứng ngược trong nỗ lực liên kết những người cùng chí hướng. Tôi tin rằng nếu quý ông nói trên đã dám nhìn lại chính mình thì hẳn sẽ không có đoạn văn rất “phản cảm” nói trên.
Nhìn lại mình khó đến vậy sao?
Chúng ta đã sống qua một giai đoạn lịch sử đầy những nhiễu nhương. Sai Đúng Phải Trái Sống Chết Công Tội đan lẫn vào nhau, xoắn xuýt vào nhau, thành búi, thành bó. Để gỡ những mớ rối rắm ấy cần thời gian rất dài. Mà những người trong cuộc nhiều nhất cũng chỉ còn vài năm nữa để sống. Sao mỗi người trong chúng ta không thể tự sòng phẳng với mình, tự lương thiện – dù chỉ một lần – với chính mình ? Mà giả như không thể làm được điều đó – vì nó khó quá, vì nó ngược lại với bản chất của con người mình – thì ít nhất, cũng đừng làm rối rắm thêm mớ rối rắm hiện nay, đừng mang thêm tội lừa dối các thế hệ mai sau nữa. Để vài năm nữa đây, nằm bất động một chỗ, vì tai biến mạch máu não, vì các chứng bệnh già lão, mình cũng tạm an tâm đã làm việc phải làm, đã không làm việc không nên làm. Phải không? (T.Vấn (http://t-van.net/))

*** Đồng Phụng Việt: Những Kẻ Đốt Đền
Những ý kiến phản đối việc Bob Kerrey – một cựu sĩ quan biệt kích của hải quân Hoa Kỳ được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Vietnam (FUV), khiến mình muốn mửa…
Phía phản đối Bob Kerrey cho rằng ông ta bất xứng vì đã tham gia vào một cuộc thảm sát thường dân tại Bến Tre. Rằng họ có thể tha thứ nhưng không thể quên. Họ đòi hỏi phải trung thực và sòng phẳng. Cuộc chiến từ 1954 đến 1975 tại Việt Nam có bao nhiêu vụ thảm sát? Đã đòi trung thực và sòng phẳng đối với trường hợp Bob Kerrey thì tại sao không đòi ứng xử trung thực và sòng phẳng với hàng ngàn cuộc thảm sát khác do chính thể mà họ thuộc về đã gây ra từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến tranh đó: Thảm sát khi cải cách ruộng đất, thảm sát ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), thảm sát hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, thảm sát qua pháo kích vào các khu dân cư, thảm sát từ các vụ đặt thuốc nổ và liệng lựu đạn vào đám đông,… Những nhân chứng và nạn nhân của các vụ thảm sát này vẫn còn rất nhiều, chính thể mà họ thuộc về đã xin lỗi và điều tra chưa?.  Chẳng lẽ “trung thực và sòng phẳng” cũng có “tiêu chuẩn kép” và những kẻ từng lãnh đạo chính thể mà họ thuộc về thì được miễn trừ trách nhiệm thảm sát thường dân?
Mình rất tâm đắc với nhận định của một số bạn về bà Tôn Nữ Thị Ninh – một nhân vật nặng ký trong nhóm phản đối. Khi đề cao trung thực và sòng phẳng, bà Ninh – một người con của Huế, thiếu hàng ngàn nạn nhân bị thảm sát hồi Tết Mậu Thân 1968 và thân nhân của họ một món nợ miệng về máu dân lành.
***
Đặt vấn đề như thế không có nghĩa là tán thành thảm sát. Song muốn bàn về vai trò và trách nhiệm của Bob Kerrey trong vụ thảm sát ở Bến Tre thì phải hiểu biết. Đây là ý kiến của một người hiểu biết – một người trong cuộc đã từng săn đuổi những người như Bob Kerrey và bị những người như Bob Kerrey săn đuổi lại: Chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp”trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi? Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi… (Nguyên Ngọc – Về trường hợp Bob Kerrey) (1)
Nếu chưa biết một cách tường tận thì nên tìm hiểu, ngẫm nghĩ cho kỹ rồi hãy mở miệng. Đừng hàm hồ và cũng đừng nhân danh.
***
FUV là hậu thân của FETP (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright). FETP hoạt động bằng tiền của Quỹ Fulbright, Quỹ này phối hợp giữa “John F. Kennedy School of Government”, thuộc Đại học Harvard với Đại học Kinh tế TP.HCM để đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành ứng dụng lý thuyết kinh tế vào việc soạn thảo chính sách công (Applied Economics for Public Policy). Đây là một trong những chuyên ngành mới của Đại học Harvard. Riêng học phí phải trả nếu muốn theo học chuyên ngành này đã là cả trăm ngàn USD. (2). Trong hơn một thập niên, FETP đã đào tạo cho Việt Nam vài trăm thạc sĩ như vậy. Việt Nam chẳng mất xu nào, người học thì được cấp học bổng, được lo chỗ ăn ở để toàn tâm, toàn ý hoàn thành chương trình học. Tiếc là vài trăm người đó chỉ có Giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình đào tạo cao học (Certificate of Post Graduate Study) chứ không nhận được văn bằng Thạc sĩ của Đại học Harvard. Lý do là vì Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam nhân danh “liên kết”, đòi FETP phải đưa “Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học” và “Kinh tế chính trị” vào chương trình đào tạo nhưng Đại học Harvard dứt khoát không chịu! Bất đồng vừa kể dẫn tới chuyện không có văn bằng, thiệt cho cả người học lẫn Việt Nam. Sự xuất hiện của FUV với hai chữ “tự chủ” là có lý do chứ không phải tự nhiên mọc lên như mụn!
Khi đến Mỹ định cư, một người quen của mình đã gửi Giấy chứng nhận hoàn tất chương trình đào tạo cao học về Applied Economics for Public Policy của FETP cho một cơ quan thẩm định giáo dục ở Mỹ để lượng giá. Cơ quan này đã liên lạc với Đại học Harvard và đại học này xác nhận Certificate of Post Graduate Study mà FETP đã cấp, tương đương văn bằng Thạc sĩ mà Đại học Harvard cấp. Kể như thế để khẳng định giá trị của FETP. FETP, giờ chính thức là FUV sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm bao nhiêu từ ngân sách và tài sản xã hội trong việc tạo ra một nguồn nhân lực cần cho phát triển? Khó lượng định hết nhưng chắc chắn là rất lớn. Lớn lắm!
***
Có một sự lầm lẫn về vai trò của Bob Kerrey với FUV. Sự lầm lẫn này đã được một blogger tên là Hiệu Minh giải thích (3).
Nói một cách vắn tắt thì Bob Kerrey chỉ là người điều hành chuyện xin tiền cho FUV hoạt động đúng với tôn chỉ của nó là vô vụ lợi. Những kẻ phản đối thừa nhận Việt Nam cần FUV, hoan nghênh FUV. Còn FUV thì cần Bob Kerrey để đúng là FUV.
Trong trường hợp này, thừa nhận, hoan nghênh và phản đối là “tự mình đ… mẹ chính mình”. Nó lố bịch chẳng khác gì một kẻ cần giúp đỡ, trâng tráo “thừa nhận”, “hoan nghênh” việc giúp đỡ nhưng đòi phải chọn người đứng ra giúp đỡ phải làm cho mình cảm thấy được! Xin lỗi vì đã viết như vậy nhưng mình ngẫm nghĩ mãi mà không tìm ra cách diễn đạt nào cho những kẻ phản đối dễ lĩnh hội hơn!
***
Không thấy những kẻ phản đối, phản đối việc thắt chặt quan hệ với Mỹ dù Mỹ là “kẻ thù, gây nhiều tội ác với dân chúng Việt Nam”. Tại sao thì có lẽ không cần phải bàn. Không phản đối Mỹ chỉ phản đối Bob Kerrey có mâu thuẫn không? Đọc các ý kiến phản đối, quan sát các cá nhân phản đối, ngẫm chúng cho kỹ, có lẽ sẽ nhận ra một yếu tố, hành động “phản đối” dường như chỉ nhằm để “đăng ký lập trường”, “đánh bóng” mình. Trong số những người phản đối sớm nhất, mạnh mẽ nhất có Nguyễn Đức Hiển – Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM. Hiển khoe ý kiến của Hiển được New York Times trích dẫn (4). New York Times thì sao?  New York Times cũng chỉ như các cơ quan truyền thông khác: Cần những ý kiến khác nhau khi tường trình một sự kiện. Chọn dẫn ý kiến của ai đó trong câu chuyện Bob Kerrey thì cũng giống như khi thực hiện đề tài vẫn đái ở chỗ cấm đái, Pháp Luật TP.HCM chọn ai đó giải thích tại sao họ đái ngoài đường. Thế thôi! Sự đắc ý này nơi Tổng Thư ký Tòa soạn một tờ báo vừa đáng tội nghiệp cho cả tờ báo, vừa chỉ ra một điểm quan trọng: Tâm thế của y. Nếu thấy mình võ đoán, bạn cứ thử đọc trang facebook của y xem sao.
Chú thích: (1) Về trường hợp Bob Kerrey //  (2) Academic Year 2016-2017 Tuition and Fees // (3) Tại sao lại là Bob Kerrey // (4) Bob Kerrey’s War Record Fuels Debate in Vietnam on His Role at New University.

*** Lê Mạnh Kim: Tôn Nữ thị Ninh, bà là ai?
Thưa bà,
Tôi vốn biết bà từ lâu và cũng nghe danh bà là người có học thức và được học hành từ môi trường đại học Tây Âu, dù tôi không biết bà có chức vụ gì, nhưng từ ấy cũng cho tôi có chút lòng kính trọng bà. Vì lẽ đương nhiên tôi tin bà đã sống và học ở trời tây, nơi có các nền chính trị rất tự do phóng khoáng, nơi mà một người dân bình thường cũng có thừa hiểu biết về dân quyền, nhân quyền của mỗi công dân, thế nào là bình đẳng và bình đẳng là thứ mà người ta phải tuyệt đối tôn trọng và cũng là nơi mà người dân luôn có ý thức về một nhà nước chân chính luôn tôn trọng dân quyền, phục vụ dân sinh.
Nhưng qua bài viết “Bob Kerrey là khởi điểm xấu cho trường ĐH Fulbright” và bức thư ngỏ của bà sau đó, tôi thấy bà như hội đủ yếu tố của một mụ phù thủy ranh ma, tráo trở, lấp liếm, đạo đức giả, thù dai… và trả thù vặt, chứ không phải như một nhà khoa học, một trí thức như tôi đã từng nghĩ.
1- Bà khoe khoang cái mẽ bà đã từng tham gia biểu tình ở Paris chống chiến tranh Việt Nam trong những năm 60-70, tôi nghe bà nói mà nực cười vì sự tự hào của bà. Tôi nghĩ những người VN cùng biểu tình với bà, đa số họ đã thức tỉnh từ lâu, vì sự mê muội, vì sự cả tin mà một thời bị cuốn theo. Nếu bà là một người Pháp biểu tình tại Paris hay một người Mỹ biểu tình ở nước Mỹ để phản chiến thì tôi chấp nhận và chia sẻ quan điểm vì con em của họ phải hy sinh tính mạng vì một dân tộc ở một nơi xa xôi hay vì họ yêu hòa bình và muốn thế giới này mãi được yên bình, đừng có chiến tranh. Nhưng với bà, một người VN đã sống ở miền nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, tổ tiên của bà, quê hương của bà cũng ở miền nam. Hẳn bà cũng thừa biết là chiến tranh giữa hai miền nam – bắc VN là do chế độ miền bắc cổ súy xâm lăng với ý đồ thôn tính, đặt cả nước VN vào quỹ đạo của cộng sản VN và cộng sản quốc tế. Chứ người miền nam, chính phủ miền nam chỉ cầu mong cho có hòa bình để làm ăn và mưu cầu thịnh vượng cùng các nước năm châu, bốn biển. Vậy nếu bà muốn biểu tình chống chiến tranh thì phải ra miền bắc mà biểu tình mới phải chứ? Phải kêu họ, chính quyền Bắc Việt và đảng cộng sản VN đừng bắt hàng triệu thanh niên cầm súng vào “giải phóng miền nam”, để rồi phải đau khổ hy sinh xương máu một cách oan uổng khi tuổi đời chỉ mới 18-20. Vì miền Nam đang sống sung túc và tự do hơn miền bắc của họ nhiều, thì có gì mà phải giải phỏng theo lời bịp bợm của nhà cầm quyền miền bắc? Điển hình như bà thấy đấy, sau ngày 30/4/1975 có biết bao của cải, đủ cả Ti vi, cassette, tủ lạnh, xe máy, lúa gạo… và cả rất nhiều vàng được chở đem về miền bắc.
Những người VN mang danh nghĩa chống chiến tranh thời bấy giờ ai cũng biết đa phần trong số họ là những người có cảm tình với chế độ miền bắc hoặc là cán bộ Việt cộng nằm vùng, ngoài mặt họ đưa chiêu bài phản chiến nhưng thâm ý của là họ muốn Mỹ thôi giúp cho chế độ miền nam chống cộng sản, để miền nam càng mau bị miền bắc thôn tính đúng theo ý đồ phản bội của họ. Tôi gọi đó là những kẻ đã lầm đường và những kẻ phản bội, bởi lẽ nếu họ yêu thích chế độ miền bắc thì khi trao đổi người giữa hai miền sau hiệp định Geneve, sao họ không cuốn gói về miền bắc sinh sống với chế độ mà họ yêu thích?
Còn điều này nữa, bà là người học rộng, chẳng lẽ bà không hiểu, vì sao VN chiến thắng lớn tại Điện Biên Phủ mà phải ký hiệp định Geneve chấp nhận chia đôi đất nước? Sao không thừa thắng mà tiến lên đánh đuổi quân Pháp, chiếm cả Việt Nam (trong đó có Nam Kỳ Tự Trị mà thực dân pháp đã mở rộng một số quyền theo quy chế tự trị cho miền nam dưới quyền của Quốc trưởng Bảo Đại và các chính phủ của ông) để thống nhất ngay từ đó?
Chắc bà cũng biết Liên Xô và Trung Cộng đã âm mưu chia cắt nước VN làm hai miền nam – bắc từ trước khi trận Điện Biên Phủ mở màn, thành ra chiến thắng Điện Biên Phủ tuy là lớn, nhưng không có nhiều ý nghĩa với tiến trình lịch sử của dân tộc. Bởi vì bọn Trung Quốc sau chiến tranh Triều Tiên, họ đã tổn thất rất nhiều, và tình hình bất ổn trong nội bộ nước họ, họ không muốn chiến tranh VN kéo dài thêm nữa, và với ý định chia đôi nước VN, miền bắc vẫn chịu ảnh hưởng của họ, lệ thuộc vào họ, miền nam dù Mỹ có nhảy vào giúp bảo vệ chế độ miền nam, thì Trung Quốc cũng không phải lo về đối đầu với Mỹ vì có lãnh thổ miền bắc trở thành vùng đệm, che chở rất an toàn cho nước họ. Thế là trong một hội nghị ở Quảng Châu họ đã ép ông Hồ Chí Minh phải ký hiệp định Geneve theo ý của họ và họ đã hứa với ông Hồ Chí Minh là sau này nếu chiến tranh có bùng phát trở lại thì lúc đó họ sẽ giúp cho miền bắc bằng mọi giá. Và ngay lúc này ông Hồ Chí Minh đã cho họ biết là ông sẽ đánh miền nam... Và thế là để thi hành hiệp định Geneve theo đúng thì các cán bộ, đảng viên đảng cộng sản, từ bắc vào và những người thuộc Việt Minh phải rút hết về miền bắc, những ai còn ở lại thì phải ra trình diện với chính quyền miền nam và không được tiếp tục hoạt động chống chính phủ miền nam. Những người dân miền nam nào ưa thích chế độ miền bắc thì cứ tự do di chuyển về miền bắc sinh sống. Ngược lại những người đang ở miền bắc mà thích sống với chế độ miền nam thì cứ di cư vào nam. Thế là hơn 1 triệu người miền bắc đã di cư vào nam và người miền nam thì tập kết ra bắc.
Lúc này ông Lê Duẩn, bí thư xứ ủy Nam kỳ đã giả bộ lên tàu chuẩn bị về miền bắc, nhưng ông đã bí mật hóa trang xuống tàu và ở lại miền nam, cùng với việc ở lại miền nam bất hợp pháp của Lê Duẩn là nhiều vũ khí được chôn giấu lại trên khắp miền nam và một số lượng cán bộ được bố trí bí mật ở lại, nhiều tài liệu nói là số cán bộ bí mật ở lại này lên đến con số 800.000 người, thật kinh khủng để tiếp tục tổ chức lực lượng chống phá chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền nam, dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn. Và chính ông này đã viết ra đề cương chiến lược “giải phóng miền nam”, mà gọi cho đúng tên là kế hoạch chiếm đoạt miền nam mới phải. Lúc này ở miền nam chưa hề có một tên lính Mỹ nào cả. Và kế hoạch chiếm miền nam này của Lê Duẩn đã được ông mang ra miền Bắc trình bày với bộ chính trị đảng công sản và đã được thông qua với quyết tâm chiếm miền nam bằng mọi giá. Ngay sau đó là đường mòn Hồ chí Minh được xây dựng vào năm 1959 và Mặt trận Giải phóng Miền Nam cũng ra đời năm 1960, lúc này vẫn chưa có lính Mỹ ở miền nam. Thế thì cái chiêu bài đánh Mỹ “giải phóng miền nam” chỉ là thứ giả hiệu, là chiếc bình phong che đậy mưu đồ xâm lược miền nam của chính quyền miền bắc thôi, chứ chẳng có giải phóng ai, cũng chẳng có đánh Mỹ gì cả, vì cho mãi đến năm 1965, lính Mỹ mới đổ bộ vào miền nam với mục đích cao cả là bảo vệ chính phủ miền nam, bảo vệ miền nam để đừng rơi vào chủ nghĩa cộng sản, đừng rơi vào tay của chính quyền miền bắc.
Bà chắc cũng biết chế độ Ngô Đình Diệm ở miền nam trước sau vẫn cự tuyệt, không ký hiệp định Geneve, họ đòi không chia đôi đất nước và đình chiến, phe nào ở đâu thì giữ nguyên vị trí ở đó. Điều này trái hẳn với ý đồ của Trung Cộng, nên Trung Cộng ra sức thuyết phục người pháp, thuyết phục ông Hồ Chí Minh, cuối cùng Hiệp định Geneve đã hình thành mà không có chữ ký của chính quyền Ngô Đình Diệm và phần phụ lục về việc tuyển cử để thống nhất đất nước là hầu như không có nước nào dự hội nghị ký vào văn bản này và đương nhiên là chính quyền miền nam của Ngô Đình Diệm cũng không có ký vào đây. Vì thế cho nên luận điệu tuyên truyền của miền bắc nói rằng, vì chính quyền Ngô Đình Diệm không thi hành tổng tuyển cử nên họ tiến hành cách mạng giải phóng miền nam rồi xua quân đội miền bắc vào miền nam chỉ là luận điệu giả dối cho tham vọng chiếm miền nam của họ.
Và bà cũng không đờ đẫn, không điên khùng đến mức không biết là sau hiệp định Paris thì không còn lính Mỹ ở miền nam, thế mà Bắc Việt vẫn dốc toàn lực vào đánh miền nam, thì là đánh Mỹ sao hả bà Ninh? Chỉ có những người mất trí mới nghĩ như thế.
Thành ra cái trò biểu tình phản chiến mà bà kể công ở đây, chỉ là thứ biểu lộ cho sự thiếu hiểu biết, không thức thời hay sự mê muội nghe theo luận điệu tuyên truyền mà bà vẫn còn cố giữ. Bà không thể phản chiến để kêu chính quyền miền nam đừng đánh trả miền bắc đang tấn công họ, mà bà có giỏi thì nên biểu tình ngăn chặn ý đồ và hành động tàn nhẫn của chính quyền miền bắc, đưa quân tấn công miền nam, như thế thì bà mới là người có công với dân, với nước, tránh được đau thương cho dân tộc bà ạ.
2- Bà cũng khoe khoang cái mẽ bà đã từng công tác trong ngành ngoại giao hơn 30 năm và từng quen biết với nhiều nhân vật người nước ngoài, từ nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, nhà học thuật, nhà kinh tế … và nhiều nhà khác nữa. Nhưng qua những gì bà thể hiện trong bài viết, tôi nghĩ bà đã đem danh dự, lòng tự trọng, tính nhân đạo, lòng vị tha … của dân tộc VN phỉ báng trước thế giới có lẽ là nhiều hơn những gì bà đã làm gì cho giống nòi VN được tôn vinh trên trường quốc tế. Những con người hẹp hòi, nhỏ mọn, ích kỷ, thâm thù … như bà, mà cũng làm công tác ngoại giao ngót hơn 30 năm thì càng khẳng định thêm chế độ này lắm khi rất u tối trong việc tìm hiền tài để phụng sự tổ quốc và nhân dân. Có thể một phần vì thế mà người nước ngoài họ đánh giá VN, là nước không chịu phát triển? Trên đời này có một nhà nước nào lãnh đạo quốc gia mà không muốn cho nước mình phát triển không chứ? Tôi hỏi trời hay hỏi ai đây?...Thì ra chỉ có những con người như bà chỉ lấy hận thù, chỉ lấy cái ích kỷ cá nhân mà đem ra làm việc lớn, việc nước, việc dân, bà đem cái thành kiến nhỏ mọn của cá nhân bà ra đặt trước cái lợi ích của nhân dân, của đất nước, cái loại cán bộ như thế này thì đất nước không phát triển, nhân dân không được tự do, hạnh phúc là phải lắm. Ba mươi năm đổi mới rồi, 70 năm xã hội chủ nghĩa rồi, mà đất nước ngày càng tụt hậu so với thế giới, cái gì cũng thua thiệt với người ta, chỉ có lòng tự hào rởm, chỉ có tham nhũng, đàn áp, bất công … là hơn người. Còn nước nghèo vẫn nghèo, kinh tế phụ thuộc nước ngoài, biên cương bị gặm nhấm, lãnh hải, hải đảo bị người ta xâm lấn, chiếm giữ và ngạo nghễ từng ngày. Nhân dân ở các vùng xa, vùng sâu, vùng cao … đa số vẫn còn nghèo và đói, phải cứu trợ bằng gạo, thời đại ngày nay mà phải cứu trợ bằng gạo, thì hỏi có đau lòng không? Đạo đức xã hội suy đồi, không biết bao nhiều là thứ tội phạm, không biết bao nhiều thứ trò lừa đảo trên mọi lãnh vực đời sống và ngày càng tinh vi tàn ác … !
Nhân phẩm con người VN bị đem ra bán rẻ trước thế giới, phụ nữ chỉ mong được lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc, Hàn quốc, kể cả đàn ông nghèo khổ châu Phi, chỉ mong thoát khỏi cảnh nghèo hèn, chỉ mong được đổi đời và bất chấp tất cả những ê chề, tủi nhục. Thanh niên nam nữ thì mong xa lìa gia đình, quê hương, đất tổ để đi tìm kế sinh nhai, dù đó là vùng xa xôi, nước xa xôi mà họ chưa hề biết đến. Nhưng đi để được làm gì? Chỉ được làm lao động chân tay và làm osin, thế nhưng cũng bị cơ quan công quyền đặt ra những chi phí quá cao, thủ tục nhiêu khê và bọn lừa đảo cũng dựa vào đó mà ra tay lừa gạt, khiến cho nhiều người phải mang nợ không biết đến bao giờ mới trả hết được. Còn những người đã đi thì khi sang đến xứ người chỉ mong được trốn ra ngoài làm chui hay trốn ở lại làm chui thì mới mong trả được nợ khi đi và dư được chút tiền. Cái bóc lột ngày nay nó như thế đó.
Nhưng những tình cảnh này, những kẻ làm quan như bà chắc chẳng mấy khi đếm xỉa đến, mà chỉ quan tâm đến vấn đề sĩ diện cá nhân rởm, chỉ lo làm giàu thôi thì phải? Những kiểu dùng người chỉ theo cảm tính, sử dụng nhân tài không cần nghĩ đến quá trình, công lao và lòng nhiệt thành của họ đã và đang đam mê với lý tưởng, với công việc như ông Bob Kerrey, rồi bỗng nhiên bị người ta dứt ngang cho ra rìa. Cái cách chọn người, sử dụng con người vô tâm, tàn nhẫn … và phá hoại này vẫn thường thấy ở chính quyền VN, chính vì thế mà đôi khi có những chính sách tốt, những ý tưởng hay… nhưng cuối cùng thì thực hiện chẳng đến đâu, chỉ làm lãng phí và tăng thêm sự trì trệ, tụt hậu thôi.
Phải, bà nói nước Mỹ không thiếu nhân tài, nhưng sử dụng nhân tài như bà và như chính quyền của bà thì chẳng ai còn động lực để phục vụ, chẳng ai muốn phục vụ cho những kẻ vô tâm, vô ơn và không tôn trọng nhân tài như thế. Thật ngớ ngẩn khi bà ví ông Bob Kerrey và trường đại học Fulbright như một cuộc hôn nhân, nhưng đến phút cuối khi đôi tân lang, tân nương sắp lên xe hoa, họ chẳng có lỗi gì cả, họ vẫn yêu thương, thì bà lại muốn thay đổi, tân lang phải là người khác, mà nguyên nhân là do bà chụp mũ và gán ghép, không thừa nhận lòng thành của người ta. Hôn nhân kiểu của bà là hôn nhân gì vậy, tôi không nghĩ bà là một người có học, mà là một kẻ vô học thì đúng hơn. Bà học kiểu gì mà sống như kiểu rừng rú như thế? Bà cũng khoe khoang cái mẽ làm luận án thạc sĩ qua tác phẩm của một nhà văn Mỹ, nhưng tôi nghi ngờ những gì bà viết trong đó cũng chẳng có gì hay ho!
3- Cái tâm tốt của con người là biết nhìn ra lẽ phải, biết thừa nhận cái sai và biết ăn năn hối cãi, dù sự ăn năn hối cãi ấy có muộn màng nhưng cũng sẽ làm cho người ta dễ quên đi nỗi đau. Ngược lại cái tâm xấu xa là kẻ không nhìn thấy cái ác quanh mình, tức là cũng đồng phường, đồng hội với kẻ ác, hoặc thấy cái ác mà im lặng thì ta là người hèn nhát hay đồng lõa, còn nếu ta ca ngợi cái ác thì chính ta còn ác hơn kẻ đã thủ ác. Bà chai mặt và vô tâm đến mức khi một người đã nói ra lời xin và đã có nhiều hành động để chứng tỏ họ đã ăn năn và chuộc lại lỗi lầm, khi trong một tình thế mà họ phải đối diện với cái chết của chính họ và đã gây ra tội lỗi. Những kẻ vô tâm như bà khiến tôi cảm thấy ghê tởm nên tránh xa và càng ghê tởm khi biết là chung quanh bà vẫn có nhiều cái ác khác gấp hàng trăm lần, nhưng vì bà và họ cùng một phe, một phái nên bà đã làm ngơ, lãng quên hay chối bỏ, chứ đừng nói chi đến thừa nhận hay xin lỗi như ông Bob Kerrey.
Hẳn là bà không thể không biết đến cuộc cải cách ruộng ở miền bắc từ năm 1953 đến năm 1956, đã giết hại hàng mấy chục ngàn đồng bào vô tội, bà không thể thấy cái tàn ác của chế độ, khi một số người cần mẫn, chăm chú làm ăn và khi tích cóp được một số tài sản, dù tài sản cũng chẳng nhiều gì, chỉ cần 0,65 ha đất, hai con heo thôi, cũng đủ bị khép vào loại địa chủ, rồi bị chế độ này đem ra đấu tố để chiếm hết tài sản và có khi là cướp luôn cả tính mạng của họ. Chẳng những bị mất tài sản, tính mạng mà trước khi chết họ còn bị một lũ côn đồ của chế độ mạ lỵ, vu khống, chửi bới … vô cùng tàn nhẫn.
Chắc bà cũng không thể không biết vụ án của bà Nguyễn Thị Năm, chủ cửa hàng bán vải sợi Cát Hanh Long. Bà này chồng mất sớm, nhờ tài quán xuyến và làm ăn chăm chỉ qua bao nhiêu năm nên bà đã khá giả, giàu lên. Bà Năm rất có tinh thần vì nước, vì nền độc lập tự do của dân tộc nên trước cách mạng tháng 8 năm 1945, bà ấy đã hiến cho “cách mạng” một số tiền tương đương với 700 lượng vàng. Sau cách mạng tháng 8, trong tuần lễ vàng do ông Hồ Chí Minh phát động, bà Năm lại hiến thêm 100 cây vàng nữa. Nhà bà là nơi các lãnh đạo cao cấp của đảng thường tới lui, bà đã đối xử và nuôi dưỡng, che giấu như các ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ …
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồn điền cao su mà bà Năm mới mua là nơi chứa, nơi đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội. Bản thân bà Năm cũng là Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh, hai con bà cũng là bộ đội với chức vụ chỉ huy tiểu đoàn. Thế mà khi cần loại ra khỏi hàng ngũ đảng, những thành phần không xuất thân từ giai cấp bần cố nông, dù họ đã đóng góp rất nhiều công lao và hết cả tài sản cho đảng, thì đảng cũng không chùn tay chừa cho họ quyền được sống, vì thế nên bà Năm đã bị họ đấu tố và giết hại một cách tàn nhẫn. Thật đê hèn cho những người lãnh đạo khi giết hại một ân nhân rất lớn của mình, và đan tâm giết một người phụ nữ để mở màn cho cuộc đấu tố giết hại dân lành. Làm sao bà Ninh không biết bài báo “Địa chủ ác ghê” đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 và tác giả của nó, nếu bà đã là đảng viên cộng sản và tôn thờ lãnh tụ tối cao của đảng. Một bài báo đã trơ trẽn vu khống bà Năm đã giết hại đến 32 gia đình và 260 người … để rồi họ bắn bà một cách dã man, chỉ vì muốn có một phát pháo khởi đầu đấu tố cho thật ác độc để dọa nạt quần chúng.
Bà cũng không thể không biết đến cuộc tàn sát hơn 4000 thường dân vô tội ngay tại Huế, quê hương của bà, trong trận chiến Mậu Thân 1968 do Việt cộng gây ra. Những kẻ thủ ác đã nhẫn tâm giết đồng bào, đồng loại của mình bằng cách trói họ lại với nhau bằng dây kẽm gai và dùng súng đạn, cuốc, xẻng … họ dã man không thua gì bọn Khmer đỏ giết người, diệt chủng. Và gần đây ngay trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, chắc bà cũng không thể không nghe về chuyện bộ đội miền Bắc đã xả súng tàn sát hơn 200 thường dân tại ấp phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh trên đường họ tiến về Sài gòn. Còn rất nhiều tội ác của chế độ này lắm, biết bao nhiêu người đã chết tại trụ sở của cơ quan công an, trong nhà giam … và mới đây nhất là chuyện đầu độc môi trường biển suốt chiều dài 4 tỉnh miền trung mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân, chưa rõ thủ phạm, việc mất dần biển đảo, ngư dân bị bắn, bị cướp hàng ngày … dường như bà cũng chưa lên tiếng lần nào cả. Bà yêu nước hay bà yêu cái gì đây?
Nếu bà nói bà đã từng làm quan, làm chức to suốt hơn 30 năm qua, và tự hào về điều đó, khi mà đất nước chẳng tiến đến đâu, vẫn còn ngày càng tụt hậu xa với các nước khác, thì bà thật là kẻ dày mặt mới dám tự hào bà là quan chức. Nếu bà thấy quanh mình vẫn có rất nhiều điều tàn ác xấu xa và không ai dám thừa nhận tội ác, không ai có một lời xin lỗi với nhân dân, với vong linh của những người đã chết thê thảm, mà bà cũng không lên tiếng, để rồi bà vạch tội của một người khác, một người nước ngoài và bà một mực cố chấp, dù họ đã ăn năn hối cãi, thì bà thật là thứ lưu manh đầy dẫy trong xã hội VN ngày nay. Nếu bà bảo rằng ông Bob Kerry có ăn năn hối lỗi thì chỉ một mình ông ấy biết, chứ bà … làm sao biết và cũng không cần biết, dù ông ấy không những đã thể hiện bằng lời nói, cả hành động và ước muốn tốt đẹp của ông ấy dành cho đất nước VN và tương lai của người dân VN, thì theo tôi, bà đúng bà là một kẻ rừng rú, một con thú đội lớp người, chứ không là một nhà trí thức gì cả.
4- Một con vật hay một hạt mầm cây cỏ khi được sống trong một môi trường tốt thì bao giờ cũng tươi tốt, sẽ cho những bông hoa đẹp hay những trái chín ngon ngọt hơn là những cây, hoa, cỏ sống trong môi trường không thuận lợi. Đó là lẽ tự nhiên. Một con người nếu may mắn được rèn luyện, học tập trong một thế giới văn minh như phương Tây thì thường là hấp thụ được những điều hay lẽ phải, khi hiểu biết được những đều hay lẽ phải ấy, thì phải có lòng với quê hương đất nước, với dân tộc mình để khai sáng cho nước non và cho dân tộc, một nghĩa vụ và một trách nhiệm cao cả với tiền đồ của tổ tiên, họ không vì lợi lộc riêng mà bỏ cái sở học của mình để nghe theo những điều ngu muội của những kẻ ít học, không vì sự hèn nhát mà không dám đấu tranh cho cái lẽ phải được tồn tại và không vì bất cứ cái gì, để đánh mất tri thức của mình, thì đó mới là một nhà khoa học của dân của nước.
Bà đã đi học ở châu Âu, bà đã làm việc ở châu Âu, bà thừa biết cái nguyên tắc đối trọng để cân bằng quyền lực trong các nền chính trị dân chủ ở châu Âu, để đối trọng với đảng cầm quyền, chính phủ đương quyền là các đảng đối lập, là lá phiếu được toàn quyền lựa chọn của người dân, là cơ chế tam quyền phận lập nghiêm minh và rõ ràng của nó, để tránh đảng đương quyền, chính phủ đương nhiệm lạm quyền, tự tung tự tác và tham quyền cố vị. Đó mới đúng là những đối trọng để điều chỉnh một chính quyền của đảng đương quyền, họ sẵn sàng bị mất quyền lãnh đạo bất cứ lúc nào nếu họ bất tài, thất đức, thiếu trách nhiệm … làm dân chúng mất niềm tin. Thế nhưng trong tình trạng đất nước bi đát, vì tham nhũng và thất thoát trầm trọng … do lãng phí, năm 2007, bà đã viết trên Tạp chí Cộng sản về quan niệm đối trọng với quyền lực, theo bà chỉ cần các đoàn thể, các tổ chức như là công đoàn, mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ … là đủ! Một kiểu bồi bút, nịnh hót không thể tưởng tượng được, chẳng lẽ bà không biết các tổ chức này do đảng, của đảng “đẻ’ ra và trực tiếp lảnh đạo thì còn là đối trọng cái nổi gì?
Bà đã từng lý luận phản bác những người đấu tranh cho nhân quyền trong nước bằng luận điểu này đây: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”. Thật hết biết với thái độ trịch thượng kẻ cả của bà, trong nhân dân có những người có tuổi bằng tuổi của cha bà, mẹ bà …, trong những người bất đồng chính kiến với đảng, có những người cũng có tuổi đáng tuổi cha bà, mẹ của bà như ông Trung tướng Trần Độ, như nhà sư Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ … thế mà bà gọi họ là con em, cháu … nhân dân là con, em cháu của bà? Tôi phải chửi bà, người dân phải chửi bà như thế nào cho xứng đây? Có lẽ không còn từ nào cả bà Ninh ạ.
Còn nữa, cho dù bà có là gia trưởng độc quyền, độc đoán trong cái nhà của bà, thì bà cũng phải sống trong một xã hội, còn có rất nhiều nhà chung quanh, những nhà hàng xóm nếu thấy bà quá tàn nhẫn, độc ác với các thành viên trong nhà của bà thì họ cũng có quyền can thiệp chứ, luật pháp của nước nào cũng có điều khoản đó bà Ninh à. Và một thế giới văn minh thì nhân quyền chỉ có một định nghĩa cho toàn thế giới này, thành ra tôi không biết bà là người hay thú và bà đang sống ở đâu đây?
Đối với ông Bob Kerrey, nếu không được làm Chủ tịch Hội Đồng Tín Thác của trường Đai Học Fulbright, thì ông cũng có những chỗ làm xứng đáng khác, vì ông là một người có tài và tôi cùng nhiều người khác cũng khẳng định ông ấy là người có đức, vì chính ông ấy đã nhiều lần nói với mọi người là xin đừng biện hộ hay giải thích cho ông, vì ông có mặt trong toàn lính Mỹ trong cái đêm tai vạ ở làng Thạnh Phong thì xem như là ông đã có tội rồi và điều đó đã làm ông ray rứt cả đời, nó cũng làm cho mẹ của ông phải khóc, khi ông thành thật kể lại với mẹ của ông. Tôi thấy tư cách và phẩm giá của ông ấy tăng lên rất nhiều sau sự cố một kẻ tiểu nhân, cố thù dai, trả thù vặt … với ông. Tôi xin bà Ninh đừng có ngụy biện là bà vì lợi ích của nhân dân, của lịch sử, của dân tộc nhé. Nếu bà vì mục đích cao cả đó thì bấy lâu nay bà đã không ngậm miệng với những sự việc đau thương rất lớn lao mà tôi đã kể ở trên.
Và thật ngớ ngẩn khi trong thư ngỏ ngày 7 tháng 6, bà Ninh viết, bà sẵn sàng gặp lại ông Bob Kerrey … Trời, sao bà lại có thể sấc sược, trịch thượng đến mức xem ông Bob Kerrey là trẻ con như thế, bà kêu ông ấy gặp bà như để bà tha tội cho ông ấy và bà ban phát cho ông chức vụ … Một thái độ trịnh thượng như thế này, hèn gì bà gọi nhân dân VN là con em, cháu của bà như trên cũng phải. Một kẻ hết sức khốn nạn?

*** Võ Văn Tạo: Thảm sát man rợ ở Xuân Lộc - bao giờ công khai xin lỗi nạn nhân, trừng phạt kẻ gây tội ác?
Ngày 27-9-2015, hơn 40 năm sau vụ thảm sát đẫm máu sáng 21-4-1975 (9 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ) tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Xuân Lộc (nay là ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), làm hơn hai trăm thường dân thiệt mạng oan khốc, nhà thơ cựu tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch (Diễn Châu, Nghệ An; cựu phân đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 QĐNDVN) mới có cơ hội thăm lại người xưa, cảnh cũ, thắp nén nhang tạ tội cùng đồng bào. Rưng rưng lệ, nghẹn ngào, cựu chiến binh Trần Đức Thạch cùng nhân chứng sống là ông Đàn, hiện là Ấp trưởng Phú Mỹ (kiêm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Xuân Lập, 34 tuổi đảng) hồi tưởng vụ thảm sát kinh hoàng. Vụ việc kinh hoàng hiện về như mới xảy ra hôm qua. Ngày ấy, ông Đàn 18 tuổi, cũng suýt thiệt mạng oan uổng.
Vụ thảm sát xảy ra trong bối cảnh Sư đoàn bộ binh số 18 QLVNCH vừa rút khỏi Phú Mỹ, đơn vị ông Thạch tràn vô ấp làm nhiệm vụ chốt chặn đối phương. Trước đó, trong một cuộc giao tranh khốc liệt tại Xuân Lộc, Trung đoàn 266 có hơn hai trăm rưỡi bộ đội tử trận. Cấp trên tuyên truyền: dân chúng vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Hố Nai, Biên Hòa… đa số là công giáo di cư, chống cộng khét tiếng (thực tế tuyệt đại bộ phận dân Phú Mỹ theo đạo Phật)… Trên đường vô ấp, một bộ đội bị tàn quân phía VNCH (địa phương quân) bắn chết. Lập tức, bộ đội lùa dân chúng già trẻ, trai gái trong các nhà dân hai bên đường ra mặt đường, điên cuồng xả súng.
Từ bìa rừng cao su, nghe tiếng súng nổ, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, trinh sát Thạch phát hiện vô số thường dân bị giết hại, máu chảy như suối ven đường, người bị thương, người còn sống rên la thảm thiết… lập tức yêu cầu đồng đội dừng bắn và chỉ huy dân ấp chở người bị thương ra Bệnh viện Suối Tre cấp cứu; di tản phụ nữ và trẻ em vô rừng để tránh bị sốc do hiện trường rùng rợn khủng khiếp; đàn ông 18-45 tuổi trong ấp tập trung đào hố chôn các tử thi ngay chiều cùng ngày (đào hố và chuyển tử thi ra hố trong chiều 21-4, trưa 22-4 lấp hố), dọn dẹp hiện trường. Không có máy đào máy xúc, phải dùng máy xới và người dùng xẻng đào chiếc hố sâu cỡ 0,7m để chôn lấp tập thể các nạn nhân. Trừ hơn một chục tử thi được người nhà sống sót nhận diện và mai táng riêng biệt ở chỗ khác, còn lại đều lấp trong hố này. Ông Đàn nghẹn ngào kể, dân ấp có khoảng hơn một trăm rưỡi người thiệt mạng, còn lại là đồng bào chạy giặc từ thị xã Long Khánh, Sài Gòn… Có gia đình bị giết gần hết, chỉ may mắn sống sót duy nhất bé gái 3 tháng tuổi (hiện sống ở Sài Gòn). Có 3 gia đình 6-7 người/hộ, bị giết 4-5 người/hộ. Có gia đình đang núp trong hầm tránh đạn lạc tên bay, bộ đội kêu ra, chưa kịp ra thì bị quăng lựu đạn vô hầm. Sư cô già trụ trì ngôi chùa trước nhà ông Đàn chỉ vì xưng hô, gọi bộ đội là “ngài”, bị bắn xuyên từ ngực trái ra ngực phải. Một người đàn ông trên 50 tuổi, đang quỳ lạy van xin, vẫn bị kê AK bắn giữa trán. Một bé gái sát bên nhà ông Đàn, chừng hơn một chục tuổi, hoảng hốt kêu la thất thanh, bị bắn vỡ hàm (hiện ở Phú Mỹ). Anh du kích tên Nghê (hiện ở rẫy cách nhà ông Đàn 3km), đưa bộ đội về “giải phóng” quê hương, rụng rời khi biết cha đẻ cũng vừa bị sát hại. Có bà mẹ đang cho con bú, bị bắn chết, bé rơi từ ngực mẹ…
Trong cuộc hàn huyên cùng ông Đàn sáng 27-9-2015, ông Thạch nhờ ông Đàn điện mời ông Nghê đến nhà ông Đàn hội ngộ sau hơn 40 năm (sau vụ thảm sát, ông Nghê có cùng ông Thạch tổ chức khắc phục hậu quả và đưa ông Thạch về nhà nấu cơm ăn. Nhưng họ không còn tâm trí đâu để ăn), nhưng ông Nghê nói mắc đi đám cưới, cũng không đề nghị ông Thạch ở lại chờ hàn huyên. Ông Đàn cho biết thêm, khi ông chạy đến ngã tư trong ấp, nơi xác người chất thành từng đống, cha Nghê chưa tắt thở. Liền đó, xã đội lệnh Nghê nộp lại súng, vì sợ Nghê trả thù.
Trong hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” (viết 2008), cũng như trong cuộc hàn huyên với ông Đàn, ông Thạch đều bộc bạch: lúc ấy, ngoài mục đích chôn lấp để tránh sốc tâm lý và ô nhiễm, còn có ý phi tang nhanh để bảo vệ danh dự “Bộ đội cụ Hồ”. Hơn 40 năm đã qua kể từ buổi sáng kinh hoàng đẫm máu ấy, dân ấp chưa nhận được một lời xin lỗi, bồi thường từ phía quân đội cũng như nhà nước. Họ cũng chẳng biết (và chẳng dám) kêu oan ở đâu. Đặt vấn đề hỏi chuyện tổn thất của gia đình, họ sợ hãi lảng tránh… Thảm sát tàn ác là điều khó tránh trong chiến tranh ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, tội ác quân đội Đức, Nhật, Liên Xô trong Thế chiến 2 đều đã được nguyên thủ các nước nọ lên tiếng thừa nhận và nói lời xin lỗi nạn nhân cùng hậu duệ họ. Một trong những kẻ trực tiếp chỉ huy vụ thảm sát thường dân ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã bị tòa án Mỹ kết án.
Hơn 40 năm qua, vụ thảm sát đẫm máu man rợ ở Phú Mỹ vẫn trong bóng tối. Bao giờ hơn 200 oan hồn thường dân vô tội mới siêu thoát?.. (Hình: Cựu chiến binh Trần Đức Thạch quỳ lạy trước " BIA TƯỞNG NIỆM - Đồng Bào tử nạn do chiến tranh - Ngày 21 tháng 04 năm 1975 - Nhằm ngày 10 tháng 3 năm Ất Mão).

(iii) Phạm Cao Hoàng (Thơ): Dẫu thế nào con cũng trở lại miền trung
dẫu thế nào
con cũng trở lại miền trung
nơi mẹ đã ôm con bằng vòng tay bao la của biển
nơi giấc ngủ con được ru bằng tiếng sóng
nơi những ngọn phi lao nô đùa cùng tuổi thơ con
mẹ ơi!
con muốn tìm lại mảnh trăng tròn
treo lơ lửng đêm rằm nơi cửa biển
con muốn nhìn nước của đại dương và bầu trời xanh biếc
cánh chim hải âu và ngọn hải đăng
con yêu miền trung yêu biển quê mình
yêu những con còng hiền lành
và những ngư dân chất phác
yêu những đôi tình nhân
để lại dấu chân trên cát
đêm và những chiếc thuyền câu lấp lóe ngoài khơi
mẹ ơi!
xa quê hương con ngồi ở một góc trời
con nhớ biển và nhớ vòng tay của mẹ
miền trung quê mình năm nào cũng đón những cơn bão dữ
năm nào cũng ngâm mình trong lũ lụt kinh hoàng
và bây giờ biển khóc dân lầm than
nhìn cá chết trắng bờ thương miền trung quá đỗi
biển bình yên cả triệu năm bây giờ là nạn nhân của những mưu đồ đen tối
nạn nhân của bọn người không có trái tim
dẫu thế nào
con cũng trở lại miền trung
nơi mẹ đã ôm con bằng vòng tay bao la của biển
mỗi người một tay cùng nhau cứu biển
biển sắp chết rồi không lẽ cứ ngồi yên? (luanhoan.net)

(iv) Xuyên Trà (Thơ): Thơ Cho Biển Cả
Bơi cũng chết
Không bơi cũng chết
Lặn nơi nào, cũng kiếp nạn diệt vong
Thuyền ra cửa biển ùn ùn đỏ
Gió Bắc phương, máu chảy ròng ròng
     Lật đắm thuyền như cơn hồng thủy
     Chất thải ra tự hủy giống nòi
     Máu ông cha nghìn xưa chưa ráo
     Mực anh linh sử sách còn soi
Nghe rờn rợn bóng thù trước cửa
Sóng triều lên biển ngất xô bờ
La liệt cá tôm tràn bải cạn
Đêm dập dồn tiếng khóc trẻ thơ
     Khản tiếng gọi Âu Cơ ngày trước
     Cháu con sao lạc bước đường cùng
     Tiếc một thời minh vương thất sũng
     Giờ quê hương bão tố mịt mùng
Tiếng dân oan kêu trời bỏ mặc
Bờ biển Đông se thắt lửa hờn
Thời của ma làm người chật đất
Bởi đồng tiền bán đứng giang sơn
     Không thể thiếu tấm lòng của biển
     Sóng Bạch Đằng hào khí vẫn ngàn năm
     Dẫu có chết cho sơn hà tổ quốc
     Hoa sẽ tươi quanh mộ chỗ ta nằm…(luanhoan.net)
.................................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: