Nước Đức và các thành viên Bắc Âu mỏi mệt vì đã đóng góp khá nhiều. Cử tri nào đồng ý đóng góp thêm với lý do để « hội nhập » hơn nữa ? Nguy cơ thứ hai gây lo ngại cho tiến trình củng cố Liên Hiệp Âu Châu là thành phần điều hành Ủy Ban Âu Châu gồm đông đảo chuyên gia, kỷ trị ít quan tâm đến ưu tư của người dân như: nạn thất nghiệp, kinh tế tăng trưởng thấp, lo âu thế hệ con cái không có cuộc sống bảo đảm. Ngay bản thân chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Jean-Claude Juncker, một người bị Anh Quốc xem là nguy hiểm vì chủ trương thành lập « liên bang Âu Châu » cũng phải nhìn nhận là cần phải « rút ra bài học » đang làm dư luận chống Bruxelles. Cho dù các nước Nam Âu có xu hướng thắt chặt mối dây liên đới, nhưng Ý và Tây Ban Nha đang bước vào chu kỳ bất trắc. Thủ tướng Ý Matteo Ranzi và Liên minh trung tả bị phong trào xã hội « Năm Sao » đoạt mất ghế Đô trưởng Roma và thị trưởng Turino. Ở Tây Ban Nha, tổng tuyển cử vào Chủ nhật này với phe cực tả Podemos chờ chia quyền, sau 6 tháng bế tắc chính trị.
Lãnh tụ Âu châu : Merkel hay Hollande ?
Ngày thứ Sáu hôm nay, mọi kỳ vọng đặt lên vai Tổng thống Pháp François Hollande, và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thế nhưng, theo Le Figaro, những ai tin cậy vào hai nhân vật này sẽ thất vọng hai lần.
Tổng thống Pháp đang mất uy tín trong công luận. Trong quan hệ song phương, sau bốn năm cầm quyền của François Hollande, hai nhà Lãnh đạo Pháp - Đức không cải thiện được mối quan hệ song phương. Hậu quả là hai dự án lớn là chính sách phòng thủ chung, và tiền tệ dậm chân tại chỗ. Không còn Anh Quốc thì chính sách an ninh chung sẽ tiếp tục bị hỏng, vì quân đội Pháp và Đức không có cùng « học thuyết » chiến đấu. Tuy quân đội Đức đang được tăng cường trang bị khá hùng hậu, nhưng khác với quân đội Pháp, không có chuẩn bị để can thiệp như đoàn quân viễn chinh.
Không hẹn mà nên, Libération và La Croix đặt vấn đề biên giới của Âu Châu . Theo nhận định của hai Dân biểu nghị viện Âu Châu trên nhật báo cánh tả độc lập, thì châu Âu cần « một biên giới mới », thành viên nào muốn ra thì ra. Còn đối với Chuyên gia Michel Foucher trên nhật báo Công giáo, thì châu Âu là một tập hợp đa dạng tuy có cùng biên giới tân tiến, văn minh và dân chủ, nhưng phải tôn trọng tính đa dạng này, đừng ép buộc nhau sử dụng chung một màu. Năm 1946, thủ tướng Anh Churchill đã từng khẩn thiết kêu gọi « thành lập một Liên Bang Âu Châu » nhưng ông nói thêm là « Anh Quốc không tham gia ! ».
Diệt Daech bằng chính trị bao dung.
Cuộc chiến chống Thánh chiến Daech ở Trung Đông tiếp tục chiếm các trang quan trọng. Đặc phái viên của Le Figaro tháp tùng một đoàn chiến xa Irak tiến vào Faloudja, ba phần tư thành phố vừa được giải phóng, nhưng vẫn còn khoảng 300 chiến binh Daech chờ đánh trận cuối cùng. Libération dẫn độc giả đến Manbij với tin lực lượng Kurdistan - Syria được Liên quân quốc tế yểm trợ chỉ còn cách trung tâm thành phố Syria này có hai cây số, nhưng Daech có thời giờ huy động 2.000 chiến binh, và gài mìn chờ phe tấn công. Trong khi đó thì tình hình trận đánh ở Syrte - Libya có vẻ bất trắc hơn. Dưới bức ảnh một toán quân của chính phủ đang ngồi nghỉ, Le Monde gửi thông điệp : « Cay đắng, cuộc chiến không yểm trợ ». Chiến binh Lybia than phiền không được Tây phương trợ giúp đầy đủ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Một khó khăn khác cho lực lượng Libya là: chiến binh Daech cạo râu để ngụy trang làm thường dân, lẩn trốn trong dân chúng. « Tiến quân đến đâu là thấy râu đến đó !», theo lời kể của một chiến binh chống Thánh chiến.
Theo phân tích của Le Monde, cuộc chiến chống Daech phải phối hợp quân sự với chính trị. Cho dù có tiêu diệt được « tổ chức » Deach đi nữa, ngày nào mà Irak và Syria chưa có một chế độ bao dung với các hệ phái tôn giáo khác nhau của dân chúng, thì ngày đó chiến tranh vẫn tiếp tục dưới hình thức du kích.
Trong không khí chết chóc này, báo chí Pháp không quên một tin vui đến từ Colombia - Trung Mỹ. La Croix, trên trang nhất, bên cạnh tấm ảnh lớn, và tin Đức Giáo Hoàng La Mã đi thăm Armenia, một nước Chính thống giáo, để phát huy tinh thần hoàn vũ trong thế giới Thiên chúa giáo, nhật báo Công giáo dành bài xã luận « Hoà bình tại Colombia ». Nguồn tin rơi xuống ngày hôm qua, mà theo tác giả, không ai quan tâm. Cuộc nội chiến ở Colombia đã kéo dài 50 năm. Phong trào nổi dậy, từ lý tưởng cộng sản tranh đấu vì nông dân biến thành buôn lậu ma túy, và bắt cóc, nay có cơ may chấm dứt. Thỏa thuận hoà bình đạt được là nhờ nỗ lực của nhiều Nhà trung gian hoà giải từ các vị Giám mục địa phương, Liên Hiệp Quốc, Na Uy, và Cuba. Tuy còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng sự kiện lãnh đạo mặt trận Mác-xít FARC, Juan Manuel Santos, chấp nhận ký hoà ước vào ngày 20/07 tới đây là một tấm gương cho nhiều nhà Lãnh đạo trên thế giới.
Hàn Quốc : Hiện tượng tình Bắc duyên Nam.
« Thanh niên đẹp là dân miền Mam, gái xinh xắn là dân miền Bắc ! ». Câu ca dao của Triều Tiên có từ trước khi đất nước chia đôi nay mang ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại bán đảo, theo Libération. Hiện tượng đàn ông Hàn Quốc lấy vợ người Việt Nam thì ai cũng biết. Tuy nhiên, theo Libération, một hiện tượng mà ít người biết đến, đó là đông đảo thanh niên Hàn Quốc tìm vợ ở Bắc Triều Tiên. Trong bài « Hai nước Hàn thống nhất bằng hôn nhân ». Chuyện duyên nợ trở thành một ngành « kinh doanh » phát đạt, và một công ty của ông Hong Seung Woo đã long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm hoạt động với thành tích tổ chức 560 đám cưới. Các cô dâu CS Bắc Triều Tiên là những phụ nữ đào thoát chế độ Bình Nhưỡng. Theo ông mai kinh doanh này thì lúc đầu công việc không phải dễ dàng, vì ông xem phụ nữ CS Bắc Triều Tiên là « gián điệp », là « quỷ cái » nên không mấy thích thú khi tiếp xúc. Bản thân ông thì bị dư luận trong Nam gọi là theo cộng sản. Thế nhưng những định kiến này biến mất sau một số vụ mai mối và có lợi, trong mức bình quân 2.500 đô la « trọn gói ». Đối với phụ nữ CS Bắc Triều Tiên, chiếm đến 80% trong số 29.000 người chạy sang Hàn Quốc thành công, thì hôn nhân là bước đầu cho phép họ hội nhập vào xã hội mới . Sở dĩ phụ nữ tị nạn đông hơn nam giới bởi vì họ ít bị công an CS Bắc Triều Tiên theo dõi nên đào thoát dễ hơn. Còn thanh niên Hàn Quốc tìm vợ miền Bắc vì họ… sợ con gái miền Nam : phái nữ Hàn Quốc « đã chiếm chính quyền ». Xin trích lời chủ Công ty Mai mối Hong Seung Woo : « Con gái Nam Hàn rất khó chịu, tính toán, mưu lược, đòi hỏi nhiều, và rất mê kim cương, và sửa mặt sửa mũi. Trong khi đó, các cô CS Bắc Hàn tị nạn thì rất nhu mì, dễ thương !».
Thật ra thì hai bên phải mất nhiều thời gian mới hiểu ý nhau và hoà đồng. Một phụ nữ CS Bắc Triều Tiên kể lại kinh nghiệm « thoạt đầu chồng của bà tưởng là chỉ cần vật chất đầy đủ là cô vợ Bắc quen kham khổ trong chế độ Bình Nhưỡng đủ hài lòng. Đàn ông Hàn Quốc không biết là vợ mình có những ước mơ thầm kín khác nữa. Chính vì từng sống trong gian khổ nên người phụ nữ CS Bắc Triều Tiên muốn một đời sống tốt đẹp hơn, chứ không phải chỉ có ăn là xong ! ».
Euro 2016 : các Thần tượng mới.
Cúp bóng tròn Euro 2016 bước vào vòng 1 trên 8. Báo chí Pháp, nhìn lại hai tuần lễ tranh tài với nhiều ngưỡng mộ : Thán phục các cầu thủ trẻ chưa thành danh, và những đội tuyển bị đánh giá lầm là tham dự cho vui. La Croix chú ý tài năng thi đấu của ba đội tuyển nhỏ là Xứ Wales, Cộng hoà Airelan, Bắc Airelan và Iceland (Băng Đảo) vào vòng 1/8. Le Figaro thì cùng chào mừng các tuyển thủ chưa nổi tiếng lắm của mọi đội tuyển như Dmitri Payet của Pháp, Gareth Bale của Xứ Wales, Gianluigi Buffon, thủ môn của Ý… đã mang lại hào hứng cho cúp Âu châu . Theo Le Figaro, khi Euro 2016 bắt đầu, nhiều nhà quan sát « cười ruồi » khi nói đến Iceland hay « tương lai » của các « đội tuyển nhỏ » trong cái Euro 24 đội này. Thế nhưng, bây giờ người ta mới hiểu ra. Nhờ những đội Iceland, Xứ Wales, Bắc Airelen, Slovakia hay Hungari với thủ môn Gabor Kiraly, 40 tuổi đã đem lại một làn gió mới cho cuộc tranh tài bóng tròn, đánh tan những định kiến cố hữu như là « cầu thủ này già, cầu thủ kia trẻ quá, thiếu kinh nghiệm, đội bóng này tham gia cho vui chứ làm được gì ? ».
Bắc Kinh TC tuyên truyền.
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay với một trang quảng cáo của Le Figaro. Mỗi thứ sáu, TC thuê bốn trang để tuyên truyền. Trong bài về biển Đông « TC không chấp nhận phán quyết của Toà án trọng tài », Đại sứ TC tại Pháp, Trác Tuấn (Zhai Jun), khẳng định TC là nạn nhân : « Chủ quyền các đảo và biển tại hầu hết biển Nam Trung Hoa là của TC. Trong thập niên 1970, Philippines đã liên tiếp lấn chiếm đảo của TC tại Nam sa (Trường sa) và đòi chủ quyền ». Đoạn cuối, Zhai Jun kết luận : « Toà án trọng tài vì mê quyền lực, nên sẵn sàng vượt ra khỏi thẩm quyền. Những tiếng nói kêu gọi TC chấp nhận phán quyết nêu lên tình huống quốc tế hơn cả phức tạp ».
Ngoài chủ đề lớn liên quan đến Brexit, trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm 24/06/2016, cũng dành ưu tiên cho một số đề tài như : Trai Nam Hàn tìm vợ CS Bắc Hàn, Daech thua tại Trung Đông , cuộc đọ sức giữa chính phủ Pháp và công đoàn, hoà bình Colombia, cuộc chiến « chống súng » tại Mỹ. ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét