Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Đi Nhật Ngắm Hoa Anh Đào - Chiêu Ấn



Mục đích chính của chuyến đi này của chúng tôi chẳng gì khác hơn là được chứng kiến tận mắt mùa xuân Nhật, được trải nghiệm sống trong không khí “hanami”, lễ hội truyền thống ngắm hoa anh đào nở của nguời Nhật.
<!->

Suốt khoảng thời gian hơn hai tuần lễ ở Nhật từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 17 tháng 4, chúng tôi may mắn nhìn thấy hoa anh đào ở khắp mọi nơi. Chúng tôi thuê và lái xe đi từ Tokyo đến Hiroshima, ghé các thành phố Nagoya, Kyoto, Nara, Osaka, Kobe, Himeji, Okayama, Fukuyama, thăm viếng hàng chục di tích văn hóa lịch sử được UNESCO công nhận gồm các lâu đài, chùa Phật Giáo, đền Thần Đạo và làng di sản truyền thống. 

Chúng tôi rời Nhật với thẻ nhớ máy ảnh chứa hàng ngàn hình ảnh và tâm trí chúng tôi đầy ắp những ấn tượng tốt đẹp về xứ hoa anh đào. Với tôi, có thể nói đây là một ước nguyện trong đời đã thành hiện thực.


H.1: Một cây hoa anh đào mọc dại rất thường thấy trên nước Nhật.

Nhà thơ, nhà tư tưởng Nhật Motoori Norinaga (1730-1801) từng nói "Nếu ai bảo tôi giải thích tinh thần Nhật Bản, tôi sẽ nói đó là hoa anh đào dại lóng lánh trong nắng mai!" (Nguyên bản bằng chữ Nhật của câu nói ấy đương nhiên tôi không hiểu. Tôi chỉ biết qua câu dịch Anh ngữ “If I were asked to explain the Japanese spirit, I would say it is wild cherry blossoms glowing in the morning sun!”)

Hoa anh đào đối với người Nhật không chỉ là một loài hoa đẹp mà là một sự mê hoặc. Cả nước như lên cơn sốt, thường trực theo dõi sự thông báo của chuyên viên khí tượng tiên đoán hàng ngày xem khi nào hoa anh đào bắt đầu nở.


H.2: Nhánh hoa anh đào nặng trĩu bởi những giọt mưa trong khuôn viên lâu đài Okayama.

Tôi nhận ra cảnh hoa anh đào rụng tan tác cũng mang một nét đẹp riêng. Những cánh hoa anh đào từ những cành cây thật cao rơi tơi tả và bay bay theo làn gió trông như một đàn bướm chấp cánh chập chờn lúc chúng tôi viếng thăm lâu đài Nijo ở Kyoto. Tôi cũng không quên cảnh những cánh hoa anh đào rụng điểm lốm đốm trên mặt những tảng đá và dán chặt trên mái ngói bờ tường lâu đài Okayama ở Hiroshima trong một ngày mưa. Và chúng tôi say sưa chụp ảnh. Hoa anh đào không héo úa trên cành cũng không rụng nguyên cả bông mà rụng từng cánh. Cánh hoa rụng như điểm trang cho nơi nó đáp lên, bất kể đó là đám cỏ, phiến đá, mái ngói hay một bức tượng đồng.

Một trong những nơi tốt nhất để xem hoa anh đào ở Tokyo chắc chắn là Shinjuku Gyoen, nơi có hơn một ngàn cây anh đào của cả hai giống nở sớm và nở  muộn, có nghĩa là mùa sakura ở đây kéo dài hơn ở những nơi khác trong thành phố. Chúng tôi đến đây chụp ảnh  ngày 31/3, là ngày thứ nhì chúng tôi có mặt ở Tokyo. Những nơi lý tưởng khác trong thành phố Tokyo để ngắm hoa anh đào gồm có Palace Gardens Imperial, Hamarikyu Gardens và Công viên Ueno là nơi chúng tôi chọn cho ngày thăm viếng đầu tiên theo lịch trình.


H.3: Một người mẫu mặc kimono đang bước theo người thợ chụp ảnh trong công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo.

Nhật Bản có hơn 600 loại hoa anh đào khác nhau, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những loại được lai tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người. Một trong số loại hoa anh đào phổ biến được trồng nhiều nhất và được biết đến nhiều nhất là loại Someiyoshino vì loại này có hoa nở trước rồi lá mới mọc sau. Cánh hoa cũng to hơn so với các loại khác và nhìn có vẻ đẹp quý phái hơn. Hơn nữa loại hoa này sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành một cây lớn và cho hoa nở nhanh hơn loại khác. Từ thời kỳ Minh Trị (Meiji), loại này đã được trồng phổ biến trên khắp nước Nhật.
Một số loại hoa anh đào phổ biến khác là Bạch Sơn Yamasakura, loại hoa anh đào Hồng Sơn Oyamasakura, loại sakura mochi Oshimazakura, loại Edohigan, loại hoa anh đào Mao Sơn Kasumizakura, loại Someiyoshino, v.v.


H.4: 3 thiếu nữ mặc kimono dự lễ hội ngắm hoa anh đào (hanami) nơi lâu đài Himeji.

Đối với người Nhật, và cả nhiều người nước khác trên thế giới nữa, tham dự lễ hội ngắm hoa anh đào vào mùa xuân đã trở thành như một nghi thức nhằm duy trì truyền thống từ xưa. Họ cùng người thân bạn bè trải một tấm chăn dưới cội hoa, cùng vui đùa trò chuyện, vẽ tranh, cùng chia sẻ thức ăn và nhìn ngắm những cánh hoa mong manh thẹn thùng ửng hồng đong đưa trong gió thoảng và không thể thiếu màn chụp ảnh lưu niệm. Nhiều phụ nữ đi dự lễ hội “hanami” theo phong cách xưa, xúng xính trong những bộ lễ phục kimono lộng lẫy và bước đi với dáng dấp lúp xúp đầy nữ tính điệu đà. Lễ hội diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm dưới những đèn lồng treo lơ lửng và lung linh tỏa sáng.


H.5: Một nhánh hoa anh đào nghiêng mình soi bóng nước ở lâu đài Himeji.

Có truyền thuyết cho rằng "sakura" là cách gọi lái từ "sakuya", trích từ tên của nữ thần Konohana-Sakuya-hime, một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử "Cổ sự ký" (Kojiki) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà. Có lẽ vì thế người ta cho rằng tên Sakura bắt nguồn từ đó.
Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh, trong sân các ngôi biệt thự. Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, tùy từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn. Ở miền Nam Nhật ấm áp hơn, hoa có thể nở từ cuối tháng Giêng, trong khi vùng Hokkaido phía Bắc Nhật Bản, hoa có thể nở vào tháng Năm. Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ Nam lên Bắc trong nước Nhật hàng vài tháng trời.

H.6: Chùm hoa anh đào trong Công Viên Quốc Gia gần Hoàng Cung Kyoto.
Mặc dù Sakura không được công nhận chính thức là quốc hoa nhưng được người dân Nhật yêu thích, nên thực tế nó tồn tại như biểu tượng là quốc hoa của nước Nhật. Với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loại hoa có đời sống ngắn ngủi nên được các samurai rất yêu thích, vì nó tượng trưng cho "con đường chết" của người võ sĩ (sống và chết như hoa anh đào). Cánh hoa anh đào rụng vẫn còn tươi nguyên, người võ sĩ đạo giữ vẹn tiết tháo và xem thường cái chết, có thể bỉnh thản hy sinh mạng sống cho lý tưởng, nhẹ nhàng ra đi như một cánh hoa anh đào rời cành về với đất.


H.7: NAG Yến Linh (hay khôi hài đính chánh tự gọi mình là "thua" guide thay vì tour guide) đang tạo dáng bên cành hoa anh đào trong công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo.

Tọa lạc ngay gần ga Shinjuku, Shinjuku Gyoen là một trong số những công viên lớn và nổi tiếng nhất ở Tokyo. Những bãi cỏ rộng rãi uốn quanh con đường đi bộ và khung cảnh thanh bình đem đến cho du khách cảm giác thư thái, thoải mái.Shinjuku Gyoen có 3 khu vườn chính là vườn Anh, vườn Pháp và vườn truyền thống Nhật gồm có cả nhà thưởng trà và đặc biệt là có khu vườn được đặt tên Khu vườn Mẹ và Con. Mùa đẹp nhất ở đây là vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là mùa hoa anh đào nở rộ. Vào dịp này không chỉ người Nhật mà đông đảo du khách từ các nơi đến ngắm hoa anh đào cùng với picnic ăn uống trên thảm cỏ.


H.8: NAG Khánh Lượng bên một cây hoa anh đào thuộc hàng cổ thụ trong công viên Shinjuku Gyoen ở Tokyo.

Càng ngày cây hoa anh đào càng được trồng tại nhiều quốc gia trên thế giới hơn nhưng không ở đâu hoa anh đào có thể đẹp như ở khung cảnh đất nước Nhật Bản.

H.9: NAG Anh Vũ đứng trước Chùa 5 Tầng trên đảo Miyajima gần Hiroshima.

Theo thống kê của Tổ Chức Du Lịch Quốc Gia Nhật Bản, năm 2015 có 19.73 triệu du khách ngoại quốc đến thăm nước Nhật và đã mang lại một số ngoại tệ tương đương với hơn 32 tỷ Mỹ kim, nhiều nhất là từ Trung Hoa, Đài Loan, Hương Cảng. Trong lúc viếng Kim Các Tự ở Kyoto, tôi thấy có vài tốp du khách từ Việt Nam. Số lượng du khách tới Nhật đông nhất là vào mùa lễ hội thưởng ngoạn hoa anh đào (hanami).

Lễ hội này bắt nguồn từ xa xưa. Đối với người Nhật thời xưa, hoa anh đào có tầm quan trọng rất lớn bởi vì nó báo hiệu mùa trồng lúa. Người Nhật thực hành Thần Đạo tin tưởng mọi vật trong trời đất đều có một vị thần linh và có linh hồn. Với họ, có mối liên hệ mật thiết giữa hoa anh đào và gạo. Đó là ý nghĩa mà người Nhật thường uống rượu gạo “sake” trong lúc thưởng ngoạn “sakura”. Điều này phát triển thành truyền thống của lễ hội thưởng ngoạn hoa anh đào (hanami), một dịp của yến tiệc, ăn bánh gạo và uống rượu gạo.

Vào dịp lễ hội Hanami, người Nhật thường tụ tập dưới những tán cây hoa anh đào nở rộ, tổ chức những bữa tiệc ngoài trời, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau ca hát cả ngày lẫn đêm. Hình ảnh những thiếu nữ Nhật Bản trong chiếc áo kimono truyền thống dưới những tán hoa anh đào là một dấu ấn đậm nét cho lễ hội ngắm hoa Hanami đặc biệt của xứ sở hoa anh đào.

Nhóm chúng tôi cũng có một bữa ăn trưa trong công viên bằng thức ăn làm sẵn mua ở tiệm, nhưng không có rượu gạo sake mà cũng không có bánh gạo mochi. Vì vậy cho nên chắc không thể nói chúng tôi đã thực hiện một “hanami” đúng cách.


H.10: Chiêu Ấn bên hàng cây hoa anh đào đỏ tình cờ nhìn thấy trong lúc dong ruỗi dọc đường gió bụi.

Bài dân ca "Sakura Sakura" của Nhật miêu tả mùa hoa anh đào nở có nguồn gốc từ thời kỳ Edo và được dùng làm nhạc hiệu mở đầu cho "Tuyển tập các bản nhạc đàn Koto Nhật Bản" của sinh viên học viện âm nhạc Tokyo do Bộ Giáo Dục phát hành năm 1888. Bài hát này được phổ biến vào thời kỳ Minh Trị và thường đại diện cho Nhật Bản trong những dịp trình diễn giao lưu âm nhạc quốc tế. Riêng tôi chỉ quen với bài Mùa Hoa Anh Đào của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Thời gian ở Nhật, có những buổi sáng tôi thức dậy sớm. Nơi phòng khách sạn từ tầng thứ tám, trong lúc chờ đợi các bạn tôi ở các phòng bên thức dậy, tôi dõi mắt nhìn ra cửa sổ ngắm hàng cây hoa anh đào trồng dọc theo bờ sông. Hay từ cửa sổ khách sạn ở một thành phố khác, tôi nhìn cảnh mặt trời lên sau rặng núi xa xa để mà thả hồn mơ mộng.
Đến Nhật ngắm hoa anh đào

Tôi đã thấy hoa anh đào bừng nở
Khắp nơi nơi trên xứ sở anh đào
Chốn Phật đài hoa phủ dáng thanh tao
Nơi thiền viện tựa thiên thai dẫn lối.
Khi chiều xuống hoa tươi trên triền núi
Bên bờ hồ hoa thắm buổi ban mai
Đẫm mưa sương tựa tường vách lâu đài
Tuyệt vời quá hoa anh đào nước Nhật.

Chiêu Ấn.
PH-HCA
Trong chuyến đi Nhật 19 ngày vào cuối tháng Ba và đầu tháng Tư năm 2016 vừa qua, chúng tôi nhìn thấy ở vài nơi trong công viên hoặc vùng quê cây mơ ta tức mơ Nhật Bản (đôi khi còn được gọi là mận, từ Hán Việt là mai) trồng bên cạnh những cây anh đào. Vốn dốt môn vạn vật, tôi vẫn hay nhầm lẫn giữa hai loại hoa này, không chắc “cô” nào là anh đào và “cô” nào là mơ ta hay mận. Tôi chỉ nghe nói hoa mơ ta kết thành trái mơ ta (plum) có hình dáng giống như trái mơ tây (apricot); còn hoa anh đào ở Nhật không phải loại nào cũng kết trái anh đào (cherry) cho người ta hái ăn.
Hầu hết các loại anh đào Nhật là anh đào kiểng chỉ ra trái nhỏ xíu được các loài chim chiếu cố ăn hết. Chỉ có một số nông trại ở vùng Yamagata cách Tokyo hơn hai trăm cây số về  hướng đông bắc trồng cây anh đào thương mại để hái trái cung cấp khoảng 70% cho thị trường tiêu thụ quả anh đào ở Nhật. Trái cây ở Nhật nói chung rất đắt vì nước Nhật thiếu đất canh tác cho nông nghiệp.
Theo một trang nhà quảng cáo của Nhật, các vườn “cherry” ở vùng Yamagata cũng cung cấp cho khách hàng cái thú vào vườn “tự hái tự ăn” (pick-your-own) với giá tương đương khoảng 25 Mỹ kim một người trong giới hạn nửa giờ. Hay là mình gọi đó là “cherry buffet” được không? Đó là chưa kể quả anh đào (mà dường như ngày nay ngay cả người Việt mình trong nước ai ai cũng gọi đó là “cherry”) ở Nhật là loại màu đỏ nhạt với vị ngọt vừa phải,  không thể so bằng loại “bing cherry” của Mỹ to trái hơn và giòn ngọt hơn mà lại rẻ hơn.


Người Nhật gọi mơ là “ume”. Mơ Nhật nguyên thuỷ du nhập từ Trung Hoa từ thuở xa xưa, đã từng đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Nhưng sự phổ biến của hoa mơ cuối cùng đã bị hoa anh đào vượt qua. Dù sao người Nhật vẫn khoái ăn món mơ muối đề cập ở phần sau của bài viết.
Hoa mơ có màu sắc, cấu trúc hình dáng năm cánh giống như hoa anh đào đến mức độ khó phân biệt nên dễ gây nhầm lẫn ngay cả đối với một số người Nhật (và cả bọn tôi nữa cũng đã từng lầm).
Trước đây tôi cũng thờ ơ không để ý sự khác biệt giữa hoa mận và hoa anh đào cho lắm. Tất nhiên “sakura” (hoa anh đào) và “ume” (hoa mơ, hay chính xác hơn, mơ Nhật Bản) mãn khai vào những thời điểm khác nhau. Hoa mận thường nở sớm hơn hoa anh đào mấy tuần lễ nhưng dĩ nhiên đôi khi cũng có sự trùng hợp khi hoa mận nở trễ và hoa anh đào nở sớm. Trong thời gian ở Nhật, tôi vẫn thấy một số hoa mận vẫn còn trên cây và đã có những cây anh đào có hoa háo hức nở sớm. Vì vậy không phải dễ gì để tôi khỏi nhận diện nhầm mơ với anh đào. Với tôi, hoa mơ, hoa anh đào hay hoa táo gì cũng được miễn là đẹp thì tôi cứ chụp hình.

Dù sao, tôi cũng tò mò lướt Net để lục lạo xem làm thế nào phân biệt hai loài hoa đẹp như chị em sinh đôi đó. Sau đây là 8 sự khác biệt được ghi nhận.
- Hương thơm. Hoa anh đào có một tí xíu mùi thơm mờ nhạt thanh thoát thoang thoảng. Hoa mận có mùi thảo mộc nồng hơn. Nếu bạn phân vân chưa biết đây là mận hay đào thì bạn hãy dùng mũi để xác định là chắc ăn.
- Nụ hoa. Nụ hoa mận tròn, mỗi nụ một hoa. Nụ hoa anh đào thon dài, mỗi nụ mang một chùm hoa.
- Cánh hoa. Cánh hoa mận tròn, liền nhau; cánh hoa anh đào hình bầu dục, đầu mỗi cánh có một khuyết lõm.
- Cuống hoa. Hoa anh đào có cuống dài; hoa mận cuống ngắn gần như sát vào cành.
- Vỏ thân cây. Thân cây anh đào có vỏ màu xám với những vệt vằn (lenticels) theo chiều ngang trên thân cây. Cây mận có vỏ màu đen, thân cây không có vằn.
- Lá cây. Lá cây mận có màu xanh hoặc tím, cuộn lại khi khô. Lá cây anh đào có màu xanh hoặc màu đồng, gấp lại khi khô.
- Hình dáng của cây. Nhìn từ xa, cây mận có hình tròn hoặc hình bầu dục, trong khi cây anh đào có hình dáng giống cây dù hơn.
- Màu sắc. Có hơn 54 loại hoa anh đào. Hoa có thể có màu hồng từ trắng nhạt đến hồng đậm, vàng và đỏ. Hoa mận chỉ trắng hoặc hồng.

Không phân biệt được sự khác nhau giữa hoa anh đào và hoa mơ như tôi kể ra cũng là chuyện bình thường. Chỉ nội tên gọi thôi cũng đã lộn xộn. Mơ tây "apricot", mơ ta/mận "plum", đào lông hay đào nhung "peach" (có lớp lông mịn như nhung), đào trơn hay đào láng "nectarine" (tên văn vẻ là xuân đào), hạnh nhân "almond", anh đào "cherry", táo thường "apple", táo dại "crabapple", lê "pear" đều là những cây cùng họ hàng với nhau cả nên có hoa tương tựa nhau. Chính vì vậy mà những nhà thực vật học, những chuyên gia trồng cây ăn trái không ngừng tìm cách ghép cây (một hình thức cưỡng ép hôn nhân thảo mộc đó) để tạo ra giống cây mới. Ngày nay đã có những loại hoa quả “hybrid” (tiếng Việt gọi là “lai tạo” hoặc “nhân giống tạp giao”, nghe khó hiểu còn hơn tiếng ngoại quốc).
Từ lâu, các nhà vườn ở Mỹ đã ghép thành công mơ ta/mận (plum) với mơ tây (apricot) để có các loại quả mới có tên là Plumcots, Apriplums, Pluots và Apriums tùy theo mức độ và tỷ lệ thành phần pha trộn. Xin bạn đừng hỏi tôi tên Việt của mấy loại trái cây lai này vì thật tình tôi  chưa nghe nói bao giờ. Lá la là...

Gần đây ở Modesto California, người ta cũng đã ghép thành công mơ ta/mận (plum) và anh đào (cherry) với mục đích tạo ra một loại quả anh đào vừa ngon ngọt vừa to như quả mơ. Năm 2012, loại quả “lai tạo” này với tên gọi “Verry Cherry Plums” được mang ra giới thiệu chào hàng với công chúng và được hưởng ứng nồng nhiệt.  Một nhà vườn khác ở Fresno California tiếp đó cũng ra mắt loại quả nhân giống giữa mơ ta/mận và anh đào với tên là “Pixie Sweet”. Tên “Pixie” được đặt theo lối chơi chữ “P x C” viết tắt của “Plum x Cherry”.
Rồi đây nếu có dịp nào nhìn hoa của loại cây “hybrid” này, tôi không còn phải thắc mắc sợ mình xác định sai nữa vì quả thực trong trường hợp này, mơ hay anh đào thì cũng là một thôi.

Theo Bách Khoa từ điển mở Wikipedia, tại Trung Hoa lục địa có trên 300 giống cây trồng được công nhận cho loài mơ này. Chúng có thể được phân chia theo màu sắc thành các kiểu trắng, hồng, đỏ, tía, lục nhạt. Một vài thứ khá nổi tiếng vì các giá trị làm cây cảnh của chúng, ví dụ như Đại hồng mai, Chiếu thủy mai, Lục ngạc mai, Long du mai. Do mơ (mai) có thể sinh tồn trong một thời gian dài nên có rất nhiều cây mai cổ thụ ở khắp Trung Quốc. Người Trung Hoa phân loại mơ theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau: dã mai và gia mai, thực dụng mai và thưởng dụng mai, chân mai (mai thật sự) và hạnh mai (các dạng lai ghép với cây hạnh, tức mơ châu Âu), trực chi mai (mơ cành thẳng), thùy chi mai (mơ cành rủ) và long du mai (mơ rồng lượn).
Tại Nhật Bản, các giống mơ cảnh được phân loại thành các kiểu “yabai” (dã mai, nghĩa là mơ dại), “hibai” (hồng mai "mơ đỏ") và “bungo” (tên tỉnh Bungo). Kiểu “bungo” cũng được trồng để lấy quả và có lẽ là loại cây lai ghép giữa mơ ta và mơ châu Âu. Kiểu “hibai” có gỗ lõi màu đỏ và phần lớn có hoa màu đỏ. Kiểu “yabai” còn được sử dụng cho mục đích làm gốc ghép trong trồng trọt.

Trong 19 ngày ở Nhật, nhiều lần dùng bữa ăn trưa và ăn tối, chúng tôi được biết tới món “umeboshi” hay mơ ngâm muối, một đặc sản của người Nhật. Được tạo hương vị bằng muối với lá shiso (tía tô), nó có vị khá chua và mặn, và vì thế chỉ nên ăn một cách vừa đủ. Umeboshi nói chung được ăn với cơm như là một phần của “bento” (cơm hộp).
Người Nhật được làm umeboshi bằng cách đem quả mơ chín phơi héo rồi ngâm lâu ngày với thật nhiều muối. Đây là một món ăn có rất nhiều chất chống oxi hóa, rất tốt cho sức khỏe. Chính vì điều này mà mơ muối đã trở thành một món được ưa chuộng trong thực đơn của người Nhật vì họ luôn chú trọng tới sức khỏe. Chất chua mặn của quả dưa được tin là giúp cho khả năng tiêu hóa của thức ăn trong khi ăn uống. Theo y học cổ truyền Nhật Bản, món mơ muối có tác dụng ngăn ngừa các căn bệnh mùa lạnh như ho, sổ mũi, thải độc tố và giã rượu.

Các nhà khoa học tìm được nhiều điều thú vị về mơ muối. Những lợi ích của nó không còn nghi ngờ gì và được chứng minh ngay cả bằng phương pháp khoa học. Nhiều khoa sinh hoá đã khám phá ra các tác dụng được tính của nó, nhưng còn nhiều hữu dụng của mơ muối mà cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được. Người Nhật xưa tuy không hề hiểu biết về tính sinh hoá và thành phần hoá học của mơ nhưng họ đã thành công trong việc chuyển biến một loại trái cây thành một món ăn bổ dưỡng.
Nơi nổi tiếng về làm umeboshi ở Nhật Bản là miền trung tỉnh Wakayama, một địa phương gọi là Minabe. Món umeboshi theo truyền thống phải được làm từ những quả mận chín. Vào từ khoảng đầu tháng sáu đến giữa tháng bảy, khi mùa xuân nhường chỗ cho hè tới, hầu khắp đất nước Nhật Bản đều bước vào một giai đoạn thời tiết ẩm ướt mưa nhiều gọi là tsuyu hoặc baiyu (từ chữ Hán “mai vũ” vì người Trung Hoa gọi mơ là mai và có nghĩa là hoa mơ rụng như mưa). Đó là lúc những cây mơ trĩu trái chín, người Nhật hái chúng và làm mơ muối.
Người Nhật thường nói rằng họ còn có thể tồn tại chừng nào còn một trái mơ muối và một bát cơm. Trái mơ muối đỏ đặt giữa bát cơm trắng gợi hình ảnh lá quốc kỳ Nhật.


Trong ẩm thực Trung Hoa, mơ ngâm giấm và muối gọi là toan mai tử, và nó có vị chua và mặn tương tự như umeboshi. Thoại mai là tên gọi để chỉ chung một số loại thực phẩm của người Trung Quốc trong đó có mơ ngâm với đường, muối và một số loại thảo dược khác như cam thảo. Nói chung có hai dạng thoại mai: dạng muối khô và dạng ngâm giấm. Tuy nhiên, hương vị và cách chế biến thì có sự khác biệt lớn giữa các khu vực.


Trong ẩm thực Việt Nam, dạng mơ khô tương tự như vậy gọi là ô mai hay xí muội, một món mà thanh thiếu niên rất thích, đặc biệt là nữ giới (sách vở viết vậy tôi ghi ra vậy chớ tôi không có ý bảo các bà các cô hay ăn quà vặt). Có lẽ ô mai gắn liền với thiếu nữ nên có nhà văn Duyên Anh viết truyện dài Lứa Tuổi Thích Ô Mai phát hành năm 1970 ở Sài Gòn thu hút nhiều đọc giả con gái tuổi dậy thì. Còn hai chữ "xí muội" dường như bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Quảng Đông của từ "toan mai" (mơ chua).
Chờ xem, có khi sau này các cô tuổi “xì-tin” tương lai ở Á Đông sẽ có thêm một món quà vặt mới là “ô mai se-ri”, nghe cứ tưởng là một câu tiếng Anh tiếng Mỹ!

Ủa mà các bạn xem xong mười tấm hình trong bài này, các bạn có phân biệt được "cô" nào là mơ/mai, "cô" nào là anh đào không vậy? :)

Chiêu Ấn.
PH-HCA 

Không có nhận xét nào: