Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 7/4 - LêMinhNguyên

1.
Số lãnh tụ Trung Quốc có tên trong 'Hồ sơ Panama' tiếp tục gia tăng --- Panama vào 'danh sách xám' của 'các thiên đường trốn thuế
Hôm thứ tư, con số những nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình, có người thân dính líu tới những hoạt động trốn thuế và che giấu tài sản bị Hồ Sơ Panama phanh phui đã tăng tới 9 người.

<!->
Đầu tuần này giới hữu trách Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để ngăn chận việc bàn bạc về Hồ Sơ Panama và những thông tin về việc sử dụng “cảng tránh thuế” của những người trong gia đình của ít nhất 8 người đang là hoặc từng là Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng những sự phanh phui do Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đưa ra vẫn tiếp tục.

Hôm thứ tư, ICIJ cho biết trong số những người thân thuộc của các nhà lãnh đạo Trung Quốc làm chủ công ty vỏ bọc ở hải ngoại có ông Đặng Gia Quí – anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình; ông Lý Thánh Bát – con rể của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ; ông Tăng Khánh Hoài, em của cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng; và bà Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng.

Số của cải khổng lồ mà gia đình của những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc tích luỹ là một mối quan tâm lớn ở Trung Quốc trong nhiều năm nay, nhưng nó cũng là một đề tài mà sự thảo luận bị kiểm soát hết sức nghiêm nhặt.

Trong lúc hầu hết các cơ quan truyền thông Trung Quốc im tiếng về vụ Hồ Sơ Panama, tờ Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tuần này đã cho đăng một bài bình luận bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh trong đó nói rằng vụ rò rỉ hồ sơ qui mô lớn này nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo của các nước không thuộc phe phương Tây.

Theo những hồ sơ mà ICIJ có được, ông Đặng Gia Quí đã trở thành giám đốc và cổ đông duy nhất của một công ty vỏ bọc ở hải ngoại vào năm 2004 và hai công ty nữa vào năm 2009. ICIJ cho biết tới khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch nước vào năm 2013, các công ty đó đã ngưng hoạt động.

Ông Đặng Gia Quí và bà Lý Tiểu Lâm đã được nói tới trong những văn kiện mà ICIJ đã phổ biến trước đây về những tài khoản hải ngoại.

Hồi đầu tuần này, khi được hỏi về những thông tin đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông không có bình luận nào cả.

Trong vài năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng với qui mô lớn và đã cho phổ biến rộng rãi trên các cơ quan truyền thông về một số những vụ truy tố để tìm cách chứng tỏ là đảng Cộng Sản Trung Quốc có quyết tâm bài trừ tham nhũng. Tuy nhiên, giới hữu trách cũng kiểm duyệt một cách hết sức gắt gao những bài tường thuật của truyền thông nước ngoài về những hoạt động đầu tư ở ngoại quốc và số của cải của các giới chức cấp cao và thân nhân của họ.

Trong một chương trình hội thoại trực tuyến của ban Hoa Ngữ đài VOA hôm thứ tư, một thính giả họ Bành nói “Điều đáng buồn nhất là thái độ của chính phủ Trung Quốc. Họ tìm cách che giấu, ngăn chận tin tức, để đạt mục tiêu gọi là ‘duy trì ổn định.’ Chiến dịch chống tham nhũng của họ là giả vì tham nhũng là một vấn đề cơ chế. Các quan chức trong chế độ này không thể sống sót mà không tham nhũng.”

Kinh tế gia Hà Thanh Liên, một trong những người chủ trì cuộc hội thoại, cho biết ở Trung Quốc việc sở hữu tài khoản hải ngoại không phài là bất hợp pháp. Bà nói rằng “Trung Quốc chỉ quan tâm tới vấn đề là nguồn gốc của số tiền bạc đó có hợp pháp hay không.” Bà nói thêm rằng “Những gì mà Hồ Sơ Panama tiết lộ chỉ là phần nổi của một tảng băng.”

Bỏ tiền vào tài khoản hải ngoại không nhất thiết là bất hợp pháp và có thể được dùng để thiết lập những nơi giúp giảm bớt gánh nặng thuế khoá một cách hợp pháp hoặc tạo điều kiện dễ dàng cho những vụ giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, báo cáo của ICIJ nói rằng những văn kiện bị rò rỉ cho thấy các ngân hàng, các công ty luật và những người khác hoạt động trong lãnh vực này thường không tuân hành những qui định pháp luật để bảo đảm là thân chủ của họ không dính líu tới các hoạt động phi pháp, trốn thuế hay tham nhũng. - VOA

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela nói chính phủ Panama sẽ lập một ủy ban độc lập để xem xét thông lệ tài chính của nước này sau vụ bê bối Hồ sơ Panama.

Trong tuyên bố ngắn gọn trên truyền hình hôm thứ Tư, ông Varela nói ủy ban sẽ gồm "các chuyên gia trong nước và quốc tế" để đánh giá thông lệ hiện hành của đất nước và đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch của hệ thống tài chính và pháp lý. Ông Varela nói Panama sẽ chia sẻ những đề xuất với các nước khác để có thể cùng hành động nhằm tăng cường tính minh bạch tổng thể của khu vực kinh tế.

Trong khi đó, Pháp đã bổ sung Panama vào "danh sách xám" về các “thiên đường tránh né thuế” trên thế giới và đang thúc giục Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng làm như vậy.

Tổng thư ký OECD Angel Gurria nói vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cho thấy khu vực kinh tế của nước này dung túng cho "tập quán về bí mật" và gọi đó là thẩm quyền lớn cuối cùng cho phép các khách hàng giấu tiền khỏi cơ quan pháp luật.

Công ty luật Panama Mossack Fonseca liên quan đến vụ bê bối cho biết 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ các văn phòng của mình trong tuần này nói về các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của những người có quyền thế, giàu có và nổi tiếng trên thế giới đã bị các hackers đánh cắp, không phải do một người trong cuộc tiết lộ.

Ramon Fonseca, một trong những người sáng lập công ty Mossack Fonseca, cho biết vụ xâm nhập để lấy tài liệu được thực hiện từ nước ngoài, nhưng không nói rõ là nước nào.

"Chúng tôi có một giả thuyết và đang tìm hiểu", ông nói.

Ông Fonseca cho biết công ty của ông, đã lập khoảng 250.000 công ty hải ngoại trong 4 thập niên qua, đã nộp đơn khiếu nại về việc rò rỉ các tài liệu lên các công tố viên của Panama.

Những tiết lộ về việc tạo ra các tài khoản nước ngoài đã buộc nhiều nhà lãnh đạo thế giới phải thanh minh về các khoản đầu tư của họ và nói họ đã nộp thuế cho những lợi nhuận của họ. Việc lập các công ty ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp, nhưng các tài khoản này thường được sử dụng che giấu tài sản và trốn thuế.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson trở thành nạn nhân đầu tiên của vụ rò rỉ, ông đã từ chức sau khi các tài liệu cho thấy vợ ông, Anna Sigurlaug Palsdottir, sở hữu một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Nhưng sau tuyên bố hôm thứ ba, ông Gunnlaugsson nói rằng ông chỉ tạm thời rút lui trong một khoảng thời gian chưa rõ là bao lâu. Người làm phó cho ông dự kiến sẽ nhận lãnh các trách vụ của ông, khiến cho tương lai chính trị của Iceland trở thành không rõ ràng. - VOA

2.
Ban giám đốc quỹ phát triển 1MDB của Malaysia từ chức --- Malaysia: Quốc Hội yêu cầu điều tra vụ "thất thoát" 3 tỷ đô la

Một ủy ban của Quốc hội Malaysia kêu gọi điều tra cựu lãnh đạo của công ty đầu tư quốc doanh đang gặp rắc rối về các cáo buộc sai phạm trong quản lý tài chính.

Ủy ban Kế toán Công hôm 7 tháng 4 công bố báo cáo dày 106 trang tố cáo ban quản lý công ty phát triển 1Malaysia Development Berhad (gọi tắt là 1MDB) làm thiệt hại 12 tỷ đôla trong giai đoạn từ 2009 tới 2013 qua một loạt các giao dịch phức tạp ra nước ngoài.
Ủy ban nói cựu giám đốc Shahrol Azral Ibrahim Halmi phải chịu trách nhiệm về những 'trì trệ và tắc trách' trong cách thức quản lý công ty. 
Ủy ban cũng kêu gọi giải thể ban cố vấn công ty do Thủ tướng Najib Razak làm chủ tịch.

Vài giờ sau khi phúc trình của Ủy ban được công bố, tập thể ban giám đốc công ty 1MDB đã đệ đơn xin từ chức lên Bộ tài chính Malaysia với thông cáo nói rằng quyết định này nhằm 'tạo điều kiện cho các cuộc điều tra tiếp theo như đề nghị của Ủy ban.'

Quỹ 1MDB, vốn được thành lập để hỗ trợ các dự án phát triển Malaysia, đã bán ra phần lớn tài sản để giảm gánh nặng nợ nần. 
Cuộc điều tra hoạt động của công ty này là một phần trong vụ tai tiếng liên quan tới các cáo giác tham nhũng đối với Thủ tướng Najib. Ông Najib đang đứng trước những áp lực đòi ông từ chức từ khi những tiết lộ được hé mở hồi tháng 7 năm ngoái rằng ông đã nhận về tài khoản cá nhân khoảng 700 triệu đô la dường như từ công ty 1MDB. 
Bộ trưởng Tư pháp Malaysia rốt cuộc đã kết luận rằng ông Najib không có sai phạm và rằng 681 triệu đô la chuyển vào tài khoản riêng của ông là một khoản quyên tặng cá nhân từ gia đình hoàng tộc gốc Ả Rập. 

Theo tường thuật của Wall Street Journal, các nhà điều tra tin rằng gần 1 tỷ đô la đã được bơm vào tài khoản cá nhân của ông Najib thông qua các tổ chức, ngân hàng, và công ty có liên hệ với quỹ đầu tư 1MDB.

Thủ tướng Najib bác bỏ các cáo giác về sai phạm nhưng đã sa thải một số giới chức cấp cao trong chính phủ, những người đã yêu cầu ông từ chức. - VOA

Sau nhiều tháng điều tra, một ủy ban của Quốc Hội Malaysia xác nhận một số tiền 3 tỷ đôla của Ngân Hàng Phát Triển Malaysia,1MDB, do thủ tướng Najib Razak thành lập đã biến mất một cách bí ẩn. Ủy ban yêu cầu thẩm vấn cựu chủ tịch tổng giám đốc ngân hàng nhưng không đụng chạm đến nhân vật chính bị tai tiếng là thủ tướng Malaysia.

Theo AFP, bản báo cáo dày 106 trang của Ủy ban kiểm toán công quỹ thuộc Quốc Hội Malaysia đã được công bố vào hôm nay 07/04/2016. Nhân vật duy nhất bị nêu tên và đề nghị điều tra là cựu thống đốc ngân hàng 1MDB Sharol Azral Ibrahim Halmi. Ủy ban quy hết trách nhiệm cho lãnh đạo ngân hàng 1MDB từ năm 2009-2013 nhưng hoàn toàn không nói gì đến thủ tướng Najib Razak.

Khi tai tiếng biển thủ công quỹ bùng nổ vào năm 2015, Sharol Azral Ibrahim Halmi cũng như ban lãnh đạo ngân hàng phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định không sai sót. Ngược lại, thủ tướng Najib Razak, một nhân vật mang nhiều tai tiếng tham ô, bị báo chí tố cáo chuyển vào túi riêng 681 triệu đôla.

Chính phủ Thụy sĩ tuyên bố khoảng 4 tỷ đôla của ngân hàng 1MDB bị « đánh cắp ». Vụ « thất thoát » bí ẩn này đang được Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông và nhiều nước khác điều tra. Trước áp lực của công luận, thủ tướng Malaysia làm đủ cách để ngăn cản điều tra : cách chức thẩm phán, kiểm duyệt báo chí…

Lúc đầu, ông chối là không có biển thủ 681 triệu đôla nhưng sau đó lý giải đó là « quà » của hoàng gia Ả Rập Xê Út và cuối cùng bảo là đã « hoàn lại ». Hư thực ra sao không rõ nhưng nhật báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal tuần qua đưa ra chứng cớ là các tài khoản của thủ tướng Najib Razak được sử dụng để mua sắm đến 15 triệu đôla xa xí phẩm và chi nhiều triệu đô la cho các chính trị gia trước cuộc bầu cử Quốc Hội 2013. - RFI

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Trump tìm cách lấy lại đà tiến --- Hillary Clinton mở trận chiến thương mại với Trung Quốc

Ứng viên tổng thống của phe Cộng hoà Donald Trump đang tìm cách lấy lại đà tiến trong cuộc chạy đua giành sự đề cử của đảng. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Brown của đài VOA, ông Trump đang đi vận động tại tiểu bang nhà của ông là tiểu bang New York sau khi bị thượng nghị sĩ Ted Cruz đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Wisconsin hôm thứ ba.

Khi phát biểu tại ngoại ô thành phố New York tối thứ tư, ông Trump đã chế giễu sự đả kích của ông Cruz về điều gọi là “những giá trị của New York” trong một cuộc tranh luận trên truyền hình trước đây.

"Chưa bao giờ có bất cứ biến cố nào nào giống như biến cố đó [ Vụ tấn công ngày 11 tháng 9, 2001). Vụ tấn công tệ hại nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Sự dũng cảm được tỏ lộ thật là tuyệt vời. Tất cả chúng ta đều trải qua giây phút đó. Tất cả chúng ta ai nấy đều biết những người chết. Thế mà gã đó lại đứng ở đó, ngay trước mặt tôi, để nói về những giá trị của New York với sự khinh miệt hiện rõ trên mặt gã, với sự thù hận, với sự thù hận đối với New York. Cho nên, bà con ơi, tôi nghĩ rằng bà con có thể xếp hồ sơ của gã lại."

Ông Cruz nói rằng phát biểu của ông về những giá trị của New York là nhắm vào những chính khách tả khuynh, nhưng nhiều người New York xem đó là một lời nhục mạ nhắm vào họ.

Cũng giống như ông Trump, ông Cruz cũng bị một số người biểu tình phản đối tại New York. Ông Cruz đến New York không lâu sau khi giành được thắng lợi áp đảo trước ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Wisconsin hôm thứ ba. Ông nói như sau về chiến thắng này.

"Tôi tin rằng đó là một bước ngoặt của toàn bộ cuộc bầu cử này. Đó là cao điểm của những cuộc bầu cử liên tiếp tại 4 bốn tiểu bang trong hai tuần lễ vừa qua mà chúng tôi đã liên tục đánh bại Donald Trump."

Mặc dầu vậy, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Trump vẫn dẫn đầu khá xa ông Cruz và Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang New York vào ngày 19 tháng này.

Trong khi đó, về phía đảng Dân chủ, sau khi đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Wisconsin hôm thứ ba, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói rằng bà Clinton không hội đủ điều kiện để làm tổng thống vì đã bỏ phiếu tán thành cuộc chiến Iraq và những hiệp định mậu dịch tự do làm cho nước Mỹ mất đi rất nhiều công ăn việc làm.

Trong các cuộc họp bầu và bầu cử sơ bộ mới nhất của phe Dân chủ tại 8 tiểu bang, ông Sanders đã giành được phần thắng ở 7 tiểu bang.

Bà Clinton hôm thứ tư đã đáp trả sự công kích của ông Sanders. Bà cho rằng những kế hoạch ông Sanders đề ra là những kế hoạch không thể thực hiện được vì quá tốn kém. Hiện giờ bà Clinton vẫn dẫn đầu khá xa ông Sanders về số phiếu đại biểu. - VOA

Sau thất bại tại bang Wisconsin, ngày 06/04/2016, bà Hillary Clinton muốn đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ mạnh mẽ tấn công Trung Quốc cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho kinh tế Hoa Kỳ.

Vận động tranh cử tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania miền đông nước Mỹ, ứng cử viên Hillary Clinton không vòng vo lên án: "Trung Quốc xuất khẩu bất hợp pháp vào thị trường Mỹ hàng rẻ, đánh cắp bí mật công nghệ của Hoa Kỳ, thao túng đồng tiền, dành ưu tiên cho các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và phân biệt đối xử với các công ty của Mỹ".

Trước cử tọa, chủ yếu là các nghiệp đoàn, cựu ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh bà từng "đọ sức với nhiều lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc trên những hồ sơ gay go nhất, từ vấn đề tin tặc trên mạng đến nhân quyền, thương mại hay biến đổi khí hậu" do vậy nếu trở thành tổng thống Hoa Kỳ bà sẽ không ngần ngại gia tăng áp lực với Bắc Kinh để Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi bình đẳng.

Tại bang Pennsylvania năm 2008 bà Clinton đã chiếm được đa số áp đảo so với ứng cử viên Barack Obama. Các cuộc thăm dò lần này dự báo trong cuộc bỏ phiếu ngày 26/04/2016, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ có triển vọng được 50 % cử tri ủng hộ. Đối thủ của bà là thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders chỉ giành được khoảng 44 % số phiếu. Có điều ông Sanders rất được lòng giới công đoàn. - RFI

4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: TQ hiếu chiến nhất Châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói hôm thứ Ba rằng các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đã biến quốc gia này trở thành nước hiếu chiến nhất châu Á, đòi hỏi Mỹ phải tăng cường sự tham gia trong khu vực.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, ông Carter nói rằng "trong năm qua Trung Quốc là quốc gia hiếu chiến nhất” trong khu vực, và Mỹ “đang phản ứng đơn phương theo khuôn khổ của việc tái cân bằng”.

Ông Carter giải thích rằng các lực lượng Mỹ đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như một phần của quá trình “xoay trục sang châu Á” hay còn gọi là chiến lược "tái cân bằng" của Tổng thống Barack Obama.

Ông Carter nói thêm: “Chúng tôi đang được yêu cầu hành động như vậy nhiều hơn nữa… Tôi sẽ làm việc với các quốc gia muốn hành động nhiều hơn cùng với Hoa Kỳ và chúng tôi cam kết điều đó. Chúng tôi sẽ làm như vậy”.

Ông Carter kết luận rằng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có thể gây nhiều hệ lụy nhất đối với Hoa Kỳ, và vì thế, “hoàn toàn cần thiết” để Washington cam kết duy trì hòa bình và an ninh ở đó.

Cách đây không lâu, một bài bình luận của Tân Hoa Xã viết rằng khu vực Biển Đông vốn yên bình đã bị khuấy động khi một số quốc gia bận rộn mở rộng sự hiện diện và phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho rằng tình trạng vốn phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi phải tỉnh táo và kiềm chế, thay vì tham gia tùy ý với những động cơ ích kỷ, mà sẽ chỉ khuấy động rắc rối, và cuối cùng là gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và làm tổn thương lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực. - VOA

Tin Việt Nam

5.
Tân Thủ tướng Việt Nam nhận ít phiếu nhất trong ‘tam trụ’

Ông Nguyễn Xuân Phúc lên thay người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, sau khi được quốc hội thông qua với số phiếu thấp nhất so với hai quan chức khác trong “tam trụ”.

Ông Phúc hôm nay đã được hơn 90% (tức 446 đại biểu) bỏ phiếu đồng ý để ông trở thành người đứng đầu chính phủ Việt Nam. Có tới 44 phiếu không đồng ý với đề xuất ông làm thủ tướng.

Trước đó, một chức danh khác thuộc “tam trụ” là chủ tịch nước đã rơi vào tay ông Trần Đại Quang. Người từng nắm Bộ Công An được trên 91% đại biểu quốc hội tán thành. Có 29 đại biểu không đồng ý.

Quan chức nhận được sự đồng tình nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lên nắm vị trí chủ tịch quốc hội. Bà Ngân được 95% đại biểu quốc hội tán thành, và chỉ có 9 người không đồng tình.

Hiện chưa rõ vì sao ông Phúc lại được số phiếu ít nhất trong số 3 người nắm giữ vị trí chủ chốt ở Việt Nam phải qua “cửa” tín nhiệm của quốc hội, sau khi đã được đề cử từ kỳ Đại hội Đảng đầu năm. Ông Phúc lên nắm quyền giữa lúc có nhiều tin đồn về gia sản của ông và gia đình.

Trong bài phát biểu dài hơn 3 phút sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Phúc đề cập chung chung tới nhiều vấn đề, trong đó có những chủ đề người Việt quan tâm như chủ quyền và chống tham nhũng. Ông Phúc nói trước quốc hội:

“…Chính phủ và thủ tướng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được của các chính phủ tiền nhiệm… nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia…”

Về tranh chấp chủ quyền, trước đây, khi còn làm phó cho người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc từng tuyên bố: “Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, còn nhiều khó khăn, thách thức”.

Còn về tham nhũng, ông từng được trích lời nói rằng tệ nạn này “đang trở thành nguy cơ chính, đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ, trật tự và an toàn xã hội, xói mòn các thể chế, giá trị đạo đức…”

Cụ bà chống tham nhũng Lê Hiền Đức cho VOA Việt Ngữ biết bà đã gọi điện cho ông Phúc để chúc mừng tân thủ tướng. Bà nói thêm:

“Muốn hợp với lòng dân, thì phải lắng nghe ý kiến của nhân dân vì hiện nay có rất nhiều vấn đề. Tham nhũng nhiều quá. Muốn giải quyết được xã hội, xây dựng được xã hội minh bạch, thì khi lên làm thủ tướng, anh hứa thì anh phải làm được. Đề nghị ông Phúc khi nhậm chức rồi, phải rút kinh nghiệm ông Nguyễn Tấn Dũng trong 10 năm qua đã làm cho đất nước Việt Nam lao đao và lụn bại vì nạn tham nhũng.”

Từ đầu năm ngoái đã xuất hiện các thông tin chưa kiểm chứng độc lập về “khối tài sản lớn” của ông Phúc ở cả Việt Nam và Mỹ.

Dù ông Phúc chưa trực tiếp lên tiếng về những tin đồn này, quan chức trong nước từng nói rằng đó là các thông tin, “bịa đặt”, “xuyên tạc”, và “xấu, độc”.

Còn về quyết tâm “bảo vệ chủ quyền” của ông Phúc, blogger Lê Anh Hùng, người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc trong những năm vừa qua, nói với VOA Việt Ngữ:  

“Chủ đề toàn vẹn lãnh thổ là nỗi nhức nhối của hàng triệu người dân Việt Nam cho nên việc tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước là một lời tuyên thệ rất đáng ghi nhận. Nhưng mà với người cộng sản, chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm rồi, nên tôi hy vọng ông ta nói đi đôi với làm. Chứ không có chuyện ‘đánh trống bỏ dùi’, nói một đằng, làm một nẻo như ông Nguyễn Tấn Dũng."

Nhà hoạt động xã hội này nói thêm rằng việc tân thủ tướng Việt Nam không trực tiếp nhắc tới tên Trung Quốc và biển Đông trong bài phát biểu “là điều không có gì đáng ngạc nhiên” vì đây là “chủ đề nhạy cảm trong giới lãnh đạo cấp cao”.

Ông Hùng cũng nói rằng ông Phúc giờ phải đối mặt với “di sản nặng nề” của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, nhất là “nợ công đã lên mức báo động”, và “nền kinh tế thì phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc”.

Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của quốc hội sáng 21/3, ông Phúc nói rằng “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định”.

Báo chí Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài viết về chủ đề này. Trong bài viết có tựa đề “ngân sách không đủ tiêu, đầu năm chính phủ lo vay nợ”, báo điện tử VietNamNet viết: “Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, chính phủ đã phải tính chuyện đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này”.

Còn trong bài viết về “bức tranh ngân sách quốc gia đầy báo động”, tờ Tuổi Trẻ cho rằng “hiện chúng ta cũng có những định chế và những người chịu trách nhiệm, nhưng lại không chịu trách nhiệm cụ thể nên cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng Việt Nam kể từ năm 2006, và các nhà quan sát cho rằng sau thất bại trong cuộc đua vào chức tổng bí thư rồi bị miễn nhiệm trước thời hạn, sự nghiệp chính trị của ông coi như đã “chấm hết”. - VOA

6.
VN phản đối TQ đặt HD981 và xây hải đăng

Việt Nam đòi Trung Quốc phải dời giàn khoan gây tranh cãi, từ bỏ các kế hoạch khoan thăm dò ở vùng nước đang tranh chấp chủ quyền, và ngưng ngay việc xây dựng, vận hành một trạm hải đăng ở Trường Sa.

Giàn khoan Hải Dương 981 trị giá 1 tỷ đô la, vốn là tâm điểm của cuộc căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia hồi 2014, đã được phía Trung Quốc đưa vào khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, nơi mà Việt Nam nói là hai nước vẫn đang trong quá trình đàm phán phân định.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố hôm thứ Năm 7/4.
Trước đó, chiều hôm 5/4, Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng Biển Đông giàu trữ lượng tài nguyên, nơi các nước khác gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc phải "không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông," ông Lê Hải Bình nói.

Năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan này trong 10 tuần trong vùng biển mà Hà Nội xác định là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn đến cuộc tranh cãi tồi tệ nhất giữa hai nước trong suốt nhiều thập niên qua, và đã tạo làn sóng công phẫn trong nhiều người dân Việt Nam.
Một số chuyên gia gọi đó là bước đi sai lầm của Bắc Kinh, khiến Việt Nam xích lại gần với Hoa Kỳ hơn.
Việt Nam đã theo dõi sát sao các bước di chuyển của giàn khoan này, vốn được kéo tới tận Vịnh Bengal và vài lần được đưa trở lại các vị trí gần với địa điểm gây tranh cãi hồi 2014.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Việt Nam phản đối hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, cả hai lần đều trùng với việc có sự thay đổi lãnh đạo tại Hà Nội.
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Năm tuyên thệ nhậm chức, còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính thức tuyên thệ hôm 2/4.

Lần trước, Việt Nam phản đối Trung Quốc về Hải Dương 981 là hồi tháng Giêng, chỉ hai ngày trước khi khai mạc Đại hội Đảng.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình hôm 7/4 cũng chỉ trích việc Trung Quốc quyết định xây trạm hải đăng tại đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, điều mà ông Bình gọi là vi phạm chủ quyền Việt Nam, là "bất hợp pháp và vô giá trị".
Trong buổi chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao tiếp tục trao công hàm cho đại diện Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc xây dựng và vận hành hải đăng tại đá Subi.

Đây là công trình vừa được Trung Quốc khánh thành hôm 5/4, cao 55m và có công nghệ theo dõi tàu thuyền lưu thông tại nơi này, theo Tân Hoa Xã. Bên cạnh đó, tại đá Subi phía Trung Quốc còn lắp đặt một trạm nhận biết tàu thuyền và một trạm rada cao tần.

Subi là một trong các đảo, bãi đá ở biển Đông mà phía Trung Quốc đã bồi đắp nhân tạo trong những năm qua. - BBC

Không có nhận xét nào: