Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 30/4 - LeMinhNguyên

1.
Trung Quốc không cho chiến hạm Mỹ ghé Hồng Kông --- Trung Quốc phản đối tuyên bố của quan chức Mỹ về vụ kiện Biển Đông
Trung Quốc quyết định không cho một tàu sân bay của Mỹ ghé cảng Hồng Kông. Ngũ giác đài hôm thứ 6 nói rằng hàng không mẫu hạm USS Stennis và các tàu hộ tống đã bị giới hữu trách Trung Quốc không cho cập cảng.

<!->
Lý do từ chối hiện chưa được rõ. Trung Quốc đã gởi một thông cáo cho hãng thông tấn Reuters, trong đó nói rằng “những chuyến ghé thăm Hồng Kông của tàu bè và máy bay quân sự Mỹ luôn được phê chuẩn trên cơ sở từng vụ một, dựa trên nguyên tắc chủ quyền và tình huống cụ thể.”

Tuy nhiên, việc này xảy ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ghé thăm hàng không mẫu hạm Stennis hồi đầu tháng này ở Biển Đông, nơi căng thẳng đang ở mức cao vì những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều nước khác trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2014 tàu hải quân Mỹ không được cập bến Hồng Kông.

Một chiến hạm Mỹ, chiếc USS Blue Ridge, đang đậu ở cảng Hồng Kông. - VOA
Tân Hoa Xã hôm nay 30/04/2016 loan tin phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua đã phản đối mạnh mẽ tuyên bố của thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Anthony Blinken yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye. Phát ngôn viên này cho rằng Hoa Kỳ không có quyền chỉ trích Trung Quốc.

Trước đó một ngày, ông Blinken đã tuyên bố rằng Trung Quốc không thể tham gia vào Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển, mà lại bác bỏ các điều khoản của nó, bao gồm điều khoản «hiệu lực bắt buộc của bất kỳ quyết định nào của trọng tài ». Vụ kiện mà ông Blinken muốn nhắc đến là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về đường « lưỡi bò ».

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, ông Blinken « có thể đã được thông tin không chính xác về bản chất của các tranh chấp Biển Đông và nội dung của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển », hoặc ông ấy « đã không suy xét kỹ khi nói về Trung Quốc ».

Phía Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ không chấp nhận cũng như không tham gia vào vụ kiện do Philippines khởi xướng. Cũng theo bà Hoa Xuân Oánh, vấn đề Biển Đông là về chủ quyền lãnh thổ và phân định lãnh hải, và Philippines đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với một số đảo, bãi đá ngầm ở Biển Đông. Bà nhắc lại rằng, năm 2006, đúng theo tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển, Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố loại trừ các tranh chấp lãnh hải khỏi Tòa án Trọng Tài cũng như khỏi các quy trình giải quyết tranh chấp bắt buộc khác. Các tuyên bố như vậy có hiệu lực thi hành bởi các bên tham gia ký kết.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại rằng năm 1979, Hoa Kỳ đã đề ra chương trình « tự do hàng hải », 3 năm trước khi công ước Liên hiệp quốc về luật Biển được ký kết và Hoa Kỳ cho tới nay vẫn chưa ký công ước này. - RFI

2.
Nga thách thức Mỹ sau vụ chặn phi cơ

Nga nói họ đã đúng khi đối đầu với một phi cơ do thám của Không lực Hoa Kỳ trên Biển Baltic hôm thứ Sáu.
Ngũ Giác Đài nói một chiến đấu cơ phản lực của Nga hành động "không an toàn và không chuyên nghiệp", và đã bay nhào lộn trên chiếc phi cơ Mỹ.
Nga nói chiếc máy bay Mỹ đã tắt bộ phát tín hiệu lẽ ra được dùng để xác định danh tính.

Đây là vụ thứ nhì trên Biển Baltic chỉ tính riêng trong tháng này, với việc Mỹ cáo buộc các phi cơ Nga bay liệng hung hãn.
"Toàn bộ các chuyến bay của phi cơ Nga được thực hiện phù hợp với các quy định quốc tế về quyền sử dụng không phận," một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói. "Không lực Ho Kỳ có hai giải pháp: hoặc là không bay gần biên giới chúng tôi, hoặc là phải bật bộ thu phát tín hiện xác định danh tính."

Các phi cơ Mỹ "thường xuyên" tìm cách tiếp cận biên giới Nga trong lúc để bộ thu phát tín hiệu này ở chế độ tắt, tuyên bố nói. Trong 18 tháng qua, Nga đã lặp đi lặp lại lời cáo buộc về tình trạng này, xảy ra ở khu vực Biển Baltic và gần lãnh hải Anh.
Hiện chưa rõ vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu ở gần lãnh hải Nga đã diễn ra như thế nào.
Hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Daniel Hernandez nói đã xảy ra tình trạng "lặp đi lặp lại các vụ việc trong năm ngoái khi máy bay quân sự Nga áp sát giao thông hàng không và hàng hải của nước khác nhằm gây ra những quan ngại nghiêm trọng cho vấn đề an toàn".

"Chiếc phi cơ Mỹ đang hoạt động trên không phận quốc tế và không hề có lúc nào đi vào lãnh thổ Nga," ông nói.
"Cách chặn đường trên không thiếu an toàn và không chuyên nghiệp thế này có thể gây ra những tổn thất, thương vong nghiêm trọng cho các phi hành đoàn có mặt trên các máy bay liên quan."

Những hành động đó có thể "làm leo thang không cần thiết tình trạng căng thẳng giữa hai nước," ông nói.
Ông Hernandez nói "các động tác di chuyển thất thường và hung hăng" của chiếc Su-27 cũng đe dọa tới sự an toàn của phi hành đoàn Mỹ khi nó áp sát chỉ cách thân máy bay Mỹ 7,6m trước khi nhào lộn xoáy ốc.

Các cuộc chạm trán quân sự giữa Nga và Hoa Kỳ cùng các đồng minh đã leo thang đáng kể trong hai năm qua, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine và quan hệ hai bên Đông - Tây rạn nứt.

Hai chiếc máy bay Nga đã bay sát một tàu khu trục có mang hệ thống tên lửa dẫn đường của Mỹ gần 10 lần trên Biển Baltic hôm 13/4. - BBC

3.
Phe cải cách ở Iran chuẩn bị nắm quyền kiểm soát quốc hội
Kết quả không chính thức của cuộc bầu cử quốc hội vòng nhì cho thấy phe cải cách và những chính khách ôn hoà đồng minh của Tổng thống Hassan Rouhani đã chiếm nhiều ghế hơn phe bảo thủ và có phần chắc sẽ nắm quyền kiểm soát quốc hội.

Cử tri Iran đã bắt đầu bỏ phiếu vào ngày thứ 6 để chọn đại biểu cho 68 ghế quốc hội mà không có người thắng dứt khoát trong vòng đầu phiếu thứ nhất hồi tháng 2. Trong vòng đầu phiếu thứ nhất, những chính khách ôn hoà đã giành được thắng lợi.
Truyền thông nhà nước Iran cho biết trong số 68 ghế được bầu chọn lần này, liên minh Danh sách Hy vọng thân ông Rouhani chiếm 33 ghế trong khi phe bảo thủ chiếm 21 ghế. Những ghế còn lại vẫn chưa ngã ngũ.

Kết quả chung cuộc, theo dự liệu, sẽ được loan báo xế ngày hôm nay.
Nếu được chính thức xác nhận, kết quả này đánh dấu một sự chuyển đổi lớn trong nền chính trị Iran, nơi phe bảo thủ chiếm đa số ở quốc hội từ năm 2004.
Với những ghế đại biểu giành được trong cuộc đầu phiếu hôm qua, phe cải cách chiếm 128 ghế tại quốc hội gồm 290 ghế trong khi phe bảo thủ chỉ chiếm 124 ghế. - VOA

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus Zika
Nước Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus Zika do muỗi lan truyền.

Nạn nhân là một người đàn ông cao niên ở lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ.
Puerto Rico là nơi có dịch Zika từ vài tháng nay với hơn 10 người phải vào bệnh viện để chữa trị.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo 683 ca nhiễm Zika từ ngày 1 tháng 11 đến ngày 15 tháng tư.
Những ca tử vong nơi người lớn vì virus Zika được xem là cực kỳ hiếm hoi.
Việc phụ nữ mang thai nhiễm Zika được cho là có liên hệ với khuyết tật não bộ bẩm sinh và tử vong của thai nhi, và đã trở thành một mối quan tâm về y tế công cộng của nhiều nước trên thế giới. - VOA

5.
Ông Trump bị phản đối kịch liệt khi đi vận động ở California

Trước sự chống đối kịch liệt của nhiều người biểu tình, ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hoà Mỹ Donald Trump đã phải thay đổi chương trình đi lại ở tiểu bang California trong lúc ông đến vận động tại tiểu bang miền tây này.
Hôm thứ 6, ông Trump và toán nhân viên đã phải bỏ xe để đi bộ dọc theo một rào chắn an ninh bằng xi măng, sau khi những người biểu tình ngăn chận con đường dẫn tới địa điểm tổ chức đại hội hàng năm của phân bộ California của đảng Cộng hoà ở mạn nam thành phố San Francisco.

Những cuộc biểu tình đông đảo chống ông Trump đã diễn ra trong hai ngày qua ở California, nơi có thể nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong việc định đoạt ai là ứng cử viên của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Tối thứ 5, nhiều người bị bắt khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát bên ngoài địa điểm mít tinh của ông Trump ở Nam California.

Một chiếc xe cảnh sát bị đập vỡ cửa kính và một số người bị thương trước khi giới hữu trách kiểm soát được đám đông bên ngoài một hội trường ở Quận Cam.
Đối thủ hàng đầu của Trump, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, sẽ phát biểu tại một cuộc mít tinh gần San Francisco trong ngày hôm nay, giữa lúc ban vận động của ông huy động hàng ngàn tình nguyện viên ở tiểu bang này trước cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 7 tháng 6.

Thống đốc tiểu bang Ohio, ông John Kasich, người về hạng ba trong cuộc chạy đua, đã nói chuyện với các đại biểu đảng Cộng hoà hồi tối thứ 6. - VOA

Tin Việt Nam
6.
Dân Quảng Bình tiếp tục biểu tình --- Rộ nghi vấn ‘tàu lạ’ trong vụ cá chết hàng loạt

Chính phủ chỉ đạo ‘thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân’ trong lúc người dân Quảng Bình tiếp tục đưa ngư cụ ra đường biểu tình trong ngày 30/4.
Trong cuộc họp với các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu “Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân”.

“Không để bất cứ một tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được,” báo Điện tử Chính phủ tường thuật lời ông Dũng hôm 30/4.
Ông cũng yêu cầu “thành lập ngay đường dây nóng, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong ngày 30/4, để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngư dân”.

‘Giảm nhiệt’
Hôm 30/4, từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định nói với BBC: “Tôi chưa biết tin này, nhưng nếu có vậy rõ ràng chính phủ muốn giảm nhiệt sự phản đối của ngư dân trước tình trạng thuỷ sản đánh bắt về không ai mua, tuy nhiên liệu ngân sách trung ương và địa phương sẽ gồng gánh được bao lâu?”

Đang có mặt tại Quảng Bình, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bình luận trên mạng xã hội: “Đây đều là những giải pháp mà hàng trăm người đã kiến nghị suốt ba tuần qua. Giá mà chính phủ thực hiện sớm hơn.”
“Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Hy vọng Chính phủ vào cuộc thật quyết liệt, thiếu nhân sự thì kêu gọi tình nguyên viên và các tổ chức xã hội dân sự. Ngay sau đó, hi vọng Thủ tướng quyết liệt có các giải pháp làm sạch môi trường biển và sẽ là người ăn cá đã được kiểm định đầu tiên, phát trực tiếp cho toàn dân xem.”

“Nếu được vậy, ngay sau đó, dù chả là gì, tôi cũng sẽ ăn để góp chút phần nhỏ bé giúp sinh kế ngư dân sớm trở lại bình thường.”

Hôm 30/4, các báo Việt Nam đồng loạt đăng tin “hàng chục cán bộ chủ chốt Đà Nẵng, trong đó có Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng Nguyễn Điểu tắm biển để xóa tan tin đồn nước biển Đà Nẵng bị nhiễm độc”.
“Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng khuyên du khách thưởng thức hải sản tươi sống. Chính quyền vẫn đang giám sát tàu thuyền ra vào âu thuyền Thọ Quang để tránh tình trạng ngư dân đánh bắt từ các vùng đang có cá chết hàng loạt đưa về Đà Nẵng bán,” VnExpress tường thuật.

Cùng ngày, nguồn tin của BBC cho hay, có hai tàu cá của hai ngư dân Quảng Bình cập bến nhưng cá đánh bắt về không ai mua khiến bà con đem số cá này diễu phố và biểu tình.
Trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người dân xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, đưa nhiều các ngư cụ như thuyền thúng, lưới… rào quanh trục đường.

Trước đó có tin tiểu thương chợ Đồng Hới biểu tình trước Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu nhà chức trách “làm rõ nguyên nhân cá chết, mức độ biển bị ô nhiễm và thủ phạm gây ra các hậu quả này, yêu cầu nhà máy gây ô nhiễm môi trường phải đóng cửa”.
Trong hôm 29/4, người dân Cảnh Dương, một làng khác cũng thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã chăng lều bạt phản đối trên Quốc lộ 1A. - BBC

Việt Nam mới cho biết 5 "tàu lạ" xuất hiện ở vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế trước khi cá chết bất thường, trong khi hàng nghìn ngư dân Quảng Bình tiếp tục chặn quốc lộ để biểu tình, đòi “biển sạch”.
Đích thân một quan chức của tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra thông tin này trong cuộc họp hỗn hợp mới đây với sự tham gia của nhiều tỉnh thành miền Trung về “thảm họa môi trường” mấy ngày qua.

Ông Trần Lê Nguyên Hùng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế, tiết lộ tin này, và cho rằng ngoài nghi vấn nhà máy, khu công nghiệp dọc bờ biển xả thải gây chết cá hàng loạt thì cũng không loại trừ khả năng tác nhân gây nên sự việc là các tàu nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Hùng không nói rõ “tàu lạ” hay “tàu nước ngoài” này là của nước nào.
Báo chí và chính quyền trong nước thời gian qua thường dùng từ "tàu lạ" để ám chỉ các tàu của Trung Quốc.
Trong khi đó, hôm 30/4, ngư dân một làng chài ở tỉnh Quảng Bình, một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi nạn cá chết, tiếp tục xuống đường.

Một đoạn clip đăng trên các trang mạng xã hội cho thấy, hàng nghìn ngư dân mang lưới đánh bắt cá và thuyền ra chặn một đường quốc lộ.
Ngoài việc đổ cá chết ra đường, các ngư dân còn đăng các biểu ngữ như “Đả đảo nhà máy Formosa” hay “Tôi yêu tôm cá”.
Cá tôm “cho cũng không ai lấy”

Trong đoạn clip, có thể thấy cuộc biểu tình diễn ra khá ôn hòa, và con số ngư dân áp đảo cảnh sát. Bà Hòa, một người tham gia phản đối, nói với VOA Việt Ngữ rằng bà xuống đường vì cá tôm con cái bà đánh bắt về “không ai mua, cho cũng không ai lấy”.
Trước sức ép của dư luận, chính phủ Việt Nam hôm nay cho biết sẽ “thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân”.

Báo điện tử chính phủ dẫn lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói trong cuộc gặp hôm 29/4 với lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, yêu cầu “Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân”.
Tuy nhiên, hiện không rõ chính phủ Việt Nam sẽ làm gì với số cá thu mua được của người dân.

Không chỉ có ngư dân gặp khó khăn mà cả các nhà hàng hải sản, tiểu thương bán cá và các khách sạn ở miền Trung đồng loạt bị ảnh hưởng vì vụ cá chết hàng loạt.
Việt Nam hiện chưa phát hiện được nguyên nhân chính thức gây ra thảm họa biển thời gian qua, trong khi một lời kêu gọi Hoa Kỳ giúp điều tra vụ cá chết trên một trang web của Nhà Trắng hiện đã có hơn 135 nghìn chữ ký.
Hôm 29/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Khoa học Công nghệ khẩn trương có kết luận trong thời gian sớm nhất, và thuê thêm tư vấn nước ngoài để có kết luận độc lập. - VOA

Không có nhận xét nào: