Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 29/4 - LeMinhNguyên


Nga ủng hộ Trung Quốc thách thức Mỹ về Biển Đông

Nga đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho việc Trung Quốc chống lại các hành động của Mỹ ở hai điểm nóng an ninh của châu Á giữa lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo của hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 29/4, Nga đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc là các nước không có tuyên bố chủ quyền như Mỹ chớ nên “can thiệp” vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

<!->
Ở vùng biển này, Việt Nam là nước có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc, ngoài ra một bên tranh chấp quan trọng khác là Philippines, một đồng minh của Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Mỹ có thể triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn tầm cao THAAD ở Nam Triều Tiên để phòng thủ trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên.

Việc Mỹ dùng hải quân thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 80% Biển Đông và kế hoạch về lá chắn phi đạn của Mỹ đã đổ thêm dầu vào những căng thẳng giữa các cường quốc ở châu Á. Trung Quốc lo ngại hệ thống THAAD có thể dùng để chống lại các vũ khí của họ. Trung Quốc cũng đang vận động sự ủng hộ quốc tế đối với quan điểm của họ về Biển Đông trong lúc chờ đợi phán quyết của một tòa trọng tài quốc tế về khiếu nại của Philippines đối với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Đây là cuộc gặp thứ hai giữa các ngoại trưởng của Nga và Trung Quốc chỉ trong vòng 2 tuần, khi hai nước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6.

Trước đó, hôm 18/4, tại cuộc gặp ở Moscow, hai ông Lavrov và Vương Nghị nói cả hai nước đều chống lại “việc quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết thông qua đàm phán và tham vấn giữa “các bên liên quan”, một thuật ngữ mà Bắc Kinh sử dụng để loại ra những nước không có tuyên bố chủ quyền.

Tại cuộc họp báo hôm 29/4, ông Lavrov nói: “Quan điểm của Nga là vấn đề đó không nên là một vấn đề quốc tế và chớ có thế lực bên ngoài nào can thiệp vào”.

Về phần mình, ông Vương Nghị nói: “Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước bên ngoài Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông], cần đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định, và không làm cho tình hình rối loạn hơn”.

Không có tin tức trên báo chí Việt Nam về phản ứng của Việt Nam đối với các tuyên bố của hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc. Mới đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu còn nói Nga coi Việt Nam là một đồng minh chiến lược và đối tác chủ chốt về củng cố an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Bị chỉ trích về các chiến thuật hung hăng và việc xây đảo cùng các cơ sở có thể phục vụ quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng Nga để củng cố cho những tranh cãi của họ đối với Mỹ và các nước có tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam và Philippines.

Cùng với việc giành sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc gần đây đã quảng bá mạnh mẽ về điều mà họ gọi là sự đồng thuận mới mà họ đạt được với Brunei, Campuchia và Lào, 3 thành viên trong hiệp hội ASEAN, theo đó ủng hộ lập trường của Trung Quốc là vấn đề Biển Đông không nên là vấn để của cả 10 nước ASEAN.

Tuy Mỹ không có quan điểm về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ đã giúp tăng năng lực quân sự của Philippines, một đồng minh có hiệp ước với Mỹ. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng các công trình xây đảo, còn hải quân Mỹ đã nhiều lần điều tàu và phi cơ vào gần các thực thể do Trung Quốc kiểm soát. - VOA

2.
Tổng thống Nam Phi 'có thể bị khởi tố'

Tòa Thượng thẩm Nam Phi nói cần phải xem lại quyết định hủy bỏ 783 cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống Jacob Zuma.

Những cáo buộc này bị hủy bỏ vào năm 2009, vài tuần trước kỳ bầu cử mà ông Zuma trở thành Tổng thống.

Chánh án Aubrey Ledwaba nói quyết định của Trưởng công tố viên tại thời điểm đó, Mokotedi Mpshe, là không hợp lý.

Vụ kiện tụng, được phe đối lập Liên minh Dân Chủ nêu ra, mở đường cho các công tố viên có thể khởi tố vụ án.

Ông Zuma luôn phủ nhận các cáo buộc liên quan vụ mua bán vũ khí của chính phủ trị giá hàng tỉ USD.

“Chiến thắng ngày hôm nay cho thấy sự thượng tôn pháp luật và chúng tôi tin rằng Jacob Zuma phải bị khởi tố và phán quyết này cho thấy những gì chúng tôi luôn tin là đúng,” Mmusi Maimane, lãnh tụ của Liên minh Dân Chủ nói sau khi Tòa án đưa ra phán quyết.

“Tôi xin được gửi lời chúc mừng đến những đồng nghiệp, là những người đã theo đuổi cuộc chiến kéo dài này.”

Sau khi Viện công tố quốc gia hủy bỏ các cáo buộc vào năm 2009, vụ án này được đặt tên “ghi âm gián điệp.”

Nhà chức trách nói bằng chứng ghi âm mới nhất cho thấy có sự can thiệp chính trị đối với cuộc điều tra.

Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) nói phán quyết của Tòa án Tối cao không hề kết luận Tổng thống phạm bất cứ tội gì.

“ANC luôn cho rằng công lý bị trì hoãn đồng nghĩa với công lý bị từ chối. Vụ việc đã kéo dài gần chục năm và sắp có giải pháp, bảy năm sau khi Viện công tố quốc gia đưa ra phán quyết,” thông cáo có đoạn nói.

Chánh án Ledwaba nói ông Mpshe đã “chịu nhiều áp lực” khi quyết định không khởi tố vụ án và vì vậy “đã đưa ra một quyết định không hợp lý”.

“Trong hoàn cảnh có nhiều áp lực, ông Mpshe đã quên đi lời tuyên thệ phải luôn giữ bản thân độc lập, không bị chi phối hoặc thiên vị.”

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng quá trình khởi tố ông Zuma không bị xấu đi bởi những cáo buộc liên quan ông McCarthy."

“Ông Zuma cần phải bị khởi tố theo những cáo buộc trong bản cáo trạng."

Vụ việc lần này là sự rắc rối pháp luật mới nhất cho vị Tổng thống Nam phi.

Vào tháng trước, Tòa Tối cao đã xác định Tổng thống Nam Phi vi phạm hiến pháp khi không hoàn trả công quỹ được dùng để sửa chữa nhà riêng.

Phán quyết của Tòa củng cố kết luận của cơ quan chống tham nhũng cho rằng 23 triệu USD tiền công quỹ đã được dùng một cách bất hợp lý cho việc sửa chữa nhà riêng của Tổng thống Zuma tại Nkandla thuộc tỉnh KwaZulu-Natal. - BBC

3.
Ngoại trưởng Anh đầu tiên tới Cuba trong gần 60 năm

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã gặp các giới chức Cuba hôm 28/4 để thảo luận về các quan hệ thương mại và du lịch với quốc gia cộng sản này, đánh đấu chuyến đi thăm Cuba đầu tiên của một ngoại trưởng Anh tính từ năm 1959.

Ngay sau khi đáp xuống phi trường Cuba vào khuya hôm 28/4, ông Hammond nói Anh quốc sẵn sàng củng cố các quan hệ với đảo quốc bé nhỏ Cuba và ký nhiều thỏa thuận hợp tác về năng lượng, giáo dục và dịch vụ tài chính.

Ông nói: “Nước Anh và Cuba có những thế giới quan và hệ thống chính quyền rất khác nhau. Nhưng vào lúc Cuba tiến vào một thời kỳ thay đổi xã hội và kinh tế quan trọng, tôi nóng lòng muốn chứng minh với chính phủ và nhân dân Cuba rằng chính phủ và nhân dân Anh mong thiết lập những mối liên hệ mới từ bên kia bờ Đại Tây Dương”.

Ông Hammond nói ông muốn củng cố quan hệ hợp tác song phương trên căn bản tăng cường thương mại, đầu tư và số du khách Anh đi thăm Cuba.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh, năm ngoái lượng sản phẩm xuất khẩu sang Cuba tăng 25%. Ngoại trưởng Hammond còn cho hay là trong năm ngoái, nước Anh là nước có đông du khách thứ nhì đi thăm Cuba, chỉ sau có Canada, với 160.000 công dân Anh du lịch sang Cuba.

Theo lịch trình, ông Hammond sẽ tham dự nhiều cuộc họp cấp cao trong thời gian ở Cuba để thảo luận những sự thay đổi về mặt xã hội và kinh tế, nhân quyền và cuộc đấu tranh chống các mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu như virus Zika.

Chuyến công du Cuba của ông Hammond diễn ra tiếp theo sau chuyến đi của ông Barack Obama, tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Cuba tính từ năm 1928. - VOA

Tin Hoa Kỳ

4.
Đụng độ giữa phe ủng hộ và chống đối ứng cử viên Donald Trump

Nhiều người bị bắt giữ đêm 28/4 tại Hoa Kỳ khi cảnh sát giải tán các vụ giao tranh giữa những người ủng hộ và chống đối ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống gây nhiều tranh cãi, bên ngoài cuộc mít tinh của ông ở Nam California.

Có lúc một người lái xe, dường như được cổ vũ bởi những người bên đường, suýt nữa đã tông vào những cảnh sát viên tìm cách bắt ông ta dừng lại, trước khi người này phóng xe ra khỏi nơi này.

Các cửa của một chiếc xe cảnh sát bị đập vỡ và nhiều người bị thương trước khi đám đông được khống chế bên ngoài một hội trường ở Quận Cam.

Trước đó hôm thứ Năm, ông Trump tấn công nhân vật có khả năng trở thành đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton nói rằng nếu bà không ‘chơi lá bài phụ nữ’ để hy vọng có thể trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên, thì bà không có cơ may nào cạnh tranh với ông.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy là trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11 này, giả sử có một cuộc chạy đua giữa hai đối thủ, thì bà Clinton dẫn đầu trước ông Trump tới 9 điểm, để chọn người lên kế vị Tổng thống Obama.

Cuộc chạy đua quan trọng kế tiếp đối với cả hai ứng cử viên này là ngày thứ Ba sắp tới, khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tổ chức bầu cử sơ bộ tại Indiana, một tiểu bang có khuynh hướng bảo thủ vùng Trung Tây. - VOA
|
Tin Việt Nam

5.
Dân Quảng Bình biểu tình về vụ cá chết --- Huế: Công an 'vào tác phẩm trình diễn’

Người dân làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hôm 29/4 tiếp tục biểu tình phản đối thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung.

Trước đó một nhóm nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng về vụ cá chết ở Huế nhưng bị công an can thiệp.

Tin tức nói hàng trăm người, đa phần là phụ nữ, đã chăng lều bạt trên đường Quốc lộ 1A, khiến giao thông đình trệ.

Vào khoảng đầu giờ chiều, đã có một số người dân giơ khẩu hiệu phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả rác thải, ông Hoàng Đức Thụ, một người có mặt tại khu vực cho BBC Tiếng Việt biết.

"Họ toàn là phụ nữ, những người buôn bán ở chợ," ông Thụ nói. "Họ bức xúc, giơ những khẩu hiệu yêu nước như là 'Việt Nam muôn năm', 'Chúng tôi yêu Việt Nam', 'Chúng tôi chọn tôm cá', và 'Đề nghị Formosa đi khỏi Việt Nam' - toàn là viết tay trên các tấm bìa."

dân Cảnh Dương đã bắt đầu từ sáng hôm 28/4, với việc ngư dân quấn quốc kỳ quanh người hoặc vẫy cờ trên tay, mang theo các băng-rôn lớn, kéo theo xe cá đổ ra đầy đường.

Nhiều người gay gắt chất vấn lực lượng chính quyền có mặt tại đó về tình trạng cá đánh bắt về không tiêu thụ được.

"Chúng tôi biết lấy gì mà sống đây?" một phụ nữ gào khóc.

Lực lượng cảnh sát cơ động có mặt, tạo rào chắn cản đường. Tuy nhiên, hai bên đã không xảy ra xô xát.

Quảng Bình là một trong bốn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ thảm họa cá chết hàng loạt hiện nay.

Hôm 27/4, chính phủ ra công điện yêu cầu bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy hải sản chết bất thường.

Nhiều cá chết dạt vào Đà Nẵng

Sang đến ngày 29/4, khu vực biển Đà Nẵng tiếp tục có tình trạng cá chết dạt bờ ồ ạt, trong đó có nhiều cá thể cỡ lớn, tới 10kg.

Xác cá thối rữa khiến khu vực bờ biển Nguyễn Tất Thành thuộc quận Liên Chiểu bốc mùi hôi thối, trong lúc Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng Lưu Quang Khánh nói nhân viên chi cục "có đi kiểm tra nhưng không thấy có gì”, báo Tuổi Trẻ tường thuật.

Trước đó, trong thông cáo báo chí, giới chức Đà Nẵng nói trong vòng năm ngày tính đến 27/4 có 17 con cá chết dạt bờ trong tình trạng phân hủy mạnh nhưng nói đó là tình trạng "bình thường".

"Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác của ngư dân, một số cá thể bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số loài cá bị chết, lâu ngày dạt vào bờ," bản thông cáo dẫn báo cáo của Chi cục Thủy sản.

Trong kết luận ban đầu về tình trạng cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, Bộ Tài nguyên Môi trường hôm 27/4 nói có hai khả năng gây ra tình trạng cá chết, gồm tác động độc tố hoá học của con người và trên biển, và là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.

Công ty Formosa Hà Tĩnh, theo tuyên bố của đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường trong cuộc họp báo, được xác định là "chưa thấy có mối liên hệ nào" với tình trạng cá chết hàng loạt.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc họp Chính phủ về kết quả xét nghiệm mẫu xác định "bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ".

Các bản tin về kết luận bước đầu này sau đó bị gỡ khỏi báo mạng ở trong nước nhưng vẫn còn lưu trong bản cache. - BBC

***
Một nghệ sĩ thuộc nhóm Viet Art Space nói với BBC về buổi trình diễn nghệ thuật đường phố về chủ đề môi trường bị công an tạm dừng giữa chừng tại bờ nam cầu Tràng Tiền, TP. Huế sáng 29/4.

Ý tưởng "Nỗi đau của những con cá” đã được các nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh, Maxime Lacino (người Pháp), Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Hè, Phạm Chí Líp, Trần Nhật, Philip Pham chuyển tải trong màn trình diễn.

Trên fanpage, Viet Art Space tự giới thiệu “là một tổ chức nghệ thuật uy tín, hỗ trợ các nghệ sĩ phát triển các công việc sáng tạo”.

“Qua các hoạt động mang tính xã hội và phi lợi nhuận, Viet Art Space là ủng hộ cho cộng đồng nghệ sĩ, tạo ra một diễn đàn hữu hiệu và bền vững nhằm phổ biến hiệu quả các sáng tạo và các đàm luận liên quan đến nghệ thuật, khuyến khích sự nỗ lực của các nghệ sĩ, thúc đẩy và trao đổi nghệ thuật Việt Nam với thế giới”.

Lúc 14:00 hôm 29/4, BBC gọi cho ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc truyền thông Viet Art Space nhưng ông bảo không tiện trả lời do “đang phải làm việc với công an phường Phú Nhuận, Thành phố Huế, về buổi trình diễn”.

‘Tương tác’

Sau đó, qua điện thoại, nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh nói với BBC: “Đây là lần đầu tiên tôi có màn trình diễn nghệ thuật đường phố, chương trình mang tính ngẫu hứng, trong chuỗi hoạt động của nghệ sĩ ba miền đến tham dự Festival Huế nên chưa kịp xin phép cơ quan chức năng”.

“Buổi trình diễn được khoảng 30 phút thì công an xuất hiện, yêu cầu dừng lại. Tôi nghĩ việc công an tham gia tương tác với tác phẩm nghệ thuật cũng là điều tốt và buổi diễn sáng nay đã được công chúng Huế đón nhận nhiệt tình”.

Ông Mạnh cho hay: “Tất nhiên nếu xin phép được thì tốt hơn, vì nghệ sĩ cũng phải làm theo quy định pháp luật. Nhưng tôi cũng không chắc là nếu xin phép thì có được duyệt”.

Nghệ sĩ cũng cho hay là chưa thể công bố clip buổi trình diễn nghệ thuật do công an đang tạm giữ máy quay phim.

“Với tôi, điều quan trọng của một buổi trình diễn nghệ thuật đường phố là cảm xúc đem lại cho công chúng và ngẫu hứng của nghệ sĩ, chứ không nhất thiết chủ đề phải liên quan đến chính trị”, ông Mạnh nói thêm.

Ông cũng nói: “Tôi cũng như các nghệ sĩ khác trong nhóm làm nghệ thuật từ trái tim. Nếu chính quyền ban hành lệnh cấm chúng tôi biểu diễn sau vụ này thì rất chán!”. - BBC
|
6.
Đại sứ Việt Nam ở Mỹ trong ‘vòng vây’ của người biểu tình

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh hôm 28/4 đã vấp phải sự phản đối cả trong lẫn ngoài khi tới phát biểu tại thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson về một chương mới trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội.

Khi ông Vinh đọc lên một loạt các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, nhất là khi nhắc tới chuyện nhiều người Việt có thể tiếp cận Internet, một tiếng hét “stop lying” (đừng dối trá) của một ai đó trong số hàng trăm người trong hội trường vang lên.

Trong khi đó ở bên ngoài, hàng chục người Mỹ gốc Việt vẫy cờ và hô vang nhiều khẩu hiệu phản đối, làm náo loạn cả một góc thư viện tổng thống Mỹ.

Đề cập tới mối quan hệ “từ thù thành bạn”, nhà ngoại giao Việt Nam nói hai quốc gia đã trải qua nhiều trở ngại để tiến tới mối quan hệ đối tác toàn diện như hiện nay.

Ông cũng nhắc tới chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng và chuyện cấm vận vũ khí.

Đại sứ Vinh nói: “Tổng thống Obama sẽ sớm tới thăm Việt Nam vào tháng tới. Hai bên đang nỗ lực chuẩn bị để bảo đảm thành công của chuyến đi. Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ có một nền móng vững chắc cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn".

Ông nói thêm: "Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay”.

Không giống cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đại sứ Việt Nam không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên cũng như người tham dự.

Sau khi phát biểu xong, ông Vinh nhanh chóng đi vào cánh gà, giữa tiếng hét “freedom for Vietnam” (tự do cho Việt Nam) của một người trong hội trường.

Ban tổ chức ngay lập tức bật to lời phát biểu trước đây về Chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Lyndon Baines Johnson, trước khi một nhóm các cựu quan chức Mỹ thảo luận về bài học từ cuộc chiến đẫm máu.

"Hòa hợp, hòa giải"


Nhiều tiếng đồng hồ trước khi ông Vinh tới, một nhóm người Mỹ gốc Việt khoảng vài chục người cũng đã biểu tình tại khoảng sân lớn của thư viện Tổng thống Johnson, phản đối việc ông được mời tới nói chuyện.

Nha sĩ Bryan Chu, cố vấn của Hội đồng đại diện cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận, cho biết họ xuống đường để “chống lại sự xuất hiện của ông Vinh” cũng như “nói lên tiếng nói tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam”.

Về quá trình hòa hợp, hòa giải giữa chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt lưu vong ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ, ông Chu nói “cộng đồng sẽ không bao giờ chấp nhận”.

Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn chống lại vấn đề hòa giải dân tộc vì ngay cả đảng cộng sản Việt Nam họ cũng không chủ trương chuyện đó. Khi mà họ chiếm miền nam Việt Nam thì họ đã bỏ tù hàng trăm nghìn người và làm cho hàng triệu người phải bỏ xứ ra đi. Cá nhân tôi cũng là một thuyền nhân mà phải vượt biên 6 lần mới tới được Hoa Kỳ. Vấn đề hòa hợp hòa giải chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cho tới khi nào cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp và thả tất cả các tù nhân lương tâm”.

Trong bài phát biểu của mình, đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc Mỹ và Việt Nam hiện cũng thảo luận “những vấn đề còn khác biệt như nhân quyền”.

Hôm 27/4, cũng tại nơi ông Vinh phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington và Hà Nội sẽ “tiếp tục có những khác biệt về quan điểm, nhưng tin tốt lành là đôi bên trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và hiệu quả về những điều đó”.

Việt Nam bấy lâu nay vẫn phản bác cáo buộc của các tổ chức nhân quyền về chuyện “kiểm duyệt” và “bóp nghẹt” Internet, cũng như tuyên bố không tống giam những người bất đồng chính kiến mà chỉ phạt tù những ai vi phạm pháp luật. - VOA
|
7.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tỏ ý ủng hộ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam --- Mỹ tăng cường hợp tác với đồng minh Á châu chống hành động gây hấn của Trung Quốc

Hãng Reuters đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói hôm 28/4 ông sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ những hạn chế về bán vũ khí cho Việt Nam, dấu hiệu mới nhất về quan hệ đang ấm lên giữa hai cựu thù với mối quan tâm đã thay đổi trong những năm gần đây do sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.

Tại cuộc điều trần hôm 28/4, khi Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện đồng thời là cựu tù binh ở Việt Nam, đặt câu hỏi liệu ông có ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế không, ông Carter đã nói: “Chúng ta đã bàn thảo vấn đề này trước đây và tôi trân trọng vai trò lãnh đạo của ngài về việc đó, thưa Chủ tịch, và câu trả lời là có”.

Ông Carter không cung cấp thêm chi tiết, mặc dù lời phát biểu của ông được đưa ra trước chuyến thăm Việt Nam đã được lên kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ diễn ra vào cuối tháng sau.

Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hồi tháng 10/2014, gần 40 năm sau khi chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, để giúp Việt Nam tuần tra và tự vệ ở Biển Đông vào lúc ngày càng có nhiều thách thức hải quân từ Trung Quốc. Tại thời điểm đó, các quan chức Mỹ nói các thiết bị được bán trong tương lai có thể bao gồm cả phi cơ và các hệ thống liên quan.

Năm ngoái khi thăm Việt Nam, Bộ trưởng Carter cam kết cung cấp 18 triệu đôla để giúp cảnh sát biển Việt Nam mua các tàu tuần tiễu của Mỹ.

Nhưng trong thời gian qua, Hoa Kỳ vẫn nói việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận sẽ tùy thuộc vào việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.

Hôm 26/4, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách nhân quyền, ông Tom Malinowski, nói: “Có một số yếu tố mà chúng tôi phải cân nhắc liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, trong đó có tiến bộ về nhân quyền”. Ông Malinowski đã phát biểu sau cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam hôm 25/4. - VOA

***
Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác với các đồng minh Á châu để chống lại điều mà người Mỹ cho là “cung cách hành xử hung hăng và khiêu khích của Trung Quốc ở  Biển Đông”, thách thức quyền tự do hàng hải tại tuyến đường biển thiết yếu này.

Hôm 28/4, các nhà lập pháp đã chất vấn Phó Ngoại trưởng Anthony Blinken về một vụ kiện do Philippines phát động chống Trung Quốc.

Ông Blinken nói:

“Chúng ta không có lập trường về những tuyên bố chủ quyền, chúng ta không phải là một nước tranh giành chủ quyền tại đó. Nhưng chúng ta quan tâm sâu sắc tới việc duy trì quyền tự do hàng hải, bảo đảm các cuộc tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó chính là những quan tâm mà Trung Quốc đang thách thức với một số hành động của họ, kể cả việc lấp đất xây đảo và việc quân sự hóa các vùng đất mới bồi đắp”.

Ông Blinken nói với Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ rằng Trung Quốc đang gây khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc thực hiện các cam kết của Mỹ và với các liên minh của Mỹ.

Ông Blinken lên tiếng sau khi một số Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng đề xuất “Đạo Luật An ninh Hàng Hải Á Châu-Thái Bình Dương” mà họ tin sẽ củng cố những hỗ trợ an ninh cho các đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á, và tăng các hoạt động tuần tiễu của hải quân Mỹ ở Biển Đông. - VOA

Không có nhận xét nào: