Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Nguyễn Tấn Dũng bị đẩy ‘về vườn’ - Phúc Hói lên thề - Đỗ Bá Tỵ bị bứng

HÀ NỘI (NV) - Theo một thủ tục bỏ phiếu của Quốc Hội CSVN hôm 6 tháng 4, 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị “miễn nhiệm” chức thủ tướng, mở đường cho Nguyễn Xuân Phúc lên thay ngày hôm sau.

Ngày 21 tháng 3, 2016, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sờ vào cái ghế đại biểu Quốc Hội mà ông đã ngồi qua nhiều khóa rồi sẽ đẩy về vườn vì thua trong cuộc đấu đá tranh ghế tổng bí thư. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) 
<!->

Thông tấn xã Việt Nam loan báo “Chiều 6 tháng 4, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc Hội khóa XIII đã tiến hành bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng. Buổi chiều cùng ngày, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang đã đọc tờ trình, giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính Trị, phó thủ tướng chính phủ vào chức danh thủ tướng chính phủ thay ông Nguyễn Tấn Dũng.”

Theo kết quả được công bố thì “có 418 đại biểu bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh thủ tướng chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng tương đương với 84.62% tổng số đại biểu Quốc Hội.”
Quốc Hội CSVN với hầu hết thành viên đều là đảng viên đảng CSVN, cộng thêm với một số người được mô tả không là đảng viên nhưng đều do đảng CSVN cài cắm vào không do dân chúng trực tiếp bầu lên, nên giới báo chí quốc tế gọi là “rubber stamp” (con dấu cao su), tức “nhất trí cao” bỏ phiếu theo lệnh.
Khi ông Nguyễn Xuân Phúc được chính thức đôn lên làm thủ tướng từ vai trò phó thủ tướng thì hoàn tất thủ tục chia chác ba cái ghế cao nhất của chế độ, hợp với ghế tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng lập thành “tứ đầu chế” chóp bu của hệ thống quyền lực CSVN.

Nguyễn Tấn Dũng đã bị phe cánh của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hất văng ra khỏi hệ thống quyền lực khi thua đau trong cuộc đấu đá nhiều kịch tính ở đại hội đảng hồi tháng 1, 2016 vừa qua. Nhìn qua những trang mạng được thành lập vội vã để đưa những thông tin thâm cung bí sử của các phe phái kình chống nhau, bôi bẩn nhau, cáo buộc những đòn bẩn tuy không ai có thể kiểm chứng được, nhưng dư luận vẫn tin rằng những gì được phơi bày là sự thật.

Vì bị đẩy ra khỏi trung ương đảng, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nay 67 tuổi, đã để lại rất nhiều tai tiếng từ tham nhũng đến những thất bại kinh tế, đầu tư phát triển bừa bãi với những hệ quả to lớn còn đó. Hàng trăm người dân đã bị chế độ bỏ tù với các bản án nặng nề chỉ vì đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do dân chủ, nhân quyền trong 10 năm mà ông ta nắm quyền.
Trần Huỳnh Duy Thức chỉ vì viết châm chọc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mà bị bản án 17 năm tù. Linh Mục Nguyễn Văn Lý 3 lần lãnh án tù chỉ vì đòi tự do tôn giáo. Bản án 8 năm tù Linh Mục Lý bị áp đặt ngày 31 tháng 3, 2007 nay đã quá hạn nhưng vẫn chưa thấy có tin gì là ngài đã được thả dù bị tai biến mạch máu hai lần trong nhà tù Nam Hà.

Sau cuộc bỏ phiếu “miễn nhiệm,” bà tân Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “trân trọng trao lẵng hoa tươi thắm tặng Nguyên Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng và gửi đến ông lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp to lớn của Nguyên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong suốt thời gian ông giữ cương vị người đứng đầu chính phủ,” theo bản tin TTXVN.
Nhưng nếu ai nhớ lại một số nét chính yếu các chính sách kinh tế xã hội được chế độ đưa ra trong 10 năm đó sẽ thấy những “dấu ấn” tai hại cho đất nước Việt Nam là thế nào.

Khi vừa được đưa lên làm thủ tướng đầu năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mồm tuyên bố rằng nếu không dẹp được tham nhũng thì ông sẽ từ chức. Nhưng ai cũng biết, tham nhũng càng ngày càng kinh hoàng, luồn sâu leo cao trong hệ thống đảng đến nỗi được nhìn nhận như quốc nạn hay giặc nội xâm.
Những tập đoàn tổng công ty “quả đấm thép” mà ông là người chịu trách nhiệm trên cùng, như tập đoàn đóng tàu Vinashin, tổng công ty tàu biển Vinalines, sụp đổ cụt vốn vì tham nhũng và đầu tư bừa bãi. Những kẻ cầm đầu hai “quả đấm thép” này hoặc bị án tù nặng nề hoặc lãnh án tử hình.
Sau các tai tiếng làm sập Vinashin và Vinalines, hệ thống ngân hàng tràn ngập nợ xấu, Quốc Hội CSVN ngày 11 tháng 6, 2013 lần đầu tiên bỏ phiếu “lấy phiếu tín nhiệm” 47 cá nhân là lãnh đạo của Quốc Hội, nhà nước và chính phủ, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nằm trong số ba người dẫn đầu về “tín nhiệm thấp” (160 phiếu).

Hai người còn lại, cùng ông Nguyễn Tấn Dũng, đội sổ về mức độ tín nhiệm là ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước (209 phiếu) và ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Giáo Dục-Đào Tạo (177 phiếu). Tín nhiệm thấp như thế nhưng không thấy ông Nguyễn Tấn Dũng từ chức như một cách chứng tỏ mình là một người có liêm sỉ, biết thế nào là tự trọng.

Lạm phát tại Việt Nam có lúc lên hơn 28% như hồi năm 2008 vì chế độ Hà Nội chủ trương đầu tư bừa bãi các mặt để được tiếng tăng trưởng cao. Nhà cầm quyền các địa phương, các tập đoàn và tổng công ty của các bộ ngành ở trung ương đua nhau đốt tiền để có cơ hội tham nhũng. Hàng chục khu công nghệ, cảng biển nay vẫn còn đang bỏ hoang trong khi người dân bị cướp nhà cướp đất, khiếu kiện quanh năm ngày tháng vì bị đầy vào đường cùng.

Các định chế tài trợ quốc tế cấp viện cho Việt Nam thoát nghèo đói, rất nhiều lần thúc hối chế độ Hà Nội giải thể đám quốc doanh “lời giả lỗ thật,” hậu thuẫn cho hệ thống tư doanh phát triển để có thể phát triển kinh tế xã hội bền vững, nhưng đã không được nghe theo. Tín dụng ngân hàng hầu như chỉ rót vào các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh khiến cho tư doanh ngày càng teo tóp.

Trong một hội nghị tổ chức ở Cần Thơ hồi tháng 3, 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng đòi hỏi “bằng nhiều biện pháp hỗ trợ để người trồng lúa thu được 30% lãi” chứ không thể để người trồng lúa “mãi chịu đựng cảnh được mùa rớt giá, cảnh ly nông ly hương - trong khi vai trò của kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo thời gian qua là hết sức to lớn.”

Nhưng cái điệp khúc “được mùa rớt giá” đó vẫn được lập lại và người nông dân Việt Nam, được đảng CSVN xưng tụng là thành phần trụ cột tạo ra chế độ, vẫn là tầng lớp nghèo khổ nhất, bị chế độ bóc lột tận xương tủy nhiều nhất qua hàng trăm thứ “thuế và phí.”

Cái ghế thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng chuyển lại cho Nguyễn Xuân Phúc, một người bị truyền thông “lề trái” đặt tên là “vua tham nhũng,” ở thời điểm đất nước đang đối diện với khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong khi bên ngoài thì chủ quyền lãnh thổ bị Trung Quốc lấn dần. Đất nước Việt Nam không bao nhiêu lạc quan với một bộ sậu chóp bu chỉ cố giữ chặt quyền lực. (TN)

Tân Thủ tướng 

Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ
0SHARES
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa ‘kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền’
Sáng 7/4, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức với lời cam kết ‘đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế’.
“Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã nhất trí cao bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam”.
“Ông Phúc nhận được 446/490 phiếu đồng ý (90,28% tổng số đại biểu Quốc hội), 44 phiếu không đồng ý”, website Chính phủ cho hay.
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được website này dẫn lời: “Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Thủ tướng. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tân Thủ tướng cũng “nguyện nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền”.
Trước đó, trang tin chính thức của chính phủ trích dẫn văn bản chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc tại Quốc hội cho biết việc miễn nhiễm thủ tướng Dũng là “do yêu cầu sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và công tác cán bộ”.
Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm ông Dũng bằng bỏ phiếu kín.
Về cách điều hành kinh tế của chính quyền 20 năm qua trong đó có gần 10 năm ông Dũng làm thủ tướng, có đánh giá mới đây tổng kết lại tình hình như sau:
“Trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân sách xấu như bây giờ. Chi thường xuyên tăng nhanh bất thường, đặc biệt trong giai đoạn 2010-2012, khiến cho toàn bộ thu ngân sách hầu như chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên.”
TS Vũ Thành Tự Anh đã nêu ra bình luận trên trong bài trên trang Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 1/04, và viết thêm về thực trạng tài chính của một thời gian qua, để lại vấn đề lớn hiện nay cho Việt Nam là “thâm hụt ngân sách triền miên, cả nợ chính phủ và nợ công đều đã vượt trần”.
BBC

Điều chuyển tướng Đỗ Bá Tỵ:

Dấu hiệu bất an cho ‘hậu Nguyễn Tấn Dũng’?

Điều chuyển tướng Đỗ Bá Tỵ: Dấu hiệu bất an cho ‘hậu Nguyễn Tấn Dũng’?
2SHARES
2
Thủ tướng Dũng và tướng Tỵ tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tại Hà Nội tháng 7/2015.
Có thể trong nhiều năm nữa, “hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng” sụp đổ tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào tháng Giêng năm 2016 vẫn sẽ là một bí ẩn cung đình.
Ngay trước đại hội 12, nghe nói những người ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn rất tự tin và đã lộ liễu chuẩn bị “tiệc mừng” một khi ông Dũng đăng quang chức vụ tổng bí thư.
6/4/2016 đã trở thành ngày đóng dấu chấm dứt “triều đại X”. Sau việc ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại khỏi Bộ chính trị tại đại hội 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã đóng dấu chấm hết cho tham vọng “lật ngược thế cờ” của ông.
Gần 88% đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành việc mãn nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng là tỷ lệ rất cao, so với tin tức cho biết về con số 41% đại biểu đại hội 12 bỏ phiếu ủng hộ ông Dũng “ở lại”.
Hiện tượng sa sút kỳ lạ của Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12 và từ sau đại hội này đến khi bị mãn nhiệm xứng đáng là một câu hỏi rất lớn về tính thực chất tương quan quyền lực và xung đột quyền lực. Không phải ngẫu nhiên mà ông Dũng tỏ ra “nhũn như chi chi” và còn cảm thán “ráng làm người tử tế”.
Nhưng liệu ông có được làm “người tử tế” như nguyện ước?
Chỉ vài ngày trước khi Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu miễn nhiệm thủ tướng cũ, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ – Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – đã “được” Bộ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng điều chuyển sang chức vụ Phó chủ tịch quốc hội. Báo chí thốt lên “Lần đầu tiên Quốc hội có một phó chủ tịch là tướng quân đội !”. Nghe đâu có hơi hám mỉa mai trong đó…
Khó ai quên được một sự kiện đình đám vào năm ngoái: đầu tháng 7 năm 2015, ngay sau tin đồn chấn động “bị ám sát” về Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tại Hà Nội đã không có sự hiện diện của tướng Thanh. Thay vào đó là gương mặt của tướng Đỗ Bá Tỵ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại thời điểm đó, không thể tránh được sự khuấy đảo của bàn tán dư luận về việc Thủ tướng Dũng đang “thượng phong”, còn tướng Tỵ sẽ nghiễm nhiên thay chức bộ trưởng quốc phòng của tướng Thanh. Đó cũng là thời điểm mà người ta biết về tướng Tỵ như một “cánh hẩu” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Song thời thế đảo điên, con tạo xoay vần không thể đoán định. Sau tháng Bảy hoành tráng đó là hai hội nghị trung ương 13 và 14 – nơi mà “dấu ấn Nguyễn Tấn Dũng” bắt đầu mờ nhạt rồi một chiều đi xuống.
Tướng Tỵ có lẽ là một trong số ít nhân vật cao cấp được coi là “cùng cánh” với ông Nguyễn Tấn Dũng. Việc tướng Tỵ bất ngờ bị Tổng bí thư Trọng điều chuyển sang quốc hội làm nhiệm vụ “dân nguyện” là hiện tượng không bình thường, thậm chí có thể xem là rất bất bình thường. Hiện tượng này có thể là một dấu hiệu đủ lớn và đủ rõ cho thấy sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực, thân phận và số phận của nhiều người thuộc phe ông sẽ trở nên “khó thở”.
Từ tết nguyên đán 2016, dư luận Hà Nội đã lan truyền “Văn phòng chính phủ tết này vắng như chùa Bà Đanh”. Càng gần đến kỳ họp quốc hội bỏ phiếu mãn nhiệm Thủ tướng Dũng, nghe nói càng có một làn sóng “chạy loạn”. Những quan chức và đại gia vốn trước đây ủng hộ, a dua với Thủ tướng Dũng, nay đang tìm đường tháo thân hoặc tìm chủ mới.
Cũng bởi thế, mong ước “ráng làm người tử tế” của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và số phận của gia đình ông vẫn khó đoán định và tiếp tục là một ẩn số.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: