1.
Cuộc thao dượt quân sự Mỹ-Phi bắt đầu với sự tham gia của Nhật, Úc Cuộc thao dượt quân sự chung hàng năm giữa Philippines và Hoa Kỳ đang diễn ra với sự tham gia lần đầu của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản trong tư cách quan sát viên. Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tại Manila, cuộc diễn tập này còn có sự tham gia của gần 100 binh sĩ Úc trong một số hoạt động đặc biệt.
<!->
Cuộc tập trận chung Mỹ-Phi năm nay có sự tham gia lần đầu của các nước đối tác của Philippines trong khu vực, những nước lâu nay vẫn thường bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, các giới chức ở Manila nói rằng cuộc thao dượt này không nhắm vào bất kỳ nước nào.
Viên chỉ huy của Philippines trong cuộc thao dượt, Phó Đô đốc Alexander Lopez, phát biểu như sau tại cuộc họp báo sau buỗi lễ khai mạc.
"Nhưng cuộc thao dượt này không có mục đích đó. Không có mục đích đó. Xin quí vị tin chúng tôi. Mục đích thật sự của chúng tôi là tăng cường khả năng. Quân đội Philippines là quân đội có ít khả năng nhất trong khu vực và Hoa Kỳ là một người anh lớn đang giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều."
Ông Lopez nói thêm rằng Manila hoan nghênh cơ hội được huấn luyện với những kỹ thuật tiên tiến của Mỹ.
Trung tướng Thuỷ quân Lục chiến Mỹ John Toolan, người chỉ huy lực lượng Mỹ trong cuộc thao dượt, nói rằng Washington muốn thấy ổn định trong khu vực, bao gồm việc ngăn chận một vụ khủng hoảng ở Biển Đông. Ông cho biết biết được những gì xảy ra ở vùng biển này là một mục tiêu hết sức quan trọng của cuộc thao dượt.
"Chúng tôi không có được một bức tranh rõ ràng về những gì xảy ra trên biển một cách liên tục 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Cho nên chúng tôi đầu tư vào một số trang thiết bị, một số hệ thống ra đa… nhưng chúng tôi phải có khả năng đó để bảo đảm là chúng tôi có được một bức tranh rõ ràng."
Các giới chức Philippines và Hoa Kỳ cho biết họ cũng muốn tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai.
Quân đội Philippines cho biết khoảng 8.500 binh sĩ của Philippines và Hoa Kỳ đang tham gia cuộc thao dượt có tên Balikatan, có nghĩa là “sát cánh với nhau”. Họ nói rằng từ 80 đến 95 binh sĩ Úc sẽ tham gia các hoạt động diễn tập đặc biệt lần đầu tiên. Và toán quan sát của Nhật sẽ gồm có 8 viên sĩ quan.
Thiếu tướng Rodolfo Santiago, Phó chỉ huy trưởng của Philippines trong cuộc thao dượt, nói rằng các binh sĩ trong cuộc thao dượt đặc biệt có sự tham gia của Úc sẽ tập luyện cách thức bảo vệ một giàn khoan dầu. Tuy không nói rõ trong vùng biển nào, nhưng ông xác nhận là cuộc tập trận đó không diễn ra tại địa điểm khai thác khí đốt duy nhất của Philippines ở Biển Đông.
Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau trong vùng biển có nhiều tài nguyên và là hải lộ quan trọng của thương mại thế giới. Trung Quốc nói rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Trong hai năm nay, họ đã xây dựng tại vùng biển này nhiều hòn đảo nhân tạo có thể dùng làm nơi cập bến cho các tàu thuyền cỡ lớn và nơi hạ cánh cho các phi cơ quân sự.
Năm 2013, Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc tại toà trọng tài Liên Hiệp Quốc để thách thức điều mà họ cho là “những yêu sách chủ quyền quá đáng” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ đề nghị trọng tài và không tham gia vụ kiện. Phán quyết về vụ án dự kiến sẽ được loan báo trong vài tháng tới đây.
Nhật Bản không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền một quần đảo không người ở ở Biển Hoa Đông và họ tiếp tục bay vào không phận mà Trung Quốc tự ý tuyên bố là Vùng nhận dạng Phòng không.
Trong vài tháng qua, Úc đã lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn để ủng hộ vụ kiện trọng tài và những hoạt động khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông. Các giới chức quốc phòng Úc cũng cho biết có sự gia tăng của những lời cảnh báo của Trung Quốc đối với các máy bay quân sự của Úc bay qua những hòn đảo nhân tạo.
Ông Richard Heydarian, một nhà phân tích địa chính trị của Đại học De LaSalle ở Manila, cho biết sự can dự nhiều hơn của Nhật Bản và Úc ở Biển Đông là để chuẩn bị cho phán quyết của toà trọng tài.
Các nhà phân tích cho rằng phán quyết đó có phần chắc sẽ có lợi cho Philippines, và ông Heydarian nói việc chấp hành quyết định đó sẽ rơi vào tay những nước có khả năng nhiều nhất để giám sát khu vực có tranh chấp.
"Tín hiệu cho Trung Quốc thật là rõ ràng. Đó là phần còn lại của khu vực, Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất trắc nào. Và Philippines, nước có quan hệ xấu nhất với Trung Quốc trong khu vực, cũng đang nhận được sự giúp đỡ tối đa từ Hoa Kỳ và những nước đồng minh quan trọng như Úc và Nhật Bản."
Các giới chức cho biết một hệ thống phóng rocket dễ di chuyển có thể bắn đi các loại phi đạn địa đối không và địa đối địa sẽ được thử nghiệm trong cuộc thao dượt năm nay, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đến dự khán cuộc tập trận khi ông đến thăm Philippines vào tuần sau.
Cuộc diễn tập này sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng tư. - VOA
2.
Anh rể ông Tập dùng thiên đường thuế --- Điều tra: Cộng sự của Putin chuyển 2 tỉ đôla qua tài khoản nước ngoài --- Rò rỉ tài liệu trốn thuế lớn chưa từng có
Hồ sơ Panama tiết lộ rằng những gia đình giàu có của một số lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, đã sử dụng những thiên đường thuế ở nước ngoài để che giấu tài sản khổng lồ của mình.
Danh sách này bao gồm ít nhất tám thành viên đương chức hoặc đã bãi nhiệm của Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tám người này nằm trong số 140 chính trị gia trên thế giới bị cáo buộc có liên quan đến các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Một trong số đó được tiết lộ là tài khoản của anh rể ông Tập là ông Đặng Gia Qúy.
Ông này thành lập hai công ty tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2009.
Tại thời điểm đó ông Tập Cận Bình chưa lên làm Chủ tịch nước, mới là thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.
Báo chí nước ngoài cho rằng ông Tập có nhiều tài sản gia đình ở nước ngoài.
Trong hồ sơ Panama cũng có tên người gửi tiền là bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng và bà Jasmine Li, cháu gái của ông Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Công ty của bà Lý Tiểu Lâm, tên là Cofic Investments Ltd, có địa chỉ tại British Virgin Islands, còn bà Jasmine Li thì nhận được một công ty ở hải ngoại khi còn ở tuổi thiếu niên.
Những cáo buộc này bị báo chí chính thống tại Trung Quốc phớt lờ và những ấn phẩm trên mạng bị kiểm duyệt.
Bộ trưởng Ấn Độ cảnh báo
Bộ trưởng tài chính Ấn Độ ông Arun Jaitley cho rằng đây là “sự phiêu lưu đắt đỏ” cho những người không tranh thủ đợt ân xá năm ngoái để khai báo tài sản bất hợp pháp của mình ở nước ngoài.
Ông nói thêm về việc sẽ thi hành sáng kiến toàn cầu chống lại việc che giấu tài khoản ở nước ngoài vào năm tới.
Một báo cáo cho biết hơn 500 người Ấn Độ có liên quan đến những thiên đường trốn thuế ở nước ngoài, theo tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama. - BBC
***
Một nhóm những nhà báo quốc tế, làm việc với những tài liệu rò rỉ từ một công ty luật ở Panama, kết luận rằng những cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển tới 2 tỉ đôla qua những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài trong khoảng thời gian gần 40 năm.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế, liên minh với tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức và hơn 100 hãng tin khác, cho biết trong một báo cáo hôm Chủ nhật rằng 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama cho thấy hàng chục giao dịch "dính dáng tới những người hoặc những công ty liên kết với Putin" từ năm 1977 đến cuối năm 2015.
Gửi tiền trong những tài khoản ở nước ngoài không nhất thiết là bất hợp pháp, và có thể được sử dụng để thiết lập nơi tránh thuế hợp pháp hoặc làm cho những thỏa thuận kinh doanh quốc tế trở nên dễ dàng. Nhưng báo cáo cho biết "những tài liệu cho thấy những ngân hàng, những công ty luật và những tác nhân nước ngoài khác thường không tuân thủ những quy định pháp lý buộc họ phải đoan chắc rằng khách hàng của họ không dính dáng đến những tổ chức tội phạm, trốn thuế hoặc tham nhũng chính trị."
Điện Kremlin tuần trước không trả lời câu hỏi của phóng viên về những giao dịch này, và đã công khai cáo buộc nhóm nhà báo là chuẩn bị một "cuộc tấn công thông tin" sai lệch nhắm vào nhà lãnh đạo Nga và những người thân cận với ông ta.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) là một tổ chức phi lợi nhuận đặt ở thủ đô Washington của Mỹ.
Sueddeutsche Zeitung, đặt tại thành phố Munich, hôm Chủ nhật cho biết họ đã nhận được dữ liệu từ một nguồn ẩn danh từ hơn một năm trước. Báo này nói số lượng dữ liệu mà họ nhận được còn lớn hơn so với những điện tín ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks công bố vào năm 2010, và những tài liệu tình báo bí mật được Edward Snowden trao cho những nhà báo vào năm 2013.
Ngoài những liên kết với ông Putin, ICIJ cho biết những tài liệu này:
- Tiết lộ tài sản ở nước ngoài của 140 chính trị gia và quan chức công cử khắp thế giới, bao gồm 12 nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và trước đây. Trong số đó có thủ tướng của Iceland và Pakistan, tổng thống của Ukraine và Argentina, và quốc vương Ả-rập Saudi.
- Bao gồm tên của ít nhất 33 người và công ty bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen vì những bằng chứng cho thấy họ dính líu vào những hành vi sai trái, chẳng hạn như làm ăn với những trùm ma túy Mexico, những tổ chức khủng bố như Hezbollah hay những nước bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran.
- Cho thấy cách thức mà những ngân hàng lớn đã thúc đẩy việc tạo ra những công ty khó lần ra dấu vết ở những nơi tránh thuế ở nước ngoài. Hơn 500 ngân hàng, những công ty con và những chi nhánh của họ đã tạo ra hơn 15.000 công ty ở nước ngoài cho khách hàng của mình thông qua công ty luật Mossack Fonseca.
Công ty Panama này nói với báo The Washington Post rằng họ tuân theo "cả ngôn từ và tinh thần" của pháp luật tài chính, vốn khác nhau ở khắp thế giới. Công ty nói rằng trong gần 40 năm hoạt động họ chưa bao giờ bị cáo buộc có hành vi phạm tội nào cả.
Báo cáo cho biết Quần đảo Virgin thuộc Anh là nơi tránh thuế ở nước ngoài phổ biến nhất, với một trong số hai công ty trong những hồ sơ của Mossack Fonseca đang được lập ra một cách hợp pháp ở đó. Panama, Bahamas và Seychelles là những địa điểm tiếp theo trong danh sách.
Báo cáo của ICIJ cũng làm sáng tỏ một vụ cướp vàng vào năm 1983 ở Anh được mệnh danh "Tội ác của Thế kỷ."
Những kẻ cướp lấy trộm gần 7.000 thỏi vàng từ kho Brink's-Mat tại sân bay Heathrow ở London, cùng với tiền mặt và kim cương. Nhưng vàng được nấu chảy và đem bán, và phần lớn số tiền không bao giờ lấy lại được.
Báo cáo cho biết một tài liệu của Mossack Fonseca cho thấy một quan chức tại một công ty mà công ty luật này tạo ra 16 tháng sau vụ trộm "dường như có dính dáng đến việc quản tiền từ vụ trộm nổi tiếng từ Brink's-Mat ở London. Bản thân công ty không được sử dụng một cách phi pháp, nhưng có thể là công ty đầu tư tiền thông qua những tài khoản ngân hàng và tài sản có nguồn gốc bất chính."
Công ty luật này phủ nhận họ giúp che giấu số tiền lấy được từ vụ trộm ở London. - VOA
***
Một vụ rò rỉ tài liệu mật vừa tiết lộ những người giàu và quyền lực sử dụng các thiên đường trốn thuế để che giấu tài sản ra sao.
11 triệu tài liệu từ một trong những công ty bí ẩn nhất thế giới, công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, bị tung ra.
Các tài liệu này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp các khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế ra sao.
Công ty này cho biết họ đã hoạt động không thể chê vào đâu được trong suốt 40 năm và chưa bao giờ bị cáo buộc phạm tội.
Tài liệu cho thấy các đầu mối có liên hệ đến 72 cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm, bao gồm cả các nhà độc tài bị cáo buộc tham nhũng từ chính quốc gia của mình.
Gerard Ryle, Giám đốc của Nghiệp đoàn quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), cho biết tài liệu bị tung ra cho thấy hoạt động hàng ngày của công ty Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua.
"Tôi nghĩ vụ tiết lộ sẽ là đòn mạnh nhất đánh vào vào các thiên đường thuế vì phạm vi của các tài liệu này" - ông cho biết
Panama Papers - Thiên đường trốn thuế của người giàu và giới quyền lực bị phơi bày
11 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama được trao cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung. Tờ này sau đó đã chia sẻ tài liệu này cho Nghiệp đoàn Quốc tế các nhà báo điều tra.
BBC Panorama là một trong số 107 tổ chức báo chí, cùng với tờ Guardian của Anh - nằm trong số 78 quốc gia đang tham gia phân tích tài liệu này. BBC không được biết nguồn cung cấp tài liệu.
Tài liệu cho thấy công ty này đã giúp khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế.
Mossack Fonseca cho biết họ đã hoạt động hoàn hảo trong 40 năm và chưa bao giờ bị cáo buộc hay truy tố về bất cứ tội gì.
Dữ liệu bao gồm bí mật của các công ty bình phong (offshore company - đặt ở nước ngoài, thường liên quan đến các thiên đường trốn thuế).
Các công ty này liên đới đến các gia đình và tổ chức của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarack, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Syria Basha al-Assad.
Liên quan đến Nga
Tài liệu này tiết lộ một tỷ đô-la nghi ngờ từ mạng lưới rửa tiền do một ngân hàng Nga điều hành và có liên hệ với tổng thống Nga Putin.
Ngân hàng Rossiya điều hành việc rửa tiền, nhắm đến lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.
Lần đầu tiên, tài liệu tiết lộ cách thức ngân hàng này hoạt động.
Tiền được đưa qua các công ty đặt trụ sở ở nước ngoài, hai trong số các công ty này chính thức do một người bạn thân của tổng thống Putin sở hữu.
Nghệ sĩ đàn cello Sergei Roldugin quen Tổng thống Putin từ thời thiếu niên và là cha đỡ đầu cho con gái tên Maria của tổng thống.
Trên giấy tờ, cá nhân ông Roldugin đã thu lợi hàng trăm triệu đô-la từ những hợp đồng đáng ngờ.
Nhưng tài liệu từ công ty của ông Roldugin cho biết: "Công ty là một cổng sàng lọc được thành lập với mục đích bảo vệ danh tính và sự bảo mật của người sở hữu lợi nhuận duy nhất của công ty."
Liên quan đến Iceland
Dữ liệu của công ty Mossack Fonseca cho thấy thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson có hưởng lợi nhuận không công bố từ các ngân hàng được giải cứu ở quốc gia này.
ông Gunnlaugsson bị cáo buộc che giấu hàng triệu đô-la đầu tư vào các ngân hàng trong nước nhờ vào một công ty bình phong có trụ sở ở nước ngoài.
Các tài liệu được tung ra cũng cho thấy ông Sigmundur Gunnlaugsson và vợ đã mua công ty Wintris vào năm 2007.
Ông không công khai lợi nhuận từ công ty này khi bước vào quốc hội năm 2009. Ông bán 50% công ty Wintris cho vợ với giá 1 đô-la tám tháng sau đó.
Ông Gunnlaugsson giờ phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức. Ông nói mình không phạm luật và vợ ông không hưởng lợi gì từ quyết định của ông.
Công ty bình phong này được sử dụng để đầu tư hàng triệu đô-la từ tiền thừa kế, theo một tài liệu do vợ ông Gunnlaugsson, bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir ký vào năm 2015.
"Hoàn hảo"
Thêm vào đó, Mossack Fonseca cung cấp một người đại diện giả vờ sở hữu 1,8 tỷ đô la, để người sở hữu thực sự có thể rút tiền mặt từ ngân hàng mà không bị lộ danh tính.
Mossack Fonseca cho biết họ luôn tuân thủ các quy tắc quốc tế, đảm bảo các công ty mà họ hợp nhất không sử dụng dịch vụ vào việc việc trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các mục đích trái phép.
Công ty này cho biết họ thẩm định kỹ lưỡng và lấy làm tiếc vì sự lạm dụng với dịch vụ của họ.
"Trong 40 năm, Mossack Fonseca đã hoạt động hoàn hảo ở đất nước chúng tôi và các khu vực pháp lý nơi chúng tôi hoạt động. Công ty luật của chúng tôi chưa bao giờ bị cáo buộc hay bị truy tố vì liên quan đến tội phạm."
"Nếu chúng tôi thấy các hoạt động đáng ngờ hoặc làm sai, chúng tôi nhanh chóng trình báo cho nhà chức trách. Tương tự, khi các cơ quan chức năng tiếp cận chúng tôi với bằng chứng cho thấy có thể xảy ra hoạt động sai trái, chúng tôi luôn hợp tác đầy đủ với họ."
Mossack Fonseca nói các công ty bình phong có ở khắp thế giới và được sử dụng với nhiều mục đích hợp pháp. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Đoàn tàu Amtrak trật đường ray gần Philadelphia, 2 người chết
Hai người thiệt mạng và 35 người khác bị thương khi một đoàn tàu Amtrak trật đường ray sáng Chủ nhật ở bang Pennsylvania, khiến nhà chức trách phải đình chỉ dịch vụ dọc theo một tuyến đường sắt bận rộn của hành lang vùng đông bắc của Mỹ.
Trưởng Sở Cứu hỏa Thành phố Chester, Travis Thomas, cho biết hai người thiệt mạng không phải là hành khách trên tàu.
Giới chức Amtrak cho biết không có ai trong số 35 hành khách đang được điều trị bị thương đe dọa tới tính mạng.
Tin tức cho hay đoàn tàu đang đi từ thành phố New York đến thành phố Savannah bang Georgia thì đụng phải một chiếc xe đào đất trên đường ray, ngay bên ngoài thành phố Philadelphia lúc 8 giờ sáng, làm thiệt mạng hai công nhân xây dựng.
Vụ tai nạn khiến đầu máy trật đường ray. Đoàn tàu khi đó đang chở khoảng 350 hành khách và nhân viên.
Amtrak cho biết họ đang tạm ngừng dịch vụ tàu trên Hành lang Đông Bắc giữa thành phố Wilmington bang Delaware và Philadelphia bang Pennsylvania.
Những quan chức của Ban An toàn Giao thông Quốc gia và Cơ quan Quản lý Đường sắt Liên bang đang điều tra vụ việc. - VOA
|
|
4.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Obama nói sau lưng tôi
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chỉ trích sau lưng ông về vấn đề tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khi ông tới thăm Washington tuần trước.
Chính quyền của ông Erdogan đã bị chỉ trích nặng nề về tình trạng vi phạm nhân quyền, tống giam các nhà báo và tiếp quản một số cơ quan báo chí ở nước này.
Sau khi hai quan chức hội đàm kín bên lề của hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Nhà Trắng, ông Obama nói hôm thứ Sáu tuần trước rằng “cách tiếp cận hiện nay đối với báo chí có thể dẫn Thổ Nhĩ Kỳ đi tới tình thế đáng ngại”.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã nêu các mối quan ngại đó với ông Erdogan, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua bác bỏ rằng họ đã thảo luận vấn đề trên, nói rằng ông Obama đã đưa ra các phát biểu đó “sau lưng tôi”.
Ông Erdogan nói thêm rằng có cơ quan báo chí Thổ Nhĩ Kỳ gọi ông là “kẻ cắp” và “kẻ sát nhân” nhưng vẫn không bị đóng cửa.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Chúng tôi chưa từng làm điều gì để ngăn chặn tự do ngôn luận và tự do báo chí. Ngược lại, báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt chỉ trích tôi cũng như chính phủ của tôi. Và dẫu vậy, chúng tôi vẫn rất bình tĩnh đối phó với sự công kích đó”.
Tổ chức Freedom House ở Washington, cơ quan thường công bố phúc trình về tự do báo chí khắp thế giới, nói rằng môi trường báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống cấp trong 5 năm qua.
Trong bản đánh giá năm 2015, Freedom House nói rằng “không có tự do” ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí 149 trong số 180 nước trong bảng xếp hạng có tên gọi Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam bắt tàu nhiên liệu Trung Quốc --- Biển Đông: Tàu cá Trung Quốc được yểm trợ tối đa
Tàu Trung Quốc tên Quỳnh Dương Phổ số hiệu 13056 và ba thuyền viên người Trung Quốc bị bộ đội biên phòng Hải Phòng bắt giữ từ đảo Bạch Long Vĩ, các báo tại Việt Nam đưa tin.
Thông tấn xã Việt Nam nói tàu bị bắt khi giả làm tàu đánh cá.
Phía Việt Nam cũng cho biết con tàu chở 100.000 lít dầu, mà theo thông tin các báo Việt Nam đưa lại là "bán số dầu trên cho các tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng biển của Việt Nam."
Báo chí Việt Nam trích thuật giới chức trách nói thủy thủ đoàn đã không đưa ra được giấy phép cần thiết và giấy tờ về nguồn gốc của khối lượng dầu này.
Cho tới nay chưa có bình luận gì từ phía Trung Quốc.
Con tàu có màu xanh, tên viết bằng tiếng Trung Quốc, với ba người thủy thủ đoàn có quốc tịch Trung Quốc, cư trú ở tỉnh Quảng Đông điều khiển, báo Thanh Niêntường thuật.
Tờ Vnexpress nói con tàu bị bắt tại tọa độ 190 44’N 1070 20’ E cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ.
Ông Phạm Đình Thành - phó Hải đội 2, bộ đội Biên phòng Hải Phòng nói với báo Thanh Niên họ đã lập biên bản hơn 20 tàu cá Trung Quốc và xua đuổi 110 lượt tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.
Bộ đội biên phòng Việt Nam cũng nói gần đây các tàu Trung Quốc liên tục gia tăng hoạt động "xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam".
'Tốn công sức'
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Lê Kế Lâm, cựu Chuẩn Đô đốc hải quân Việt Nam, Nguyên giám đốc Học viện Hải quân nhận định: "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được hai nước ký từ năm 2000. Hiệp định đó đến nay đã có hiệu lực. Trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ thì có Hiệp định hợp tác nghề cá. Nhưng thực ra các tàu cá của Việt Nam so với các tàu cá của Trung Quốc ít hơn rất nhiều và sự hành nghề của những ngư dân Trung Quốc cũng liều lĩnh xâm phạm vùng biển các nước khác nhiều hơn.”
“Cho nên các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, đi sang phía Tây đường phân định Vịnh Bắc Bộ để đánh bắt hải sản thì đương nhiên biên phòng của Bạch Long Vỹ ở Hải Phòng nói việc đó xảy ra thường xuyên và VN chỉ xua đuổi và lập biên bản thôi.”
Tuy nhiên, ông Lâm cũng phân tích: “Xua đuổi là việc làm rất tốn công sức và không có kết quả vì đuổi ở trên biển thì họ chỉ chạy dăm hải lý là sang vùng biển của họ và mình không có quyền gì giải quyết xâm phạm vùng biển của họ.”
Ông Lâm nhận định việc lập biên bản và bắt tàu cá Trung Quốc là “có bước tiến” nhưng “chưa đủ”.
Vị cựu Chuẩn đô đốc hải quân Việt Nam so sánh các vụ tàu Trung Quốc vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và tàu Việt Nam ra khu vực Hoàng Sa. Ông nói: “Bao nhiêu tàu cá của mình đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa là một vùng biển thuộc truyền thống của ngư dân Việt Nam.
"Họ biết mùa nào cá gì, cá ở đâu, họ ra đánh bắt. Trung Quốc chẳng lập biên bản, chẳng xua đuổi gì hết mà họ bắt, tịch thu ngư cụ, tịch thu dầu, tịch thu phương tiện làm ăn, hoặc đâm chìm bỏ ngư dân mặc kệ đó. Hoặc họ bắt hai ba tàu, dồn người lên một tàu, tịch thu hết tất cả phương tiện làm ăn xong đuổi về.
"Quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Mà thực tế Trung Quốc đã xâm chiếm và quản lý. Họ đối xử với ngư dân của VN như vậy. Vậy mà trong lúc đó họ xâm phạm vùng biển của mình ở Vịnh Bắc Bộ thì ta chỉ xua đuổi thôi, đến đây là lập biên bản.”
Ông Lâm đặt câu hỏi: “Lập biên bản để làm gì? Tôi nghĩ cái này chưa giải đáp được, và như thế thì quá nhẹ nhàng, không cân xứng khi mà cách làm của họ với Hoàng Sa và cách làm của mình ở Vịnh Bắc Bộ.”
Nguyên nhân?
Giải thích nguyên nhân vì sao tàu cá Trung Quốc thường đi qua đường phân định ranh giới ở Vịnh Bắc Bộ, ông Lâm cho BBC biết: “Mùa này là mùa ở Vịnh Bắc Bộ rất nhiều sương mù. Mà có nhiều sương mù thì có điều kiện thuận lợi cho đàn cá di trú và kiếm thức ăn. Vì vậy cá vào vịnh Bắc Bộ mùa này nhiều hơn và nhiều loại cá ngon hơn.
Trong lúc đó các tàu cá Trung quá nhiều. Họ đánh bên phía biển của họ hầu như cạn kiệt rồi, nên họ lấn sang phía Việt Nam đánh bắt.” - Ông Lâm nói.
Báo Thanh Niên trích thuật ông Phạm Đình Thành, phó Hải đội 2, bộ đội Biên phòng Hải Phòng, nói hôm nay ngày 4/4 là họ đã lập biên bản hơn 20 tàu cá Trung Quốc và xua đuổi 110 lượt tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.
Bộ đội biên phòng Việt Nam cũng cho biết gần đây các tàu Trung Quốc liên tục gia tăng hoạt động "xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam". - BBC
Trong tình hình nguồn cá ở châu Á-Thái Bình Dương đang giảm đi, các đội tàu cá của nước nào cũng tìm cách hoạt động lấn sang lãnh hải của nước khác. Nhưng đặc biệt các tàu cá Trung Quốc có vẻ “mạnh dạn” hơn cả, có lẽ vì biết họ được yểm trợ rất nhiều về mặt hậu cần. Các vụ đụng độ gần đây giữa các tàu cá Trung Quốc với hải quân hoặc lực lượng tuần duyên các nước láng giềng cho thấy rõ mức độ yểm trợ đó. Trang mạng Quartz (qz. com ) ngày 04/04/2016, có một bài viết về đề tài này.
Vào tuần trước, ngày 31/03/2016, lực lượng biên phòng của Hải Phòng vừa bắt một tàu của Trung Quốc. Bề ngoài có vẻ đó là một tàu cá xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông. Từ lâu Việt Nam vẫn tố cáo tình trạng các tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Việt Nam. Nhưng trên thực tế, chiếc tàu bị bắt tuần trước không phải là một tàu đánh cá, mà là một tàu tiếp nhiên liệu cho các tàu cá Trung Quốc.
Vào tháng trước, một tàu tuần duyên của Indonesia cũng đã bắt một tàu cá Trung Quốc trọng tải 300 tấn và bắt giữ các thuyền viên của tàu này vì tội đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna. Nhưng khi tuần duyên Indonesia kéo tàu này về bờ, thì lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và giải thoát cho chiếc tàu cá bị bắt.
Các tàu cá hoạt động xa bờ cũng được sự hỗ trợ của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa. Với các đảo đó, Bắc Kinh có thể mở rộng tầm kiểm soát ở vùng biển này, cũng như có thể tung các đội tàu cá đi xa hơn, với sự hộ tống chặt chẻ của các tàu hải cảnh.
Trung Quốc hiện có đội tàu cá đông nhất và đánh bắt xa bờ nhất. Năm ngoái, tổ chức bất vụ lợi Stop Illegal Fishing cho biết đội tàu cá này tổng cộng 2000 chiếc, thường xuyên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, ở những khu vực gần bờ biển, tức là những nơi có nhiều cá.
Ngư dân tại bang Sarawak của Malaysia, vốn vẫn đánh cá tại khu vực bãi cạn Luconia, hiện đang rất sợ đụng các “pháo hạm” của Trung Quốc đang tích cực yểm trợ các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở khu vực này.
Ngay cả những nước xa châu Á cũng đã từng đụng độ với đội tàu cá Trung Quốc. Vào tháng trước, Achentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc đánh cá trái phép trong vùng biển Achentina và bắt giữ các thuyền viên của tàu này. Trước đó, tàu cá Trung Quốc đã bất chấp những hiệu lệnh cảnh cáo của tàu Achentina, thậm chí khi bị truy đuổi còn định đâm vào tàu Achentina. - RFI
|
|
6.
Đề cử Tướng Tỵ làm lãnh đạo Quốc hội
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ đã được đề cử vào vị trí Phó chủ tịch Quốc hội.
Sáng 4/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc danh sách đề cử vị trí này.
Ngoài ông Tỵ, ông Phùng Quốc Hiển cũng được đề cử vào ghế phó chủ tịch Quốc hội để thay bà Kim Ngân, người đã có vị trí mới.
Trước đây ông Hiển là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính.
Đại tướng Quân đội
Ông Đỗ Bá Tỵ, người cũng là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sangphong hàm Đại tướng vào tháng 10/2015 cùng với ông Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Tỵ hiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ cho biết chiều 4/4 sẽ bầu các chức danh này và bảy vị trí cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong tuần này, ngày 6/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bầu thủ tướng mới.
Ông Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên duy nhất cho vị trí này.
Mặc dù có ý kiến cho rằng việc miễn nhiệm chủ tịch nước và thủ tướng là trái Hiến pháp, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC bản thân Hiến pháp cũng có điều khoản cho phép miễn nhiệm các vị trí quan trọng này. - BBC
7.
Việt Nam tiếp tục trấn áp các nhà hoạt động, 7 người bị kết án tuần qua
Việt Nam tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến, với việc kết án 7 nhà hoạt động trong tuần cuối cùng của tháng 3.
Ở Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, thường được biết đến là blogger Anh Ba Sàm, nhận mức án 5 năm tù, còn người cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, phải chịu mức án 3 năm vì đã điều hành một trang web cung cấp nhiều thông tin về nhiều vấn đề ở Việt Nam. Hai người này bị truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 bộ luật hình sự.
Cũng bị kết án tù do vi phạm điều 258 là ông Đinh Tất Thắng, một nhà vận động chống tham nhũng năm nay đã 73 tuổi. Tòa án Thanh Hóa xử ông mức án bảy tháng 11 ngày tù giam.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, blogger nổi tiếng Nguyễn Đình Ngọc tức Nguyễn Ngọc Già, 50 tuổi, bị kết án 4 năm tù giam cộng thêm 3 năm quản chế, do ông đã viết về các vấn đề chính trị xã hội liên quan tới dân chủ và nhân quyền cho trang tiếng Việt của Đài Á châu Tự do, và các trang web độc lập về chính trị khác.
Cũng chính tòa án Tp. HCM đã kết án ba nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai là Ngô Thị Minh Ước, 57 tuổi, Nguyễn Thị Bé Hai, 58 tuổi và Nguyễn Thị Trí, 58 tuổi với các mức án lần lượt là 4 năm, 3 năm và 3 năm. Họ cũng phải chịu thêm từ hai đến ba năm quản chế.
Ông Ngọc và 3 phụ nữ kể trên đều bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Mỹ và các tổ chức nhân quyên quốc tế đã kêu gọi Việt Nam ngừng đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa và làm đúng các cam kết của Việt Nam về tôn trọng tự do ngôn luận.
Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngày 31/3 nhấn mạnh: “Việc sử dụng các điều khoản hình sự để ngăn chặn các quan điểm bất đồng rất đáng lo ngại và không phù hợp với quyền tự do biểu đạt được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam”.
Đại sứ quán Mỹ đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho những nhà hoạt động nhân quyền hoặc bất đồng chính kiến, cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả người Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa mà không sợ bị trả thù.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở chính ở New York hôm 4/4 đã phát đi một thông cáo báo chí từ Bangkok, kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích ngay lập tức các nhà hoạt động và blogger nổi tiếng đang bị cầm tù chỉ vì đã thực thi các quyền của mình.
Trong thông cáo, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhận định rằng “Chính quyền Việt Nam đang đưa ra thông điệp rõ ràng rằng ‘tuần trăng mật nhân quyền’ trong quá trình đàm phán Hiệp ước Thương mại TPP đã chấm dứt, tạo nên một thách thức to lớn với Tổng thống Obama và Mỹ”.
Ông Robertson cho rằng qua việc siết chặt thêm sự kiểm soát đối với các nhà hoạt động, cũng như các blogger và các nhà bình luận xã hội độc lập, Việt Nam đang thách thức phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi: “Những hành động đó phải được đáp trả bằng sự lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ rằng nếu muốn nhận được sự tôn trọng của các đối tác thương mại thì bản thân mình phải tôn trọng nhân quyền”.
Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét rằng trong tuần qua, Việt Nam “như đang lên cơn” khi họ kết án một lúc 7 nhà hoạt động vì các phát biểu “vốn dĩ là một phần bình thường trong đời sống chính trị ở hầu hết các quốc gia”. - VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét