Đã là người sống ở thế gian, mỗi lần nghe tin một người thân hay bạn bè, hàng xóm, thậm chí không hề quen biết mà “ra đi” đột ngột trong bình an, không kịp chào từ biệt một ai ngay cả vợ- chồng- con- cháu của mình, nói theo kiểu thơ thẩn một chút là “người đang vui sống, chuyển sang từ trần”, thì sẽ xuýt xoa trầm trồ “sao mà sung sướng quá, chắc kiếp trước …khéo tu?” Chỉ buồn cho người còn ở lại, chưa kịp “vẫy tay, vẫy tay chào nhau một lần cuối và trọn cuộc đời”.<!->
Nằm ngủ rồi…đi luôn về bên kia thế giới chẳng đau đớn về thân xác chút nào, ai mà không muốn, nhất là những người tuổi tác cũng đã vào lúc “xế xế, chiều chiều” rồi (trẻ quá thì không nên đi sớm, uổng đời). Có ai thích bị …bệnh đau, nhất là những chứng bịnh ngặt nghèo, nhiều khi bị nó “hành hạ” tơi bời khói lửa. Dẫu biết rằng “sinh lão bệnh tử” là chuyện thường tình trong đời của kiếp người sống cõi nhân gian. Nhưng mấy ai “thờ ơ” với căn bệnh của mình mà không có chút lo lắng, hay u sầu, nhiều khi sốt vó lên để chạy chữa ( thuốc tây chưa dứt liền tìm thuốc ta, thuốc dược lá, cây cỏ mà uống) vì…sợ chết khó coi đã đành, còn tiếc nuối chưa “được hưởng” chút thảnh thơi nào sau những ngày làm việc vất vả, và để người “bạn đồng hành” ở lại (nếu còn có đôi) chẳng biết có được ai chăm sóc đàng hoàng hay là …dì nó, dượng nó vào …hưởng ráo những gì mình kí cóp suốt cuộc sống bao nhiêu năm(?) mà không lo tròn phận sự người…kế tục!.(chúc mừng cho những người thực hiện được chữ “buông” trước khi “giã từ gác trọ”, nhưng chắc đa số khó mà thực hiện được ngoài mấy tiếng nói cho dzui?).
Người viết bài tâm sự này tính đến ngày 17/2/2016 là đã một năm hai tháng và mười bảy ngày khi biết mình bị vướng vào căn bệnh “breast cancer”.
Khi vị bác sĩ gia đình gọi đến báo tin cho biết bị bệnh sau khi đi chụp hình mammogram định kỳ hằng năm( năm nào cũng normal), tôi đã bật cười thành tiếng, làm bác sĩ cũng rất ngạc nhiên. Dĩ nhiên tôi rất tin lời Bác sĩ, không ai dám đùa với bệnh nhận kiểu chết người như vậy, hoạ chăng là xét nghiệm có thể lầm, và hy vọng thử nghiệm lại cho chính xác là điều bệnh nhân mong mỏi (và đã làm lại). Tôi nói với B/S nếu bị bệnh thì lo chạy chữa, hãy giới thiệu dùm bác sĩ chuyên môn cho tôi, cứ “tỉnh bơ” vì nếu có “buồn, lo, sợ, khóc” thì căn bệnh (nếu chắc chắn) cũng…không đi chỗ khác chơi, có đúng thế không?
Cá nhân tôi thuộc lớp người năng động, chưa bao giờ ngồi một chỗ hay …nằm dài xem phim. Có thể nói một ngày 24 tiếng, chỉ có mấy giờ đồng hồ để ngủ, còn thì tôi làm việc toàn thời gian, rồi săn sóc vườn tược với nhiều hoa trái, nấu ăn theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh “an toàn thực phẩm” cho gia đình, và tập thể dục đều đặn không bỏ sót bữa nào, nhất là các lớp nhảy zumba ở 24 hours fitness, và tôi cũng không thuộc một “cao” nào trong những thứ bệnh mà B/S nhắc nhở bệnh nhân phải để ý ngăn chận. Về mặt tinh thần thì “hoàn toàn ổn định” với một gia đình trên dưới vui vẻ, còn ngồi gõ máy tính để…viết truyện vui cho đời nữa, chưa nói đến chuyện ca hát mình ên cho..nở phổi, lâu lâu có người bạn đưa lên youtube để “hù” bà con chơi, cò sinh hoạt bên ngoài cộng đồng nữa chứ.
Nhưng tôi còn lo…một chuyện như đã nói ở trên, vì lỡ mình đi thẳng, thì ai nấu nướng cho ông “chồng già” những bữa cơm nóng như lâu nay, ai san sẻ những buồn vui trong cuộc sống? khi những đứa con đã có đời sống riêng lại ở xa. Nhưng khi nói với ông chồng điều này, bị ổng phán một câu xanh dờn với giọng Nam kỳ cục chỉ vỏn vẹn bốn chữ “bà sao dzô dzuyên”! ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình …vô duyên thật nên phát cười hảhảhả…
Thật ra tôi là người bình thường, không có gì đặc biệt, vậy mà khi bị vướng bệnh thì lại…đặc biệt, hiếm quí, trèo cao, nhảy vọt. Phải chi nó đi “từng bước từng bước thâm” thì dễ chữa. Vì căn bệnh Breast cancer, mà những người phụ nữ mắc phải, thường thì trải qua bốn gia đoạn, B/S cho biết đại khái như sau:
-Giai đoạn một là chỉ có một bướu nhỏ trong ngực, B/S chỉ cắt bỏ là hy vọng khỏi, có thể uống thuốc trợ giúp.
-Giai đoạn hai: những tế bào ung thư đã lan nhiều trong ngực, cắt bỏ nhưng phải chạy chữa, có thể chemo, hay radiation, uống thuốc….
-Giai đoạn ba: là trường hợp đặc biệt, hiếm khi xảy ra khi mà những tế bào ung thư không tìm thấy trong ngực, nó đã nhảy xổ vào các huyệt đạo, gọi là “lymph node” (?), rất sợ lây lan
-Giai đoạn 4: tế bào ung thư đã phân tán đi khắp các vùng chiến thuật, có chạy chữa khỏi hay không là chuyện …hạ hồi phân giải….
Bỗng dưng tôi phải làm thân với bệnh viện, cứ như chỗ “thân tình” tới lui thăm viếng thường xuyên. Ban đầu một tuần phải vào 3 lần là ít, không kể ngày lễ lạc gì ráo, bác sĩ bảo phải đi chụp hình, đi ultrasound, đi biopsy, chụp MRI, chụp và chụp từ đầu đến chân, rồi chụp xương v..v..Có bữa vừa ra khỏi cổng bệnh viện là bị gọi trở lại vì họ chụp hình bị …thiếu sót. Bác sĩ rất lo ngại vì bệnh cancer của tôi đã vào giai đoạn thứ Ba rồi. Đúng là “bước tiến nhảy vọt”! thiệt hết biết.
Trước khi vào chữa bệnh, Bác sĩ mời vợ chồng tôi vào một căn phòng nhỏ, giải thích mọi nguy hiểm mà bệnh nhân đang gặp, an ủi và khuyến khích cũng như “cầu nguyện” cho bệnh tình của bệnh nhân được chữa khỏi. Ở bệnh viện, họ cho mình xem một DVD với đầy đủ những diễn biến của căn bệnh và cách chữa trị cũng như những điều mình cần phải tránh, những khó khăn nguy hiểm mà bệnh nhân sẽ trải qua, họ còn chỉ chỗ để…mua tóc giả nữa kìa, vì hầu như mọi người khi chạy chemo đều bị rụng hết tóc.(có thể vào trang nhà của breast cancer để apply xin đầu tóc giả, hoặc tự mua lấy nếu mình chọn, và b/s sẽ cho giấy giới thiệu để được giảm giá). Những năm về trước, có lẽ căn bệnh ung thư làm nhiều người…rùng mình, nghĩ đến chuyện chữa chạy chắc khó khăn lắm, ngay ở nước Mỹ này, nhưng bây giờ thì khác rồi, dễ dàng và..thoải mái nữa. Trong một căn phòng, người ta đặt thành hàng dài những chiếc ghế dựa, có gắn TV để xem, một bên là cây cần để máng những bình thuốc. Bệnh nhân vào thuốc qua một cái “port” (B/S đã giải phẩu để đặt vào trước đó), rất thoải mái, khi chạy chemo thì lâu khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ, tùy loại bệnh, dĩ nhiên trước đó y tá đã lấy máu và thử ngay, để b/s “liệu” mà vào thuốc tùy từng cơ thể mỗi người.
Ngày mồng một Tết mà đúng kỳ vô thuốc, cứ 3 tuần một lần, thì tôi cũng có mặt.
Sau vài ba ngày chạy chemo lần đầu tiên, bắt đầu bị thuốc hành, cơ thể mệt mỏi, không thể ăn uống gì được, ăn cái gì vào thì nó muốn ói ra, dù B/S đã cho uống thuốc ngăn ói. Lưỡi không còn vị giác, ăn cái gì cũng giống như …nhai cát, uống sữa như một cực hình….Nhưng phải cố gắng, (nếu uống được sữa ensure plus, có nhiều protein thì đỡ hơn) vì bạch huyết cầu và hồng huyết cầu sắp bị diệt. Nếu không đủ các tiêu chuẩn của máu, b/s sẽ không cho chạy thuốc tiếp (sợ bệnh nhân yếu quá, bị thuốc giật…chết?), mà ngưng lại một kỳ là kéo dài thêm ba tuần lễ… đau khổ ( cô người Mỹ trẻ tuổi ngồi ghế bên, đã bị b/s ngưng cho chạy thuốc, vì cô nói ăn không được, nên cứ uống nước juice, làm sao có đủ máu?).
Phải nói là khi chạy chemo, thuốc nó hành liểng xiểng, chừng hơn một tuần lễ, lấy tay sờ vào sợi tóc nào là nó theo tay nắm của mình mà ra đi không luyến tiếc.Và khoảng vài tuần sau, khi gội đầu là cả mái tóc rụng ráo, nó quện vào nhau mà không cách chi…gỡ nổi. Cái đầu “trọc lóc” kể từ đây khỏi cần cạo, cắt.
Bài thơ “Tự trào về MÁI TÓC”
Một sớm mùa Đông biết thân mang bịnh Chứng “ung thư” người nghe cũng hỡi ôi Cứ như là đời sắp chấm than thôi Sẽ …đi thẳng khi lòng không mong đợi!
“Không dễ chết!!!” cuộc sống còn tiếp nối
Cứ vững tin mà chạy chữa thuốc thang
Bởi từ lâu tâm thanh thản an nhàn
Vui sống khỏe, tuần 6 ngày…Zumba-Fitness !
Vốn biết …thân già sớm lo từ trước
Sức khỏe định kỳ chẳng họ …3 cao
“Mỡ -đường-máu” chỉ số vẫn tự hào
Thời gian nghỉ vun xới mảnh vườn xanh biếc
Ngày đầu tiên chính thức vào bệnh viện
Cứ ngỡ mình đang vào tiệm ..nail Salon
Người bệnh cancer ngồi chật căn phòng
Chạy “chemo” mà tha hồ…hóng chuyện.
Thời gian đầu bị “thuốc hành” xiểng liểng
Miệng, mũi máu vờn, nóng đốt ruột gan
Người bần thần chẳng thiết chuyện uống ăn
Rồi từng lọn tóc vẫy tay chào …giã biệt!
Tay sờ đầu miệng bỗng cười thành tiếng
“Khỏe vậy sao? khỏi tốn ..lover’s hair luôn”
Khỏi cần nhìn cũng đoán giống….Thiên Tôn*
Đầu không tóc, mảng da đầu lạnh ngắt…
Tôi dửng dưng khi chồng tôi nín lặng
Rồi thở dài: -“Sao nhanh quá vậy em
Nhìn em cười, ruột anh xoắn quặn thêm
Dù nhắm mắt, lòng cũng buồn muốn khóc!
Ngày xa xưa anh thường hay vuốt tóc
Thả lưng chừng hay ôm trọn tấm lung
Mùi hương chanh, bồ kết gội thơm lừng
Để anh nhớ những lúc hành quân khó nhọc”
-“Cười lên đi! Đó chỉ là ..mái tóc!
Dáng vẻ ngoài nhìn có chút…khó coi
Không than phiền, không buồn nản buông xuôi
Đầu …trọc lóc, ta đội đầu ….tóc giả(hahhaha..)
Nhìn quanh ta nhiều mảnh đời nghiệt ngã
Trong cam go còn cố vuợt cơn nguy
Sống vươn lên không nản chí thụt lùi
Dù thiếu thốn vẫn thấy đời…hạnh phúc!
“Sinh-lão-bịnh-tử! loài người cõi tục
Cứ bình tâm mà chấp nhận phận đời
Em bây giờ thấy ...khỏe quá đi thôi
Khỏi tốn bạc đi…Hair Salon làm tóc !
Nếu ai bảo giống… “Sư cô đầu trọc!”
Càng vui mừng vì mình được …dựa hơi
Những vị chân tu không tha thiết bề ngoài
Nhiều người tóc đẹp chắc chi lòng đã đẹp?
Đầu… trọc lóc! vì thuốc men dồn ép
Bệnh chữa lành, tóc sẽ mọc lại thôi
Lại cười vui vì tranh..rẽ đường ngôi
Nếu không thể, hãy nguyện cầu… SỐNG SÓT!
Cảm ơn Phật Trời độ trì cho trót lọt
Cảm ơn chồng con, chị em, các cháu, bạn thân nhà
Cảm ơn Y-dược khoa của xứ sở Cờ hoa
Cảm ơn ..tôi luôn vì mãi cười …hả hả hả!”
Mar-2015. *Ca sĩ TNcủa TNBN.
Nếu có sức mạnh về tinh thần cũng là điều làm cho căn bệnh giảm nhẹ(?). Tôi là “con của Phật” nên mỗi lần vào thuốc hay là trước khi lên bàn mổ để lấy tế bào ung thư ra khỏi người, tôi đều niệm Quan thế Âm Bồ Tát. Dĩ nhiên không có Phật Trời nào sẵn sàng giúp mình dứt bệnh. Nhưng giữ cho phần tâm linh được vững vàng cũng là điều nên thực hiện. Nhất là chồng con và anh chị em, cháu chắt trong gia đình, cùng những bạn bè thân sơ, từ ngoài đời thường và trên những “diễn đàn ảo”, người nào cũng “phát tâm cầu nguyện” cho mình, nên tôi càng vững tâm hơn nữa.
Có đau bệnh mới hiểu thấu giá trị “sức khỏe là vàng”! Không ai có thể gánh dùm cái đau bệnh của mình được, nhất là những người gần gũi với mình. Nếu mình “than vãn” chỉ làm cho họ thêm buồn lo, nhưng không giúp gì được hết. Nên tôi cứ “không sao” là tốt nhất. Bạn bè đến nhà thăm, tôi vẫn cười hả hả, dù có lúc ..không còn hơi để thở. Thương lắm, cảm động lắm, ai cũng muốn đến thăm hỏi và đem thức ăn, sữa uống đến tặng,( những người cơ thể không được khỏe, xin miễn tiếp, vì trong người không còn kháng thể chống đỡ nên dễ bị nhiễm trùng), nhưng có sờ đến được chút nào đâu. Cảm ơn tấm thạnh tình của ACE nhưng phải nhờ…chồng thanh toán dùm, sợ bỏ phí mang tội chết. Thương chồng; con bao nhiêu, tôi tự nhủ phải cố gắng để vượt qua, dù rằng uống một lon sữa có khi kéo dài đến một tiếng đồng hồ..chưa xong. Vị Bác sĩ của tôi còn cẩn thận dặn đủ điều, nào là phải “cữ ăn những trái cây sống mà có vỏ mỏng, sợ bị nhiễm trùng mà mình không thấy được, tất cả rau củ đều phải luộc chín, cữ ra đám đông vì dễ bị …lây bệnh của họ…, nhất là không nên uống những loại ..nutrition, không giúp gì cho việc chữa bệnh. Thế là tôi cứ trùm mền nằm nhà xem phim vui cười của Mỹ, để đầu óc …thảnh thơi. ( Vị Giáo sư nguyên là hiệu trưởng trường TH năm xưa, Thầy ở tận bên Đan Mạch, có dịp sang Mỹ, Thầy đến thăm học trò bị bệnh, Thầy nhìn học trò mà..hỡi ôi, vì cái đầu thì…trọc lóc, mà vừa giải phẩu xong dây nhợ mang lòng thòng, Thầy nói: nhìn mà muốn khóc, Thầy bảo khi nào …tóc mọc lại nhớ chụp hình gửi cho Thầy…mừng! và bây giờ thì Thầy đã..mừng.)
Gia đình nào còn vợ chồng thuận thảo, những lúc bệnh đau mới thấy nó quí hiếm dường nào. Chồng tôi vẫn phải đi làm full time, vì phải giữ bảo hiểm quá tốt, chỉ phải trả tiền co pay và một số “out of pocket để được vô thuốc, nếu không có tiền để trả cho bệnh viện, mình…đi thẳng như chơi, ( người có “trợ cấp bảo hiểm y tế của chính phủ xin không đề cập đến). Buổi sáng phải đưa vợ đi nhà thương, chiều đi làm cả đi lẫn về 10 tiếng, còn phải lo làm …y tá bất đắc dĩ khi tôi đi giải phẩu về, lại còn tự lo cho bao tử của mình. Nói chung là bao thầu mọi chuyện từ A đến Z, ở sở làm cứ hai tiếng gọi về nhà thăm vợ…có sao không? Ngần ấy chuyện, nếu bệnh nhân vợ còn “than thở” thì làm sao kham nổi. Câu nói “không có gì” hay “không sao hết” rồi cố gắng cười hìhìhi…Chuyện gì cũng sẽ qua thôi. Thương chồng và cảm ơn biết dường nào.
Lê Thị Hoài Niệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét