Tôi tự nhủ, những nhân vật phản diện đến cuối phim thể nào cũng gặp quả báo, nhưng người xem phim lúc nào cũng tức anh ách bởi các nhân vật phản diện luôn thấy nhởn nhơ và sống rất dai. Tại sao? Mà trước khi đọc bài viết này, các bạn tự thử hỏi bản thân, là trong số những người bạn quen biết hoặc nghe kể về, có ai là giả tạo hay không? Giả tạo có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu: trong công việc, tình bạn, tình yêu và các mối quan hệ khác.
Giả tạo có nhiều cấp độ, nhưng tựu chung họ rất là “nai vàng ngơ ngác” và “trơ trẽn” đến mức khó tin. Cái đáng nói là họ lòng dạ rất “đáng bàn“, nhưng chẳng ai biết thật hư thế nào để tránh xa. Mỗi khi chúng ta gặp phải một người như vậy, hay được nghe kể, xem những bộ phim có những con người như vậy, cảm xúc bất bình lại trỗi dậy, rồi tự hỏi: “Tại sao có thể loại người che mắt được số đông, mà lại còn có khả năng khiến mọi người ngưỡng mộ, tung hô và nghe theo răm rắp…?”.
.
Họ có những đặc điểm nhận dạng gì?
Đã gọi là giả tạo thì khó mà bị bóc mẽ lắm. Khả năng nói dối của họ thuộc hạng siêu đẳng. Họ rất biết nói những điều người khác muốn nghe, thể hiện những điều người khác muốn thấy. “Thảo mai” ngọt nhạt và ngoại giao giỏi là những thứ vũ khí tối thượng của những người có lối sống giả tạo. Đôi khi vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng nói hoặc làm những điều gây tổn hại đến người khác.
Tại sao họ phải sống giả tạo?
Có lẽ cái tôi cá nhân của họ cao quá không thể nào tự thân khống chế. Họ thường cảm thấy ghen ăn tức ở với mọi người. Vì cái tôi cá nhân cao đó mà họ có những khát vọng cũng cao không kém. Những thứ họ chưa có được, họ sẽ tìm mọi cách để đạt được dù phải dùng một vài thủ đoạn! Họ luôn muốn được người khác chú ý, quan tâm, tung hô và chiều chuộng. Trở thành trung tâm của toàn xã hội là điều họ ao ước. Những bậc thang của danh vọng, tiền tài và tình yêu mù quáng khiến họ rơi vào một lối sống kém lành mạnh. Có thể chính họ cũng dần quên mất mình là ai.
,
Lối sống giả tạo bắt nguồn từ đâu, như thế nào?
Nếu sự giả dối diễn ra trót lọt nhiều lần sẽ tạo thành thói quen, và tiếp đó trở thành lối sống. Mà đã là lối sống thì khó mà biết điểm dừng hay hiểu thế nào là phải trái. Giả tạo thường diễn ra trót lọt khi những người xung quanh không ai có đủ bản lĩnh giúp họ vạch ra cái sai rồi chỉ cho họ những bài học quý báu. Bạn cứ thử nghĩ đi, giả tạo sẽ được vẫy vùng nhiều cỡ nào nếu được “ấp ủ” trong điều kiện thuận lợi như thế. Trong kinh tế chúng ta có câu: “thuận mua vừa bán”, “có cầu ắt có cung”. Ai cũng biết hàng kém chất lượng giá thường rẻ nhưng ai cũng muốn mua đồ rẻ. Vì tâm lý ngại mua đồ đắt nên chẳng lạ chi đồ rẻ kém chất lượng vẫn có đất tự tung tự tác mỗi ngày, mà lại còn trên diện rộng! Nếu ai cũng làm sai dễ dàng quá, chẳng bị ai phát hiện thì tội gì phải sửa sai đúng không? Nếu chẳng ai muốn chơi với họ, liệu những người giả tạo kia còn đất để tự tung tự tác?
.
Tại sao người sống giả tạo có rất nhiều bạn?
Phải nói rằng có một bộ phận dân số thích kết thân với người có lối sống giả tạo! Một phần trong số đó chưa biết rõ bộ mặt thật của những người thích sống giả tạo; nên thường họ bị những ngọt nhạt và thảo mai của những người ấy làm mờ mắt. Phần khác biết rồi nhưng vẫn nghĩ đơn giản những người này chưa làm gì hại họ, trái lại còn mang đến nhiều lợi lộc. Chỉ là họ đang chơi một ván cờ “điều quân khiển tướng”, biết đâu trong lòng cảm thấy tự hào vì khả năng lợi dụng được người khác! Thì ra là “nồi nào vung nấy”!
Tôi vẫn tin phần đông chẳng ai muốn chơi với những người có lối sống giả tạo. Đơn giản họ là những con dao hai lưỡi khó kiểm soát. Họ có thể giả tạo với người khác được thì sẽ đến một ngày nào đó, họ quay qua giả tạo với bạn. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, hay “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào” phải chăng là những câu thành ngữ mà chúng ta nên suy ngẫm?.
Nhóm thực hiện Ngọc Minh/Hình Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét