Hơn một thập niên qua, cuộc chiến Việt Nam không còn được chính giới Mỹ nhắc đến nữa, ngay cả trong các kỳ tranh cử tổng thống.<!->
Sau kỳ bầu chọn giữa ứng cử viên John Kerry, cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam, đối đầu với George W. Bush (con) vào năm 2004 thì trong các cuộc vận động sau đó, cụm từ “Cuộc chiến Việt Nam” đã lùi vào lịch sử, thay vào là Iraq và Afghanistan.
Kỳ bầu cử năm nay, ứng cử viên Ted Cruz có đề nghị ném bom trải thảm để tiêu diệt ISIS, nhưng không ai nhắc đến cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ, khi Mỹ dùng B-52 ném bom như trải thảm để tiêu diệt các căn cứ của Việt Cộng.
Ted Cruz còn quá trẻ hay ông không có nhiều hiểu biết về cuộc chiến Việt Nam nên đã đề nghị như thế mà không lường hậu quả sẽ ra sao. Cũng không có một nhà báo nào đặt cho ông câu hỏi nếu phải đem quá khứ Việt Nam ra soi chiếu cho tương lai, ông sẽ nghĩ sao về bom trải thảm.
Các ứng cử viên Bernie Sanders và Donald Trump có nhắc đến hai chữ Việt Nam trong khi đi vận động tranh cử, nhưng là trong khung cảnh phản đối hiệp định thương mại TPP đã được Việt Nam ký kết với Hoa Kỳ.
Nhưng cuộc chiến Việt Nam đang được gợi lại qua tiểu thuyết “The Sympathizer” – Cảm tình viên – của Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt). Một tác phẩm đã có rất đông độc giả tìm đọc trong nhiều tháng qua.
Đó là một câu chuyện tình báo, như James Bond hay Z-28, xoay quanh vấn đề độc lập, tự do của người Việt và hệ lụy của cuộc chiến với tất cả những đớn đau và phản bội đã được tác giả dựng lại một cách thật hồi hộp, hấp dẫn trên từng trang sách.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết được sinh ra, từ nhỏ bị khinh chê vì là con lai, lớn lên đi du học Mỹ, trở về gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa, lên đến cấp bậc đại úy và là cảm tình viên cộng sản.
Người con lai đó là hai nửa, một nửa từ linh mục Pháp và nửa kia là bà mẹ người Việt. Có điều gì trớ trêu hơn nữa không, hay cũng chỉ như tiểu thuyết “The Thorn Birds” của Colleen McCullough về một tu sĩ công giáo đã được dựng thành phim tập nhiều bộ?
Sài Gòn ngày 30/4/1975
“Cảm tình viên” nhắc đến những tín điều của đạo công giáo, với các kinh bổn, kinh tin kính mà ngay chính một linh mục không giữ được đức tin. Cũng như niềm tin vào việc lấy lại quê hương của một cựu đề đốc, sau tháng Tư 1975 đã lập căn cứ kháng chiến ở Thái Lan. Hay một cán bộ chính ủy trại giam tù cải tạo với niềm tin tuyệt đối vào chủ thuyết Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, qua câu nói mà người Việt ai cũng đã nghe qua: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”.
Tin vào tôn giáo, tin vào lý tưởng tự do, hay tin vào cách mạng, nhưng tất cả rồi chỉ là những phản bội.
Câu chuyện bắt đầu vào những ngày hỗn loạn cuối tháng 4/1975, khi cảm tình viên được di tản bằng máy bay từ Sài Gòn qua Guam, đi theo một tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, là cấp chỉ huy trực tiếp, cùng với một người bạn là Bốn, đã uống máu ăn thề với nhau từ ngày còn học sinh. Một bạn chí thân khác của hai người, là Mẫn, thì ở lại.
Sau cuộc di tản, cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ thành hình và gồm đủ mọi thành phần, làm nhiều công việc khác nhau, bác sĩ, luật sư, gác dan, bồi bàn, làm vườn hay chỉ lãnh trợ cấp xã hội.
Ông tướng qua Mỹ mở tiệm rượu nhưng vẫn quan tâm chuyện chính trị, muốn lấy lại quê hương và được người của CIA cũng như một số dân cử ủng hộ.
Vì thế không khí chống cộng hừng hực trong cộng đồng. Bốn là người sống chung với cảm tình viên và chỉ muốn tiêu diệt những người cộng sản. Nhiều cựu sĩ quan, binh sĩ mong muốn được trở về lấy lại quê hương. Trong nhà, trong chung cư nhiều người Việt, dù là cựu chiến sĩ hay sinh viên phản chiến đều có treo đồng hồ mang hình bản đồ nước Việt Nam, lúc nào cũng chỉ giờ Sài Gòn để nói lên nỗi nhớ quê hương của họ.
Nhưng là một điệp viên hai mặt nên từ khi định cư ở Mỹ cảm tình viên vẫn liên lạc và báo cáo các tin tức sinh hoạt của cộng đồng người Việt tị nạn với cán bộ trong nước, qua đường dây bên Pháp là một người dì. Những bức thư có khi dùng mật mã, có khi viết bằng loại mực không hiện mặt chữ. Các hoạt động của cựu tướng, của những hội Cựu chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, của mặt trận, của các phong trào yểm trợ kháng chiến, các chương trình gây quỹ đều được báo cáo về trong nước.
Đan xen là những cuộc tình giữa cảm tình viên với nữ thư ký của trưởng khoa, với con gái của ông tướng là cựu sinh viên Đại học Berkeley có tư tưởng tiến bộ phóng khoáng.
Viết về chiến tranh Việt Nam là nói đến những đau thương, ngoài những cái chết vì bom đạn, chết ngoài chiến trường còn là những đau đớn vì tra tấn để khai thác tin tức. Việt Cộng tra tấn người của Việt Nam Cộng hòa như cảnh trong phim do Hollywood sản xuất, hay trong “phòng trắng” theo cách tra tấn của CIA dạy cảm tình viên tại trung tâm thẩm vấn ở Sài Gòn trước đây, để rồi chính những hành hạ đó sau này lại được dùng để điều tra cảm tình viên sau khi bị bắt trên đường xâm nhập vào Việt Nam.
Tác giả đã dựng lên những vụ giết người thật éo le. Đó là những vụ ám sát vì lý do chính trị nhưng có thể hiểu là vì tình, vì bị cướp.
Như cái chết của cựu thiếu tá là Bốn và cảm tình viên chủ mưu ám sát rồi dàn cảnh như là nạn nhân bị cướp giết.
Một chủ báo từng là sinh viên du học Mỹ, có tư tưởng phản chiến, làm báo đưa tít: “Move on. War over” cùng đăng những bài viết kêu gọi “hòa giải, trở về xây dựng quê hương” mà cựu tướng cho là thân cộng và ông chỉ nói một câu là cảm tình viên biết sẽ phải làm gì.
Thế là chủ báo chết, được dàn dựng để bên ngoài cho là chết vì tình, cuộc tình giữa chủ báo và người phụ nữ cực tả gốc Nhật mà cảm tình viên cũng mê, từng ân ái với cô.
Giết nhà báo xong, cảm tình viên được ông tướng đưa qua Thái Lan cùng với Bổn và hai cựu sĩ quan nữa để tham gian kháng chiến, lấy lại quê hương. Nhưng thực trong tâm cựu tướng muốn chia cắt quan hệ của cảm tình viên với con gái của ông.
Tiểu thuyết kết thúc bất ngờ khi cán bộ chính ủy cho cảm tình viên rời trại học tập cải tạo và giúp để vượt biển vào đầu năm 1979, từ Sài Gòn, cùng với Bốn. Ra đi lần này, cảm tình viên đem theo 295 trang giấy viết tự kiểm thảo trong hơn một năm bị giam trong trại học tập ở miền Bắc từ khi cảm tình viên, với Bốn và vài kháng chiến quân nữa bị phục kích và bị bắt trong khi xâm nhập vào Việt Nam từ Thái Lan qua ngả Lào.
Nhà văn Viet Thanh Nguyen
Cách hành văn lôi cuốn, đưa người đọc đến những ngạc nhiên và hồi hộp liên tục bên cạnh những nét của đời sống người tị nạn ở Mỹ, phảng phất văn hoá Việt qua trang phục, ẩm thực, sinh hoạt học đường, nếp sống gia đình, sinh hoạt văn hoá trước cũng như sau tháng Tư 1975, với ca dao tục ngữ: “Công cha như núi Thái Sơn…”, với thơ Tố Hữu “Mặt trời chân lý chói qua tim”, với văn chương Liên Xô: “Thép đã tôi thế đấy”.
Nhiều lần cụm từ “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” được nhắc đến. Đó là câu nói mà người Việt ai cũng biết. Vì câu nói đó mà bao triệu người Việt đã hy sinh để rồi thực tế chỉ là không có gì.
“The Sympathizer” được Nhà Xuất bản Grove Press phát hành năm ngoái và đã được giới bình luận văn chương đưa ra nhiều lời khen trong những tháng qua.
Hôm thứ Hai 18/4 tác phẩm này của Nguyễn Thanh Việt đã được trao giải Pulitzer 2016, thể loại tiểu thuyết hư cấu, là giải thưởng văn chương cao quí nhất ở Hoa Kỳ.
Trên chính trường Mỹ, cuộc chiến Việt Nam đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng trên diễn đàn văn chương, ở một góc độ náo đó thì tâm thức nước Mỹ vẫn chưa bao giờ quên. Chiến tranh chấm dứt đã 41 năm, nay với giải Pulitzer 2016, cuộc chiến Việt Nam đã được gợi lại, nhưng qua một góc nhìn mới lạ của Nguyễn Thanh Việt, từ một đứa trẻ tị nạn, tốt nghiệp tiến sĩ văn chương từ Đại học Berkeley và đang giảng dạy tại University of Southern California.
A picture of my family in 1976 in Harrisburg, PA, a year after our arrival. I'm the youngest one
Bùi Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét