Giảng luận bài Dân Ca :
‘Ðố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng
Ðố ai quét sạch lá rừng
Ðể ta khuyên gió gió đừng rung cây’’
Ai hoài công đi đếm từng cây lúa dưới đồng ; ai nhọc lòng theo suốt dòng sông dò ra từng khúc nông, sâu ; ai tốn công hao sức tìm mây trời mấy lớp trên không ? Vâng, nào ai chịu bỏ thời gian làm những công việc đó. Dĩ nhiên, vào thời xa xưa ấy, thời chưa có những kỹ sư nông nghiệp, địa chất, khí tượng,…đi khảo sát thiên nhiên để giảo nghiệm việc làm liên hệ với đất trời, khí hậu. Kể ra việc làm nào khó chi đâu . Ngoại trừ bay lên cao dò tìm từng lớp mây trời, còn lúa, còn sông thì chỉ cần bỏ công là biết được.
Nhưng điều khó là ở đấy, điều mà bình thường chẳng ai làm vì lẽ giản dị : chẳng ích gì cho cuộc sống đương thời, đương tại. Nguời ta chỉ cần biết đám ruộng nầy cần bao nhiêu giạ giống, mùa màng thu hoạch bao hiêu giạ thóc và sông kia ở khúc nầy khúc nọ, dòng nước êm đềm hay chảy xiết, những loại cá nào nhiều ít ra sao, vào mùa nào nông sâu lội được hay phải bơi thuyền. Vì đấy là những điều thiết thực, bằng kinh nghiệm, trông qua là biết hay phỏng đoán ra ngay. Mây trên trời dày mỏng ra sao, trông lên thấy rõ, biết mùa nào trăng sáng trời trong, mùa nào bão mưa vần vũ, chỉ cần như thế đủ rồi, còn mây sắp xếp mấy từng, xếp theo thứ tự lớp lang nào thi làm sao biết được mà biết để làm gì. Vì thế nên mới ‘đố ai’.
‘Ðố ai’ nơi đây không phải ‘đố làm nổi việc gì không ai làm nổi’ mà là ‘đố kẻ nào dư giờ đi làm những công việc đó’, những việc không một ai chịu làm, chưa hề một ai đã làm và cũng chẳng cần thiết phải làm.
Thế tại sao lại nêu ra ? Nói cho vui, đồng ý. Nhưng đọc hết bài dân ca, sống với tác giả, ta mới thấy cảm xúc dâng tràn và bài ca nhẹ nhàng, vui vui, bâng quơ đó như mang chở những tình ý nào bảng lảng, mông lung. Từ đó, ta mới thấy được nghệ thuật của thi ca dân gian và mới đi vào tâm tư thầm kín của con người bình dân thưở nọ cùng hiểu và cảm cái ẩn khuất sau những vần đơn sơ.
‘Ðố ai biết lúa mấy cây, Biết sông mấy khúc biết mây mấy từng’, hai câu thơ làm nền để đưa tình ý tác giả nơi đoạn sau. Hai câu thơ dung dị, mạch êm như dòng suối phẵng, thể hiện một ý niệm về không gian ba chiều : rộng (lúa mấy cây nơi cánh đồng trước mắt), dài (sông mấy khúc xuôi về phía xa), cao (mây mấy lớp trên trời bao la). Chớ vội nghĩ và vội thắc mắc người bình dân ta xưa sao ý thức được điều đó. Có thể họ chưa hề ý thức rõ rệt về không gian cũng như thời gian. Họ chỉ nhận biết bằng trực giác hay bằng kinh nghiệm thường ngày. Vì thế họ mới chỉ có ý niệm thôi. Ý niệm là nhận thức mới chớm tựu thành, nó chưa là khái niệm vì khái niệm đòi hỏi một quá trình suy tư tìm ra lý do hiện hữu để hình thành đôi nhận thúc khái quát. Ý niệm cũng chưa là quan niệm vì quan niệm thiết yếu là một luận lý có hệ thống theo những cảm nhận chủ quan nhưng chất chứa những nét tiêu biểu chung về một vấn đề, một sự vật, sự vụ dù hiện thực hay siêu hình.
Họ mới chỉ có ý niệm thôi. Cánh đồng rộng, con sông dài, trời cao thăm thẳm khởi đi từ vị trí họ đang đứng ; tất cả những điều đó hiện bày từ cảm quan và họ trực nhận ra phương hướng. Ngày nay, mọi điều được giải thích, trình bày thành quan niệm, quan điểm phổ quát dựa trên căn bản những nhận thức vững chắc nhưng chắc hẳn không ai dám quả quyết rằng một số quan điểm, quan niệm ngày nay chẳng đã do từ những ý niệm nơi người xưa cách ta hàng thế kỷ. Người đi săn lần mò theo vết thú rừng qua những đường truông ; người chài lưới lần mò theo dòng sông lạch ; kẻ đi tắm lội mình vào ước ao sâu ; và khi tốp người đầu tiên quần cư quanh nhà thờ, nhà chùa hay vựa lúa, hẳn nhiên ít nhiều họ đã có ý niệm nào đó nơi đầu họ về tầm xa, độ gần, mặt rộng, khoảng hẹp hay chiều nông sâu của khoảng đường họ đi, của đám đất họ làm hay tầm người của họ theo mực nước dâng : một ngày đường, một khâu rựa, lút đến ngực, đến vai,…
Tác giả bài dân ca nầy mượn cái không gian tự nhiên đó cùng những sự việc không ai làm đó để đưa dẫn vào một ý niệm khác, vào những tình tự, cảm nghĩ của họ trước thiên nhiên và con người :
‘Ðố ai quét sạch lá rừng
Ðể ta khuyên gió gió đừng rung cây’
‘Ðố ai’ nơi đây không giống với ‘đố ai’ nơi câu thơ trước. ‘Quét sạch lá rừng’ , đây là việc làm không ai nghĩ đến, một việc không ai làm được không phải vì chẳng lợi ích gì mà ví ‘không ai làm nổi’. Rừng thì vô khối lá, lá từ cây rụng xuống hàng ngày, hàng mùa liên miên bất tận. Lá rụng rồi mục nát làm phân cho cây trổ lá để lá vàng, lá úa lại rụng rơi phủ đầy mặt đất âm u vì bao lớp lá. Nào ai biết lá rừng mấy chiếc và ai phí sức, hoài công quét lá sạch rừng ! Vả quét làm sao được , vì thế nên ‘đố ai’.
Tại sao cũng là ‘đố ai’, sao hai sự việc khác nhau ? Một bên là sự việc có thể làm được nhưng không cần làm vì chẳng ích lợi gì ; một bên là sự việc chẳng ai làm nổi dù tha thiết muốn làm. Ðấy là điểm ‘tế nhị’ nói lên tính thực tiễn của tinh thần Việt Nam dù còn rất đơn sơ nơi người bình dân ta xưa. Ði từ ‘sự việc có thề làm được’ đến ‘sự việc không thể làm được’, từ cái ‘khả thể’ đến cái ‘bất khả’ bằng những sự việc rất hiện thực, không cần luận lý dài dòng, khúc chiết, không cần lần mò kết quả đến nguyên nhân. Họ không cần trải qưa một quá trình luận lý biện chứng ; họ chỉ ‘trực nhận, trực cảm, trực giao’ với thiên nhiên, vạn vật, nhưng đừng vội cho rằng trình độ nhận thức của họ vào thời đó quá thấp kém. Cái ‘trực cảm, trực giao, trực nhận’ của họ không phải ngẫu nhiên, bất ngờ như thức giác bất chợt của chàng Roquentin trong ‘La Nausée’ (tác phẩm của Jean Paul Sartre) ngẫu nhiên khám phá cái gốc cây lù lù hiện hũu để rồi‘buồn nôn’ trước sụ hiện hữu giản dị, hãi hùng, vô nghĩa của nó đối với anh ta. Cái ‘trực cảm, trực nhận, trực giao’ của người bình dân Việt Nam, cũng như của một số nhà hiền triết phương Ðông vốn là một tích lũy bao băn khoăn, suy gẫm (dù có ý thức hay còn mơ hồ) trước cuộc đời, trước nhũng biến thiên của vạn hữu hàng ngày, trước mắt. Hẳn nhiên trước những sự việc đó, ai cũng băn khoăn, khát khao di tìm cái lý, cái ý nghĩa của chúng. Người bình dân ta cũng không thoát khỏi trạng thái tâm thức đó dù không sáng sủa, tường minh như chúng ta ngày nay. Họ dừng lại nơi những trực cảm, trực nhận đó, không suy nghĩ xa hơn vì vốn không là những người suy tư rốt ráo.
Cái ‘trực nhận, trực cảm, trực giao’ của họ cũng là kết quả của một quá trình ‘phán đoán không thành mệnh đề, suy tư không qua lý luận’ , xuất hiện qua một cảm xúc đột ngột vào một lúc nào đó, trong một trường hợp nào đó. Do đó, nhận thức của họ lúc bấy giờ không đơn thuần do cảm quan hay lý trí thuần lý mà hầu như trong một thể thống nhất toàn bộ khả năng tri thức tập trung vào một thời điểm do một khích động làm thức dậy mọi băn khoăn âm thầm lâu nay.
‘Ðố ai quét sạch lá rừng
Ðể ta khuyên gió gió đừng rung cây’
Có thể do một cơn gió vô tình trút lá rừng xào xạc phủ lấp lối đi, tác giả bài dân ca sực tĩnh mọi hoang mang, khắc khoải rồi mượn sự việc thông thường chợt đến để đặt vấn đề, nói ra những ưu tư, sầu muộn, thắc mắc trong lòng truớc nay. Hoặc giả đứng trước thửa ruộng rì rào theo gió, hương đồng cỏ nội phảng phất bao quanh, rồi xúc cảm trước niềm vui lai láng về hình ảnh một vụ mùa tươi tốt, nhìn từng bông lúa trĩu hạt rung rinh, người bình dân chất phác, hiền hòa, trong giờ phút đó, ước lượng ra mức mùa màng thu hoạch vì trước mắt lúa nhiều quá trên cánh đồng nầy. Vụ mùa tốt đẹp do tồng số những bông lúa nầy góp lại nhưng bao nhiêu bông lúa được thấy nơi đây? Thắc mắc đuợc nêu ra rồi theo liên tường, thắc mắc nầy tiếp thắc mắc nọ, từ đơn sơ đến phức tạp, từ gần đến xa, từ hiện thực đến siêu hình, chuổi dài thắc mắc liên kết với nhau đưa đến một vấn đề hệ trọng, tách rời dần thực tiễn, trả lời cho những ray rứt, xao xuyến, suy nghĩ từ lâu nằm ngủ trong tâm tư vì ‘đặt được vấn đề cũng đã là một hình thức giải đáp đơn sơ, cũng đã là một trả lời làm tiêu mốc cho dòng suy tưởng’.
Nhưng những thắc mắc đó là những thắc mắc gì ? Người bình dân đã trả lời một cách bóng gió. Vì chính họ cũng không biết diễn đạt ra sao nên mượn hình ảnh bên ngoài nói lên mọi điều cảm nghĩ.
Tại sao kông đi từ núi đến sông, từ trời đến đất mà lại đi từ lúa ? Hỏi ‘lúa mấy cây’ phải chăng là cách khởi đi từ một quan sát thục tiễn, đi từ một sự vật gần gũi, thân thiết với con người, có lợi cho con người và do con người mà có. Lúa do con người tạo nên, ấy thế mà con người nào biết ‘lúa nọ mấy cây’. Không cần trả lời câu hỏi, không cần tò mò ước tính, suy luận để giải đáp, người bình dân liên hệ ngay đến những yếu tố chung quanh, quan hệ đến sự sống của lúa : sông kia, mây nọ, những yếu tố đồng hợp nuôi dưỡng lúa tốt tươi, đem lại hạnh phúc cho con người. Ðã không biết lúa mấy cây thì dĩ nhiên sông kia mây nọ cũng không thể rõ bao nhiêu khúc, bao nhiêu từng. Vấn đề như thế là đã mặc nhiên được đặt ra rồi : ‘con người không biết, vậy thì ai biết ? Ai đã tạo ra và ý nghĩa sự tạo dựng đó’. Không thể trả lời. Người bình dân không trả lời, không tìm cách trả lời vì biết trả lời ra sao. Họ đâu là nhà Triết lý, nhà nghiên cứu khoa học.
Phải chăng người viết chủ quan, tự nêu ra một vấn đề, tự tạo một thắc mắc theo cảm xúc riêng tây rồi gán cho tác giả bài dân ca, dẫn người đọc vào một trường mộng tưởng xa xôi, giải trí một cách lành mạnh óc tưởng tượng của độc giả hoặc dụng ý khoa trương kiến thức của mình chứ tác giả bài dân ca hiền lành, chơn chất, mộc mạc kia đâu có dụng ý xa vời như thế.
Ðồng ý lắm câu ca dao, dân ca chỉ mượn một sự việc thông thường bên ngoài để ‘lắp vần, đưa duyên’ nhằm phô diễn một ý tình riêng tư hoặc trao gởi lòng mình đến một đối tượng cụ thể nào đó mà nói thẳng ra lại thấy ngại ngùng, ngượng ngập, chẳng hạn như :
-Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa
Tiền bạc thì của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút thì là của em..
hoặc :
-Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch bát tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Có rửa thì rửa chân tay
Ðừng rửa lông mày chết cá ao anh.
Bài dân ca trích giảng nơi đây không nằm trong lẽ thông thường đó. Không như hai bài dân ca vừa nêu trên, trong bài nầy, ta thấy một liên hệ hợp lý và tình tự làm sao. Ði từ vật trước mắt(lúa) trực tiếp quan hệ dến cuộc sống mình (cuộc sống con người, nói chung) , tác giả liên hệ đến những sự vật quan hệ với lúa (sông chỉ nước nuôi dưỡng lúa ; mây chỉ khí hậu nắng và mưa ) và từ ‘đố ai’ nơi đầu câu, một phiếm định từ vừa có tính cách thân mật, tình cảm vừa có tính cách không bắt buộc phải trả lời mà người nghe tự tìm hiểu lấy hoặc nghe qua cho vui rồi quên, bỏ lững đi cũng được. Lối hỏi như vậy -một lối mỹ từ pháp- chẳng là môt tra vấn âm thầm đối với mình về một vấn đề mà câu đáp không cần thiết lắm, có cũng được, không có cũng được. Lối hỏi như vậy để đùa vui, thể hiện cái tâm lý của con người không ưa luận lý hoặc giả có luận lý thì vấn đề cũng không thông suốt được nào. Ở đây, lý trí luận lý không giải thích, soi sáng nhận thức của cảm quan mà cùng hòa hợp với cảm quan để cùng rung động nhịp nhàng trong một cảm xúc mênh mang, êm dịu, trầm lắng vào lòng sự vật, cùng hiện hữu với sự vật. Do đó, người bình dân, lúc bày tỏ một thắc mắc, một ưu tư, một tra hỏi về một vấn đề có tính cách siêu hình, thường họ đã sống ngay trong một trạng thái hòa hợp cả lý tính và cảm tính, một thể thống nhất giữa lý trí với rung động của con tim trong một phút giây đột ngột. Có thể xem cái khoảnh khắc hội nhập lý tính và cảm tính đó là một ‘cảm giác toàn thân’ (sensation kinesthésique) có thể khiến người ta như tê liệt, choáng ngợp bất ngờ hay đưa ta vào nhũng hoang mang, nghi ngại không tên.
Sự việc bất thường nơi đây là một thắc mắc siêu hình bất chợt làm sống dậy bao trầm tư trong cô tịch lâu nay để biến thành một cảm xúc đột ngột tuôn trào lai láng nhưng chỉ trong một phút chốc ngắn ngủi. Dĩ nhiên, trạng thái tâm lý kia không kéo dài lâu vì sẽ ngưng, sẽ tắt khi con nguời trở về với cái ‘hữu thức’ bình thường. Ðiều nầy dễ thấy trong những xúc cảm nghệ thuật. Nhiều người trong chúng ta, ngay từ thửơ thiếu thời, nghị lực phấn đấu sung mãn, ấy thế mà nghe qua một câu thơ, một điệu nhạc u sầu hoặc tình cờ chứng kiến một cảnh đau lòng thê thiết nào đó đọng lại trong ta một ấn tuợng khó quên, trở thành một ám ảnh thường dậy lên từng lúc nơi ta. Ðối với người nghệ sĩ, cái xúc cảm đó dần dà kết tinh trong vô thức luôn theo họ để họ tư lự, thắc mắc mà cố sức diễn tả lại thấy vụng về, gượng ép, phải đợi đến lúc xuất thần mới ‘sáng tạo’ nên tuyệt phẩm. Câu thơ của Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu ‘’Ải Vân đèo lờn vừa qua, Mưa xuân sao bỗng đổi ra nắng hè !’’ chỉ là hai câu nói lên thời tiết đổi thay bên nầy và bên kia đèo Hải Vân nhưng là tiếng lòng thương nhớ, đớn đau trước cảnh nước vận nhà dâu bỉển vì giặc Pháp đã xâm lăng, thống trị dân ta. Cũng thế, hai câu của Trần Tế Xương ‘’Ðêm nghe tiếng ếch bên tai,Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò’’ ; ‘ai’ đây là ai ? Là tiếng gọi yêu nước nơi lòng tác giả, là hình ảnh bao chiến sĩ yêu nước đang lo đấu tranh hưng phục quê hương, đặc biệt là cụ Phan Bội Châu mà Trần Tế Xương đã đươc gặp và ngưỡng mộ (xem nài thơ ‘Nhớ bạn’ của Tú Xương : ‘Ta nhớ người xa cách núi sông, Người xa, xa lắm nhớ ta không !?,…’’
Tác giả bài dân ca nầy là một nghệ sĩ ít ra trong giờ phút đó. Những thắc mắc xao xuyến lâu nay xuất hiện bất thần, tuôn trào thành những câu hỏi rất bâng quơ : ‘’Ðố ai biết lúa mấy cây…’’.
Hỏi nơi đây không phải để trả lời cũng không do dụng tâm, cố ý mà chỉ để bất ngờ nói lên một trạng thái nội tâm về một bắt gặp, một hội nhập trực tiếp và mật thiết giữa tự thân mình với mọi sự vật, sự việc cao rộng hơn : cái linh hồn vạn vật và cái lý huyền nhiệm sáng tạo của đất trời.
Rồi từ những sự việc hiện thực, từ cái xúc cảm mới là ‘đặt vấn đề’ , tác giả mời ta vào một trầm tư khác cũng không kém siêu hình, kỳ Lạ :
‘Ðố ai quét sạch lá rừng
Ðể ta khuyên gió, gió đừng rung cây’
Ðây là sự việc liên quan đến con người, đến nỗ lực và hành động của con người. ‘Ðố ai quét sạch lá rừng’, ai làm nổi công việc đó ? Lại một câu hỏi vu vơ nữa, mà dù có quyết làm cũng không làm nổi, thế mà vẫn cứ ‘đố’. Một lối đánh cuộc hay một lời thách thức chăng ?
Quét lá là chuyện dễ nhưng lá rừng thì vô số. Có quét xong thì lá trên cây lại đỏ xuống, lá vàng, lá úa, khi gặp gió càng ào ạt như mưa. Ai có công tri chí quét mãi ? Công việc dã tràng sao ? Và ví thử có ai quét sạch lá rừng thì tác giả nghĩ sao ? Tác giả không nghĩ gì cả, không khen, không phục, không cảm ơn. Tác giả sẽ làm công việc tiếp theo, càng khó khăn hơn, càng dã tràng hơn : ‘Ðể ta khuyên gió gió đừng rung cây’. Tác giả ‘khuyên’ chứ không ngăn, không cản, không nài nỉ. Tại sao ? Vì có kẻ làm nổi công việc quét sạch lá rừng thì tác giả tin rằng tác giả có thể khuyên được gió, bảo gió nghe theo lời mình.
‘Khuyên’ có nghĩa thì thầm to nhỏ, giải bày thiệt hơn, phải trái, nên không. Nhưng ‘khuyên’ nơi đây không có nghĩa vạch ra điều lợi, hại, đúng, sai mà là ‘giải bày cảnh ngộ, mời gọi cảm thông’ : ‘’gió trông kìa, kẻ quét lá rừng phí công, tốn sức dường nào, công việc không ngừng nghỉ…Gió trêu chọc họ thêm chi ! Gió cứ thổi nhưng đừng rung cây, được chứ ?’’. Tác giả có thể nói với gió như thế. Nhưng làm sao gió chịu nghe cho. Gió không thổi qua rừng thì vui thú với ai ? Rừng không gió thì rừng cô tịch, vẻ hoang liêu càng thêm dày đặc.
Tiết điệu điều hòa của thiên nhiên là thế đấy. Gió có qua rừng, gió mới reo vui, rừng có gió thăm rừng mới khỏi sầu hoang dại. Và gió đến, rừng vui, cây cũng vui ra nữa chứ, cây sẽ không còn ‘đứng buồn như nhũng nàng cung nữ thời xưa’. Và có thế thì lá mới, lộc non mới đâm chồi, nảy lộc để rừng luôn xanh dể gió luôn về ân ái. Chính trong cái tiết điệu rong chơi ân ái đó mà sông kia bầu bạn với lúa đồng, mây kia âu yếm ôm lấy ruộng đồng, nương rẩy. Không ngăn được cái tiết điệu đó đã đành mà ra sức cản ngăn là tự mình cắt đứt hết mọi nguồn vui, mọi ân tình của đất trời, của lẽ sống. Vì thế nên chẳng ai quét sạch lá rừng để tác giả khỏi hoài công khuyên gió đừng rung cây.
Thuyết phục gió tuân theo ý mình là công việc càng không ai làm nổi, vả cũng chẳng nên làm. Cả hai câu chẳng là hình ảnh của phí công, uổng sức, công việc dã tràng như công việc của anh chàng Sisyphe xưa kia. Nhưng ở đây tác giả không hình dung công việc dã tràng đó, không nói đến sự bất lực của con người vì không quan niệm cuộc sống phi lý, bi đát như một số triết gia hiện sinh. Con người không là nạn nhân của thần thánh, của Trời, của Thuợng Ðế. Thi ca dân gian ẩn tàng một triết lý nhưng là triết lý sống vui, luôn luôn điều hòa, hội nhập với tự nhiên, với Trời, với chủ tể sáng tạo.
Những công việc do con người tạo ra mà chính con người cũng kông biết : ‘đố ai biết lúa mấy cây’, nhựng việc dễ làm mà chẳng ai làm nổi ‘đố ai quét sạch lá rừng’, đến những việc thiên nhiên, dĩ nhiên con người cũng khó lòng làm đuợc ‘biết sông mấy khúc, biết mây mất từng’ thì dù ước muốn đến bao nhiêu, con người cũng không thể hiểu được hết, làm được hết mọi sự. Nói như thế không có nghĩa ông bà ta xưa đành bất lực trước thiên nhiên. Không phải họ không có tinh thần đấu tranh khắc phục ngoại giới để đem lại tiện nghi cho cuộc sống. Họ vẫn đấu tranh chứ mà có ai không đấu tranh với thiên nhiên ? Họ vẫn đem khả năng trí tuệ và thể chất để vuợt thoát khó khăn mà thiên nhiên giăng bày trước mắt. Nhưng họ đấu tranh không phải để ‘thắng’, để ‘làm chủ’, để bắt buộc thiên nhiên phải tuân phục ý mình. Vì với người Ðông phương, họ không quá ỷ lại sức mình, họ không có ý niệm về cái khả năng vô biên của lý trí. Họ nghĩ rằng sức người có hạn. Vả, lúc đó, kiến thúc khoa học chưa mấy phát triển. Mà dù có nhiều kiến thức khoa học, người xưa cũng không nghĩ rằng con người đối lập với thiên nhiên. Thiên nhiên có lúc làm hại người -một trận cuồng phong, một cơn bão lut, một tiếng sét làm chết người, một đợt sóng thần cuốn trôi bao nhiêu ghe, thuyền, nhà cửa, một vụ động đất làm sụp đổ bao nhiêu công trình,..nhưng nhiều lúc, rất nhiều lúc, thiên nhiên cũng che chở, vuốt ve, đùm bọc con người : mực nước sông lên xuống điều hòa, bốn mùa tuần tự nắng mưa thuận cho cấy cày, gieo gặt,…Thiên nhiên còn là niềm an ủi, nguồn cảm hứng cho con người. Thiên nhiên là quyển sách để con người tập đọc, sưu tầm, tra khảo. Thiên nhiên được thần hóa và nhân hóa để con người tỏ bày tâm sự, để con người gởi trao, trút bỏ mọi u sầu, dằn vật, đắng cay của cuộc đời ‘bể khổ’, của cuộc sống nhiêu khê giữa người và người. Thiên nhiên là vị thần sáng tạo, là cứu tinh, là ân nhân, là người bạn miên viễn, lúc nào cũng có đấy, cũng bên cạnh để con người kể lể, khóc than hay để cợt đùa,trêu ghẹo:
‘Ngồi buồn đốt một nắm rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói lên đến tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm ? (ca dao miềnNam)
Ði từ một không gian cụ thể đến một không gian trừu tượng, không gian của tâm linh (quét lá rừng, để ta khuyên gió), đi từ sự việc thông thường đến sự việc xa xôi, từ cái ‘khả thể’ đến cái‘bất khả’ qua lối nói bâng quơ vô thưởng vô phạt ‘đố ai’,người bình dân muốn nói điều gì ? Xin trả lời theo tâm thức người xưa và là tâm thức của người bình dân. Ðừng theo cái óc khoa học và cái tính vụ lợi của chúng ta ngày nay.
Người bình dân ta xưa muốn diễn đạt một tình tự và cũng là cái lý thuờng hằng : hòa hợp con người với thiên nhiên, tôn trọng cái bản thể của tự nhiên (le naturel de la nature). Ðặt con người đối diên với thiên nhiên (lúa, sông, mây), kéo thiên nhiên về với con người (không ai quét sạch được lá rừng, không ai khuyên đưọc gió) , mượn lối phản đề, nghịch lý để tỏ bày một thái độ mời gọi hội nhập, hòa đồng, người bình dân xưa đã có một nghệ thuật diễn đạt khéo léo, tế nhị.
Thiên nhiên không đối nghịch với con người thì sao con người lại đối lập với thiên nhiên ? Chúng ta ngày nay tự phụ, tự hào, kiêu căng về những khám phá, phát minh khoa học, kỹ thuật, đã nhìn thiên nhiên như là đối tuợng để chỉ có chiếm hũu, chinh phục. Thái độ ưa làm chủ thiên nhiên đó dẫn đến thái độ ưa làm chủ kẻ khác, làm chủ xã hội, tạo nên cái tâm lý và trạng thái đối kháng giữa nhau, ba đào tan nát do từ đó mọc ra. Mà nào chúng ta có làm chủ được thiên nhiên ! ‘Làm chủ thiên nhiên’chỉ là lối nói để động viên, kích thích ý chí con người tìm cách vượt thoát những trở ngại mà không gian, thời gian bên ngoài không phù hợp với không gian, thời gian bên trong mình. Vì, thực tế chúng ta chỉ mô phỏng luật tắc của thiên nhiên (sự vận hành tương tác giữa vạn hữu) để nhìn ra lý do cùng nguyên nhân, kết quả những tương tác đó để hình thành qui luật nầy nọ hầu đáp ứng yêu cầu sống của ta chứ ta đâu có tự đặt ra qui luật để bắt buộc thiên nhiên phải qui thuộc vào những qui luật do ta đặt ra. Ðối với thiên nhiên, khoa học không sáng tạo mà chỉ khám phá, phát hiện và vận dụng thôi. Không thiên nhiên, hẳn nhiên không có khoa học. Cảm tạ khoa học giúp ta hiểu, gần gũi và yêu mến thiên nhiên hơn. Hãy nói như thế. Càng đến với thiên nhiên, khoa học càng từng bước đạt đến cái ‘bản thể của tự nhiên’để con người và thiên nhiên cùng trong một tiết điệu điều hòa, tương hảo trong nhau. Vì tất cả cùng trên một đường đi, con đuờng dẫn về cái tính thể của mình, cái ‘bổn lai diện mục’ của từng sự vật trong cái ‘bản lai đồng’ của vũ trụ càn khôn. Tất cả cùng trên đường về, con đường ‘trở thành đạo thể’ [le devenir être – khoa học ngày nay không hẳn đặt căn bản trên các hiện tượng mà có khuynh hướng đi vào bản chất sự vật. Ðấy là khuynh huớng do khoa Vật lý toán học (physique mathématique) mở ra – Xem ‘Le nouvel esprit scientifique’ của Gaston Bachelard, 7ème édit. Paris 1960. Các lý thuyết ‘Vật lý lượng tử’ (physique quantique), ‘siêu sợi’ (théorie des supercordes) từ thế kỷ XX đến nay đang trên đường đó] .
‘Ðố ai biết lúa mấy cây…
Xin đọc to lên và để hồn trầm lắng, lửng lơ trang trải theo vần điệu dân ca. Lời thơ êm như khúc nhạc, chơi vơi dàn trải tâm hồn ta mênh mang, dìu dịu nâng ta vào những cảm xúc xa xôi, mơ màng khiến người ta lâng lâng, thanh thoát. Bài dân ca hầu chỉ là cách nói, một lối đùa theo thể điệu rong chơi. Ðiệu lục bát êm êm chứa nhạc trong lời, dìu ta vào trạng thái bềnh bồng, lơ lửng, chơi vơi như gần như xa, mộng thực giao hòa. Một tương quan điệp khúc giữa người và tạo vật để con người của ta trong giờ phút đó trở nên một ‘tạo vật người’. Ðấy là trạng thái không còn phân biệt giữa ta với mọi vật chung quanh, một trạng thái ‘tề thiên địa, đồng nhân ngã’ theo lối nói Trang Chu. Ta vào trong lúa, ta vào trong cây, trong mây, trong gió và tất cả cùng vào trong ta, một trạng thái ‘nhất thể’ giữa ta và vạn vật trong cái khoảnh khắc bất chợt của cái tâm hồn hằng thao thức một giao thoa.
‘Ðố ai biết lúa mấy cây…
Xin đọc to lên để tiếng lòng dàn trải thanh tân theo lời thơ tiếng nhạc, lơi lơi ngân vang đến tận cùng tâm thể để cả hồn lẫn trí mơ man trong cái tiết điệu mơ màng hòa tấu giữa vũ trụ và con người, giữa ta và đất trời giao hợp :
‘Chở hồn lên tận chơi vơi
Trăm chèo của nhạc, muôn lời của thơ
Quên thân như đã quên giờ
Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu’.
(Huy Cận)
nguyễn thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét