Tác giả Võ Phiến là một nhà văn hàng đầu của Văn Học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông kéo dài hơn nửa thế kỷ, và, bao gồm nhiều thể loại: từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận, biên khảo, dịch thuật..., và cả thơ nữa.
Võ Phiến
Phần tiểu sử và văn nghiệp của Võ Phiến được ghi lại dưới đây là theo tài liệu của Thụy Khuê đăng trên Hợp Lưu.
<!-->Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, ngoài ra hồi viết Bách Khoa ông còn ký bút hiệu Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20/10/1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là Ngô Thị Cương. Khoảng 1933, cha mẹ xuống Rạch Giá lập nghiệp đem em ông là Đoàn Thế Hối theo; Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những đêm đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, ký tên Đắc Lang.
1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958, tại Sàigòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông xin đổi vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn... và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh v.v... 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.
Rời nước một tuần trước ngày 30/4/1975, một thời gian sau ông định cư tại Los Angeles, làm công chức thuế vụ.
Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến là nguyệt san văn học có uy tín đầu tiên tại hải ngoại, là tiền thân của tờ Văn Học mà sau này Nguyễn Mộng Giác tiếp nối. Văn Học Nghệ Thuật đã mở đầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, hội tụ những cây bút cũ và mới, tạo ra một lớp người viết và người đọc tham dự vào văn chương tiếng Việt.
Từ tháng 7/1994, Võ Phiến nghỉ hưu nhưng vẫn viết, hiện ông sống tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Tác phẩm đã in:
Tiểu thuyết: Giã từ (Bách Khoa, Sài-gòn, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Đàn ông (Thời Mới, 1966), Nguyên vẹn (Người Việt, California, 1978).
Truyện ngắn: Chữ tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956), Người tù (Bình Minh, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, Sài-gòn, 1958), Đêm xuân trăng sáng (Nguyễn Đình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Về một xóm quê (Thời Mới, 1965), Truyện thật ngắn (Văn Nghệ, California, 1991).
Tùy bút: Thư nhà (Thời Mới, 1962), Ảo ảnh (Thời Mới, 1967), Phù thế (Thời Mới, 1969), Đất nước quê hương (Lửa Thiêng, 1973), Thư gửi bạn (Người Việt, California, 1976), Ly hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, California, 1977), Lại thư gửi bạn (Người Việt, 1979), Quê (Văn Nghệ, 1992).
Tiểu luận: Tiểu thuyết hiện đại (bút hiệu Tràng Thiên, Thời Mới, 1963), Văn học Nga Xô hiện đại (Thời Mới, 1965). Tạp bút, ba tập (Thời Mới, 1965-66), Tạp luận (Trí Đăng, 1973), Chúng ta qua cách viết (Giao Điểm, 1973), Viết (Văn Nghệ, 1993), Đối thoại (Văn Nghệ, 1993).
Biên khảo: Văn học miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Văn học miền Nam, 6 tập, gồm 3 tập về truyện, 1 tập ký, 1 tập kịch - tùy bút và 1 tập thơ (Văn Nghệ, 1999).
Dịch thuật: Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stéfan Zweig) (Thời Mới, 1963), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (André Maurois) (Thời Mới, 1964), Truyện hay các nước, 2 tập, cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng (Thời Mới, 1965), Ông chồng muôn thuở (Dostoyevsky) (1973). Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến Toàn Tập, 9 cuốn (Văn Nghệ, 1993).
Năm 2010, Võ Phiến cho in Cuối Cùng, gồm tạp bút và thơ mới viết của ông. Đây cũng có thể là tác phẩm cuối cùng của nhà văn.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nhận định về Võ Phiến như sau:
“Theo tôi thì Võ Phiến là một trong những nhà văn lớn nhứt của Việt Nam trong nửa sau của Thế Kỷ 20. Xin lưu ý là tôi dùng chữ Việt Nam chớ không phải là Miền Nam hay là hải ngoại; trong phạm vi cả nước thì Nam cũng như Bắc, quốc nội cũng như quốc ngoại...
Võ Phiến (x)
Trong lãnh vực nghiên cứu văn học ở hải ngoại từ sau năm 1975, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, dù gây nên nhiều tranh cãi sôi nổi và dù còn một số hạn chế, vẫn là một trong những thành tựu lớn nhất. Nó không những giúp người đọc nhận diện một khía cạnh khác trong tài năng của Võ Phiến mà còn cung cấp cho người đọc một khối tài liệu đồ sộ và đáng tin cậy về một nền văn học từng một thời phồn thịnh nhưng ngỡ đã bị quên lãng từ khi Miền Nam sụp đỗ vào ngày 30-4-1975 và sách vở, văn chương, báo chí đều bị coi là phản động. Đó là văn học Miền Nam thời gian 1954-1975...”
Quả đúng như vậy. Võ Phiến là niềm hãnh diện của nền văn học chúng ta.
QN
Quả đúng như vậy. Võ Phiến là niềm hãnh diện của nền văn học chúng ta.
QN
Nhà văn Võ Phiến an hưởng tuổi già
Phạm Xuân Đài
Ở tuổi 86, hiện nay nhà văn Võ Phiến đang sống những ngày an hưởng tuổi già trong tình thân của gia đình và bạn bè. Từ năm 1980 làm việc và cư ngụ tại Highland Park City thuộc Los Angeles, nhưng vào năm 2003 ông bà Võ Phiến đã mua nhà tại Santa Ana và dời hẳn về đây, để gần gũi con cháu và bạn bè người Việt Nam.
Ngôi nhà cũng êm đềm như cuộc sống của ông bà. Trong một cư xá yên tĩnh cuối đường số 5 thuộc thành phố Santa Ana, ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn xinh xắn, có một mảnh vườn be bé bên cạnh với những cây hoa hồng ở bờ dậu, cây quít, cây hồng dòn, cây thanh long và những cây hoa khác chạy vòng ra đến sân sau. Đó là nơi để bà Viễn Phố (tức bà Võ Phiến) săn sóc cây cỏ hàng ngày, và là nơi mỗi buổi sáng nhà văn Võ Phiến đi tha thẩn ngắm lá, ngắm hoa, tức là thưởng thức tài chăm nom vườn tược của bà.
Nhà văn Võ Phiến trước bàn viết. (Hình Dân Huỳnh)
Nếu căn nhà ở Los Angeles là nơi sống để làm việc, thì ngôi nhà hai tầng ở Santa Ana là nơi để an hưởng tuổi già. Cả hai căn nhà đều có đặc tính chung gọn gàng, văn vẻ, một chút gì có thể gọi là thơ mộng. Nhà ở Los Angeles tuy xa Little Saigon nơi tập trung đông đảo người tị nạn Việt Nam, nhưng các văn hữu xa gần vẫn thường lui tới thăm ông bà, và ai cũng ưa thích vẻ thanh tao và mỹ thuật của của ngôi nhà lẫn vườn cây. Trong khu vườn khá rộng trồng nhiều loại cây ăn trái, có dựng bức tượng bán thân bằng đồng của nhà văn Võ Phiến, tác phẩm của điêu khắc gia Ưu Đàm, một nghệ sĩ di dân thuộc thế hệ thứ hai. Trong khung cảnh của căn nhà Los Angeles, nhà văn Võ Phiến đã viết các tác phẩm quan trọng của ông tại hải ngoại: Văn Học Miền Nam - Tổng Quan, Thư Gửi Bạn, Nguyên Vẹn, Truyện Thật Ngắn, Đối Thoại, bộ Văn Học Miền Nam v.v... Võ Phiến đã sống tại đây từ năm 1980, và sau 15 năm đi làm công chức cho thành phố Los Angeles ông nghỉ hưu vào năm 1992, vẫn tiếp tục sống và viết tại đây 11 năm nữa. Đến năm 2000 khi bà Võ Phiến nghỉ hưu, không còn nhu cầu ở gần sở làm nữa, thì hai ông bà mới dần dần có ý định dời về vùng Orange County để gần con cái và bạn bè hơn. Việc đó đã được thực hiện năm 2003, sau 23 năm cư ngụ tại Los Angeles.
Ông bà Võ Phiến trước ngôi nhà của mình. (Hình Dân Huỳnh)
Có vẻ về nơi cư trú của mình, mỗi người cũng có một mạng số. Các căn nhà của họ trước sau có những đặc tính na ná giống nhau. Ngôi nhà ở Santa Ana của ông bà Võ Phiến cũng có những nét tương tự ngôi nhà ở Los Angeles: gọn gàng, xinh đẹp. Dĩ nhiên vẻ giống nhau ấy phần lớn có thể do lối trang trí bày biện của chủ nhân, nhưng hình như mạng người thế nào thì sẽ có cái khung cảnh khách quan riêng tương ứng. Người thì nhà cao cửa rộng, kẻ đơn giản lùi xùi, chỗ thì ồn ào chật chội, nơi lại thanh thoát vắng vẻ... Đó là cái phước, cái phần của mỗi người vậy. Chuyến dời nhà này như là một bước ngoặt của ông bà: rời môi trường đi làm để tìm về nơi hưu dưỡng. Đúng, lần dời nhà này đánh dấu sự rời bỏ hẳn nếp sinh hoạt làm việc, mưu sinh để vào hẳn môi trường thư giãn, nghỉ ngơi, và ngôi nhà mới này đáp ứng nhu cầu ấy: nằm trong một cư xá vắng lặng trong một khu vực yên tĩnh, lại không xa những khu buôn bán sinh hoạt của người Việt Nam.
Khi về đây, nhà văn Võ Phiến đã tròm trèm tám mươi. Sinh hoạt hàng ngày của ông vẫn là đọc và viết. Và chơi với con cháu. Và tiếp bạn bè. Ông bà có bốn người con, ba trai một gái, và cho đến nay, 2010, đã có ba cháu nội và một cháu ngoại. Nhưng chưa hết: lại đã có chắt, hiện nay là ba chắt nội, đứa lớn nhất lên năm tuổi. Nếu cha mẹ con cái ở chung một nhà như ngày xưa thì ông bà Võ Phiến nay đứng đầu cho một dòng Ông Bà Con Cháu gọi là “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ ở cùng nhà). Ngày xưa tuổi thọ con người còn ngắn, gia đình được như thế coi như đại phước đức. Nhưng đời nay hiện tượng tứ đại đồng đường vẫn tương đối hiếm tuy là tuổi thọ đã cao hơn nhiều, một phần có thể do người ta có khuynh hướng lập gia đình trễ hơn ngày xưa. Ông bà Võ Phiến từ khi về đây thì con cháu lui tới thăm ông bà dễ dàng và thường xuyên hơn, nhiều lần nhà của ông bà biến thành nơi bốn thế hệ tập họp, đó là nỗi vui ấm áp luôn luôn hâm nóng bầu không khí trong căn nhà mới này.
Bạn bè là nguồn vui khác của ông bà. Bản tính ông bà đều quý bạn một cách chân thành, nên bằng hữu, người quen từ cách đây năm sáu mươi năm cho đến mới đây đều được ông bà đón tiếp niềm nở thân tình. Với bạn văn, câu chuyện thường xoay quanh các tác giả, tác phẩm, các giai thoại văn chương. Ông thường nhắc nhở những kỷ niệm với các bạn văn cũ, như nhóm Bách Khoa ngày xưa, như Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Đỗ Tấn, Nguyễn Văn Xuân, như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, và một số nhà văn nhà thơ trẻ hơn như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, một số họa sĩ như Thái Tuấn, Võ Đình, nhạc sĩ như Cung Tiến... Trong quá khứ xa, ông gặp gỡ nhiều lần và quý trọng Nhất Linh, và ông cũng có những kỷ niệm thú vị với mấy nhà văn lớp trước như Đông Hồ, Mộng Tuyết. Đối với những nhà văn hiện nay ở hải ngoại, ông thường nhắc đến Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Hưng Quốc, Đặng Tiến v.v... Ngày xưa thời còn học Quốc Học ở Huế ông đã được học giả Đào Duy Anh mời về sống trong nhà để kèm các con ông học, nay mối liên lạc với các “học trò” xưa của ông vẫn còn gắn bó. Anh Đào Hùng, người con lớn của cụ Đào đã có dịp qua Mỹ đến ở chơi với ông nhiều ngày, thậm chí con của anh, Đào Thế Đức, trong một chuyến Mỹ du cũng có ghé thăm ông bà. Nếp thân tình ấy mang đậm nét đặc biệt của Việt Nam ngày cũ, và nếu vẫn còn sống động nơi thế hệ trẻ hiện tại thì là một điều quý và hiếm có. Và dù chế độ cộng sản rất “kỵ” ông, cấm đoán tất cả tác phẩm của ông ở trong nước, một số nhà nghiên cứu văn học và văn sĩ từ Việt Nam có dịp sang Mỹ như Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải v.v... đều đến thăm ông như xưa nay chẳng hề có một ngăn cách nào.
Mà chẳng cứ từ Việt Nam, nhiều nhà văn người Việt ở các nơi khác có dịp về miền nam California đều tìm đến thăm ông, đến nỗi có người nói đùa rằng nhà của ông bà Võ Phiến có thể coi là một địa điểm “du lịch văn hóa”. Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn mỗi lần từ Úc qua thế nào cũng tới ở với ông bà vài hôm rồi mới đi đâu thì đi. Vợ chồng Nguyễn Văn Khoa – Xuân Sương (tức nhà văn Miêng) từ Pháp rất thích các lần thăm và chuyện trò với ông bà, như được gặp lại một không khí thân mật cổ truyền rất Việt Nam. Nói gì cánh Tây Bắc nước Mỹ như Trần Mộng Tú, Trùng Dương, Nguyễn Tường Thiết, hoặc từ phía Đông Bắc như Trần Doãn Nho, mỗi lần đi Sài Gòn (tức là Little Saigon) thế nào cũng phối hợp với bạn bè địa phương đến quấy phá ông bà một lần, hoặc được bà cho ăn uống tại nhà, hoặc rủ nhau tới một nơi nào đó. Người bạn xưa nhất của nhà văn Võ Phiến hiện cùng ở địa phương này là ông Tôn Thất Kỳ, tức nhà văn Trúc Chi. Lê Tất Điều cũng là người thân từ thời Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975. Và Nguyễn Mộng Giác, nhà văn đồng hương Bình Định. Tương đối mới hơn thì có bác sĩ Vũ Đình Minh (nhà văn Mai Kim Ngọc), người đã quan tâm nhiều đến việc mổ tim của Võ Phiến năm 1992, Ngự Thuyết, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Bùi Bích Hà... Nhưng có một người thân một cách thầm lặng, ít lời, đó là ông Võ Thắng Tiết, cựu giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ, người đã xuất bản tất cả sách của Võ Phiến tại hải ngoại, trừ hai cuốn sau cùng là Tuyển Tập Võ Phiến và Cuối Cùng, được xuất bản sau khi nhà Văn Nghệ đã ngưng hoạt động.
Trong vòng nửa năm nay sức khỏe của nhà văn Võ Phiến có vẻ khá hơn năm ngoái, tiếng nói có nội lực, nhưng ông vẫn luôn luôn mặc áo ấm. Ông bảo ông bị lạnh quanh năm, mùa nào ở Nam Cali này cũng đều là mùa đông đối với ông. Tai nghe không còn tốt, ông phải dùng máy trợ thính nhưng cần lắm thì ông mới dùng. Nhưng mắt còn được lắm, khi đọc sách mới cần đeo kính lão. Khi đi không cần chống gậy, người thẳng. Tóc bạc, nhưng không trắng xóa như nhiều người ở tuổi ông. Ông vẫn giữ dáng vẻ bình thường, đơn sơ, trông ông không già đi so với ba bốn năm về trước. Ông không lái xe trong vài năm gần đây, đã tặng một người quen chiếc xe hơi của ông, cho nên ông bà cần đi đâu thì có con cái, bạn bè, người thân chở đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét