Vợ con mục sư Nguyễn Công Chính |
Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Điều gì xảy đến đối với một người phụ nữ bị các bác sĩ, y tá “trục xuất” ra khỏi bệnh viện chỉ sau 2 tiếng đồng hồ sinh con? Sau lời giải thích vô cảm “Chúng tôi vì áp lực của “lệnh trên” nên mới làm như vậy” người phụ nữ ấy ngậm ngùi bế con về nhà trong tình trạng sức khỏe rất yếu.
Gia đình bà có thuê một cô y tá bệnh viện đến tận nhà để giúp việc hậu sản, nhưng một lần nữa cô y tá này cũng bị áp lực từ “lệnh trên” nên cũng không dám đến.<!-->
Vợ mục sư Chính
Người phụ nữ ấy là bà Trần Thị Hồng, hiện đang cư ngụ tại hẻm 169, tổ 10, phường Hoa Lư, đường Cách Mạng Tháng 8, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Bà Hồng là vợ của mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính, một tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù tại trại giam An Phước – tỉnh Bình Dương.
Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính sinh năm 1969, bị bắt vào ngày 28/4/2011, với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo điều 87 BLHS, kết án 11 năm.
Ông Chính, tên thật là Nguyễn Thành Long, trước đây ông từng là trưởng ban truyền giáo của một hội thánh Tin Lành Mennonite (một chị hội không được nhà nước thừa nhận). Sau này trở thành trưởng giáo hội Lutheran, một giáo hội Tin Lành ở Việt Nam.
Ông đã từng lặn lội đến tận các buôn làng xa xôi hẻo lánh trên vùng đất cao nguyên, mang niềm tin và rao giảng lời Chúa đến với người dân nơi đây.
Trong thời gian này, ông đã công khai lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình trước sự bất công của xã hội, và tham gia phong trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo cho dân tộc Việt Nam.
Ông vinh dự được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhân Quyền 2009.
Nói về chồng mình, bà Trần Thị Hồng cho biết: “Khoảng thời gian trước khi ông Chính chưa bị bắt, bản thân ông và gia đình thường xuyên bị chính quyền tỉnh Gia Lai đấu tố, phỉ báng, đánh đập và nhục hình”
“Cả gia đình chúng tôi bị chính quyền tỉnh Gia Lai dồn ép đến cùng cực của sự đau đớn”, bà nghẹn ngào chia sẻ.
Hiện nay, gia đình bà có được bốn đứa con, ba trai, một gái. Mỗi khi nhìn thấy đứa con trai út khóc thì bà lại nghĩ đến sự việc đã xảy ra cách đây gần 10 năm, và cảm thấy xót xa cho thằng bé vì gặp sự bất hạnh từ lúc mới chào đời, ngay trong bệnh viện.
Bệnh viện đuổi sản phụ vì “lệnh trên”
Vào sáng lúc 5 giờ sáng, ngày 19/11/2006, tại bệnh viện thành phố Pleiku, đứa con trai út của bà cất lên tiếng khóc chào đời đầu tiên, trong niềm hạnh phúc chưa kịp dâng trào của một người mẹ…
Chỉ 2 tiếng đồng hồ sau, một cô y tá - trưởng khoa sản bất ngờ đến giường bà và nói: “Chúng tôi nhận được “lệnh trên” là không cho phép hai mẹ chị con nằm bệnh viện này nữa!”.
Thấy điều quá vô lý, ông Chính lên tiếng một cách phẫn nộ: “Tại sao các y bác sĩ đối xử với vợ con của tôi như vậy? Ít nhất cũng cho vợ tôi nằm dưỡng sức trong 24 tiếng đồng hồ chứ”.
Họ cứ như con robot lắc đầu, chỉ lặp đi lặp lại câu nói vô cảm và thiếu trách nhiệm: “Chúng tôi được “lệnh trên”, chúng tôi không thể làm khác được”.
Tuy sức khỏe của bà Hồng rất yếu nhưng bà vẫn cố gắng hết sức gượng dậy để cùng chồng ra về.
Xin nói thêm, trong thời gian này công an và an ninh đang bủa vây canh gác xung quanh nhà ông bà ngày lẫn đêm. Nhân lúc trời tối, lực lượng theo dõi vẫn còn ngủ say nên hai vợ chồng lén lút di chuyển từ nhà để đến bệnh viện mà không bị phát hiện.
Dù vậy, chuyến “vượt cạn” của bà Hồng nhanh chóng bị “bại lộ”. Trên đường từ bệnh viện trở về nhà, có từ bốn đến năm “nhân viên chuyên nghiệp” bám sát và dẫn giải về.
Vừa về đến nhà bà Hồng không thể trụ được nữa và đã ngất đi, do huyết áp tụt xuống quá thấp. Vì ông Chính có học chút kinh nghiệm về cách sơ cứu trong trường hợp này, cộng thêm sự may mắn là, bản thân ông có mang chứng bệnh tụt huyết áp nên lúc nào cũng dành sẵn thuốc điều trị bên người vì vậy đã kịp thời lấy ra cho bà uống. Thế là bà đã thoát khỏi tay tử thần.
Ông Chính có nhờ người thân quen sang bệnh viện, mời (thuê) một cô y tá ở bệnh viện đến nhà giúp bà Hồng trong lúc hậu sản. Cô ấy trả lời, vì sợ bị đuổi việc nên không dám cãi lại “lệnh trên” và đã từ chối.
“Lương y như từ mẫu” có phải chăng đây chỉ là khẩu hiệu suông được “vẽ thật đẹp” và đặt ở tại các bệnh viện để cho nó “oai”? Hay chỉ là câu nói sáo rỗng mà các cấp lãnh đạo chính quyền thường sử dụng nhằm biện minh cho ngành y tế Việt Nam đã bị xuống cấp trầm trọng?
Lương tâm nghề nghiệp của các y, bác sĩ có phải chăng đã bị các thế lực quan quyền vô cảm khống chế và đang bị đắm sâu trong vòng xoáy của đồng tiền vô tri.
Bỏ tù chồng, đày đọa vợ con
Kể từ khi ông Chính bị bắt, đến nay đã gần 5 năm nhưng nhà cầm quyền tỉnh KonTum vẫn không buông tha gia đình vợ con ông.
Bà Hồng cùng bốn đứa con ngây dại ngày đêm phải sống trong thấp thỏm lo âu, thường xuyên phải đương đầu với sự sách nhiễu và khủng bố của lực lượng “công an nhân dân”.
Bà Hồng bùi ngùi nói:
“Chồng tôi hiện nay đang bị công sản Việt Nam hành hạ, giết lần, giết mòn trong ngục tù. Còn đối với mẹ con tôi bên ngoài thì lại bị giam hãm trong chính ngôi nhà của mình”
“Lực lượng an ninh lúc nào cũng có mặt trước và sau cổng nhà, cả ngày lẫn đêm, để canh chừng và theo dõi mẹ con tôi. Hằng ngày tôi đưa các con đi học, bọn họ thì kèm kẹp hai bên để áp tải đi và áp tải về”.
Một ngày nọ, bà cùng hai đứa con nhỏ đi thăm chồng tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương. Sự việc xảy ra hôm đó đến nay bà vẫn không thể nào quên.
Vào lúc 19 giờ ngày 14/4/2013, trên chuyến xe từ thành phố Pleiku chạy hướng về Sài Gòn. Vừa ra khỏi địa phận thành phố PleiKu, đến một nơi hoang vắng thì có một toán cảnh sát giao thông ra hiệu cho xe dừng lại.
Lúc ấy bà nhìn xuống đường thấy đám công an và an ninh đứng chờ sẵn rất đông. Cửa xe vừa mở ra, ngay lập tức có một số người xông lên và lôi ba mẹ con xuống đất.
Sau đó bọn họ tiếp tục kéo bà vào một căn nhà dân gần đó, lục tung túi xách và giỏ đồ đựng thức ăn mà bà đã tự tay nấu cho chồng. Dù không tìm thấy “vật cấm” nào trong đó, họ vẫn quay sang ra lệnh cho bà tự cởi quần áo trên người ra để bọn họ khám xét tiếp.
Bà Hồng phản ứng không chấp nhận lời yêu cầu vô lý đó. Bọn chúng cuồng lên, rồi cả đám người có nam có nữ hung hãn vồ tới, như lũ sói bắt được con mồi, và cùng nhau “xâu xé” lột hết quần áo trên thân thể của bà cho bằng được.
Tủi nhục và bất lực trước hành động man rợ đó, bà đành xuôi tay, uất ức rơi lệ để mặc cho bọn họ thỏa thích dỡ trò thú tính điên cuồng. Cuối cùng không thấy vật nào là vật “cấm”, họ mới rút khỏi hiện trường “nham nhở” bỏ mặc ba mẹ con giữa đêm hoang vắng.
Nước mắt người vợ
Nghe qua câu chuyện, tôi thật sự bàng hoàng và tự hỏi, thật sự cái xã hội này có còn tồn tại chữ đạo lý làm người nữa hay không? Những kẻ tự cho mình là “công an nhân dân”, nhân danh pháp luật để thực hiện những hành vi đê hèn như thế, đối với môt người phụ nữ tay yếu chân mềm.
Bà Hồng lau nước mắt và kể tiếp: “Đây không phải là một lần mà họ trấn lột quần áo của tôi giữa đường đâu mà là rất nhiều lần họ làm nhiều lần như thế đối với tôi”.
Trong một xã hội đầy đảo điên này, liệu đội ngũ “công an nhân dân” ấy sẽ còn hành hạ dân lành đến bao giờ nữa?
Thiết nghĩ, ai cũng có một người mẹ nếu như người mẹ của mình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như bà Hồng, thì bản thân mình sẽ nghĩ sao?
Trong đạo làm người liêm sỉ - lòng tự trọng là những tố chất căn bản và cần thiết nhất của mỗi chúng ta. Vậy mà họ (công an nhân dân) đã tự mình giẫm lên đạo lý đó, để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên đã giao, họ phải dùng thủ đoạn đê hèn, đặc tính của cầm thú để áp dụng trong công việc.
Thật xót xa cho hoàn cảnh của bà Hồng, thật sự tôi cũng không biết làm gì hơn để giúp đỡ gia đình bà. Tôi chỉ biết chia sẻ sự đồng cảm và nỗi cảm thông của mình đến với bà và mục sư Chính.
Với tư cách là con cái của Thiên Chúa, tôi xin hiệp thông cầu nguyện cùng gia đình, xin ơn trên luôn che chở cho mục sư Chính đang trong ngục tù, và bảo vệ mẹ con bà ở gia đình luôn được bình an dưới vòng tay nhân từ của Thiên Chúa.
4 bé con mục sư Nguyễn Công Chính
Côn an canh giữ bên ngoài nhà mục sư Chính từ ngày 25/9/2015 đến nay.
28/9/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét