Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Để tưởng nhớ nhà thơ Song Hồ - NHẬT TIẾN


(nhà văn Nhật Tiến)

Cái thời ấy, chẳng phải giầu sang phú quý hay đời sống thanh bình yên ấm gì, nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một thời vàng son của một đám bè bạn hãy còn cắp sách đến trường. Họ là những học trò chẳng ngoan gì mấy của Chu văn An, Nguyễn Trãi, của Khai Minh, Minh Tân, Văn Hóa ..v...v…những trường trung học công, tư nổi tiếng của Hà Nội vào giữa thế kỷ trước. <!-->
Cái đám bạn bè ấy, ngoài những hương vị sảng khoái đầu đời của lứa tuổi đang sắp sửa bước vào ngưỡng cửa của sự thành niên, lại còn đam mê chuyện cầm bút mà trong đầu đứa nào cũng đều ôm mộng trở thành một văn sĩ, hoặc thi sĩ và ngay cả một kịch tác gia. Vì thế mới gọi là một thời vàng son chữ nghĩa. Thời của Hà Nội những năm 1950- 1954….mà nhạc sĩ Hoàng Dương đã diễn tả trong bài Hướng Về Hà Nội: 

… Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi, 
Nắng hè tô thắm lên môi, 
Thanh bình tiếng guốc reo vui…

Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi qua, 
Mái trường phượng vĩ dâng hoa
Dáng chiều rủ bóng tiên nga.
Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê, 
Tóc thề thả gió lê thê, 
Cứ tin ngày ấy anh về …..

Vào cái “thời điểm Hà Nội” ấy, lũ chúng tôi còn đang là độc giả trung thành của những cây bút nổi danh đương thời như Ngọc Giao với Quán Gió, Xã Bèo, Nhị Lang với Bèo Giạt, Hà Bỉnh Trung với Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình , Nguyễn Minh Lang với Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu, Hoàng Công Khanh với Trại Tân Bồi và nhất là Hồ Hữu Tường với Phi Lạc Sang Tầu, Phi Lạc Náo Hoa Kỳ, Phi Lạc Bỡn Nga..v.v…Đọc để rồi khen tấm tắc hay bình phẩm này nọ .... 

Vậy mà trong đám độc giả học trò ấy cũng đã nhiều đứa có tác phẩm được đăng báo đấy. Hai nhân sự được liệt vào hàng lỗi lạc nhất của đám chúng tôi, phải kể đến Vũ Khắc Mai Anh, bút hiệu Vũ Mai Anh và Nguyễn Đức Cầu bút hiệu Hùng Phong. Vũ Mai Anh hồi đó ở phố hàng Đồng, đang học lớp Đệ Ngũ trường Chu văn An, tức lớp 8 bây giờ. Vậy mà trong cặp-táp của hắn chứa đầy nhóc bản thảo. Số trang bản thảo có lẽ phải dầy hơn gấp bội những trang vở ghi chép bài học. Một cuốn đã viết xong và đang được nhà xuất bản Chính Ký ở đường Sinh Từ chuẩn bị cho ra mắt độc giả là cuốn tiểu thuyết dài mang tên Phũ Phàng, còn một cuốn nữa có tên Duyên Kiếp thì đang được Vũ Mai Anh viết dở dang trên những trang lớn (loại khổ giấy hồi đó bán theo tệp), chữ nhỏ li ti và đang được đăng từng kỳ trên tuần báo Hồ Gươm do bác sĩ Bùi Cẩm Chương làm chủ nhiệm. 

Còn anh chàng Hùng Phong Nguyễn Đức Cầu thì ở phố hàng Than, lúc đó cũng đang là một học sinh lớp Đệ Lục. Vậy mà hắn đã có cả một thiên phóng sự dài đăng từng kỳ trên nhật báo Liên Hiệp do ông Soubrier Văn Tuyên làm chủ nhiệm thì mới “thánh” chứ ! Thiên phóng sự mang tên “Con Cò Mày Đi Ăn Đêm” mô tả những hoạt động phiêu lưu và sôi nổi của những con người hoạt động trong những đường dây buôn lậu từ nội thành ra vùng Việt Minh kiểm soát hồI đó gọi là hậu phương hay vùng kháng chiến. 

Thực tình cho đến nay tôi cũng vẫn chưa hiểu tại sao và bằng cách nào mà cậu nhỏ Hùng Phong lại có nhiều tài liệu lạ lùng và hay ho đến thế. Còn kỹ thuật viết thì khỏi nói, chính tôi đã trông thấy những trang bản thảo của hắn với thứ chữ viết loằng ngoằng phóng túng, khi in ra rất được độc giả say mê theo dõi từng kỳ báo. 

Nhờ thiên phóng sự này mà Hùng Phong đã lẫm liệt bước vào hàng ngũ những ký giả phóng sự điều tra thứ thiệt. Khi hắn xòe ra cho tụi tôi coi cái cạc vi-dít in hàng chữ “Hùng Phong- Journalist” thì chúng tôi không có ai dám thắc mắc gì. Tất cả chỉ tròn xoe mắt ra nhìn một cách thán phục. Nếu cần phải nói thêm vài kỷ niệm về cái anh chàng người nhỏ thó nhưng dáng dấp nhanh nhẹn, vầng trán rất cao nom như sắp hói này thì tôi phải nói rằng Hùng Phong Nguyễn Đức Cầu chơi đàn Banjo Alto rất giỏi. 

Hồi còn học chung với nhau ở lớp Nhất trường Hàng Vôi (sau đổi là Nguyễn Du do thầy giáo Quỳnh giảng dạy), cái tên Hùng Phong chưa xuất hiện. Cầu hay lui tới nhà tôi ở phố hàng Kèn bằng một cái xe đạp đầm hiệu Pegeot rất cũ kỹ mà tay lái (guidon) đã cụt mất hẳn một bên. Tôi chẳng hiểu Cầu xoay sở lái cái xe ấy cách nào nhưng hắn đã xài nó liên tiếp hết năm này qua năm khác để đi học, đi rong chơi tung tẩy khắp phố phường và thường mang theo cây đàn Banjo tới ngồi ở cửa sổ nhà tôi để gẩy lên nhiều bản nhạc nghe giòn giã mê người.

Ngoài hai nhân sự rất nổi kể trên, đám học trò sính văn nghệ chúng tôi còn nhiều tên tuổi khác, có thể kể Hiệp Nhân học sinh lớp đệ Tam (tức lớp 10 bây giờ) tự xoay tiền in lấy truyện dài Linh Hồn Ngọc được giáo sư quốc văn Nguyễn Uyển Diễm đem đi giới thiệu ở tất cả các trường, lớp nơi ông giảng dạy; rồi Lê Ninh đang mài đũng quần nơi nhà trường cũng hợp tác với bạn bè ra giai phẩm Lửa Lựu gây sôi nổi trong giới học sinh trung học Hà Nội thời bấy giờ. 

Qua lớp tuổi già dặn hơn một chút, tức khoảng trên dưới 20, thời đó cũng có nhiều cây bút góp phần làm cho sinh hoạt văn chương thêm rầm rộ, như Mọc Đình Nhân in Hương Mùa Loạn; Nguyễn Quốc Trinh, Hoàng Phụng Tỵ ra chung tập thơ Ươm Đẹp; đặc biệt Nguyễn Nam Tê, một nhà thơ độc đáo vừa làm nghề đạp xích lô, vừa sáng tác thơ để in tập Tin Về Đất Bắc. 

Bên cạnh đó là một loạt những ngòi bút trẻ chưa tới tuổi 20 như Song Hồ, Huy Sơn, Dương Vy Long, Kiều Liên Sơn, Giang Quân, Hồ My, Tạ Vũ ..v.v… Họ đều rải rác có văn, thơ in trên các báo như Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Hồ Gươm, Thời Tập, Cải Tạo, Tia Sáng, Giang Sơn, Liên Hiệp, Chánh Đạo….ở Hà Nội hay Thẩm Mỹ, Mùa Lúa Mới, Nhân Loại ở Sài Gòn.

Song Hồ Nguyễn Thanh Đạm hồi cư về sinh sống ở Hà Nội vào khoảng 1952. Hình như trước đó, năm 1949, tuy mới 16, 17 chưa tới tuổi thành niên nhưng anh đã là một chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Lăn lộn qua nhiều chiến trường, lòng “anh chiến sĩ” không nguôi nhớ về Hà Nội. Chẳng hiểu chàng nhớ tới ai mà ngay giữa rừng thông Thái Nguyên, vùng núi rừng Việt Bắc, Song Hồ đã viết bài thơ đầu tiên mang tên “Thư Gửi người Em Hà Nội” trong có những câu :

Anh viết lá thư về Hà Nội
Giữa lúc bóng chiều
Ngả mầu sắc tối
Lòng người chiến sĩ căm căm
Đã bao tháng năm ?
Chưa bức thư nào
Về thăm người em gái nhỏ
Không biết anh đi từ độ nọ
Người em còn nhớ tới không?
Hay ở nơi đây
Ánh sáng Kinh Thành
Em cười trên tay kẻ khác
Nhưng anh vẫn tin
Tình em còn mộc mạc
Như tình anh
Mối tình giữa buổi chiến tranh…..
Song Hồ (1949)

Sau này, khi trở về Hà Nội, Song Hồ tiếp tục đi học lại (trường Văn Hóa của Giáo sư Nguyễn Khắc Kham) và tiếp tục làm thơ. Thơ của anh khi đó không còn vấn vương tình ái nữa mà mang nặng tính cảm hoài về thời cuộc, thế sự :

Đây Hà Nội trời mưa tuôn rả rích
Bê bết bùn lầy nước đọng nhớp nhơ
Đèn nê-ông tỏa ánh điện xanh lơ
Nhạc cuồng loạn, gót giầy lay lắc ván
Một rồi hai, trăm ngàn rồi đến vạn
Đèn nhạt đèn xanh đèn tím đèn vàng 
Nhạc điên cuồng vẫn réo rắt reo vang
Mầu biến đổi là lòng người biến đổI
Hiện dần trong bóng tối
Có người con gái miền quê
Khăn yếm bỏ đi rồi
Làn tóc loăn xoăn
Đỏ mọng đôi môi
Chiều thứ bẩy
Giầy đinh vang hè phố…..
Song Hồ (1953)

Nói đúng ra, lứa tuổi thanh thiếu niên thuộc thế hệ chúng tôi không chỉ có toàn những thứ tình cảm lãng mạn. Đất nước vào thời kỳ đó vẫn còn đang chìm đắm trong chiến tranh, tuy sự tàn phá của nó so ra không bằng một góc của cuộc chiến Quốc Cộng Nam Bắc vừa qua. Súng nổ ở đâu không thấy chứ ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội thì đời sống vẫn mang vẻ thanh bình, nhộn nhịp. Chẳng thế mà nhạc sĩ Hoàng Dương đã ca ngợi Hà Nội với những lời như đã dẫn:

Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi, 
Nắng hè tô thắm lên môi, 
Thanh bình tiếng guốc reo vui


Nhưng huy chương nào thì cũng có bề trái của nó. Hà Nội mộng mơ, Hà Nội, thanh bình, Hà Nội đẹp xinh …thường chỉ qua nhãn quan của tầng lớp trung lưu. Nếu nhìn sâu xuống đáy xã hội thì vẫn có những hoàn cảnh sống lầm than, những cuộc đời bị đối xử bất công, bị chìm đắm trong sự cùng quẫn nghèo khó. Là những con người yêu văn thơ, khuynh hướng sáng tác của những người làm văn nghệ trẻ ở thời kỳ đó không hề có tính vô cảm. Cho nên ngoài sự ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước, sáng tác của họ cũng đã mang nhiều dấu tích xã hội. Nhẹ nhàng mang tính chất học trò nghèo khó thì có những câu thơ của Tạ Vũ viết năm 1952:

Bạn ơi
Trên trang giấy trắng,
Dòng mực chảy đều
Tai nóng bừng vì bài toán không ra
Có nhớ đến tôi
Bỏ trường - không học phí
Duyên thế hệ thôi từ nay cách biệt !


Tạ Vũ mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ bà dì, có lúc lại vào ngụ cư ở khu nuôi trẻ không nhà trong ngôi chùa Tầu gần phố Sinh Từ Hà Nội. Anh đã chen chúc với đám mồ côi cùng lứa tuổi để viết những dòng thơ như sau :

Ánh đèn không soi mái phố
Linh hồn dắt díu về đây
Chăn đâu cho đầy giấc ngủ !
Nôn nao cơm lưng dạ dầy !

Thao thức nằm nhìn bóng tối
Nghẹn ngào khóc dưới cửa ô
đêm mơ thấy đời đổi mới
Sáng ra buồn hơn bao giờ ....


Năm 1954, Tạ Vũ không di cư vào Nam. Hơn năm mươi năm trời không gặp lại, nhưng tôi được biết sau này Tạ Vũ vẫn tiếp tục làm thơ, và anh đã có thời nổi tiếng ở miền Bắc là một thi sĩ của những công nhân trong ngành khuân vác.

Tưởng cũng nên nhắc thêm vài bài thơ của những ngòi bút, tuổi trên dưới 20 của Hà Nội hồi đầu thập niên 50 thế kỷ trước. Già dặn, sâu sắc thì có Song Nhất Nữ, bút hiệu của Đặng Bá Ngư, một chàng trai chính hiệu, người làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định lên Hà Nội học, với bài Cửa Ô đã được chúng tôi truyền tụng trong thời kỳ ấy :

Cửa Ô
(Gửi năm Cửa Ô Hà Nội)

Mầu sắc u huyền,
Đất trời nghiêng ngửa,
Đô thành bừng lửa.
Ngoại ô này lành lạnh sống trong đêm...

Ánh đèn le lói
Chìm đắm triền miên
Nơi đây son phấn,
Nơi đây kim tiền,
Nơi đây trụy lạc,
Nơi đây nghèo hèn
Đêm về những giấc mơ điên
Đêm về ngùn ngụt túi phiền lầm than
Đêm về vàng bệch đèn tàn
Đêm về điên loạn cung đàn xót xa
Cửa Ô xa...
Có nhiều bóng ma...
Đi trong bê tha...
Đi trong xênh phách
Đi trong đói rách
Đi trong lệ nhòa
Thất thểu... la cà...
Bóng ma... bóng ma...

Đâu đây vàng ngọc lụa là,
Cửa ô... ngõ hẻm... a ha ! Cuộc đời!
Song Nhất Nữ
(Thi tập Ươm Đẹp - 1953)

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quốc Trinh, đồng tác giả tập thơ Ươm Đẹp ngoài những vần thơ trữ tình:

Hoa bừng dưới gót em qua
Tôi cười dưới gót em xa
Bát ngát Thơ ngân tiếng guốc
Đường hương mở đón chân ngà…


chàng trai ấy cũng có khuynh hướng xã hội như bài thơ Dễ Hiểu sau đây dù sáng tác ở Hà Nội vào năm 1953 nhưng lạ thay, đã như những lời thơ tiên tri vẽ cảnh tầng đáy của Hà Nội ở thời điểm hơn 50 năm sau, bây giờ : 

Dễ Hiểu

Vì mãi gò lưng kéo
Cày cho kẻ khác no
Chiều về nhai cỏ héo
Chuồng hẹp nằm co ro

Vì sống như trâu bò
Kiếp này sang kiếp khác
Cha già cha phát ho
Mẹ già xương xộc xạc

Vì đời buồn xơ xác
U ám như đêm nghèo
Mồ hôi chua áo rách
Muối mặn quả cà meo

Hoa đẹp nở vườn nào
Thơ bầy trong tủ kính
Con choắt vợ xanh xao
Ngựa xe người đủng đỉnh

Vì tôi muốn anh muốn
Vì chúng ta cùng muốn
Đêm già: xô ngã xiên !
Ngày non: cười thẳng dướn !
NGUYỄN QUỐC TRINH
(Thi tập Ươm Đẹp-1953)


Một nhà thơ khác cũng rất nổi tiếng trong giới bạn bè non trẻ chúng tôi là Nguyễn Thị Hồ My (sau đổi thành Hồ My). Đó chẳng phải là một “nhà thơ nữ” mỹ miều nào mà chỉ là bút hiệu của một chàng thư sinh cũng đang mài đũng quần ở bậc trung học. Cái sự tuy là nam nhi mà lại ưa lấy bút hiệu phái nữ hình như là một cái mốt của đám sáng tác trẻ trung ở thời kỳ đó, như Song Nhất Nữ tức Đặng Bá Ngư kể trên hay Nguyễn Thị Yếm Thắm là bút hiệu của Nguyễn Yên Tri, một anh chàng học trò cùng lớp, cùng trường với tôi từ khi còn ở bậc tiểu học. 

Xin nhắc lại một bài thơ của Hồ My sáng tác năm 1953:

Đi ĐêmViết tặng người lầm than

Bên mái hàng hiên
Một bóng người thấp thoáng đi đêm
Gót mòn xiết tiếng rên rên,
Như khóc cuộc đời tăm tối.
Đêm nay dưới ánh đèn le lói
Bóng mẹ già, vợ dại, con thơ,
Đang bơ vơ
Đang thao thức
Đang rạo rực
Đang mong chờ
Nóng lòng mong kẻ bên bờ đường khuya.

Tiếng guốc kéo lê thê
lóc cóc
lách cách
Như nửa tỉnh nửa mê
Đau thương lên bước bên hè
Đêm dài, pÏhố vắng, đường khuya một mình

Bên hiên cố ý hay vô tình
Guốc lê mãi gieo buồn người mất ngủ
Mẹ già, con nhỏ.
Vợ dại ai nuôi !
Lang thang giữa lúc tối trời
Lệ trào mặn chát trên môi !
Vang hè phố vắng
Tiếng bước vọng xa xôi
Chập chờn chiếc bóng chơi vơi
Hỡi ôi ! Thương lấy kiếp người đi đêm.
HỒ MY
Ngoại Ô Hà Nội 20-10-53
Báo Tia Sáng / tháng 10-1953


Rồi hiệp định Genève năm 1954 đã khiến đám cầm bút trẻ Hà Nội chúng tôi trở thành tan tác vì nhiều người ở lại mà cũng lắm kẻ vô Nam. Sau này chúng tôi không được tin tức gì của những Hồ My, Giang Quân, Yên Tri, Kiều Liên Sơn…ngoại trừ Tạ Vũ tiếp tục làm thơ, khá nổi tiếng dưới chế độ mới và làm nghề khuân vác gạch vữa trong nghề xây cất. 

Đám di cư vào Sài Gòn thường hay tụ tập ở những túp lều cất trên nền cũ của khám lớn Sài Gòn thời Pháp thuộc, sau trở thành khuôn viên của Đại Học Văn Khoa rồi thành Thư Viện trung ương của thủ đô Sài Gòn do công trình của cụ Mai Thọ Truyền, người nắm chức vụ cao trong ngành Văn Hóa. 

Nguyễn đình Toàn khi mới bước chân vào Nam đã soạn bản nhạc đầu tiên cũng như Mai Thảo viết Đêm Giã Từ Hà nội. Bản nhạc này không có tên và tuy không xuất bản, nhưng cả bọn chúng tôi đều hay nghêu ngao hát những khi rảnh rỗi. Tôi còn nhớ những lời nghe như thơ như sau : 

Mây trắng bay về từ miền xa xôi
Lòng dâng thương nhớ biết giờ nào nguôi
Ai về Bến Hải dòng máu ngăn đôi 
Hận thù chìm dưới oán hờn người ơi….


Tuy nhiên sở trường của Nguyễn đình Toàn là làm thơ và viết tiểu thuyết. Tác phẩm thơ của anh là cuốn Mật Đắng do nhà Huyền Trân in năm 1962, còn tiểu thuyết đầu tay là cuốn Chị Em Hải do cơ sở báo chí và xuất bản Tự Do của giáo sư Phạm Việt Tuyền, Tổng thư ký Trung tâm Văn Bút hồi đó, ấn hành. Sau này, Toàn in thêm những cuốn như Giờ Ra chơi, Áo Mơ Phai. Cuốn Áo Mơ Phai đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1974 ở Sài Gòn. Rồi anh trở thành người sáng lập chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Quốc Gia tức Đài Tiếng Nói Nước VN, do chính anh viết và đọc lời dẫn giải. Mục Nhạc Chủ Đề này đã làm say mê thính giả trong suốt một thời gian dài. 

Đã có một thời, Song Hồ, Nguyễn đình Toàn và chúng tôi (Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh) ở chung với nhau trong một căn nhà lụp xụp ở Xóm Gà gần ngã ba Bình Hòa bên Gia Định. Rồi bỗng nhiên Song Hồ biến mất. Hóa ra anh được đại tá Hồ Hán Sơn đón lên Tây Ninh gặp trung tướng Nguyễn Thành Phương và yết kiến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ở đây, anh nhận chức cố vấn văn nghệ, báo chí và đảm trách tờ tuần báo Quyết Thắng cùng đài phát thanh Long Hoa của đạo Cao Đài.

Khi thủ tướng Ngô Đình Diệm tiến hành chủ trương thống nhất quyền lực, Song Hồ bỏ Tây Ninh về Sài Gòn rồi làm việc tại Văn Hóa Vụ do Kiến trúc sư Võ Đức Diên sáng lập. Cuối năm 1958, Song Hồ cùng Dương Vy Long được cử qua Cao Miên làm công tác văn hóa cho tòa đại sứ VNCH, tại đây hai người lo chấn chỉnh lại tờ Hồn Việt vốn là một nhật báo dành cho Việt kiều ở Nam Vang, trong đó Song Hồ giữ vai trò chủ bút. Tuy nhiên, công việc này không lâu bền. Một năm sau, cả hai trở lại Sài Gòn. Song Hồ đi dạy học và tiếp tục làm thơ. Dương Vy Long nhập ngũ rồi sau trở thành Dân Biểu Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa. 

Tác phẩm đầu tay của Song Hồ là cuốn Hai Cánh Hoa Tim do nhà Huyền Trân xuất bản năm 1960 và sau đó là cuốn Thơ Song Hồ do nhà Khai Trí ấn hành năm 1964. Anh còn 2 tác phẩm khác đã soạn xong trước năm 1975, một cuốn tên là Việt Nam Mãi Mãi, một tuyển tập Ca Dao, Thơ và Hình ảnh của 3 miền đất nước do anh sưu khảo, tuyển lựa có sự đóng góp của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm về phần hình ảnh. Sách dầy 1,400 trang đã được nhà Khai Trí chuẩn bị cho in thì biến cố 1975 làm việc in không thành và bản thảo bị thất lạc.

Cuốn thứ hai là một tập thơ mang tên Đám Cháy Trên Địa Cầu bao gồm 1,600 câu thơ nói về cuộc chiến ở Việt Nam. Tác phẩm này không được phép in năm 1973 và khi CS tiến chiếm Sài Gòn, bản thảo cũng bị thiêu hủy chung với số phận của nhiều tác phẩm khác của miền Nam. Trong thời gian kẹt lại ở Sài Gòn, sống dưới chế độ mới, Song Hồ vẫn âm thầm tiếp tục làm thơ. Như bài “Hỡi Em Nhỏ Cô Đơn” sau đây, do anh sáng tác năm 1981, in trong tác phẩm Đá và Hoa, ấn hành năm 1992:

HỠI EM NHỎ CÔ ĐƠN
Hỡi em nhỏ cô đơn!
Đang lang thang ngoài phố.
Em ơi đi đâu đó?
Cho ta hỏi đôi lời:
- Cha đâu? - Bị cải tạo !
- Mẹ đâu? - Buôn chợ trờI !
- Anh đâu? - Ở Cam Bốt !
- Chị đâu? - Vượt biên rồi !
- Ông đâu? - Đấu tố chết !
- Bà đâu? - Buồn qua đời !
- Cô đâu? - Kinh tế mới !
- Bác đâu? - Tự tử rồi

Thôi ! thôi ! Không hỏi nữa !
Tim ta quá bồi hồi

Sao em còn nhỏ tuổi
Đã biết nhiều chuyện đời 
Sao mảnh đất nhỏ bé
Xẩy nhiều chuyện rụng rời….
……. (1981) 


Mãi cuối năm 1987, Song Hồ mới đi định cư ở Texas. Nơi cư ngụ chính thức của anh là ở dẫy số 9000 Virgil Circle thành phố Austin, Texas. Đời sống của anh ở đây rất trầm lặng, ít giao dịch với bên ngoài, thân thể bệnh hoạn được sự chăm sóc tận tình của vợ anh, chị Nguyễn Thanh Đạm. Anh cũng ít làm thơ đăng báo, thật khác biệt rất xa với cuộc đời trôi nổi của anh kể từ buổi đầu đời. Nhưng anh cũng có 2 tác phẩm ấn hành ở hải ngoại. Cuốn Đá và Hoa do nhà Hướng Dương xuất bản năm 1992 và cuốn Rock and Flower do chính anh tuyển lựa thơ của mình và tự dịch ra Anh ngữ, xuất bản năm 2000.

*****
Bài này được viết sau khi tôi được tin Song Hồ Nguyễn Thanh Đạm vừa qua đời vào ngày 20-5-2009 tại một bệnh viện ở Houston, Texas. Nghi lễ hỏa táng cũng được tiến hành ở thành phố này vài ngày sau đó. Thân nhân còn lại của anh, ngoài chị Nguyễn Thanh Đạm và một cháu trai tên Nguyễn Bảo Hoàng (vượt biển, định cư ở Canada) còn có vợ chồng người chị ruột của anh, tức nhiếp ảnh gia Văn Vũ và phu nhân. 

Lúc sinh thời, bạn bè văn nghệ xếp loại Song Hồ vào hàng ngũ những thi sĩ. Bản thân anh cũng tự coi mình như thế. Anh tha thiết với Thơ, cuối đời sống chìm đắm trong không khí Thơ, nghĩ về Thơ, luôn luôn đề cao vai trò của Thơ và trao cho Thơ những khả năng nhiệm mầu, những sứ mạng vô cùng cao cả. 

Xin trích vài đoạn trong bài “ Nghĩ về Thơ” bao gồm 21 đoạn do anh viết năm 1989: 

"Thơ có một số người ghét vì quá nhiều người yêu Thơ
Kẻ ghét Thơ là những ông Vua không có văn hóa, những Tướng lãnh bất tài, những kẻ có quyền hành mà áp bức ngườI khác, bọn trọc phú và những người ngu dốt
Họ ghét Thơ vì Thơ đả động đến những thói xấu.
Họ sợ Thơ vì Thơ không ích Kỷ.

*
Thơ là sự Tuyệt ĐốI
Một Nhà Văn thành công cũng muốn viết dăm ba bài thơ, nhưng một Thi Sĩ thành công chẳng bao giờ muốn viết truyện dù rằng một cuốn.
Trong Thơ cũng có tranh, có nhạc, nên Thi Sĩ cũng chẳng bao giờ mơ ước trở thành Họa sĩ, Nhạc sĩ.
Trong cuộc sống đã cho thấy những ông Vua muốn trở thành Thi Sĩ, nhưng chẳng có một Thi Sĩ nào trở thành một ông Vua.
Có lẽ con đường mà ngườI Thi Sĩ lựa chọn là con đường bạc bẽo nhất, nhưng cũng có hoa thơm cỏ lạ và tuyệt vời nhất.

*
Thơ là Tai Họa. Thơ chống lại sự suy thoái về Chánh Trị, sự u mê về Tín Ngưỡng, sự sa đọa về Văn Hóa.
Người làm Thơ bị kết án, bị bỏ tù, bị giết chết. Tính mạng được treo giá.
Thi Phẩm bị cấm đoán, bị tịch thu, bị thiêu đốt.
Thơ khai chiến với Điều Xấu. Điều Xấu thắng : Thơ là Tự sát.


Thơ là Sự Can Đảm. Can Đảm đứng trước cái Chết
Can Đảm đứng giữa bờ Tử Sinh.
Từ bỏ cái Thực đi vào cái Mộng
Từ bỏ Giầu sang đi vào Nghèo Nàn.
Từ bỏ cái Vui để vào Buồn Phiền.
Từ bỏ Hạnh Phúc để vào Đớn Đau.
Từ bỏ cái Nguyên vẹn để vào cái Tan Vỡ.
Từ bỏ cái Có để vào cái Không.
Từ bỏ cái Nhất Thời để vào cái Vĩnh Viễn,
Hay đôi khi trái ngược lại.
Can Đảm của Thơ là yêu người mà người không yêu mình.
Yêu Đời mà Đời phụ mình. Và Thi Sĩ là một người sống trong một Thế Giới Treo Ngược."
SONG HỒ
( Trích Nghĩ Về Thơ -1989)

Vĩnh biệt Song Hồ, một nhà Thơ Việt Nam đích thực của những năm dài khổ đau vì chiến tranh, vì chia rẽ hận thù, vì đè nén, áp bức và cả vì những ngày dài lưu lạc trên xứ người.

Với tâm hồn thấm đẫm chất Thơ của anh, bạn bè đều tin tưởng anh sẽ tìm thấy được sự bình an nơi cõi vĩnh hằng.

NHẬT TIẾN 
Cali tháng 6-2009

Không có nhận xét nào: