Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Bà Hai Bánh Cuốn - Truyện THANH THƯƠNG HOÀNG

“Tiên sư cha mấy con đĩ ngựa nhà giầu”. Đó là câu chửi thường xuyên xuất hiện trên miệng bà Hai bánh cuốn. Không ai biết tên thật của bà. Cái biệt danh này do dân trong cư xá đặt cho bà vì bà chuyên bán bánh cuốn rong. Toàn cư xá có hơn ba trăm gia đình, một phần ba là khách hàng của bà, nhất là ngày chủ nhật.
 
Hình buôn bán trên hè phố, chỉ có giá trị minh họa. Photo courtesy: www.vietstreetfood.com

Cali Today News - “Tiên sư cha mấy con đĩ ngựa nhà giầu”. Đó là câu chửi thường xuyên xuất hiện trên miệng bà Hai bánh cuốn.  Không ai biết tên thật của bà. Cái biệt danh này do dân trong cư xá đặt cho bà vì bà chuyên bán bánh cuốn rong. Toàn cư xá có hơn ba trăm gia đình, một phần ba là khách hàng của bà, nhất là ngày chủ nhật. Với cái rổ đựng bánh cuốn thanh trì cắp bên hông, bà đi đến từng nhà thản nhiên gọi chủ nhà mang đĩa ra lấy bánh cuốn và chả lụa. Ai muốn lấy nước mắm hay không, tùy. Đa số các thân chủ đều chê nước mắm của bà pha vừa dở vừa tanh nhưng không ai dám kêu ca vì sợ bà chửi, mặc dầu những người này không là đối tượng chửi của bà, họ thuộc thành phần không giầu. Còn những nhà “có máu mặt” trong cư xá được bà liệt vào thành phần giầu, ngày chủ nhật vợ chồng con cái họ thường kéo nhau đi ăn phở hoặc mì, hủ tíu, thường  xuyên bị bà chửi đổng. Nhưng bà không réo tên từng người, chỉ chửi chung chung kiểu vơ đũa cả nắm. Thấy một “con đĩ ngựa nhà giầu” nào ngồi xe hơi hay xe gắn máy chạy qua là bà hằn học nhìn theo rồi cất tiếng chửi đổng và chỉ chửi khi có - dù chỉ một - khách hàng trước mặt. Nói chung cả cư xá đều “ngán” vợ chồng bà, ít muốn giao tiếp vì cái mồm của cả hai. Ông chồng tự phong chính trị gia kiêm nhà văn nhà báo, mặc dầu ông không hề có chân trong đoàn thể chính trị nào và cũng chưa có một bài văn bài báo nào in trên báo, dù báo lá cải. Chẳng là xưng chính trị  gia, viết văn viết báo đâu có ai đánh thuế, đâu cần phải có giấy chứng nhận hoặc văn bằng nên thất nghiệp hay vô nghề nghiệp cứ nhận đại, không sợ bị bắt bỏ tù, trái lại còn được thiên hạ nể nang. Vì không có nghề gì để làm, quanh năm ăn bám vợ ông sinh mặc cảm, tự ti rồi biến thành tự tôn, ngày càng thêm khinh bỉ người đời và căm ghét “cái xã hội phi nhân phi nghĩa, toàn bọn bất tài, bọn chó má nhẩy bàn độc” như ông thường phát ngôn. Từ sáng tới trưa ông cưỡi cái xe đạp cà rỉ ra phố lê la trong các quán cà phê bình dân “bình luận” về thời sự trong và ngoài nước với những kẻ cũng như ông không biết làm việc gì hay không có việc gì làm (bọn này cũng thuộc thành phần bất mãn kinh niên với đời và coi khinh thiên hạ như rác rưởi!). Tới năm trên 40 tuổi ông vẫn chưa kiếm nổi đồng bạc nào ngoài việc ngửa tay xin đám bạn bè “chút tiền lẻ”uống cà phê. Ông là một kẻ vô tích sự với xã hội nhưng lại “hữu sự” với bà vợ.
Ông không ngừng tiếp tay bà mỗi năm sản xuất một đứa con. Hơn 10 năm ông bà đã có 10 cô cậu. Suốt ngày chúng đùa rỡn đánh chửi nhau với những lời lẽ tục tĩu. Mấy thằng bé đều để truồng như nhộng, ít khi người ta thấy chúng mặc quần áo, mặt mày tay chân lem luốc, mũi mồm đầy rớt rãi bẩn thỉu. Còn đứa lớn hơn noi theo “ông già” chúng, để mình trần mặc cái quần xà lỏn và suốt ngày lang thang trong cư xá nghịch ngợm, phá phách, đập lộn với bọn trẻ con nhà giầu. Chúng gây sự với cả người lớn, nếu bị bợp tai hay xua đuổi chửi mắng, liền chạy về nhà mách bố mẹ. Thế là ông bố hay bà mẹ tức tốc “mở cuộc hành quân” có lũ con theo sau yểm trợ, tới nhà “đương sự”, đứng ngoài cửa réo tên họ chửi như tát nước vào mặt cả giờ. Nếu có nhiều người tò mò đứng coi thì cuộc chửi bới càng tăng thêm nhịp độ. Còn mấy cô con gái cũng không hơn gì, trừ hai ba đứa lớn có mặc quần sọc và áo thung rách rưới, tơi tả. Nói chung bọn trẻ nhà này, lớn 12 tuổi, nhỏ một tuổi rưỡi rất là nhơ nhớp bầy hầy và đứa nào cũng gầy guộc nhỏ thó, da sậm đen tóc vàng hoe vì cháy nắng.
 
 
Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng  4 giờ sáng bà Hai bánh cuốn cắp cái rổ, chai nước mắm (đã pha chế thêm nước lã với chanh ớt đường) đi tới lò sản xuất bánh cuốn lấy hàng đem bán. Suốt quanh năm ngày tháng bà mặc bộ đồ bà ba đen cũ kỹ bạc mầu vá chằng chịt nhưng vẫn còn nhiều chỗ rách, quần ống thấp ống cao. Với thân hình gầy guộc nhỏ thó, bà cất bước thoăn thoắt, lúc nào cũng như vội vã, có lẽ tại lo sợ đến trễ khách hàng ăn thứ khác mất. Sau khi bán trong cư xá xong, bà lại tất tả tới lò lấy thêm bánh cuốn và “ới’ bác xe ôm quen chở ra chợ. Đa số khách hàng của bà vì thương vì tội nghiệp bà nên ngày nào họ cũng ăn giúp, hoặc cũng có thể sợ bà chửi vì dám chê bánh cuốn của bà. Quanh năm không lúc nào ngơi nghỉ việc bà ngày càng gầy rạc xác xơ. Mới 40 tuổi trông bà già khụ như ngoài 50. Công việc tuy vất vả lam lũ nhưng chưa bao giờ thấy bà kêu ca than thở. Một cái mẹt bánh cuốn bà nuôi cả gia đình một chồng 10 con. Hôm nào hết hàng sớm bà đon đả trở về mang theo mớ rau vài con cá hay một hai lạng tép. Giao cho đứa con gái lớn lo chuyện bếp nước xong bà đi sang nhà mấy bà bạn thân làm công việc “thông tin”những biến cố xẩy ra trong ngày của “mấy con đĩ ngựa nhà giầu”. Lần nào cũng vậy, trước khi vào câu chuyện, như cái máy, bà mở đầu bằng điệp khúc “tiên sư cha mấy con đĩ ngựa nhà  giầu” rồi mới kể. Nào con đĩ ngựa A. đi bắt ghen tại trận. Hai vợ chồng đập lộn, con vợ bị thằng chồng đánh vỡ đầu phải vào nằm bệnh viện, chắc phen này chúng nó kéo nhau ra Tòa ly dị. Nào con đĩ ngựa B. đi đánh bạc cháy túi gọi người cầm cố nhà lấy tiền trả nợ. Nào con đĩ ngựa C. dẫn trai về nhà hú hí bị thằng chồng bắt quả tang…Chuyện lớn chuyện nhỏ trong cư xá, chẳng biết thực hay hư, bà Hai bánh cuốn đều kể một cách rành mạch tỉ mỉ như người trong cuộc. Và sau mỗi câu chuyện kể bà đều kết luận bằng câu chửi bất di bất dịch như lúc mở đầu: “Tiên sư cha mấy con đĩ ngựa nhà giầu!”. Tuy bà Hai bánh cuốn lắm mồm lắm miệng chửi bới xỏ xiên bêu riếu mọi người nhưng không ai đem lòng thù giận hay khinh bỉ bà. Trái lại họ còn tỏ lòng thương hại, tội nghiệp bà quanh năm ngày tháng mang cái thân gầy guộc lam lũ héo hắt lặn lội nắng mưa để nuôi ông chồng ăn hại vô tích sự với bầy con mười đứa. Trong những ngày lễ ngày tết họ còn đem bánh chưng, mứt, gà, thịt heo tới “biếu”bà và phải nói khéo bà mới chịu nhận và không một lời cám ơn nhưng chẳng ai nỡ giận. Những lúc rảnh rỗi một chút bà “chạy” sang hàng xóm liền. Trong khi vui câu chuyện bà cũng nói nhiều, rất nhiều về chồng con với những lời lẽ khoe khoang tâng bốc. Chưa ai thấy bà cất tiếng than phiền về chồng con hay than thân trách phận. Mỗi khi nói đến các con, bà đều hãnh diện khoe khoang là ngoan ngoãn thông minh, học một biết mười: mới tí tuổi đầu mà chẳng thua kém gì người lớn. Nếu bà giầu có thì nhất định sau này chúng sẽ nhét đầy mình mươi cái bằng “siêu đại học”! Ngay đến chuyện đánh lộn với bọn trẻ khác bao giờ chúng cũng hạ cái gì “ao ao” ấy sau mấy hiệp đấm đá (bà nói theo dọng tường thuật trận đấu võ trên tivi). Còn về ông chồng, bà cho rằng “ trên đời này có một không hai, hơn cả mấy thằng giáo sư đại học. Việc gì lão cũng hay, chuyện trên trời dưới đất, chuyện người đời tất tật cái gì lão cũng biết. Về văn chương báo bổ thì khỏi nói, để rồi các ông bà xem, ít năm nữa nhà tôi sẽ lấy cái giải “ben ben” gì ấy lãnh cả triệu đô la làm nhiều đứa ghen tức hộc máu mồm”. Và như thường lệ, bà kết: “Tiên sư cha mấy con đĩ ngựa nhà giầu lúc ấy biết tay bà!”.   
 
Ngày 30 tháng tư ập xuống miền Nam cả nước đều bị đói, gia đình bà Hai bánh cuốn càng đói hơn, vì thiên hạ không có tiền ăn bánh cuốn của bà nữa. Đám con bà nheo nhóc cháo rau ngày một bữa cũng không có đủ, chúng xanh mướt gầy lả, ruồi đậu mép không buồn đuổi. Còn ông chồng bà thì đeo băng đỏ, mang đôi rép râu (không biết nhặt ở đâu) suốt ngày đạp xe ra phố “họp hành với các anh Hai, chú Ba từ khu về”. Dân cư xá thấy vậy đâm sợ “ông cán bộ nằm vùng” xì xào bàn tán, nhiều người nhát gan tính đường mon men nịnh bợ. Lúc đầu thấy ông ăn nói hùng hồn tự xưng cách mạng, bà đã lên tiếng đe dọa hàng xóm “phen này chồng bà làm cán bộ nhiều đứa xưa nay coi thường coi khinh chồng bà sẽ biết tay bà”. Nhưng rồi ông cứ sáng đạp xe đi tối đạp xe về chui vào bếp vội vã húp sùm sụp tô cháo loãng (8 nước 2 gạo) cho tới một hôm cả nhà chẳng còn gì ăn phải nhịn đói. Ông về không có ăn nổi cáu chửi bới ầm ĩ. Đến nước này thì bà không nhịn được nữa. Bà kéo cao hai ống quần - như vẫn thường làm khi chửi xéo mọi người - chỉ tay vào mặt ông sỉa sói và tru chéo: “Tôi tưởng ngày ngày ông xách xe đi làm cán bộ cách mạng mang tiền bạc về cho vợ con hưởng sung sướng. Té ra ông đi chầu rìa bợ đít mấy thằng cán ngố ở rừng ở rú về, nịnh nọt hết đường mà chúng cũng chẳng thí cho tí tiền còm, về nhà lại còn hạch xách chửi mắng vợ con. Thôi ngày mai nằm nhà cho khỏe!”. Do đó dân cư xá mới biết ông đóng trò nằm vùng, thực sự chỉ là dân ba mươi nhưng cũng không được sơ múi gì. Tết năm đó dân cư xá cũng như dân cả nước đói thê thảm. Vợ chồng ông bà Hai bánh cuốn hôm mồng một tết, không biết đi đâu (có kẻ xấu miệng nói ông bà trốn nợ) từ sáng sớm tối mịt mới về. Vào nhà thấy bọn nhỏ xúm xít thì thào dưới bếp làm việc gì đó có vẻ bí mật. Ông bà bước vào nhìn. Thì ra chúng đang vặt lông một con gà giò, to bằng hai nắm tay. Ông hỏi: “Chúng bay kiếm đâu ra của quý này thế?”. Một đứa lớn ra hiệu nói nhỏ: “Suỵt, tụi con vừa bắt bên nhà bà Tám”. Nhà bà Tám cách nhà này mấy căn. “Có ai thấy không?”. Bà hỏi. “Mẹ hỏi dớ dẩn! Nếu thấy thì làm sao bắt về đây được!”. Một đứa đáp. Ông thấy con gà đã vặt lông trần trụi tuy hơi gầy nhưng nước miếng ông đã muốn ứa ra. Lâu lắm rồi ông không được miếng thịt gà cho vào miệng. Cơn thèm thuồng làm ông quên cả sự xấu hổ về việc ăn cắp gà của đám con. Ông liếc xéo bọn chúng, đứa nào cũng há hốc miệng và đưa cặp mắt hau háu nhìn con gà như muốn ăn tươi nuốt sống. Bà Hai bánh cuốn định ngồi xuống làm công việc mổ bụng moi móc ruột gan con vật nhưng ông chồng đã nhanh nhẹn sắn ống tay áo, dẹp bọn nhỏ sang bên để tự mổ bụng gà, làm lòng rồi cho vào nồi sai con vét chút gạo còn lại nấu cháo. Ông cũng không cần biết bộ lòng gà đã rửa sạch hay chưa. Tất cả mọi sự đều làm trong hỏa tốc. Thế là năm nay nhà ông ít ra cũng có chút thịt ăn tết. Khi nồi cháo sôi, mùi thịt gà xông lên thơm lừng, bà liền lấy quyền “tề gia nội trợ” vớt gà ra chặt thành từng miếng nhỏ phân phối mỗi người theo tiêu chuẩn lớn miếng lớn, nhỏ miếng nhỏ. Bọn trẻ to tiếng gấu ó tranh giành, cậy công suýt sinh ấu đả. Trong lúc vợ chồng con cái ông bà Hai bánh cuốn ngồi quây tròn dưới bếp chưa kịp ăn hết nồi cháo gà thì có tiếng đập cửa mạnh. Cửa mở, gã công an khu phố và bà Tám mất gà bước vào. Vụ cắp gà bị bắt quả tang, lập biên bản và sáng hôm sau ông bà Hai bánh cuốn phải ra trụ sở “làm việc”. Nồi cháo gà chưa ăn hết bị đem đi làm tang vật. Thằng nhỏ thứ ba cương quyết chống đối, giữ chặt lấy nồi cháo (nó có công nhất trong vụ trộm gà) nhưng không xong. Nó cất tiếng chửi thề làm gã công an khu phố quắc mắt, giơ nắm đấm đe dọa nó mới chịu thua. Sau vụ cắp gà bà Hai bánh cuốn im tiếng mấy ngày liền và không ra khỏi nhà. Không biết vì bà ngượng hay bị bệnh. Ông bà làm giấy cam kết thay cho lũ con, nếu tái phạm mấy đứa phải đi trại cải huấn học tập và ông bà sẽ bị cảnh cáo trước toàn thể dân phố.Tuy nhiên mấy ngày sau bà Hai bánh cuốn vẫn ra đứng trước nhà cất tiếng chửi đổng: “Tiên sư cha chúng nó có của mà không biết giữ. Các con bà chỉ lấy một con gà nhỏ chứ có giết người cướp của đâu mà cũng tới công an tố với cáo! Ngày tết ngày nhất chẳng chịu kiêng kỵ  gì, nếu bà bị xui xẻo cả năm sẽ biết tay bà!”.
&                                                                                  
Từ ngày xẩy ra vụ trộm gà nấu cháo, bà Hai bánh cuốn vẫn tiếp tục bán bánh cuốn rong. Tuy không khá như trước nhưng cũng kiếm đủ rau cháo cho chồng con, mặc dầu vất vả hơn nhiều. Nhưng sự “phát ngôn” của bà đã chuyển, quay ngoắt 180 độ. Bà không còn chửi “tiên sư cha mấy con đĩ ngựa nhà giầu” nữa vì họ một số vượt biên, một số bị đẩy đi vùng kinh tế mới, một số chồng bị bắt tù cải tạo trở nên nghèo và còn nghèo hơn cả bà, bởi họ không biết làm nghề gì để sống. Trong khi đó gia đình các cán bộ viên chức cộng sản từ Bắc vào, từ rừng sâu ra sau ít năm trở nên sung túc giầu có. Nhà nào cũng có xe gắn máy và đầy đủ tiện nghi như “bọn ngụy” xưa. Còn các ông bà cán lớn thì ngồi chễm trệ băng sau xe hơi có tài xế lái. Sự chửi đổng của bà Hai bánh cuốn chuyển “đối tượng”. Thấy những “bà cán bộ” phóng xe gắn máy ào ào hay ngồi xe hơi chạy qua là bà cất tiếng chửi liền: “Tiên sư cha mấy con đĩ ngựa cán bộ”. Lời chửi “bay” tới tai công an khu phố. Bà bị gọi lên trụ sở “làm việc” và ký giấy cam kết không tái phạm. Nhưng chỉ được mấy ngày bà Hai bánh cuốn lại tiếp tục phát ngôn như cũ. Bắt lên trụ sở “làm việc” hoài bà đâm lì, bà kêu la rồi oang oang kết tội: “cách mạng không cho tôi đi buôn bán kiếm ăn, cách mạng trù dập muốn giết chết cả nhà tôi…Ối trời ơi! Tôi sẽ lên phường, lên quận, lên thành tố cáo…Bà đây đâu có ngán thằng nào con nào”. Trước sự “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây” gã công an khu phố đành chào thua, giả điếc làm ngơ bỏ mặc bà muốn nói gì thì nói. Thế là bà Hai bánh cuốn hàng ngày lại tiếp tục đoản khúc: “tiên sư cha …”.
 
 
Thời thế đổi thay như đất trời chuyển vần hết đông sang xuân như mây trôi, như nước chẩy. Đảng và Nhà nước thay đổi chính sách bế quan tỏa cảng, mở cửa cho người nước ngoài vào đầu tư. Các đại gia giầu có mọc nhanh như nấm. Bà Hai bánh cuốn cũng nhờ đó đổi đời. Có một ông Tầu già tuổi trên 60 nhưng mặt mũi hồng hào béo tốt trông rất khỏe mạnh, từ Đài Loan sang Việt Nam không phải để đầu tư mà là để kiếm vợ. Ông trải qua hai đời vợ vẫn không có được thằng con trai kế nghiệp, cai quản cái tài sản khổng lồ của ông. Ông cũng có con nhưng toàn gái, ông không muốn tài sản của mình lọt vào tay mấy thằng rể báo hại. Tình cờ ông gặp cô con gái lớn của bà Hai bánh cuốn tuy không xinh đẹp nhưng đang độ tuổi dậy thì cũng bắt mắt, ông liền tung tiền “mua”. Đám cưới được vội vã cử hành “trong phạm vi gia đình thôi”. Ông Hai bánh cuốn nói với hàng xóm như vậy. Còn bà Hai bánh cuốn từ đó không hành nghề nữa. Đã có “thằng rể Tầu” lo hết cho cả nhà. Nhưng cuộc đời bà Hai bánh cuốn và chồng con chỉ thực sự lên hương khi cô con gái lớn đẻ cho ông Tầu già một thằng con trai bụ bẫm. Ông Tầu già quý thằng con hơn quý vàng. Và quý con thì phải cưng chiều vợ. Cưng chiều vợ thì phải làm đẹp lòng ông bà già vợ. Theo yêu cầu của bố vợ, ông Tầu già nhiều tuổi hơn bố mẹ vợ, vui vẻ bỏ tiền ra giật sập căn nhà cũ, xây lại thành hai tầng lầu bê tông cốt sắt khang trang đẹp đẽ, có sân trước và sân thượng để “ông bà già vợ” lên ngồi uống trà ngắm trăng. Cả gia đình từ đây thay đổi hẳn nếp sống. Bọn con trai thì quần gin áo pun, suốt ngày chở nhau bằng xe gắn máy phóng ào ào đi ăn nhậu. Bọn con gái cũng quần gin thêm váy đầm cũn cỡn, mặt mũi tô son chuốc phấn để “câu chồng ngoại” như cô chị.  Thằng con Tầu lai lớn như thổi và rất kháu khỉnh khiến ông Tầu già sung sướng lắm, một buổi đẹp trời ông đem về nhà cái xe hơi còn tốt cùng anh tài xế người Việt. Ông nói với vợ: “Ngộ cho ông bà già nị cái xe với thằng tài đó”. Khỏi nói ông bà Hai bánh cuốn vui mừng sung sướng đến độ nào. Nhất là với bà. Bà sung sướng quá chỉ biết biểu lộ bằng cách cất tiếng khóc nức nở và nước mắt ràn rụa, luôn mồm chửi “tiên sư cha cái sự đời”. Ai vô ý gọi bà là bà Hai bánh cuốn như trước bị bà chửi như tát nước vào mặt liền. Bà bắt anh tài xế phải thưa bẩm “hai cụ”. Ngày nào “hai cụ” cũng bắt “chú tài” lái xe ra tận bờ sông Saigon hóng mát và ngắm… sông nước với những con tầu ngoại quốc đậu san sát bên Khánh Hội. Đối với những dân cũ còn ngụ trong cư xá giờ nghèo khổ mạt rệp, bà khinh bỉ ra mặt. Thấy họ bà lườm nguýt và cả nhổ nước bọt.                                                                                                                                                                                                      
Một hôm, chú tài lái xe đưa ông bà Hai bánh cuốn đi chơi về thấy hai ba bà dân cũ trong cư xá cong lưng đạp xe đạp, bà ra lệnh bóp còi thật to. Có lẽ những người đi xe đạp tảng lờ không nghe thấy, thản nhiên đạp xe lại còn lấn ra gần giữa đường như khiêu khích. Bà Hai bánh cuốn giận lắm. Khi xe vượt qua mấy người đi xe đạp, bà quay kính cửa xe xuống và thò đầu ra ngoài to tiếng chửi: “Tiên sư cha mấy con đĩ ngựa đã nghèo còn phách lối!”.
 
THANH THƯƠNG HOÀNG 

Không có nhận xét nào: