Trung Quốc và Mỹ không “gặp nhau” trong nhiều vấn đề – Ảnh: Reuters
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có thể gây tranh cãi ở Mỹ, nhưng ở Trung Quốc nó dường như là một đối tượng gây lo ngại lớn và, ở một số phương diện nào đó, đang chi phối chính sách của Bắc Kinh, theo trang tin MarketWatch.
Thỏa thuận TPP, vốn được Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ nhiệt thành, sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, trải rộng phân nửa địa cầu. Bản thân thỏa thuận này, cũng như quyền đàm phán nhanh mà chính quyền Obama vừa được Thượng viện Mỹ trao cho, đã hứng đòn chỉ trích của một số nhà lập pháp Mỹ cũng như các tổ chức kinh doanh và lao động vốn lo ngại về nhiều thứ từ lương bổng đến an ninh quốc gia.
Nhưng ở Bắc Kinh, TPP luôn được xem là một câu lạc bộ thương mại của “ai đó ngoại trừ Trung Quốc” vốn đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thậm chí cả tương lai của quốc gia đông dân nhất toàn cầu.
“Sự phát triển của TPP có tác động sâu sắc đối với những cải cách kinh tế của Trung Quốc”, ông Ronald Wan, giám đốc điều hành của hãng Partners Capital International nói với MarketWatch.
“Ở một khía cạnh nào đó, nó nhằm vào Trung Quốc, và Trung Quốc cần phải hành động trước và xử lý vấn đề đó”, ông nói.
Rõ ràng, ban lãnh đạo Trung Quốc đang rất lo, và càng có lý do để quan ngại khi nền kinh tế nước này đang trong giai đoạn trì trệ. Kế hoạch tổng thể dành cho chiến lược sản xuất trong tương lai, gọi là “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2015”, viện dẫn cụ thể mối đe dọa do TPP gây ra đối với thương mại của nước này, hiện vẫn là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc.
Mỹ “đang ra sức quảng bá và xây dựng” TPP, ấn định các tiêu chuẩn cao dành cho thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động và bảo vệ môi trường. Theo chính phủ Trung Quốc, việc thực thi TPP sẽ “làm suy yếu thêm ưu thế về giá của Trung Quốc trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và tác động việc mở rộng ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc”.
“Ở một khía cạnh nào đó, nó nhằm vào Trung Quốc, và Trung Quốc cần phải hành động trước và xử lý vấn đề đó” – ôngRonald Wan, giám đốc điều hành của hãng Partners Capital International
Trước mối đe dọa nhận thấy được từ TPP, chưa kể một thỏa thuận thương mại tự do riêng rẽ giữa Mỹ và EU có tên gọi Hiệp ước Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ vị thế thương mại của nước này.
Ở trong nước, Trung Quốc đã mở rộng việc thành lập các khu thương mại tự do mới sau khi đạt được thành công nhất định tại Thượng Hải, dùng chương trình này như một công cụ thu hút đầu tư nước ngoài trên quy mô rộng hơn. Ở ngoài nước, Bắc Kinh bắt đầu thực thi một loạt sáng kiến thương mại, vốn được mô tả là “Con đường tơ lụa mới”.
Tương tự, Trung Quốc cũng đã tạo ra một tổ chức cho vay đa quốc gia mới, đó là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), hoạt động song song với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á – những tổ chức mà Trung Quốc coi là nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Mỹ và Nhật Bản.
Mặc dù vậy, ông Wan thuộc hãng Partners Capital nói rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt cùng sự gia tăng những tranh chấp liên quan nếu TPP hình thành mà không có sự góp mặt của Bắc Kinh.
Chiến tranh Lạnh mới?
Phản ứng của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với TPP có liên quan chặt chẽ với niềm tin của họ rằng thỏa thuận thương mại này nhằm trực tiếp vào Bắc Kinh.
Không khó để tin vào điều này, bởi lẽ trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 với tờ The Wall Street Journal, Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng nếu Mỹ không thực thi một thỏa thuận thương mại tự do với châu Á, Trung Quốc sẽ soạn luật chơi cho khu vực.
Phát biểu của chủ nhân Nhà Trắng rõ ràng muốn vô hiệu hóa sự phản đối của một số người thuộc đảng Dân chủ, nhưng Giáo sư khoa học chính trị Mel Gurtov tại Đại học bang Portland (Mỹ) ghi nhận Trung Quốc cũng đang lắng nghe rất kỹ.
Việc quảng bá TPP ở Washington “đòi hỏi phóng đại mối đe dọa Trung Quốc”, và cũng chính điều này củng cố thêm những ngờ vực của Bắc Kinh, ông Gurtov viết trong mục do ông phụ trách trên chuyên san Asian Perspective trong tuần này.
Về phần mình, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng tin Washington quyết tâm “chỉnh trị” Bắc Kinh, vận dụng cùng chính sách ngăn chặn như đã được thực hiện chống lại Liên Xô vào thời Chiến tranh Lạnh.
Một bài xã luận được Tân Hoa xã đăng tải trong tuần này đã lập luận chống lại việc đi đến một cuộc đối đầu như thế. “So với thời Chiến tranh Lạnh, các nước có liên hệ chặt chẽ với nhau hơn, và những quyền lợi kinh tế của họ cũng không thể tách rời”, Tân Hoa xã viết, “Các chính sách ngăn chặn chắc chắn cuối cùng sẽ gây hại cho chính mình”.
Nhưng như Giáo sư Shi Yinhong của Đại học Nhân dân Trung Quốc đã nói trong những phát biểu riêng rẽ với truyền thông nhà nước, một sự ấm lên trong quan hệ giữa nước này và Mỹ chứng tỏ không dễ dàng khi hai bên xung khắc nhau ở một loạt vấn đề, từ các vụ tấn công mạng và tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, đến những khó khăn liên quan quyền sở hữu trí tuệ.
“Quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng hơn bao giờ hết”, ông Shi nhấn mạnh.
Trùng Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét