Viện Kiểm sát phụ trách chống khủng bố cho tiến hành điều tra tại hiện trường ở Isère, Pháp ngày 26/06/2015.AFP PHOTO/PHILIPPE DESMAZES
Theo số liệu được Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tiết lộ vào đầu tháng Sáu (2015), có khoảng 1.750 người bị nhận diện là có « dính líu cách này hay cách khác đến các mạng lưới thánh chiến ». Vụ khủng bố vào hôm qua, 26/06/2015 tại vùng Isère, hay vào tháng Giêng tại Paris và vùng phụ cận như vậy là phần nhìn thấy được của một hiện tượng rộng lớn và đáng sợ. Nhất là khi cách thức hành động của quân khủng bố đã chuyển biến với thời gian.
Trên bề nổi, có những vụ khủng bố quả thực là đã gây chấn động tại Pháp, từ vụ Mohammed Merah sát hại ba học sinh, một giáo viên, và ba quân nhân vào tháng Ba năm 2012 tại Montauban và Toulouse, cho đến các cuộc tấn công vào tháng Giêng năm 2015 tại Paris nhắm vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, Siêu thị Hyper Cacher dành cho người Do Thái, và ở Montrouge, làm cho tất cả 17 người thiệt mang. Hay là vụ khủng bố hôm qua ở Saint-Quentin-Fallavier, tỉnh Isère.
Giữa hai thời điểm 2012 và 2015, tình hình nói chung là yên tĩnh, ngoại trừ một vài vụ tấn công lẻ tẻ bằng dao do một vài thanh niên Hồi giáo cực đoan tiến hành nhắm vào lính hay cảnh sát.
Vấn đề tuy nhiên là có nhiều âm mưu khủng bố mà chính quyền cho là đã phá vỡ kịp. Mới đây, vào tháng Tư năm 2015, một sinh viên gốc Algérie Sid Ahmed Ghlam đã bị bắt. Theo cảnh sát, thì nghi can này đang chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố vào một nhà thờ ở thị xã Villejuif, ngoại ô Paris.
Còn có nhiều vụ khác bị ngăn chặn kịp thời mà chính quyền không tiết lộ, và dĩ nhiên người thường không thể biết được số lượng chính xác. Bộ trưởng Bernard Cazeneuve, tuy vậy đã hé lộ phần nào quy mô của vấn đề này khi cho biết là hiện có khoảng 130 thủ tục pháp lý liên quan đến các hoạt động khủng bố được xúc tiến, nhắm vào khoảng 650 người.
Một yếu tố khác gây quan ngại là phương thức hành động của kẻ khủng bố. Trong các cuộc tấn công nhắm vào báo Charlie Hebdo hoặc siêu thị Hyper Cacher, đối tượng mà các hung thủ muốn tấn công tương đối rõ ràng, và sau khi thảm kịch xẩy ra, chính quyền đã tăng cường phòng vệ các cơ sở nhạy cảm như tòa soạn báo chí, đài phát thanh hay truyền hình, các nơi sinh hoạt của người Do Thái…
Thế nhưng, vụ khủng bố hôm qua, 26/06 lại nhắm vào một cơ sở công nghiệp, với nạn nhân hoạt động trong một lãnh vực hoàn toàn không có liên can gì đến cuộc xung đột đẫm máu ở vùng Trung Đông, hay đến đạo Hồi.
Chính quyền Pháp đã từng cảnh báo là ngày nay, các thành phần khủng bố có thể tấn công vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào. Có thể nói là cơn ác mộng được cảnh báo đó giờ đây đã trở thành sự thật, và đặt ra những thách thức to lớn cho lực lượng an ninh, mà quan trọng nhất là rất khó xác định rằng đâu sẽ là cơ sở nhạy cảm để bảo vệ !
Vấn đề thứ hai mà chính quyền đã nêu bật là nhân dạng của những kẻ khủng bố, « không còn là các nhóm khủng bố đến từ nước ngoài, hành sự tại Pháp, rồi sau đó bỏ đi » mà chính là những người tại chỗ, bị các thành phần Hồi giáo cực đoan tuyên truyền.
Sau vụ khủng bố có thể gọi là mù quáng hôm qua, vấn đề là làm sao có được một đối sách thích hợp. Phải tăng cường kiểm soát, để trấn an dân chúng, nhất là khi đợt nghỉ hè tháng Bảy sắp đến, các nhà ga, sân bay, xe lửa sẽ chật ních người.
Chính phủ Pháp đã tăng cường kế hoạch bảo đảm trị an Vigipirate lên đến mức tối đa – gọi là mức báo động khủng bố - tại vùng Rhône-Alpes. Thế nhưng, tình trạng báo động này chỉ có thể được duy trì hai ba ngày trong trường hợp không có sự cố gì mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét