Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Những Việt kiều lẫy lừng đất Mỹ


Bà Lê Duy Loan có tên trong danh sách “20 phụ nữ xuất sắc nhất Houston trong lĩnh vực kỹ thuật”.
 
 
Sức mạnh của cộng đồng Việt kiều thậm chí được báo chí Mỹ bình luận như một hiện tượng trong đời sống kinh tế Mỹ.
 
Dấu ấn văn hóa
Trong 1,2 triệu người Mỹ gốc Việt (thống kê mới nhất có được), 1/3 hiện tập trung ở California. Ngoài ra, người Việt còn có mặt rải rác nhiều TP khác khắp Mỹ. Tại hạt Santa Clara (California), người Việt sở hữu hơn 5.000 doanh nghiệp; và một số Việt kiều thành công đến mức có thể ung dung sống tại khu thung lũng Evergreen trong những căn nhà cực sang giá trung bình 1 triệu USD - theo H. G. Nguyen, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt kiều tại San Jose. Ngoài California, một trong những địa điểm có nhiều người Việt thành công nữa là Houston. Trong một phóng sự hãng thông tấn Anh BBC đã cho thấy thêm điều này.
Theo bài viết, Houston (TP lớn nhất bang Texas; lớn thứ tư tại Mỹ) là một trong nhiều trường hợp thành công của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Sau 40 năm hội nhập, cộng đồng di dân trên 150.000 người này đã đạt được nhiều thành công to lớn trên các phương diện chính trị, kinh doanh, thương mại, học vấn và trợ giúp đồng bào ở trong nước. Tên của Houston có thể đứng cạnh tên các trung tâm hay TP có tiếng khác của người Việt tại Mỹ như Westminster hay San Jose… Về mật độ dân số cộng đồng Việt kiều, Houston là TP đông người Việt thứ ba tại Mỹ sau Westminster (Nam California) và San Jose (Bắc California). Tuy nhiên, về quy mô làm ăn, ít đâu sánh bằng hệ thống nhà hàng Việt Nam Kim Sơn cũng như hệ thống siêu thị bán sản phẩm châu Á mang tên Hong Kong do người Việt làm chủ. Chưa kể chuỗi phòng khám nha khoa, gồm 12 cửa hàng, có tên Apple Dentist của nữ nha sĩ Mai Thị Hoa, rải đều ra tại các quận, hạt của Houston. Tại Houston, khu Midtown có đến 16 con đường mang tên Việt Nam.
Nhiều con em người Việt tại Houston đã đậu thủ khoa, á khoa tại trường trung học địa phương. Những em này sau đó được học bổng hoặc được mời vào các khoa, các ĐH danh tiếng miền Tây Nam Mỹ. Bác sĩ, nha khoa, điện toán, luật sư, kỹ sư, quản trị viên là những ngành nghề mà con em người Việt được thu nhận nhiều nhất, với tỉ lệ đỗ đạt cao hơn nhiều sắc dân khác. Houston cũng là một trong ba nơi đặt trụ sở chính của Cơ quan Quản trị không gian (NASA), nơi có khoảng 200 kỹ sư người Việt đang làm việc. Houston còn là nơi khai sinh của Hội Văn hóa Khoa học Việt Nam, một tổ chức bất vụ lợi do các trí thức người Việt lập ra từ năm 1990, với mục đích giảng dạy văn hóa Việt, trợ giúp học hành, giáo dục kỹ năng lãnh đạo cho thế hệ trẻ người Việt...
Đến nay, Hội Văn hóa Khoa học Việt Nam đã có bốn phân ban tại Austin, Dallas, Toronto và Washington. Ban quản trị hội mong muốn có ngày nào đó sẽ tập hợp kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ của các bạn trẻ, chuyên gia người Việt tại Mỹ để giúp người trong nước. Cuối cùng, dù sống xa quê nhưng người Việt tại Houston luôn được sự trợ giúp và động viên của hệ thống truyền thông Việt ngữ tại địa phương, đặc biệt trong việc chia sẻ kinh nghiệm hội nhập, nuôi dạy con cái, loan báo tin tức sinh hoạt cộng đồng, tạo mối thân giao giữa người đến trước và đến sau, các chính sách mới nhất của chính phủ về di dân và tị nạn; hoặc thậm chí mẹo nữ công gia chánh để giúp cho bữa ăn người Việt thêm ngon, ngôi nhà thêm ấm cúng, gia đình yên ổn… Có thể gọi đó là sáng kiến về cách duy trì đời sống tinh thần thăng bằng trong một xã hội công nghiệp luôn di chuyển với tốc độ nhanh như ở Mỹ.
Và nói đến cộng đồng Việt kiều mà không nhắc đến người sáng lập khu Little Saigon tại quận Cam (California) là một thiếu sót. Đó là ông Triệu Phát (Frank Jao). Sinh tại Hải Phòng trong gia đình cha Việt, mẹ Hoa, ông Triệu vào Sài Gòn năm 1954. Trở thành một trong những người Việt đầu tiên đến Mỹ sau năm 1975, ông Triệu nhanh chóng thành lập khu cộng đồng Little Saigon; bỏ tiền xây siêu thị khổng lồ Asian Garden Mall tại đại lộ Bolsa. Từng có chân trong hội đồng thị chính Wesminster (California), triệu phú Triệu Phát cũng là ông chủ của công ty xây dựng Bridgecreek Development. Năm 2002, đích thân Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm ông Triệu làm chủ tịch Tổ chức giáo dục Việt Nam. Tờ Orange County Register (9-5-2015) cho biết Tập đoàn Bridgecreek của ông Triệu Phát, sau gần 40 năm, đã đầu tư tổng cộng 400 triệu USD vào các trung tâm mua sắm và nhà ở, chủ yếu ở quận Cam. Năm 2012, ông thậm chí mở chuỗi nhà hàng Indochine Essence tại Quảng Đông (Trung Quốc) chuyên bán thức ăn Việt Nam (dự tính đạt 100 tiệm vào cuối năm nay).
Dấu ấn khoa học
Ngoài hai nhân vật - kỹ sư Đinh Trường Hân (đoạt giải môi sinh của Nhà Trắng năm 2006, được tạp chí Public Works chọn là một trong 50 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ năm 2006); và TS Huỳnh Phước Đương - đã được báo chí trong nước nhắc nhiều, còn có không ít gương mặt khoa học gia Việt kiều lừng lẫy.
Một trong những gương mặt kiệt xuất là Lê Duy Loan, người có thể được xem như là đại diện tiêu biểu của tấm gương nghị lực thành đạt trong cộng đồng Việt kiều. Theo tiểu sử đăng trên website ĐH Texas-Austin (utexas.edu), bà Lê đến Houston năm 1975 trong gia đình chín người không có cha. Bốn năm sau, bà Lê tốt nghiệp Trung học Alief Hastings tại Houston lúc 16 tuổi và được chọn là học sinh đại diện đọc diễn văn cảm tạ thầy cô. Năm 1981, khi còn học ĐH Texas-Austin (UT Austin) nhờ học bổng, Lê Duy Loan đã được tờ Houston Chronicle viết bài khen ngợi.
Trong cùng năm, bà nhận được lời khen từ Văn phòng Tòa đại sứ Hà Lan bởi thành tích xuất sắc trong học tập và cố gắng trong chiến dịch gây quỹ giúp cộng đồng Việt kiều. Lấy bằng kỹ sư điện từ UT Austin năm 1982, bà Lê bắt đầu làm việc cho Texas Instruments (TI - một trong những công ty công nghệ thông tin hàng đầu Mỹ). Bà liên tục được thăng chức trong TI. Trong thời gian làm việc toàn thời gian cho TI, bà vẫn nỗ lực học thêm và giành bằng thạc sĩ quản trị doanh nghiệp từ ĐH Houston. Tại TI, bà nổi bật với hơn 20 bằng sáng chế.
Trong thế giới công nghệ thông tin Mỹ, chẳng ai mà không nghe nói đến Lê Duy Loan. Năm 2000, bà có tên trong danh sách “20 phụ nữ xuất sắc nhất Houston trong lĩnh vực kỹ thuật”. Năm sau, bà có tên trong Viện bảo tàng vinh danh quốc tế dành cho giới nữ trong kỹ thuật. Năm sau nữa, bà được chọn là “Kỹ thuật gia quốc gia trong năm”, trở thành nhân vật chính trong phóng sự đặc biệt của tờ EE Times (một trong những chuyên san kỹ thuật hàng đầu Mỹ). Chưa hết, trong cùng năm (2002), bà đóng dấu ấn lịch sử công ty TI khi trở thành phụ nữ đầu tiên và là gương mặt châu Á đầu tiên được bầu làm viện sĩ TI - chức danh trước đó chỉ được trao cho bốn gương mặt nam trong lịch sử TI.
Năm 2005, Lê Duy Loan lại được chọn là “Kỹ sư Mỹ gốc Á trong năm”. Với cộng đồng thế giới, bà Lê còn nổi tiếng ở vị trí giám đốc Tổ chức Mona (hỗ trợ giáo dục và phát triển kinh tế tại 10 quốc gia); sáng lập viên kiêm giám đốc ban cố vấn Sunflower Mission (giúp đỡ giáo dục cho thiếu nhi Việt Nam); sáng lập viên kiêm giám đốc danh dự Hội danh dự quốc gia khoa học Hoa Kỳ (khuyến khích toán và khoa học trong học đường); giám đốc Hội đồng Quỹ học bổng quốc gia Mỹ-châu Á-Thái Bình Dương. Và người đàn bà mạnh mẽ này còn “sở hữu” chiếc đai đen Taekwondo!
Nhân vật nữa có thể kể đến là Trung Dũng, gương mặt từng xuất hiện trên các tạp chí quen thuộc Forbes, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle cũng như trong quyển The American Dream của nhà báo kỳ cựu Dan Rather. Hiện là tổng giám đốc điều hành Fogbreak Software (công ty do chính ông sáng lập), Trung Dũng lấy tiến sĩ khoa học máy tính ĐH Boston sau khi giành cử nhân toán và khoa học máy tính ĐH Massachusetts. Tháng 5-2004, Trung Dũng được trao Giải Đuốc vàng, trong buổi tiệc do cộng đồng người Việt tổ chức tại Washington, D.C. Ông Dũng từng gây chú ý khi bán công ty OnDisplay do mình sáng lập cho tập đoàn Vignette với giá 1,8 tỉ USD.
Cần nói thêm, ông Dũng tạo dựng sự nghiệp từ vỏn vẹn 2 USD khi đặt chân đến Mỹ! Còn nhiều nữa những gương mặt xuất sắc trong cộng đồng Việt kiều Mỹ nói riêng và Việt kiều tại các quốc gia khác nói chung. Tất cả tấm gương thành đạt của họ đều có một mẫu số chung: giàu nghị lực, ham học và có ý chí thép. Thành tựu họ đạt được là kết quả từ nỗ lực cá nhân bền bỉ!

Nguồn: Mạnh Kim/ Phapluatt

Không có nhận xét nào: