Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 18/5/2015.REUTERS/Lee Jin-man/Pool
Mặc dù đang bị đồng minh Hoa Kỳ thúc giục phải lên tiếng chống lại việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và đưa vũ khí đến đây, Hàn Quốc vẫn cố giữ thái độ trung lập.
Tại một cuộc hội thảo về tình hình bán đảo Triều Tiên ở Washington ngày 03/06/2015, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel đã yêu cầu Hàn Quốc nói rõ lập trường chống lại việc Trung Quốc áp đặt đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, cụ thể là qua các dự án xây đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang tiến hành ở Biển Đông. Theo ông Russel, Hàn Quốc phải xác định rõ lập trường về vấn đề Biển Đông, vì quốc gia này có vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên một quan chức Hoa Kỳ công khai yêu cầu Seoul ngả theo Washington trên hồ sơ Biển Đông.
Tiếp đến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Tổ chức Heritage ( Hoa Kỳ ), ông Walter Lohman, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review ngày 06/06, cũng cho rằng Seoul cần phải lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Ông Lohman viết : «Hai nước ( Mỹ và Hàn Quốc ) nên có lập trường đồng nhất về các vấn đề hiện nay. Chẳng hạn như sẽ là một điều đáng khích lệ nếu Hàn Quốc lên tiếng mạnh mẽ hơn để ủng hộ việc áp dụng luật quốc tế thông dụng cho các căng thẳng ở Biển Đông ».
Nhà phân tích này nhắc lại rằng, trong một tuyên bố chung vào tháng 10 năm ngoái, sau các cuộc họp về an ninh giữa các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, hai đồng minh Mỹ Hàn đã từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông ở vùng Biển Đông.
Nhưng một quan chức bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố hôm nay 09/06/2015: « Lập trường của chúng tôi về vấn đề này không có gì thay đổi kể từ tuần trước ». Vào tuần trước, bộ Ngoại giao Hàn Quốc vẫn chủ trương không đứng về phe nào, mà chỉ tuyên bố rằng chính phủ Seoul hy vọng rằng bản tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC sẽ được thi hành đầy đủ và thật sự. Seoul cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN nhanh chóng ký kết quy tắc áp dụng trên Biển Đông COC, để có thể duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực này.
Nhưng theo một nhà phân tích của Hàn Quốc, giờ đây phải xem Seoul có thể tiếp tục cưỡng lại sự thúc ép của đồng minh Washington hay không tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Hàn ngày 16/06 tới. Giáo sư Kim Hyun-wook nhận định : « Chỉ một tuần nữa là đến cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hàn, những lời kêu gọi như vậy nhằm tạo một bầu không khí tích cực cho hai nhà lãnh đạo bàn về vấn đề này tại cuộc họp ».
Giáo sư Kim Hyun-wook dự đoán là vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên trong một bản thông cáo chung hoặc một tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh, vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với Hoa Kỳ.
Tóm lại, Seoul hiện đang trong một tình thế khó xử, buộc phải chọn lựa giữa hai cường quốc Mỹ -Trung, chứ không thể tiếp tục giữ thái độ trung lập, hay nói đúng hơn là thái độ mập mờ trên vấn đề Biển Đông.
Làm sao vẫn đáp ứng được yêu cầu của đồng minh Hoa Kỳ nhưng không làm phật lòng Trung Quốc, một trao đổi ngày càng quan trọng của Hàn Quốc ? Một bài toán nan giải đang chở tổng thống Park Geun Hye trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Barack Obama.
G7 chống lại việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở Biển Đông
Thanh Phương
Thượng đỉnh G7 tại Đức ra tuyên bố chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở vùng Biển Đông.REUTERS/Michael Kappeler/Pool
Trong bản tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp thượng đỉnh tại Đức, kết thúc hôm qua, 08/06/2015, các lãnh đạo nhóm G 7 ( Anh, Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Canada, Nhật ), tuyên bố mạnh mẽ chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở vùng Biển Đông, như việc « bồi đắp đảo với quy mô lớn ».
Tuy không nêu tên quốc gia nào, nhưng rõ ràng là tuyên bố của nhóm G7 muốn nói đến những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, những hành động khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai thành viên của G7, ngày càng lo ngại.
Việc Bắc Kinh ráo riết xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và đưa đại pháo đến các đảo này khiến mọi người lo ngại nguy cơ quân sự hóa vùng này. Riêng Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc bồi đắp các đảo và đưa thêm vũ khí đến đây là nhằm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Đông, cản trở quyền tự do lưu thông ở khu vực này.
Ngoài Biển Đông, các lãnh đạo nhóm G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở vùng biển Hoa Đông, nơi mà tàu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật quản lý, nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền. Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không bên trên quần đảo này vào năm 2013. Tokyo đã cực lực phản đối hành động này.
Phản ứng lại việc thủ tướng Nhật đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự thượng đỉnh G7, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là « không một quốc gia nào khác có quyền can thiệp » vào khu vực Biển Đông.
Cũng liên quan đến Biển Đông, Malaysia cho biết sẽ phản đối qua đường ngoại giao việc một tàu tuần duyên của Trung Quốc xâm nhập khu vực đảo Borneo. Theo lời tư lệnh hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar nói với hãng tin AFP hôm nay, 09/06/2015, từ cuối năm 2014 đến nay, tàu của Trung Quốc ngày nào cũng xâm nhập hải phận Malaysia và lần nào chính quyền Kuala Lumpur cũng phản đối.
Trong vụ việc mới nhất, chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc hiện vẫn còn ở trong hải phận Malaysia, cụ thể là gần khu vực Luconia Shoals, thuộc vùng Biển Đông, cách không xa quần đảo Trường Sa. Tư lệnh hải quân Malasyia cho biết là lần này chính quyền Kuala Lumpur sẽ phản đối Bắc Kinh qua đường ngoại giao.
Nhật sắp tập trận lần 2 với Philippines tại Biển Đông
Thụy My
Các chiến hạm của Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật gần Philippines tham gia cuộc tạp trận chung hai nước lần đầu từ ngày 12/5/2015.REUTERS
Nhật Bản có ý định đưa phi cơ tuần tra hiện đại P3-C Orion đến Philippines để tham gia cuộc tập trận tìm kiếm và cứu hộ trong tháng này. Reuters và AFP dẫn các nguồn tin quân sự hôm nay 09/06/2015 cho biết hai cựu thù trong Đệ nhị Thế chiến đang siết chặt hơn mối quan hệ, trong lúc Nhật tìm cách mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông.
Căng thẳng tại Biển Đông đang tăng lên, nhất là từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp quy mô các đảo đá ngầm và rạn san hô tại quần đảo Trường Sa. Qua việc xây dựng đảo nhân tạo, Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng tại vùng biển hàng năm có đến 5 tỉ đô la hàng hóa giao thương, mà đa số là hàng xuất đi và nhập về của Nhật Bản. Hoa Kỳ muốn các đồng minh châu Á tỏ ra cương quyết hơn, trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc - theo Washington.
Đề nghị tiến hành cuộc tập trận gần thủ đô Manila đã được đưa ra, sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino viếng thăm Nhật Bản tuần trước để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Hai nguyên thủ bày tỏ mối « quan ngại sâu sắc » trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, vi phạm thỏa thuận năm 2002 với các nước trong khu vực.
AFP dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Philippines Edgard Arevalo cho biết đây là cuộc tập trận chung thứ hai với Nhật, kéo dài từ 22 đến 26/6. Trước đó ngày 12/5, hai khu trục hạm của Nhật và một chiến hạm mới nhất của Philippines đã tập trận chung gần bãi cạn Scarborough, nay đang bị Trung Quốc kiểm soát.
Ông Tomohisa Takei, chánh văn phòng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói với báo chí : « Chúng tôi sẽ loan báo các chi tiết như thời khóa biểu và các phương tiện tham gia tập trận, ngay khi kế hoạch được ấn định xong ». Còn phía Philippines cho biết thêm, Hải quân đôi bên sẽ trao đổi các chiến thuật, kỹ thuật mới trong các hoạt động trên biển sau này.
Nhật Bản muốn tham gia tuần tra trên Biển Đông cùng với Hoa Kỳ, để làm đối trọng trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Các đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật và Philippines đang thương lượng một thỏa ước, và nếu đạt được thì các phi cơ Nhật như loại Lockheed Martin P3-C có thể sử dụng các căn cứ ở Philippines để tiếp nhiên liệu.
Phát ngôn viên Arevalo nói rằng Hải quân của Philippines và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang khảo sát khu vực huấn luyện, và nghiên cứu việc hợp tác kể cả trợ giúp nhân đạo và đối phó thảm họa.
Nhật Bản và Philippines hồi tháng Giêng đã ký kết một thỏa thuận về việc siết chặt quan hệ quân sự. Lần này hai nguyên thủ Aquino và Abe đồng ý chuyển giao công nghệ quốc phòng và thiết bị, để giúp Manila tăng cường lực lượng tuần tra tại vùng biển đang bị Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền với lực lượng hải quân hùng mạnh hơn. Thỏa thuận này có thể gồm cả việc Nhật xuất khẩu cho Philippines các thiết bị quân sự như máy bay trinh sát chống tàu ngầm và công nghệ radar.
Dân Nhật và Hàn ngờ vực nhau ở mức cao nhất
Thụy My
Một nạn nhân còn sống (người ngồi cầm biểu ngữ) của tệ nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ 2 biểu tình tại Mỹ hồi đầu năm 2015 đòi Nhật Bản phải công khai xin lỗi.REUTERS/Faith Ninivaggi
Sự ngờ vực giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên đến mức cao nhất, theo kết quả thăm dò công bố hôm nay 09/06/2015, khẳng định sự xuống cấp trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul, hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ tại châu Á.
Gần ba phần tư số người Nhật được hỏi (73%) không tin tưởng vào nước láng giềng, trong khi 85% người Hàn Quốc tỏ ý nghi ngờ đối với Nhật Bản ; theo cuộc điều tra do nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật phối hợp với tờ báo Hankook Ilbo tiến hành. Đây là tỉ lệ cao chưa từng thấy trong lịch sử của cuộc thăm dò thường niên có từ năm 1996.
Việc công bố điều tra trên đây trùng hợp với thời điểm sắp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Seoul, bị xấu đi do các bất đồng về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.
Hầu như toàn bộ người Hàn Quốc (94%) cho rằng các lãnh đạo Nhật chưa thành khẩn xin lỗi về quá khứ quân phiệt (Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng từ 1910 đến 1945). Ngược lại, cứ bốn người Nhật thì có ba người (76%) nghĩ rằng nước mình đã bày tỏ đúng mức sự ân hận về các sự kiện hồi thế kỷ trước. Ngoài ra, 60% người Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản là mối đe dọa quân sự, chỉ đứng sau Bắc Triều Tiên (78%).
Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cố tỏ ra cởi mở với Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun Hye, nhưng bà này đã bác bỏ mọi đề nghị gặp thượng đỉnh nếu Tokyo không bồi thường thỏa đáng cho hàng chục ngàn « phụ nữ giải sầu » bị buộc phải phục vụ cho quân đội Thiên Hoàng trước 1945 mà hầu hết là người Hàn Quốc.
Ông Abe hôm nay lại tuyên bố : « Chính vì có những khác biệt mà các nhà lãnh đạo phải đàm luận để hiểu nhau hơn. Tôi đã nói chuyện hai lần với ông Tập Cận Bình và đã có những tiến bộ, nên tôi muốn tiến hành tương tự với bà Park ».
Nhưng dưới mắt người Hàn Quốc và Trung Quốc, những lời nói « ăn năn » của các lãnh đạo Nhật không đi đôi với hành động, nhất là khi họ vẫn tiếp tục đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo. Thế nên người Nhật và Hàn vẫn tỏ ra bi quan về tương lai quan hệ song phương : trên 60% người Nhật Bản và 74% người Hàn Quốc cho rằng « sẽ còn xấu đi trong suốt thời gian dài, khi phía bên kia vẫn tiếp tục đưa ra các yêu sách không thể chấp nhận được ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét