Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

ĐỪNG ẢO TƯỞNG VÀO YỂM TRỢ CỦA MỸ - Hoàng Đức Nhã


Trong vài ngày nữa là đến kỷ niệm đúng 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, 30/04/1975. Cuộc chiến đã kết với việc miền Nam lọt vào tay Cộng sản, một phần do Hoa Kỳ lúc đó đã hoàn toàn bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Đúng 20 năm sau đó, hai kẻ thù củ Hà Nội và Washington bình thường hóa bang giao và bây giờ, Việt Nam có vẻ muốn dựa vào Mỹ nhiều hơn để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.
Nhưng Hà Nội đừng nên quá ảo tưởng vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ, mà phải lo tự phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự để có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ. Đó là ý kiến của ông Hoàng Đức Nhã, nguyên là bí thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Năm nay 73 tuổi, ông Hoàng Đức Nhã hiện sống tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ.
Ông Hoàng Đức Nhã 24/04/2015 nghe
RFI Xin kính chào ông Hoàng Đức Nhã. Thưa ông, với tư cách là một cựu quan chức chính phủ VNCH, mỗi năm khi đến ngày 30/04 thì tâm trạng của ông như thế nào, nhất là năm nay kỷ niệm đúng 40 năm sự kiện này?
Ông Hoàng Đức Nhã : Mỗi năm đến ngày này và trong thời gian những ngày trước 30/04, lúc nào tâm trí tôi cũng quay về quê hương. Thứ nhất là sống lại cái cảnh mà đáng lý ra mình không mất nước nếu hiệp định ( Paris ) được thi hành nghiêm chỉnh và đồng minh không bội ước. Thứ nhì, 40 năm qua, nhìn lại cái thực trạng đất nước mình và tình trạng mà dân Việt Nam mình phải đối đầu, tôi thấy tương lai còn nhiều nguy hiểm, chưa tốt đẹp như thật sự mình mong muốn đối với một quốc gia đã được hòa bình trong 40 năm qua.
RFI :Thưa ông Hoàng Đức Nhã, ông có nhắc đến hiệp định Paris 27/01/1973, gọi là hiệp định hòa bình nhưng thực tế là sau hiệp định này, chiến tranh vẫn tiếp diễn cho đến 30/04//75, với việc miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nếu hiệp định này được thi hành nghiêm chỉnh thì lịch sử đã được viết khác ?
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
Ông Hoàng Đức Nhã : Rất đúng. Trước khi mình ký hiệp định, vào năm 1972, vào mùa Xuân và mùa Hè, khi quân Bắc Việt mở ba trận tấn công, cố chiếm lấy miền Nam, trận Quảng Trị, Thừa Thiên, ở trên cao nguyên và ở dưới Xuân Lộc. Nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đánh bại. Lúc đó quân đội Mỹ trợ giúp quân lực VNCH bằng những phi vụ và các vấn đề về tiếp vận, chứ không có lính tham gia, hoàn toàn chỉ có lính VNCH.
Lúc đó, chính quyền CS Bắc Việt nghĩ rằng, ngày nào mà VNCH có thời gian thì sẽ củng cố không chỉ khả năng quân sự mà cả khả năng kinh tế. Đó là điều họ sợ nhất, vì lúc đó mình đã có chương trình phát triển rất mạnh, không chỉ về mặt xã hội, mà cả kinh tế và an sinh cho nông dân.
Người nông dân biết rằng sống dưới chế độ tự do rồi một ngày sẽ có tương lai rất sáng lạng. Nếu chúng ta có thêm một năm nữa sau tháng 04/75, thì chúng ta sẽ bắt đầu xuất cảng gạo. Lúc đó nông thôn rất phồn thịnh, vì chương trình cải cách điền địa, phát triển nông thôn bắt đầu thành công. Ngoài ra, vào giữa năm 1974, VNCH có dầu lửa ở ngoài khơi. Những yếu tố đó sẽ giúp miền Nam sống qua được, mặc dù cũng còn cần đến viện trợ của Mỹ.
Người Mỹ đã không thực sự giúp VNCH trên phương diện quân sự, không làm đúng theo điều khoản " thay thế một cây súng này bằng một cây súng khác", nếu quân Bắc Việt tiếp tục xâm lăng, cũng như đã không giúp về mặt kinh tế, thành ra chúng ta không còn có khả năng chiến đấu, trong lúc quân Bắc Việt thì được sự hỗ trợ hùng hậu của Trung Quốc và Nga Sô.
Lúc đó, Hoa Kỳ dùng hiệp định Paris để đạt được mục tiêu chủ yếu là đem quân của họ về và lấy lại hết tù bình. Thật sự thì quân của họ đã bắt đầu rút đi từ năm 1970 và đến năm 73, khi ký hiệp định thì họ không còn quân lính chiến đấu trên lãnh thổ VNCH nữa.
Cũng như trong các hiệp định, có những điều khoản Hoa Kỳ cam kết cái này, cam kết cái kia, nhưng vì họ không đưa ra Quốc hội phê chuẩn, cho nên hiệp định đó không có ràng buộc nhân dân Hoa Kỳ, do Quốc hội đại diện, để thực thi các lời hứa. Cái đó cũng do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ, đặc biệt là vụ scandal Watergate, và quan trọng hơn hết là lúc đó đảng Dân Chủ, đang nắm cả lưỡng viện Quốc hội, quyết tâm chấm dứt mọi sự can thiệp của Hoa Kỳ, nhất là ở Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ hồi chiến tranh Triều Tiên, lúc đó có một thỏa ước do Quốc hội phê chuẩn đàng hoàng, nên sau này Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giúp đở Đại Hàn, nhưng riêng đối với VNCH thì không có điều khoản đó.
RFI :Lịch sử đôi khi có những điều trớ trêu. Miền Bắc Việt Nam trước đây chiến đấu chống Hoa Kỳ, nhưng bây giờ gần như là coi nhau như đồng minh, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với mối đe dọa xâm lăng từ Trung Quốc. Trở ngược lại lịch sử, khi nghe tin Hà Nội và Washington bình thường hóa bang giao ( năm 1995 ), cảm nghĩ lúc đó của ông như thế nào ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Người làm chính trị phải biết đối đầu với thực tế. Dĩ nhiên cảm xúc của con người thì lúc nào cũng có. Mình có thể chống, nhưng trong cương vị lãnh đạo thì mình phải biết thực trạng nó như thế nào và phải đối phó như thế nào. Không thể nào cực đoan nói rằng ông phải làm như thế này, ông phải làm như thế kia.
Thành thử, khi thấy Hoa Kỳ bắt đầu nói chuyện với Hà Nội về bãi bỏ cấm vận, rồi tiến tới tái lập bang giao, mình là VNCH bị Hoa Kỳ bội ước thì thấy điều đó là hoàn toàn phi lý, đâm sau lưng người đồng minh trước đây.
Nhưng chính trị của Hoa Kỳ không có tình cảm gì cả. Họ nói họ không có kẻ thù vĩnh cửu, cũng như bạn vĩnh cửu, mà chỉ có quyền lợi vĩnh cửu của họ. Họ nghĩ rằng tái lập bang giao ( với Hà Nội ) thì thứ nhất, họ sẽ bành trướng ảnh hưởng của họ trên phương diện chính trị, thứ hai là khai thác sự hợp tác mới về kinh tế và thương mại.
RFI :Ngày 30/04 đã cho thấy là khi cần, Hoa Kỳ có thể sẳn sàng bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, để cho miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nhìn từ góc độ lịch sử đó, thì theo ông hiện nay, Việt Nam có nên hoàn toàn đặt tin tưởng vào Hoa Kỳ, trong việc tìm kiếm yểm trợ chống âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay chắc là có nghiên cứu về vấn đề, nhưng nhiều khi họ tin tưởng vào người Hoa Kỳ. Cá nhân tôi, từ lúc còn làm trong chính phủ, và sau đó sang Mỹ có những nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề một cách chiến lược, tôi vẫn nói rằng Hoa Kỳ chỉ có những quyền lợi, mà họ gọi là quyền lợi vĩnh cửu. Nếu bảo vệ quyền lợi đó mà cần phải bỏ một người bạn mới hay người bạn cũ, thì họ cũng vẫn làm như thường. Lúc đó họ sẽ giải thích rằng : « Quyền lợi của chúng tôi không cho phép chúng tôi đi con đường đó nữa ».
Vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam bây giờ cứ tiếp tục tin rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác qua những hành động mấy năm nay như hợp tác về mặt quân sự, văn hóa, đủ thứ hết, tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam chống lại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Biển Đông, thì đó là một ảo tưởng và một ngày nào đó sự thật sẽ rất là đau cho Việt Nam.
RFI : Phải chăng cái giải pháp tối ưu cho Việt Nam là phải làm sao cho lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam tương hợp với nhau để mà dù muốn, dù không, hai bên buộc phải bắt tay với nhau để chống âm mưu bá quyền của Trung Quốc ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Việt Nam phải biết thực thi cái mà tôi gọi là chính trị đa dạng, không chỉ riêng trong vấn đề lãnh hải, hay vấn đề chủ quyền những quần đảo nhỏ nào đó, mà Việt Nam đang có chủ quyền thực sự hay đang đòi chủ quyền. Vấn đề đối với Việt Nam là phải có một giải pháp toàn bộ về quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và từ đó tạo ra cho mình một cái thế thương thuyết. Thế thương thuyết này cần phải dựa trên sức mạnh. Về kinh tế thì chúng ta chưa đủ sức mạnh để đối lại sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Sức mạnh thứ nhì là sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân? thì Việt Nam chưa có.
Khi mình thương thuyết với hai căn bản chưa vững đó, thì mình phải đi con đường rất là cẩn thận. Một mặt là dùng các giải pháp quốc tế như Liên hiệp quốc hay Tòa án quốc tế. Mặt khác tiếp cận song phương với Trung Quốc. Theo tôi? cái giải pháp gọi là đa phương, nhiều quốc gia nhảy vào giúp, sẽ không đi đến đâu. Nói thì hay lắm, nhưng trên thực tế không giải quyết gì, vì Hoa Kỳ đâu có quyền lợi gì, họ đâu có quan tâm đến chuyện đảo này hay mỏm đá kia trong vùng « lưỡi bò ». Họ cũng đã tuyên bố là không ủng hộ bất cứ phe nào trong tranh chấp ( chủ quyền Biển Đông ). Thành thử nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ giúp chúng ta để chống Trung Quốc là một ảo tưởng.
RFI Tức là Việt Nam không thể dựa hẳn bên này để chống bên kia, mà phải có một giải pháp trung dung, đứng giữa hai cường quốc nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Rất đúng. Giải pháp trung dung thì người Việt Nam từ xưa giờ vẫn không đi đến hai cực đoan. Trên phương diện quân sự thì khả năng bảo vệ vùng ven biển và lãnh hải thì Việt Nam chưa có. Tàu bè thì chưa có nhiều. Nếu có bỏ hết tiền bạc vào để tăng cường hải quân thì ít nhất cũng phải 10 năm mới có được nhiều chiếc tàu có khả năng chống lại Trung Quốc. Đó là thực trạng thứ nhất. Thực trạng thứ nhì, trên phương diện kinh tế thì Việt Nam bầy giờ vẫn còn tùy thuộc về hợp tác và giao thương với Trung Quốc.
Nhìn vào hai điểm này thì ta phải hiểu là nếu lấy giải pháp nào mà đặt hai quốc gia ở cái thế đụng độ nhau, thì chỉ có dân là chịu thiệt hại thôi. Ngay cả Philipines là đồng minh của Hoa Kỳ, có hiệp ước bảo vệ Philippines, mà vẫn không giải quyết được chuyện bãi đá Scarborough bị Trung Quốc chiếm cách đây 2 năm. Là đồng minh của Hoa Kỳ, có hiệp ước an ninh, mà Hoa Kỳ cũng không nhảy vào giúp Philippines giành lại Scarborough.
RFI : Nhưng đối với Việt Nam thì có thêm một vấn đề, đó là quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc không phải là mối quan hệ bình thường giữa hai quốc gia, mà là quan hệ giữa hai quốc gia với hạt nhân là hai đảng Cộng sản cầm quyền. Phải chăng quan hệ đó khiến Việt Nam khó đi đến một con đường ngoại giao độc lập, đứng giữa hai cường quốc, nhưng vẫn bảo vệ được vị thế, chủ quyền của mình ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Đó là một điểm quan trọng. Thật sự đúng là ở hai nước, Đảng là người cầm quyền, chính phủ chỉ là cơ quan để thi hành chính sách của Đảng. Có điều đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, tuy đều có ý thức hệ Cộng sản, nhưng chỉ lo đến vấn đề quyền lợi của họ, quyền lợi kinh tế, quyền lợi quân sự.
Bao nhiêu người đã viết, mà cũng chưa chắc là đúng, rằng vùng Biển Đông có rất nhiều dầu khí, nhưng biết đâu sau này khi đến đó khoan dầu, thì mới thấy chỉ có vài ba cái giếng, không đủ để khai thác thương mại. Nhưng Trung Quốc dùng lý do đó để nói rằng chúng tôi giành tài nguyên này để một ngày nào đó chúng tôi sẽ khai thác. Như vậy, tuy là đều có ý thức hệ Cộng sản, nhưng họ có giúp gì nhau đâu, chỉ vì quyền lợi của họ thôi.
RFI : Như ông có nói ở trên, thì về mặt quân sự và kinh tế, Việt Nam chưa có đủ tiềm lực để đối đầu với Trung Quốc. Vậy thì trong bối cảnh hiện nay, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, vì sao chúng ta chưa phát triển được những nội lực đó, nhất là chúng ta có một cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đông đảo, với những tiềm lực có thể giúp đất nước phát triển mạnh hơn?
Ông Hoàng Đức Nhã : Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, ở trong nước chưa có dân chủ tự do, nên người dân không có cơ hội để thi hành ý kiến của họ để phát triển hay làm ăn. Cái gì cũng phải theo guồng máy của chính quyền. Cộng thêm chế độ con ông cháu cha, nên người dân thường đâu có thể nhảy vào được.
Thứ nhì, về phương diện phát triển kinh tế của Việt Nam, theo tôi, họ không nhắm vào việc tạo khả năng kinh tế, khả năng sản xuất, mà chỉ nhắm vào những dịch vụ mà yếu tố quyết định là giá nhân công rẻ. Làm như thế thì về lâu về dài sẽ không tạo ra sức mạnh kinh tế.
Cách đây 20 năm, Trung Quốc cũng bắt đầu như thế, nhưng họ đưa ra những chính sách, đưa người dân đi học, cho tự do làm ăn. Từ đó phát triển từ việc chỉ làm hàng rẻ tiền : quần áo, giày dép, đi đến sản xuất hàng điện tử và nhiều thứ khác.
Việt Nam cũng phải làm giống vậy, phải mở rộng ra, có như thế người Việt Nam ở hải ngoại mới thấy rằng họ có thể đóng góp được, chứ không phải là về đầu tư, rồi sau đó một thời gian bị giựt, với lý do này, lý do nọ.
RFI : Hòa giải dân tộc là cụm từ nhiều người hay nhắc đến. Nhưng theo ông thì vì sao cho tới nay chúng ta vẫn chưa thật sự có hòa giải dân tộc để người Việt trong và ngoài nước đoàn kết một lòng, phát triển đất nước và bảo vệ đất nước ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Điều đó rất dễ hiểu là tại vì chế độ ở Việt Nam bây giờ vẫn là chế độ Cộng sản, độc quyền, độc đảng, mà độc quyền độc đảng thì làm sao có dân chủ được ? Khi hòa giải mà không có căn bản dân chủ thì hòa giải cái gì bây giờ ? Đó chỉ là hòa giải một chiều thôi. Mà hòa giải một chiều thì làm sao gọi là hòa giải được ? Đó là thống trị thì đúng hơn!
RFI Chính quyền trong nước thì vẫn trách người Việt hải ngoại là vẫn mang tâm lý thù hằn, không chịu hòa giải với người phía bên kia, vẫn còn giữ ảo tưởng của quá khứ, ... Nếu gặp những người nói như thế, thì ông sẽ trả lời như thế nào ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Tôi sẽ trả lời như thế này : Cái chuyện đó là dĩ nhiên. Người Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi lúc trước đã chiến đấu để bảo vệ quyền tự do và tạo điều kiện ấm no cho dân chúng. Bây giờ tôi thấy chính quyền không thực hiện được ( những điều đó ) sau 40 năm không có chiến tranh, vẫn không có dân chủ và vẫn không tạo những điều kiện tốt về xã hội, về y tế cho dân, thì dĩ nhiên tôi đâu chấp nhận được cái chuyện mấy ông nói về hòa giải dân tộc. Nếu muốn nói chuyện với những cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, thì phải tạo những điều kiện tối thiểu cho những cộng đồng đó thấy rằng chính quyền Việt Nam bây giờ đã có những biện pháp cụ thể, tạo những điều kiện để hai bên cùng nói chuyện. Nhưng theo tôi thì hiện chưa có những điều kiện đó và như vậy là khó có thể hòa giải dân tộc.
RFI :Xin cám ơn ông Hoàng Đức Nhã.
================
2)-NGÀY 30/04 QUA CÁI NHÌN CỦA THẾ HỆ SAU NĂM
Phát Thứ hai, ngày 13 tháng tư năm 2015
Vài ngày nữa là đúng kỷ niệm 40 năm ngày 30/04/1975, mà đối với chính quyền Hà Nội vẫn là ngày "chiến thắng đế quốc Mỹ", "giải phóng miền Nam", nhưng đối với cộng đồng người Việt di tản và một bộ phận người dân ở miền Nam, đó là ngày "quốc hận", hay ngày "mất nước".
Riêng đối với thế hệ sinh sau năm 1975 ở trong nước, tức là thế hệ hoàn toàn không biết mùi chiến tranh, tất cả, từ Nam đến Bắc, đều học dưới mái trường " xã hội chủ nghĩa", nên đều được dạy về cái gọi gọi là " đại thắng mùa xuân". Trên báo chí, trên hệ thống phát thanh truyền hình, những ngày kỷ niệm 30/04, họ chỉ được đọc, nghe và xem về những chiến công lẫy lừng của "đỉnh cao trí tuệ loài ngườỉ".
Hoặc là họ được nghe kể lại từ những người thân trong gia đình. Ở miền Bắc, thì được nghe kể những ngày tháng Hà Nội sống dưới những trận mưa bom của Mỹ, hoặc những ngày chạy sơ tán về các vùng quê, về những người đã vùi thây trên dãy Trường Sơn.... Ở miền Nam, thì được nghe kể về những trận chiến ác liệt để giành lại thành phố Huế từ tay quân Cộng sản, hay cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng vào dịp Tết Mậu Thân... Chắc là không ít gia đình của họ đã từng có người trở về trong chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa.
Đối với những không quan tâm gì đến chiến tranh Việt Nam, ngày 30/04 và tiếp ngay sau đó là ngày Quốc tế lao động 01/05 đơn giản là những ngày nghỉ lễ, ngày của những hoạt động vui chơi giải trí. Chắc là chẳng còn mấy ai để ý đến những tuyên truyền rầm rộ trong những ngày này.
Nhưng thật sự thì cảm nhận của cá nhân họ về cuộc chiến này là như thế nào ? Có lẽ không có gì là đáng ngạc nhiên là ở hai miền Bắc và miền Nam, tức là bên "thắng cuộc" và bên "thua cuộc", cái nhìn về chiến tranh Việt Nam khác nhau. Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của ba người sinh sau năm 1975.
Anh Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1977, hiện sống ở Sài Gòn, thuộc gia đình quân nhân Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra một quan điểm rất rõ ràng là cuộc chiến này, đó là cuộc chiến của hai phe Cộng sản và phe Cộng hòa:
« Qua tìm hiểu từ những người lớn tuổi trong gia đình thì tôi thấy rằng cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến giữa hai phe, một phe là chính quyền Cộng sản miền Bắc và phe Việt Nam Cộng Hòa miền Nam. Phe CS miền Bắc thì được Cộng sản Liên Xô và Cộng sản Trung Hoa hỗ trợ và tài trợ. Phe VNCH thì được Mỹ viện trợ và sau đó thì đổ quân tham chiến cùng với lực lượng VNCH.
Những người CS miền Bắc thì cho rằng Mỹ tham chiến là nhằm mục đích xâm lược và họ chọn con đường Cộng sản để chống Mỹ. Còn những người theo Việt Nam Cộng hòa trong đó có gia đình tôi, thì tin rằng Mỹ không xâm lược Việt Nam, chỉ tham chiến để ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản từ Trung Quốc tràn sang. Họ tin rằng chủ nghĩa Cộng sản là viển vông và sẽ không bao giờ thực hiện được, theo Cộng sản thì là nghèo đói và lạc hậu.
Bản thân tôi thấy rằng trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, Mỹ đã công nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa của chính quyền Ngô Đình Diệm và về mặt địa lý, Mỹ cách xa Việt Nam nửa vòng Trái Đất, thì không thể nói là Mỹ xâm lược Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh là rất nhiều nước nhỏ là đồng minh của Mỹ đều phát triển thịnh vượng và đều giữ được chủ quyền, cũng như văn hóa của họ. Cái mất khi là đồng minh của Mỹ thì rất nhỏ so với cái được.
Việt Nam lại giáp ranh với nước Trung Quốc khổng lồ, cho nên khi đi theo và lệ thuộc vào Trung Quốc thì sẽ rất là nguy hiểm. Trung Quốc rất dễ xâm lược Việt Nam. Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều đó quá Tân Cương và Tây Tạng.
Một số người cho rằng 30/04 là ngày quốc hận. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi cũng bác bỏ quan điểm cho rằng đây là ngày giải phóng miền Nam. Tôi nghĩ nên xem đó là ngày kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước. Cuộc nội chiến này chỉ là hệ quả của hai luồng tư tưởng Cộng sản và chống Cộng sản.
Tôi nghĩ rằng khi mà nhận thức của người dân được nâng cao lên, thì người dân sẽ nhận thức đúng đắn hơn về nguyên nhân của cuộc chiến cũng như những sự thực trong cuộc chiến đó. »
Anh Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng thì nêu câu hỏi là có nên gọi ngày 30/04 là ngày « giải phóng » miền Nam, khi mà thực chất quân đội Cộng sản miền Bắc đã xé bỏ hiệp định Paris 1973, xua quân đánh bại miền Nam ? Anh cũng lập lại câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, đó là vào dịp kỷ niệm 30/04, có hàng triệu người vui, thì cũng có hàng triệu người buồn :
« Cuộc chiến này không phải như báo đài của Nhà nước nói là giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, mà thực tế là ngày chế độ này đánh thắng chế độ kia. Chế độ thắng thì vui mừng, còn chế độ thất bại thì buồn bã. Mà chế độ dù thắng hay bại thì đều có kẻ chết, người bị thương, mà tất cả đều là thân nhân người dân Việt Nam cả.
Theo dòng lịch sử mà em biết, tháng 01/1973, sau hiệp định Paris thì miền Nam lúc đó không còn bóng quân đội Mỹ nữa, mà giao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Nhân dân Việt Nam lúc đó phải quyết định vận mệnh của mình. Nếu chỉ căn cứ vào đây thôi, sau năm 73 cho đến tháng 04/75, thì quân đội chế độ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa tiến quân vào miền Nam để đánh bại chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đó là hành động giải phóng hay xâm lược ? Chỉ vấn đề này thôi đủ làm tính chất cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc khác rõ, chứ không giống như những gì chúng ta nghe, đọc trên báo đài chính thức. Nếu chỉ căn cứ vào đó, thì đủ hiểu là có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn. »
Trong khi đó, ở miền Bắc, đa số những người sinh sau năm 1975 vẫn tin theo những gì được dạy trong trường và những lời tuyên truyền của báo đài, rằng ngày 30/04 là ngày « giải phóng » miền Nam. Nhưng cũng có không ít người, qua tìm hiểu, qua tiếp xúc, đã hiểu ra được thực chất của cuộc chiến này, như cô Nguyệt Hà, một luật sư trẻ ở Hà Nội, sinh năm 1990 :
« Trước kia, học lịch sử ở trường, em chỉ có một cái nhìn một chiều rằng đây là một cuộc chiến chống Mỹ cứu nước và dân tộc ta đã chiến thắng Mỹ ngụy. Lúc ấy chúng em cũng không có điều kiện để tiếp cận những thông tin khác.
Sau này khi học đại học và sử dụng các phương tiện như Internet, Facebook, em có được những thông tin trái chiều để mình có thể tìm hiểu kỷ hơn. Em cũng được những người bạn ở miền Nam kể rằng cuộc chiến ấy thực ra là cuộc chiến giữa miền Nam với miền Bắc, cuộc chiến ý thức hệ giữa hai miền. Lúc đó, em cũng khá bất ngờ, nên cố gằng tìm hiểu xem là niềm tin và những gì mình đọc trước đó có đúng hay không. Qua lời kể của các bạn có gia đình « ngụy quyền», em biết được thêm sự thật và biết được thêm những gì mà người dân miền Nam đã trải qua khi miền Bắc chiến thắng.
Em nghĩ cuộc chiến trước đây là cuộc chiến nội bộ giữa hai miền Nam Bắc, và được sự hậu thuẫn, ở miền Bắc là của Trung Quốc và ở miền Nam là của Mỹ, vì những lợi ích của các cường quốc đó, nhưng về cơ bản thì đúng là một cuộc nội chiến.
Nhiều năm trước kia, khi mà truyền hình là phương tiện giải trí chủ yếu, thì thường vào những ngày 30/04 và 01/05, chúng em được xem rất nhiều chương trình kỷ niệm hai ngày đó, với rất nhiều bộ phim ca ngợi chiến tranh, chiến thắng. Trước đây em xem những chương trình đó thì rất háo hức, rất tự hào là mình đã chiến thắng cả đế quốc Mỹ.
Nhưng bây giờ em không xem những chương trình ấy nữa và vào những dịp này thì có cảm giác không được tốt lắm, do đã biết được rằng có rất nhiều người coi thời điểm này là thời điểm đau buồn của họ, mất nước của họ. Em không còn coi đó là chiến thắng nữa, mà có cảm giác đây là nổi đau của rất nhiều người. Cái dịp kỷ niệm đó và những bộ phim đó có thể làm đau lòng nhiều người bên phía còn lại.
Ở miền Bắc, hầu hết những người thân chung quanh em đều không có những thông tin. Những người lớn tuổi, ông bà, bố mẹ, chú bác đều nghĩ đó là chiến thắng và họ không có ý định tìm hiểu thêm. Còn những người bạn cùng trang lứa với em, thì hầu hết đều không tiếp cận các thông tin và vẫn coi đó là ngày kỷ niệm chiến thắng bình thường. Họ cũng không quan tâm nhiều lắm đến các vấn đề lịch sử."
Nếu để qua một bên tranh cãi về chuyện "giải phóng" hay "xâm lăng", thì có thể nói rằng, với ngày 30/04/1975, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đất nước được thống nhất và sống trong hòa bình ( ngoại trừ cuộc chiến tranh ngắn với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và cuộc can thiệp quân sự vào Cam Bốt để lật đổ chế độ Khơme Đỏ ). Đây là cơ hội hiếm có để xây dựng Việt Nam thành một nước hùng cường.
Sau năm 1975, cố tổng bí thư Lê Duẩn đã từng tuyên bố :" Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng”. Nhưng 40 năm sau, vì sao Việt Nam vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với ba bạn nói trên. Đối với Nguyễn Thiện Nhân, nền kinh tế Việt Nam vẫn mang tính lai tạp và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc :
« Bốn mươi năm qua là giai đoạn tồi tệ của đất nước Việt Nam. 15 năm đầu, từ 75 đến 90, Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền kinh tế bao cấp, làm cho đất nước đói ăn và tụt hậu. 25 năm sau lại là một nền kinh tế lai tạp, thiếu tiêu chuẩn, không bền vững và phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Đảng Cộng sản vẫn ôm mộng chủ nghĩa Cộng sản, nên luôn đề cao thành phần kinh tế Nhà nước, xem kinh tế NN là chủ đạo, trong khi đây là thành phần làm trì trệ phát triển và nảy sinh tham nhũng. Mặc khác, do không cho đa đảng nên không có đảng đối lập để cạnh tranh, giám sát đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế quan chức bao cho cho nhau và quanh co chối tội khi xảy ra tiêu cực. Hậu quả là Việt Nam kém phát triển về khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm thì thấp, kém chất lượng, thực phẩm thì độc hại, còn môi trường sống thì bị phá hoại, bị Trung Quốc lũng đoạn kinh tế, phá rối, chảy máu chất xám và nhân tài bị thui chột, xã hội bây giờ thì đạo đức bị băng hoại.
Đó chính là những lý do vì sao Việt Nam không thể cất cánh được thành một quốc gia giàu mạnh sau 40 năm. Việt Nam đã bỏ lở cơ hội xây dựng thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và để lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Lẻ ra Việt Nam phải theo mô hình của phương Tây để xây dựng một nền kinh giàu mạnh từ năm 1990. Nhưng Việt Nam lại không làm như thế, mà lại chọn con đường đi theo chủ nghĩa Cộng sản mang màu sắc Trung Quốc."
Còn qua cái nhìn Khúc Thừa Sơn, Việt Nam vẫn còn nghèo vì thiếu dân chủ, vì người dân không có quyền tự do chọn lựa lãnh đạo :
« Hiện tại Việt Nam có một hệ thống quan liêu khá cồng kềnh, tuy có cải cách nhưng cũng còn quá nặng nề. Việt Nam cũng có những chính sách hạn chế những quyền cơ bản của con người. Dân Việt Nam cũng không thể chọn người lãnh đạo theo ý của mình được.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực của nhân dân Việt Nam, nhưng đa số lại là những người trong đảng Cộng sản, những người lãnh đạo Nhà nước. Đảng chỉ định ai thì bầu cử người đó, dẫn đến hệ lụy là con ông cháu cha, dù giỏi, dù dốt nều được xếp vào hàng ngũ lãnh đạo đất nước. 
Lãnh đạo Việt Nam cũng không chịu nhìn nhận những sai lầm và khắc phục những sai lầm. Khi mà khắc phục những sai lầm, họ chỉ nói lời xin lỗi chứ không nghiêm khắc đưa ra những hình phạt thích đáng dành cho mình. Trong khi đó, người dân phải chịu những hậu quả mà họ không lường trước được.
Người lãnh đạo ở Việt Nam xem nặng quyền lợi của bản thân, mà xem nhẹ quyền lợi của người dân, của đất nước. Hơn nữa, người lãnh đạo Việt Nam không có tầm trí thức, dẫn đến việc lãng phí về chất xám, lãng phí về tài nguyên, cũng như lãng phí về thời gian và thời cơ. 
Thời gian gần đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay hội nhập với các nền kinh tế thế giới khác, Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội thoát khỏi chính sách cỗ hữu từ xưa đến giờ là phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Một yếu tố nữa đó là những người lãnh đạo hiện nay là những nhà tư bản đỏ, chứ không phải là những người Cộng sản như ngày xưa. Họ lãnh đạo là để bảo vệ các ngai vàng, bảo vệ quyền lực, chứ không phải là vì có tài năng xứng đáng.
Có thể nói là họ đã biết tận dụng xương máu chiến tranh để nắm quyền, và từ đó sinh ra lộng quyền, lạm quyền, dẫn đến biến chứng là giàu có trên sự bóc lột người dân. Chính sách họ đưa ra là phải có thêm con số cộng bỏ vào túi tham của họ. Chuyện này là bình thường và người dân ai cũng biết.
Nói tóm lại là đất nước Việt Nam có giàu mạnh hay không là phụ thuộc vào thành phần lãnh đạo của Việt Nam. Họ chỉ có hai con đường : một là kiên quyết giữ quyền lãnh đạo của cá nhân họ, phó mặc những hạn chế mà họ đã thấy được mà không khắc phục, hay là khắc phục những hạn chế đó, hy sinh quyền lợi cá nhân họ, đưa quyền lợi dân tộc lên trên hết. Còn người dân Việt Nam, sống trong chế độ này, sướng hay khổ, họ không thể định đoạt được. »
Về phần Nguyệt Hà thì phân tích thất bại kinh tế của Việt Nam duới cái nhìn của một luật sư :
« Ngoài những nguyên nhân về chính sách vĩ mô, về giáo dục, không có thị trường tự do, em còn thấy vấn đề nền pháp luật yếu kém và tinh thần tôn trọng pháp luật của Nhà nước lẫn người dân. Vì thế không tạo được sự tin tưởng trong quá trình làm kinh tế, hoặc trong các mối giao dịch dân sự hay kinh tế. Em thấy điều đó làm tốn kém thời gian và tiền bạc, làm cho các quan hệ kinh tế không phát triển được.
Mặc dù đã có những cải cách, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vẫn ưu tiên phát triển kinh tế Nhà nước. Nếu mất cái đuôi « định hướng xã hội chủ nghĩa » đi, thì họ không còn tính chính danh cho việc duy trì vẫn còn nhiều tập đoàn Nhà nước, hay tập trung cho tiền bạc và các chính sách cho những tập đoàn kinh tế này. Quá trình cổ phần hóa mặc dù đang diễn ra nhưng diễn ra khá là chậm, thậm chí có khá nhiều hình thức tham ô trong đấy, bởi vì có quá nhiều lợi ích trong đó của một tập đoàn giới lãnh đạo.
Chính vì vậy họ không làm một cuộc cải cách triệt để được và cái đuôi Xã hội chủ nghĩa cùng với các thành phần kinh tế Nhà nước vẫn đang góp phần gây ra tham nhũng và kềm hãm sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Một phần đó là do cơ chế, và một phần cũng là do giáo dục lạc hậu đã tạo ra một tập quán văn hóa, làm cho mọi thứ trì trệ. Cái làm cho Việt Nam không thua Hàn Quốc rất nhiều lần, chính là do thể chế và cái lãnh đạo tập trung của Nhà nước. Ở Hàn Quốc người ta tạo điều kiện hơn cho kinh tế tư nhân. Giữa các nước có thể chế một đảng và những nước có thể chế đa đảng, thì các thể chế dân chủ có vẻ tạo điều kiện hơn cho cá nhân, cũng như cho các tổ chức kinh tế phát triển. »

Không có nhận xét nào: