Trên phố Bellaire hướng về chợ Hồng Kông 4, đoạn phía sau nhà hàng Kim Sơn, bạn dễ dàng nhìn thấy những mái ngói lưu ly vàng cong chồng mái lên nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” một cách duyên dáng đặc trưng của các ngôi đền của người Hoa. Người Việt gọi chùa Ông Bổn. Những người làm ăn mua bán ở Houston bảo rằng chùa rất linh, xin gì được nấy. Nghe vậy, tôi cũng thử ghé qua một lần cho biết.
Chùa Ông Bổn Houston của người Hoa gốc Triều Châu, Phước Kiến
Ta dễ dàng nhận ra các đền miếu của người Hoa trong toàn bộ cảnh quan kiến trúc của thành phố nhờ những khác biệt và đặc thù về phong cách kiến trúc, màu sắc của các công trình này so với nhà ở của người dân quanh khu vực. Các đền miếu của người Hoa thường được sơn màu đỏ, vì trong quan niệm của họ thì màu đỏ là màu của may mắn và hạnh phúc. Cũng dễ nhận ra những phong cách kiến trúc của từng đền miếu người Hoa, bởi họ tạo tác và trang trí theo những mô thức truyền thống của từng nhóm ngôn ngữ. Chẳng hạn các miếu của người Hoa Quảng Đông có đầu đao vuông bằng, sắc cạnh, còn các miếu của người Hoa Phúc Kiến có mái hình thuyền, hai đầu đao vút cong, tạo nên nét thanh thoát cho tổng thể kiến trúc.
Chùa Ông Bổn thờ đa thần
Dưới mái hiên chánh điện , một bên ghi tên chùa bằng tiếng Anh là Teo Chew Temple; một bên tên tiếng Việt là Chùa Ông Bổn. Teo Chew có nghĩa là Triều Châu. Nguồn gốc người Triều Châu là một câu chuyện lịch sử lâu đời, khởi thủy là người nước Triệu (thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay) bị Tần Thủy Hoàng đàn áp giết hại. Người Triều Châu buộc phải tha hương sinh sống khắp nơi. Một số lui về phương Nam tỉnh Quảng Đông, một số lên Tây Bắc thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ngày nay, có khoảng 2,5 triệu người Triều Châu sống tại Đại lục, trong khi đó có trên 10 triệu người Hoa gốc Triều Châu định cư ở nhiều nước Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu. Vậy người Triều Châu có liên quan gì đến Ông Bổn và Ông Bổn là ai mà được tín ngưỡng dân gian trân trọng tôn lên thành thần thánh.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển, Ông Bổn tức là Trịnh Hoà, quan Thái giám đời vua Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Hoa. Ông được vua cử đi điều tra, tìm hiểu tình hình Hoa kiều ở các nước Đông Nam Á.Trong chuyến đi ấy, Trịnh Hoà ra sức thi nhân bố đức và đưa người Hoa đến các nơi lập nghiệp. Nơi nào có người Hoa thì ông chỉnh đốn và sắp đặt tôn ti trật tự, giúp họ ổn định cuộc sống. Sau khi ông mất, dân gian nhớ công thờ làm phúc thần; vua có sắc phong cho ông là “Tam Bửu Công” còn gọi là “Bổn Đầu Công” (đọc theo tiếng Quảng là Pủn Thầu Cúng) gọi tắt là “Ông Bổn”. Dân gian tôn thờ ông là Phúc Đức chính thần, tức là ông Thổ Địa theo cách nghĩ thuần nông của người Việt.
Nguyên gốc là đền miếu nên chùa Ông Bổn không có Hòa thượng trụ trì hay Tăng, Ni, Phật tử
Do nguyên thủy là đền miếu, chùa Ông Bổn Houston không có Hòa thượng trụ trì, Tăng Ni, Phật tử mà chỉ có ông Từ hoặc một nhóm người trông coi hương khói. Bên trong chùa đặt trang thờ “Phúc đức chính thần” tức ông Bổn, được tạc tượng gỗ cao hơn mét thể hiện một ông già quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, tay cầm thỏi vàng, tượng trưng cho tài lộc. Ngoài thờ Ông Bổn (ngày lễ tế: 15 tháng 8 âm lịch), chùa còn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quảng Trạch Tôn Vương, Quảng Đại Tôn Vương, Thái Tuế, Quan Công, Quan Thế Âm bồ tát, Tề Thiên Đại Thánh, Tế Công hòa thượng, Thiên Hậu thánh mẫu, cùng nhiều vị thần khác. Việc thờ cúng nhiều thần thánh nguyên do người Việt xưa quan niệm “Vạn vật hữu linh”, tức mọi sự việc đều bị chi phối bởi một thần thánh nào đó, nên phần lớn các chùa Ông Bổn đều thờ đa thần. Trong cuộc sống tín ngưỡng dân gian, đối với người Hoa, Thổ Địa cũng là một trong các thần Tài. Người Hoa có sở trường về thương mại nên tập tục thờ thần Tài đã trở nên phổ biến. Một phần khác do quan điểm phong thủy Thổ sinh Kim. Ngược lại, người Việt là cư dân nông nghiệp nên bảo thủ tập tục thờ thần Đất và tín lý phồn thực. Đến cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, thần Đất và thần Tài ở xứ ta vẫn chưa phân biệt rõ ràng. Và đến tận bây giờ, thần Tài và Thổ Địa vẫn cứ được thờ chung như một cặp đôi bất khả phân ly ở khắp nơi, từ văn phòng công ty, tiệm quán, tư gia... Và điều đáng chú ý là, hình tượng vị thần Tài của người Việt, xét về mặt hình tượng, là một biến thể của Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa.
Tượng Ông Bổn, tức thần Thổ Địa, nhưng đối với người Hoa lại được xem là Thần Tài
Ngoài Thổ Địa được thờ tự để cầu tài, người Hoa còn thờ nhiều thần Tài khác. Phổ biến và tôn quý nhất là thần Tài “Tài Bạch tinh quân”, “tinh quân” là ngôi sao trên thượng giới. Đây là vị thần thường thờ tự tôn kính ở các đền miếu, đặc biệt phổ biến là các cơ sở thờ tự thuộc nhóm phương tộc Triều Châu. Tài Bạch tinh quân gồm 5 vị thần, chủ bộ Tài lộc thiên giới, do Kim long Như ý chánh nhốt Long hổ Huyền đàn chân quân (tức Triệu Nguyên soái/Triệu Công Minh) đứng đầu và 4 phụ tá: Chiêu Bảo thiên tôn, Nạp Trân thiên tôn, Chiêu Tài sứ giả, Lợi Thị tiên quân. Một nhân vật lịch sử là Phạm Lãi cũng được coi là Tài thần. Phạm Lãi là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông hết lòng giúp vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn và phò tá vua Việt để báo thù vua Ngô Phù Sai. Sau khi đã toại chí, Phạm Lãi không màng công danh phú quý nên bỏ đi ở ẩn. Truyền thuyết kể rằng Phạm Lãi với người đẹp Tây Thi bỏ trốn đi dạo chơi ở Ngũ Hồ. Sau khi bỏ đi, Phạm Lãi trở thành một nhà thương buôn thành đạt và giàu có nổi tiếng ở thôn Đào (?) nên được người đời gọi là Đào Công. Phạm Lãi được tôn là Tài thần. Trong dịp khai trương làm ăn người Hoa hay tặng nhau tấm đại tự “Đào Công phất nghiệp” để chúc nhau việc kinh doanh, buôn bán phát tài. Tục thờ thần Tài của người xưa còn phân biệt Văn Thần Tài và Võ Thần Tài. Văn thần Tài phù trợ cho người theo ngành “văn”, có nghĩa là những công việc văn phòng, sổ sách, giấy tờ, thơ ca hội họa... Còn Võ Thần Tài phù trợ cho gia chủ theo nghiệp “võ” như làm quan chức, chính quyền... Riêng việc kinh doanh thì “văn”, “võ” đều thờ thần Tài cả. Hình tượng thần Tài phổ biến nhất là Văn Thần Tài, đội mũ cánh chuồn, râu đen 3 chòm, miệng cười rất tươi, tay cầm chậu tụ bảo hoặc thỏi vàng. Đây là vị thần được thờ cúng nhiều ở trong nhà, vì mang lại tài lộc và giữ tiền của cho gia chủ. Ông thường được thờ chung ở bàn thờ Thổ - Địa, tạo thành bộ 3: Ông Địa, Thần Tài, Thổ Địa(Thổ Thần). Còn lại trong bàn thờ đó là hình tượng ông Địa bụng phệ, tay cầm quạt. Đây là vị thần trông coi nhà cửa, giống như Môn Thần vậy. Qua nhiều gia đình bè bạn, tôi thấy gia chủ thường cúng Thần Tài - Thổ Địa vào ngày mùng 1 hoặc 15 theo cách cúng Phật, cho nên đồ cúng thường là hoa trái. Thật ra cúng Địa - Tài vào mùng 10 âm lịch hàng tháng. Phổ biến nhất là cúng thịt lợn quay hoặc gà luộc và chè đậu đỏ. Từ xa xưa, lợn quay đã là món ăn trang trọng trong những dịp lễ lớn nên dùng để cúng tế. Dân gian cũng truyền tụng Thần Tài thích ăn lợn quay, nhưng chỉ cần cúng mặn là được, vì thần thánh thì vẫn ăn mặn, chứ không cần cúng chay như cúng Phật. Riêng ngày mùng 10 tháng Giêng mọi người thường cúng lớn nhất, một số cơ sở làm ăn kết hợp khai trương vào ngày này để lấy may mắn, do đây là ngày vía của thần Tài.
Khách thập phương xin xăm ở chùa Ông Bổn
Không phải người địa phương, nhưng tôi tin đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Bởi thế, sau khi đi một vòng chánh điện quan sát các tượng thần thánh trong chùa, tôi cúng dường đáp lễ hương hoa xin một quẻ thử thời vận trong năm mong phát tài may mắn. Cầm tờ giải xăm, ra xe ngồi đọc. Ứng nghiệm thay: “Vừa mới hao tài tốn của. Chi xài tiền bạc cẩn thận”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét