Sương mù còn giăng mắc trên cỏ cây,
hoa lá, và cơn gió sáng đầu mùa xuân mát rượi lướt qua. Cái lạnh chỉ the the
nhưng da tay dễ bị nổi gai và khiến người phải giùng mình. Trên không gian còn
mờ đục hơi sương mà đã thấy bóng dáng những cánh chim trời nhàn hạ lững lờ bay
lượn. Đó là vùng trời Thung Lũng Sương Mù (Yuba City) đất mới với kẻ tha hương
như chúng tôi, đã tạm cư hơn mười năm qua.
Không giấu gì quý vị, gia đình tôi đã
dùng thuyền chài vượt biển Đông đến được đảo nhỏ Terempa, của quần đảo nước Nam
Dương (Indonesia). Những ngày tháng lây lất kiếp sống tha hương của thuyền nhân
Việt Nam tị nạn Cộng sản thật vất vả trăm chiều! Nhưng hạnh phúc lắm, và tâm
hồn ngập tràn niềm tin, niềm hy vọng hơn thân nhân, người dân.... còn kẹt lại
bên kia bức màn tre! Để rồi mấy tháng ở trai tị nạn nặng nề trôi qua, gia đình
chúng tôi vui mừng vô cùng kể là có tên trong danh sách được vào định cư ở nước
Hoa Kỳ.
Mỹ là một nước thiên đường, mà người dân trong các
nước Cộng sản như là nước Việt Nam luôn uớc mơ và nguyện cầu có ngày được đến
cái xứ tự do nầy. Mặc dầu miệng chúng luôn gọi là đế quốc Mỹ, và có người sẽ
không bằng lòng với ý nghĩ trên, nếu đem phân tích mọi thứ và so sánh với các
nước tự do... rồi kết luận rằng cái xứ Mỹ không phải là thiên đường bằng các nước
tự do khác! Thôi thì hãy nhận xét và dễ dãi một chút đi, bởi nếu không phải là
xứ “thiên đường” thì làm sao các đảng viên Việt cộng, các nhà giàu lắm tiền
nhiều bạc, các đại gia... lạy lục xin xỏ được định cư ở Mỹ, và cho con qua Mỹ
du học tốn bạc tỉ... Rồi sau đó cưới vợ gả chồng để ở lại Mỹ và hội nhập vào
nước Mỹ vậy nè?
Lúc gia đình chúng tôi bôn đào chỉ
mong rời khỏi Việt Nam, đến được nước thứ ba tự do nào trên thế giới thì mừng lắm
rồi! May quá, hình như không nước Cộng sản nào có văn phòng nhận người vượt
biên tị nạn Việt cộng như Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Mỹ... thì phải? Cảm
ơn Thượng Đế, ơn phước Chúa, Phật tổ từ bi chớ nếu có chắc chắn thuyền nhân
chẳng ai dám điền đơn vào tỵ nạn ở nước Cộng sản cả! Vì bỏ quê hương xứ sở, mồ
mả ông bà... chạy thụt mạng khỏi Việt Nam Cộng sản thì bộ điên sao mà xin vào một
nước Cộng sản khác!
Đầu hôm sớm mai gia đình chúng tôi
được định cư ở vùng Chicago, thuộc tiểu bang Illinois Mỹ quốc. Ở đâu cũng được,
vào Mỹ là ngon lành là mừng húm rồi, còn ở đó mà muốn vùng nầy vùng kia, tiểu
bang nầy tiểu bang nọ... Bởi từ cha sanh mẹ đẻ ra đến giờ, chúng tôi có đặt
chân đến nước Mỹ lần nào đâu mà kén với chọn, hoặc so sánh khí hậu lạnh, nóng...
thế thái nhân tình tốt xấu, vui, buồn... Miễn được vào Mỹ, thì mừng quá thể
không đòi hỏi chi cả... Mà đòi hỏi cái gì nhỉ? Khi xứ của người ta vì lòng nhân
đạo đã giúp đỡ và cưu mang suốt quãng đời còn lại của mình...
Chúng tôi dến vùng Chicago vào đầu mùa xuân, mà mỗi
khi nhớ lại không khỏi tức cười. Bởi còn ngồi ở trại chờ mà vợ chồng con cái
dệt mộng rồi: Sẽ nhìn thấy hồ Chicago nước xanh trong leo lẻo, bầu trời Chicago
trong như lọc, nắng Chicago như trải lụa Hà Đông trên cỏ cây hoa lá tỏa hương,
khoe sắc đẹp muôn màu... hòa cùng những kỳ hương dị thảo hiếm quý khác trên thế
giới được đem đến trồng ở đây... vâng vâng và vâng vâng...
Mười mấy tiếng ngồi máy bay, qua hai chặng tạm dừng,
đó là Nhật, Los Angeles, rồi mới đến phi trường O’Hare của Chicago.
Khi vợ chồng con cái lếch thếch đi ra chỗ đậu xe thì
“Úi giời ơi, lạnh teo phèo teo phổi! Lạnh quíu tay quíu chân, lạnh đến đổi da
thịt như bị đông cứng lại, không còn cảm giác hay không run lập cập được!” Ấy
vậy mà gia đình chúng tôi ở đó gần hai mươi lăm (25) năm. Cho đến khi sắp nhỏ
ra trường đi làm, thì chúng tôi mới có cơ hội rời xa vùng một năm hơn sáu tháng
giá băng tuyết đổ muôn chiều nầy...
Tháng tư năm 2004, gia đình tôi dời qua
miền Bắc của miền Nam nước Mỹ có khí hậu ôn hòa nắng ấm thuộc tiểu bang California.
Thiệt là đỡ thương anh hùng hết sức, chớ mỗi năm người sống ở Illinois phải
đương đầu với giá rét lạnh lùng, tuyết rơi lả chả từ giữa mùa thu sang đến gần
cuối mùa xuân. Giờ nơi tạm cư mới của chúng tôi là California, gần như ấm áp
quanh năm. Sân trước vườn sau của nhà tôi lúc nào cũng cây xanh lá thắm, về mùa
hè có những loại trái lấy giống từ miền nhiệt đới ở Châu Á, đem sang trồng bên
nầy như: Hồng (mềm, giòn), nhãn, ổi, táo tàu, bưởi Biên Hòa, cam hồng mật, xoài
cát đen, chuối xiêm, mận hồng đào...
Cũng nhờ thời tiết California tốt nên dân Á Châu nhứt
là Việt Nam sống nhiều ở vùng nầy. Lâu ngày, chầy tháng họ rủ rê gia đình, bè
bạn... ở miền lạnh dời về đây cư ngụ rất đông, rất đông... Cho nên ở miền Nam tiểu
bang California có thành phố Wesminster, ở miền Bắc có thành phố San Jose dân Việt
Nam nhiều nhứt nhì trên nước Mỹ.
Ai đi qua hai thành phố ở miền Nam nước Mỹ California
đều có nhận xét: “Vào Wesminster, đến San Jose chúng ta sẽ có cảm giác giống y
chang như đi trên phố Sài Gòn, Chợ Lớn năm xưa...”. Vì từ các cơ quan Chánh
quyền, Thương mại, Kỹ Nghệ, Y Tế, Cảnh sát... Nói tóm lại kỹ, nông, công,
thương, binh... mọi ngành nghề trong các cơ sở đều có người Việt Nam làm việc. Còn
các cửa hàng thương mại lớn, nhỏ... đa số do người Việt làm chủ...
Những người lớn tuổi ở Việt Nam di dân qua sống ở hai
thành phố nầy thì khó lòng mà hiểu và nói được tiếng của dân bản xứ... Vì đâu
đâu cũng có người Việt, nói tiếng Việt...
Thí dụ điển hình nhứt như trường hợp anh chị Hai tôi
được con gái rước qua sống ở đây Wesminster hơn tám năm rồi... mà chữ “Hello,
good bye” chị hãy còn lọng cọng lắm! Tôi không khỏi bật cười khi đứa cháu kể
lại: Số là, mặc dù trước khi con dâu Út của anh chị là người Mỹ ở tiểu bang
khác lần đầu tiên đến ra mắt ông bà già chồng, thì con gái, và mấy đứa cháu
ngoại đã dợt kỹ cho chị lắm rồi.
Thế mà thần hoàng thổ địa ơi! Con dâu vừa bước vào cửa
chào. Chị Hai tôi cảm động ứa nước mắt, cười vui vẻ gật đầu, tay vuốt lưng dâu
có vẻ hài lòng lắm, lắm... Rồi chị thân thiện bắt tay con dâu lớn tiếng chào
“Good bye...” Cả nhà đứng gần há hốc miệng? Rồi chồng, con, rể, cháu... ôm bụng
cười ngất nga ngất nghéo, cười bò lăn bò lộn, cười thiếu đều muốn vỡ cả mái
nhà... Chị tôi và cô dâu Mỹ cũng cười theo.
Biết bị chọc quê, chị nguýt chồng con, bảo:
- Tao già rồi
học chữ Mỹ để làm gì, ở đây nhiều người Việt đi đâu cũng có thể nói tiếng của
mình như bên nhà dễ dàng thấy bà, thì học chữ Mỹ, nói tiếng Mỹ chi cho mệt! Bởi
miệng nói còn hai cái tay phải ra dấu phụ thêm thì người ta mới hiểu mình nói
gì... sẽ nhức mỏi phải tốn tiền mua dầu cù-là bóp tay nữa...
Còn hụt hẫng trong tiếng cười, anh rể tôi lắc đầu nhìn
vợ:
- Thôi kệ bả đi,
và tụi bây để coi đây rồi khi con dâu chào mẹ chồng ra về thì bả sẽ giã từ bằng
chữ “Hello... welcome...” cho mà coi...
Thế là cả nhà lại cười thêm một chập nữa... Tôi bỗng nhớ
lại năm rồi có vợ chồng người bạn của phu quân tôi từ nước khác sang chơi. Anh
chị khen các cửa tiệm Việt Nam ở Phước Lộc Thọ lớn, trưng bày các mặt hàng vừa
đẹp vừa sang có thua gì các tiệm Mỹ đâu. Đến khi vào cầu vệ sinh chị ngại không
dám chê lớn, mà nói nhỏ với tôi “nặng mùi... quá!” và thấy thiếu giấy đi cầu,
thiếu giấy trùm bồn cầu để ngồi lên cho sạch... Tôi tìm người có phận sự, nhờ
giúp lấy hộ những thứ cần thiết đó... Nhân viên người ngoại quốc nầy nhanh
nhẹn, mỉm cười trả lời gọn hơ:
- Hết rồi!
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, chưa kịp lên tiếng, thì
ông ta như hiểu ý tươi cười, tiếp:
- Xin lỗi bà
đừng lấy làm lạ, phòng vệ sinh ở chợ nầy thiếu mấy thứ đó là việc hết sức bình
thường, chớ không có gì mới cả...
Mặc dù chúng tôi dời về tiểu bang California, nhưng ở
xa hai thành phố đông người Việt đó. Muốn đến Wesminster phải lái xe mất khoảng
bảy, tám giờ, nên mỗi năm chừng vài lần, vào Hội Chợ Tết Nguyên Đán do sinh
viên tổ chức đông người và vui lắm. Đi đám tiệc hoặc lâu lâu đi ăn quà vì nơi
đó nhiều nhà hàng có cá tôm tươi, nấu ăn ngon và giá rất phải chẳng. Còn San
Jose gần hơn nhưng cũng ba giờ lái xe, chúng tôi hay đi vào những lễ lớn của
cựu quân nhân, cựu tù nhân chánh trị tổ chức như là Ngày Quốc Hận của Việt Nam
(30-4). Ngày Quân Lực 19 tháng 6... Bạn văn thơ ra mắt sách, picnic liên trường
Trung học, đám cưới, nghe các diễn giả nói về một đề tài nào mà chúng tôi thích...
Đã lâu rồi, thỉnh thoảng chúng tôi bảo nhau, nếu có
dịp về vùng San Jose vào sáng thứ bảy thì ghé qua “Cà-phê Lính” Được biết do quý anh cựu quân nhân nơi đó đã mở
gần ba năm... Hôm nay không báo trước, vợ chồng tôi sáng sớm đã khăn áo chỉnh
tề vượt khoảng đường xa gần ba trăm cây số. Nếu tính theo đường bộ thì hôm nay
chúng tôi chỉ đi một bận thôi, tính ra cũng gần bằng đường dài đi từ Mỹ Tho đến
Vũng Tàu, và Vũng Tàu trở về Mỹ Tho. Bởi vậy cho nên đã sửa soạn từ trời còn tờ
mờ, để đến kịp giờ Cà-phê Lính bắt đầu từ tám giờ rưởi (8.30) sáng...
Ra khỏi thành phố Suơng Mùa Yuba City (nơi chúng tôi đang
tạm dung) bắt qua xa lộ. Mất gần hai giờ nữa, qua nhiều ngã rẽ tâm tình mới vào
được xa lộ 680 hướng về San Jose.
Xe bon bon trên đường qua các đồi thấp núi cao lúc xa,
lúc gần... vì có những quãng đường cắt ngang qua núi, sát chân núi... Dốc đồi dáng
núi dưới ánh nắng bình minh có màu xám da chuột, và lác đác chen chúc bên vách
hoặc dưới chân là những cây hoang dã xởn xơ xanh lá vì đã vào mùa xuân... Xe
qua những cánh đồng còn phơi gốc cỏ khô úa vàng, có chỗ dân địa phương cấy,
trồng hoa hướng dương trổ vàng cả vùng rộng lớn mấy chục mẫu đất để nhữ ong lấy
mật. Có chỗ trồng các loại rau, cải bản xứ, trồng bắp, trồng nho để cất rượu...
cây lá xanh dòng rộng, và dài ngút mút mắt. Mặc dù từ năm qua Chánh quyền báo
động California thiếu nước...
Ánh bình minh nhấp nhánh mặt nước hồ, nước trên dòng
sông nhân tạo. Chánh phủ đã đào sông, làm hồ lớn rộng thênh thang chứa nước cho
nhà nông tưới cây, cho nước vào ruộng lúa... Vì thế dù ở chân núi cỏ khô khan
nhưng cây trái vẫn xanh um, cho hoa trái nặng quằn. Ở quanh trên bờ hồ trồng
cây cao bóng mát có băng ngồi... vì dưới hồ chánh phủ còn cho thả cá để dân đến
câu. Nhưng hạn chế mỗi người là bao nhiêu con, và những con cá đó có kích thước
câu được thì đem về. Còn lỡ câu nhầm cá nhỏ hơn kích thước ấn định thì phải thả
trở xuống hồ để nó lớn... Những ngày nóng nực các con tôi ra ngoại ô câu cá về,
chúng kể lại như vậy cho gia đình nghe.
Nhìn bầy chim trời xoãi đôi cánh chập chờn bay lượn
trên bầu trời tự do không bẫy rập, không cung tên của người thợ săn... Nơi đây
không gian thật an bình và trong lành, khiến tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ
ngợi ngậm ngùi và quay quắc nhớ về cố hương quê Nam một cõi! Nơi đó tôi được
sanh ra và lớn... nơi đó có tuổi học trò, thời thanh xuân... Sau khi học nghề xong,
ra bươn chải với đời trong tâm hồn vô tư đầy nhiệt huyết... dưới Chánh Thể Cộng
Hòa tự do, no ấm...
Bỗng phu quân tôi vừa chăm chú lái xe, vừa đều giọng
bảo:
- Thấy dân ở xứ
người ta được Chánh Phủ lo cho mọi thứ, cả nước tưới cây ở đèo heo hút gió núi
non trùng điệp, rồi nhớ về đất nước mà đau lòng xót dạ cho dân mình thiệt tội
nghiệp quá! Sau ngày Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam, chúng rước Tàu cộng vào
dầy mồ mã ông cha, đã gây biết bao nhiêu đau thương tang tóc... Chúng cướp nhà,
giựt của, xung công ruộng đất, tài sản, đổi tiền... để bần cùng hóa dân Việt!
Còn những người trí thức thì bị đày ải để khiến cho họ nhục chí, và giết mòn họ
trong ngục tù cải tạo!
Chàng lại chép miệng thở dài thườn
thượt, tiếp:
- Lòng tham của
con người thiệt là không đáy! Nước Tàu rộng lớn như vậy, dân nghèo đói thấy bà
mà không lo cải tổ giúp đỡ cho dân. Bọn chúng xây mộng bá vương, cố đồng hóa
dân tộc Việt thành Tàu và biến nước Việt Nam thành cái tỉnh hay cái quận của chúng
để cai trị, rồi cướp bóc tài nguyên...
Tôi cũng đồng ý với chồng:
- Anh nói chẳng
sai, sư thật đã rành rành trước mắt! Các nước chư hầu của Tàu cộng là do chúng lấn
chiếm nước láng giềng lân cận gần bên, như là: Đại Lý, Yến, Tần, Hán, sở, Lệ
Giang, Quế Châu... Nghe nói chúng đang giằng co cố chiếm cho được nước Tây Tạng
nữa... Vậy là thời gian không xa nước Tàu sẽ chiếm Việt Nam, cho dù chưa chiếm lấy
thì bọn cầm quyền Cộng sản Việt Nam cũng đem dâng hiến để đền đáp, hoặc để trả
nợ... Bởi ai mà chẳng biết khi Việt cộng ngún ngòi gây chiến với Việt Nam Cộng
Hòa, thì Việt cộng ở miền Bắc đã mời các nước Cộng sản sư phụ vào để tàn sát
chủng tộc từ Bắc xuống Nam... Chúng kể chi việc làm “nồi da sáo thịt” miễn sao ý đồ của chúng thành công cưỡng chiếm
miền Nam và nhuộm đỏ toàn lãnh thổ là đuợc rồi. Nay thì đã thỏa mãn chiếm được toàn
cõi Việt Nam, nên chúng phải đem tài nguyên Quốc Gia, lãnh hải, lãnh thổ như Bản
Giốc, Trường Sa, Hoàng sa... dâng hiến cho bọn Cộng sản đã đánh thuê, giết mướn
dân tộc cho chúng chớ...
Xe đang chạy ngon trớn trên xa lộ đến thành phố San
Jose. Bỗng phu quân tôi bẻ đèn quẹo, rồi cho xe chậm chậm rẽ vào đường King. Tôi
chợt biết đã đến thành phố có mệnh danh rất đẹp là “Thung Lũng Hoa Vàng” Nơi đây còn là cái nôi của Văn Học Nghệ Thuật
và còn là thành đồng vách sắt chống Cộng nữa.
Phu quân tôi liếc vợ mỉm cười, chọc quê:
- Mèn ơi, hễ nghe
nhắc đến Việt cộng là em hằn học liền hà! Bởi vậy có lần nhà văn Hồ Trường An
đã bảo: “Trên đời nầy, bà DTDB không thù ghét ai cả, mà chỉ thù ghét Việt cộng
thôi...”
Nghe chồng nhắc lại tôi gật gật đầu,
cười lỏn lẻn:
-
Không nổi nóng ứa gan, ngứa phổi sao được? Anh xem cả một miền Nam toàn
dân sống dưới Chính Thể Cộng Hòa no ấm, an vui, hạnh phúc... như vậy. Mà Việt
Cộng cùng đồng bọn Cộng sản ào ạt tràn vào cưỡng chiếm, rồi cày tan nát... Mấy
mươi năm cầm quyền và cai trị đất nước còn được những gì? Cái gì cũng “dõm” thuở
nay bắc cầu ngang sông cho xe chạy, xây nhà lầu mà cột đổ xi măng “cốt tre”
thay vì cột sắt! Cây trái, rau cải... dùng toàn hóa chất trong trồng tỉa, trái
mau lớn, mau chín... Đảng thì giàu nức đố vách, tiền bạc phải xây hầm mà chứa,
còn dân thì ôi thôi đói nghèo tận cùng bằng số! Thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ đại
đa số từ gia đình, học đường, ngoài xã hội gian dối, nghiện ngập, cướp của,
giết người như rươi... Thiệt nhớ tới đâu thì tim, gan, phèo phổi nhức nhối quá
đi thôi...
Những gì muốn nói, đã nói ra, tôi như
được sổ hết những ấm ức trong lòng. Phu quân tôi vẫn lái xe và mà mắt chàng
chớp chớp như vương vướng nỗi buồn mênh mông...
Trước mắt tôi là thành phố San Jose đây rồi. Đúng như
mọi người nhận xét “ngựa xe như nước, áo
quần như nêm” khu thương mại của người Á Châu nằm dọc theo những con đường
dài hun hút, có cây cao gie bóng... Bầu trời San Jose hôm nay cao vòi vọi,
trong xanh xa xa đùn những vầng mây trắng lửng lờ bay theo hướng gió. Chim bồ
câu lông xám có cả bầy năm bảy con, chúng rất dạn lắm chẳng sợ gì cả, bay ào ào
trước các xe đang chạy chầm chậm.
Xe chạy qua khu chợ Việt Nam các cửa tiệm lúc nào cũng
đông người bán buôn: các quán ăn, các tiệm bán gia dụng, bán quà tặng, tiệm
bánh, tiệm vàng, áo quần, giầy dép, thời trang.... lúc nào cũng rộn rịp.
Tôi đang thả hồn theo mây gió nhìn trời đất, phố xá cái
nầy nối tiếp cái kia hiển hiện trước mắt, rồi so sánh, rồi hồi tưởng về thời
nhiều mộng đẹp... Nhớ ơi là nhớ, nhớ thương tiếc nuối về phương trời quê hương
mà cảm thấy lòng càng thêm hiu quạnh!
Xe dừng lại, phu quân tôi cười tươi, bảo:
- Tới rồi, đây đúng
là địa chỉ nơi chúng mình muốn đến...
Nhìn quanh ngôi nhà khang trang, nằm
thoải mái một góc ở ngả ba đường, tôi chợt nghĩ thầm: Ngôi nhà trệt, không lầu,
không mới, nhưng khang trang chiếm một vị trí rộng rãi trên mặt tiền của con
đường lớn ở vùng “củi quế gạo châu”
nổi tiếng có giá nhà cao tới tận mây xanh (mắc nhứt nhì nước Mỹ) nầy, thì phải
nói gia chủ rất giỏi...
Còn đang nghĩ ngợi lung tung đúng là tánh đàn bà của
mình, chợt nghe giọng nói vui vẻ vừa lịch sự, vừa khách sáo:
-
Chào anh chị, hân hạnh được tiếp đón... mời anh chị vào! Xin lỗi thấy
anh chị rất quen mặt... xin cho biết quý danh...
Mặc dù phu quân tôi là cựu lính trận
miền xa, nhưng đi đâu ông thường dùng tên “cúng cơm” của vợ để giới thiệu. Cho
dù hôm nay đến họp mặt với mấy ông nhà binh của chàng cũng vậy! Tôi đứng gần
chồng không nói gì, nhưng trong bụng cũng khoái chí lắm, và ngầm nở phồng mũi
với chồng và bọn ranh con mình! Bởi trong nhà, chồng và các con luôn nghĩ tôi
là bà nội trợ “dở hơi” (nấu ăn dở ẹt) không hơn không kém! Tôi không thể chối
cãi được, vì sự thật rất đúng! Nhưng tui không ưa cha con họ nghĩ như vậy... thế
mới tức cười chớ!
Mở cửa bước vào, sau hậu viên, phía mái
tây hiên của ngôi Cổ Nguyệt Đường. Ngồi hai hàng dọc theo những chiếc bàn dài
ghép lại, khoảng sáu mươi (60) nam nhân và một ít phụ nữ. Các anh đại đa số là
cựu quân nhân các binh chủng, trong Quân lực Nam Cộng Hòa ngày xưa. Người giới
thiệu rất tế nhị là các anh, các chị ở binh chủng nào, công tác ở đâu... chớ
không giới thiệu chức vị! Trên bàn dài có cà-phê, nước trà, bánh ngọt, bánh
xu-xê, pa-tê-sô chầu quảy, bánh tiêu, bánh bò, xôi... trước mặt mọi người. Nói
tóm lại đó là những thức ăn nhẹ cho bữa ăn sáng, và sát vách trên chiếc bàn dài
có bình nấu bằng điện, nước lúc nào cũng sôi sùng sục, cà-phê bột (instant)
quậy uống liền, có sữa hộp (sửa bò) sữa bột, đường, trà... Để ai thích thì cứ
tự nhiên pha cho vừa miệng mà uống.
Tôi được biết anh Nguyễn Hữu Nhân đương
kiêm “Chủ Tịch Liên Trường Sĩ Quan Trừ Bị
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và một số anh em cựu quân nhân có sáng kiến tổ
chức Ca-Phê Lính cho biết là: Cứ hai sáng thứ bảy một lần trong mỗi tháng có Cà-phê
Linh, và hiện hữu liên tục ở San Jose hơn ba năm qua. Lúc đầu chưa ai biết nên
chỉ năm mười người, bây giờ thì mỗi buổi thứ bảy Ca-phê Lính có hơn sáu bảy
chục anh em đến dự trong tinh thần hết sức vui vẻ...
Theo anh Nguyễn Hữu Nhân mục đích mở “Cà-Phê Lính” là
để các anh có thời gian rổi rãnh, có chỗ yên tịnh gặp nhau cuối tuần. Các anh
có thể chia ngọt, sẻ bùi, hàn huyên tâm sự... Các anh kể cho nhau nghe những chuyện
ngày xưa, thời son trẻ, thuở còn trong quân ngũ, lúc bị giặc bắt cãi tạo tù đày,
những tin tức về hiện tình đất nước ở cố hương, ở hải ngoại của cộng đồng người
Việt khắp nơi trên thế giới. Và không ai (trừ chị nhà) cấm các anh kể chuyện
tình đôi mươi: cô áo Hường, cô áo Tím, cô áo Trắng, cô áo Xanh... Mỗi bến mỗi
tình của một thời thanh xuân... bởi vì anh là lính đa tình, bởi vì anh là lính xa
nhà... đó mà! Các anh em có thể giúp đỡ, an ủi trong tình “huynh đệ chi binh” giữa các cựu quân nhân, thương phế binh Việt
Nam Cộng Hòa ở trong vùng, còn kẹt bên kia bức màn tre... hay đang tạm dung ở
xứ khác... Thí dụ, như thỉnh thoảng các bạn đến Ca-phê Lính biết có việc... cần
giúp đỡ, thì anh em tự động đâu đậu lại chớ không có sự kêu gọi, hoặc khuyên
đóng góp... Cà-phê Lính độc lập, không phân biệt binh chủng, không dính liếu hoặc
bị ràng buộc hay chi phối với bất cứ hội đoàn, đoàn thể hay cá nhân nào... Mọi
người đến với Cà-phê Lính sáng thứ bảy, không phải trả tiền hoặc đóng góp một
lệ phí nhỏ nào trong việc uống ăn buổi sáng hôm đó...
Tôi hơi khựng và tò mò tự hỏi, không phải trả tiền thì
ai đã mua sắm những món bánh, trái, trà, cà-phê, nước trái cây, rồi khăn giấy,
ly, dĩa giấy, còn muỗng, nỉa... và còn nhiều thứ khác nữa chi?
Được anh Nguyễn Đình Cai là một trong những anh chị mở
Cà-Phê Lính, vui vẻ cho biết:
- Nơi chúng ta
đang ngồi, là nhờ chị Nguyễn Hữu Nhân bỏ tiền túi sửa chữa, lợp mái, tráng nền
sạch sẽ, trang trí đẹp... Các anh em trong Cà-phê Lính đâu đậu tiền mua truyền
hình lớn sáu bảy chục in (inches), cùng hai ba thứ máy phụ thuộc... để xem tin
tức, nghe nhạc lính, thông báo... Còn các món ăn, các nước uống... và mọi thứ linh
tinh là do quý anh chị đem đến để hưởng dụng chung trong Cà-phê Lính... Từ mở
Cà-phê Lính tới giờ chưa bao giờ thiếu... Có lúc bánh trái còn nhiều quá phải “năn
nỉ” mấy chị chia nhau đem về nhà dùm...
Ngồi đối diện người đầu tiên bắt
chuyện với tôi:
-
Nầy chị Diễm, tôi nhớ cách nay khoảng bảy, tám năm gặp chị một lần trong
dịp lễ “Ngày Quân Lực 19 tháng 6” thì
phải, chị còn nhớ không?
Tôi nhíu mày cố nhớ lại, nhưng cười
trừ lắc đầu! Anh cũng cười, bảo:
-
Lúc đó chị có tặng tôi quyển sách, và hỏi tôi tên gì để viết tặng. Nghe
bảo tôi tên “Hùng Sùi” thì chị buông sách cười lớn “Tên Hùng đã đẹp quá chừng rồi,
sao anh còn cho kéo rờ-mọt thêm Sùi chi vậy...?” tôi cũng cười trừ! Và hôm nay
anh em mình có duyên gặp lại, xin trả lời với chị là ngày xưa, lúc đó tôi khỏe
mạnh nên “sùi” giờ ngoài tám mươi thì “sùi” hết nổi rồi chị ơi...
Mọi người nghe anh Hùng nói vỗ tay
cười lớn. Anh Hùng nheo mắt cười lí lắc, bảo với tôi:
-
Bây giờ tôi xin hỏi lại chị, tên “Diễm” là đẹp rồi sao còn có chữ Buồn
nữa vậy chị Diễm?
Tôi giựt mình bị anh hỏi bất ngờ! Và
quý vị ngồi đây đang đổ vồn mắt nhìn chờ câu trả lời kìa! Tôi cố tạo nở nụ cười
“tàn nhẫn” lấy lại bình tỉnh, và bắt qua chuyện khác nói trớ để lờ câu anh hỏi:
- Tôi nhớ ra
rồi... và hình như anh hỏi tôi có quen với anh Trần quốc Lịch không? Tôi trả
lời, tôi là bạn với em gái anh Lịch, lúc đi đám cưới con chị ấy, có gia đình
anh Lịch dự nữa... chỉ đã giới thiệu chúng tôi với anh chị Lịch... Ờ bây giờ anh
chị Lịch ở đâu vậy anh Hùng... Sùi?
- Ổng ở quận
Cam. Mấy mươi năm từ 30 tháng tư đến giờ, chúng tôi người nào cũng có tuổi hết
rồi. Ông Lịch cũng vậy ốm yếu chớ không còn phong độ như xưa... À chị viết
lách, vậy mà có biết Văn Quang không?
- Anh Văn Quang
“Chân Trời Tím” phải không? Dạ có,
nhưng “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”
thỉnh thoảng có điện thư thăm chớ chưa gặp lần nào... Vì tôi mới quen anh Văn
Quang sau nầy thôi, chớ khi anh Văn Quang thành danh thì tôi còn là học trò.
Tôi có đọc truyện và xem phim mà truyện phim anh Văn Quang là tác giả... Anh có
hay liên lạc với anh Văn Quang không?
- Có, chúng tôi
email hoặc điện thoại hà rầm hà chị ơi... Nhưng chị vẫn chưa trả lời tôi vì sao
có tên “Buồn”...
Định lướt qua nhưng không được rồi,
tôi đành phải ậm ự trả lời:
- Có nhiều thứ
buồn lắm anh Hùng ơi! Vì Việt cộng tràn vào bỏ nước chạy trối chết, vượt biên
thừa chết thiếu sống, thì không buồn sao được? Còn nếu “tôi buồn không biết vì sao tôi buồn” lý do nầy thì trả lời không được
rồi đó anh Hùng!
Trong lúc nói chuyện khào, anh Nguyên bảo anh “Hùng
Sùi” tên là Nguyễn Mộng Hùng, ngày xưa là tài tử đóng phim... Rồi chị Thu Tâm
ngâm tao đàn, bài thơ lính ngọt ngào như mía lùi, như đường cát, mát như đường
phèn... Chị Khánh Hà mời ra mắt CD thơ. Anh Bảo Tố báo cho biết nhiếp ảnh gia
Nguyễn Ngọc Hạnh giờ yếu lắm! Anh còn cho mọi người biết ngày giờ và địa điểm
triển lãm ảnh của ông Nguyễn Ngọc Hạnh, để anh chị đến dự và thăm ổng luôn...
Tôi chợt nhớ có viết bài khi xem ảnh của bác Nguyễn
Ngọc Hạnh, triển lãm ở Chicago gần hai mươi năm trước! Lúc đó tôi được nghe bác
kể trong màn lệ mỏng, trường hợp nào bác có được tác phẩm “Cát Bụi”. Cảm nhận được tâm tình của bác đối với đồng đội, tôi viết
bài “Tình Chiến Hữu” Đó là một trong
những bài thơ tôi ưng ý nhứt.
TÌNH CHIẾN HỮU
Cảm
đề tác phẩm“Cát Bụi”
Của nhiếp
ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh
DTDB
Tôi quen anh trong quân trường Thủ Đức
Hai đứa cận kề, giường dưới giường trên
Anh chôn nhau cắt rúng ở Hưng Yên
Phải bỏ xứ từ Bắc Nam chia cắt
Lúc di cư cha anh bị giặc bắt
Chẳng tin về, sống chết biết ra sao?
Nhắc chuyện xưa mẹ nức nở nghẹn ngào
Buổi tái hợp, vẫn còn xa vời vợi
Ra đơn vị, anh về miền Đồng Hới
Tôi toán quân Biệt Kích sống tung hoành
Khi Đồng Xoài, lúc Chương Thiện, Khe Sanh
Sáng Giồng Trôm, chiều Bà Bèo, Long Định
Tình chiến hữu làm đẹp tâm hồn lính
Vui bất ngờ có lần gặp lại anh
Khi quân về quét giặc ở Phước Thành
Vùng xôi đậu, chiến khu Đ của địch
Đêm tao ngộ, hàn huyên chưa thỏa thích
Pháo giặc bừa, bao đồng đội thương vong
Anh cõng tôi vượt mìn, bẫy, hầm chông
Ra quốc lộ, chờ trực thăng vận chuyển
Ngày tháng dài dưỡng thương quân y viện
Tôi gẫm đời như tơ nắng mong manh
Mạng sống lung lay trên nước chiến tranh
Lòng ái quốc mới thật là vĩnh cữu…
Dạ trung kiên tự bao đời hiện hữu
Tạo cho người tiết tháo đẹp vô biên
Yêu nước, thương nòi, đọc sách thánh hiền
Ơn người trước sáng ngời lòng dũng cảm
Rời bệnh viện, tôi ra miền Thạch Hãn
Bước chinh nhân đường bôn tập cheo leo
Khi dừng chân cắm trại dưới chân đèo
Khi giải nắng vượt qua vùng cát trắng
Anh ngã gục giữa một chiều tắt nắng!
Khi lọt vòng Tam Giác Sắt miền Đông
Vợ của anh không tìm được xác chồng
Vẫn tưởng niệm quấn vành khăn tang trắng
Hai năm sau, trong tình cờ cay đắng
Tôi gặp anh không trọn vẹn hình hài
Máu thịt khô còn bám tấm thẻ bài
Tên họ với số quân còn rõ nét!
Anh nằm đó, trải mưa dầm gió rét!
Thịt rã tan ngấm đất, bón cây lành
Cho hoa tươi, cho
chồi lá thêm xanh
Xin cầu nguyện anh
về miền vĩnh độ
Ở nơi đó không hận
thù, thống khổ
Có mùa xuân vĩnh
viễn đẹp huy hoàng
Có tình thương và
hạnh phúc miên man
Hoa nhân ái trong
lòng người nở rộ...
Khắc bia cây, đá chất thành nấm mộ
Nén hương lòng âm
ỉ thắp tim tôi
Nhớ mắt anh ngày
mãn khóa sáng ngời
Thao trường vọng
lời: “Trừ gian diệt bạo!”
Anh nằm
đó hay bên giòng Nhật Tảo
Dưới Trường Sơn
hay nhánh cuối Cửu Long
Ải Địa Đầu, vùng
Cực Bắc Phước Long
Đâu đâu cũng vẫn
trong lòng đất Việt
Tôi giở
nón, nổ súng chào giã biệt
Bước quân hành
mong ta được bên nhau
Đường đấu tranh
gian khổ, tôi tự hào
Có hồn phách anh
linh người chiến hữu!
Hôm nay chúng tôi đổ đường xa đến với “Cà-phê Lính” vì
chàng của tôi là cựu chiến binh. Và chính tôi cũng muốn tìm lại hương vị xa xưa
của “Thuở nước non trong thời chinh
chiến/ Làm vợ lính nhiều nỗi gian nan...”
Và
lời người xưa có nói: “Trong thế
giới đầy đau khổ này luôn có niềm hy vọng. Và nó bắt đầu với mỗi người trong
chúng ta. Hãy làm những điều tốt đẹp dù lớn dù nhỏ... ngay hôm nay để bạn sẽ
không bao giờ phải hối tiếc”.
Trong
tôi sự thật đúng như vậy! Nếu không đến Cà-phê Lính thì chúng tôi đâu có gặp và
biết đồng khóa với nhà tôi như là anh Nguyễn Hữu Nhân, anh Huyền cùng binh
chủng “Sư Đoàn 21 BB” có mệnh danh là “Sét Miền Tây” chiến thắng U Minh Rừng!
Tôi gặp lại vợ chồng chị Giàu anh Vo ở gần nhà và chị học chung trường nữ Trung
học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ với tôi thuở xa xưa... Mà những ngày thơ mộng dấu yêu
đó, mỗi lần gặp nhau, nhứt là ông anh thân mến của tôi (khoái chị Giàu lắm...)
nhưng anh là học trò hay mắc cỡ, chỉ đứng xa xa nhìn và len lén lõm bõm sửa lời
bài hát của người ta, ngân nga: “Nhà tôi
sau nhà người em gái, cách nhau con đường dài...”.
Chân thành cảm ơn ban khởi xướng có thiện ý đẹp đã tổ
chức “Cà-phê Lính” San Jose. Cảm ơn quý anh chị Nguyễn Hữu Nhân, cảm
ơn những người vợ lính trong thời gian chồng tại ngũ, khi bị Việt cộng đày đọa
trong ngục tù cải tạo... Nay đến xứ người quý chị lúc nào cũng trước sao, sau
vậy, cảm thông và hết lòng vì chồng là lính, là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa.
Thung Lũng Sương Mù, Yuba City
Tệ Xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM
BUỒN
Trong tuyển tập văn “Giọt
Sương Long Lanh” phát hành 2015
Email: dtdbuon@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét