Mùa Xuân với những cánh đồng ở những vùng Nông Thôn của nước Việt, vốn là nguồn cảm hứng bao đời, đã làm rung động những tâm hồn của các thi nhân, để họ vẽ lên thành những bức tranh với những nét điểm xuyết thật tuyệt vời qua các tác giả của nền văn học Việt Nam từ Thi - Ca, đến những câu đồng dao, ca dao…, dù mộc mạc hay văn chương như Lưu Thủy Hành Vân; nhưng tất cả đã cho hậu thế biết đến cả một kho tàng văn hóa của tiền nhân để lại.
Và trong kho tàng văn chương vĩ đại ấy, thì trước hết, có lẽ trong chúng ta đều đã biết Thi hào Nguyễn Du với những vần thơ Xuân:
Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
………
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao giòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ suối ghềnh bắc ngang.
Những phong cảnh hữu tình của mùa Xuân ấy, qua nét bút của Nguyễn Du với những con én liệng “đưa thoi” giữa khung Trời Xuân, còn ở dưới đất của vùng Nông Thôn kia là một vùng “Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Vùng Nông Thôn đó, khi bước dần theo con suối nhỏ “tiểu khê”, dưới giòng nước uốn quanh, là chiếc cầu nho nhỏ được bắc ngang “suối ghềnh”, để cho những trai làng, gái quê, mỗi lần đến đó, sẽ còn in “dấu giày” trên chiếc “cầu Lam” trong một lần đã cùng nhau soi bóng nước:
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Nhưng nếu nói về thơ của Thi hào Nguyễn Du, thì đã có rất nhiều vị đã viết rồi, nên người viết chỉ nói qua về “Ngày Xuân con én đưa thoi” mà thôi. Và bây giờ, xin phải lướt qua những bài thơ Xuân của các thi sĩ khác như Lưu Trọng Lư đã viết về “vùng Giáp Mộ”, “Trong gian nhà cỏ” có cô thôn nữ ngồi quay tơ, có “chàng ngâm thơ” hòa với tiếng oanh vàng ở vườn sau “giục giã” với: Xuân về:
Năm vừa rồi
Chàng cùng tôi
Nơi vùng Giáp Mộ
Trong gian nhà cỏ
Tôi quay tơ,
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh giục giã,
Nhìn ra hoa đua nở
Dừng tay tôi kêu chàng
Này, này ! bạn ! Xuân sang
Chàng cùng tôi
Nơi vùng Giáp Mộ
Trong gian nhà cỏ
Tôi quay tơ,
Chàng ngâm thơ
Vườn sau oanh giục giã,
Nhìn ra hoa đua nở
Dừng tay tôi kêu chàng
Này, này ! bạn ! Xuân sang
…………
Người thơ Lưu Trọng Lư, đã tả về cảnh “quay tơ”, khiến cho người viết nhớ lại một thưở ấu thơ với hình ảnh của Mẹ ngồi bên khung cửi quay tơ, những lần theo chị ra vườn tập hái những chiếc lá dâu bỏ vào chiếc giỏ, đem về cho Mẹ và chị thái nhỏ, để rắc lên mấy nong tằm, hoặc bỏ nguyên cả lá vào nong, khi những con tằm đã lớn. Hình ảnh này, cũng làm cho người viết nhớ lại những câu ca dao:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
Quay tơ phải giữ mối tơ,
Dù năm bảy mối, cũng chờ (một) mối anh.
Nông Thôn, là những vùng ở làng quê của nước Việt. Ở đấy, có những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, những nương dâu, vườn tiêu, vườn quế, vườn cau, vườn chè… cùng ngàn cây soi bóng xuống những giòng suối trong xanh, hòa với những tiếng hót của những bầy chim rừng, đã khiến cho biết bao thi nhân hết lời ca tụng; bởi ở đó, tạo hóa đã ban cho những bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ, tuyệt vời, mà nhân loại không bao giờ có thể thay thế.
Nguyễn Bính, là một trong những thi nhân tiền chiến, người chỉ yêu Nông Thôn hơn tất cả khi đã viết:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với đôi mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.
Người thơ Nguyễn Bính chỉ muốn giữ lại cái “hương đồng cỏ nội”, là mùi thơm nguyên thủy của hoa cỏ đồng quê, mà một thưở xa xưa, khi chưa có được chiếc gương để soi mặt, thì những nàng Sơn Nữ với chiếc thắt lưng xanh nghiêng mình duyên dáng bên giòng suối, để soi bóng mình, để người nghệ sĩ một sớm tình cờ trông thấy, đã viết thành những bản tình ca, những bài thơ, đã đi vào lòng muôn người, bất tử:
Lối đỏ như son tới xóm dừa,
Ngang đầu đã điểm hạt mưa thưa,
Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá,
Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?
Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên,
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn,
Xót xa một buổi soi gương cũ,
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền.
Chẳng đợi mà sao Xuân cứ sang,
Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng.
Sáng nay sực tỉnh sầu đô thị,
Tôi đã về đây rất vội vàng.
Ở đây vô số những trời xanh,
Và một con sông chảy rất lành,
Và những tâm hồn nghe rất đẹp,
Cùng chung sống dưới mái nhà tranh.
Sao chẳng về đây múc nước sông,
Tưới cho những luống có hoa trồng?
Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở,
Phô nhụy vàng hây với cánh nhung.
Sao chẳng về đây bắt bướm vàng,
Nhốt vào tay áo, đợi Xuân sang,
Thả ra cho bướm xem hoa nở,
Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương?
Sao chẳng về đây có bạn hiền,
Có hương, có sắc, có thiên nhiên,
Sống vào giản dị, ra tươi sáng,
Tìm thấy cho lòng một cảnh tiên?
.........
Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài,
Giữa nơi thành thị gió mưa phai.
Chết dần từng nấc, rồi mai mốt,
Chết cả mùa Xuân, chết cả đời?!
Xuân đã sang rồi, em có hay,
Tình Xuân chan chứa, ý Xuân đầy.
Kinh kỳ bụi quá, Xuân không đến,
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?
(Nguyễn Bính: Sao chẳng về đây)
Mùa Xuân là cả một mùa xanh
Giời (Trời) ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở,
Ðồng nàng và lúa ở đồng quanh.
Giời (Trời) ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở,
Ðồng nàng và lúa ở đồng quanh.
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh,
Tôi đợi người yêu đến tự tình.
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy,
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
Tôi đợi người yêu đến tự tình.
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy,
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
(Nguyễn Bính: Mùa Xuân xanh)
Nông Thôn, với những mái nhà tranh, sóng cỏ xanh, giàn thiên lý, và giọng hát vút cao của cô thôn nữ trên những đồi sim, hay gánh thóc “Dọc bờ sông trắng nắng chanh chang...” trongMùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử:
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng Xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
………
Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
“Chị ấy, năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang…
Mùa Xuân, với những cành tơ, lá ngọc, nắng và gió của mùa Xuân vờn lên những chùm hoa soan tim tím, hôn lên mái tóc, tô nét đôi mày đẹp thật tự nhiên, không tô vẽ, không phấn son… với ước vọng về một tương lai hứa hẹn sẽ cùng nhau sánh duyên cầm sắt, để trọn đời, là những mùa Xuân tràn đầy hạnh phúc, như “Ta vẫn còn nguyên hiện tại này”. Hãy “nghe” Đinh Hùng với Hy vọng chiều Xuân:
Vì em cho phép buổi giao thân,
Hy vọng ngày xưa đã sắp gần.
Màu tím hoa xoan - ôi hứa hẹn,
Cành tơ, lá ngọc, nắng chiều Xuân.
Em nhớ làm chi hờn giận qua ?!
Hôm nay hội ý, nắng sang nhà.
Xuân kia để lỡ mươi ngày trước,
Đã sắp xa lòng hai chúng ta!
Giấc mộng chiều nao vắng bóng anh,
Mắt em như nắng giãi hoang thành.
Hồng lên má phấn, hoa bừng tỉnh,
Xuân với em vừa lả tóc xanh.
Em hãy cười như thủa mới quen,
Trời xanh trao khóe mắt như thuyền.
Hàm răng hé nửa chiều hy vọng,
Xuân cũng nghiêng vai ước mộng hiền.
Thấp thoáng linh hồn nắng viễn du,
Nắng thơm hôn mái tóc tình cờ.
Chiều vương từng cánh hoa e lệ,
Gió bướm tung màu áo trẻ thơ.
Em hãy nhìn như thủa mới say,
Màu Xuân tô vệt nắng đôi mày.
Rung rung vai nhỏ gầy thương nhớ,
Ta vẫn còn nguyên hiện tại này.
Cành tơ, lá ngọc cũng tương thân,
Hạnh phúc ngày Xuân đã tới gần.
Đầu ngọn cây xoan, con bướm lượn,
Hoa màu hy vọng, nắng chiều Xuân.
Nhưng nếu đa số các thi nhân ca tụng mùa Xuân, thì người thơ Bàng Bá Lân đã ca tụng cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, và suốt cả từ buổi sáng, trưa, chiều, những đêm trăng sáng, những ngày Xuân “lúa chín thơm đưa”, những ngày nắng Hạ, những chiều Thu có “mây vàng êm trôi”, và ngày Đông dưới những cơn mưa, mọi lúc, mọi nơi, tất cả đều đẹp dưới khung trời của những vùng Nông Thôn êm đềm như bài thơ Cồng Làng:
Chiều hôm hóng mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi.
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn,
Ráng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc véo von chim chào.
Cổng làng rộng mở ồn ào,
Nông phu lửng thửng đi vào nắng mai.
Trưa Hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con.
Cổng làng vài chị gái non,
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.
Những khi gió tạnh mưa buồn,
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.
Nhưng khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.
Ngày Xuân lúa chín thơm đưa…
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng.
Mừng Xuân ngày hội cổng làng,
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.
Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng,
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
Người dân quê, ở những vùng Nông Thôn, với những tâm hồn nhân hậu, thuần phác. Họ là tác giả vô danh của những câu ca dao, mà xem ra chưa chắc thua kém của các tác giả được gọi là “văn chương bác học”, mà sau đó, đã biến thành những điệu hò, câu hát… Riêng nhạc sĩ Văn Cao đã viết về Bến xuân một cách thật trọn vẹn và tuyệt vời, qua hình ảnh người thôn nữ đã đến (gặp) ông giữa “Lũ chim rừng hợp đàn trên khắp Bến Xuân”. Ở đó, có từng đôi chim rung cánh, có cành đào khoe sắc trong nắng Xuân, có mây, núi, đồi chập chùng, có hàng tơ liễu hong vàng trong nắng, cho người thơ phải đưa “Hồn mùa ngây nhất trầm hương” để nương theo cánh gió “Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi”, khiến cho con chim én cũng phải “ghen” với những “lời âu yếm”… Nhưng rồi căn nhà, chiếc cầu cũng phải buồn, phải ngơ ngác khi đã vắng bóng người thôn nữ mà tác giả đã từng hạnh ngộ “bên chiếc cầu soi bóng nước” năm xưa, để “lệ phải rơi trên lá” còn người thì “Lần bước phiêu du về bến cũ” để chỉ còn biết “Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn Bến Xuân:
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hoà!
Chim reo thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hoà!
Chim reo thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân
Những mùa Xuân của Thi hào Nguyễn Du, của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bàng Bá Lân… tất cả đều viết về những phong cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, ở những vùng Nông Thôn, những giòng suối, cánh rừng, tơ liễu rủ, đồng lúa, chim muông… Họ không ca tụng thành thị, vì nơi ấy, chỉ toàn là xi-măng cốt sắt, không thể khiến cho tâm hồn của họ phải rung động, để ca tụng những nhà máy, tòa cao ốc, cần trục, lò nguyên tử được.
Chính vì thế, chỉ có những “đồng chí” Cộng sản, hoặc là cùng “trường phái” Đỏ với Tố Hữu, nên mới dám đem hai chữ Nông Thôn ra để chế nhạo người khác. Những kẻ ấy, đãvô Tri và bất Trí, nên không biết rằng: Chính tổ tiên của người Việt đã từng sống bằng nghề lúa nước, trước cả người Tầu và các sắc dân tộc khác tại Châu Á. Họ đã xúc phạm đển chính tổ tiên của nòi giống Việt, đồng thời, họ cũng chế nhạo ngay chính cả tổ tiên, dòng tộc của chính họ nữa!
Trở lại với những kẻ là “đồng chí” Cộng sản hoặc cùng “trường phái” Đỏ với Tố Hữu, ngoài việc đem Nông Thôn ra để chế nhạo người khác, thì họ còn quyết đi theo “dấu chân” của Tố Hữu như một bài thơ Đỏ, đã ca tụng “cô gái Ba Lan”. Xin trích lại một đoạn ngắn trong bài “thơ” ấy như sau:
“Nắng trên cao cần trục xây nhà,
Nắng lưng tàu phất phới đi xa.
Nắng đỏ ngực anh người thủy thủ,
Đẹp như lò Nô-va Hu ta.”
(Cộng sảnTố Hữu: Em ơi, Ba Lan)
Trên đây, là những mùa Xuân qua thi ca của các tác giả nổi danh một thời; nhưng phải trừ ra bài thơ Đỏ của Tố Hữu cũng như những “đồng chí” của ông ta, đã được đảng Cộng sản đưa ra hải ngoại, xâm nhập vào nhiều tổ chức… đặc biệt là lãnh vực tuyền thông, những kẻ này không chống Cộng, mà chỉ để hoạt động tuyên truyền cho Cộng sản một cách tinh vi, theo chỉ thị của Hà Nội!
Và bây giờ, để trở lại với mùa Xuân. Một lần nữa, người viết xin được nói qua về những mùa Xuân trên quê hương cũ, nơi đã lưu dấu bước chân của mình vào một thời thơ ấu, với căn nhà xưa, con ngõ dài lát đá xanh, mà người viết đã hồi tưởng qua bài: Những mùa Xuân qua, hiện vẫn còn lưu giữ trên trang Web Hồn Việt UK online: http://hon-viet.co.uk
Ở nơi ấy, làng Thạnh Bình, một vùng Nông Thôn khác hẳn với những vùng quê khác. Bởi vùng đất này, trước kia không hề có người Kinh, mà chỉ toàn là người Chăm và các dân tộc thiểu số. Nhưng kể từ thời Chúa Nguyễn Hoàng, đã có một số đồng bào từ đất Bắc đã đến đây, họ đi theo phong trào Nam tiến. Và sau khi thấy người Kinh đến lập nghiệp đông đảo, thì đồng bào các sắc tộc thiểu số, họ đã bỏ làng, cùng nhau lên những vùng cao, để sinh sống bằng nghề trổng tỉa trên các nương rẫy. Cho đến sau Hiệp định Genève, 20/7/1954, lại có thêm những đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Ban đầu họ đã dừng chân ở những vùng đất khác tại miền Trung, nhưng sau đó, họ đã đến nơi này lập nghiệp, trong số ấy, có Ông Cố của người viết, Người đã từ đất Bắc mang theo 11 người con, gồm 10 Ông trai và một Bà gái út, đã dừng chân định cư tại đất Quy Nhơn, nhưng sau một chuyến đi xa và đến vùng đất Thạnh Bình, thấy phong cảnh hữu tình, đất đai tươi tốt, nên Ông Nội của người viết, là anh cả, đã trở về Quy Nhơn và dắt theo ba Ông trai và một Bà gái út đến Thạnh Bình để lập nghiệp. Nhưng cho đến bây giờ, thì đại gia đình họ Trần của người viết, trong số đó, có một số đông lớp trẻ tuổi có học vấn cao đã phải xa quê, để làm việc và đã “định cư” ở Sài Gòn, Vũng Tàu… chỉ trừ một số ít còn ở lại đất Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Nam. Song dù ở bất cứ nơi đâu, tất cả đều hướng về đất Quy Nhơn, vì nơi ấy, còn có bảy người Ông, là em trai ruột của Ông Nội người viết, dù rằng các Ông Bà đã không còn trên cõi đời này nữa!
Và đó, là một cơ duyên, để người viết được ra đời trên mảnh đất của làng Thạnh Bình, Tiên Phước, Quảng Nam, để trong những tháng năm trước mười tuổi, người viết đã được sống bên cạnh những đồng lúa xanh tươi, những nương dâu, vườn quế, vườn tiêu, vườn chè, vườn cau… Một vùng Nông Thôn tại miền Trung, nhưng đất cày lên không sỏi đá, trổng tỉa không cần phải gánh nước để tưới như các vùng quê khác; bởi tạo hóa đã ban cho làng Thạnh Bình, một vùng đất quanh năm mưa nắng thuận hòa, đất đai mầu mỡ do phù sa của giòng sông Đá Giăng mang đến. Một con sông của một thời nhỏ dại, mà chính người viết đã được ngâm mình dưới giòng nước mát trong xanh giữa những trưa Hè, dưới ánh nắng vàng, bên những rừng hoa Dã Quỳ rực rỡ mọc chạy dài trên bờ cỏ ven sông.
Đá Giăng: giòng sông tuổi nhỏ
Người viết cũng sẽ không bao giờ quên, một thời thơ ấu, với những buổi chiều ngồi trên con ngõ dài lát đá xanh của nhà mình, nhặt những chiếc lá mít màu vàng đỏ, để làm “tiền” mua bán với trẻ con hàng xóm, hoặc nhặt những bông hoa gạo mầu đỏ tươi, đem kết thành vòng tròn mang vào cổ, lúc ấy, dù còn bé, nhưng đã thích hoa gạo, vì đã đọc được bốn câu thơ của Nguyễn Bính:
Anh đã từng đi khắp bốn phương,
Tháng hai anh thấy ở trên đường.
Những hoa gạo đỏ như màu máu,
Như máu của người lính tử thương!
Và cuối cùng, người viết xin gửi về làng cũ, với những dòng chân quê, mộc mạc, xem như một lời cầu chúc đầu Xuân. Xin cho mọi nhà đều được bằng an trong vòng tay của Đấng Tạo Hóa:
Tôi ra đời ở đó,
Tiên Phước trầm cung mơ.
Tôi yêu từng cây cỏ,
Tình quê hiền đơn sơ.
Những ngày Xuân mây tạnh,
Chiều Hè trên nương dâu.
Đồi Thu mùa sim chín,
Đông về dưới đồng sâu.
Bốn mùa cây hoa lá,
Ngõ Đá cài sương mơ.
Ru hồn người đi qua,
Dẫu một lần vẫn nhớ!
Ôi! giòng sông tuổi nhỏ,
Đá Giăng sầu chân ai.
Khi từng in dấu bước,
Trên cỏ mềm sương mai.
Nắng chiều rơi trên cao,
Dưới hiên nhà bên võng.
Bà mẹ quê chất phác,
Ngọt ngào câu ca dao:
Từ ngày chinh chiến thê lương,
Lệ rơi máu đổ mà thương dân mình!
Lời ru vang xóm Vườn Đình,
Mênh mông trời bể nặng tình nước non!
Tôi ra đời ở đó,
Tiên Phước trầm cung mơ.
Tôi yêu từng cây cỏ,
Tình quê hiền đơn sơ!
Những lời quê mùa mộc mạc ở trên đây, là tâm tình của đứa con xa quê. Xin gửi theo gió mây, với ước mong sẽ “bay” về một vùng Nông Thôn của làng Thạnh Bình đầy dấu ái nơi chốn cũ, quê xưa, vì người viết không biết đến bao giờ mới trở lại, để được nhìn thấy con Ngõ Đá đầy kỷ niệm của ngày xưa, bên cạnh khu đồi Vườn Đình, với những hàng cây xanh in bóng xuống một giòng suối uốn mình chảy quanh. Suối và rừng muôn đời thủy chung, mà người đời đã gắn liền hai chữ Lâm-Tuyền thơ mộng. Riêng người viết, thì dẫu cho trăm nhớ ngàn thương, song có lẽ người viết cũng chưa thể trở về để thăm lại con Ngõ Đá và giòng sông Đá Giăng của những ngày xưa dấu ái!
Ngõ Đá nổi tiếng của vùng đất Nông Thôn, làng Thạnh Bình
Xin đa tạ quý vị đồng hương, vì biết người viết chưa thể trở lại quê nhà, nên đã gửi cho những tấm hình của con Ngõ Đá, và giòng sông Đá Giăng của làng xưa, xóm cũ. Xin đa tạ tất cả những thâm tình của những người quê và vùng đất Nông Thôn Thạnh Bình, đã hun đúc nên những người con vốn đã được chào đời ở đó, với tâm hồn biết yêu quê hương đất nước, dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào; nhưng tất cả đều mang theo những luyến thương vô bờ bến. Đặc biệt, mỗi mùa Xuân đến, những người con của đất Thạnh Bình ở khắp bốn phương Trời, chắc chắn sẽ cùng sống lại với những kỷ niệm êm đềm, thân ái của một thời xa xưa nơi Cố Lý!
Paris, Mùng một Tết Giáp Ngọ, 2014.
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét