Giải tỏa trước khi có dự án, đưa ngư dân lên núi, đưa cả một giáo xứ lâu đời đến một nơi khác phải chăng là cách làm đúng đáng khích lệ của tỉnh Hà Tĩnh? Đời sống của ngư dân sẽ phát triển trên núi thế nào? Đức tin bị xóa sạch dấu vết là điều nên đồng thuận?
Nỗi lòng “người ở”
Giáo xứ Đông Yên với hơn 1000 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và kinh doanh buôn bán nhỏ.
Trong chuyến đi này, chúng tôi được gặp một người con của Giáo xứ Đông Yên nay đã thành một vị linh mục. Dắt chúng tôi đi dọc bờ biển, Ngài chia sẻ: Đông Yên có rất nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt với nghề đánh bắt cá đã bao đời nay, với các lợi điểm như eo biển dài, biển sâu, có mỏ cát, sỏi rất trù phú, giáo dân ở đây họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá quanh năm như vậy.
Ngài cũng chia sẻ về sự việc liên quan đến quê hương hiện nay khiến Ngài có nhiều trăn trở khó lý giải, nhìn đống đổ nát hoang tàn với ngôi Thánh đường trơ trọi Cha không khỏi chạnh lòng.
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay giáo xứ Đông Yên chỉ còn 158 hộ ở lại, 840 hộ đã di dời lên khu tái định cư. Những hộ dân còn lại, vẫn bám trụ lại mảnh đất cha ông của mình. Vậy vì sao có tới 840 hộ chấp thuận di dời mà chỉ có 158 hộ ở lại?
Chú H một giáo dân của giáo xứ chia sẻ vì sao chú quyết tâm ở lại tới cùng: Chú H cho biết chú không nhận được một văn bản hay một quyết định nào liên quan đến việc di dời cũng như dự án cải tạo nào sau khi di dời. Chú chỉ nhận được một lá phiếu thăm dò về vấn đề di dời hay không di dời do linh mục quản xứ làm, phát cho giáo dân và có con dấu của Gx. Đông Yên, tiếp theo là một văn bản liên quan đến việc chính quyền đo đạc đất.
Chú H cũng cho biết, chú không chống lại việc tái định cư, nhưng phải có kế hoạch, có tương lai, tuy nhiên với dự án di dời giáo xứ Đông Yên, chú nhận thấy không đâu vào đâu, trong vấn đề tái định cư có những mờ ám. Việc tái định cư chỉ nhằm mục đích chiếm dụng mảnh đất này chứ không có bất kỳ dự án nào rõ ràng cho mảnh đất này. Dự án di dời dân theo kiếu áp đặt và mờ ám.
Chú H cho biết việc đền bù không theo quy chuẩn hay định lượng nào. Việc đền bù định lượng cũng có nhiều bất cập, những nhà đáng được nhiều thì lại được ít, những nhà đáng được ít thì được nhiều.
Việc giá cả đền bù của Đông Yên không có cách nào để nói một cách chính xác được. Đất ở Đông Yên mua là 300.000/m2, lên trên khu tái định cư bán lại cũng 300.000/m2. Như vậy, ở đây là một sự đổi chác, mua bán chứ không có việc cấp đất trên khu tái định cư.
Chú H không thể ngờ rằng việc cha mẹ không đi tái định cư lại ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái mình. Chú cho rằng đây là sự ác của chính quyền đối với những đứa trẻ.
Cũng giống như chú H, khi được hỏi và chia sẻ, đại đa số những giáo dân bám trụ lại đều xót xa cho con em họ không biết sẽ ra sao và đi về đâu, làng xóm anh em bị phân rẽ. Họ cảm thấy rất buồn và bất lực trước những việc đang diễn ra.
Một giáo dân bị đánh ngất xỉu
Những bà mẹ ở đây từ thương con đã trở nên giận dữ khi chúng tôi tiếp xúc trò chuyện. Mong muốn con em được đi học “cái chữ, cái nghĩa” đầu năm học mới sắm sửa áo quần sách vở cho con cái nhưng con lại bị đuổi không cho đi học. Họ lo lắng cho tương lai của con em mình. Chuyện tái định cư nếu đúng đắn và có những hỗ trợ thiết thực thì những người dân sẽ đi, nhưng ở đây còn có quá nhiều vấn đề gian dối mờ ám nên họ không thể đi được.
Những trăn trở của “người đi”
Khu tái định cư của bà con Giáo xứ Đông Yên nằm rải rác quanh khu kinh tế Vũng Áng. Sau khi hỏi thăm người dân khu vực về những người dân Đồng Yên lên tái định cư, chúng tôi, trong vai những người đi điều tra về cuộc sống của người dân trên khu tái định cư, tìm đến nhà bác Đậu Thị Minh. Bác chia sẻ: Sỡ dĩ bác đi tái định cư là theo đức vâng lời một đấng bậc trong Giáo hội, nếu chỉ xã hội là phía chính quyền thì bác chưa chấp nhận đi tái định cư. Việc bác bức xúc tiếp theo là việc đền bù chưa thỏa đáng. Tiếp nữa là ngư cụ, trước đây mua ngư cụ hết 500 triệu giờ bán chỉ được 150 triệu. Lý do bác phải bán ngư cụ vì lên khu tái định cư này không có ngư trường để đánh bắt, nên buộc lòng phải bán. Trước khi, đồng ý tái định cư chính quyền có hứa sẽ xây dựng ấu thuyền cho bà con nhưng đến thời điểm hiện tại gần 2 năm kể từ ngày lên tái định cư vẫn chưa có, chưa xây dựng xong.
Ở dưới làng cũ, ra biển đánh bắt chỉ đi khoảng mấy chục mét là tới biển, tài sản để ở bãi không sao cả. Trên đây muốn đi đánh bắt cá phải đi 10-15km, ngư cụ phải gửi lại hoặc mất công trông giữ. Bác so sánh nếu quê cũ thuận tiện 10 phần, thì trên khu tái định cư này chỉ được 2 phần. Ngư trường đánh bắt ở thôn cũ rất thuận lợi vì gần đảo Sơn Dương và hòn Chim đánh bắt được cá to xuất khẩu, trên này cá nhỏ và không được nhiều giá trị kinh tế. Bác cũng cho biết bác trai cũng chuẩn bị về lại quê cũ để làm lại.
Trò chuyện thêm, bác cho biết trong số hơn 800 hộ chuyển đi thì phân nửa số đó đã có cơ sở vì có những mánh khóe cho việc đo đạc. Phần nữa là những người đã có cuộc sống ổn định, còn đại đa số những người dân làm nghề cá, số tiền đền bù không đủ để lập nghiệp nơi mảnh đất mới định cư.
Cuộc sống trên khu tái định cư của những người làm nghề cá thuần rất khổ, họ hầu như không bắt nhịp được với mảnh đất mới, việc trồng cây rau cũng khó khăn, vì chất đất xấu, trồng hay bị chết cây.
Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn khi lên khu tái định cư, chú Đậu Vinh cho biết: Nói riêng gia đình chú Vinh gặp rất nhiều khó khăn bởi không phù hợp, dưới đó bà con sống bám biển, từ đời ông bà cha mẹ sinh ra làm nghề biển, rừng núi trên khu tái định cư không quen, không làm được, buôn bán thì càng không thể.
Chú Vinh nói tiếp, không chỉ riêng gia đình chúng tôi mà hầu hết bà con chấp nhận lên đây là vì chính quyền hứa xây dựng ấu thuyền để phục vụ việc đi biển của bà con nhưng đến giờ chưa có. Việc hỗ trợ ngư cụ cũng không có. Những loại tiền đền bù cũng không được chia và định giá rõ ràng.
Gia đình chú Vinh từ trước giờ sống bằng nghề đi biển, ngày nào cũng có thu nhập chỉ trừ những ngày bão lớn nhưng khi lên đây không có ngư trường để đánh bắt thu nhập bị giảm sút. Chờ ấu thuyền thì chưa thấy, biển ở đây gió cấp 5 không thể đi được, dưới làng cũ gió cấp 6, cấp 7 vẫn có thể ra khơi.
Gia đình gặp khó khăn vì chưa có nghề nghiệp ổn định, cũng không thể kinh doanh, vì không đủ vốn để làm. Khi lên tái định cư, chú Vinh có 740 triệu, xây nhà xong cũng hết, tiền ngư cụ không có. Nếu tiếp tục duy trì cuộc sống như vậy không biết sẽ được bao lâu.
Thực tế khác, đã có một vài hộ trở về quê cũ để tiếp tục công việc cũ, chấp nhận dựng lều để quay về bám biển. Gia đình chị K đã quay về với lý do việc đi tái định cư không đúng với chủ trương ban đầu là đền bù đầy đủ, tạo công ăn việc làm nhưng thực tế lại không có. Việc xây dựng ấu thuyền, đền bù ngư cụ 70% cũng không có. Lên trên đó chị và gia đình không có nghề nghiệp nên dù họ có đập nhà chị cũng về dựng lán ở, chỉ khi nào chính quyền thực hiện đúng những gì đã nói thì chị mới quay lại khu tái định cư.
Dấu hỏi lớn trong việc di dời giáo xứ Đông Yên
Một lực lượng hùng hậu cảnh sát tràn vào đập phá khu vực nhà thờ Đông Yên ngày 17 tháng 3 năm 2015
Được biết, xã Kỳ Lợi có 4 thôn trong đó chỉ có thôn Đông Yên nằm trong diện phải di dời tái định cư. Vấn đề đặt ra ở đây, chính quyền Hà Tĩnh chưa có dự án cụ thể nào đối với mảnh đất của giáo xứ Đông Yên hiện tại, vậy tại sao lại buộc người dân phải di dời? Và vấn đề đền bù đo đạc liệu có trung thực hay vẫn còn nhiều uẩn khúc? Khu vực nhà thờ giáo xứ, đền Thánh Phêrô ngoài biển, đền Đức Mẹ hiện tại vẫn được giữ nguyên trạng, tuy nhiên giáo dân cho biết những công trình này đã nhận tiền đền bù. Ai nhận trách nhiệm nhận tiền đền bù những cơ sở tôn giáo này?
Có một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc những giáo dân của Đông Yên di cư họ sợ bị tiếng có tội, sợ mình không di cư là phản giáo hội. Vậy từ đâu mà lại có những thông tin tiêu cực dẫn đến sự sợ hãi như vậy của bà con? Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với cha Antôn Nguyễn Quang Tuấn, linh mục quản xứ cũ của giáo xứ Đông Yên trong giai đoạn đó, nhưng cha Tuấn từ chối trả lời với lý do Cha không còn làm quản xứ của giáo xứ Đông Yên nên không liên quan đến việc của giáo xứ Đông Yên nữa.
BaoMai/Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét