Năm 1975, khi Hoa Kỳ quyết định rời bỏ VNCH để điều chỉnh chiến lược chống Liên Xô, CSVN đã không nhìn thấy thực tế này. Bằng cuộc hành quân tiếp quản miền Nam bỏ trống do Hoa Kỳ cố ý tạo ra, Hà Nội tưởng mình đã chiến thắng và trở nên kiêu căng tột độ.
Thời gian sau cuộc chiến, Hà Nội vẫn tiếp tục chính sách đu giây giữa Bắc Kinh và Moscow để tiếp tục hướng lợi, nhưng cục diện thế giới lúc đó đã đổi thay. Mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Liên Xô ngày càng thêm trầm trọng và sau khi kết thân được với Hoa Kỳ, Bắc Kinh trở mặt muốn uốn nắn Việt Nam phải nằm trong ảnh hưởng của mình để chống lại Moscow.
Sau hai lần xin viện trợ không được, Hà nội phàn ứng bằng cách bắt cư dân người Hoa nhập Việt tịch, nếu không sẽ mất quyền lợi mua lương thực. Nghị quyết số 9 năm 1978̣ của trung ương Đảng CSVN ghi rõ Trung Quốc là kẻ tù trực tiếp và nguy hiểm nhất. Ngày 24/3/1978 chính phủ cộng sản Việt Nam mở chiến dịch đánh “tư sản mại bản” nhằm vào khối người Hoa, đồng thời ép buộc họ phải rời khỏi Việt Nam. Bắt đầu từ lúc này phng trào “thuyền nhân” ra đời và sự tranh chấp giữa hai nước nhanh chóng trở nên quyết liệt.
Những đoạn viết tiếp theo sẽ mô tả lại một số chi tiết về bài học của Đặng Tiểu Bình năm 1979 và những hệ lụy nghiêm trọng còn kéo dài cho đến ngày nay.
Lời đe dọa của Đặng Tiểu Bình
Những người lãnh đạo CSVN không tin rằng giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em lại có chiến tranh. Vì thế họ đã không để ý đến những lời đe dọa của Đặng Tiểu Bình. Tháng 11/1978, khi công du Thái Lan, Malaysia và Singapore, Đặng nói với các vị chủ nhà rằng Trung Quốc sẽ dùng võ lực nếu Việt Nam tấn công Campuchia. Đặng gọi CSVN là những tên du côn của Phương Đông, phải dạy cho chúng một bài học.
Ngày 28/1/1979 Đặng sang Mỹ và tuyên bố: “Chúng tôi không thể cho phép Việt Nam gây rối loạn khắp nơi…” Sau ba ngày thăm Mỹ, Đặng đến Nhật. Tại đây Đặng vẫn giữ một giọng điệu hung hăng. Từ Nhật về, Đặng chỉ thị tấn công Viết Nam vào ngày 17/2/1979. Cũng trong khoảng thời gian này, hãng thông tấn Liên Xô TASS đưa tin: một lực lượng rất lớn quân đội Trung Quốc đang áp sát biên giới Việt-Trung.
Bằng chứng Đặng Tiểu Bình sẽ đánh Việt Nam không thể rõ hơn nhưng Hà Nội vẫn không tin. Sự nhận định tình hình không chính xác đã dẫn đến việc Võ Nguyên Giáp không hề bố trí những quân đoàn chủ lực dọc biên giới. Tất cả phó thác cho dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và một vài trung đoàn độc lập.
Lý do của cuộc chiến
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc càng ngày càng tồi tệ trong khoảng thời gian 1975-1979. Tháng 8/1975 CSVN cử Lê Thanh Nghị, chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước sang Bắc Kinh xin viện trợ tái thiết hậu chiến nhưng bị Chu Ân Lai từ chối. Trong khi đó Bắc Kinh vẫn yểm trợ cho Ieng Sary và Khieu Samphan của Campuchia một tỷ đô la Mỹ.
Năm tuần sau Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị lại sang Bắc Kinh lần nửa để gặp Đặng Tiểu Bình xin viện trợ nhưng vẫn bị từ chối. Đặng nói thẳng với Lê Duẩn là y cảm thấy rất khó chịu về việc báo chí Việt Nam có nhiểu bải viết về “mối đe dọa từ phương Bắc”.
Từ Bắc Kinh Lê Duẩn lên đường đi Moscow và được Kosygin hứa viện trợ ba tỷ đô la Mỹ cho kế hoạch ngũ niên của Việt Nam. Lê Duẩn ký thông cáo chung ủng hộ Liên Xô. Tháng 10/1976 Mao Trạch Đông từ trần. Hà Nội lại gửi thư cầu viện. Bốn tháng sau Bắc Kinh lại gửi thư từ chối.
Tháng 11-1978 CSVN và Liên Xô ký “Hiệp Ước Hữu Nghị Và Hợp Tác”, xác nhận mối quan hệ kinh tế và quân sự giữa hai nước. Cuối tháng 12/1978 theo lệnh của Liên Xô quân đội CSVN vượt biên giới tấn công Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế và chiếm thủ đô Nam Vang ngày 7/1/1979.
Trước hành động bành trướng này, Đặng Tiểu Bình hạ lệnh dạy cho CSVN một bài học và đưa quân đội sang “làm cỏ” các tỉnh vùng biên giới phía Bắc VN trong 16 ngảy từ 17/2/1979 đến 4/3/1979. Sáng 17/2/1979 Bắc Kinh sử dụng 32 sư đoàn, 550 xe thiết giáp, 480 cỗ pháo hạng nặng, 1260 súng cối, tấn công các tỉnh phĩa Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu, dài hơn 1000 cây số.
Lỹ do chính khiến Bắc Kinh trừng phạt CSVN là việc đánh chiếm Campuchia. Hà nội hành quân vào Campuchia tháng 12/1978 với danh nghĩa cứu dân tộc Khmer khỏi cuộc “cách mạng đỏ” của tập đoàn Pol Pot, đưa chính phủ Ieng Sary lên cầm quyền, rồi ở lại bảo vệ Camphuchia cho đến năm 1989 mới rút quân về.
Lý do thữ hai để Bắc Kinh trừng phạt CSVN là chính sách ngược đãi người Hoa của Hà Nội. Vì chính sách nảy mà 250.000 người Hoa phải về Trung Quốc và hàng trăm ngàn ngưởi khác phải di tản sang các nước khác bằng đường biển. Trừng phạt xong Bắc Kinh rút quân về nước ngày 5/3/1979 và đến ngảy 18/3/1979 thì chấm dứt.
Kế hoạch hành quân của Bắc Kinh
Kế hoạch hành quân của Bắc Kinh chia làm ba giai đoạn: giai đoạn 1 từ 17/2/1978 đến 25/2/1978, phá vở tuyến phòng thủ đầu tiên của CSVN rồi làm chủ Cao Bằng, Lào Cai, Đồng Đăng để mở đường cho cuộc tấn công vào Lạng Sơn; giai đoạn 2 từ 26/2/1979 đến 5/3/1979, chiếm Lạng sơn và hai thị trấn Sapa và Phong Thổ; giai đoạn 3 từ 5/3/1979̣ đến 16/3/1979, bình định và phá hủy các căn cứ quân sự ở khu vực biên giới trước khi rút về Trung Quốc.
Ngày 21/2/1979̣ khi chiến dịch đạng diễn ra ác liệt thì Liên Xô cho một khu trục hạm và môt tuần dương hạm đến bờ biển VN. Cầu hàng không Liên Xô giúp CSVN trở quân và vũ khí ra Bắc. Trước tình hình đó, ngày 23/2/1979̣ Đặng Tiểu Bình lên tiếng rút quân trong 10 ngày tới. Rõ ràng là Bắc Kinh không có ý định tấn công Hà Nội.
Tuy nhiên một số tướng lãnh của CSVN, trong đó có Võ Nguyên Giáp, lại tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài và Hà Nội sẽ bị tấn công. Từ nhận định sai lầm này dẫn đến việc dồn hết công sức vào việc xây dựng “phòng tuyến sông Cầu”, để cố thủ Hà Nội. Bảy tỉnh biên giới, gần như bỏ ngỏ, phải tự chiến đấu trong tuyệt vọng.
CSVN lúc đó có 5 sư đoàn thiện chiến ở miền Bắc, trong đó có Sư Đoàn 308, một sư đoàn đã từng nổi tiếng tại Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Nếu 5 sư đoàn này được tham chiến ngay từ đầu thì tình thế hoàn toàn có lợi cho CSVN và quân Trung Quốc đã không thể tiến sâu vào lãnh thổ để huyênh hoang tuyên bố là đã chiến thắng. Đây lả một sai lầm mang tính chiến thuật mà Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân của CSVN phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Sáng 5/3/1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân. Cùng ngày, CSVN phát lệnh tổng động viên. Các quân đoàn chủ lực của CSVN, có xe tăng, pháo binh và không quân yểm trợ, đi vào vị trí vây hãm quân Trung Quốc. Tất cả đều đã sẵn sàng cho một cuộc phản kích giành chiến thắng. Tiếc thay, CSVN lại tuyên bố “thiện chí hòa bình” và để cho Trung Quốc rút quân an toàn.
Thật ra trên đường rút quân, Hồng Quân Trung Quốc vẫn tiếp tục chém giết và vơ vét. Họ tiếp tục giết đàn ông, đàn bà, phụ nữ mang thai, trẻ em, chặt ra nhiều khúc rồi ném xác xuống giếng hoặc hai bên bờ suối. Họ cũng gài lại hàng triệu trái mìn trên đường rút lui đúng theo binh pháp và chiến thuật.
Lẽ ra Võ Nguyên Giáp phải biết tổ chức các trận truy kích để gây thiệt hại nặng cho binh lính Trung Quốc nhưng ông đã không làm. Sai lầm to lớn này, tướng Giáp phải chịu hoàn toản trách nhiệm.
Diễn tiến của Bài Học Bắc Kinh
Mở đầu cho trận đánh, lúc 3g30 sáng ngày 7/2/1979, pháo binh Trung Quốc tấn công ào ạt các vị trí quân sự thuộc tỉnh Cao Bằng. Hai mươi chín năm sau tình nghĩa “môi hở răng lạnh”, Trung Quốc và Việt Nam trở thành hai nước thù địch. Các đơn vị của quân đội CSVN mà trước kia Trung Quốc bỏ công ra huấn luyện và trang bị nay trở thành các mục tiêu mà quân lực Trung Quốc cần tiêu diệt.
Tướng Vi Quốc Thanh, người giúp CSVN thắng trận Điện Biên Phủ, năm 1979 đã 72 tuổi, và đang giữ chức Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị Hồng Quân, là người quyết tâm nhất muốn dạy cho CSVN một bài học về tội trở mặt và vô ơn.
Phía Trung Quốc, người chỉ huy tổng quát là tướng Hứa Thế Hữu, phụ tá là tướng Dương Đắc Chí. Phía CSVN, phòng thủ biên giới Việt-Trung là trách nhiệm của các quân khu 1, 2, 3. Tư lệnh Quân Khu 1 (Cao Bằng, Lạng Sơn) là tướng Đàm Quang Trung. Tư lệnh Quân Khu 2 (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang) là tướng Vũ Lập. Tư lệnh Quân Khu 3 (Quảng Ninh vả châu thỗ sông Hồng) là tướng Nguyễn Quyết. Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội giám sát và điều hợp mặt trận.
Trong những ngày đầu cuộc chiến, tướng Hứa Thế Hữu áp dụng “chiến thuật biển người”để tấn công. Quân Trung Quốc được những người Hoa bị Hà Nội trục xuất dẫn đường. Lạng Sơn là mục tiêu chủ yếu cần chiếm giữ trước tiên.
Lực lượng tấn công của Trung Quốc gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân CSVN. Chiến thuật “biển người” của Hứa Thế Hữu làm hao tổn quá nhiều binh sĩ trở thành lỗi thời. Vì vậy mấy ngày sau, quyền chỉ huy cuộc hành quân được giao lại cho tướng Dương Đắc Chí.
Trong cuộc tấn công đầu tiên, quân Trung Quốc chiếm Đồng Đăng ngày 22/2/1979. Sau chiến thắng này, họ nghỉ tới ngày 26/2/1979, để nhận tiếp liệu đạn được. Mờ sáng 27/2/1979 họ mở cuộc tấn công mới. Chỉ trong một ngày, các thị xã ven biên như Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang lần lượt thất thủ.
Kể từ 27/2/1979, quân Trung Quốc vây hãm Lạng Sơn và tấn công tiêu diệt. Hà Nội điều động Quân Đoàn 2 từ Campuchia về giải vây nhưng không kịp. Khuya 4/3/1979 quân Trung Quốc làm chủ thị xã Lạng Sơn. Hôm sau, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích “dạy cho CSVN một bài học”, đơn phương ngưng bắn và rút quân.
Sự rút quân của Bắc Kinh là do áp lực của Hoa Kỳ, Liên Xô và Liên Hiệp Quốc. Moscow báo động cho Bắc Kinh biết là phải ngừng tay trước khi quá chậm. Ngày 16/3/1979 Trung Quốc hoàn tất cuộc rút quân khỏi Việt Nam.
Thiệt hại về phía Trung Quốc là 20.000 binh sĩ tử thương. Tổn thất về phía CSVN là 50.000 binh sĩ thiệt mạng. Toàn vùng biên giới 1000 cây số phía Bắc VIệt Nam bị quân Trung Quốc phá thành bình địa.
Hệ lụy thứ nhất của cuộc chiến: phong trào “thuyền nhân”
Trước 1975 số viện trợ Liên Xô cho quân đội CSVN là vào khoảng 75% , số còn lại do Trung Quốc và các nước cộng sản Đông Âu giúp đỡ.
Sau 1975, viện trợ của Liên Xô tăng lên 97%, trị giá khoảng một tỷ rưỡi Mỹ Kim/năm. Mắc dầu được viện trợ khá dồi dào, ngân sách Việt Nam vẫn bị thiếu hụt trầm trọng vì chiến tranh Campuchia. Chính sách kinh tế tập trung kéo dài đã đưa đời sống nhân dân vào một tình trạng khốn khó ít thấy trong lịch sử dân tộc.
Với tinh thần cương quyết xây dựng chủ nghĩa xã hội, những người lãnh đạo cộng sản cho rằng khó khăn chỉ là tạm thời, thuận lợi mới là chủ yếu. Để moi tiền của dân chúng họ nghĩ ra hai biện pháp: thứ nhất là đánh tư sản mại bản và thứ hai là cho phép vượt biên bán chính thức.
Đánh tư sản mại bản: Ngày 26/3/1978, Hà Nội phát động chiến dịch đánh “tư sản mại bản” trên toàn miền Nam. Mục tiêu chính là người gốc Hoa tại Chợ Lớn. Sáng 24/3/1978 quân đội bất ngờ bố trí tại các vị trí trọng yếu, rồi công an và học sinh, sinh viên xông vào các căn nhà đã chú ý từ trước. Họ lật từng viên gạch để tịch thu vàng bạc, tiền tệ, của cải… Hàng chục ngàn gia đình, đa số là người Hoa, đã bị trắng tay và đẩy đi kinh tế mới.
Ngày 26/5/1978 Bắc Kinh đưa hai tàu vận tải sang Việt Nam để đón nạn kiều về nước . Kế hoạch này thất bại. Sau 6 tuần lễ bỏ neo chờ ngoài khơi hai chiếc tàu đó đã phải trở về không. CSVN tuyên bố: “Việt Nam không phải là cái ao sau của Trung Quốc”.
Vuợt biên bán chính thức: Ngoài ra vì tình hình kinh tế quá tồi tệ CSVN đã nghĩ ra kế hoạch “vượt biên bán chính htức” để xuất cảng người và thu lợi. Từ đó phong trào “thuyền nhân” phát triển mạnh.
Đảng ủy thành phố Hồ Chí Minh và Công An đã tổ chức kế họach “vượt biên bán chính thức” một cách rất quy mô. Họ nghĩ ra nhiều cách “bán bãi” cho những người có nhiều vàng, nhiều tiền, muốn vượt biên một cách an toàn. Những bãi an toàn nhất là những bãi do công an trực tiếp chịu trách nhiệm. Thứ hai là những bãi bán qua trung gian nhưng thực sự do công an chủ động. Thứ ba là những bãi do tư nhân tổ chức, công an lờ đi nhưng được ăn chia số vàng thu được.
Giai đoạn vàng son này do Bộ Chính Trị cộng sản trực tiếp chỉ đạo. Bộ Nội Vụ và Đảng Ủy Địa Phương thực hiện. Số lượng vàng thâu được phải kiểm kê và lập biên bản nạp ngay về Hà Nội. Phe nhóm Lê Duẩn đứng ra thâu lượm số vàng này.
Riêng năm đầu thử nghiêm kế hoạch vượt biên bán chính thức nhắm vào giới tư sản người Hoa và giới tư sản VNCH, tập thể lãnh đạo cộng sản đã thu lượm được tối thiểu là 200.000 lạng vàng, là tiền của 21276 người đã chịu trả để được đến bến bờ của tự do. Số vàng đó nếu tính ra tiền thì giá trị là vào khoảng 60 triệu Mỹ Kim.
Hơn 300.000 ngàn “thuyền nhân” , đi tìm tự do, đã bỏ xác tại Biển Đông phần lớn là do những kế hoạch thuộc loại “vượt biên bán chính thức” của Nhà Nước Cộng Sản. Đây là một tội lỗi tầy trời, một vết đen trong lịch sử mà dân tộc không bao giờ quên được. Lương tâm nhân loại cũng không bao giờ tha thứ.
***
Xuất khẩu người trước sau vẫn là quốc sách của những người cộng sàn. Năm 1979 áp dụng các điều khỏan về việc Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) Hà Nội đã để cho 6545 người lên máy bay ra khỏi nước, và trong năm 1980 thì 5505 người đã được ra đi. Vào năm 1990 và những năm kế tiếp hàng trăm ngàn người cũng rới bỏ quê hương theo những chương trình HO và con lai. Biết bao bất động sản, nhà cửa, tiền vàng, đã được đổ ra để đổi lấy những giấy phép xuất cảnh do cộng sản cấp phát.
Con lai là một hình ảnh quen thuộc trong xã hội Việt Nam. Nhờ báo chí và truyền thông vấn đề con lai đã được dư luận Mỹ đặc biệt chú ý. Ngày 21/12/1987 luật hồi hương con lai do dân biểu Mrazeck đệ nạp đã được quốc hội Mỹ thông qua. Sau khi sang xem xét tình hình ở Việt Nam về, dân biểu Mrazeck ước lượng có khoảng từ 8.000 đến 12.000 con lai tới tuổi trướng thành là 17 tuổi rưỡi, và khoảng 18.000 thân nhân trực hệ.
Theo thoả thuận ký kết với Việt Nam thì trong hạn 2 năm kể từ 21/3/1988 Mỹ phải hồi hương hết con lai sinh ra vào khoảng 1962-1976. Cùng với gia đình, các em lai được đi theo quy chế di dân. Trung bình mỗi gia đình phải trả ít nhất là 10.000 Mỹ Kim rồi mới được cấp giấy phép đưa con em lai sang Mỹ. Số tiền này rơi vao tay Bộ Nội Vu, Sở Ngoại Vụ và Công An Việt Cộng.
Hệ lụy thứ hai : bước quy phục Thảnh Đô
Cuối năm 1989̣, hệ thống cộng sản quốc tế tan vỡ từng mảng. Làn song dân chủ thứ ba tác động mạnh và thành công chớp nhoáng tại Đông Âu. Chuỗi biến động xảy ra như một tràng pháo Tết khiến các lãnh tụ CSVN lo sợ.
Ngày 10/4/1990 Bộ Chính Trị đảng CSVN họp để tìm đường thoát hiểm. Phân tích tình hình chính trị Đông Âu người ta đổ tội cho mưu toan của đế quốc tư bản. Chỉ có Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch là cho rằng nguyên nhân sụp đổ là do quản lý yếu kém, tư tưởng giáo điều gắn liền với mô hình xã hội chủ nghĩa sai lầm.
Quan điểm nói trên không được hội nghị tán thành nên Trần Xuân Bách bị loại khỏi Bộ Chính Trị. Ít lâu sau Nguyễn Cơ Thạch cũng chịu chung một số phận. Trong buổi họp, tất cả những ủy viên khác như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng Đồng Sỹ Nguyên đều cho đó là âm mưu thâm độc của Hoa Kỳ. Nguyễn Văn Linh cho rằng phải tìm hết cách để đoàn kết lại với Trung Quốc thì mới mong thoát hiểm. Quan điểm này được đa số ủy viên trong Bộ Chính Trị đồng tình.
Cho rằng Trung Quốc sẽ vì ý thức hệ mà đoàn kết với những nước cộng sản còn sót lại, nên CSVN gửi thứ trưởng ngoai giao Đinh Nho Liêm sang Bắc Kinh tham dự một cuộc trao đổi không chính thức với Trung Quốc. Sau cuộc trao đổi này, không thấy một tiếng vang thuận lợi nào vọng lại từ phía Bắc Kinh.
Giữa năm 1991, đảng CSVN họp Đại Hội Kỳ VII. Sự sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu đặt Hà Nội vào hoàn cảnh bị cô lập. Vì thế sách lược cầu hòa với Trung Quốc trở thành cấp bách và là ưu tiên cao nhắt.
Ngày 9/7/1991, hai tuần lể sau Đại Hội Đảng, Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngỏ ý muốn cử một phái đoàn đặc nhiệm sang Bắc Kinh để thông báo diễn tiến và kết qủa Đại Hội VII. Đây là một hành động triều kiến của chư hầu đối với “thiên triều”. Trung Quốc rất hài lòng về sự thần phục này và đồng ý cho triều kiến.
Tiếp theo cuộc triều kiến, ngoại trưởng Tiền Kỳ Sâm của Trung Quốc mời ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam sang thăm giao hữu, và hai tháng sau, ngày 5/11/1991 tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văm Kiệt được mời sang Bắc Kinh ký thông cáo chung, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
***
Mặc đầu đã có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Trung Quốc bắt đầu lợi dụng tình trạng cô thế của Việt Nam để lấn át. Ngày 15/2/1992 Trung Quốc công bố luật lãnh hải bao gồm gần hết Biển Đông và nói sẽ dùng vũ lực để ngăn ngừa những vi phạm chủ quyền. Cùng với lời công bố, Bắc Kinh cho quân chiếm đóng đảo Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa và cảnh cáo Việt Nam không nên làm gì phương hại đến tình hữu nghị mới thiết lập.
Ngày 27/5/1992 quân Trung Quốc rời cột mốc biên giới ở Ải Nam Quan sâu vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 500 mét và đầu tháng 7/1992 cắm mốc nhận chủ quyền trên đảo Đa Lạc thuộc Trường Sa. Trung Quốc đã rời 142 cột mốc trên tổng số 314 cột lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam và dựng cột đèn báo hiệu xe lửa lấn sang Việt Nam cách Hữu Nghị Quan cũng khoảng 500 mét.
Ngày 30/12/1999 thỏa hiệp về biên giới được hai ngoại trưởng Đường Gia Truyền và Nguyễn Mạnh Cầm vội vã ký kết. Vội vã là vì Lê Khả Phiêu đã hứa bừa bãi với Giang Trạch Dân là Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề biên giới xong trước năm 2000 và trên biển trước năm 2001. Những thỏa ước ký kết vội vã đưới thời Phiêu về ranh giới lãnh thổ và lãnh hải chưa được sự chấp thuận của Bộ Chính Trị hoặc Quốc Hội. Ảnh hưởng di hại của những thỏa ước ký kết vô trách nhiệm đó đang phát tác mỗi ngày một trầm trọng.
Giữa Bắc Kinh và Hà Nội không ai còn lạ gì ai. Mối tương quan giữa họ chỉ là tương quan kiểu “kẻ cắp bà già gặp nhau”. Một bên là vì nhu cầu chiến lược, còn bên kia là vì nhu cầu sinh tồn của Đảng. Giả bộ thân nhau đấy nhưng rồi lại cắn nhau đau.
Hà Nội đang cúi mặt chịu thân phận chư hầu. Gắn bó với Trung Quốc vào lúc này không khác gì hơn là một hành động phản quốc hại dân. Nhiều câu hỏi đang được nêu lên liên quan đến lòng yêu nước và khả năng của những người lãnh đạo chủ chốt trong Bộ Chính Trị và Đảng Cộng Sản hiện nay.
Nguyễn Cao Quyền Tháng 2 năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét