Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Những Nỗi Đau của Đất Nước Bởi Chế Độ Ngu Dân

Trình độ của Đại biểu Quốc Hội VN: Điều thực sự đáng lo ngại

Đại Biểu Nguyễn Thị Nhung
Anh Vũ, thông tín viên RFA
 

Không hiểu mình nói gì?


Một số đại biểu Quốc Hội có không ít những phát biểu ngay tại nghị trường cho thấy sự thiếu thận trọng, hoặc chưa thật hiểu những gì họ nói; thậm chí còn trái luật. Điều này đã khiến dư luận băn khoăn về chất lượng và trình độ của thành viên cơ quan lập pháp Việt Nam.

Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Theo Hiến pháp Việt Nam, thì Quốc Hội là cơ quan lập pháp, có nhiệm vụ quyết định những vấn đề lớn, các chính sách cơ bản của nhà nước và hoạt động của bộ máy nhà nước. ĐBQH là những người ưu tú về phẩm chất, năng lực, do cử tri trực tiếp bầu ra và thay mặt cử tri thực hiện quyền lực nhà nước tại Quốc Hội. Nhưng thực thế là việc bầu cử ĐBQH ở Việt Nam từ trước đến nay luôn bị cho rằng chỉ là việc làm hình thức, tiến hành theo cơ chế Đảng cử, Dân bầu.

Và thực tế các phát biểu của các ĐBQH tại nghị trường trong thời gian gần đây cho thấy, có sự thiếu thận trọng, hoặc chưa thật hiểu những gì họ nói, thậm chí là trái với luật pháp.

Thực trạng này không chỉ làm cho dư luận lo ngại về khả năng và trình độ của các ĐBQH, mà còn cho thấy chất lượng của cơ quan quyền lực cao nhất ở Việt Nam đã và đang có các vấn đề đáng báo động.

Gần đây nhất, ĐBQH Sư thầy Thích Thanh Quyết phát biểu tại Quốc Hội rằng Việt Nam phải xây dựng quân đội như quân đội Cộng hòa DCND Triều tiên là một ví dụ.

Hoặc chuyện ĐBQH Đỗ Văn Đương, người phát biểu nhiều ý kiến phản đối việc quy định về quyền im lặng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cho rằng: “đây là chuyện kiểu như vẽ đường cho hươu chạy để bọn tội phạm lộng hành”. Đáng chú ý hơn, ông Đỗ Văn Đương đã quy chụp một cách thiếu căn cứ khi cho rằng “thực chất luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”.

Phản ứng về phát biểu này, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đã cho rằng, phát biểu đó của ĐB Đỗ Văn Đương không chỉ là một nhận định thiếu căn cứ mà còn hoàn toàn trái với quy định tại Điều 3, luật Luật sư. Mà còn không phù hợp với nguyên tắc về đảm bảo quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được xác định là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp.

Một phát biểu khác cũng gây ra bao ý kiến phản đối, là của ĐBQH Nguyễn Thị Nhung thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh hóa. Bà này yêu cầu Quốc Hội luật hóa việc quy định đặt tên con của người Việt Nam. Bà ĐBQH này cho rằng, cần xây dựng một luật mới là Luật Đặt tên, theo đó quy định đặt tên phải thuần Việt, sao cho hợp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán.

Đề nghị của vị ĐBQH này được các chuyên gia luật cho rằng đã trái với quy định Điều 26 Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam đã quy định là “Công dân có quyền đối với họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo tên khai sinh của người đó”. Hay đối với trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định rõ là: “Việc đặt tên Việt Nam hay tên nước ngoài là theo sự lựa chọn của cha mẹ.”

Bình luận về chuyện các đại biểu phát biểu có vấn đề như thế, ông Nguyễn Văn Thạnh một nhà hoạt động xã hội ở Đà Nẵng nói với chúng tôi:
“Quốc Hội Việt Nam được đạo diễn bởi Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử dân bầu, điều đó đã làm cho Quốc Hội phụ thuộc. Đó là lý do vì sao mà Quốc Hội Việt Nam chưa làm tốt được cái vai trò theo sự hiến định của Hiến pháp. Cái phát biểu như thế tôi thấy nói hài hước, nó hơi buồn cười. Nhưng mà tôi nghĩ hoàn toàn đúng với thực trạng của Quốc Hội Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ thực trạng kém cỏi của ĐBQH là có và tồn tại lâu rồi, là điều mà bất cứ ai quan sát nghị trường ở Việt Nam lâu năm cũng đã rõ, không có gì là bất ngờ.”

 

Nguyên nhân?


Trả lời hỏi nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng chất lượng của các ĐBQH Việt Nam rất yếu kém như vậy?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành thấy rằng, nguyên nhân là do các ĐBQH đa số là thiếu chuyên môn, và công tác nhân sự tuyển chọn thiếu tính chuyên nghiệp. Theo ông đây là hậu quả của vấn đề dân chủ hình thức, thiếu thực chất và còn là sự vi phạm quyền làm chủ của người dân.

Ông Bùi Kiến Thành cho biết:
“Quốc Hội Việt Nam rất đặc biệt là nó tập hợp rất nhiều lĩnh vực với nhiều kinh nghiệm khác nhau. Ở Việt Nam mấy người vào Quốc Hội như mấy ông sư hay tướng tá là một việc hết sức khác so với các nước. Họ không bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ. Nó độc đáo ở chỗ phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ đưa ra những dự án luật này luật kia rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối cùng thì bấm nút thế là xong!”

Khi được hỏi về các giải pháp khắc phục tồn tại để nhằm nâng cao chất lượng và năng lực của các ĐBQH?

Ông Nguyễn Văn Thạnh thấy rằng, cần có sự tôn trọng quyền lực của người dân trong việc bầu cử ứng cử theo Hiến pháp quy định, theo ông nếu không có sự cạnh tranh trong quá trình bầu cử sẽ không chọn lựa được các ĐBQH xứng đáng. Do đó việc cải cách thể chế chính trị để tiến tới việc bầu cử công bằng, trung thực, tự do và có cạnh tranh đa đảng là đòi hỏi cấp thiết.

Một cán bộ ở Văn phòng Quốc Hội phía Nam không muốn nêu danh tính cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông:
“Trong quá trình đổi mới QH, việc hình thành và phát triển đội ngũ các ĐBQH hoạt động chuyên trách được coi là một trong những giải pháp có tính quyết định để nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của cơ quan này. Từ những ý tưởng, định hướng ban đầu, đến nay, QH đã tăng thêm nhiều đại biểu chuyên trách. Thời gian vừa qua, sự vận hành của chế định đại biểu chuyên trách đã mang lại những nét rất mới cả về nhận thức và thực tiễn tổ chức và hoạt động của QH, mà trước đây, tuy có đặt ra, nhưng có lẽ chưa bao giờ lại sát sườn và được kiểm nghiệm như lúc này.”

Theo nguyên tắc ĐBQH là người được cử tri trực tiếp bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri. Đồng thời các đại biểu được bầu phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước cử tri. Trong trường hợp ĐBQH không hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoặc tỏ ra thiếu năng lực thì cử tri có quyền phế truất và chắc chắn sẽ không bao giờ lựa chọn trong các cuộc bầu cử sắp tới. Song tiếc rằng điều đó sẽ không bao giờ có trong cơ chế “Đảng cử, Dân bầu” như ở Việt Nam bấy lâu nay.
 
 

Quan lớn cõng quan bé, dân lại còng lưng nuôi!

Hà Văn Thịnh

“Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi!” Đó là câu nói của vua Trần Nhân Tông – một tiếng kêu thét nhức nhối và xa xót, dẫu đã 7 thế kỷ trôi qua rồi, đất nước vẫn còn đau!

Lạm phát nhân sự cấp phó

Mỗi cấp phó phải tốn chi phí tiền điện nước, phòng làm việc... trung bình mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng, cứ thế nhân lên 2-3-4-5-6-7-8 số tiền trên (Đầu tư Chứng khoán, 16:50, 31.10.2014).

Phát biểu của Thiếu tướng Trần Đình Nhã thật đáng ghi nhận. Nhất là, một vị tướng quân đội phải ‘tay ngang’ bàn về vấn đề dân sự, đủ để biết sự bức bối đã trầm trọng đến mức nào. Chỉ
cần nhìn vào dãy số từ 2 đến 8 ở trên, có lẽ, chẳng một cuốn giáo trình toán học nào định nghĩa nổi đó là dãy số gì; và cũng chẳng có cuốn giáo trình nào về hành chính công nào có thể hình dung ra bài giảng bàn về tính hợp lý – tiết kiệm của bộ máy hành chính sẽ ra sao.

Người xưa dạy, khó nhất là biết. Khi đã biết thì có thể làm, có thể gỡ rối. Vậy, tại sao hàng chục năm nay đội quân “không ai làm việc cả mà ai cũng có lương” cứ phình to, lớn thêm mỗi ngày? 
Các câu hỏi có ngay mọi cách trả lời từ những nền hành chính khác. Chẳng hạn, tại sao người ta chỉ cần có một phó tổng thống hay một phó thủ tướng mà công việc vẫn chạy đều đều? Tại sao ở ta, các sở, các bộ có đến 7-8 quan chức cấp phó trong khi ‘người ta’ chỉ có một, hai người? Tại sao các đồn cảnh sát ở một số nước phương Tây chỉ có một đại úy (trưởng đồn), một trung úy (phó đồn), còn lại là hạ sĩ quan và lính, mà vẫn bảo đảm cho xã hội ổn định, hài hòa?...  

Con số trên mới chỉ là chuyện về phó của 139.000 quan trưởng, chứ thực ra, nếu tính đến các ‘phó của phó’, các cơ quan ‘phó của cơ quan’, ‘trưởng của trưởng cơ quan’ – ví như bên Đảng có gì, bên chính quyền có gần bằng nấy thì phải nói rằng mức độ phình to của bộ máy đã quá giới hạn chịu đựng của mọi nguồn thu, đúng như Đại biểu Trần Du Lịch đã phải kêu lên: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này” (VietNamNet, 21:47, 21.10.2014). 

Dư sức quấn đủ vài vòng quanh... quả đất  

Chuyện một xã có 300 cán bộ, thậm chí 500 cán bộ; chuyện 1/3 công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về là “câu chuyện” mà số lượng giấy tờ in ra từ báo chí, công văn bàn bạc cách giải quyết, thảo luận về những hệ lụy, phàn nàn về sự quan liêu, nếu xếp nối đuôi nhau, dư sức quấn đủ vài vòng quanh... quả đất.

Nghịch lý đó tất nhiên lại được đổ lỗi cho... ‘ông’ cơ chế, dẫu chẳng ai thấy mặt mũi ổng ra làm sao. Trong dư luận, có ý kiến biện minh rằng chuyện phình to của bộ máy là vấn đề ‘con mọc răng nói năng chi nựa’?  

Đồng ý là giải quyết những bất cập trên là rất khó vì đụng chạm đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, lo lắng cho rằng việc tinh giản một lúc hàng vạn con người sẽ gây nên sự bất ổn xã hội là một thực tế. Hệ lụy kéo theo là nạn thất nghiệp sẽ càng gay gắt hơn bởi hàng vạn người đó chẳng biết làm gì ngoài việc... lâu nay... không làm gì vẫn có lương! 

Nhưng, dẫu khó cũng phải làm, và, đó vẫn là điều có thể làm.

Tại sao không thể mạnh dạn ngừng tuyển cán bộ, nhân viên hành chính trong 3 đến 5 năm tới? Mỗi năm có vài vạn cán bộ nghỉ hưu, buộc những người còn lại phải làm thay, đảm nhiệm thay, cho đến khi đủ số lượng cần thiết thì sau đó mới phục hồi cơ chế tuyển dụng mới. Tất nhiên, việc ngừng tuyển phải kèm theo các chế tài nghiêm khắc, cách quản lý nghiêm ngặt, chứ nếu không, lại tái lập chuyện bắt cóc bỏ đĩa như nhiều năm qua...

Có một vị vua, rất ít được lòng của nhiều vị quan và, kể cả một số nhà sử học. Bằng chứng thật rõ ràng: Tất cả các đường phố của tất cả các thành phố trên đất nước ta, những con đường mang tên ông đều hẹp và rất ngắn. Đó là vua Trần Nhân Tông (1258-1308).

Vua Trần Nhân Tông chỉ sống có 50 năm trên cõi đời này nhưng những gì ông làm cho đất nước, dân tộc và cả nhân loại, không dễ gì nhiều vị vua khác sánh được. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông, là người dám rời bỏ ngai vàng năm mới 35 tuổi (1293), là người đã DÁM gả cô công chúa duy nhất cho vua Chăm để Đất Việt mở rộng thêm từ Quảng Bình đến Quảng Nam và, là người có câu nói cách đây hơn 700 năm rồi vẫn ngỡ như mới... vừa xong!...  

Lịch sử ghi nhận rằng sau khi rời khỏi ngai vàng, cựu hoàng lên tu ở Yên Tử, lập nên thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng. Có một lần, ông về thăm vua con Trần Anh Tông để xem thử vua con điều hành đất nước ra sao, lần giở cuốn sổ ghi danh sách quan tước, thấy sau có vài năm cầm quyền mà vua con phong quan nhiều quá, cựu hoàng đã giận dữ ném cuốn sổ ra giữa sân rồng và nói như thét lên: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”!

Tiếng kêu nhức nhối và xa xót đó của Vua Trần Nhân Tông, dẫu đã 7 thế kỷ trôi qua rồi, đất nước vẫn còn đau!

Không có nhận xét nào: