Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

ÁNH-SÁNG TẠ-ƠN Nguyễn Văn Thông


Đối với người lành và nhạy-cảm thì chuyện tạ-ơn là chuyện mỗi ngày vì họ lúc nào cũng đầy lòng khiêm-tốn nhận ra mọi khía-cạnh trong đời sống đều có sự liên-quan rộng-lớn, đều là sự cống-hiến của nhiều người. Cơm ăn, áo mặc, phương-tiện đi lại, truyền-thông, mạng nối toàn cầu, bài ca, điệu nhạc, những bức tranh đẹp, những sự-kiện lịch-sử, gia-đình, bạn-hữu, tình thân-ái.... tất cả đều đóng một vai-trò làm cho cuộc đời thêm phong-phú, tươi-đẹp. Cho nên ngày lễ Tạ Ơn mỗi năm đối với họ chỉ là một dịp đặc-biệt để bày-tỏ và tôn-vinh tấm lòng biết cảm-nhận mỗi người cần phải có đối với người và thế-giới quanh mình.

Thế nhưng ta không thể phủ-nhận rằng có những người và hoàn-cảnh đáng thương đến độ khó làm cho người ta nghĩ đến sự tạ-ơn cho được. Họ là những người bị bệnh nan-y, bị bỏ quên, cô-độc, hay tàn-phế... Tôi thường nghe người ta an-ủi nhau bằng lời nói rằng, "Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng ai bằng mình"mà đôi khi thấy lòng bất nhẫn. Thế những người không bằng ai, ở đáy của sự cùng-cực thì làm sao? Họ so-sánh với ai được để thấy mình đỡ khổ? Thế hóa ra ta an-ủi mình bằng sự ganh-tị, nghĩa là ta cần có người kém mình để thấy mình đỡ khổ hay sao? Tại sao ta đánh lừa mình như thế? Thực ra câu tục-ngữ trên cũng đúng ở khía-cạnh bảo cho ta rằng, ta chưa khổ lắm đâu, ta đang hưởng nhiều điều hay mà ta không chịu nhìn-nhận. Có thể ta đứng núi này trông núi kia cao.

Dầu sao, cả hai mặt, ta khó có thể phủ-nhận. Trong khi ta đang được hưởng bao ơn lành, có thể còn lẫn-lộn những khổ-đau thì có những người đau-khổ cùng-cực mà không ai có thể thông-cảm được, sự đau-khổ của họ vượt ra ngoài kinh-nghiệm và tầm hiểu-biết của ta.

Năm vừa qua mẹ tôi qua đời sau 21 năm bị tai-biến mạch máu não, trong đó có 10 năm nằm liệt giường. Bố tôi là người chăm-sóc hầu-hết thời-gian ấy một cách tuyệt-vời thì bỗng khám-phá ra bị ung-thư gan. Từ lúc khám-phá ra đến lúc ra đi chỉ có sáu tháng. Mẹ tôi mất sau bố tôi ba năm. Tôi là con trai cả nhưng chưa gặp mặt bố mẹ suốt 32 năm. Khi bố tôi nằm bệnh, tôi gọi về bằng Skype, bố con nhìn thấy nhau. Bố cười bảo vợ chồng tôi nom còn đẹp đôi lắm. Tôi quan-sát bố nằm trên võng từ đầu tới chân. Hai gót chân của bố tôi nhẵn-nhụi và trắng hồng. Tôi bảo, "Gót chân thầy đẹp quá, con chưa bao giờ thấy. Hồi xưa chỉ thấy gót chân thầy nứt-nẻ vì cả đời lội ruộng rau muống và gánh nước tưới rau. Gót chân thầy bây giờ đẹp hơn gót chân con, hơn 30 năm ở Mỹ mà vẫn sần-sùi nứt-nẻ." Tôi cảm thấy vui, coi như được đánh đổi chút gì với bố. Tôi ngập-ngừng nói, "Con không về được..." Bố tôi bảo, "Khỏi về. Bố con mình hẹn nhau trên Thiên Đàng." Tôi gạt ngấn nước mắt tràn mi trong nỗi buồn vui lẫn-lộn.

Bố tôi mất được vài năm thì tôi theo được thằng con trong quân-đội đi công-tác ghé vào Việt Nam. Cháu báo cho tòa đại-sứ Mỹ dòm chừng cho tôi về thăm mẹ. 32 năm vật đổi sao dời, cái ngõ cũ nhà tôi không còn như xưa, người quen lối xóm nhìn kỹ mới nhận ra được vài người, nhiều thế-hệ lớn lên ngơ-ngác. Tôi gạt đi trăm thứ chuyện để chỉ chú ý đến mẹ, chị và các em. Mẹ  bây giờ nặng tai, nói chuyện thật khó. Tôi xắp-xếp gường cho mẹ; vợ tôi đi giặt màn, chăn, gối, rồi chúng tôi lau chùi quanh phòng, quanh nhà. Tới ngày về, chúng tôi không biết Sàigòn có món ăn nào ngon nhưng cảm thấy ấm lòng.

Về Mỹ, trong cộng-đoàn nhà thờ của tôi, Cô Lan có bố ruột và bố chồng vừa vào nhà thương vì bệnh ung-thư gan hay phổi. Các bác đều đã lớn tuổi nên việc khám-phá ra bệnh cũng là lúc đáng lo. Thế là trong gia-đình có tới ba người bệnh nặng. Cô Lan mới bốn mấy mà đã chiến-đấu với bệnh ung-thư của cô đã năm năm, từ khi mang bầu đứa con út, bác-sĩ khám thai tìm ra. Thằng nhỏ lớn mấy tuổi là từng đó năm Cô Lan mang bệnh. Mái tóc dài mượt rụng dần cho tới khi cô phải đội khăn như một bà già trầu. Cả cộng-đoàn Mỹ cũng như Việt coi cô như người thân. Thấy vắng cô một ngày lễ là hỏi-han. Thấy cô đến được nhà thờ là túm lại thăm-hỏi. Tôi nhìn chồng cô và ba đứa con mà xót-xa.

Ngày tháng trôi đi lúc nhanh lúc chậm. Tôi quen nhiều với bố Cô Lan hơn bố chồng cô. Bác hay đến với ca-đoàn chúng tôi xin cầu-nguyện, khi thì ý này, lúc thì ý nọ. Bác nhìn gầy và da mặt xám hơn nhưng vẫn còn nhanh-nhẹn, vẫn giữ nụ cười tươi khi nói chuyện. Hè vừa rồi bác quyết-định về Việt Nam thăm gia-đình đứa con còn lại và các cháu, bảo là lần cuối. Khi trở lại, nhìn thấy bác vẫn bình-thường. Hỏi thăm, câu trước câu sau, bác bảo, "Xin anh chị cầu-nguyện cho em Lan." Bây giờ Bác không còn lái xe được nữa nên rủ tôi đi thăm một người bệnh trong hospice (nơi an-dưỡng chờ chết) sau thánh lễ buổi sáng ngày thường.

Người bệnh trong hospice qua đời sau đó vài tuần, là một cựu quân-nhân VNCH, chẳng có thân-nhân, bộ xương bọc da nằm dưới lớp chăn nhìn như không, không có bề dầy nào nổi lên. Vài tuần sau, bác và bác thông-gia vắng bóng ở nhà thờ. Những buổi đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót không còn bác quay xuống nói ý-chỉ cầu-nguyện. Ít tuần sau, bác thông-gia qua đời.  Bãi đậu xe của nhà quàn đầy xe vào buổi chiều viếng xác. Hình như bà con ra về vì cần nhường chỗ cho người đến sau.

Sau một tuần, bố Cô Lan qua đời. Mấy ngày trước đó, tôi tới thăm và đọc kinh. Niềm tin của bác vững-vàng, bác sẵn-sàng ra đi, nhưng đôi mắt bác ướt long-lanh. Tôi đoán bác đang nghĩ tới con gái và ba đứa cháu. Tôi không biết cuộc đối-thoại của bác với Chúa có những gì. Bác gởi-gấm hay năn-nỉ Chúa điều gì? Bác gái lúc nào cũng như một chiếc bóng can-trường, và dính chặt với bác trai khi bác trai ra đi. Tôi thấy Cô Lan ngồi trên xe lăn do chồng cô đẩy trước cửa nhà quàn ngày viếng xác bố, đầu cúi xuống. Đôi vai cô chỉ còn xương lồi-lõm trong bàn tay tôi. Bạn-bè và người thân cố mỉm một nụ cười với cô. Vài người Mỹ già lẩm-bẩm, "God has to do something!" (Chúa phải làm gì chứ!)

Đấy là lần cuối cùng tôi thấy cô còn sức sống. Hơn một tuần sau, buổi sáng sớm ở sân trước nhà nguyện đông người nhưng im-lặng khác thường. Có tiếng thì-thào, "Lan vừa qua đời sáng nay." Rồi chỉ còn những ánh mắt, mọi âm-thanh khác mất hút vào chân-không. Chuyển-động còn đó chậm-chập trong không-gian nhưng câm-lặng. Tôi không thể cảm được sự đổ-vỡ nào trong lòng người ở lại - chồng Cô Lan và các con, và tấm lòng của người bà đối với các cháu.

Lễ an-táng Cô Lan đầy người, Việt và Mỹ. Ca-đoàn trang-trọng hát bài Cô Lan đã chọn cho mình từ mấy tháng trước cho lễ an-táng của mình: "All I Ask Of You". Con chỉ xin Chúa một điều là nhớ đến con là người yêu Chúa. Dù ở chân trời góc biển nào trong đời, trong niềm vui hay nỗi đau, nơi tim con có Chúa hiện-diện. Chúa là ơn-huệ cho con cho tới ngày thân con rã-tan trong tro bụi...

Cô Lan ơi, cảm ơn cô cho tôi một ánh-sáng tạ-ơn. Trong những năm tháng đau thương, cô có bao giờ nhìn lên hay nhìn xuống để thấy mình "chưa đến nỗi nào" để nói lên được lời tạ-ơn không nhỉ? Tôi nghĩ cô đã khám-phá ra nguồn tạ-ơn trong đau-khổ sâu-xa hơn sự so-sánh đánh lừa mình khi khám-phá ra tình-yêu Chúa, Đấng cứu-chuộc nhân-loại qua đau-khổ, Đấng thánh-hóa đau-khổ, Đấng mời gọi những con người quảng-đại mang trong cuộc đời mình những đau-khổ, biến chúng thành phương-tiện cảm-thông, tương-thân tương-trợ, biết xót thương, biết tìm-tòi để xoa-dịu nỗi đau của tha-nhân.

Cảm-tạ Chúa đã chịu đau-khổ. Tạ-ơn Chúa cho con cảm-nhận được giá-trị của khổ-đau.

Nguyễn Văn Thông
Thanksgiving 2014

Không có nhận xét nào: