-Trưa Thứ Hai vừa qua, ngày 7 tháng 4 năm 2025, tại tiền đình Quận hạt Santa Clara, Thay mặt Hạt Santa Clara, Giám Sát Viên Betty Dương, đại diện Khu Vực 2 và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Otto Lee, đã đề xướng cùng Cộng Đồng Việt Mỹ Bắc Cali, phối hợp với Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Tây Bắc Hoa Kỳ, tổ chức buổi Thượng kỳ và treo Cờ rũ VNCH, đánh dấu khởi đầu cho những chương trình tưởng niệm trong suốt tháng Tư, nhằm ghi nhớ và tưởng niệm một phần lịch sử chung của chúng ta.
Buổi Lễ đã được long trong khai mạc, với hàng trăm các cựu quân nhân VNCH, Các cựu chiến binh Hoa Kỳ và đồng hương Việt Nam tham dự và theo dự kiến trong suốt Tháng Tư, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, sẽ tung bay tại trụ sở Hành Chánh của Quận Hạt, như một biểu tượng tưởng niệm những người đã hy sinh, và như một ánh sáng dẫn đường cho hành trình tiếp tục gìn giữ các giá trị về tự do, dân chủ và nhân quyền.
Sau đây là một vài hình ảnh, xin được chia xẻ đến Quý Vị và Các Bạn.
Clip video của quy tran:
Trong Không Khí Tưởng Niệm, Giới Thiệu Chiều Nhạc Xứng Đáng Tham Dự Nhất, Cuối Tuần Này!
Bước vào những tháng ngày, buồn thảm, đau thương nhất của Quê Hương!
Giới thiệu sinh hoạt, ý nghĩa nhất, nhiều công phu, thời gian sửa soạn nhất, cho Tháng Tư Đen năm nay tại San Jose:
Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen!
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 13 tháng 4 năm 2025.
Tại Hội trường Hạt Santa Clara (Isaac Newton Center Auditorium) 70 West Hedding, San Jose, Ca 95110
-Chương trình nhạc Tưởng Niệm truyền thống, do Người Lính KQ LVHải (hội trưởng VTLV) tổ chức hằng năm, vào mỗi Tháng Tư Buồn! với trên, hàng chục ca nhạc sĩ hay nhất, với những giọng ca truyền cảm nhất, hát với tất cả trái tim của Thung Lũng Hoa Vàng trình diễn.
-Gồm: Đồng Thảo, Hoàng Kim, Văn Khoa, Ngọc Hoa, Thanh Trúc, Trung Kiên, Hạnh Thảo, Cindy Mỹ Dung, Hiếu Hạnh, Thu Phượng, Khôi Nguyên, Hoàng Minh… MC: Thanh Loan, Duy Hải, Nguyễn Hồng Dũng và Đoàn Du Ca Bắc Cali.
-Được tổ chức truyền thống hàng năm, với sự yểm trợ của rất nhiều Hội đoàn và các Anh Chị Em Nghệ Sĩ, lần này là lần thứ 6! Những năm khác, tổ chức tại Câu Lạc Bộ Mây Bốn Phương, Cà phê Lover… Quý Khách ủng hộ đông đảo, nên không đủ chỗ ngồi! Năm nay, hội trường nơi diễn, khang trang, lớn hơn gấp 3 lần!
-Vào cửa tự do, cũng như có phục vụ nước giải khát, thức ăn nhẹ, hoàn toàn miễn phí! Tin giờ chót, một ân nhân tặng 20 món quà giá trị, cho mục rút thăm!
-Đặc biệt, bảo trợ bởi: Tân Giám Sát Viên Đầu Tiên Của Người Việt Hạt Santa Clara, Betty Dương!
-Nếu có thể được, xin mặc y phục mầu đen, hay trắng.
*Mọi chi tiết, xin liên lạc: (408) 613-9142, (408) 335-3862
Chân thành cảm tạ và Trân trọng kính mời.
Thay Mặt Ban Tổ Chức
Lê Văn Hải
Vài Tin Đáng Chú Ý
Lưu ý sức khỏe: Bé gái 8 tuổi tử vong vì sởi tại Texas, dịch lan rộng mau chóng, 22 tiểu bang toàn nước Mỹ!
TEXAS – Một bé gái 8 tuổi tại Texas đã tử vong vì biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi, trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng tại 22 bang trên toàn nước Mỹ và khiến giới y tế lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng phát do tỉ lệ tiêm chủng suy giảm.
Theo hãng Reuters ngày 7 Tháng Tư, giới chức Sở Y Tế Texas xác nhận nạn nhân là bé Daisy Hildebrand, chưa từng tiêm vắc xin MMR (sởi – quai bị – rubella) và không có bệnh nền. Bé qua đời tại bệnh viện vì suy hô hấp cấp tính do virus sởi – một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của căn bệnh này.
Đây là ca tử vong thứ hai của trẻ em tại Texas kể từ khi dịch bùng phát vào cuối Tháng Giêng. Tổng số ca mắc được xác nhận trên toàn nước Mỹ đã lên tới 642 ca, trong đó 499 ca ghi nhận tại Texas – theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Robert F. Kennedy Jr. đăng trên mạng xã hội X.
Ông Kennedy Jr., người từng có quan điểm chống vắc xin, nay thừa nhận vắc xin là “biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi.” Ông cũng cho biết đã đến Texas để chia buồn với gia đình bé Hildebrand và phối hợp cùng Thống đốc Greg Abbott để điều động đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đến hỗ trợ địa phương.
CDC cho hay 97% các trường hợp mắc bệnh sởi năm nay tại Mỹ là người chưa tiêm hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng, trong khi vắc xin MMR có hiệu quả bảo vệ lên tới 97% nếu tiêm đủ hai mũi. Bệnh sởi lây lan cực kỳ dễ dàng qua không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Trong khi Mỹ đang đối phó với làn sóng bùng phát, tình hình tại châu Âu cũng đáng lo ngại. Theo báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 3 Tháng Tư, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 127.000 ca sởi trong năm 2024 – mức cao nhất kể từ năm 1997, gấp đôi con số của năm trước.
Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% số ca nhiễm tại châu Âu. Đáng báo động hơn, khoảng nửa triệu trẻ em ở khu vực này đã không được tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên trong năm 2023.
“Bệnh sởi đang trở lại và đó là lời cảnh tỉnh, rằng nếu không đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, thì sẽ không thể đảm bảo an ninh y tế cộng đồng,” ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại châu Âu, cảnh báo.
Trong bối cảnh dịch sởi đang lây lan nhanh chóng, giới chuyên gia kêu gọi các bậc phụ huynh kiểm tra lại hồ sơ tiêm chủng của con em mình và sớm hoàn tất các mũi vắc xin MMR theo đúng lịch để tránh rủi ro không đáng có.
Với tốc độ lan truyền cao và tỉ lệ biến chứng nguy hiểm, sởi đang thực sự trở lại như một mối đe dọa y tế toàn cầu.
Tiểu bang California muốn “thoát hiểm” khỏi thuế trả đũa, Tòa Bạch Ốc phản pháo!
-Thống Đốc California Gavin Newsom vừa lên tiếng yêu cầu các nước đối tác thương mại “miễn trừ” tiểu bang này khỏi các biện pháp thuế trả đũa nhằm vào Hoa Kỳ, sau sắc lệnh mới của cựu Tổng Thống Donald Trump công bố hôm 2 Tháng Tư về việc áp thuế đối ứng lên hàng nhập cảng từ 180 quốc gia.
Trong tuyên bố phát đi ngày 5 Tháng Tư, ông Newsom khẳng định rằng: “Các mức thuế của Tổng Thống Trump không đại diện cho toàn thể người Mỹ. Thay mặt cho 40 triệu cư dân California – tiểu bang dẫn đầu sản xuất nông nghiệp và là trụ cột kinh tế của Hoa Kỳ – chúng tôi tiếp tục cam kết với thương mại toàn cầu ổn định và có trách nhiệm.”
Đài Fox News dẫn lời các nguồn tin cho biết động thái của ông Newsom là phản ứng trực tiếp trước làn sóng trả đũa thương mại đang được nhiều quốc gia xem xét. Một số nước đã lên kế hoạch đánh thuế nhập khẩu nhắm vào các mặt hàng từ Mỹ – trong đó có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực xuất xứ từ California.
Đặc biệt, ngành sản xuất và xuất khẩu hạnh nhân – một biểu tượng kinh tế của tiểu bang – được đánh giá là đang đối mặt nguy cơ tổn thất hàng tỷ Mỹ kim. Theo Sở Nông Nghiệp và Lương Thực California, mặt hàng hạnh nhân chiếm tới 20% trong tổng giá trị hơn 23 tỷ Mỹ kim xuất khẩu nông sản của bang, và đóng góp 2.5% vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Trên quy mô toàn cầu, California sản xuất tới 80% lượng hạnh nhân thế giới.
Ông Newsom đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách của tiểu bang xúc tiến tìm kiếm giải pháp mở rộng thị trường và gửi thông điệp đến các đối tác thương mại quốc tế rằng: “California vẫn là một đối tác đáng tin cậy, bất chấp biến động từ chính sách liên bang.”
Tuy nhiên, phản ứng từ Washington không để chậm. Người phát ngôn Nhà Trắng, ông Kush Desai, đã thẳng thừng bác bỏ nỗ lực này, nói rằng: “Thống Đốc Newsom nên tập trung vào những vấn đề nan giải ngay tại bang ông – như vô gia cư, tội phạm, và đời sống khó khăn của người dân – thay vì can thiệp vào các đàm phán quốc tế.”
Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, các tiểu bang không có thẩm quyền độc lập trong việc ký kết hay đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế. Mọi quyền lực liên quan đến chính sách thuế quan và thương mại đều thuộc về Quốc Hội và chính quyền liên bang.
Trong bối cảnh GDP của California đạt tới 4.100 tỷ Mỹ kim trong năm 2024 – cao nhất nước Mỹ, theo số liệu từ Bộ Thương Mại – nỗi lo về tác động từ chiến tranh thuế là có cơ sở. Nếu các đối tác thương mại quốc tế thực thi các biện pháp trả đũa, nền kinh tế đầu tàu này có thể sẽ chịu cú đánh trực tiếp lên sản xuất và xuất khẩu – lĩnh vực vốn là thế mạnh của “tiểu bang vàng” nước Mỹ.
Mỹ thu hồi thị thực du học tại nhiều đại học, sinh viên Việt Nam cần thận trọng
BOSTON, Massachusetts – Một loạt trường đại học danh tiếng tại Mỹ, trong đó có hệ thống Đại học Massachusetts (UMass), vừa ghi nhận việc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) âm thầm thu hồi thị thực của nhiều sinh viên quốc tế, gây lo ngại sâu rộng trong cộng đồng du học sinh – đặc biệt là người Việt đang học tập tại đây.
Theo trang Universal Hub, trong tuần qua, ICE đã thu hồi thị thực của hai sinh viên tại UMass Boston, cùng với năm sinh viên khác đang theo học tại UMass Amherst. Ngoài ra, năm cựu sinh viên vừa hoàn tất chương trình sau đại học tại UMass Boston cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điều đáng chú ý là chính các trường cũng không được ICE thông báo chính thức, mà chỉ phát hiện khi kiểm tra cơ sở dữ liệu.
Hiệu trưởng Marcelo Suárez-Orozco của UMass Boston cho biết Văn phòng Các chương trình toàn cầu của trường phát hiện vụ việc nhờ theo dõi sát hệ thống dữ liệu liên bang. Trong khi đó, Hiệu trưởng Javier Reyes của UMass Amherst khẳng định: “Không có lý do để cho rằng việc bị thu hồi thị thực là do hành vi xảy ra trong phạm vi nhà trường.” Ông khuyến cáo du học sinh lập tức liên hệ với trường nếu nhận được thông báo hoặc liên lạc từ phía ICE hoặc các cơ quan chính phủ liên bang.
Không chỉ Massachusetts, hàng loạt đại học lớn khác trên khắp nước Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo đài NBC News, hệ thống Đại học California xác nhận một số du học sinh của họ bị hủy visa, nhưng từ chối tiết lộ con số cụ thể. Ngoài ra còn có Đại học Fordham (New York), Cornell, Arizona State, Minnesota State, University of Texas, University of Oregon, và University of Colorado.
Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một đợt rà soát diện rộng đối với thị thực sinh viên quốc tế trong bối cảnh chính sách nhập cư của chính quyền Trump đang được siết chặt trở lại trong nhiệm kỳ hai.
Tại Đại học Columbia, chính quyền trường đã phải tăng cường an ninh bằng cách bổ sung thêm 36 cảnh sát từ NYPD để tuần tra khuôn viên, nhằm ứng phó với nguy cơ bất ổn và bảo vệ sinh viên quốc tế trước những phản ứng có thể xảy ra.
Trong một động thái song song, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo Washington sẽ hủy toàn bộ thị thực cấp cho công dân Nam Sudan và ngừng cấp visa mới – do nước này không tiếp nhận công dân bị trục xuất từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump mà một quốc gia bị áp dụng biện pháp mạnh như vậy.
Trước tình hình này, các du học sinh – đặc biệt là sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ – được khuyến cáo:
Luôn cập nhật thông tin với Văn phòng Sinh viên Quốc tế của trường mình;
Giữ liên lạc thường xuyên với cố vấn học tập và luật sư di trú nếu cần;
Không nên phớt lờ bất kỳ email hay thư từ nào đến từ ICE hoặc các cơ quan chính phủ;
Đảm bảo tình trạng visa và hồ sơ học tập luôn hợp lệ.
Trong lúc chưa có thông tin chính thức từ ICE hoặc Bộ An ninh Nội địa về lý do cụ thể dẫn đến đợt thu hồi thị thực lần này, sự chủ động và thận trọng vẫn là yếu tố then chốt để du học sinh tránh rơi vào rủi ro pháp lý không đáng có.
Tù Nhân Lương Tâm Huỳnh Thị Tố Nga Từ phòng giam Việt Nam đến tự do trên đất Canada
-Sau hành trình kéo dài hơn một năm, bà Huỳnh Thị Tố Nga – một cựu tù nhân lương tâm 42 tuổi – đã đặt chân đến thành phố Vancouver, tỉnh bang British Columbia, Canada, cùng với chồng và các con. Quyết định ra đi đánh dấu chặng dừng chân mới sau quãng thời gian đầy thử thách tại Thái Lan, nơi bà tạm lánh để làm thủ tục xin tị nạn.
Bà Nga từng bị kết án năm năm tù giam tại Việt Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Trong khi đó, người anh trai của bà, ông Huỳnh Minh Tâm, vẫn đang tiếp tục thụ án chín năm tù với cùng tội danh. Cả hai anh em – theo truyền thông trong nước – đều xuất thân từ một gia đình “có công với cách mạng,” nhưng bị quy chụp là đã sử dụng mạng xã hội để “xuyên tạc tình hình trong nước, bôi nhọ lãnh đạo và phỉ báng chế độ.”
Bản tin của báo Pháp Luật Việt Nam từng cáo buộc bà Nga tham gia các cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và kêu gọi tự do, dân chủ. Cơ quan tuyên truyền trong nước còn mô tả bà cùng anh trai là những người thường xuyên liên lạc với “các phần tử chống đối” trong và ngoài nước.
Vấn đề cả thế giới quan tâm nhất! 50 quốc gia đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc sau khi TT Trump công bố thuế quan đối ứng!
(Thiên Vân)
(Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ biểu đồ thuế đối ứng khi phát biểu trong sự kiện công bố thương mại “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 4 năm 2025 tại Washington, DC.)
-Vào hôm Chủ Nhật (6/4), trên các chương trình truyền hình của đài CNN, CBS News, ABC News, hay NBC, các viên chức Hoa Kỳ, bao gồm Bộ trưởng Nông Nghiệp Brooke Rollins, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett, và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, đồng loạt xác nhận với báo giới rằng trên 50 quốc gia đã tiếp xúc với Nhà Trắng để khởi động các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Trump áp đặt đòn bẩy thuế quan mới với quy mô toàn cầu.
Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phát biểu trên chương trình “This Week” của đài ABC News rằng: “Tôi đã nhận được một bản báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tối qua, cho biết rằng hơn 50 quốc gia đã tiếp xúc với Tổng thống để bắt đầu thương thuyết”.
Bộ trưởng Nông Nghiệp Brooke Rollins nói : “Tôi tin rằng trong thời gian ngắn sắp tới, chúng ta sẽ chứng kiến những kết quả tích cực rõ rệt từ chính sách này. Hiện đã có 50 quốc gia ngồi vào bàn thương thuyết trong vài ngày qua, và cả những tuần trước đó – họ đều sẵn lòng và khẩn thiết muốn đàm phán. Chúng ta là đầu tàu kinh tế của thế giới, và đã đến lúc phải có người đứng lên vì quyền lợi của nước Mỹ – và người đó chính là Tổng thống Trump”.
Tuy nhiên, các viên chức của ông Trump đều không nêu tên các quốc gia hay cung cấp chi tiết về nội dung thương thuyết. Việc đàm phán đồng thời với nhiều quốc gia cùng một lúc có thể trở thành một thách thức lớn về mặt tổ chức cho chính quyền của ông Trump.
Bộ trưởng Thương mại, ông Howard Lutnick, tiết lộ rằng những mức thuế này có thể chỉ mang tính tạm thời, và cho biết chúng sẽ được duy trì “trong vài ngày hoặc vài tuần”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Washington có thể hạ thấp hay bãi bỏ chúng khi các quốc gia khác đồng ý giảm thuế quan và rào cản thương mại của quốc gia họ hay không.
Các quốc gia phản ứng
Ấn Độ không có ý định trả đũa mức thuế 26% do Tổng thống Trump ban hành, và cho biết các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về một thỏa thuận tiềm năng đang được tiến hành.
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), hôm Chủ Nhật (6/4) đã đề nghị mức thuế quan bằng không để làm nền tảng cho việc đàm phán, đồng thời cam kết dỡ bỏ các rào cản thương mại và tuyên bố các công ty Đài Loan sẽ tăng đầu tư tại Hoa Kỳ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ tìm cách xin Hoa Kỳ miễn trừ mức thuế 17% áp đặt lên hàng hóa nước này trong buổi hội kiến với ông Trump vào ngày thứ Hai (6/4).
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni – một đồng minh thân cận của ông Trump – đã cam kết vào ngày Chủ nhật (4/5) rằng bà sẽ bảo vệ các doanh nghiệp Ý bị thiệt hại do mức thuế quan dự kiến 20% áp đặt lên hàng hóa từ Liên minh Châu Âu.
Sau khi bị Mỹ áp thuế đối ứng 49%, Campuchia đã thông báo giảm thuế các nhóm hàng nhập khẩu Mỹ từ mức cao nhất là 35% xuống còn 5%.
Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thông báo giảm thuế các nhóm hàng nhập khẩu Mỹ nhằm thể hiện thiện chí và tăng cường quan hệ thương mại song phương.
Các mặt hàng được Campuchia giảm thuế chủ yếu tập trung vào nông sản Mỹ, bao gồm: thịt bò, thịt lợn, ngô, đậu tương, khoai tây…
Tối 4/4, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cũng đã có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Cả ông Trump và phía Việt Nam đều loan báo rằng Hà Nội muốn xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ nếu hai nước có thể đạt được thỏa thuận. Việt Nam cũng đã cử phái đoàn quan chức và hàng trăm doanh nghiệp tới Washington để gấp rút đàm phán với chính quyền Trump trước khi thuế quan đối ứng có hiệu lực vào thứ Tư (9/4).
Chính sách thuế quan và những phản ứng từ nội các của Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Trump công bố mức thuế cơ sở 10% trên toàn bộ hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ và đã chính thức có hiệu lực vào ngày thứ Bảy (5/4), cùng với những mức thuế cao hơn dành riêng cho một số quốc gia khác sẽ được thi hành kể từ thứ Tư (9/4).
Những mức thuế riêng biệt – có thể lên đến 50% – nhằm trừng phạt các quốc gia đã dựng lên các rào cản thương mại mà ông Trump cho rằng đang bất công giới hạn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ và gây ra tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng.
Những mức thuế này được áp dụng ngay cả với những hòn đảo hoang vu tại Nam Cực – nơi chỉ có chim cánh cụt và các sinh vật nhỏ sinh sống, cùng những địa điểm hẻo lánh khác.
Ông Lutnick nói rằng cần có một phương thức toàn diện để tránh việc các quốc gia nhỏ bị các cường quốc lợi dụng như một con đường lách luật thuế.
“Căn bản là (ông Trump) đã nói, ‘Tôi không thể để bất cứ nơi nào trên thế giới trở thành ngõ ngách để Trung Quốc hay quốc gia khác chuyển hàng hóa nhằm né thuế’”, ông Lutnick nói.
Đây là một phần trong kế hoạch kinh tế dài hạn của ông Trump nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ và giảm bớt tình trạng thâm hụt mậu dịch kéo dài.
Các viên chức trong chính phủ lập luận rằng:
(1) Thuế quan sẽ giúp Hoa Kỳ nắm thế chủ động trong thương thuyết.
Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia nói trong chương trình “This Week” của đài ABC với người dẫn chương trình George Stephanopoulos.: “Sự thật là các quốc gia đang phẫn nộ, đang trả đũa – và đồng thời, cũng đang đến bàn đàm phán. Tối qua, tôi đã nhận được bản báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho biết rằng hơn 50 quốc gia đã tiếp xúc với Tổng thống để khởi sự thương lượng”.
“Ông ấy [Trump] đã tạo ra một đòn bẩy tối đa cho bản thân”, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC.
(2) Người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ không phải gánh chịu nhiều thiệt hại, vì các nhà cung ứng nước ngoài sẽ gánh chịu phần lớn chi phí.
Ông Hassett cũng bổ sung thêm: “Họ [những quốc gia bị đánh thuế] làm như vậy bởi vì họ hiểu rằng họ đang gánh chịu phần lớn mức thuế ấy. Do đó, tôi không nghĩ quý vị sẽ thấy ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Hoa Kỳ, vì tôi tin rằng lý do chính khiến chúng ta có thâm hụt thương mại kéo dài là do các quốc gia đó có nguồn cung rất khó thay thế. Họ đã xuất khẩu ồ ạt hàng hóa sang Hoa Kỳ nhằm tạo công ăn việc làm, chẳng hạn như ở Trung Quốc”.
(3) Hoa Kỳ từ lâu đã phải gánh chịu hàng rào thuế quan bất công từ những quốc gia như Mexico và Úc — điển hình là Mexico từ chối nhập bắp của Hoa Kỳ, Úc không tiếp nhận thịt bò Mỹ.
Bà Rollins phát biểu: “Thật ra, hiện nay chúng ta đã sống dưới một chế độ thuế quan rồi – nhưng đó là chế độ thuế quan của Trung Quốc, của Mexico, của Brazil, của Úc, của những quốc gia như Mexico thì không nhận bắp của chúng ta, Úc thì không nhận thịt bò. Riêng Honduras thì lại nhận thịt heo của chúng ta nhiều hơn cả toàn bộ Liên minh châu Âu – ý tôi muốn nói là thịt heo Mỹ. Vì vậy, từ quan điểm của người nông dân và giới chăn nuôi – vốn là điều tôi đang quan tâm – nhưng tôi sẵn sàng bàn đến bất cứ phương diện nào có liên hệ, thì đã đến lúc cần có một sự thay đổi. Và đó chính là điều mà Tổng thống đã khơi dậy vào hôm thứ Tư tuần trước”.
Ngoài ra, các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump cũng đang cố gắng mô tả các biện pháp thuế quan như một nước đi khôn khéo nhằm tái định vị Hoa Kỳ trong trật tự thương mại toàn cầu.
Bà Rollins cho hay: “Tôi cho rằng điều quan trọng cần nhận thức rõ là vào ngày thứ Tư (2/4) tuần rồi, Tổng thống đã công bố một trật tự mới cho Hoa Kỳ – một kế hoạch kinh tế mới cho nước Mỹ. Giờ chúng ta mới chỉ bước vào ngày thứ hai, phải không? Chỉ mới có hai ngày thôi. Toàn bộ khái niệm này là về việc tái thiết nền kinh tế Hoa Kỳ xoay quanh hàng hóa Mỹ, công nghiệp Mỹ”.
Những quan chức của chính quyền Trump cũng đang tìm cách giảm nhẹ tác động kinh tế sau khi chính sách thuế quan được công bố. Ông Bessent nói rằng “không có lý do” gì để dự đoán suy thoái kinh tế chỉ vì các mức thuế này, dẫn chứng sự tăng trưởng việc làm trong tháng Ba tại Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn dự đoán.
Đội ngũ của ông Trump cũng khẳng định rằng bất kỳ cú sốc ngắn hạn nào đối với nền kinh tế cũng sẽ xứng đáng với những lợi ích lâu dài mà các biện pháp thuế mang lại, mà theo lời Tổng thống Hoa Kỳ, sẽ giúp đưa ngành sản xuất quay trở lại nước Mỹ và tăng thu ngân sách.
Nga là một trong số ít quốc gia không bị áp đặt đòn bẩy thuế quan mới, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi. Giải thích về việc này, ông Hassett cho biết Hoa Kỳ đang trong quá trình thương thảo hoà bình với Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn sinh mạng, nên không muốn đưa thêm yếu tố phức tạp vào lúc này.
Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC News, ông Hasett đã phát biểu: “Hiện đang có một cuộc thương thuyết giữa Nga và Ukraine, và tôi cho rằng Tổng thống [Trump] đã quyết định không gộp hai vấn đề ấy lại với nhau. Điều đó không có nghĩa là Nga, về lâu về dài, sẽ được đối xử khác biệt một cách khác thường so với những quốc gia khác. Nhưng quả thật, Nga là một trong số ít các quốc gia không bị áp đặt các mức thuế mới, đúng không? Họ hiện đang trong quá trình thương lượng, ông George à, ông có thấy vậy không?”
Gần đây, Tổng thống Trump đã chia sẻ một đoạn phim ngụ ý rằng các mức thuế của ông được thiết kế nhằm đánh sập thị trường chứng khoán một cách có chủ ý, là một chiến lược để buộc Cục Dữ trự Liên bang Hoa Kỳ (FED) hạ lãi suất.
Tuy nhiên, ông Hassett bác bỏ ý kiến cho rằng các biện pháp thuế quan là một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm làm sụp đổ thị trường tài chính để gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang phải hạ lãi suất, khẳng định rằng sẽ không có “sự ép buộc mang tính chính trị” đối với FED.
Ông Hassett nói: “Vâng, điều quan trọng ở đây là Tổng thống đã nói về chính sách thuế quan trong suốt 40 năm qua, và đây rõ ràng là một chính sách mà ông ấy đã tập trung theo đuổi trong chiến dịch tranh cử cũng như trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình. Cái chu kỳ thăng trầm của Cục Dự trữ Liên bang là một chuyện khác. Nhưng chính sách thuế quan này là điều mà Tổng thống Trump đã mong muốn từ lâu. Ông ấy đã nói về điều đó từ khi xuất hiện trên chương trình “The View” cách đây 30, 40 năm, và những gì đang được thực thi hiện nay đúng với những gì ông ấy đã nói từ hồi đại hội đảng. Chúng tôi hiểu rằng Cục Dự trữ Liên bang là một cơ quan độc lập. Chúng tôi tôn trọng sự độc lập ấy. Nhưng Tổng thống có quyền đưa ra quan điểm. Dĩ nhiên, Tổng thống có quyền phát biểu ý kiến, nhưng sẽ không có bất kỳ sự cưỡng ép chính trị nào đối với FED, điều đó là chắc chắn”.
Phê phán và những lo ngại kinh tế
Chính sách thuế quan phổ quát 10% đối với tất cả hàng nhập cảng, cùng với những mức thuế cao hơn dành riêng cho một số quốc gia cụ thể đã lập tức gây ra sụt giảm mạnh mẽ và kéo dài trên thị trường toàn cầu, trong khi nhiều quốc gia bắt đầu áp đặt thuế trả đũa đối với Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và những người chỉ trích chính sách kinh tế của ông Trump đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với các đồng minh.
Phương pháp được sử dụng để xác định đối tượng áp thuế cũng bị chỉ trích trong tuần qua, sau khi các mức thuế được áp dụng cả cho những hòn đảo hoang vu tại Nam Cực.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers không đồng tình với quan điểm của ông Hassett rằng các mức thuế sẽ khiến giá hàng hóa tại Mỹ giảm xuống.
Ông Summers cảnh báo rằng: “Đây là vết thương nghiêm trọng nhất mà chúng ta tự gây ra cho nền kinh tế trong lịch sử. Chúng ta đang làm gia tăng lạm phát bởi vì giá cả đang tăng lên do thuế quan. Điều đó làm giảm sức mua của người dân. Kết quả là có ít việc làm hơn. Thị trường đang [chứng minh] tất cả điều đó. Và họ tin rằng giá trị các công ty sẽ sụt giảm 5 ngàn tỷ USD so với trước khi chính sách thuế này được công bố. Và đó chỉ là tổn thất đối với các doanh nghiệp. Nếu cộng thêm thiệt hại đối với người tiêu dùng, con số hợp lý có thể lên đến khoảng 30 ngàn tỷ USD”.
Ông Summers cũng nói thêm: “Tôi nghĩ có một xác suất rất cao rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động. Sự chuyển động trong hai ngày thứ Năm (3/4) và thứ Sáu (4/4) vừa qua là lần sụt giảm lớn thứ tư trong vòng hai ngày kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ba lần còn lại là vụ sụp đổ năm 1987, khủng hoảng tài chính năm 2008, và đại dịch. Như vậy, một sự sụt giảm ở mức này cho thấy phía trước sẽ còn nhiều khó khăn. Mọi người nên hết sức thận trọng. Tuy nhiên, nguy cơ nằm ở chỗ: khi tất cả chúng ta đều cẩn trọng thì điều ấy rất có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Trừ phi và cho đến khi Tổng thống [Trump] nhận ra rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng có thể mang lại hậu quả tai hại, thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn. Tôi cho rằng người dân làm đúng khi hoãn lại những khoản chi tiêu lớn, doanh nghiệp cũng đúng khi giữ thái độ dè dặt. Người ta có lý khi muốn nắm giữ tiền mặt. Điều chúng ta cần là một sự đảo ngược chính sách, và cho đến khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Đây là một giai đoạn thử thách đối với các cố vấn của Tổng thống [Trump]. Những ai có tư duy ngay thẳng và thành thật đều biết rằng chính sách này phản ánh nỗi ám ảnh 40 năm của ông Tổng thống, chứ không phải là một lý thuyết kinh tế đã được chứng minh”.
Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng JPMorgan hiện ước tính rằng chính sách thuế quan sẽ khiến tổng sản lượng nội địa (GDP) của Hoa Kỳ trong cả năm sụt giảm 0.3%, thay vì mức tăng trưởng 1.3% như dự đoán trước đây. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4.2% lên 5.3%.
Các nhà phân tích cảnh báo về một làn sóng bất ổn mới và nguy cơ suy thoái, khiến doanh nghiệp và người dân Hoa Kỳ tạm ngưng các quyết định chi tiêu lớn. Chính sách này được dự đoán sẽ làm tăng giá từ xe hơi cho đến quần áo, máy vi tính.
Các tập đoàn bán lẻ Hoa Kỳ dự đoán rằng giá cả “rất có khả năng” sẽ bắt đầu tăng ngay lập tức sau khi mức thuế 25% có hiệu lực đối với hàng xuất khẩu từ Mexico sang Hoa Kỳ.
Người dân Hoa Kỳ cũng đã được cảnh báo nên chuẩn bị tâm lý cho việc giá cả chung sẽ gia tăng, với nỗi lo sợ suy thoái kinh tế trong tương lai và lạm phát gia tăng do hậu quả của thuế quan.
Các nhà sản xuất rượu vang Ý và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tại một hội chợ rượu vang ở Verona hôm Chủ Nhật (4/6) cho biết hoạt động kinh doanh của họ đã có dấu hiệu chững lại, và họ lo ngại sẽ chịu thiệt hại lâu dài hơn.
Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tinh thần cho phiên mở cửa đầy biến động của các thị trường chứng khoán tại châu Á vào ngày thứ Hai (7/4).
Các nhân viên Quan thuế Hoa Kỳ đã bắt đầu thu thuế đơn phương 10% đối với tất cả hàng nhập cảng từ nhiều quốc gia kể từ ngày thứ Bảy (5/4). Mức thuế “đối ứng” cao hơn, dao động từ 11% đến 50% đối với từng quốc gia cụ thể, sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 12 giờ 01 phút sáng ngày thứ Tư (9/4) theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (tức 4 giờ 01 phút sáng theo giờ quốc tế GMT).
Thị trường Hoa Kỳ
Chỉ số S&P 1500 Composite Index – một trong những thước đo đầy đủ nhất của thị trường Hoa Kỳ – đã mất gần 6 ngàn tỷ USD giá trị chỉ trong hai ngày sau thông báo thuế quan đối ứng của ông Trump, và tổng cộng gần 10 ngàn tỷ USD đã bị xóa sổ kể từ giữa tháng Hai, gây tổn thất nặng nề cho các quỹ hưu trí của hàng triệu người dân Hoa Kỳ.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Tổng Thống Ukraine Chỉ Trích Mỹ Thiếu Phản Ứng Khi Nga Từ Chối Đề Xuất Ngừng Bắn
(Hình AP: Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại một tòa nhà chung cư sau cuộc tấn công của Nga ở Kupyansk, vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 6 tháng 4 năm 2025.)
-Sau các vụ oanh kích của Nga vào Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 6/4/2025 lấy làm tiếc vì Hoa Kỳ thiếu phản ứng trước việc Nga từ chối Lệnh Ngừng bắn 30 ngày mà Hoa Thịnh Ðốn đề xuất từ giữa tháng Ba.
Trong bài phát biểu hàng ngày gửi đến người dân Ukraine hôm Chủ Nhật (6/4), Tổng thống Zelensky khẳng định "Kyiv đã chấp nhận đề xuất của Hoa Kỳ về Lệnh Ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện, nhưng Putin đã từ chối". Ông Zelensky cho biết vẫn đang chờ đợi phản ứng của Hoa Kỳ, cũng như là các biện pháp của Âu Châu.
Trên mạng xã hội, hôm 6/4, ông Zelensky khẳng định rằng "áp lực đối với Nga là chưa đủ, và các cuộc tấn công của Nga hàng ngày vào Ukraine đã cho thấy rõ điều đó". Theo chính quyền Kyiv, các cuộc oanh kích của Nga khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, 8 người bị thương hôm Chủ Nhật (6/4). Trước đó, cuộc oanh kích thứ Sáu (4/4) tuần trước của Nga, đã khiến 20 người chết, trong đó có 9 trẻ em.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/4, cũng đã lên án các cuộc tấn công của Nga, đồng thời kêu gọi "có hành động mạnh mẽ" nếu Mạc Tư Khoa tiếp tục "từ chối hòa bình". Tổng tham mưu trưởng của Pháp và Anh đã đến Kyiv vào tuần trước để thúc đẩy việc điều động lực lượng quân sự tới Ukraine sau khi đạt được Lệnh Ngừng bắn, nhằm ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công mới nào của Nga.
Về phía Nga, trong một cuộc phỏng vấn được truyền thông Nga trích dẫn, ông Kirill Dmitriev, Đặc phái viên về Kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, nêu ra khả năng lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ liên lạc trong tuần này, nhưng không nêu rõ nội dung cụ thể.
Hôm 7/4, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, ông Dmitri Peskov cho biết Tổng thống Putin "ủng hộ ý tưởng cần đạt được Lệnh Ngừng bắn, nhưng trước đó còn có nhiều câu hỏi cần giải đáp mà chưa ai trả lời", theo trích dẫn của thông tấn xã AFP. Đó là những câu hỏi liên quan đến việc chế dộ Kyiv không có khả năng kiểm soát nhiều nhóm cực đoan, cũng như về những dự án quân sự hóa của Ukraine
Trên chiến trường, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua đã tuyên bố chiếm được làng Bassivka, lần đầu tiên kể từ khi Nga rút quân vào mùa Xuân năm 2022. Mạc Tư Khoa cũng khẳng định đạt được đà tiến tại vùng Soumy của Ukraine. Hồi đầu tháng Ba, Nga cũng đã tuyên bố chiếm được làng Novenké ở trong khu vực này. Tuy nhiên, phía Ukraine bác bỏ thông tin này.
Không Quân Mỹ và Phi Luật Tân Tập Trận Chung Tăng Cường Khả Năng Răn Đe
(Hình AFP - Ted Aljibe: Nhân viên Không quân Phi Luật Tân và Hoa Kỳ trong lễ khai mạc cuộc tập trận song phương thường niên Cope Thunder, tại căn cứ Không quân Clark gần thành phố Angeles, Phi Luật Tân, ngày 7/4/2025.)
-Hôm 7/4/2025, Malina thông báo Không quân Phi Luật Tân và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và "răn đe chiến lược".
Theo thông tấn xã AFP, trong lễ khai mạc cuộc tập trận mang tên "Cope Thunder", Tư lệnh Không quân Phi Luật Tân Arthur Cordura cho biết, mục đích chính của cuộc diễn tập là nhằm "cải thiện khả năng chuẩn bị chiến đấu và hiệu quả của các nhiệm vụ chung" của quân đội 2 nước.
Về phần mình, Tướng Mỹ Christopher Sheppard phát biểu tại buổi lễ khẳng định: "Nhịp độ liên minh của chúng ta đang tăng tốc".
Theo Không quân Phi Luật Tân, cuộc tập trận "Cope Thunder", sẽ diễn ra từ hôm nay đến ngày 18 tháng 4, nhằm cải thiện khả năng phối hợp tác chiến và răn đe chiến lược. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra ở phía Bắc đảo Luzon, khu vực gần Đài Loan nhất của Phi Luật Tân.
Cuộc tập trận thường niên có tên gọi "Balikatan" lớn hơn, phối hợp các binh chủng Hải, Lục Không quân của quân đội hai nước cũng được lên kế hoạch vào cuối tháng 4 này.
Tuần trước, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mô phỏng phong tỏa Đài Loan, Tư lệnh Quân đội Phi Luật Tân Romeo Brawner nhận định, trong trường hợp đảo Đài loan bị xâm lược, việc Phi Luật Tân bị cuốn vào cuộc chiến tranh này là điều "không thể tránh khỏi". Tuy nhiên sau đó, Manila đã diễn giải lại rằng các bình luận trên muốn liên hệ đến việc khai triển quân đội để hồi hương kiều dân Phi Luật Tân làm việc tại Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.
Từ năm 2022, Phi Luật Tân và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân.
Trong chuyến công du Phi Luật Tân mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Hoa Thịnh Ðốn đã "nỗ lực gấp bội" để tăng cường mối quan hệ đồng minh với Phi Luật Tân.
Tuần trước Hoa kỳ thông báo đã thông qua quyết định bán cho Phi Luật Tân 20 chiến đấu cơ F-16, dù Manila cho biết là hợp đồng này vẫn đang trong "giai đoạn đàm phán".
Nhiều tháng gần đây, giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc đã xảy ra nhiều căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP
(AFP) – Tổng thống Pháp Macron thăm Ai Cập với trọng tâm là hồ sơ Gaza. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viếng thăm Ai Cập trong 2 ngày 7 và 8/4/2025, thảo luận về kế hoạch của khối các nước Ả Rập cho Gaza, vùng lãnh thổ của Palestine mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn nắm quyền kiểm soát. Tối 6/4, Tổng thống Macron đã gặp Tổng thống Abdel Fattah al-Sissi và sáng nay hội đàm chính thức với đồng nhiệm Ai Cập, trước khi họp thượng đỉnh tay ba với sự tham dự của Quốc vương Jordan, Abdallah II.
(AFP) – Pháp: Hai người đàn ông bị truy tố vì tình nghi tiến hành khủng bố. Hôm 6/4/2025, Viện Công tố chống khủng bố Pháp đã cung cấp thông tin này cho báo chí Pháp. Hai người đàn ông bị cáo buộc "có âm mưu khủng bố", tàng trữ chất gây nổ, hiện đã bị tạm giam. Ngoài ra, một người đàn ông khác cũng bị truy tố vì không báo cáo tội phạm khủng bố và bị giám sát Tư pháp. Đài RTL của Pháp cho biết kẻ tình nghi chính, 19 tuổi, sống ở Dunkerque, miền Bắc nước Pháp, trên mạng Internet, đã tự nhận mình là thành viên của một phong trào thánh chiến. Khi khám xét nơi ở, các nhà điều tra dường như đã tìm thấy một thắt lưng thuốc nổ và các thiết bị gây nổ.
(AFP) – Pháp: Lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen lên án cuộc "săn phù thủy". Cuộc biểu tình theo lời kêu gọi của đảng Tập hợp Dân tộc, diễn ra ngày 6/4/2025, sau khi Marine Le Pen, lãnh đạo đảng này, trong phiên xử Sơ thẩm bị kết án 4 năm tù (2 năm tù treo và 2 năm tù giam, nhưng được thay thế bằng biện pháp đeo vòng điện tử) và ngay lập tức bị mất quyền ứng cử trong 5 năm vì biển thủ công quỹ. Trước những người ủng hộ tập trung gần Invalides, Paris, bà Le Pen khẳng định rằng bản án của tòa đưa ra là không phải là một quyết định pháp lý mà "mang tính chính trị, coi thường các quy tắc dân chủ". Bà Le Pen cũng tuyên bố là nạn nhân của cuộc "săn phù thủy" - thuật ngữ được Donald Trump sử dụng để bày tỏ ủng hộ lãnh đạo đảng cực hữu của Pháp.
(AFP) – Cộng sản Bắc Hàn tổ chức cuộc thi chạy marathon quốc tế đầu tiên từ 2019. Hôm 6/4/2025, hàng trăm vận động viên quốc tế đã tham gia chạy marathon được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất được tổ chức tại nước Cộng sản Bắc Hàn, bị hoãn lại từ 6 năm qua do đại dịch Covid-19. Để tham gia sự kiện tại quốc gia bị cô lập này, các vận động viên quốc tế phải đi qua một tour du lịch 6 ngày, do hãng Koryo Tours tổ chức.
(Reuters) - Đất hiếm: Một phái đoàn của Ukraine sẽ đến Hoa Kỳ trong tuần này, để đàm phán thỏa thuận về đất hiếm, theo thông báo của chính phủ Kyiv. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề nghị một phiên bản mới của Thỏa thuận về Đất hiếm, có tầm mức rộng hơn, văn bản mà Ukraine đã xem xét trong những ngày qua. Văn bản ban đầu của thỏa thuận này theo lẽ đã được ký kết vào cuối tháng 2/2025 tại Tòa Bạch Ốc, nhưng do cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước ống kính truyền hình toàn thế giới, lễ ký kết đã không thể diễn ra.
(AFP) – Donald Trump cáo buộc Trung Quốc phá hỏng một thỏa thuận với Mỹ về việc bán Tiktok do mức thuế quan mới. Trả lời báo giới hôm 6/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định rằng "nếu tôi giảm một chút thuế thì Trung Quốc có thể chấp nhận thỏa thuận bán TikTok trong vòng 15 phút". Theo luật được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2024, tập đoàn ByteDance của Trung Quốc phải nhượng quyền kiểm soát TikTok nếu không sẽ bị cấm hoạt động ở Hoa Kỳ. Việc nhượng quyền này không chỉ cần ByteDance thông qua, mà cũng cần phải được chính quyền Trung Quốc bật đèn xanh.
(AFP) - Khách hàng dệt may Hoa Kỳ tạm ngừng nhập hàng của Bangladesh, nước sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới. Quyết định tạm ngừng nhập được đưa ra, sau khi Hoa Kỳ áp dụng mức thuế mới, 37% đối với hàng hóa của Bangladesh. Ngành dệt may, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất cảng của nước này.
(Reuters) – Tân Tây Lan dự tính tăng chi tiêu quân sự. Hôm 7/4/2025, Tân Tây Lan cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 9 tỉ đồng Tân Tây Lan (5 tỉ Mỹ kim) trong 4 năm tới và đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi, lên 2% GDP trong 8 năm tới, vào thời điểm căng thẳng gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo Thủ tướng Christopher Luxon, không thể có thịnh vượng về kinh tế nếu không có an ninh.
(AFP) - Thủ tướng Do Thái thăm Hoa Kỳ. Thuế quan sẽ là một trong những chủ đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 7/4/2025, tại Tòa Bạch Ốc. Ông Netanyahu là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên gặp ông Trump kể từ khi Tổng thống Mỹ quyết định áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập từ các nước vào Hoa Kỳ. Thủ tướng Netanyahu hy vọng sẽ thuyết phục được Tổng thống Trump bỏ quyết định áp thuế 17% đối với Do Thái hay ít ra giảm mức thuế này.
Tin Việt Nam
Việt Nam Đề Nghị Mỹ Hoãn Áp Thuế "Đối Ứng" Trong Ít Nhất 45 Ngày
-Hà Nội đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn ít nhất 45 ngày việc áp mức thuế "đối ứng" 46% đối với hàng nhập cảng từ Việt Nam, vào lúc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Trong một bức thư gởi cho Tổng thống Donald Trump, mà hãng tin AFP tham khảo được, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm đã đề nghị Tổng thống Mỹ tạm hoãn việc áp thuế đối với Việt Nam trong "ít nhất 45 ngày". Trong thư, ông Tô Lâm cho biết đã chỉ định Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc là nhà thương thuyết chính với phía Hoa Kỳ về vấn đề này, "với mục tiêu đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể".
Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cũng hy vọng sẽ gặp Tổng thống Trump tại Hoa Thịnh Ðốn vào cuối tháng 5/2025 để hoàn tất thỏa thuận.
Trước đó, theo tin báo chí trong nước, tối thứ Sáu (4/4) tuần trước, ông Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó lãnh đạo Việt Nam tuyên bố sẵn sàng giảm thuế nhập cảng xuống còn 0% đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ.
Ông Trump đánh thuế nặng như vậy vì cho rằng Việt Nam đang áp thuế 90% đối với Hoa Kỳ, một con số dựa trên thặng dư thương mại 123,5 tỉ Mỹ kim của Việt Nam với Hoa Kỳ vào năm 2024. Mức thuế nói trên sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ thứ Tư (9/4) tuần này đe dọa nặng nề lên nền kinh tế Việt Nam, vào lúc mà theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1/2025 chỉ đạt 6,93%, thấp hơn một chút so với mức 7,55% cùng kỳ năm 2024.
Hãng tin AFP hôm 7/4 trích dẫn Sayaka Shiba, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu BMI, nhận định thuế quan của Hoa Kỳ có nguy cơ "gây tổn hại đáng kể" đến mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất cảng sang Hoa Kỳ. Bà cho biết trong trường hợp xấu nhất, mức thuế quan nặng nề đó có thể khiến Việt Nam mất 3 điểm GDP trong năm nay.
Các chuyên gia tin rằng mức thuế mới sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ngành như hải sản, quần áo, giày dép, gỗ, điện tử và điện thoại thông minh. Trả lời thông tấn xã AFP, ông Phạm Văn Đại, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Fulbright Việt Nam, dự đoán đối với các công ty lớn của Hoa Kỳ có nhà máy tại Việt Nam, như Nike và Adidas, lượng đơn đặt sẽ hàng giảm và doanh thu cũng giảm theo, có thể buộc những công ty này thu hẹp quy mô của các nhà máy và khiến nhiều người mất việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét