Tính đến đầu mùa thu năm nay, sau hơn 2 năm rưỡi chiến tranh chống xâm lược Nga, Ukraina đã nhận được ít nhất 310 tỉ đô la. Khối lượng viện trợ to lớn về quân sự và phi quân sự nói trên đã giúp Kiev trụ được trước cuộc tấn công của cường quốc quân sự thứ hai thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận việc hỗ trợ của các đồng minh cho Ukraina ngày càng trở nên ít hơn và ít chắc chắn hơn. Vì sao ? Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T), thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic (G) và tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại thượng đỉnh Ukraina - Đông Nam Âu, tại Dubrovnik, Croatia, ngày 09/10/2024. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER - Trọng Thành
Theo Viện Kiel của Đức, nơi công bố hàng tháng các cam kết trợ giúp và các trợ giúp đã cung cấp cho Ukraina kể từ đầu chiến tranh, số lượng các nước duy trì hỗ trợ Ukraina đã giảm đi. Giờ đây, nhóm hỗ trợ kiên định cho Ukraina tập trung vào một số quốc gia, trước hết là Mỹ, Đức, các nước Bắc Âu và Đông Âu. Sau một thời gian các hỗ trợ chững lại, trong giai đoạn từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024, các gói hỗ trợ có phần tăng trở lại tại Mỹ và Liên Âu.
Giai đoạn đầy bất trắc
Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, viễn cảnh hỗ trợ tài chính cho Ukraina một lần nữa lại bước vào giai đoạn đầy bất trắc. Trong ngân sách 2025, Đức đã quyết định giảm một nửa tổng số tiền viện trợ dự kiến cho Ukraina, giảm từ 8 tỉ xuống còn 4 tỉ euro. Theo giới quan sát, đây là một quyết định quan trọng bởi Berlin được coi là nhà tài trợ thứ ba cho Ukraina, sau Mỹ và các tài trợ chung của Liên Hiệp Châu Âu.
Trước chuyến công châu Âu theo lời mời của Hội Đồng Châu Âu, ngày hôm qua, 16/10/2024, trước Quốc Hội Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky đã công bố ‘‘kế hoạch giành chiến thắng’’ trong cuộc chiến chống xâm lược Nga. Đây là kế hoạch đã được lãnh đạo Ukraina thông báo hồi tháng 8/2024, dự trù trình bày tại cuộc họp lãnh đạo 50 nước đồng minh của Ukraina, tại Ramstein vào ngày 12/10, rút cục đã bị hủy sau đó. Theo tổng thống Mỹ, cuộc họp sẽ được tổ chức vào tháng 11, nhưng thời điểm chưa xác định.
Tinh thần chính của ‘‘Kế hoạch giành chiến thắng’’ nói trên là Ukraina không chấp nhận nhân nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình. Mà để giành chiến thắng trước Nga, ngoài các hỗ trợ của đồng minh thông qua các biện pháp trừng phạt Matxcơva về kinh tế và yêu cầu được mời gia nhập NATO, Kiev cần tiếp tục nhận được các hỗ trợ tài chính to lớn của đồng minh, về vũ khí, về cơ sở hạ tầng, để có thể trụ lại được trước áp lực quân sự Nga, chưa nói đến việc ‘‘giành chiến thắng’’ trước Matxcơva. Chính quyền của tổng thống Zelensky cũng đề nghị đồng minh phương Tây triển khai trên lãnh thổ Ukraina ‘‘hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn cầu’’, kế hoạch với nội dung bí mật, mà theo Kiev đã được lãnh đạo 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Đức ủng hộ.
Lò lửa Trung Cận Đông
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, các đồng minh của Ukraina đang trong giai đoạn khó mang lại cho Ukraina các hỗ trợ cần thiết. Lý do hàng đầu là bối cảnh địa chính trị hiện đang xoay chuyển theo hướng không thuận cho Ukraina. Ưu tiên đối với phương Tây trong thời điểm hiện tại là ngăn cản nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông. Xung đột hiện đã lan sang Liban sau một năm chiến tranh tại Gaza.
Để tránh việc Israel và Iran leo thang xung đột, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải đầu tư nhiều cho Trung Đông. Hôm Chủ nhật, 12/10, Washington quyết định sẽ chuyển cho Israel hệ thống lá chắn tên lửa tân tiến THAAD, và khoảng 100 người Mỹ sẽ trực tiếp có mặt tại Israel để hỗ trợ Tel Aviv phòng vệ truớc Iran. Ukraina trong cuộc đối đầu với xâm lược Nga đã không được hưởng một trợ giúp như vậy.
Đồng minh của Nga trong nội bộ châu Âu
Tại châu Âu, Ukraina cũng đang lâm vào thế khó, khi Hungary – một nước thân Nga – đang đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của khối 27 (nhiệm kỳ kéo dài đến cuối 2024). Theo nhiều nhà quan sát, tổng thống Volodymyr Zelensky được mời tham dự thượng đỉnh Liên Âu trong hai ngày 17 và 18/10, nhưng ông ít còn được chào đón như một người anh hùng. Ảnh hưởng của các thế lực chống hỗ trợ Ukraina trong nội bộ Nghị Viện Châu Âu cũng gia tăng sau cuộc bầu cử tháng 6/2024.
Về nguyên tắc, tổng thống Biden vẫn cam kết cùng với các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ Ukraina đến khi khi ‘‘giành chiến thắng’’. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nếu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, cựu tổng thống Donald Trump đắc cử, quan hệ giữa Washington với các đồng minh của Ukraina, trước hết là Đức, được dự báo sẽ bước vào giai đoạn nhiều sóng gió. Trong nhiệm kỳ tổng thống 2017 – 2021, Donald Trump đã liên tục lên án Đức và nhiều nước châu Âu khác đã chi quá ít tiền cho hoạt động phòng thủ chung của NATO.
Viễn cảnh Trump trở lại
Về cuộc chiến Ukraina chống xâm lược Nga, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã nhiều lần khẳng định không muốn dùng tiền của người Mỹ để giúp Kiev. Thậm chí Donald Trump còn đe dọa rút bớt quân Mỹ tại châu Âu. Ứng viên phó tổng thống đảng Cộng Hòa JD Vance cũng có quan điểm tiêu cực về các hỗ trợ cho Ukraina. Năm 2022, chính trị gia này từng tuyên bố : ‘‘Thành thật mà nói, tôi mặc xác những gì diễn ra tại Ukraina !’’.
Theo nhiều nhà quan sát, khoản cam kết cho vay 50 tỉ đô la của phương Tây cho Kiev, mà nhóm G7 thống nhất hồi tháng 6/2024, hiện không còn được các nước bảo đảm. Số tiền này giờ đây sẽ phải được chi trả với các khoản lời của số tài sản Nga bị phong tỏa tại châu Âu. Mà việc phong tỏa tài sản Nga lại dựa vào các quyết định trừng phạt Nga của châu Âu. Điều gây khó khăn trong việc giải ngân là các lệnh trừng phạt phải được xem xét lại cứ 6 tháng một lần, có nghĩa là sẽ liên tục bị các nước thân Nga như Hungary chọc gậy bánh xe.
Chỉ còn ba tuần nữa là nước Mỹ sẽ bầu tổng thống mới. Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden công du Berlin ngày mai 18/10. Theo nhiều nhà quan sát, trong các thảo luận với thủ tướng Đức, ắt hẳn hai bên sẽ phải bàn về việc đối thoại với Nga để tìm giải pháp cho xung đột Ukraina. Vào thời điểm hiện tại, quan tâm trợ giúp Ukraina của các đồng minh sẽ giảm bớt, ưu tiên có thể sẽ phải tập trung nhiều hơn vào các thương lượng để tìm lối thoát cho xung đột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét