Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :19/10/2024 - Loan My


G7 họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng, bàn về tình hình Cận Đông Hôm nay, 19/10/2024, các bộ trưởng Quốc Phòng khối G7 – nhóm bảy nước có nền kinh tế phát triển – có cuộc họp tại thành phố Napoli, Ý – quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên. Tình hình xung đột leo thang ở Cận Đông là một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc thảo luận. Bộ trưởng Quốc Phòng Ý Guido Crosetto và đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin bắt tay tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Quốc Phòng Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Palazzo Reale ở Napoli, Ý, ngày 19/10/2024. AFP - TIZIANA FABI - Minh Anh
<!>
Theo AFP, đây là cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng đầu tiên của nhóm G7, diễn ra hai ngày sau thông báo của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cái chết lãnh đạo phe Hamas, ông Yahya Sinwar trong một chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah, miền nam Gaza.

Cuộc thảo luận tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (Finul), Mũ Xanh, tại Liban. Các cuộc oanh kích của Israel tại Liban những ngày qua đã làm ba lính Mũ Xanh bị thương. Ý và nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, xem hành động này của Israel là vi phạm luật quốc tế.

Hôm qua, thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni, là lãnh đạo chính phủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Beyrouth kể từ khi Israel và Hezbollah leo thang xung động từ hôm 23/09. Tại đây, bà đã kêu gọi tăng cường năng lực cho Finul. Lực lượng quốc tế này, có khoảng 9.500 binh sĩ đến từ hơn 50 quốc gia, đã cáo buộc quân đội Israel « cố ý » bắn phá các vị trí của Finul tại Liban.

Ngoài tình hình Cận Đông, lãnh đạo quốc phòng của 7 nước công nghiệp tiên tiến còn thảo luận về tình hình an ninh vùng châu Á – Thái Bình Dương và diễn biến chiến tranh Ukraina, vào lúc Kiev sắp bước vào mùa đông khắc nghiệt thứ ba và đang gặp khó khăn trước quân xâm lược Nga. Cuộc họp cấp cao này sẽ kết thúc với buổi họp báo của bộ trưởng Quốc Phòng Ý Guido Crostto, dự kiến diễn ra vào 15 giờ, giờ địa phương.

Hamas tiếp tục từ chối thả con tin ở Gaza nếu Israel không ngừng bắn

Ngày 18/10/2024, ngay sau khi xác nhận thủ lĩnh Yahya Sinwar bị thiệt mạng, lực lượng Hamas tuyên bố sẽ không trả tự do cho gần 100 con tin vẫn bị giam giữ ở dải Gaza nếu quân đội Israel không ngừng chiến dịch oanh kích. Nhánh vũ trang của Hamas khẳng định cuộc chiến sẽ tiếp tục « cho đến khi giải phóng được Palestine » và cái chết của Yahya Sinwar « sẽ càng tăng cường » sức mạnh cho phong trào.


Người dân ở Yemen giơ cao áp phích của cố lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar, trong một cuộc biểu tình chống Israel ở Sanaa, Yemen, ngày 18/10/2024. AP - Osamah Abdulrahman
Thu Hằng
Một ngày sau khi có thông tin Sinwar thiệt mạng, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã lên tiếng, nhấn mạnh rằng phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas sẽ « tiếp tục tồn tại ». Theo nhận định của một số chuyên gia, được Reuters trích dẫn ngày 19/10, dường như Hamas đang tìm một thủ lĩnh mới nhưng ở bên ngoài dải Gaza. Trong khi đó, Muhammad Sinwar, em trai của Yahya, được cho là sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến chống Israel trên dải Gaza. Nhân vật này cũng đang bị quân đội Israel truy lùng, theo người phát ngôn quân đội Daniel Hagari.

Irak : Biểu tình ủng hộ các lực lượng chống Israel
Thủ lĩnh của Hamas bị thiệt mạng trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, nơi Israel tham chiến với Hezbollah Liban từ cuối tháng 09 và đe dọa đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran vào lãnh thổ Israel vào ngày 01/10. Để gửi thông điệp ủng hộ những lực lượng đứng dậy chống Israel, vài nghìn người dân Irak đã tập trung ở Kerbala, thành phố thánh của người Hồi Giáo theo hệ phái Shia, sau lễ cầu nguyện thứ Sáu 18/10.

Thông tín viên RFI Marie-Charlotte Roupie tại Bagdad tường thuật :

« Cuộc tập hợp có quy mô ấn tượng. Hàng nghìn người ở Karbala, vẫy cờ Irak, Liban và Palestine. Mushtaq đến từ Baghdad cho biết : « Chúng tôi đến để ủng hộ dân tộc chúng tôi, người dân Palestine và người dân Liban đang phải chịu những tội ác, tội diệt chủng và đáng tiếc là các nước châu Âu và Ả Rập vẫn im lặng ! »

Để tiếng nói của họ được lắng nghe, người dân từ khắp các tỉnh miền nam Irak đã hưởng ứng lời kêu gọi của đại giáo chủ hệ phái Shia Ali Al-Sistani. Người biểu tình ở tỉnh Dhi Qar hát vang bài ca ngợi lãnh đạo Hezbollah Liban bị Israel hạ sát vào cuối tháng 09. Lời bài hát có đoạn « Hãy lắng nghe lời hứa của tỉnh Dhi Qar, chúng tôi sẽ không bao giờ quên báo thù cho Hassan Nasrallah ».

Họ đến trước lăng Imma Hussein, một công trình mang ý nghĩa biểu tượng, hiện thân của những anh hùng tử vì đạo. Hadi al-Moussawi, giám đốc một phong trào thanh niên theo hệ phái Shia, phát biểu : « Chúng tôi lên án việc làm của Israel khi nhắm đến các thủ lĩnh Hồi Giáo, Ả Rập và hệ phái Shia. Chúng tôi biết rằng Hamas là một tổ chức theo hệ phái Sunni còn Hezbollah theo hệ phái Shia nhưng họ có một kẻ thù chung : đó là Israel. Đạo Hồi đoàn kết sẽ cùng nhau đối đầu với Israel, như là một cá thể, không phân biệt Shia hay Sunni ».

Tên của Yahya Sinwar, bị chết hôm trước, đã không được nêu trong các bài diễn văn chính nhưng điều đó không cấm cản nhiều người biểu tình ca ngợi « sự hy sinh anh hùng » của người đứng đầu cơ quan chính trị Hamas ».

Ngoại trưởng Philippines hối thúc ASEAN sớm có giải pháp kiên quyết về Biển Đông

« ASEAN cần đề cập nhiều hơn về tình hình Biển Đông và phải thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử - COC.» Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 18/10/2024, ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho rằng chỉ khi cùng lên tiếng, hiệp hội 10 nước Đông Nam Á mới có thể nâng cao tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.


Cuộc họp ngoại trưởng "ASEAN + 3" lần thứ 25 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 27/07/2024. AP - Sakchai Lalit
Thu Hằng
Trong buổi phỏng vấn với truyền thông tại Bangkok, trong đó có Nikkei Asia và CNA, nhân chuyến công du Thái Lan kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ song phương, ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh : « ASEAN phải lên tiếng nhiều hơn một chút về tình hình » Biển Đông bởi vì « ASEAN có vai trò quan trọng trong việc duy trì một số nguyên tắc, như luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan đến Biển Đông, và đảm bảo rằng các quốc gia có thể đóng vai trò hiệu quả hơn trong các cuộc đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử ».

Vẫn theo ngoại trưởng Manalo, những diễn biến ở Biển Đông đã được các nhà lãnh đạo ASEAN « thảo luận thẳng thắn » tại thượng đỉnh ASEAN ở Lào từ ngày 08-11/10. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã kêu gọi khẩn trương hoàn thiện bộ Quy tắc Ứng xử. Đề xuất này được ngoại trưởng Manalo nhắc lại trong buổi trả lời phỏng vấn. Theo ông, « không thể phải chờ thêm 3 hoặc 4 năm nữa » vì « chúng ta cần có một bộ Quy tắc Ứng xử hiệu quả và thực chất », được ông coi là « cách để giải quyết hoặc tháo gỡ tình hình ».

Theo trang CNA, Philippines cùng Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Philippines thường xuyên bị lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc sách nhiễu trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Gần đây, ngày 02/10, ngư dân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa.

Moldova bầu tổng thống và trưng cầu dân ý về gia nhập Liên Hiệp Châu Âu

Ngày 20/10/2024, Moldova tổ chức hai cuộc bỏ phiếu quan trọng : bầu cử tổng thống và trưng cầu dân ý về gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, quốc gia nhỏ với chưa đầy 3 triệu dân nằm sát Ukraina và Rumani, vẫn bị giằng xé giữa việc tiếp tục nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga hay xích lại gần với phương Tây. Tuy nhiên, chính phủ lo ngại Nga can thiệp vào quá trình bầu cử.


Tổng thống Moldova Maya Sandu chụp ảnh sau cuộc họp bầu cử ở Magdacesti, Moldova, ngày 17/10/2024 AP - Vadim Ghirda
Thu Hằng
Đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường trình từ Moldova :

« Đây chính là thách thức trong đợt bầu cử lần này được đảng cầm quyền và tổng thống trung hữu Maya Sandu nêu bật. Bà Maya Sandu đặt cược rất nhiều vào cuộc bầu cử, trước tiên là vì bà hy vọng tái đắc cử thêm nhiệm kỳ 4 năm trước Igor Dodon, ứng viên được Nga ưu ái.

Tiếp theo là vì, nếu phe « ủng hộ » giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì mục tiêu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu sẽ được ghi vào Hiến Pháp. Kết quả này sẽ không thể đảo ngược tại một đất nước, từ lâu vẫn nằm dưới sự giám hộ của Nga nhưng dưới thời tổng thống Maya Sandu, đang cố gạt bỏ ảnh hưởng này trong bối cảnh rất cụ thể, đó là cuộc chiến ở Ukraina. Cuộc chiến này vừa đóng vai trò phát lộ vừa là tác nhân tăng tốc dự án hướng đến châu Âu ở Moldova. Dự án này không hẳn là hiển nhiên ngay từ đầu bởi vì một phần dân cư là người nói tiếng Nga và vẫn gắn bó với những mối liên hệ được thiết lập từ lâu với Nga.

Matxcơva muốn gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử này. Tại Moldova, Nga có nhiều « trợ thủ ». Trước tiên là các đảng ủng hộ Nga. Họ sẽ kêu gọi bỏ phiếu chống hoặc tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Ngoài những chính đảng này còn có chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Cuối cùng là những cáo buộc nghiêm trọng hơn liên quan đến việc mua phiếu bầu. Cảnh sát Moldova khẳng định Nga đã chi số tiền tương đương 13 triệu euro để thuyết phục hơn 130.000 cử tri bỏ phiếu « không » (gia nhập Liên Hiệp Châu Âu). Vì vậy, các cuộc bỏ phiếu lần này được giám sát rất chặt chẽ.

Matxcơva không muốn Moldova - một đất nước có lợi ích lớn với Nga - ngả sang Liên Hiệp Châu Âu như trường hợp nhiều nước Liên Xô cũ, như Gruzia và cả Ukraina ».

Lãnh đạo quân đội Mỹ và Hàn Quốc lên án hợp tác quân sự Nga – Triều

Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) Kim Myung Soo và người đồng cấp Mỹ Charles Q. Brown Jr. hôm qua, 18/10/2024, một lần nữa khẳng định những cam kết « bền vững » về một thế trận phòng thủ phối hợp, đồng thời lên án sự hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 19/06/2024. AP - Vladimir Smirnov
Minh Anh
Theo Yonhap, trong cuộc họp lần thứ 49 của Ủy ban Quân sự (MCM), được tổ chức qua video, lãnh đạo quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về những thách thức lớn cho an ninh khu vực và bán đảo Triều Tiên, liên quan đến năng lực tên lửa đạn đạo, các mối đe dọa hạt nhân, tấn công mạng cũng như việc tăng cường hợp tác quân sự với Nga của Bắc Triều Tiên. Một mối hợp tác mà hai tham mưu trưởng Mỹ - Hàn, đánh giá là « gây bất ổn cho nền hòa bình và an ninh bán đảo cũng như trên khắp thế giới ».

Liên quan đến thông tin cho rằng Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ gửi hơn 12 ngàn quân đến Ukraina để hỗ trợ Nga, thứ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc, Kim Seon Ho, đang có cuộc họp với NATO tại Bruxelles, Bỉ, hôm qua đã có phản ứng cho rằng Bắc Triều Tiên có thể cung cấp cho Nga nhân lực dân sự, chứ chưa hẳn là các binh sĩ.

Yonhap cho biết, Hàn Quốc và NATO nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác, nhất là trong việc chia sẻ thông tin nhằm giải quyết các thách thức như tin giả và an ninh mạng cũng như hậu thuẫn cho Ukraina.

Trong bối cảnh có nhiều đồn thổi về khả năng Bình Nhưỡng cung cấp hơn chục ngàn quân đến Ukraina để hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược của Matxcơva, hôm qua, Nga và Ukraina đã tiến hành đợt trao trả tù nhân lần thứ 58, dưới sự trung gian hòa giải của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Từ Kiev, thông tín viên đài RFI, Emmanuelle Chaze tường thuật :

« Đây là lần thứ 58 trao đổi tù nhân kiểu này tính từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina quy mô lớn của Nga. Cuộc trao đổi này có thể diễn ra là nhờ vai trò hòa giải của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Trong số các tù nhân được thả, có nhiều người đã bị bắt giữ từ hơn hai năm qua, đặc biệt là các nhà đấu tranh nhân quyền ở Mariupol, nhiều sĩ quan và binh sĩ của hiến binh, hải quân cũng như là 34 quân nhân thuộc binh đoàn Azov.

Người ta còn ghi nhận sự trở về một nhân vật đáng chú ý tại Ukraina là ông Maksym Butkevych, nhà bảo vệ nhân quyền, nhà đấu tranh và là nhà báo. Phóng viên kênh truyền thông Hromatske (Ukraina) đã có một cuộc trao đổi ngay khi ông về đến.

"Thật là bất ngờ, như ao ước, thật là tuyệt vời. Tôi trở về cùng với một trong số người bạn của tôi, một người bạn tù, trong khi vẫn còn hơn bốn mươi tù nhân chiến tranh bị giam giữ ở đó, bị kết án với những vụ án bịa đặt. Điều quan trọng đối với họ là chúng tôi đã được trả về và điều quan trọng hơn là họ được thông báo về điều đó, bởi vì chúng tôi là những tù nhân đầu tiên của trại tù ở Luhansk được trao trả."

Những đợt trả tù nhân này luôn được đón tiếp với một sự thở phào nhẹ nhõm ở Ukraina, khi biết rằng những tù nhân Ukraina tại Nga phải hứng chịu những đòn tra tấn và bị đối xử tệ trong khi hàng ngàn gia đình còn đang mong ngóng tin tức người thân vẫn còn bị Nga giam giữ ».

Cũng trong ngày hôm qua, Ukraina thông báo đã cho hồi hương hơn 500 thi thể các binh sĩ bị giết chết trong các cuộc giao tranh với Nga, chủ yếu ở phía đông lãnh thổ.

Cộng đồng bản địa Mỹ Latinh có nguy cơ “tuyệt chủng” do bị gạt ra khỏi các hoạt động ứng phó với HIV

Tổ chức phi lợi nhuận Science and Developpement Network hôm qua, 18/10/2024, cho biết cộng đồng người bản địa ở Mỹ Latinh đang bị gạt ra khỏi các hoạt động ứng phó với HIV/AIDS toàn cầu, khiến họ không được tiếp cận với các loại thuốc và công cụ phòng ngừa căn bệnh thế kỷ này.


Mặt tiền của của phòng thí nghiệm PCS Lab Saleme sau khi nhà chức trách ra lệnh đình chỉ hoạt động của cơ sở này ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 12/10/2024. AFP - PABLO PORCIUNCULA
Minh Phương
Vốn đã phải đối mặt với những bất bình đẳng, kỳ thị và phân biệt chủng tộc, các cộng đồng này giờ lại trở nên “vô hình” trong các báo cáo về tỷ lệ nhiễm HIV. Fernando Chujutalli Córdova, một nhà hoạt động về phòng chống HIV ở Peru, đã tố cáo các tổ chức không giải quyết được nhu cầu của cộng đồng thổ dân Mỹ Latinh trong công tác ứng phó với HIV, khiến họ có nguy cơ “tuyệt chủng”. Một số quốc gia, như Brazil hay Guatemala, đã ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV tăng cao, đặc biệt là trong cộng đồng người gốc Phi và người bản địa.

Cũng tại Brazil, hôm thứ Tư, cảnh sát thành phố Rio de Janeiro đã cho bắt giữ bác sĩ Walter Vieira, một trong những thành viên của phòng thí nghiệm Saleme, nơi đưa ra những báo cáo sai lệch, dẫn đến vụ sáu bệnh nhân bị cấy ghép nội tạng nhiễm HIV. Từ Rio de Janeiro, thông tín viên RFI Sarah Cozzolino cho biết cụ thể về bê bối này :

“Nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ hàng loạt sai lầm và việc chạy theo lợi nhuận dù biết có thể gây hại cho bệnh nhân. Cụ thể, một phòng thí nghiệm tư nhân ở Saleme, nằm ở ngoại ô Rio de Janeiro, đã ký hợp đồng với hệ thống y tế công cộng của thành phố Rio. Hợp đồng này trị giá 11 triệu reais, tương đương 2 triệu euro, với mục đích thực hiện các xét nghiệm huyết thanh trước khi phẫu thuật cấy ghép. Cảnh sát đã chỉ ra những sai sót trong việc kiểm soát chất lượng của tác nhân phản ứng trong quá trình xét nghiệm virus HIV. Việc kiểm tra lẽ ra phải được thực hiện hàng ngày thì lại bị giảm xuống thành kiểm tra hàng tuần để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, chữ ký của bác sĩ trên kết quả xét nghiệm cũng được đóng dấu với số đăng ký của bác sĩ khác.

Sáu người nhận đã bị lây nhiễm bởi hai người hiến tặng. Những người này đã được cấy ghép một quả tim và hai quả thận từ người hiến đầu tiên, và một lá gan và hai quả thận từ người hiến thứ hai. Đây là lần đầu tiên một sai phạm như vậy xảy ra ở Brazil. Thành phố Rio sau đó đã thành lập một trung tâm cấp cứu chuyên theo dõi các ca cấy ghép. 288 người hiến tặng đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc trong phòng thí nghiệm từ tháng 12/2023 đến tháng 09/2024 sẽ được đưa đi xét nghiệm lại.”

Không có nhận xét nào: