Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Lời Mời Buổi Cơm Văn Nghệ Gia Đình Văn Thơ Lạc Việt, Tin Bầu Cử và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Giới Thiệu Sinh Hoạt Hiếm Có! Lời Mời Tham Dự Buổi Cơm Văn Nghệ Gia Đình Văn Thơ Lạc Việt và Thân Hữu, Chiều Thứ Bảy Tuần Này, Tại Nhà Hàng Di Lạc! Kính Thưa Quý Thành Viên, Gia Đình và Thân Hữu, -Văn Thơ Lạc Việt, là một Hội Đoàn trong vùng, gồm rất nhiều văn thi sĩ, nghệ sĩ, trong mục đích gìn giữ và phát huy tiếng Việt, chung tay hoạt động bền bỉ, hữu hiệu trên 30 năm qua!
<!>
  

Đi được con đường dài như thế, vì tất cả những thành viên trong Hội, đã coi nhau như người trong Gia Đình, vui buồn đều có bên nhau! Không có Hội nào, liên tục tổ chức cho các Hội Viên của mình, 3 tháng một lần, tưng bừng với những chương trình nhạc chủ đề hay, (mở rộng với cộng đồng) và ý nghĩa như thế, liên tục biết bao nhiêu năm nay.
Tháng 9 vừa rồi, VTLV đã thành công tuyệt vời với chiều nhạc “Em Không Nghe Mùa Thu!” dịp này, cũng là để Mừng sinh nhật những thành viên sinh từ tháng 9, cho đến tháng 12, cuối năm. Nhưng tiếc, là Anh Cựu chủ tịch Chinh Nguyên, (giữ chức vụ trên cả một thập niên!) vì lý do sức khỏe, không tham dự được.
Nay Ca Sĩ Thiên Duyên có nhã ý, tổ chức riêng một Bữa Cơm Văn Nghệ thân mật, nhân đúng ngày Sinh nhật của Anh, nhằm cũng để cầu chúc Anh, chóng hồi phục sức khỏe để trở lại hoạt động với Hội. Chưa kể, tạo cơ hội gặp gỡ những hội viên, gia đình và thân hữu, hỏi thăm sức khỏe nhau, chúc nhau những những ngày hạnh phúc, vào dịp lễ vui cuối năm.


Sau đây là lời mời chính thức từ Anh Chinh Nguyên:
Kính mời quý quý vị tham dự buổi tiệc sinh nhật của Chinh Nguyên, do cô Ca sĩ Thiên Duyên tổ chức tại nhà hàng Di Lạc của TS Hồng Dũng:
2850 Quimby Rd, Ste # 125 Evergreen, San jose, CA 95148
lúc 5:00 PM, ngày Oct. 19, 2024.


(Ghi chú thêm cho rõ: Tuần này, Thứ Bảy, lúc 5 giờ chiều, ngày 19 tháng 10, Năm 2024)
Xin quý vị reply cho biết số người tham dự.
cnchinhnguyen7@gmail.com (1-669) 225-6043 & (1-408) 279-2532
Xin ghi chú: Tất cả tôi đã set up với cô Ca Sĩ Thiên Duyên xong hết mọi sự. Khách tham dự, không cần đóng góp gì cả!
Thanks.


Ngoài ẩm thực, văn nghệ, còn kèm những tiết mục vui lấy hên, tiện dịp mừng vào những ngày lễ cuối năm, với những món quà đặc biệt. (Do đứa con gái Hải tặng!)
Nhớ nhé, lâu lắm mới có dịp vui như thế, ý nghĩa như thế! Xin đừng bỏ qua!
Rất vui, rất hân hạnh, được đón tiếp Quý Vị.
VTLV Trân Trọng Kính Mời.


Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2024: Kamala Harris Trả Lời Phỏng Vấn Trên Fox News

-Hôm 16/10/2024, kênh truyền hình Fox News có cuộc phỏng vấn bà Kamala Harris, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.
Còn chưa đầy 3 tuần trước cuộc bầu cử mà kết quả hứa hẹn sẽ rất sít sao, đây được coi là nước đi táo bạo của đương kim Phó Tổng thống vì Fox News là kênh tin tức rất bảo thủ và không che giấu việc ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa, cựu Tổngthống Donald Trump. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
Fox News là kênh tin tức số 1 tại Hoa Kỳ. Đây cũng là một kênh rất bảo thủ, với các Biên tập viên thể hiện rõ lập trường ủng hộ Donald Trump. Ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc làm ngơ trước sự thật và nhiều sự kiện khác trong cuộc bầu cử năm 2020, khiến Fox News bị truy tố và tốn rất nhiều tiền.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên Fox News vào hôm qua. Đây là một rủi ro thực sự đối với Harris, trong bối cảnh đảng Cộng hòa cáo buộc bà lẩn tránh các cuộc phỏng vấn, đặc biệt là các cuộc phỏng vấn đối chất. Bà đã trả lời các câu hỏi của một trong những nhà báo chính trị nổi tiếng của kênh là Bret Baier. Ông là cựu phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, từng chơi golf với Donald Trump, khẳng định cuộc phỏng vấn được ghi hình trước sẽ có rất ít
chỉnh sửa. Từ một tuần qua, ban vận động tranh cử của Trump đã tố cáo việc các câu trả lời của Kamala Harris được chỉnh sửa trong chương trình 60 Minutes trên kênh CBS, chương trình mà Donald Trump từ chối tham gia.
Với Kamala Harris, đây là cơ hội để đến lãnh địa của đối thủ. Thậm chí còn có tin đồn về việc bà sẽ tham gia podcast được nghe nhiều nhất trong nước, đặc biệt là bởi các chàng trai trẻ, của Joe Rogan, nổi tiếng khi tiếp những vị khách mời với nhiều thuyết âm mưu. Nhưng trong một cuộc đua sít sao như vậy, Kamala Harris cần mọi phiếu bầu mà bà có thể nhận được, bất kể từ đâu.


Tác Động của Bầu Cử Tổng Thống Mỹ Đến Hệ Thống Liên Minh Có Từ Năm 1945


(Hình REUTERS - Marco Bello - ảnh ghép: Ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Kamala Harris (trái) và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.)
-Trong 3 tuần nữa, người dân Mỹ sẽ bầu chọn một Tổng thống mới. Nhưng việc Nga và Trung Quốc nối lại quan hệ chiến lược đang làm thay đổi mạnh mẽ sự hợp tác giữa Mỹ và Âu Châu. Đây sẽ là một thách thức quan trọng trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11/2024, đối đầu giữa Donald Trump và Kamala Harris, hai ứng viên có tầm nhìn đối nghịch nhau về quan hệ đồng minh của Mỹ.
Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga ngày 24/2/2022 là một cú sốc đối với Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chứng minh được tính thích đáng của Liên Minh quân sự này trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, nhìn từ Hoa Thịnh Ðốn, Trung Quốc mới là thách thức lâu dài và vì vậy, Hoa Kỳ tìm cách biến NATO thành một trong những nền tảng điều phối với các đồng minh để đối phó với Bắc Kinh.

Trong một bài phân tích đăng trên nhật báo Le Monde, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Tara Varma đã nhắc lại kể từ ngày thành lập vào năm 1949 cho đến khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, NATO đã trải qua 3 giai đoạn: Chiến tranh Lạnh, hậu Chiến tranh Lạnh và hậu-hậu Chiến tranh Lạnh.
Xung đột Ukraine-Nga đang đưa NATO vào giai đoạn thứ tư: Tái khẳng định quyết tâm bảo vệ Liên Hiệp Âu Châu-Đại Tây Dương, trong lúc Mỹ đang gặp khó khăn đối phó cùng lúc với Nga và Trung Quốc, cả hai đối thủ này có chung mục tiêu chiến lược là lật đổ trật tự thế giới hiện nay. Tham vọng này của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đã được khẳng định qua các cuộc họp thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin cũng như là trong những cuộc gặp giữa các lãnh đạo cao cấp khác giữa hai nước.

Tại thượng đỉnh NATO hồi tháng 7/2024, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga phát động. Lần họp cấp cao thứ 75 của NATO còn nhấn mạnh đến những "thách thức có hệ thống" do mối quan hệ Nga-Trung đặt ra. Liên Hiệp Âu Châu (EU) gần đây cũng đánh giá mối quan hệ giữa khối 27 nước với Trung Quốc ở ba hình thái, đối tác, đối thủ cạnh tranh, và đối thủ có hệ thống. Với việc ủng hộ Nga "vô giới hạn", Trung Quốc từ giờ là một mối đe dọa cho an ninh Âu Châu.

Vì vậy, nếu Donald Trump tái đắc cử, đây sẽ là một thảm họa cho Âu Châu. Nhà tỉ phú Mỹ sẽ nỗ lực chia rẽ khối cũng như là các đồng minh Âu Châu và Á Châu. Ông Jeff Hawkins, cựu Ðại sứ Mỹ, trong một diễn đàn trên báo Le Monde, cảnh báo nguy cơ một khối "NATO ngủ" (OTAN dormante), theo đó, Hoa Kỳ sẽ rút các lực lượng trên bộ, và có thể chỉ để lại lá chắn nguyên tử, vài lực lượng Không quân và Hải quân. Âu Châu phải tự lo trước các mối đe dọa quân sự và Hoa Kỳ chỉ sẽ bảo vệ những thành viên nào "chi trả đúng phần" của mình.
Đổi lại, nếu bà Kamala Harris đắc cử, mối quan hệ đồng minh của Mỹ sẽ khác hoàn toàn với Donald Trump. Bà có thể thiết lập một mối liên hệ giữa các đồng minh của Mỹ tại Âu Châu và Á Châu. Điều này sẽ khuyến khích Âu Châu chi nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời cũng trấn an được các đồng minh Á Châu, khi kêu gọi sự hợp tác giữa hai bên trong các dự án công nghiệp quy mô lớn, với mục tiêu là chống xói mòn các cơ sở công nghiệp tại Mỹ, Âu Châu và Á Châu.
Tóm lại, theo chuyên gia Tara Varma, cuộc bầu cử lần này ở Mỹ còn là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn về vai trò của Mỹ, một thách thức lớn cho hệ thống quan hệ đồng minh mà Mỹ và các nước có liên quan đã thiết lập từ năm 1945. Việc tăng cường chuẩn bị giữa các đối tác Mỹ, Âu Châu và Á Châu là điều cần thiết!


Không khí gây cấn trong cuộc bầu cử 2024: Cử tri đi bầu đông kỷ lục! hơn 2 trăm 50 ngàn người! ngày đầu bỏ phiếu sớm ở Georgia.

-Số cử tri đi bầu trong ngày đầu bỏ phiếu sớm ở Georgia, một trong những “tiểu bang chiến trường” quan trọng, lập kỷ lục mới hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười, giới chức bầu cử loan báo, theo CNN.
Gần 252,000 cử tri đi bầu hôm Thứ Ba, ông Gabe Sterling, giám đốc điều hành văn phòng bộ trưởng Hành Chánh Georgia, xác nhận trên mạng xã hội X. “Số cử tri đi bầu quá đẹp. Chúng tôi không còn từ ngữ để diễn tả.”


(Cử tri đi bầu trong ngày đầu bỏ phiếu sớm ở Georgia tại nhà thờ East Point First Mallalieu United Methodist Church ở Atlanta hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười.)
Trước đó, kỷ lục số cử tri đi bầu ngày đầu tiên là 136,000 người hồi năm 2020, ông Sterling cho hay.
Georgia là một trong những tiểu bang được theo dõi chặt chẽ nhất trong cuộc bầu cử năm nay. Cựu Tổng Thống Donald Trump đang cố giành lại chiến thắng ở “tiểu bang chiến trường” này sau khi thua Tổng Thống Joe Biden rất ít phiếu cách đây bốn năm, khiến ông Trump cùng với đồng minh cố lật ngược kết quả ở đó nhưng bất thành.
Người dân Georgia đi bỏ phiếu sớm giữa lúc tiểu bang này đang gặp rắc rối liên quan tới những điểm thay đổi về cách thức bầu cử đã được các thành viên Cộng Hòa trong Hội Đồng Bầu Cử Tiểu Bang chuẩn thuận, nhưng bị phía Dân Chủ và nhiều người khác kiện. Nhiều đơn kiện trong số đó hiện vẫn chưa được giải quyết dù sắp tới ngày bầu cử chính thức, 5 Tháng Mười Một.

Ngoài ra, cuộc bỏ phiếu sớm còn diễn ra trong khi Georgia đang cố gắng hồi phục sau bão Helene, trận bão lớn gây thiệt hại nặng nề cho một loạt tiểu bang ở Đông Nam nước Mỹ. Giới chức bầu cử Georgia thông báo phiếu bầu khiếm diện được gửi cho cử tri đúng lịch và không bị ảnh hưởng vì bão Helene.
“Tới nay, chúng tôi chỉ thấy hơn 250,000 cử tri yêu cầu gửi phiếu bầu khiếm diện. Có lẽ khoảng tuần tới, chúng ta sẽ thấy con số đó tăng lên 300,000 – và chúng tôi nghĩ có lẽ khoảng 5-6% cử tri sẽ bỏ phiếu khiếm diện kỳ này,” ông Brad Raffensperger (Cộng Hòa), bộ trưởng Hành Chánh Georgia, cho hay hôm Thứ Ba.
Cử tri Georgia được đi bỏ phiếu sớm từ ngày 15 Tháng Mười tới ngày 1 Tháng Mười Một.


Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Liên Hiệp Quốc Muốn Mở Điều Tra "Độc Lập" Về Cuộc Tấn Công Đẫm Máu của Do Thái ở Lebanon



(AP / Hussein Malla: Các ngôi nhà bị phá hủy do bom đạn của Do Thái tại làng Aïto, Lebanon, ngày 15/10/2024.)
-Hôm 15/10/2024, phát ngôn viên của phủ Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "độc lập, nhanh chóng và kỹ lưỡng" về cuộc tấn công của quân đội Do Thái khiến 22 người thiệt mạng một ngày trước đó ở miền Bắc Lebanon.
Trong cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Jeremy Laurence đã lên án cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái nhắm vào làng Thiên Chúa giáo Aïto. Cuộc tấn công đã giết chết 22 người, trong đó có 12 phụ nữ và 2 trẻ em.
Theo AFP, đây là lần đầu tiên ngôi làng này trở thành mục tiêu oanh kích của Không quân Do Thái, vốn thường tấn công vào các khu vực mà nhóm lính Hezbollah hoạt động mạnh nhất là ở phía Nam và phía Đông Lebanon cũng như các vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut.

Giống như ở dải Gaza, xung đột ở Lebanon dường như sẽ kéo dài và dân thường cũng ý thức được điều này khi ngày càng có nhiều người quyết định di tản sang Syria, theo tường thuật của thông tín viên Jérémie Lanche của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Geneva:
Hơn 1,2 triệu người tại Lebanon chính thức phải di tản. Nếu có thể, người dân sẽ tìm nơi ẩn náu trong trường học. Gần 3/4 trong số những cơ sở này đã được biến thành nơi trú ẩn. Những người khác chọn giải pháp di dời đến Syria với 283.000 người trong thống kê cuối cùng, một tuyến đường nguy hiểm về nhiều mặt.
Rema Jamous Imseis, Giám đốc Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) khu vực Trung Đông, thuật lại những gì bà thấy: "Chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tượng thê thảm. Chúng tôi gặp hai phụ nữ, họ giải thích đã đi bộ cùng với 9 đứa trẻ. Họ đi bộ 10 tiếng đồng hồ để đến được biên giới. Một quả bom đã rơi cách nhà họ 100 mét. Họ ra đi mà không có gì, chỉ có bộ quần áo trên người. Đi bộ 10 tiếng mà không có nước, không có thức ăn. Một chuyến đi như vậy đối với người lớn đã mệt lắm rồi, hãy tưởng tượng với chín đứa trẻ".
Đó là đồn biên giới Masnaa. Không quân Do Thái đã biến nơi này thành một miệng núi lửa khổng lồ. Tuy vậy, theo đúng nghĩa đen, dân thường vẫn bò trên đống đổ nát để đến Syria. Những người này nghĩ rằng chẳng thà hứng chịu gian khổ còn hơn là chết dưới bom. Một phần tư Lebanon hiện bị ảnh hưởng bởi lệnh di tản do quân đội Do Thái ban hành. Hôm thứ Hai, 20 ngôi làng ở miền Nam Lebanon nhận được lệnh di tản trước khi có thể phải hứng chịu các cuộc oanh kích.


Tránh Chiến Tranh Lan Rộng ở Trung Đông: Trọng Tâm Thượng Đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Vùng Vịnh


(Ảnh AFP, minh họa: Hội nghị giữa Hiệp hội Các nước vùng Vịnh và Liên Hiệp Âu Châu, tại Muscat, Oman, ngày 10/10/2023.)
-Hôm 16/10/2024, lần đầu tiên Liên Hiệp Âu Châu (EU) tổ chức họp thượng đỉnh với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, bao gồm 6 nước, Ả Rập Saudi, Bahrain, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Oman và Qatar. Theo nhiều nhà quan sát, nếu như hợp tác kinh tế là chủ đề nổi bật, nguy cơ chiến tranh lan rộng tại Trung-Cận Đông là động cơ chính khiến Liên Hiệp Âu Châu muốn siết chặt quan hệ với vùng Vịnh.
Tối 15/10, Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Âu Châu và 6 nước vùng Vịnh họp trù bị cho thượng đỉnh đầu tiên này. Thông tín viên Pierre Bénazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Brussels:
"Các vấn đề kinh tế, thương mại, khí hậu và kỹ thuật số là chủ đề được đưa ra thảo luận. Âu Châu mong muốn tăng cường quan hệ với các nước vùng Vịnh, đặc biệt trong lĩnh vực cung ứng năng lượng, nhưng Quan hệ đối tác chiến lược được khai triển từ năm 2022 giữa hai bên cũng mang lại cơ hội để thảo luận sâu về tình hình ở Trung Đông.

Tại phiên họp đầu tiên tối thứ Ba với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã nhấn mạnh nhiều đến việc Âu Châu cần đặt Iran đối diện với trách nhiệm của mình tại Trung Đông, và để làm được điều này, hợp tác với các nước vùng Vịnh là rất quan trọng.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Âu Châu Josep Borrell nhấn mạnh đến việc cần phải có sự tham gia của các nước vùng Vịnh. Theo ông, các nước này có chung mối lo ngại với Âu Châu vào thời điểm mà xung đột có nguy cơ lan ra toàn khu vực. Ông khẳng định: Chúng ta có cùng chung lợi ích trong việc nỗ lực vì nền hòa bình lâu dài ở Do Thái, ở Palestine, và toàn khu vực". Lãnh đạo ngoại giao Âu Châu lo ngại xung đột sẽ lan đến tận vùng Sừng Phi Châu, vùng Vịnh Ba Tư hay Biển Đỏ..


Tổng thống Pháp: " Do Thái Ra Đời Là Do Quyết Định của Liên Hiệp Quốc"


(Hình REUTERS - Sarah Meyssonnier: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia bàn về tình hình tại Lebanon ở điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 1/10/2024.)
-Quan hệ Pháp-Do Thái tiếp tục căng thẳng trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Do Thái với Hezbollah có nguy lan rộng. Hôm 15/10/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh người đứng đầu chính phủ Do Thái "đừng quên là nước Do Thái đã ra đời theo một quyết định của Liên Hiệp Quốc", Do Thái không nên làm suy yếu định chế quốc tế này.
Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thống Macron đã chỉ trích đích danh Thủ tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Do Thái sau đó, Tổng thống Macron đã "lên án các cuộc oanh kích bừa bãi của Do Thái khiến cho tình hình thêm tồi tệ tại Gaza và Lebanon", theo biên bản mà điện Elysée công bố hôm 16/10.

"Quyết định" dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Isarel là Nghị quyết 181 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng 11/1947, dự kiến thành lập hai nước trên đất Palestine, một quốc gia Do Thái và một quốc gia Ả Rập. Tuy nhiên các nước Ả Rập và người Palestine bác bỏ Nghị quyết này. Do Thái đã ra đời năm 1948. Chiến tranh Do Thái-Ả Rập (1948-1949) bùng nổ. Về phần mình, nhà nước Palestine chưa bao giờ chính thức được công nhận.

Thủ tướng Isarel đã ngay lập tức phản bác nhận định của Tổng thống Pháp. Trong một thông cáo về vấn đề này, ông Netanyahu khẳng định: "Tổng thống Pháp hãy nhớ rằng: Không phải Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép lập ra Nhà nước Do Thái, mà đúng hơn là chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập, giành được với sự hy sinh của các chiến binh anh hùng, mà nhiều người trong số họ vừa thoát khỏi trại tập trung phát xít Đức, và đặc biệt là chế độ Vichy, cộng tác với Đức quốc xã tại Pháp".
Trên mạng X, ông Yonathan Arfi, Chủ tịch Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái giáo ở Pháp (Crif) cũng tỏ ra đồng tình với Thủ tướng Do Thái, khi chỉ trích Tổng thống Pháp: "Nếu được xác nhận thì những tuyên bố này là một sai lầm, cả về mặt lịch sử cũng như về mặt chính trị". Người đứng đầu các hiệp hội Do Thái tại Pháp nêu rõ: " Nếu cho rằng sự ra đời của Nhà nước Do Thái là kết quả của một quyết định chính trị của Liên Hiệp Quốc, có nghĩa là không hiểu được lịch sử hàng thế kỷ của chủ nghĩa phục quốc Do Thái", và là một cách để tiếp tay "một cách nguy hiểm" cho các lực lượng bài Do Thái, phản đối quyền tồn tại của Nhà nước Do Thái".
Các tuyên bố của ông Macron chỉ trích Thủ tướng Do Thái được đưa ra trong bối cảnh Paris liên tục kêu gọi Do Thái ngừng bắn tại Lebanon và Gaza, đồng thời lên án các cuộc oanh kích của Do Thái nhắm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Mũ Xanh của Liên Hiệp Quốc ở Lebanon (Finul). Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot lưu ý các tuyên bố của Tổng thống Macron là để nhắc lại "Do Thái cũng như tất cả các quốc gia khác cần tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, và luật nhân đạo quốc tế".


Tổng Thống Zelensky Công Bố "Kế Hoạch Giành Chiến Thắng" Trước Quốc hội Ukraine


(Hình AP/Service de presse de la présidence ukrainienne: Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội Ukraine tại Kyiv, ngày 16/10/2024.)
-Trước chuyến công Âu Châu, theo lời mời của Hội Đồng Âu Châu, hôm 16/10/2024, trước Quốc hội Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công bố "kế hoạch giành chiến thắng" trong cuộc chiến chống xâm lược Nga. Đây là kế hoạch đã được lãnh đạo Ukraine thông báo hồi tháng 8/2024, dự trù trình bày tại cuộc họp lãnh đạo 50 nước đồng minh của Ukraine, tại Ramstein vào ngày 12/10, thế nhưng cuộc họp rút cục đã bị hủy.
Theo báo Pháp Le Monde, "kế hoạch giành chiến thắng" bao gồm 5 điểm chính và ba phụ lục, hiện còn được giữ bí mật. Điểm thứ nhất trong năm điểm chính là về "địa chính trị", với nội dung chính là Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) mời Ukraine gia nhập. Thứ hai là về quốc phòng, bao gồm tiếp tục các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga và dỡ bỏ việc không cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.
Thứ ba là về "răn đe": Kyiv đề xuất khai triển trên lãnh thổ Ukraine "hệ thống răn đe chiến lược phi nguyên tử toàn cầu". Kế hoạch này đã bao gồm "lộ trình thực thi bí mật", đã được các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Ý Ðại Lợi và Đức hoan nghênh.

Trong nội dung chính thứ tư về kinh tế, Kyiv dự kiến "phát triển các tiềm lực kinh tế của Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt". Nội dung này cũng bao gồm "phần thực thi bí mật", chỉ được chia sẻ với các đối tác được chỉ định.
Điểm thứ năm liên quan đến giai đoạn sau chiến tranh, với trọng tâm là việc quân đội Ukraine sẽ có thể sử dụng kinh nghiệm chiến đấu của mình để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và Âu Châu.
Về phía Nga, Ðiện Cẩm Linh hôm 16/10 đã bác bỏ "kế hoạch giành chiến thắng" của Tổng thống Ukrainen, đồng thời kêu gọi Kyiv hãy "thức tỉnh". Trả lời báo giới, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh nhấn mạnh, "kế hoạch hòa bình duy nhất có thể thực hiện được là Kyiv cần hiểu rằng chính sách của họ không có tương lai".


Tổng Thống Zelenskyy Tố Cáo: Bắc Hàn Thực Tế Đang Tham Gia Cuộc Chiến ở Phía Nga

-Hôm thứ Tư (16/10/2024), Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy nói rằng Bắc Hàn trên thực tế là bên tham gia vào cuộc chiến tranh chống lại Ukraine của Nga.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết các cơ quan tình báo của ông đã xác nhận việc Bắc Hàn cung cấp cho Nga cả vũ khí lẫn nhân lực.
"Tình báo của chúng ta không chỉ ghi lại việc chuyển giao vũ khí từ Bắc Hàn sang Nga mà còn cả việc chuyển giao nhân lực", ông Zelenskyy nói với Quốc hội.
"Họ là những công nhân làm việc trong các nhà máy của Nga để thay thế những người Nga thiệt mạng trong chiến tranh, và nhân sự cho quân đội Nga. Trên thực tế, đó là sự tham chiến của một quốc gia thứ hai đứng về phía Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine".

Vào ngày 13/10, ông Zelenskyy đã cáo buộc Bắc Hàn chuyển giao nhân sự cho lực lượng vũ trang của Nga nhưng Ðiện Cẩm Linh đã bác bỏ cáo buộc này là "tin giả".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Sean Savett hôm thứ Ba nói rằng nếu đúng là quân đội Bắc Hàn tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, thì nó sẽ đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong mối quan hệ quốc phòng giữa Bắc Hàn và Nga.
Hoa Thịnh Ðốn cho biết Bắc Hàn đã cung cấp cho Nga phi đạn-đạn đạo và đạn dược. Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã phủ nhận việc chuyển giao vũ khí nhưng cho biết họ sẽ thúc đẩy quan hệ quân sự, có thể bao gồm cả các cuộc tập trận chung.
Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, Tướng Charles Flynn, khi phát biểu tại một sự kiện ở Hoa Thịnh Ðốn đã nói rằng việc quân nhân Bắc Hàn tham gia vào cuộc xung đột sẽ cho phép Bình Nhưỡng nhận được phản hồi theo thời gian thực về tính hiệu quả của vũ khí của họ, điều mà trước đây họ không thể thực hiện được.


Liên Hiệp Âu Châu Khởi Động Tiến Trình Đàm Phán Kết Nạp Albania


(AP - Boglarka Bodnar: Thủ tướng Albania, ông Edi Rama tham dự cuộc họp báo tại Lục Xâm Bảo, ngày 15/10/2024.)
-Tiến trình đàm phán kết nạp Albania vào Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã chính thức khởi động hôm 15/10/2024, tại Lục Xâm Bảo.
Từ Belgrade, thông tín viên Laurent Rouy của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trong khu vực cho biết cụ thể:
Albania đã chọn chương nói về các thể chế Dân chủ để đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Mở ra đầu tiên và thường là chương được đóng lại sau cùng, bởi đó là những thành tựu cơ bản của EU. Và dường như Albania vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này, đặc biệt về tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng như cuộc chiến chống tham nhũng tràn lan, cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và sự độc lập của ngành Tư pháp.

Một điểm mạnh của quốc gia nhỏ bé, có biệt danh là đất nước của những chú đại bàng, là sự nhiệt tình đối với việc gia nhập Brussels, khi hơn 90% người dân ủng hộ tiến trình này. Giới chính trị cũng vậy, cả chính quyền lẫn phe đối lập. Sự đồng thuận ở vẻ bề ngoài này không ngăn được khủng hoảng trong nước. Tuần trước, thủ đô Tirana là nơi xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực của phe đối lập chống lại chính quyền Thủ tướng Edi Rama, bị cho là độc tài.
Bất chấp những điểm yếu này, Albania giờ đây vẫn là đất nước có nhiều khả năng được gia nhập EU cùng với Montenegro. Các quốc gia khác trong khu vực đã ngừng cố gắng hội nhập Âu Châu.


Hạ viện Nga Xem Xét Để Thông Qua Hiệp ước Phòng Thủ Chung Với Bắc Hàn


(AP: Một phiên họp của Quốc hội Nga, tại Maxcơva, Nga, ngày 25/9/2024.)
-Hôm thứ Hai (14/10/2024), Hạ viện Nga (Duma) chuẩn bị thông qua Hiệp ước Phòng thủ chung với Cộng sản Bắc Hàn, cho phép hai bên hỗ trợ về quân sự trong trường hợp một nước bị xâm lược, đã được lãnh đạo hai bên ký kết hồi mùa Hè vừa qua. Bộ Ngoại giao Nam Hàn hôm 15/10 kêu gọi Nga và Cộng sản Bắc Hàn "ngừng các hợp tác quân sự bất hợp pháp".
Hãng tin Nam Hàn Yonhap dẫn lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Nam Hàn, kêu gọi Nga và Cộng sản Bắc Hàn "đóng vai trò xây dựng hơn đối với việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên", và cảnh báo là "bất kỳ hành động đe dọa an ninh nào sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn từ phía cộng đồng quốc tế". Hán Thành cho biết "theo dõi sát tình hình".

Về phía Nga, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmiri Peskov hôm 15/10, cho biết nội dung Hiệp ước Phòng thủ chung với Bắc Hàn đã "rõ ràng". Điều 22 của Hiệp ước quy định văn bản chính thức có hiệu lực khi Quốc hội hai bên phê chuẩn. Theo Yonhap, hiện chưa rõ Quốc hội Cộng sản Bắc Hàn phê chuẩn Hiệp ước này chưa.
Một viên chức Bộ Ngoại giao Nam Hàn, xin ẩn danh, cho biết Hán Thành quan ngại về thỏa thuận quân sự này. Nga-Bắc Hàn sẽ không dừng ở trao đổi vũ khí, mà có thể khai triển binh sĩ trên lãnh thổ của nhau. Báo chí Nam Hàn mới đây cho biết Nga đang huấn luyện một tiểu đoàn đặc biệt khoảng 3.000 binh sĩ Bắc Hàn, để chuẩn bị đưa sang chiến trường Ukraine.
Hôm 16/10, truyền thông nhà nước Cộng sản Bắc Hàn thông báo, khoảng 1,4 triệu thanh niên đã đăng ký nhập ngũ hoặc tái nhập ngũ. Hồi năm 2023, vẫn theo Bình Nhưỡng, 800.000 người Bắc Hàn đã tình nguyện tham gia quân đội để chiến đấu chống Mỹ. Theo Reuters, khó thẩm định các con số mà Bình Nhưỡng đưa ra. Thông báo được đưa ra ngay sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc Nam Hàn đưa drone rải truyền đơn tại Bình Nhưỡng cùng lúc với việc Cộng sản Bắc Hàn cho phá hủy nhiều tuyến đường giao thông nối liền hai miền tại vùng biên giới.


Bắc Hàn Nói Có 1,4 Triệu Người Xin Nhập Ngũ Giữa Căng Thẳng Với Miền Nam


(Hình REUTERS: Thanh niên ký đơn xin gia nhập hoặc trở lại quân đội vào tuần này tại một địa điểm không được tiết lộ tại Bắc Hàn, trong bức ảnh không ghi ngày tháng do Hãng thông tấn Trung ương Bắc Hàn công bố ngày 16/10/2024.)
-Hôm thứ Tư (16/10/2024), truyền thông nhà nước Bắc Hàn nói rằng có khoảng 1,4 triệu thanh niên nước này đã nộp đơn xin nhập ngũ hoặc trở lại quân ngũ trong tuần này, và đổ lỗi cho Hán Thành khiêu khích với việc đưa máy bay không người lái xâm nhập – hành động mà họ cho rằng đã đưa "tình hình căng thẳng đến bờ vực chiến tranh".
Những lời lẽ gay gắt này được đưa ra sau khi Bắc Hàn vào tuần trước cáo buộc Hán Thành đã đưa máy bay không người lái qua Bình Nhưỡng để rải "một lượng lớn" truyền đơn chống Bắc Hàn. Sau đó, Bắc Hàn cho nổ tung các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều ở phía bên kia biên giới vào thứ Ba và cảnh báo rằng miền Nam sẽ "phải trả giá đắt".

Những thanh niên, bao gồm cả sinh viên và cán bộ Đoàn thanh niên, những người đã ký đơn xin nhập ngũ, quyết tâm chiến đấu trong "cuộc chiến thiêng liêng để tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí của cuộc cách mạng", hãng thông tấn chính thức KCNA cho biết.
Những bức ảnh do KCNA công bố cho thấy hình ảnh mà họ nói là thanh niên đang ký đơn thỉnh nguyện tại một địa điểm không được tiết lộ.
"Nếu chiến tranh nổ ra, ROK (Đại Hàn Dân quốc) sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ. Vì họ muốn có chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng chấm dứt sự tồn tại của họ", bản tin của KCNA nói.
Bắc Hàn trước đây đã từng đưa ra những tuyên bố tương tự về việc thanh niên tranh nhau nhập ngũ vào thời điểm căng thẳng gia tăng, mặc dù rất khó xác minh những tuyên bố như vậy từ quốc gia biệt lập này.

Năm 2023, truyền thông nhà nước đưa tin về 800.000 công dân của họ tình nguyện tham gia quân đội Bắc Hàn để chiến đấu với Hoa Kỳ, đồng thời nói rằng trong năm 2017, gần 3,5 triệu công nhân, đảng viên và binh lính đã tình nguyện chiến đấu.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Bắc Hàn có 1,28 triệu quân nhân đang tại ngũ và khoảng 600.000 quân dự bị, cùng với 5,7 triệu quân dự bị là Hồng vệ binh Công nhân/Nông dân trong số nhiều đơn vị không vũ trang.
Bộ Quốc phòng Hán Thành không bình luận về bản tin mới nhất của KCNA, nhưng từng cảnh báo rằng nếu Bắc Hàn gây tổn hại đến sự an toàn của người dân Nam Hàn, thì ngày đó sẽ là "ngày tàn của chế độ này".


Giới Xuất Cảng Việt Nam Đối Mặt Biện Pháp VSATTP, Kiểm Dịch Động/Thực Vật Mới Từ WTO


(AFP/Nhac Nguyen, minh họa: Một người bán hàng rong là ổi trên đường phố Hà Nội hôm 27/2/2024.)
-Các doanh nghiệp xuất cảng Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động/thực vật (SPS) từ các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Văn phòng SPS Việt Nam thông báo như vừa nêu với đề xuất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất cảng trong nước nghiên cứu, góp ý về loạt Dự thảo quy định biện pháp SPS từ các thành viên WTO; trong đó có Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU), Nhật Bản, Đài Loan, Gia Nã Ðại, Ba Tây, Úc Ðại Lợi….
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết từ ngày 21/8/2024 đến 20/9/2024 có tổng cộng 92 thông báo về các biện pháp SPS từ các thành viên WTO. Trong số này có 78 Dự thảo còn được lấy ý kiến và 14 quy định chính thức có hiệu lực.

Vào tháng 1 năm nay, EU đưa năm mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam, gồm ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long, vào diện kiểm soát khi nhập vào thị trường này.
Vào năm 2023, EU đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng nông sản nhập cảng của Việt Nam vì phát giác dư lượng hóa chất quá mức và nấm mốc.
Vào tháng 12/2023, Nhật Bản cũng phát giác tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật với các lô sầu riêng và ớt đông lạnh nhập từ Việt Nam.
Các nước như Trung Quốc và Nam Hàn cũng đưa ra những cảnh báo tương tự đối với một loạt các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.


Chủ Tịch Nước Tô Lâm: Việt Nam Sẵn Sàng Đóng Góp Duy Trì Hòa Bình ở Bán Đảo Triều Tiên!


(Ảnh AFP, minh họa: Thủ tướng Phạm Minh Chính chéo tay khi chụp ảnh cùng Tổng thống Nam Hàn tại Hội nghị ASEAN hôm 10/10/2024.)
-Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Chang Ho-jin, Cố vấn đặc biệt về Ngoại giao, An ninh của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol hôm 15/10/2024 trong khi căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng.
Trước đó, Bắc Hàn đã cho nổ tung một phần các tuyến đường ở phía Bắc Đường phân định quân sự, các tuyến đường xuyên biên giới này từng được coi là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều.
Tại buổi đón tiếp ở trụ sở trung ương Đảng, ông Tô Lâm bày tỏ cảm ơn Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã gửi điện thăm hỏi và hỗ trợ Việt Nam khắc phục những hậu quả của bão Yagi.

Báo Chính phủ dẫn thông tin về cuộc gặp, cho biết Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam coi Nam Hàn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình; đồng thời nhấn mạnh một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới phù hợp với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nam Hàn.
Nhấn mạnh đường lối nhất quán của Việt Nam trong những vấn đề lớn, quan trọng, ông Lâm khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Chang Ho-jin cũng nêu các quan điểm, lập trường của Chính phủ Nam Hàn, nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong khi đó ông Chang chuyển lời của Tổng thống Yoon Suk Yeol mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sớm thăm Nam Hàn. Ông Tô Lâm đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước phối hợp trao đổi và thu xếp chuyến thăm vào thời gian phù hợp cho cả hai bên.
Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nam Hàn khẳng định nước này coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong quá trình khai triển Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng và Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Nam Hàn....
Bên cạnh hợp tác trên lĩnh vực chính trị-ngoại giao, Nam Hàn coi trọng và mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có các lĩnh vực kỹ thuật cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và phối hợp trên các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.


Nhóm Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh của Trung Quốc Tập Trận ở Biển Đông


(REUTERS: Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quân sự ở phía Tây Thái Bình Dương vào ngày 23/4/2018.)
-Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/10/2024 xác nhận rằng, nhóm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh gần đây đã đến Biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận thường kỳ và họ sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự một cách thường xuyên.
Văn phòng Tham mưu Liên hợp Nhật Bản trước đó ra thông cáo báo chí đính kèm những tấm ảnh cho thấy, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning số hiệu 16), tuần dương hạm Anshan (số hiệu 103) và khu trục hạm Urumqi (số hiệu 118) đã được phát giác đang di chuyển trong khu vực cách Đảo Yonaguni 409 cây số về phía Nam vào chiều thứ Ba.
Sau đó, các tàu này đã di chuyển về phía Biển Đông trong cùng ngày.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) sau đó cho rằng phía Nhật Bản đã cường điệu về sự việc. Hãng tin AP dẫn lời ông Ngô nói nhưng không cho biết vị trí cụ thể:
"'Nhiếp ảnh gia' người Nhật Bản đang cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người một lần nữa. Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã tổ chức nhóm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh để tiến hành các cuộc tập trận thường kỳ ở vùng biển Biển Đông.
Đây là một phần trong lịch trình huấn luyện hàng năm, với mục tiêu nâng cao năng lực chiến đấu. Trong tương lai, PLA sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự một cách thường xuyên".

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm này đã tham gia cuộc tập trận Joint Sword 2024B (Liên hợp lợi kiếm) kéo dài một ngày vào ngày 14/10 bao quanh đảo Đài Loan.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản xác nhận rằng Liêu Ninh đã thực hiện 90 lần phóng và thu hồi máy bay chiến đấu trên tàu và 50 lần cất cánh và hạ cánh trực thăng trên tàu.
Theo thông cáo, khu trục hạm JS Kirisame (DD-104) của JMSDF đã tiến hành giám sát và thu thập thông tin, trong đó lưu ý rằng máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã cất cánh để đáp trả các đợt phóng máy bay chiến đấu của Liêu Ninh.


Trung Đông: Thủ Tướng Do Thái Tuyên Bố Tấn Công Khốc Liệt Hezbollah


(Hình AP - Abir Sultan: Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu họp báo tại Văn phòng Báo chí Chính phủ ở thủ đô Jerusalem, ngày 4/9/2024.)
-Hôm 15/10/2024, Do Thái đã tiến hành các cuộc tấn công mới, ở miền Đông và miền Nam Lebanon, thành trì của Hezbollah, sau khi Thủ tướng Do Thái Benyamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công "không thương xót" phong trào Hồi giáo Lebanon thân Iran, kẻ thù không đội trời chung của Do Thái.
Theo hãng tin chính thức Lebanon, ANI, vào sáng sớm 15/10, quân đội Do Thái đã tiến hành nhiều cuộc tấn công ở vùng Bekaa, đánh sập một bệnh viện trong thành phố. Các cuộc tập kích cũng nhắm vào các ngôi làng ở phía Nam đất nước.
Theo Bộ Y tế Lebanon, hôm 14/10, một cuộc tấn công của Do Thái đã khiến 21 người thiệt mạng tại ngôi làng Công giáo Aïto, phía Bắc Lebanon. Đây là lần đầu tiên ngôi làng này trở thành mục tiêu của các vụ oanh kích của Do Thái. Trước đó, các cuộc tấn công đều nhắm vào các khu vực được coi là cứ địa của Hezbollah, ở phía Nam và phía Đông Lebanon cũng như các vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut. Thông tín viên Paul Khalifeh của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Beirut cho biết thêm thông tin:

Tòa nhà 3 tầng, nơi có 3 gia đình di tản người Hồi giáo Shia, Aïto huyện Zgharta, miền Bắc Lebanon, đã bị Không quân Do Thái phá hủy hoàn toàn. Một tòa nhà khác bị hư hại nghiêm trọng. Zgharta là lãnh địa của thủ lĩnh những người Công giáo ở miền Bắc Lebanon, cựu Bộ trưởng, Dân biểu Sleiman Frangié, ứng viên Tổng thống được Hezbollah ủng hộ, và Chủ tịch Hạ viện Lebanon Nabih Berri.
Sau khi đã đuổi hết dân cư ra khỏi các vùng có đa số người Hồi giáo Shiaở miền Nam Lebanon, ngoại ô phía Nam Beirut và vùng bình nguyên Bekaa, quân đội Do Thái, từ vài ngày nay, nhắm mục tiêu là những người tản cư được các cộng đồng khác đón nhận, chủ yếu là công đồng người Hồi giáo Suni và người Công giáo.
Các vụ oanh kích như vậy diễn ra trên khắp lãnh thổ Lebanon, nhằm gây tâm lý hoảng sợ và bất an trong những cộng đồng dân cư khác để họ ngừng đón tiếp những người di tản Shia. Mục đích là gây áp lực chính trị và xã hội đối với Hezbollah, khiến phong trào bị cô lập thêm ở trong nước.
Những nhân vật chính trị địa phương thù địch với Hezbollah bắt đầu chỉ trích sự hiện diện của các gia đình ủng hộ Hezbollah và kêu gọi ngừng đón tiếp những người tị nạn đó.


Iran: Tư lệnh Lực Lượng Tinh Nhuệ Al Qods của Iran Xuất Hiện Trở Lại Sau Tin Đồn Bị Do Thái Triệt Hạ


(Hình AP/Vahid Salemi: Tướng Ismael Qaani (giữa) tại lễ tang của Abbas Nilforoushan ở Teheran, Iran, ngày 15/10/2024.)
-Sau 2 tuần vắng bóng trên chính trường, làm dấy lên nhiều đồn đoán thiệt mạng hoặc bị bắt giữ, tướng Iran, Ismael Qaani, Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Al Qods của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, đã tái xuất trong một buổi lễ được phát trên truyền hình Nhà nước Iran.
Từ thủ đô Teheran của Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Truyền hình Iran chiếu cảnh tướng Qaani tại một buổi lễ đón nhận thi hài của Abbas Nilforoushan, một thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, bị giết cùng lúc với thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, ở thủ đô Beirut của Lebanon.
Trong 2 tuần qua, có nhiều tin đồn về cái chết của ông Qaani trong các cuộc tấn công của Do Thái vào Beirut.

Sau đó, các phương tiện truyền thông khu vực Trung Đông đưa tin tướng Qaani trước đó đã bị bắt do bị nghi ngờ là trong số những người thân cận với ông có người của Do Thái cài vào, nhờ thế mà Do Thái đã có thể tiến hành các cuộc oanh kích nhắm vào Hassan Nasrallah hoặc các chỉ huy khác của Hezbollah.
Vị tướng xuất hiện trong các buổi lễ nhưng không có phát biểu gì. Có thể tối nay ông ấy có bài phát biểu tại những buổi lễ khác đã được lên kế hoạch tổ chức.
Những chuyện này diễn ra trong bối cảnh Iran vẫn đang lo ngại về việc Do Thái tiến hành một cuộc tấn công đáp trả vụ Teheran cho phóng 200 phi đạn tấn công Do Thái hôm 1/10/2023. Một số viên chức của Iran đã nhắc lại rằng Teheran sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công nào của Do Thái.


Tình Báo Đức Báo Động Nguy Cơ Nga Đối Đầu Quân Sự Trực Tiếp Với NATO Ngay Từ Năm 2030


(Hình AFP - John Macdougall, từ trái sang phải: Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) Bruno Kahl, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze trước cuộc họp Nội các về an ninh tại phủ Thủ tướng ở Bá Linh, Đức, ngày 18/10/2023.)
-Cơ quan Tình báo Đức BND hôm 14/10/2024 báo động về nguy cơ ngày càng gia tăng tại Âu Châu nói chung và Đức nói riêng, do sự gia tăng các hành vi gián điệp và các vụ phá hoại của Nga. Theo cơ quan này, đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có thể xảy ra ngay từ năm 2030.

Trong phiên điều trần công khai tại Hạ viện, lãnh đạo cơ quan tình báo Đức BND, Bruno Kahl, nhận định: "Về nhân lực và vật chất, các lực lượng vũ trang Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công chống lại NATO vào cuối thập niên này", tức là ngay từ năm 2030. Theo ông, "một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Liên minh NATO trở thành một sự lựa chọn của nước Nga" và Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị gia tăng hơn nữa các hoạt động hỗn hợp và bí mật.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đức cũng nhận định, với những hành vi can dự đến "mức chưa từng có", Ðiện Cẩm Linh muốn "thử nghiệm mọi lằn ranh đỏ của phương Tây".
Cả 3 cơ quan tình báo và phản gián Đức (Tình báo BND, phản gián BfV và phản gián quân sự MAD), khi điều trần trước Hạ viện, đều cảnh báo về mối nguy hiểm ngày càng gia tăng, mà theo họ là được thể hiện qua những hoạt động của các cơ quan tình báo Nga tại Đức. Chủ tịch cơ quan MAD Martina Rosenberg, nói đến "sự gia tăng đáng kể các hành vi gián điệp và phá hoại" nhắm vào quân đội Đức.

Tương tự, theo thông tấn xã AFP, lãnh đạo Cơ quan Phản gián Đức (BfV), Thomas Haldenwang, khẳng định: "Hoạt động gián điệp và phá hoại của Nga đang gia tăng ở Đức, cả về số lượng và mức độ". Ông Haldenwang cảnh báo mối đe dọa từ Nga đã di chuyển "từ Đông sang Tây", từ một cơn bão nhỏ trở thành một cơn bão tố rất mạnh, ngụ ý nói các hành động của Nga ở vùng Baltic và Ba Lan "tàn bạo hơn rất nhiều" so với hiện tại ở Đức.
Cũng vào hôm qua, chính phủ Đức công bố các biện pháp nhằm củng cố, tăng cường kiểm soát an ninh, đặc biệt là trên mạng xã hội, trước nguy cơ gián điệp trong các bộ và nguy cơ phá hoại nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng gia tăng.


Gia Nã Ðại-Ấn Độ Trục Xuất Đại Sứ và Nhiều Nhân Viên Ngoại Giao của Nhau


(Ảnh AP - Sean Kilpatrick, tư liệu, minh họa: Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau (trái) hội đàm với đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Tân Ðề Ly, thủ đô của Ấn Độ, ngày 10/9/2023.)
-Khủng hoảng ngoại giao giữa Ấn Độ-Gia Nã Ðại từ nhiều tháng nay tăng thêm nấc mới. Hôm 14/10/2024, Gia Nã Ðại trục xuất 6 nhà ngoại giao cấp cao của Ấn Độ để đáp trả cuộc điều tra về vụ sát hại một thủ lĩnh ly khai theo đạo Sikh hồi năm 2023 ở Gia Nã Ðại.
Ottawa cáo buộc Tân Ðề Ly can dự vào vụ ám sát này. Ấn Độ ngay lập tức trả đũa và yêu cầu 6 nhà ngoại giao Gia Nã Ðại phải rời khỏi Ấn Độ trước ngày 21/10. Thông tín viên Pascale Guéricolas của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Québec tường trình:
"Mục tiêu của chúng tôi là phá vỡ tổ chức mạng lưới và ngăn chặn bạo lực trong đất nước chúng ta".

Một đại diện của hiến binh hoàng gia Gia Nã Ðại đã tố giác những mối quan hệ mà có thể các nhà ngoại giao Ấn Độ duy trì với các tổ chức tội phạm.
Theo điều tra của cảnh sát, các đại diện ngoại giao Ấn Độ có thể đã lợi dụng quy chế của họ để thu thập thông tin về những nhà hoạt động người Sikh. Những thông tin sau đó được giải quyết nhằm thực hiện các vụ sát hại hoặc đe dọa những người đó.

Tình hình này đã bị Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau lên án. Ông nói: "Tôi cho rằng Ấn Độ đã mắc sai lầm lớn trong việc chọn cách sử dụng các nhà ngoại giao của họ và tội phạm có tổ chức để tấn công người Gia Nã Ðại".
Sự việc này diễn ra sau vụ ám sát ông Hardeep Singh Nijjar, lãnh đạo một ngôi đền đạo Sikh tại Gia Nã Ðại hồi tháng 06/2023. Nhân vật này là một nhà hoạt động để thành lập Nhà nước độc lập của người Sikh. Khi đó, ông Trudeau đã tố cáo hành động của Ấn Độ là can thiệp ngoại quốc. Giờ đây, ông vẫn nhắc lại điều này.
Theo cảnh sát Gia Nã Ðại, các đại diện ngoại giao Ấn Độ từ chối cộng tác với cuộc điều tra, mặc dù các bằng chứng cho thấy sự can dự của các nhà ngoại giao vào các hoạt động tội phạm nghiêm trọng.
Đó là lý do tại sao chính phủ Gia Nã Ðại đã trục xuất họ.


Bình Nhưỡng Cho Nổ Phá Nhiều Đoạn Đường Nối Từ Bắc Hàn Sang Nam Hàn


(Hình REUTERS - South Korean Defence Ministry: Nhìn từ phía Nam Hàn, khói bốc lên sau khi Bắc Hàn cho nổ tung các đoạn đường ở khu vực biên giới liên Triều, ngày 15/10/2024.)
-Căng thẳng giữa hai miền Nam, Bắc Hàn đã tăng thêm 1 nấc. Hán Thành cho biết rằng hôm 15/10/2024, Bình Nhưỡng đã cho nổ phá một số đoạn đường bộ nối Bắc Hàn sang Nam Hàn.
Theo thông tấn xã AFP, Bộ Tư lệnh Liên quân Nam Hàn hôm 15/10 thông báo quân đội Cộng sản Bắc Hàn đã dùng thuốc nổ phá những con đường Gyeongui và Donghae ở phía Bắc đường phân chia ranh giới quân sự giữa hai miền, trước đây được dùng để vận chuyển xuyên biên giới. Quân đội Nam Hàn đã công bố các video cho thấy lực lượng Cộng sản Bắc Hàn cho nổ phá đường.

Sau khi quân đội Cộng sản Bắc Hàn cho nổ phá đường, quân đội Nam Hàn đã tiến hành các vụ "bắn đáp trả", nã pháo vào khu vực phía Nam đường phân chia ranh giới quân sự, trên lãnh thổ của mình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, hôm 15/10 kêu gọi tránh một cuộc leo thang căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên, bởi điều này đi ngược lại với các lợi ích chung của tất cả các bên.
Xin nhắc lại, Bộ tổng Tham mưu Quân đội Cộng sản Bắc Hàn hôm 9/10 thông báo khai triển "một dự án cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối" với Nam Hàn, dẫn đến "sự chia cắt hoàn toàn" lãnh thổ Bắc Hàn và Nam Hàn. Trên thực tế, biên giới liên Triều hoàn toàn đóng cửa. Từ sau chiến tranh 1953, hai tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt xuyên biên giới chỉ được mở trong một số dịp, trong một thời gian ngắn khi quan hệ hai bên hòa dịu.

Theo truyền thông nhà nước Cộng sản Bắc Hàn, lãnh đạo Kim Jong Un hôm 14/10 cũng đã chủ trì một cuộc họp quân sự cấp cao nhất, xác định đường hướng "hành động quân sự ngay tức khắc" và "các nhiệm vụ quân sự quan trọng cần hoàn thành trong khuôn khổ răn đe chiến tranh và thực hiện quyền tự vệ".
Sau cuộc họp của Bình Nhưỡng, trả lời thông tấn xã AFP, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sejong của Nam Hàn, ông Cheong Seong Chang cho biết "mọi sự chú ý đang tập trung vào việc liệu Bắc Hàn có phản ứng bằng cách cho drone bay sang Nam Hàn hay không, hay là sẽ có các biện pháp mạnh nếu các drone xâm nhập một lần nữa vào lãnh thổ của họ". Theo ông, Bắc Hàn "có thể sẽ có các hành động khiêu khích quy mô lớn dọc biên giới nếu lại xảy ra các vụ drone xâm nhập".
Trước đó, ngày 11/10, Bộ Ngoại giao Cộng sản Bắc Hàn ra thông cáo tố Nam Hàn đã đưa nhiều drone rải truyền đơn tuyên truyền xuống Bình Nhưỡng, coi đó là hành động "khiêu khích vô trách nhiệm", có nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang, thậm chí có thể làm nổ ra chiến tranh liên Triều. Cáo buộc của Bình Nhưỡng đã bị chính quyền Hán Thành bác bỏ.


Sri Lanka Bắt Hơn 230 Tội Phạm Mạng Trung Quốc


(Hình REUTERS, minh họa.)
-Hơn 230 người Trung Quốc bị Cảnh sát Sri Lanka bắt theo cáo buộc tham gia những băng nhóm lừa đảo trên mạng nhắm vào các ngân hàng và định chế tài chánh quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka thông báo tin vừa nêu ngày 15/10/2024 và thông tấn xã AFP loan tin.
Bộ trưởng Ngoại giao Vijitha Herath của Sri Lanka được thông tấn xã AFP dẫn lời rằng trong tuần qua, lực lượng Cảnh sát nước ông tiến hành những cuộc bố ráp và bắt giữ 250 máy điện toán, 500 điện thoại di động của những băng nhóm lừa đảo trên mạng. Hiện cơ quan chức năng Sri Lanka đang điều tra về những khoản tiền mà những băng nhóm này đã lừa được.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại thủ đô Colombo của Sri Lanka cho biết nước này đã cử một đoàn công tác gồm những giới chức an ninh đến Sri Lanka để giúp tiến hành chiến dịch đặc biệt với Cảnh sát nước này.
Cơ quan ngoại giao này của Trung Quốc tại Sri Lanka nêu rõ đang tiến hành công tác đưa những tội phạm người Trung Quốc về Hoa Lục.
Tin cho biết thêm cuộc bố ráp lớn nhất trong chiến dịch vừa nêu diễn ra hôm 12/10 vừa qua; bắt được 126 tội phạm Trung Quốc, 2 tội phạm từ Việt Nam; từ Thái Lan và Phi Luật Tân mỗi nước có 1 tội phạm bị bắt.


Đài Loan: Số Lượng Kỷ Lục Phi Cơ Trung Quốc Thị Uy Quanh Đảo Trong Một Ngày


(Hình REUTERS - Tingshu Wang: Màn hình chiếu tin tức về các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và các khu vực phía Bắc, Nam và Đông của hòn đảo. Ảnh chụp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/10/2024.)
-Hôm 15/10/2024, Đài Bắc thông báo đã phát giác số lượng kỷ lục 153 phi cơ Trung Quốc trong một ngày diễn tập bao vây hòn đảo Đài Loan.
Theo các dữ liệu được Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố, cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc kéo dài 25 tiếng đồng hồ, đã kết thúc vào lúc 10 giờ 00 tối hôm 14/10, giờ quốc tế với sự tham gia của 11 chiến hạm. Trong số 153 phi cơ được phát giác, có 111 chiếc đã bay vượt qua đường trung tuyến, chia đôi eo biển phân cách giữa hòn đảo và Hoa Lục, rộng 180 cây số.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 15/10 đã ra thông cáo kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh "không gây rắc rối vô cớ và không nên trở thành kẻ gây rối phá hoại hòa bình và ổn định".

Cuộc diễn tập thị uy sức mạnh với đảo Đài Loan diễn ra nhanh chóng, nhưng ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nước trong và ngoài khu vực.
Hôm 15/10, Tokyo đã bày tỏ "quan ngại" đối với Bắc Kinh về cuộc tập trận này cũng như việc Trung Quốc điều 2 chiến đấu cơ bay áp sát không phận hòn đảo Yonaguni của Nhật Bản hôm 13/10.
Hôm 14/10, Liên Hiệp Âu Châu (EU) cũng lên tiếng kêu gọi các bên "kiềm chế". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo bày tỏ lo ngại và chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc là hành động "không chính đáng" có thể gây leo thang căng thẳng.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc hành động kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm tổn hại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.


Mỹ và Phi Luật Tân Tập Trận Ngay Sau Các Hoạt Động Quân Sự của Trung Quốc


(Hình AP - Aaron Favila - tư liệu: Tàu Tuần duyên Hoa Kỳ Stratton (WMSL 752) (phải) và tàu Cảnh sát Biển Phi Luật Tân Melchora Aquino ngoài khơi tỉnh Bataan, Phi Luật Tân, ngày 6/6/2023.)
-Hôm 15/10/2024, hàng ngàn Thủy quân Lục chiến Mỹ và Phi Luật Tân bắt đầu đợt tập trận 10 ngày ở phía Bắc và Tây Phi Luật Tân. Sự kiện này đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng diễn ra đúng một ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các hoạt động quân sự rầm rộ xung quanh đảo Đài Loan.
Phát biểu tại lễ khai mạc ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân, Đại tá Stuart Glenn, đại diện cho Thủy quân Lục chiến Mỹ, tuyên bố rằng cuộc tập trận này cho phép các "đối tác và đồng minh (của Mỹ) trong vùng tập hợp để cải thiện trình độ" và có thể "đáp trả bất kỳ cuộc khủng hoảng hay tình huống khẩn cấp nào".

Nội dung đợt luyện tập bao gồm bắn đạn thật ở bờ phía Bắc đảo Luzon của Phi Luật Tân, chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 800 cây số. Một số hoạt động khác sẽ diễn ra ở quần đảo Palawan, đối diện với Biển Đông. Theo một thông cáo, các bài tập đổ bộ và huấn luyện "các kỹ thuật phòng thủ" đối phó với chiến tranh hóa học và sinh học cũng được dự trù.
Trước giới báo chí, Chuẩn tướng Vicente Blanco, chỉ huy chiến dịch phía Phi Luật Tân, cho biết "học thuyết phòng thủ bờ biển" này nhằm đề phòng một "kẻ gây hấn tiềm tàng có thể nhắm vào lãnh thổ" Phi Luật Tân, đồng thời tái khẳng định Phi Luật Tân không huấn luyện để tham gia chiến sự.
Tham gia đợt luyện tập quân sự này còn có các nước Úc Ðại Lợi, Anh, Nhật Bản và Nam Hàn. Các nước Pháp, Thái Lan và Nam Dương chỉ gởi quan sát viên.
Theo thông tấn xã AFP, đợt tập trận thường niên này diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các hoạt động quân sự rầm rộ xung quanh đảo Đài Loan mà Bắc Kinh xem đấy như là "lời cảnh cáo nghiêm khắc" đối với các thế lực đòi ly khai.
Ngay khi chiến dịch tập trận bắt đầu, chính quyền Manila hôm nay cho biết một trong số các tàu tuần tra dân sự của Phi Luật Tân đã hỏng nhẹ hôm 11/10 sau khi đã bị một "tàu Dân quân Biển" Trung Quốc "cố tình" đâm phải tại vùng biển cách đảo Thị Tứ 9 cây số.


Mã Lai Á Tiếp Tục Hoạt Động Thăm Dò Dầu Khí Tại Biển Đông


(Hình Planet Labs, minh họa: Ảnh vệ tinh chụp tàu khoan West Capella do Mã Lai Á ký hợp đồng ở Biển Đông hôm 22/4/2020.)
-Tập đoàn Petronas của Mã Lai Á sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí trong Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông, bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc.
Thủ tướng Mã Lai Á Anwar Ibrahim lặp lại cương quyết vừa nêu vào ngày 15/10 trước Quốc hội nước này và thông tấn xã Reuters loan tin.
Vào tháng qua, ông Anwar Ibrahim lên tiếng rằng hoạt động thăm dò của Tập đoàn Petronas nằm trong lãnh thổ của Mã Lai Á và nước ông không hề có hành động khiêu khích hay thù địch đối với Trung Quốc. Tin này được rò rĩ từ một công hàm ngoại giao từ Bắc Kinh.
Một kênh truyền thông của Phi Luật Tân dẫn nội dung công hàm với cáo buộc nói Mã Lai Á xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc.

Thông tấn xã Reuters ngày 15/10 dẫn phát biểu của Thủ tướng Anwar Ibrahim rằng Mã Lai Á có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng, trong đó có Thái Lan, Phi Luật Tân và Nam Dương; tuy nhiên theo ông này những tranh chấp đó không hề ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, thương mại với những nước ấy.
Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) tại Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ trong tháng này có phúc trình nêu rõ vào năm nay tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên đi vào khu vực các giếng thăm dò dầu khí ngoài khơi Sarawak của Mã Lai Á, đi sát đến 1 ngàn mét các khu vực sản xuất dầu khí của Mã Lai Á tại Timi, Kasawari vả Jerun.

Không có nhận xét nào: