Ông Trump kêu gọi người dân tiểu bang Georgia tích cực bỏ phiếu sớm Cựu Tổng thống Donald Trump vào tối thứ Ba (15/10) đã kêu gọi người dân tiểu bang Georgia nộp phiếu bầu sớm. Tuyên bố của cựu tổng thống được đưa ra sau khi Georgia kiểm phiếu kỷ lục với 300.000 phiếu bầu trong ngày đầu tiên bỏ phiếu sớm, và một tòa án tiểu bang đã chặn quy định kiểm phiếu thủ công. Ông Gabriel Sterling, quan chức phụ trách bầu cử của tiểu bang, người đã xác nhận số phiếu bầu sớm kỷ lục trong một bài đăng trên mạng xã hội, cho biết con số này “cao hơn 123% so với kỷ lục cũ trong ngày bỏ phiếu đầu tiên”. Thứ Ba (15/10) là ngày đầu tiên bỏ phiếu sớm trực tiếp tại tiểu bang miền Nam và là ngày đầu tiên cử tri có thể nộp phiếu bầu qua thư.
<!>
Các tiểu bang khác bao gồm Arizona, Minnesota, Nam Dakota và Virginia, cũng đã bắt đầu tổ chức bỏ phiếu sớm. Bắc Carolina sẽ cho phép bắt đầu bỏ phiếu sớm trực tiếp vào thứ Năm (17/10).
Ông Trump đã vận động tranh cử tại các tiểu bang dao động quan trọng, bao gồm Arizona, Georgia và Pennsylvania, trước cuộc bầu cử vào tháng Mười Một. Lời kêu gọi của cựu tổng thống vào thứ Ba (15/10) được đưa ra trong một điểm dừng chân vận động tranh cử ở Atlanta.
“Việc bỏ phiếu qua thư sớm tại tiểu bang của các bạn hiện đang được tiến hành và việc bỏ phiếu trực tiếp sớm cũng đang được tiến hành. Nhưng tôi sẽ nói với các bạn điều này, tôi đang nghe thấy những điều rất tốt”, ông Trump nói trong cuộc vận động. “Vì vậy, nếu các bạn có phiếu bầu, hãy nộp lại ngay lập tức. Nếu không, hãy đến vào ngày mai hoặc sớm nhất có thể. Hãy đến các điểm bỏ phiếu và bỏ phiếu. Sau đó, trong 21 ngày tiếp theo, hãy kêu gọi mọi người bạn biết, đi bỏ phiếu. Chúng ta không muốn cầu may”.
Bình luận trên của ông Trump được đưa ra vào cuối ngày thứ Ba (15/10) khi một thẩm phán Georgia ra phán quyết tạm dừng quy định mới của Ủy ban Bầu cử Georgia về việc các nhân viên bầu cử phải đếm thủ công số phiếu bầu tại mỗi điểm bỏ phiếu. Thẩm phán cho rằng việc kiểm phiếu thủ công như vậy sẽ gây ra “sự hỗn loạn về mặt hành chính” do thiếu sự chuẩn bị và đào tạo, theo CNN.
Đề cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris đang vận động tranh cử tại Michigan, Pennsylvania và Wisconsin trong tuần này.
Ông Trump cũng dự kiến sẽ vận động tranh cử tại Detroit, Michigan vào tối thứ Sáu (18/10).
Israel xác nhận tiêu diệt thủ lĩnh Hamas
Israel xác nhận quân đội nước này tiêu diệt ông Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas, trong cuộc giao tranh ở miền Nam dải Gaza, theo BBC và Axios hôm Thứ Năm, 17 Tháng Mười.
Thi thể ông Sinwar được tìm thấy trong đống đổ nát của tòa nhà bị xe tăng Israel bắn trúng hôm Thứ Tư, đài phát thanh quân đội Israel loan tin. Quân đội Israel xác nhận ông Sinwar bị tiêu diệt sau khi giới chức nước này thử DNA và phân tích hình chụp răng của ông.
Trước đó, cũng hôm Thứ Năm, ông Israel Katz, ngoại trưởng Israel, xác nhận tin này với ngoại trưởng hàng chục quốc gia khác khắp thế giới.
Ông Katz nói ông Sinwar là “kẻ chủ mưu vụ thảm sát và tội ác” ngày 7 Tháng Mười năm ngoái, ngày nhóm vũ trang Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel, làm 1,200 người thiệt mạng, và bắt cóc khoảng 250 người làm con tin.
“Đây là thành tích quân sự và tinh thần quan trọng cho Israel, và là thắng lợi cho toàn bộ thế giới tự do trước trục tội lỗi của Hồi Giáo cực đoan do Iran cầm đầu,” ông Katz cho hay. “Ông Sinwar bị tiêu diệt sẽ tạo cơ hội để con tin được thả ngay lập tức và mở đường cho Gaza có cuộc sống mới – không có Hamas và không bị Iran kiểm soát.”
Thời gian qua, Israel xem việc sát hại ông Sinwar là mục tiêu chính, và có thể sẽ giảm chiến dịch quân sự ở Gaza nếu ông không còn.
Ông Sinwar, 61 tuổi, làm thủ lĩnh Hamas ở Gaza từ năm 2017. Tháng Tám năm nay, ông được bầu làm thủ lĩnh chính trị của nhóm vũ trang này sau khi ông Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran.
Hầu hết người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 7 Tháng Mười năm ngoái là dân thường, gồm 43 người Mỹ. Trong 250 người bị bắt làm con tin, có 12 người Mỹ.
Ngay sau vụ khủng bố của Hamas, Israel mở chiến dịch quân sự rầm rộ ở Gaza để trả đũa. Tới nay, chiến dịch của Israel làm hơn 42,000 người Palestine thiệt mạng, theo giới chức y tế ở Gaza.
Hải cảnh Nhật Bản ngăn tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập gần đảo Senkaku
Theo Ban An ninh biển Khu vực 11 của Nhật Bản, ngày 15/10 gần đảo Senkaku Nhật Bản, 2 tàu của Hải cảnh Trung Quốc số 2501 và 2203 đã tiến vào khu vực lân cận và muốn tiếp cận một tàu đánh cá Nhật Bản gần đó. Đây là ngày thứ 39 trong năm nay tàu Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản coi là vùng lãnh hải của Nhật Bản.
Khi đó trên tàu đánh cá Nhật Bản ở khu vực này có 3 người, hoạt động cách khoảng 16 km về phía đông đảo Senkaku.
Tại vùng biển tiếp giáp bên ngoài vùng biển mà Nhật Bản coi là lãnh hải, các tàu số 2204 và 2103 của Hải cảnh Trung Quốc di chuyển tới. Tàu Trung Quốc đã đi vòng quanh quần đảo Senkaku trong 12 ngày liên tiếp. Các con tàu dường như đều được trang bị các loại vũ khí như súng máy…
Tàu tuần tra của Hải cảnh Nhật Bản đã ngăn chặn tàu Trung Quốc tiếp cận tàu cá của ngư dân Nhật Bản, để đảm bảo an toàn cho tàu cá. Các tàu tuần tra Nhật Bản đã yêu cầu họ rời khỏi vùng biển mà Nhật Bản coi là lãnh hải.
Đã nhiều lần tái diễn
Từ sau tháng 5/2020 đến nay, đã nhiều lần xảy ra trường hợp tàu đánh cá Nhật Bản bị tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi khi đang tiến hành hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển thuộc quần đảo Senkaku, những trường hợp như vậy xảy ra vào tháng 5, tháng 7 và tháng 8 năm nay. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato trong cuộc họp báo vào buổi sáng ngày 12/10/2020 cho biết, vào sáng ngày 11/10 năm đó, vùng biển đảo chính Senkaku thuộc thành phố Ishigaki tỉnh Okinawa, 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc lần lượt tiến vào khu vực và có động thái tiếp cận tàu cá Nhật Bản. Nhật Bản đã thông qua các kênh ngoại giao để thể hiện quan điểm mạnh mẽ phản đối phía Trung Quốc.
Hiện nay, việc tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi tàu cá Nhật Bản trong vùng biển thuộc quần đảo Senkaku đã không còn là chuyện hy hữu.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Nga sẽ thúc đẩy chấm dứt sự thống trị của đồng USD
Khi Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS vào tuần tới, Moskva sẽ tìm cách thuyết phục các quốc gia thành viên của khối này xây dựng một nền tảng thanh toán quốc tế mới thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế hiện tại của phương Tây nhằm tránh các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin rất muốn xây dựng BRICS thành một đối trọng mạnh mẽ với phương Tây trên đấu trường chính trị và thương mại toàn cầu. BRICS mở rộng hiện nay bao gồm bốn thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cũng như năm quốc gia sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra từ ngày 22/10 đến 24/10 tại thành phố Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Moskva muốn tổ chức sự kiện này như một bằng chứng cho thấy những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập họ đã thất bại. Nga muốn các quốc gia khác hợp tác với mình để cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và chấm dứt sự thống trị của đồng USD.
Theo một tài liệu do Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga chuẩn bị và phân phối cho các nhà báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh này, trọng tâm của cuộc thảo luận là đề xuất về một hệ thống thanh toán mới dựa trên mạng lưới các ngân hàng thương mại được liên kết với nhau thông qua các ngân hàng trung ương của các quốc gia BRICS.
Hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và chuyển các token kỹ thuật số được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ quốc gia. Nói cách khác, hệ thống này sẽ cho phép các loại tiền tệ đó được trao đổi dễ dàng và an toàn, bỏ qua nhu cầu giao dịch bằng USD.
Blockchain có thể được xem là một cuốn sổ cái điện tử (quyển sổ thu chi) được chia sẻ cho tất cả thành viên tham gia mạng lưới theo một cơ chế đồng thuận. Blockchain được xem là một mạng lưới ngang hàng và là một giao thức trao đổi dữ liệu minh bạch. Blockchain ban đầu được biết đến như “công nghệ tiền điện tử”, nhưng sau đó đã được nghiên cứu và áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác đáp ứng nhu cầu của xã hội số: minh bạch, công bằng và ẩn danh.
Token là một loại tiền điện tử được phát hành và hoạt động trên nền tảng blockchain của dự án có sẵn mà không sở hữu blockchain riêng. Token có thể được sử dụng như một phương thức thanh toán trong hệ sinh thái của dự án đó.
Nga coi hệ thống thanh toán mới như một cách để giải quyết các vấn đề ngày càng tăng trong việc xử lý các khoản thanh toán thương mại, ngay cả với các quốc gia thân thiện như Trung Quốc, thì các ngân hàng địa phương ở nước này cũng lo ngại họ có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ.
Ông Yaroslav Lissovolik, người sáng lập công ty Phân tích BRICS+, một tổ chức tư vấn chính sách, nhận định rằng việc tạo ra một hệ thống thanh toán như vậy là khả thi về mặt kỹ thuật nhưng sẽ mất nhiều thời gian.
Ông lưu ý: “Sau khi mở rộng đáng kể số thành viên BRICS vào năm ngoái, việc đạt được sự đồng thuận được cho là khó khăn hơn”.
Sàn giao dịch ngũ cốc BRICS
Tài liệu của Nga cáo buộc các định chế hiện có như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang phục vụ lợi ích của các quốc gia phương Tây, đồng thời kêu gọi các tổ chức này cần “cải thiện để phục vụ tốt hơn nền kinh tế toàn cầu đang phát triển”. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã kêu gọi các quốc gia thành viên BRICS thành lập một tổ chức thay thế cho IMF.
Trong số các sáng kiến khác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, Nga cũng sẽ đề xuất thành lập nền tảng “BRICS Clear” để giải quyết giao dịch chứng khoán.
Tài liệu của Nga cũng kêu gọi sự liên lạc tốt hơn giữa các cơ quan xếp hạng tín dụng ở các quốc gia thành viên BRICS để đưa ra một phương pháp xếp hạng chung, nhưng không đề xuất thành lập một cơ quan xếp hạng tín dụng chung cho BRICS, một ý tưởng mà khối này đã thảo luận trước đó.
Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, cũng sẽ thúc đẩy việc thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, được một cơ quan định giá hỗ trợ, nhằm tạo ra một giải pháp thay thế cho các sàn giao dịch của phương Tây, nơi định giá quốc tế cho các mặt hàng nông sản.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Moskva sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn để các đề xuất của mình được thông qua bởi vì hầu hết các quốc gia thành viên BRICS đã chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn, chứ không phải bộ trưởng tài chính hay thống đốc ngân hàng trung ương tới tham dự cuộc họp trù bị vào tuần trước.
Chia sẻ về hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp diễn ra, Moskva cho biết, họ hy vọng sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo từ tất cả 9 quốc gia thành viên BRICS và khoảng 15 quốc gia khác mong muốn hợp tác với khối này, cũng như ngoại trưởng Ả Rập Saudi, quốc gia đã được mời gia nhập BRICS.
Phát biểu với các phóng viên vào tuần trước, trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov nhấn mạnh: “BRICS là một cấu trúc không thể phớt lờ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét