Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

GƯƠNG CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA - Thềm Sơn Hà


Các dẫn chứng về sự chiến đấu hữu hiệu bằng sự thông minh và lòng can đảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trên bốn Vùng Chiến thuật đã được Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn ghi nhận và báo cáo về Bộ Ngoại giao HK vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2-1975 .Các chiến tích can trường, oanh liệt của QL/VNCH trên 4 Vùng Chiến thuật xảy ra trong khoảng đầu năm 1975, nhưng vì sao chỉ khoảng hai tháng sau đó miền Nam sụp đỗ??? Lỗi do ai???
<!>
1.- Tái chiếm núi Mỏ Tàu
Trong khoảng từ 27 đến 30 tháng 9 năm 1974, lực lượng CS đã đánh bật các đơn vị phòng thủ VNCH ra khỏi khu vực núi Mõ Tàu trong một loạt các cuộc tấn công ngắn nhưng áp đảo.
Ngay sau đó CS thiết lập trạm quan sát để điều chỉnh tác xạ vào phi trường, kho tiếp liệu, trại huấn luyện và quốc lộ 1. Nhiều lần phi trường chánh yếu Phú Bài ngưng hoạt động vì bị CS pháo kích. Ngoài ra chúng cấp thời củng cố vị trí phòng thủ trong khu vực núi Mõ Tàu với quân số lên đến 4 tiểu đoàn.
Không để mất vị trí trọng yếu này, Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân đoàn I/VICT chỉ thị Sư đoàn I Bộ binh và Liên đoàn 15 Biệt động quân QL/VNCH soạn thảo kế hoạch tái chiếm khu vực.
Giai đoạn cuối cùng của cuộc hành quân đánh bật lực lượng cộng quân bắt đầu ngày 2 tháng 12 với sự phối hợp của pháo binh và phi cơ không kích.
Ngày 11 tháng 12, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54 Bộ binh chạm trán nhiều lần với đơn vị CQ ở khu vực sườn núi phía Tây Nam nhưng kết quả phiá ta chỉ có 1 hy sinh và 5 bị thương trong khi đó phía địch 22 tử thương.
Ngoài ra Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 54 không bị tổn thất nào khi càn quét vị trí địch trên đỉnh núi Mõ Tàu.
Cùng lúc, các đơn vị thuộc Liên đoàn 15 BĐQ tiến quân tấn công Mõ Tàu về hướng khác phải hứng chịu hàng loạt quả đạn từ súng cối 82 ly của địch.

Cuối cùng quân đội VNCH đã chiếm lại toàn thể khu vực núi Mõ Tàu ở hướng Nam thành phố Huế trong ngày 11 tháng 12.
Để kết luận, với kế hoạch soạn thảo cẩn thận, được yểm trợ bởi pháo binh và không quân, đặc biệt là sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Sư đoàn 1, QL/VNCH đã tái chiếm một mục tiêu quan trọng, tái lập an ninh cần thiết cho phép sân bay Phú Bài mở lại các hoạt động yểm trợ chiến thuật.
Sau khi tái chiếm, Tiểu đoàn BĐQ có trách nhiệm phòng thủ khu vực núi Mỏ Tàu đã phải chịu áp lực nặng nề của Cộng quân. Tuy nhiên họ đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu và quyết tâm đẩy lùi các cuộc tấn công của CSBV. Điển hình:
– lúc 16:00H ngày 07/01/1975, Cộng quân mở cuộc tấn công trên bộ Đại đội 3/TĐ 61 BĐQ đồng thời pháo kích 50 quả súng cối 82 ly ở vị trí cách Mỏ Tàu 2km về phía Đông Nam.
Sau cuộc đụng chạm khốc liệt có 4 BĐQ bị thương, phía Cộng quân có 25 chết, tịch thu 1 khẩu 82 ly, 1 đại bác 12,7 ly, 4 vũ khí cá nhân và 1 điện thoại Trung Cộng.
– lúc 15:40H ngày 12/01/1975, một đơn vị TĐ 61 BĐQ lại đụng độ với một lực lượng CQ quân số đông hơn ở cách Mỏ Tàu 3km hướng Đông Nam.
Kết quả 4 BĐQ bị thương. Phía CQ 13 người chết, tịch thu 2 B40, 1 M16 và 1 M79.

2.- Tái chiếm khu vực núi Bông

Ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1974, CQ mở các cuộc tấn công dữ dội bằng bộ binh, pháo binh và hỏa tiễn vàocác đơn vị Sư đoàn 1BB đóng trên địa bàn núi Bông. Cuối cùng, vùng đất cao này đã lọt vào tay CQ, ngay lập tức chúng bắt đầu sử dụng nó như là điểm quan sát nhìn xuống khu vực trọng yếu Phú Bài, bao gồm sân bay phục vụ Huế, và quốc lộ 1. Chúng đào hầm hố và bắt đầu dự trữ đạn dược và thực phẩm để thực hiện một cuộc phòng thủ lâu dài vị trí chiến lược này.
Nỗ lực chiếm lại núi Bông và các đỉnh lân cận trở nên cấp bách sau khi BĐQ đánh bật Cộng quân ra khỏi khu vực núi Mỏ Tàu.

Kế hoạch hành quân được soạn thảo trong một thời gian ngắn, các đơn vị SĐ1/BB tiến hành cuộc hành quân chậm, khó khăn và phải giảm thiểu sử dụng trọng pháo.
Ngày 15/01 các đơn vị Sư đoàn 1 bắt đầu tiến quân dưới cơn mưa lớn, thể hiện tinh thần chiến đấu vượt bực và một sự thi đua mạnh mẽ giữa các đơn vị trong việc đánh bật các đơn vị CQ ra khỏi lãnh thổ mà chúng đã chiếm giữ từ tháng 8 năm 1974.
Ngày 17 tháng 1, 1975 lực lượng của Sư đoàn I Bộ binh đã giành lại năm ngọn đỉnh đồi chiến lược có địa hình chi phối trong khu vực núi Bông phía Nam Huế.

Cuộc hành quân tiến hành như sau:

– Tái chiếm đồi 121 (tọa độ YD947017): từ 14:00H đến 23:00H ngày 15/01/1975 ở vị trí cách Núi Bông 2,5km phía Đông Nam thuộc tỉnh Thừa Thiên, trong khi mở cuộc hành quân Đại đội 3/TĐ1/Trung đoàn 1/SĐ1/BB gặp phải sự chống trả mãnh liệt của các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 7 /Trung đoàn 271/ SĐ 325/ CSBV. Chúng từ các hầm hố kiên cố bắn ra hơn 300 phát đạn súng cối 82 và 61 ly để yểm trợ đơn vị phòng thủ. Tuy nhiên các chiến sĩ SĐ 1 vẫn tiếp tục tấn công và cuối cùng đã chiếm lại đồi 121. Địa điểm này rất quan trọng vì có thể quan sát QL 1 nối liền Huế và Đà Nẵng.
Kết quả ta có 3 người chết, 7 bị thương. Địch quân 27 chết, 4 bị bắt sống (trong số này có 3 tên bị thương, sau đó chết).

Tiếp theo trong ngày 16 và 17, Đại đội 3 lại tiếp tục giành lấy chiến công đánh đuổi Cộng quân ra khỏi đồi 224 (tọa độ YD 929012), cách núi Bông 1,5 km.

Ngày 17, Đại đội 2 và 4/Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 1 chiếm lại vị trí ở tọa độ YD 926027 trong khu vực núi Bông và núi Nghệ nằm tọa độ YD 935023 cách núi Bông 1km về hướng Đông Nam.

Cũng trong ngày 17 tháng 1, Đại đội 1/Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 3 chiếm lại đồi 50 tọa độ YD 904021 nằm cách núi Bông 2,5 km về hướng Tây Nam.
Như vậy QL/VNCH đã dành lại quyền kiểm soát tất cả các đỉnh núi và đèo trong khu vực núi Bông và vùng tiếp cận sau khi CQ đã chiếm đóng trong chiến dịch Thu-Hè 1974.

Tài liệu CIA “Developments In Indochina” ngày 21/01/1975: “Mặc dù mưa tầm tả trong mùa gió ở các tỉnh cực Bắc Vùng ICT, các thành phần của Sư đoàn 1BB QL/VNCH đã đánh đuổi Trung đoàn độc lập 271CSBV ra khỏi các cao điểm chiến lược phía Nam Huế. Cộng sản chiếm các vị trí này trong giữa năm 1974 và đã sử dụng chúng để trực tiếp bắn đại bác và hỏa tiễn vào các mục tiêu chánh phủ dọc theo quốc lộ 1 phía Nam Huế, gồm luôn cả phi trường Phú Bài. Ngoài việc lấy lại lãnh thổ, SĐ1BB còn tịch thu số lượng lớn vũ khí, đạn dược và quân cụ và gây thương vong khá nặng nề cho lực lượng Cộng Sản, phần lớn do sự yểm trợ hữu hiệu của các cuộc pháo kích và không kích.”

Điểm đáng lưu ý trong sự thành công của cuộc hành quân này là việc soạn thảo kế hoạch cẩn thận dựa vào sự quan sát trên không và trên bộ để từ đó có thể xác định mục tiêu cho cuộc tấn công phối hợp.
Thêm vào đó là sự quyết tâm và lòng can đảm đã được thể hiện bởi các chiến sĩ bộ binh trong những lần đụng độ. Ngoài ra công trạng này cũng phải được tuyên dương cho các đơn vị pháo binh, điển hình trong một vài trường hợp họ đã di chuyển đến trong vòng 800m các điểm phòng thủ kiên cố của Cộng quân và đã góp phần đáng kể vào sự thành công của cuộc hành quân.

3.- Phục kích ở Quảng Nam

Đối phó với tin tình báo nhận được cho biết Cộng quân di chuyển xuống đồng bằng Quảng Nam để phổ biến kế hoạch hành quân, đêm 12 rạng ngày 13 tháng 1 năm 1975 Sư đoàn 3 tổ chức một toán phục kích gồm sáu người từ Đại đội 3 Trinh sát, trưởng toán là Thượng sĩ Phạm Hải, trên đường CQ xâm nhập cách 28 km về phía Nam Đà Nẵng.

Lúc 06:00 H ngày 13/01 một toán 60 cán bộ, chiến sĩ CSBV lọt vào khu vực phục kích, sau đó Thượng sĩ Hải nổ súng và pháo binh bắn yểm trợ. Quá bất ngờ, địch hốt hoảng tháo lui.
Kết quả được báo cáo là: 12 Cộng quân tử thương, 3 bị bắt sống. Vũ khí tịch thu gồm có 5 AK-47, 2 súng lục K-54, 1 súng tiểu liên M-63, 1 súng máy hạng nhẹ 30, một số tài liệu liên quan đến chiến dịch mùa khô.
Bên ta vô sự.

••• VÙNG 2 CHIẾN THUẬT

1.- Căn cứ Phù Cát

Tòa Đại sứ có nhiều dẫn chứng về các hoạt động hữu hiệu của QL/VNCH ở Vùng IICT, tuy nhiên có một thí dụ nổi bật và thích hợp nhất là trận chiến diễn ra ở căn cứ không quân Phù Cát ngày 17 tháng 5 năm 1974.

Thực tế là kết quả cuối cùng cuộc tấn công của Cộng sản đã thất bại, một tiểu đoàn và một thành phần của một đơn vị khác của Cộng quân đã hoàn toàn không còn khả năng tác chiến. Và kết quả có thể đã khác đi nếu không có hành động anh hùng được mô tả dưới đây.

Sáng sớm ngày 17 tháng 5, các thành phần của Trung đoàn 2/Sư đoàn 3 Bắc Việt mở đợt tấn công dữ dội vào căn cứ không quân Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định.

Cuộc tấn công nằm trong kế hoạch vô hiệu hóa căn cứ Phù Cát để quân cộng sản đánh vào các mục tiêu khác trong tỉnh mà không gặp phải sự can thiệp của Không quân VNCH.
Khởi đầu, có vẽ bất lợi cho miền Nam, bốn tiền đồn ở hướng Tây bảo vệ các cửa ngõ vào căn cứ Không quân Phù Cát do Nghĩa quân bảo vệ đã bị áp đảo và cuối cùng lực lượng cộng sản, dưới sự yểm trợ bằng súng cối và súng máy hạng nặng, đã thành công tiến chiếm đồi 151 chỉ cách phi đạo 1500 mét về phía Tây Bắc nhìn xuống toàn bộ căn cứ.

Lực lượng CQ mang theo súng cối không giật 82mm; vũ khí này rất chính xác có khả năng phá hủy tất cả các máy bay, đạn dược và nhiên liệu trong căn cứ. Nếu chúng có cơ hội sử dụng vũ khí này, phi cơ của KQVN tại căn cứ sẽ bị phá hủy và, có lẽ, không thể được sử dụng trong các phi vụ yểm trợ. Phi trường gần nhất ở Pleiku, cách đó khoảng 120 km.
Trong bốn ngày liên tiếp từ 17 đến 20 tháng 5, CQ đã bắn khoảng 40 hỏa tiễn vô phi trường Phù Cát. Kết quả có 12 chiến sĩ Không quân hy sinh, 32 người lính và 3 nhân viên dân sự bị thương,

Tại thời điểm này, Đại đội Trinh sát 108 Địa phương quân và các đơn vị trinh sát thuộc Tiểu đoàn 263 Địa phương quân hợp lực tấn công ngược lại CQ tại đồi 151 và đã đẩy lui chúng chiếm lại đồi này.
Chiến công này là một bước ngoặt trong trận chiến và từ thời điểm này lực lượng cộng sản ở trong thế bất
lợi vì phi cơ KQVN trở lại hoạt động bình thường yểm trợ các đơn vị bộ binh.

Ngày 20/5 thành phần thuộc Tiểu đoàn 43/Liên đoàn 4/BĐQ tiến quân từ Phù Mỹ đụng độ với Tiểu đoàn 3/Trung đoàn 2/SĐ 3 Cộng quân ở quận Bình Khê, phía Tây phi trường. Kết quả 150 CQ bỏ xác, tịch thu 2 đại liên 50, súng phòng không, hỏa tiễn và súng cối, hơn 40 vũ khí cá nhân và đủ loại đạn dược luôn cả hỏa tiễn. Thiệt hại về phía BĐQ được báo cáo vừa phải. (123741 ngày 22/05/1974 TĐS gởi BNG/HK)
Về sau, thỉnh thoảng CQ vẫn còn sử dụng hỏa tiễn phóng vô phi trường, tuy nhiên không chính xác.

Để kết luận, trong trận này Tiểu đoàn 2/TĐ2/Sư đoàn 3 của Bắc Việt đã bị tiêu diệt không còn khả năng chiến đấu, ngoài ra Tiểu đoàn 16 của chúng cũng chịu chung số phận.
Nếu Đại đội Trinh sát 108 Địa phương quân và các đơn vị trinh sát thuộc Tiểu đoàn 263 Địa phương quân không đảo ngược tình thế chiếm lại đồi 151, CQ đã có đủ thời gian để bố trí súng cối 82 ly, kết quả có thể sẽ khác hẵn.

2.- Thạnh An

Từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 16 tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 23 BB và Liên đoàn 25 BĐQ đã thực hiện cuộc hành quân với kết quả tốt đẹp, phá hỏng kế hoạch tấn công của địch ở vùng Thạnh An, Pleiku.
Cuộc hành quân đã được mở ra sau khi tin tức tình báo thu thập được cho thấy CQ có ý định mở trận đánh lớn vào quận lỵ Thạnh An trong tháng 12.
Chính Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh Quân đoàn II ra lệnh SĐ 23 phối hợp với LĐ 25/BĐQ mở cuộc hành quân càn quét khu vực lân cận quận lỵ Thạnh An.

Trong cuộc càn quét, dẫn đầu bởi Trung đoàn 45 và 53 có 239 CQ bỏ xác, 1 bị bắt sống, tịch thu 17 vũ khí hạng nặng, 63 vũ khí cá nhân, 2 điện thoại TC, số lượng lớn đạn dược và tài liệu. Bên ta 18 chiến sĩ hy sinh, 37 bị thương và 14 bị mất tích.
Hành quân càn quét này rõ ràng đã chặn trước cuộc tấn công dự trù của cộng sản vào Thạnh An. Quả nhiên, sau đó cộng sản không mở cuộc tấn công đáng kể nào vào tỉnh Pleiku.

3.- Trận chiến ở thung lũng An Lão.

Xem bài “SƯ ĐOÀN 22 BB và CHIẾN THẮNG AN LÃO MÙA XUÂN ẤT MÃO NĂM 1975″
Từ 24/07 đến 30/07/1974

4.- Trận Plei Me tháng 8 năm 1974.

Xem bài”CHIẾN THẮNG PLEI ME THÁNG 8 NĂM 1974″

••• VÙNG III CHIẾN THUẬT

1.– Phước Long

Mặc dù đã mất về tay Cộng Sản ngày 6 tháng 1 năm 1975 nhưng trận chiến tại Sông Bé, thị trấn tỉnh Phước Long đã thể hiện một thí dụ về sự dũng cảm đặc biệt của QL/VNCH.

Để chiếm Phước LongCộng Sản đã sử dụng một lực lượng thiết giáp hùng hậu với khoảng 35 chiến xa trong trận chiến này.

Tuy nhiên lực lượng phòng thủ địa phương, chính cá nhân họ đã dùng hỏa tiễn chống chiến xa M-22 tiến đến vị trí chỉ cách chiến xa địch đang di chuyển 10 mét hoặc vài chục mét.

Kết quả với lòng dũng cảm phi thường đã có ít nhất 17 chiến xa địch bị phá hủy.

2.- Chuẩn úy Huỳnh Đình Cẩm

Dưới đây là ví dụ điển hình về thành tích cá nhân xuất sắc của một người lính VNCH trong trận giao tranh gần đây ở Vùng III, đó là Chuẩn úy Huỳnh Đình Cẩm.

Chuẩn úy Cẩm, người vừa được thăng cấp thiếu úy và ân thưởng huy chương vì hành động dũng cảm đã giữ vững xã Phước Hội chống lại cuộc tấn công của CQ trong ba ngày.

Ngày 7/12/1974, Cẩm là phó xã trưởng Phước Hội, chỉ huy toán phòng thủ xã gồm nghĩa quân, cảnh sát quốc gia và cán bộ xây dựng nông thôn khoảng 30 người.

Một đơn vị CQ, ước tính cỡ tiểu đoàn tấn công xã. Cẩm và toán phòng thủ đẩy lùi cuộc tấn công, giết chết ít nhất 18 CQ và bắt giữ hai tù nhân, hai người này sau đó đã được xác định thuộc Trung đoàn độc lập nổi tiếng 101.

Trong bốn ngày đầu tiên, Cẩm gửi 15 người ra ngoài đồn để tuần tiễu và lấy lương thực. Ngày thứ năm (11 tháng 12), anh gửi tiếp 15 người để hợp lực với 15 người trước để tìm và tiêu diệt bộ chỉ huy tiểu đoàn CQ.

Trong ba ngày tiếp theo, Cẩm đã chống trả với năm lần tấn công của CQ, sử dụng súng cối, súng máy, súng trường, cũng như lựu đạn để chứng tỏ với CQ là đồn vẫn còn đầy đủ quân số. Cuối cùng Cẩm cảm thấy nhẹ nhõm vì các đơn vị Sư đoàn 25BB lúc 1700 giờ ngày 13 tháng 12 kéo đến tăng viện.

Trong suốt thời gian, ngoài quyết tâm cố thủ tiền đồn, Cẩm còn lưu tâm đến hai tù nhân của mình, họ được chia sẻ phần ăn và thuốc hút mặc dù tình trạng thực phẩm trong đồn rất khan hiếm trong những ngày sau cùng. Cẩm bắt buộc phải giết gia thú trong đồn (1 con chó, 1 con bồ câu và I con gà chọi) để nuôi sống bản thân, binh lính và các tù nhân của mình.

Tiểu sử Thiếu úy Huỳnh Đình Cẩm.

Sinh ngày 1 tháng 3 năm 1947 tại Quảng Nam. Nhập ngũ ngày 19 tháng 4 năm 1965.
Tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan đặc biệt tại Nha Trang năm 1971 với cấp bậc Chuẩn úy.
Thụ huấn lớp phó xã tại Vạn Kiếp. Tốt nghiệp được giao phó chức vụ phó xã Phước Hội ngày 1/4/1974.

3.- Trận Hoài Đức ở Bình Tuy.

Giao tranh bắt đầu với cuộc tấn công ngày 10 tháng 12 của CQ vào quận Tánh Linh thuộc Tiểu khu Bình Tuy.
Đồng thời chúng tấn công Hoài Đức, tuy nhiên CQ không đạt được mục tiêu vì phản ứng của QL/VNCH qua hai thành quả sau đây:

– Ngày 27 tháng 1, SĐ 18BB hoàn tất việc khắc phục tuyến đường 333 đến Hoài Đức. Vài ngày sau xe đò tái hoạt động trên đường giữa quốc lộ 1 và Hoài Đức.

– Ngày 4 tháng 2, QL/VNCH mở rộng cuộc tấn công của họ chiếm lại làng Võ Xu để tái khẳng định quyền kiểm soát của VNCH đối với quận Hoài Đức.
Thành công bảo vệ quận lỵ Hoài Đức và khôi phục tuyến đường 333, các đơn vị của SĐ18BB đã được triển khai chống lại hai trung đoàn CQ và một trung đoàn CQ khác gần đó tại Tánh Linh.


Diễn tiến trận chiến.

Mục tiêu của CSBV trong cuộc tấn công ngày 10 tháng 12 là giành quyền kiểm soát vựa lúa Hoài Đức/Tánh Linh. Khu vực này có ý nghĩa quan trọng không chỉ vì sản xuất khoảng 15.000 tấn gạo mỗi năm, mà còn là vị trí chiến lược giữa quốc lộ 20 và quốc lộ 1. Ngoài ra, một khi bị chiếm giữ, khu vực này sẽ rất khó tái chiếm vì Hoài Đức và Tánh Linh nằm ở cuối con đường hẹp duy nhất vào trong một thung lũng có địa hình đồi núi bao quanh. Chiếm vị trí chiến lược này sẽ kiểm soát khu vực chiến trường từ Phước Long đến cách bờ biển 40 km và sẽ tạo ra một mối đe dọa đối với việc tiếp tục sử dụng quốc lộ 20 và quốc lộ 1.

Sau khi chiếm Tánh Linh, lực lượng CSBV gồm Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 6 Quân khu 7 phối hợp với bộ đội địa phương bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc hành quân bằng cách tấn công quận Hoài Đức.

Điểm cần ghi nhận là Tiểu khu Bình Tuy vào thời điểm này không có quân đội chánh quy, chỉ có Địa phương quân và Nghĩa quân.

Cùng lúc CQ tấn công các vị trí của VNCH trên tỉnh lộ 333, con đường duy nhất từ Nam lên Bắc Bình Tuy, nối liền quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Trong bốn làng đông dân nhất quận Hoài Đức có hai làng Sùng Nhơn và Nghị Đức lọt vào tay quân Bắc Việt; Võ Xu bị tấn công dữ dội nhưng CQ không thể xuyên thủng hàng rào phòng thủ của lực lượng địa phương; và làng Võ Đắc, nơi đặt trụ sở của quận, đã bị bao vây bởi một trung đoàn CQ, chúng sử dụng đại bác pháo kích liên tục 3,300 quả đạn đủ loại và mở vài đợt tấn công vào quận lỵ Hoài Đức do lực lượng Địa phương quân (Chú thích: Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân do Đại Úy Lê Phi Ô chỉ huy) và Nghĩa quân trấn giữ.

Kết quả về phía QL/VNCH có 11 người chết và 45 người bị thương. Phía CQ có 23 người chết.
Một số đồng bào di tản về phía Bắc đến xã Phương Lâm bị CQ buộc phải đóng lệ phí 5000 đồng để vượt qua nhiều trạm kiểm soát. Dọc theo đường 333, các đơn vị của một trung đoàn CQ khác đã chiếm giữ ấp Chính Tâm và đấp bùn làm rào cản trên đường với mục đích ngăn cản các đơn vị VNCH từ Gia Ray đến tiếp viện lực lượng ĐPQ phòng thủ Võ Đắc đang bị bao vây.

Sau khi tổng thống Thiệu công khai tuyên bố sẽ giữ vững Hoài Đức, hai Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 43/SĐ18BB bắt đầu phản công, tiến vào khu vực từ quốc lộ 20 thuộc tỉnh Long Khánh phía Bắc sông La Ngà và Hoài Đức. Ngày 2 tháng 1, Tư lệnh SĐ18BB Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, sử dụng vài trực thăng UH-1 để không vận một tiểu đoàn của trung đoàn 43 qua sông, bay ngang trên vị trí của một lực lượng CQ đang án ngữ phía bên kia sông.

Tiểu đoàn này ngay sau đó tấn công CQ bao vây Hoài Đức từ phía sau, chọc thủng yếu điểm tiến vào Võ Đắc để hợp lực với lực lượng phòng thủ.
Trong một động thái bất ngờ, trung đoàn bố trí một khẩu đội 105 ly và bốn khẩu 155 ly phía Tây Bắc sông La Ngà, để cung cấp hỏa lực yểm trợ chính xác cho quân phòng thủ Võ Đắc. Không quân đã bay từ hai trăm đến ba trăm phi vụ trên không phận Hoài Đức cung cấp không yểm. Trong khi đó CQ vẫn tiếp tục bắn vào chi khu bằng đủ loại đại bác kể cả súng cối và súng không giật. Trong những lần chạm trán dữ dội, đôi khi cận chiến, lực lượng chánh quy và Địa phương quân đã hoàn toàn giải tỏa Võ Đắc và tái chiếm phi đạo.

Lực lượng CQ đã hứng chịu tổn thất nặng nề, có đến hơn 120 tên bỏ xác, lực lượng VNCH thiệt hại nhẹ.
Ngày 10 tháng 1, lực lượng CSBV rút lui khỏi Võ Đắc; ngày 12/02 trung đoàn CQ trên đường rút lui, khi đi ngang Võ Xu (nằm cách Võ Đắc 10 km về hướng Đông Bắc) bắn 50 quả đạn trọng pháo và tấn công đồn Võ Xu, toán Nghĩa quân cố thủ, cầm cự giữ vững vị trí.
Qua ngày hôm sau 13 tháng 1 chúng mở cuộc tấn công khác. Với lực lượng yếu ớt, toán Nghĩa quân phòng thủ đành phải rút lui, bỏ lại Võ Xu lọt vào tay CQ.

Sau khi đã củng cố phòng thủ Võ Đắc, các thành phần của Trung đoàn 43BB bắt đầu khai thông tỉnh lộ 333 từ phía Bắc mặc dù CQ kháng cự mạnh mẽ, trong khi Trung đoàn 52BB tiến lên từ phía Nam, tái chiếm ấp Chính Tâm ngày 12 tháng 1.

Tuần lễ từ 15-21 tháng 1, SĐ18BB phối hợp với ĐPQ tiếp tục củng cố vòng đai kiểm soát ở quận lỵ Hoài Đức và mở cuộc hành quân càn quyét CQ để tái lập lưu thông giữa Quốc lộ 1 và Hoài Đức, tuy nhiên đã gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Trung đoàn 33 CSBV.
Mặt trận Đông Bắc Hoài Đức, thành phần của Trung đoàn 43 BB đẩy lùi CQ dọc theo tỉnh lộ 334 gần Võ Xu.

Tuần lễ từ 22-28 tháng 1, bộ binh SĐ18 tiếp tục tiến quân dọc theo tỉnh lộ 333 và khu vực quận lỵ Hoài Đức. Trong một loạt đụng độ với CQ ở phía Nam Hoài Đức quân đội chánh phủ giết chết 49 tên và khám phá một số thùng đạn, phía VNCH có 7 người bị thương.

Mặc dù CQ tiếp tục kháng cự, từ nay QL/VNCH đã có khả năng bảo vệ an ninh tỉnh lộ 333.

Ngày 27 tháng 1, đường được sửa chửa lại những chỗ hư hỏng và xe đò bắt đầu chạy trở lại giữa Xuân Lộc và Võ Đắc.

Sau khi tỉnh lộ 333 được khai thông, trước áp lực nặng nề của Bộ binh và Địa phương quân, CQ rút khỏi Nghị Đức và Sùng Ngôn.

Ngày 4 tháng 2 các thành phần của ba tiểu đoàn Địa phương quân và một trung đoàn 43 Bộ binh, được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của không quân, đã tấn công các vị trí phòng thủ kiên cố của CQ và đã chiếm lại Võ Xu.
Cuối cùng QL/VNCH đã hoàn thành mỹ mãn cuộc hành quân giữ vững Hoài Đức.

Cần ghi nhận là Trung tá Nguyễn Văn Sĩ, người giữ chức vụ Tỉnh trưởng Bình Tuy từ ngày 7/02/1974 đã được Đại tá Trần Bá Thành Trung đoàn trưởng TTrung đoàn 48/SĐ18BB thay thế kể từ ngày 13/01/1975.
Lý do có lẽ vì Trung tá Sĩ để mất quận Tánh Linh và mối đe dọa trầm trọng của CQ ở Hoài Đức.

—- (LND: xin được bổ túc đoạn CSBV tấn công Tánh Linh của Colonel Le Gro ‘Vietnam From Cease Fire To Capitulation’)

Ngày 8 tháng 12 Trung đoàn 812 được sự yểm trợ bởi Tiểu đoàn 130 pháo binh, một tiểu đoàn đặc công và 3 tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị trực thuộc Quân khu 6 CSBV bắt đầu mở cuộc tấn công vào chi khu Tánh Linh, vị trí đại bác đặt trên đồi gần chi khu và một vài làng nằm giữa Tánh Linh và Võ Xu.
Ngày hôm sau CQ chiếm chi khu và vài làng lân cận, kiểm soát tỉnh lộ giữa Tánh Linh và Võ Xu, lấy 2 đại bác 155ly Howitzer.

Quân đoàn III ra lệnh SĐ18/BB cùng với Liên đoàn 7BĐQ mang quân từ Xuân Lộc đến tăng cường lực lượng địa phương ở Bình Tuy. Trên đường di chuyển tiểu đoàn 32/BĐQ lọt vào ổ phục kích đã được CQ chuẩn bị kỹ càng dọc theo tỉnh lộ 333, kết quả gánh chịu thương vong cao. Sau đó Tiểu đoàn 1 và 2 thuộc Trung đoàn 48/SĐ18BB kéo đến hợp lực phản công dọc theo đường 333 và đã đụng độ dữ dội với CQ ở khu vực Bắc Gia Rai. Những ngày tiếp theo Tiểu đoàn 85 BĐQ được gởi đến họp lực với 3 Tiểu đoàn đã có mặt từ trước cố gắng đẩy địch ngược về hướng Bắc đường 333. Tuy nhiên đơn vị BĐQ dẫn đầu vẫn không thể tiến qua khỏi Gia Huynh, cách Hoài Đức 16km về hướng Bắc vì Trung đoàn 33 CQ đã cố thủ kiên cố dọc theo con đường và được yểm trợ bởi đại bác và súng cối.

Ngày 17/12, xã Duy Cần nằm giữa Võ Xu và Tánh Linh bị Trung đoàn 812 CSBV tràn ngập, một số ít Đại đội 700 ĐPQ cố sức chạy về Tánh Linh.
Mặc dù Hoài Đức, Tánh Linh và hầu hết các tiền đồn vẫn còn trong tay lực lượng VNCH, nhưng Tướng Dư Quốc Đống Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho 4 Tiểu đoàn không được tiến quân quá Gia Huỳnh vì lúc này Tây Ninh và Phước Long đang chịu áp lực nặng nề của CQ, ông không muốn thấy họ bị cô lập và tàn sát. Trong khi đó CQ phá hủy cây cầu phía Nam Hoài Đức, chiếm Võ Xu và gia tăng cường độ tấn công Tánh Linh. Tiếp theo đợt pháo kích 3.000 viên đạn đủ loại vô Tánh Linh trong hai ngày 23 và 34 tháng 12, CQ mở 5 đợt tấn công liên tiếp, cuối cùng chúng tràn ngập các vị trí phòng thủ sau cùng và Tánh Linh thất thủ ngày 25/12/1974.)


••• VÙNG 4 CHIẾN THUẬT
Ba ví dụ gần đây trong Vùng 4/CT điển hình cho các thành tích đặc biệt của QL/VNCH.

1.- Tái phối trí lực lượng trong những ngày đầu của cao điểm tháng 12.

Khi trận chiến khốc liệt lần đầu tiên bộc phát ở vùng đồng bằng ngày 6/12, Cộng sản tập trung tấn công ở khu vực phía Nam nơi đặt cơ sở quân sự và dân sự chánh quyền VNCH, gây ra áp lực nặng nề kể từ khi ngừng bắn. Đồng thời, nguồn tin tình báo ám chỉ sư đoàn 5 CSBV, được huấn luyện và tái trang bị ở Cam Bốt trong vài tuần, đã di chuyển qua biên giới Miên-Việt trong các khu vực phần lớn không có người ở khu vực phía Bắc đồng bằng.

Bất chấp mối đe dọa cận kề ở phía Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, người vừa được bổ nhiệm một tháng trước đó, ngay lập tức tập trung sự chú ý vào mối đe dọa xa nhưng nghiêm trọng hơn nhiều ở phía Bắc.
Ông điều động hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 9BB đang được phối trí ở phía Nam di chuyển đến khu vực trách nhiệm chính yếu của họ dọc theo biên giới Campuchia.

Ngay sau đó, tỉnh lộ 29, tuyến đường bộ duy nhất đến tỉnh Kiến Tường bị cắt đứt trong thời gian dài.
Nếu Tướng Nam đã bị phân tâm bởi tình hình ở phía Nam, không phản ứng kịp thời trước mối đe dọa của Sư đoàn 5 CSBV, khi tình thế đòi hỏi sẽ rất tốn kém kinh phí và thời gian để không vận binh sĩ, trong khi khả năng của Không quân bị hạn chế vì viện trợ quân sự bị cắt giảm.

Qua sự hiện diện của SĐ9BB ở Kiến Tường, đến nay Sư đoàn 5 CSBVvẫn chưa thể đạt được mục tiêu mong muốn – thiết lập một cứ địa an toàn mà từ đó chúng có thể mở các cuộc tấn công vào quốc lộ 4 và các tuyến đường huyết mạch khác về Sài Gòn – thêm vào đó, một số các đơn vị CQ bị tổn thất nghiêm trọng khi họ chạm trán lính Sư đoàn 9 mới vừa đến vùng.

2.- Nghĩa Quân ở Kiến Tường

Đơn vị nhỏ và thấp nhất của lực lượng chiến đấu VNCH là các tiền đồn do Nghĩa quân và Địa phương quân trấn giữ; ở Vùng 4CT có tới hàng trăm tiền đồn. Là cái gai trước mắt, do vậy các tiền đồn này là mục tiêu chính yếu của CQ. Trách nhiệm phòng thủ là cách thức đo lường sự hiệu quả của các đơn vị này.
Thí dụ gần đây nhất tiêu biểu cho thành tích cực kỳ vẽ vang của lính trấn giữ tiền đồn xảy ra vào giữa tháng 1 năm 1975 khi tiền đồn hẻo lánh, ở một địa điểm xa xôi nằm ở cực Bắc tỉnh Kiến Tường do 15 Nghĩa quân trấn giữ bị CQ tấn công với lực lượng hùng hậu, nhưng đã bị toán Nghĩa quân kiên cường đẩy lui.

Kết quả 5 Nghĩa quân tử thương và một số người bị thương, về phía địch, toán Nghĩa quân không đủ người để quan sát trận địa, tuy nhiên phi cơ quan sát xác nhận khoảng 100 CQ bị giết chết; báo cáo từ người dân trong khu vực cho biết là con số thương vong của CQ có thể còn cao hơn.

Như vậy, kết quả từ một tiền đồn hẻo lánh nhỏ do Nghĩa quân trấn đóng nhưng với quyết tâm và sự dũng cảm đã trở thành một yếu tố quan trọng trong sự thành công của QL/VNCH chống lại cuộc tấn công của Sư đoàn 5 chánh quy CSBV tràn sang từ biên giới Cam bốt.


3.- Sư đoàn 21 Bộ binh và chiến thắngChương Thiện

Ở cấp Quân đoàn, một Trung đoàn của SĐ21BB (được xem như là Sư đoàn yếu nhất trong các Sư đoàn của QL/VNCH) đã giành chiến thắng lớn tại tỉnh Chương Thiện trong cuối tháng 12/1974, thành tích này đạt được là kết quả của sự áp dụng chiến thuật linh động và kỹ luật chặt chẽ của đơn vị.Ngay saulễ Giáng sinh, tin tình báo nhận được cho hay các đơn vị của Trung đoàn 95A và D-2 CSBV (Chú thích: Trung đoàn D-2 là đơn vị kỳ cựu của Việt Cộng hoạt động nhiều năm trong khu vực U Minh và Chương Thiện) tập trung vàomột khu vực mà họ thường không hoạt động.

Trung đoàn 33BB bắt đầu mở cuộc hành quân thanh toán chúng, tuy nhiên khi tới khu vực này lại không xảy ra cuộc đụng độ nào. Nhận ra rằng mình đã rơi vào bẫy, Tư lệnh Sư đoàn 21BB,Đại tá Mạch Văn Trường lập tức ra lệnh đoàn quân dừng lại trước khi tiến đến giới hạnyểm trợ hiệu lực của pháo binh và thiết giáp. Trong khi đó, ông ra lệnh một đơn vị thiết giáp di chuyển trên con đường quanh co đến vị trí ngay đàng sau lính bộ binh; quân CSBV hiển nhiên không phát giác ra sự hiện diện của đơn vị thiết giáp.

Khi Trung đoàn D-2 dàn quân vào vị trí chuẩn bị phục kích, chúng nhận ra là đã bị mắc kẹt giữa Trung đoàn 33 và đoàn chiến xa, và trở thành một mục tiêu tập trung lý tưởng cho các khẩu đại bác của pháo binh.

Tiếp theo đó một thành phần khác của Trung đoàn D-2 mắc phải sai lầm khi đoán là đơn vị thiết giáp sẽ trở lại tỉnh Vị Thanh án ngữ trong đêm, vì thế chúng dàn quân ở vị trí phía Bắc và bố trí trung đội pháo binh về phía Đông để từ đó chúng làm tiêu hao đoàn thiết giáp khi bắt đầu đụng trận.

Tuy nhiên thay vì lọt vào bẫy, đoàn thiết giáp đổi hướng chạy thẳng về hướng Đông nơi pháo đội của CQ đang bố trí thẳng tay thanh toán chúng.

Kết quả trong ba ngày giao tranh có 347 CQ bị giết.
Phân tích về sự thất bại của CQ cho thấy ý định của Trung đoàn D-2 là tiến quân dọc theo con kinh kế cận tỉnh lộ 31 để tấn công uy hiếp tỉnh lỵ Vị Thanh. Kế hoạch này của CQ đã bị phá vỡ và Trung đoàn D-2 không còn khả năng chiến đấu.

Thềm Sơn Hà

Không có nhận xét nào: