Có tiền mua tiên cũng được nhưng vào lúc này, tiền khó mua vàng cho dù đó vốn là của để dành thông dụng chuyên được mua đi bán lại… Giá vàng từ năm 2016 – 2018 khá ổn định nhưng sau đó lại tăng liên tục do ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế… Đọc tin báo mà chóng cả mặt, hoa cả mắt: “Giá vàng lập đỉnh điểm 61 triệu”, “Giá vàng tăng cao 77 triệu trong vòng mấy năm qua”, “Giá vàng lập kỷ lục mới 81 triệu”… Dự kiến sẽ còn tăng giá sau năm 2024 nếu tình hình kinh tế trên toàn thế giới vẫn bất ổn. Nhiều người thấy vàng cao quá, đành gửi đỡ tiền vào ngân hàng chờ cơ hội khi nào giảm nhiều thì đi mua, nay quay sang giữ đô la Mỹ.
<!>
Hồi đó mua bán nhà đất đều tính bằng lượng nhưng giá vàng chẳng những quá cao lại tăng nhanh, từ lúc đặt cọc đến khi chồng đủ tiền nhà, tính ra giá đã khác. Vay vàng làm ăn, mua nhà hay làm đám cưới, đám ma, mua xe… đến lúc trả đâm ra lên tăng-xông với giá vàng. Bán nhà trả nợ vàng hay làm mặt lì luôn đây?
Tiết kiệm mua vàng là thói quen chung của đa số nếu không buôn bán, không tích trữ hàng hóa, bất động sản… Thông thường các bà dành dụm cứ mua năm phân, một chỉ, hai chỉ… xỏ xâu hay khi đủ thì mang đi đổi thành “cây”.
Chị chủ sạp hàng tạp hóa trong chợ truyền kinh nghiệm “Ai chơi chứng khoán, cổ phiếu gì đó không biết. Chứ em cổ điển theo gương má có tiền bao nhiêu mua vàng hết cho chắc ăn”.
Thế nhưng có vàng cũng không biết cất giấu ở đâu cho chắc. Một cặp vợ chồng ở Quy Nhơn bị mất trộm vàng và tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Dù đang ở trong căn nhà kiên cố nhưng với ý nghĩ “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất” nên họ chia nhỏ và bỏ trong nhiều túi màu đen, quấn lại rồi cất giấu trong 2 phuy lúa trước hiên nhà, không có khóa. Lần cuối cùng khui ra kiểm tra cách đây 14 tháng nên giờ không rõ bị trộm lúc nào. Điều tra cuối cùng lòi ra thủ phạm chính cô con gái.
Chắc nhất là của đi sát theo người. Cô Xuân thủ thư ở trường học, đi làm với người đầy vàng: vòng tay, nhẫn, bông tai, dây chuyền….Khu nhà ở gia đình phức tạp, cô lại độc thân, không tin cậy ai nên không dám để gia tài ở nhà. Của cải cô mang hết trên mình cho yên tâm.
Có thời gian vàng gửi ngân hàng được chút lãi, sau không có lãi nữa mà còn phải trả “phí gửi ngân hàng” khoảng 10 ngàn/lượng/tháng. Cuối cùng ngân hàng không nhận vàng gửi nữa, trả hết về cho khách.
Mua vàng thì dễ nhưng bán lắm nỗi nhiêu khê bực mình. Nào là mua ở cửa hàng nào phải bán lại chính nơi đó, nếu đi chỗ khác bị chê bai đủ điều để bớt tiền, nào là tính luôn cái bao nylon vàng hơi bị cũ….
Trước kia, việc bán tiền Mỹ, Canada, Úc, Euro… dễ dàng. Gửi Mỹ kim vào ngân hàng cũng có được ít lãi nhưng nay lãi 0%, nghĩa là ngân hàng chỉ nhận giữ hộ thôi, đỡ một chút khi nhà không có két sắt chứ vàng, ngân hàng còn không thèm giữ dùm..
Ngoại tệ cũng nhiều cái khó khăn. Khi mang đô la ra ngân hàng, cửa hàng vàng hay cửa hàng thu đổi ngoại tệ, tờ tiền bị săm soi từng mi-li-mét vuông. Có nếp gấp, có lem tí mực, giấy mềm, mốc, sê-ri xưa… đều bị giảm giá. Tờ tiền phải mới toanh như vừa lấy trong nhà in ra, sắc cạnh thiếu điều cứa đứt da tay mới đươc thu vào đúng tỷ giá. Tờ tiền thời cũ không có sọc dọc xanh bị trừ mấy trăm ngàn hoặc bị từ chối không mua với lý do: “Tiền này chỉ xài trong nước Mỹ thôi”.
Dù sao vàng vẫn được ưa chuộng hơn. Đứng là tâm lý domino. Lúc giá vàng đứng hoặc giảm thì ai nấy thờ ơ chẳng buồn để ý nhưng khi rục rịch tăng giá thì thiên hạ ào ạt chen chúc đi mua. Trước cửa hàng vàng, mọi người sắp hàng rồng rắn từ sáng sớm, kiên nhẫn lấy tích-kê chờ vào nộp tiền.
Do giá vàng trong nước chênh lệch nhiều so với thế giới lại dễ ngụy trang vận chuyển nên có người lợi dụng mang vàng lậu từ nước lân cận vào biên giới các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh, Quảng Trị, Hà Tĩnh…
Thị trường vàng bị siết lại. Hồi tháng 3, nhiều tiệm vàng đã đóng cửa. Sắp tới, các doanh nghiệp kinh doanh vàng ở thành phố sẽ bị kiểm tra nguồn hàng nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh.
Nhân dịp tết nhất, khi một số thực phẩm khan hiếm, giá lên, thì hàng hóa sẽ được tung ra bán với giá cố định gọi là giá “bình ổn thị trường”.
Vàng cũng vậy. Giá tăng nhanh từng ngày ngoài vòng kiểm soát, chênh lệch cao so với quốc tế. Nhằm đưa giá vàng trong nước sát với thế giới nên có vài ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng “bình ổn” trực tiếp tới người dân. Theo đó, vàng miếng bán ra thị trường chênh 1 triệu đồng so với giá các ngân hàng này mua từ Ngân hàng Nhà nước và chỉ bán ra cho người dân chứ không mua vào. Một công ty khác đặc biệt được phép cả mua lẫn bán.
Sau ba tuần quá tải vì người xếp hàng trực tiếp mua đông quá, tất cả những nơi được bán vàng miếng đều chuyển qua phát số online.
Theo đó, khách hàng cần truy cập trang web của công ty, đăng ký mua vàng và nhập đầy đủ tin tức cá nhân, chọn địa điểm, số lượng. Mỗi người chỉ được mua tối đa 5 lượng. Khách đến đúng địa chỉ và thời gian. Nếu trễ thì cuộc hẹn bị hủy nhường chỗ cho khách khác. Gần đây giảm mỗi người chỉ được mua một lượng thôi. Dĩ nhiên xuất hiện ngay cảnh xếp hàng “mua hộ” hoặc một số người mua vàng “giá bình ổn” rồi sau đó bán lại cho người khác để hưởng chênh lệch.
Nơi nào không có giấy phép mà cứ mua bán vàng miếng là sẽ bị phạt ngay.
Cả nước hiện có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng Tuy nhiên, những nơi được cấp phép kinh doanh vàng miếng, mà không thuộc diện bán vàng “bình ổn” thì chỉ mua vào mà không bán vàng miếng ra với lý do “hết hàng”. Chỉ có một hai, nơi mới bán và mua lại
Cô My cần mua vàng trả nợ nên cô liên tiếp vào mạng đúng giờ quy định. Như ngân hàng A mở giớ bán lúc 12 giờ đêm, ngân hàng B bán 9 giờ sáng… nhưng 8 giờ 55 phút đã hết hàng. Cửa hàng nọ bán một ngày 3 lượng. Cô My đã mua được 1 lượng giá 87 triêu 550 ngàn đồng. Còn muốn mua thì ráng tìm xung quanh ai muốn bán thì mua lại
Chị Ngọc đang cần tìm mua gấp 5 lượng vàng nhưng trầy trật nhiều tuần qua vẫn chưa thể mua. Từ đầu tháng 8, chị liên tục canh đặt mua trực tuyến từ sáng sớm nhưng đều bị thông báo là hết lượng bán trong ngày. Sau đó, chị giải quyết vấn đề bằng cách tìm các hội nhóm trên mạng xã hội và quyết định mua lại một suất mua vàng với giá 200.000 đồng.
Mới đây, một số ngân hàng quốc doanh vừa điều chỉnh lại thứ tự giao nhận vàng miếng. Họ ra thông báo lùi thời gian giao hàng. Sau hai ngày làm việc kể từ lúc đăng ký và giao dịch thành công thì người mua mới được nhận vàng miếng.
“Dù đã đăng ký được suất mua vàng nhưng tôi vẫn phải mất tổng cộng ba, bốn ngày để xong việc mua và nhận vàng về tay”, chị Ngọc chia sẻ. Khách hàng này cho rằng việc mua vàng hiện nay không còn dễ như trước, không phải đơn giản cần có ngay hay “nay cần mai có”.
Tại các hội nhóm trên mạng, chị Ngọc cũng thấy nhiều tài khoản đăng bán giao dịch vàng miếng SJC với giá chỉ chênh từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng so với giá của các doanh nghiệp niêm yết nên ai cần kíp và không muốn mất công nhiều, vẫn có thể tìm đến những địa chỉ “chợ đen” này
Chị Thùy Dương cho biết cần mua 4 lượng vàng miếng SJC. Thế nhưng, nhiều ngày, chị vẫn không thể đặt mua vàng trực tuyến từ 4 ngân hàng quốc doanh cũng như từ Công ty SJC.
Thực tế, nhu cầu mua vàng trong nước vẫn rất cao. Lượt đăng ký ở các nơi chính thức lúc nào cũng kín chỗ chỉ sau ít phút đầu giờ. Đầu ngày hay có tình trạng báo lỗi hệ thống. Vì thế khách hàng khó ghi danh đặt mua vàng của các ngân hàng. Chỉ trong vòng vài phút sau khi mở cửa, hệ thống các ngân hàng đã kín chỗ, thông báo ngừng đặt trước. Mặc dù chịu khó rảo đi nhiều tiệm vàng lớn ở Hà Nội nhưng chị Dương cũng khó lùng mua được vàng miếng.
Vấn đề quan trọng là không biết mua vàng ở đâu. Do giá cả vốn không ổn định nên nguyên tắc trong vay mượn là vay vàng trả vàng, vay đô trả đô. “Người bạn cho vay vàng nên giờ cũng chỉ nhận vàng, tôi đau đầu không biết mua vàng miếng ở đâu. Có người khuyên nên ra cửa hàng vàng chờ người tới bán thì giao dịch bên ngoài. Cách này có thể làm được nhưng tôi sợ không đảm bảo vàng thật”, chị nói.
Trong khi việc mua bán vàng ở Công ty SJC và 4 ngân hàng cũng như tại các tiệm vàng chính thức khá trầm lắng thì trên các hội nhóm, mạng xã hội, vẫn có nhiều người rao mua bán vàng miếng số lượng lớn. Khó mà dẹp được khu chợ này!
Saigon cô nương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét