... Khi vợ chồng ông Nhân về định cư ở ngôi làng xa xôi này, dân làng không có phản ứng gì. Đó là 1 làng chài ven biển sát chân núi, xế trên thượng nguồn có 1 dòng sông lớn đổ ra biển. Cả đời dân làng chài đầu sóng ngọn gió dựa lưng vào núi vào biển để sống, nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá có đủ, họ toàn là những người chơn chất, nai lưng đối chọi với thiên nhiên để kiếm cái ăn. Những người lương thiện và chất phác nhưng dũng cảm đó sống với nhau rộng lượng và nghĩa tình, trong số đó đã nhiều người từng trải sóng gió của biển khơi và cũng từng đương đầu với cọp dữ.
<!>
Họ sống hồn nhiên và giản dị, hiếu khách và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Vì thế mà khi vợ chồng ông Nhân và 2 đứa con nhỏ một trai một gái đùm túm về đây, họ đã kéo nhau đến, tò mò hỏi han và tỏ ý giúp ông trong việc vào rừng đốn cây cất nhà. Nhưng rồi tất cả đàn ông – những người từng vào sinh ra tử – đều chờn chợn trước đôi mắt lạnh như băng của ông Nhân. Ông vẫn tươi cười cảm ơn họ nhưng từ chối tất cả mọi giúp đỡ. Miệng ông cười nhưng mắt không cười, cặp mắt lạnh băng lừ lừ của ông không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả. Cặp mắt của một người mà có lẽ trong quá khứ đã từng làm nhiều điều ác và không quen sống hòa thuận với người khác. Thằng con trai mười mấy tuổi mới lớn của ông – thằng Công – cũng có cách nhìn y như vậy. Con mắt của nó toát ra sự nghi ngờ, rất thiếu thiện chí và có vẻ ang ác. Dân làng kéo nhau ra về nhưng tất cả trong họ đều thấy có một cái gì đó rất không ổn về những người mới đến này. Không muốn giúp thì thôi. Nhưng sự tò mò của dân làng ngày càng lớn khi hơn nửa tháng sau, một căn nhà lợp cỏ tranh, rui kèo bằng những thân cây rừng bề thế đã được dựng lên. Sức một người và một thằng bé mới lớn không thể làm được chuyện đó trong thời gian ngắn như vậy.Họ ngạc nhiên bàn tán với nhau nhưng tới hỏi ông thì họ lại ngài ngại, cái vồng ngực nổi lên những múi thịt rắn chắc và hai cánh tay cuồn cuộn cơ bắp xăm rồng phượng, nhất là đôi mắt lạnh như mắt rắn của ông không hứa hẹn sự chân tình nào.
Ngôi làng đó ngay chân núi có một khu mả Chệt, nó đã có ở đó từ bao giờ cũng không ai biết. Các cụ cao niên ngày trước cho con cháu họ hay rằng đó là khu mả của bọn quân tướng Chệt ngày xưa bị đánh bại và ngay nơi này thuở xa xưa là chiến trường với vô số người chết. Các cụ ngày còn sống và ngay cả khi qua đời vẫn dặn dò con cháu nhang khói cho họ, thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, nó sang cướp nước mình thì mình cũng đánh bại nó rồi, giờ xác chúng nó nằm ở đây thì cũng nên thơm thảo với lũ chúng nó, người Việt bao đời nay vẫn thế. Những ngày rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm người làng vẫn nấu chén cơm quả trứng ra cúng bái, cái nhân cái nghĩa của con người chứ có phải là cầm thú đâu mà mang mãi thù hận trong lòng? Thế rồi sau đó không lâu, có nhiều đêm người xóm Chài nhìn thấy những đêm trăng ông Nhân dẫn thằng con ra đó luyện võ. Thằng con còn nhỏ nhưng chắc người, hai cánh tay cầm cây trường côn múa vun vút toàn những miếng hiểm hóc. Dân làng có nhiều người cũng am hiểu chút võ nghệ cứ ngây người ra nhìn, đường côn đi mãnh liệt như bão toàn những đòn sát thủ. Ông Nhân lờ đi, làm như không thấy họ. Ông chỉ im lặng đứng nhìn thằng con đang luyện võ, chốc chốc lại gằn một tiếng:
– Sai rồi. Mũi côn phải thấp một chút mới đâm đúng vào tử huyệt được.
Khi ông quay lại nhìn, tự dưng đám đông dân làng đâm ra chờn chợn rồi họ lặng lẽ lảng đi nơi khác. Cứ thế, gia đình ông Nhân không kết thân với ai mà cũng không ai giao du với ông. Những ngày mưa to gió lớn ông Nhân và thằng con lại ra biển, hai cha con ngụp lặn với sóng dữ cho đến tối mịt mới trở về. Vợ của ông Nhân và con bé gái thì tối ngày ru rú trong nhà không nghe tiếng nói.
Có một lần nhà ông Nhân có khách và đó cũng là lần mà dân làng hiểu thêm về ông đôi chút. Một bọn non chục người không biết từ đâu đến thăm ông, chỉ nhìn thoáng qua cũng biết không hiền lành tử tế gì, ở họ toát ra một vẻ gì của những con người quen với phong sương, quen kiểu sống đầu sóng ngọn gió. Thế nhưng tất cả đều tỏ ra kính nể ông Nhân dù có người lực lưỡng hơn ông và cao hơn ông cả cái đầu. Buổi chiều hôm đó khi cơm no rượu say, có một người trong bọn ra ngoài thăm khu xóm Chài. Không biết có chuyện gì xích mích mà có một gia đình trong làng Chài kéo nhau cả 4 anh em ra đòi ăn thua đủ với người khách của ông Nhân. Cả bọn hùng hổ vây người lạ vào giữa và cuộc ẩu đả coi bộ khó tránh. Người khách lạ thản nhiên cười nhạt đứng giữa vòng vây, khoanh tay trước ngực thách thức cho đến khi có người chạy đến báo cho ông Nhân biết. Ông thong thả đi ra nơi đám đông đang chuẩn bị đánh nhau. Ông điềm đạm cất tiếng nói với người khách của mình:
– Này. Thôi đi!
Rồi ông quay lưng ra về. Vẻ hung dữ của nguời khách lạ biến mất, y vội vã theo chân ông Nhân như con chó cụp đuôi theo chủ khi bị mắng. Đám đông dân làng cũng tưng hửng quay về. Và họ lại xầm xì bàn tán với nhau về ông Nhân, về lai lịch con người bí ẩn này. Ngày hôm sau thì đám khách đã kéo nhau đi, cũng đột ngột và lặng lẽ như lúc họ đến. Vẫn không ai biết thêm gì về họ cho đến ngày thằng Công con ông Nhân đột nhiên mất tích. Trước đó khá lâu, dân làng đã thấy thằng Công suốt ngày ở trong khu mả Chệt. Lúc thì nó luyện võ, lúc lại xì xụp khấn vái cả ngày, lại có đêm nó thắp đuốc ngồi một mình ở đó. Chẳng ai hiểu có mối liên quan nào giữa nó và những cái xác chết của bọn giặc đã chết từ cả hàng trăm năm trước. Nó như người điên, suốt ngày lang thang ngoài khu mả Chệt kéo dài đến tận chân núi, trên nữa là rừng già trải dài bất tận về phương Bắc. Nó thì thầm xì xụp với hết ngôi mộ này lại đến khu mộ khác, khi có những người dân làng nào đi săn về tình cờ nhìn thấy là mắt nó lại long sòng sọc nhìn họ, cái nhìn dài dại, hung dữ như loài ác thú tình cờ bắt gặp con người giữa rừng già. Toán thợ săn lặng lẽ bỏ đi vì cũng chẳng ai muốn dây vào cái gia đình quái đản này. Nhiều ngày sau khi thằng Công bỏ đi mất tích vào rừng, lần đầu tiên người ta thấy ông Nhân như có vẻ đổi khác. Ông đã nhiều ngày một mình đeo dao lặn lội vào rừng tìm thằng Công nhưng núi rừng mù mịt biết đâu mà tìm? Khi ông thất thểu quay về, người làng cám cảnh đến hỏi thăm ông và ngỏ ý muốn giúp đỡ cho ông. Và đó cũng là lần đầu tiên họ thấy ông đã đổi khác, một ông già sắc diện thất thần, tiều tụy. Ông lễ phép cảm ơn những người dân làng Chài tốt bụng khi đứng lên tiễn họ ra về:
– Tôi xin cảm ơn các ông nhưng các ông không giúp gì được tôi đâu!
Rồi ông hạ giọng:
– Quả báo... quả báo cả!
Ông lẩm bẩm như ông đang nói với chính mình. Nhiều năm lặng lẽ trôi qua nhưng thằng Công con ông Nhân vẫn biệt vô âm tín. Ông Nhân có khi bỏ cả tháng vào rừng tìm con nhưng lại về không. Trong xóm Chài, cuộc sống vẫn êm đềm trôi qua. Ông Nhân vẫn sống chừng mực, gặp ai cũng ân cần chào hỏi nhưng thân tình thì tuyệt đối không. Trong xóm có đám ma thì ông đến, ân cần thăm hỏi và ngày đưa đám thì ông đi theo, thắp cho người chết một nén nhang rồi lại quay về. Nhưng đám cưới thì không. Ông đến chúc mừng gia chủ, trao một món tiền mừng hậu hĩnh nhưng ở lại chè chén thì không bao giờ. Gần đây lại thấy ông lang thang nhiều ngày trong khu mả Chệt, săm soi từng tấm bia, từng viên gạch như tìm một điều gì đó, nét mặt lúc nào cũng ưu uất. Mấy hôm nay dân làng Chài lo âu xôn xao bàn tán về sự mất tích của cha con ông An. Trước đó gần tuần lễ hai cha con ông An chuẩn bị gạo mắm, dao mác để đi rừng. Theo lời họ hàng của ông kể lại thì ông đã tìm được một thân trầm lớn và trở về gọi con đi theo để mang về nhưng ông trễ hẹn đã mấy hôm. Vợ con ông nóng ruột gọi trai tráng trong xóm Chài vào rừng tìm hai cha con. Tình làng nghĩa xóm, họ vâng lời bà vào rừng tìm ông dẫu họ tin rằng một người như ông An, 1 người đi rừng lâu năm,võ nghệ đầy mình, đến con heo độc* đánh nhau với ông còn phải bỏ chạy, dễ gì thú dữ hại ông được? Cả đoàn trai tráng mang dao mác vào rừng như đi chơi, họ nghĩ rằng cha con ông sẽ ngược chiều gặp họ trên đường trở về xóm Chài. Đến một cái trảng lớn cây cối thưa thớt họ bỗng nghe mùi thối xộc vào mũi. Cả đoàn người thận trọng dò dẫm từng bước tiến lên và kinh hoàng phát hiện ra xác chết của cả hai cha con. Ông An nằm ngửa, mặt hướng lên trời, giữa ngực có một vết thủng sâu hoắm dưới xương ức, vết thương trên ngực là một lổ thủng tròn lớn như bị một vật giống như một cành cây đâm vào bằng một lực rất mạnh. Xác con ông nằm sấp gần đó, xương cổ gãy đôi. Chung quanh không có dấu máu trừ chổ vạt cỏ nơi ông An nằm, máu thấm ướt qua lớp áo chảy tràn xuống cỏ từ vết thương trên ngực nơi xác ông nằm. Ông mở mắt trừng trừng nhìn trời như có vẻ kinh ngạc tột độ trước khi chết. Dao mác của hai cha con rơi gần hai cái xác nhưng các bịch lương thực mang theo mất sạch. Đoàn người đi tìm cho người về làng chài báo tin, cắt cử người canh gác và qua đêm trong rừng. Hôm đó là một đêm trăng tròn, giữa khuya họ nghe tiếng hú rợn người từ trong rừng sâu vọng lại. Tiếng hú mơ hồ giữa khuya trong đêm rừng nghe nửa như tiếng người nửa như tiếng thú. Người lớn tuổi nhất trong bọn họ ghé tai người khác thì thầm: “Con Xà Niên! Con Xà Niên!” (**). Cả bọn chong trắng mắt tới sáng rồi đẵn cây làm thành hai cái cáng khiêng xác hai cha con ông An về làng. Đêm đó cũng không ai ngủ được. Khi tắm rửa cho cái xác của ông An, họ đã thấy rõ vết thương trí mạng dưới xương ức ông có hình tròn, lổ thủng xuyên suốt vào bên trong đến gần xương sống. Con vật gì mà có thể gây ra một vết thương như vậy? Xác con ông cũng thế, xương cổ gãy đôi như có một lực rất mạnh đánh vào. Không có vết cắn, cũng không có dấu cào cấu nào do thú dữ gây ra và rất ít máu. Trăn rừng thì không thể. Quấn được mồi, chúng chỉ siết chặt cho đến chết rồi nuốt chửng. Beo hay cọp thì chúng đã tha đi mất xác. Cũng không phải là heo độc. Vết nanh do heo độc gây ra phải thấp hơn và không bao giờ chúng chỉ húc nạn nhân một lần. Vậy thì con vật nào đã gây ra những cái chết này? Rồi gạo mắm hai người mang theo mất đi đâu? Khi họ đang bàn tán cùng nhau thì ông Nhân bước vào. Ông cúi chào mọi người rồi bước lại gần hai xác chết còn chưa kịp tẩm liệm. Khi đang cúi người xem xét vết thương trên hai cái xác đột nhiên ông lùi lại, kêu Trời một tiếng rồi sắc mặt trắng bệch hẳn đi. Ông cứ thế lùi mãi ra cửa như chạy trốn rồi lảo đảo một mạch trở về. Dân xóm Chài không thấy mặt ông trong ngày đưa hai cha con ra nghĩa địa. Họ chôn xác hai người chết nơi khác vì người Việt làm sao mà nằm trong khu mả Chệt cho được?
Nhiều ngày sau lại có một chuyện động trời khác. Một chiếc ghe chài ra khơi dài ngày, một đêm tối trời bỗng dưng có một con quái lông lá bù xù không rõ hình dạng bỗng từ dưới biển xốc lên, quắp lấy ông Nam là chủ chiếc ghe chài rồi lao xuống biển mất tích. Cái xác ông Nam sau khi được tìm thấy không có dấu vết gì, người bị con vật lông lá lôi xuống biển chết vì đuối nước. Người chết là người đi biển hàng chục năm nay, bơi lội như rái dễ gì rớt xuống biển mà chết được? Bên hông ông Nam lưỡi dao nhọn mang theo đã mất, chỉ còn lại cái bao bằng da thú rừng. Khi đưa xác về, cả làng Chài co cụm lại hoang mang lo sợ như có giặc. Kiếm ăn trên rừng không yên, xuống biển cũng chết làm sao mà sống? Khu mả Chệt dạo này nhiều đêm bỗng có tiếng hú rợn người vọng về, tiếng hú giống y như tiếng hú mà đám thợ rừng đã nghe giữa đêm khuya trong lần vào rừng tìm hai cha con ông An. Cả tháng nay không ai thấy mặt ông Nhân, có lẽ ông đã lại vào rừng tìm thằng con mất tích. Cuộc sống bình dị của làng Chài không còn yên ổn nữa từ ngày cha con thằng Công về đây, từ ngày nó ra ăn dầm nằm dề ngoài khu mả Chệt rồi mất tích trên rừng là cái làng nhỏ bé này liên tiếp xảy ra thảm họa. Mới hôm kia thôi, căn lều của hai mẹ con bà Năm gần khu mả Chệt bỗng dưng phát hỏa, may mà hai mẹ con chạy thoát được. Bà mẹ kể lại rằng nửa đêm bỗng nghe tiếng hú, tiếng cười sằng sặc hoang dại rồi cả căn nhà bỗng dưng phát cháy rừng rực. Bà chỉ kịp lôi đứa con gái nhỏ rồi chạy một mạch về làng, tiếng hú rợn người cứ đuổi theo sau lưng. Từ đó, bà con trong xóm Chài giúp bà làm một cái chòi lá nhỏ để ở vì bà không dám ở xa một mình như trước.
Vào một buổi chiều mặt trời đỏ rực sắp lặn trên ngọn những bóng cây rừng xa vươn lên bầu trời, người trong xóm Chài thấy ông Nhân trở về, một tay cầm cây mác, tay kia cầm một thanh dây mây già buộc vào cổ một con quái vật nửa người nửa thú trở về. Con vật như bị thương, khập khiễng vừa đi vừa bò theo chân ông. Gần đến làng bỗng dưng con vật lồng lên, quay đầu chạy về phía rừng. Ông Nhân quát lên một tiếng dữ dội, tay vẫn lăm lăm ngọn mác: “Nghe!”
Tay ông giật mạnh sợi dây mây rừng, con vật văng bắn trở lại. Con quái lông lá nhũn người theo ông về nhà. Khi ông Nhân lấy ra một sợi xích sắt xích chân con vật vào một cây cột to tướng trong nhà gần bàn thờ, con vật bỗng vùng lên, vung mười ngón tay chụp vào mặt ông. Ông Nhân khoát cánh tay trái nửa vòng tránh cú chụp chết người, tay phải hất một cái, cú hất nương tình vừa đủ để con quái ngã ngửa ra sau. Ông lại quát lên một tiếng đanh như tiếng súng: “Nghe!”
Người trong xóm Chài xúm đen xúm đỏ chen chúc nhau đến xem, ai cũng ngờ ngợ cho rằng đó là con xà niên, một loại nửa người nửa thú mà từ cả trăm năm nay không còn nghe ai nói tới. Khi ông Nhân quay lại, lời nói vẫn lễ độ nhưng cái ánh mắt lại lạnh như thép y như ngày ông mới đến:
– Xin các ông bà về cho. Chuyện của tôi, hãy để cho tôi tính.
Mà đúng là chuyện của ông thật, mấy ngày sau khi có người đi ngang qua nhà ông, họ đã nhìn thấy con xà niên sau khi được ông Nhân cắt bỏ lớp lông lá đã hiện ra một khuôn mặt người nhưng cũng không còn là người. Thằng Công!
******
Vậy là từ hơn 10 năm nay, vì một lý do bí ẩn nào đó không ai biết – kể cả ông Nhân – thằng Công vẫn còn sống trong rừng. Nó sống bằng cách nào thì không ai biết nhưng nó đã dần dần thích ứng với cuộc sống mới. Lông lá mọc đầy trên người, nó sùi bọt mép ra khi nhìn thấy người lạ, dùng tay bốc thức ăn bỏ vào miệng như loài dã nhân. Thỉnh thoảng ông Nhân vào rừng săn thú, lúc ông về lủng lẳng con mang con chồn trên vai thì thằng Công như phát cuồng. Nó phóng vút người vồ lấy con thú còn dính đầy máu tươi trên vai ông rồi với một cú xé mãnh liệt, nó đã xé con vật ra làm hai rồi ngốn ngấu những mảng thịt tươi đầy máu. Ông Nhân tuyệt vọng nhìn thằng con. Nó không còn là người, là con của ông nữa. Nó là người rừng, nó phải thuộc về rừng. Loài người không phải là đồng loại của nó. Sợi xích sắt to và nặng buộc nó vào cái cột gỗ rừng kiên cố trong nhà và với bản năng của một con thú, nó biết rằng nó đang bị khuất phục bởi một con vật mạnh hơn nó: Ông Nhân. Lờ mờ trong ký ức còn sót lại, nó hiểu rằng người đàn ông vạm vỡ kia có gì đó liên quan đến nó và chắc chắn mạnh hơn nó. Nó tin rằng ông là người duy nhất sẽ không làm hại đến nó. Nhưng nó nhớ rừng. Hễ cứ những đêm trăng tròn là nó lại lết ra cửa, ngồi nhìn trăng rồi hú lên những tiếng thảm thiết. Nó nhớ rừng, nhớ sự hoang vu bí ẩn trong cánh rừng đại ngàn đầy thú dữ phía xa, nhớ những lần đi săn mồi, nhớ mùi máu tươi của những con vật mà nó đã giết để sống. Dân xóm Chài giờ đã biết nó chính là con vật kỳ lạ có tiếng hú lanh lảnh rợn người trong rừng đêm. Ông Nhân già đi thấy rõ. Trong lòng ông chất chứa một điều bí mật khủng khiếp mà chẳng ai hay. Ông sinh đẻ ra nó, thả nó về rừng thì lòng ông không nỡ mà mối nguy hiểm thực sự khi nó lại trở về rừng mới là mối lo tâm huyết của ông. Mà để nó trong nhà thì cũng không ổn, tiếng hú kinh hoàng của nó vào những đêm trăng tròn làm những người dân xóm Chài hiền lành mất ăn mất ngủ. Họ sợ. Nó mà xổng ra thì ai trị được nó? Ai biết nó sẽ làm những gì? Vợ con ông Nhân thì như người chết rồi, bà già chúi trong nhà, không dám nhìn mặt ai, con em gái của thằng Công cũng vậy. Cái tai họa ập đến cho gia đình ông lớn quá, kinh khủng quá, kỳ dị quá. Dân xóm Chài dạo này đâm ra thương hại ông, nhiều ông già trong xóm đánh bạo lân la đến trò chuyện với ông, người bày món lá rừng này, người chỉ món thuốc kia chữa trị cho thằng Công. Ông Nhân là ai, từ đâu đến, lai lịch ra sao chẳng ai biết. Nhưng rất rõ ông là người hiền lành, ăn nói chừng mực dù hoàn toàn không thân thiện. Với họ như thế cũng đủ rồi. Tính tình họ chất phác, chín bỏ làm mười, bao đời nay vẫn vậy. Họ thương ông và muốn giúp đỡ cho ông nhưng cũng bất lực. Ngày ngày, con xà niên – thằng Công – vẫn ủ rũ ngồi đó. Đôi lúc lên cơn nó vồ xé cả ông Nhân. Ông chỉ tránh những cú vồ của nó rồi quát lên một tiếng là nó lại chạy trốn ra sau chiếc cột. Nó sợ ông.
Một ngày khi ông Nhân đi rừng, đang lần dò theo dấu một con thú lớn thì có hai cậu trai làng hào hễn thở chạy đến tìm ông. Họ cho ông hay rằng thằng Công đã sổng dây xích, đã phá tan hoang nhà cửa và hình như vợ và con gái ông đã chết. Ông Nhân điếng người, băng rừng lao về. Từ xa ông đã nhìn thấy dân làng lăm lăm gậy gộc dao mác đang vây lấy nhà ông nhưng chẳng ai dám xông vào. Phía trong nhà ông là thằng Công, trên tay nó cầm cây côn của ông bằng một gốc mây già đã lên nước bóng loáng đang chân trước chân sau đứng gườm gườm thủ thế. Bàn thờ ông bà, bài vị và bát nhang trên bàn thờ rơi xuống đổ vỡ tan tành, giữa đống trái cây thờ cúng đầy những dấu răng gặm nham nhở. Xác bà vợ ông ngồi dựa đầu vào một thân cột gỗ gần bàn thờ nơi sợi xích thằng Công nằm lăn lóc, từ miệng bà một dòng máu tươi chảy xuống ướt áo. Ông Nhân gầm lên một tiếng nhảy vào, vung tay chộp lấy thanh tre đực vẫn dùng để gài cửa mỗi đêm. Thằng Công lùi lại một bước rồi chờn vờn nhìn thẳng vào mặt ông. Nó không còn là con ông nữa rồi. Nó là một con ác thú và bây giờ, ngay ở đây là một trận chiến sinh tử. Ông dạy võ cho nó từ nhỏ nên nó chỉ nhích chân là ông đã biết nó sẽ ra đòn như thế nào. Nhưng từ ngày nó vào ở trong khu mả Chệt, không biết vì sao, học ở đâu mà nó có những thế võ rất lạ. Ông hỏi thì nó ậm ừ không nói.Bây giờ thì hai cha con, một người một thú đấu với nhau một trận cuối cùng. Ông sống thì nó phải chết và ngược lại. Rất nhanh, ông Nhân hiểu ngay cái trách nhiệm mà ông có bổn phận phải gánh vác. Ông đã đưa nó về đây, về ngôi làng hiền hòa yên ả này và nó đã gây ra những cái chết mà chỉ có mình ông biết. Bây giờ thì nó đập phá bàn thờ nhà ông tan tành. Nó đã giết chính mẹ đẻ ra nó. Xác em gái nó treo lửng lơ trên xà nhà sau dưới một sợi dây thừng, nửa thân trên gần như trần truồng, chiếc áo đang mặc bị xé tan nát đang mở mắt trừng trừng. Vụt một cái, ông Nhân hiểu hết sự việc. Không biết bằng cách nào đó nó đã vuột khỏi sợi xích. Nó nhảy lên bàn thờ, hất văng những thứ trên đó xuống và lúc nó đang ngấu nghiến những thứ trái cây trên đó thì Mẹ và em gái nó chạy ra. Chắn chắn nó đã lao xuống, đẩy bắn bà vào thân cột và bà chết vì vỡ sọ. Rồi khi nhìn thấy em gái nó, – một con cái trong mắt nó – thì nó lao vào đè nghiến cô xuống. Cô đã vùng vẫy chống cự lại nhưng làm sao mà chống được? Rồi khi đã thỏa mãn thú tính, nó lại quay về với đống trái cây trên bàn thờ rơi xuống. Có lẽ dân làng thấy động đã chạy đến đúng vào lúc đó. Cô gái nhục nhã, uất ức và xấu hổ, chỉ kịp mặc lại cái quần đã chạy vào treo cổ lên xà nhà.
Ông Nhân quát lên một tiếng, mắt đỏ ngầu: “Buông!”
Thằng Công đã nhìn thấy ông bước vào. Nó nghiêng người, vụt vào đỉnh đầu ông Nhân một ngọn côn sấm sét. Nhanh như chớp, ông lạng người về bên trái một bước. Ngọn côn xé gió vút ngang qua vai ông. Khi đầu ngọn côn đập vào nền gạch một tiếng chát chúa thì ông đảo người, chân phải đạp lên thân côn bằng mây dẻo lấy đà, ông bung chân trái tạt ngang một cú đá như trời giáng vào cổ thằng Công. Nó lảo đảo lùi lại rồi hộc lên một tiếng, ngọn côn từ bên mé trái vụt thẳng vào mặt ông. Ông Nhân cúi người xuống tránh rồi tay phải bật vút lên, tay trái vẫn giữ đầu cây tre gài cửa trả đòn. Dân xóm Chài lớp trong lớp ngoài đứng xem trận quyết đấu giữa hai cha con, một người một thú. Họ không dám vào giúp ông vì biết chỉ làm ông vướng tay vướng chân. Mà họ cũng đã từng nhìn thấy thằng Công luyện võ, cỡ như họ cũng chẳng ăn thua gì. Hai người càng say đòn, càng lúc càng ra giữa sân. Hôm đó là một đêm trăng tròn. Trong đời những người dân xóm Chài, họ chưa từng thấy một trận đấu nào như vậy, chưa từng chứng kiến một điều gì như vậy. Một trận đấu sống chết giữa người và thú nhưng lại là hai cha con.
Ông Nhân hình như đã đuối sức. Thằng Công càng đánh càng hăng, nó đang sức trai, lại nhiều năm sống trong rừng già. Nó phải giết để sống. Nó đã sống trong rừng già nhiều năm, từng vượt thác băng ghềnh mỗi ngày nên nó có cái dẻo dai của một con thú dữ. Võ nghệ ông Nhân đã dạy cho nó giúp nó sống được giữa rừng già. Và bây giờ, sau những điều kinh thiên nghịch địa mà nó đã gây ra, nó lại dùng chính những ngón võ ông dạy để giết ông. Nó không còn là người, nó không phải là con ông Nhân, lại càng không phải là cư dân của cái xóm Chài hiền lành này. Nó đã chứng minh cái bản năng thú dữ của nó. Bản năng của nó là giết, là đốt, là phá. Ông Nhân càng lúc càng càng lui về phía sau. Cái thanh tre cài cửa ông cầm trên tay như càng lúc càng chậm. Thằng Công hộc lên một tiếng, mũi côn hướng về phía ngực ông Nhân đâm thẳng tới một đòn sấm sét. Ông Nhân cũng bước lên một bước, mũi cây tre gài cửa cũng hướng thẳng về phía ngực thằng Cộng. Đột nhiên ông nghiêng người một chút, thanh trường côn của thằng Cộng sượt qua da xé rách toang cái áo bằng da thú để đi rừng ông đang mặc nhưng thanh tre ngắn hơn nhiều của ông đang run run trên tay đã đâm vỡ xương ức của thằng Công. Nó rú lên một tiếng rồi ngã vật ra đất, một vòi máu vọt thẳng lên trời rồi nằm lịm đi.
Ngay trong đêm hôm đó, bà con ở khu xóm Chài đã chung tay lo hậu sự cho vợ con ông Nhân. Thằng Công bị một đòn chết người từ chính tay cha mình được ông Nhân bế vào buồng mẹ nó, không biết còn sống hay đã chết.
Sau ngày chôn cất vợ và con gái, mấy hôm sau ông Nhân làm một tiệc rượu mời các vị cao niên và các gia đình trai tráng trong khu xóm Chài đến dự. Ông ăn mặc gọn ghẽ như sắp đi xa, con dao đi rừng dắt bên hông. Sau khi các người tham dự tiệc rượu đã an vị, ông Nhân bước ra, cung kính cúi người vái chào. Ông Nhân cất tiếng, giọng ông như lạc hẳn đi, đôi mắt đỏ ngầu vì đau thương và vì nhiều đêm không ngủ như từ cõi nào vọng về:
– Tôi xin cung kính cảm ơn các ông bà đã vì tôi mà chịu thiệt thòi cho đến hôm nay. Tôi cũng xin cúi đầu cảm ơn các ông bà đã giúp tôi lo cho chuyện tang lễ của vợ con tôi. Tôi cũng xin các ông bà muốn xử tôi thế nào cũng được qua những việc tày trời mà thằng Công đã làm. Khi đưa xác cha con ông An chết trong rừng về, nhìn vết thương của hai người tôi đã biết là do chính thằng Công gây ra. Đó là một thế đánh rất hiểm độc, chỉ xử dụng khi chính bản thân người ra đòn đang gặp hung hiểm. Tôi cho rằng vì ông An cũng là người giỏi võ nên thằng Công phải ra đòn này, ngón đòn sinh tử do chính tôi dạy nó. Nhưng tiếc vì ông An còn non tay nên mất mạng. Còn con ông An chết vì bị gãy cổ chỉ bằng một đòn đánh cũng do thằng Công gây ra. Tôi biết là thằng Công còn sống trong rừng nhưng vì đâu nó lại giết hai người này là điều tôi không tài nào hiểu nổi.
Ông Nhân đứng lặng một chút rồi tiếp lời:
– Có thể vì nó đã sống trong khu mả Chệt. Về sau này, tôi thấy nó có những ngón đánh rất lạ. Hỏi thì nó không nói. Hóa ra những ngày nó ở lì trong khu mả, bằng cách thức nào đó thì tôi không rõ, nó đã học những thứ ác độc và đem những ngón đòn ác độc đó hạ thủ chính những người dân mà nó đang sống chung. Ông Nam chết ngoài biển cũng do chính nó ra tay. Tôi dạy nó từ nhỏ, thằng Công xuống biển thì không khác gì con cá mập cá xà. Nhưng sao nó lại ra tay giết ông Nam thì tôi không biết. Tại sao nó lại đem lòng thù hận những người từng cưu mang nó khi cha con chúng tôi chân ướt chân ráo mới đến đây? Rồi nửa đêm nó ở trên rừng xuống đốt nhà bà Năm. Đến lúc đó thì tôi quyết phải mang nó về. Giết nó thì tôi không nỡ vì chính nó là hòn máu của tôi. Nhưng không thể dung nó được nữa.
Ông Nhân bước tới bàn, rót một bát rượu đầy mời mọi người rồi ngẩng cổ nốc cạn bát rượu. Ông rút phắt con dao rừng đang đeo trên thắt lưng đặt lên bàn rượu:
– Hôm nay tôi xin đền tội. Xin các vị cứ ra tay. Nhân này đầu đội trời chân đạp đất quyết không chống lại.
Ông ngồi xuống một chiếc ghế rồi nhắm mắt lại. Mọi người chung quanh ông Nhân ngồi im như tượng, thân nhân của những người chết dưới tay thằng Công cũng ngồi bất động. Mấy cụ già thầm thì bàn tán với nhau rồi một ông tiến lại chỗ ông Nhân đang ngồi đặt tay lên vai ông nghẹn ngào:
– Ông cũng đã đau khổ lắm rồi. Chúng tôi hiểu và tha thứ cho ông. Nhà ông cũng đã ba người chết. Chúng tôi còn hạch tội ông thế nào được? Xin ông đứng lên. Quên hết đi thôi mà sống với nhau.
Một hồi lâu ông Nhân lại đứng lên:
– Xin cảm tạ các ông bà đã tha mạng. Trước đây đã lâu, chắc các ông bà còn nhớ có một bọn người đến đây thăm tôi. Họ đều là những người sống trong giang hồ, giết người không chớp mắt. Tất cả họ trước đây đều là thủ hạ của tôi cả. Họ đến nhờ tôi ra tay giúp họ trong một chuyện làm ăn lớn nhưng tôi đã từ chối. Khi đến nơi này, tôi đã nguyện trong lòng sẽ không bao giờ để tay dính máu cả. Tôi biết là từ chối họ sẽ rất nguy hiểm cho bản thân, họ có thể tìm cách giết tôi nhưng thà rằng tôi chết chứ không bao giờ nhúng tay vào việc ác nữa. Cho đến ngày con tôi, thằng Công gây ra những cái chết thảm khốc cho gia đình các ông bà. Xin nhận cho tôi ba lạy về những điều đã xảy ra và xin cung kính xin ông bà cho tôi chuộc lỗi.
Ông Nhân bước vào nhà trong rồi lại bước ra với một cái túi bằng da hổ nặng trĩu. Ông đặt trên bàn trước mặt mọi người tồi từ tốn nói:
– Thưa các ông bà, trong này có rất nhiều vàng bạc. Tôi có nó từ những kẻ độc ác ăn tàn phá hại xứ sở này, những tên quan cướp bóc của những người hiền lành lương thiện và tôi cũng phải trả giá bằng máu mới lấy được những của cải này. Nhưng bây giờ tôi không cần đến nữa. Tôi xin hoàn trả số vàng ngọc này lại cho những người lương thiện. Các ông bà đã mất ba người vì chết dưới tay thằng Công. Tôi cũng mất ba người. Vợ và con gái tôi đã chết. Thằng Công cũng sắp chết rồi, lúc nó dùng ngón đòn chết người để giết tôi, tôi cũng dùng chính ngón đòn đó để giết nó. Nhưng trước lúc đâm ngọn côn tre vào ngực nó tôi bỗng run tay. Vì nó là con tôi. Nên cú đâm đã chệch đi không trúng vào tử huyệt. Nếu tôi không run tay thì nó đã chết. Đó chính là ngọn đòn nó đã dùng để giết ông An trong rừng. Nhưng nó cũng không còn sống được bao lâu nữa. Xin các vị hãy nhận số vàng bạc này. Ân oán đã sòng phẳng. Tôi sẽ ra đi sau khi thằng Công chết vì tôi cũng không thể nào sống ở đây được nữa. Căn nhà của bà Năm thằng Công đã đốt cháy, xin các ông bà giúp tôi chuyển hai mẹ con về đây ở. Một lần nữa xin cúi đầu trước ông bà và xin thứ lỗi cho tôi
******
Hai ngày sau khi ông Nhân vào thăm con thì thằng Công đột nhiên tỉnh lại. Nó nằm trên chiếc chõng tre nhìn ông chăm chú rồi đột nhiên cất tiếng:
– Cha!
Đó là tiếng người đầu tiên mà nó nói từ khi đi biệt vào rừng. Ông Nhân ngồi xuống bên con, ông biết rằng nó sắp chết. Bàn tay xanh xao vì mất nhiều máu của nó lần dò tìm nắm lấy tay ông. Nó thều thào:
– Lạy Cha... tha lỗi cho con. Con sắp chết rồi!
Một giọt nước mắt lăn xuống má ông Nhân.
– Con chết nhưng không dám gặp mặt Mẹ... không dám gặp em được nữa. Cha cứ cho con về rừng. Xin Cha mang con ra sông rồi thả con xuống đó... Con xin lỗi Cha. Cha... tha thứ cho con.
Nó thở hắt ra hơi cuối cùng. Cặp mắt đã đứng tròng, cái đầu ngoẹo sang một bên.
Ngay chiều hôm đó ông Nhân chèo một con thuyền nhỏ mang xác con ra sông. Đó là một dòng chảy dữ dội từ những con suối trên núi xuống tạo thành một con sông lớn chảy men theo xóm Chài từ bao đời nay. Ông Nhân một mình ẳm xác con trên tay. Đầu nó rúc vào nách ông y như ngày xưa khi nó còn nhỏ. Mặt trời đã xuống thấp, hắt một vùng lửa đỏ rực trên những con sóng nhỏ. Chung quanh không một bóng người. Trên cao, bầu trời đầy mây đỏ hạ thấp xuống những cánh rừng đang dần dần tối lại. Cả một con sông đỏ quạch như một dòng lửa đang cuồn cuộn chảy về xuôi. Một cánh chim về muộn bay về phía rừng, buông những tiếng kêu ảm đạm.
Thằng Công không phải là người dù nó từng đã là người. Khi sống nó đã bỏ vào rừng thì chết đi nó phải về rừng. Đó mới là nơi thực sự của nó, nơi loài thú dữ sẵn sàng xé xác nhau để sống. Ông Nhân chèo mãi ra xa, gần đến nơi mà nước từ trên nguồn đang cuồn cuộn chảy xuống, xác đứa con ông vẫn nằm trên tay. Ông thả xác thằng con duy nhất của ông xuống sông khi trời đã sắp tối. Cái xác thằng Công cứ bập bềnh, xoay xoay chung quanh ông mấy vòng. Rồi cái xác bỗng trôi ngược dòng, vun vút về phía thượng nguồn. Nó trôi ngược dòng nước đỏ như máu và biến mất dưới những đám bọt trắng xóa nơi cửa rừng, xa tít phía trên kia là dãy Trường Sơn.
Ông Nhân quay mũi thuyền thả trôi về xuôi. Trời tối dần. Ông đứng một mình trên thuyền giữa con sông giờ đã tối đen. Đêm nay cũng là đêm đen tối nhất trong đời ông. Bóng ông đã chìm hẳn vào trong bóng đêm. Phía sau xa tít là những ánh lửa từ xóm Chài. Với ông đêm vẫn còn dài nhưng với họ, với những người dân xóm Chài hiền lành vào ngày mai trời lại sáng.
Chắc chắn như thế.
nhukhong
6/2019
Chú thích:
*Heo độc là loại heo rừng rất lớn và rất hung dữ, chỉ sống một mình không theo bầy đàn và hay tấn công người nhờ vào cặp nanh rất lớn và nhọn hoắt như lưỡi dao.
**Con Xà Niên là tên gọi những người đi tìm trầm bị lạc vào rừng sâu vào khoảng những năm đầu thế kỷ 19. Lâu ngày sống trong rừng, họ dần dần quên mất tiếng người.
– Truyện ngắn này của Như Không đã được chọn để đưa vào bộ sách biên khảo có tên “108 các nhà thơ nhà văn Việt giữa thế kỷ XX” do nhà thơ, nhà biên khảo Ngô Nguyên Nghiễm thực hiện và đã phát hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét