Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Tuần Này Đổi Giờ! Giới Thiệu Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Mừng Lễ Tạ Ơn & “Em Không Nghe Mùa Thu!” Do Văn Thơ Lạc Việt Tổ Chức và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Nhớ! Nhớ! Nhớ! Tuần này, Đổi giờ! (Lui lại một giờ!)
Nhắc nhở: Tối Thứ Bảy tuần này, trước khi đi ngủ, xin Quý Vị nhớ vặn đồng hồ của mình, LUI lại một giờ. Theo quy ước, trong năm 2023, đổi giờ lần thứ 2, (vào Đông) sẽ bắt đầu vào lúc 2h sáng ngày 5 tháng 11. Lúc này người Mỹ từ 2 giờ, vặn kim đồng hồ lùi lại 1h sáng. Thời gian này, được gọi là giờ mùa đông hay giờ mùa thu (Fall Back)
<!>


Giới Thiệu Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Hiếm Có Của Những Tháng Cuối Năm.
Do Văn Thơ Lạc Việt Tổ Chức.

Chiều Nhạc: Tình Khúc Cảm Tạ (Happy Thanksgiving!) và “Em Không Nghe Mùa Thu!”
Lúc 4 giờ chiều, Chủ Nhật, ngày 19 tháng 11, năm 2023
Tại Cà Phê Lovers, 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121.


*Nước uống và vào cửa tự do!

-Phần văn nghệ do nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” do Cô Thanh Loan và Thầy Thái đảm trách. Quý Vị tham dự, sẽ rất là ngạc nhiên, với nhiều giọng ca Tuổi Thơ, mà giọng hát, cách trình bày, không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp! nói chuyện tiếng Việt lưu loát! còn…hơn cả người lớn!

-Chưa kể VTLV, muốn giới thiệu Các Em, là những thế hệ nối tiếp, đầy khả năng gìn giữ tiếng Mẹ! Kính mong Quý Vị tham dự thật đông, để cổ võ tinh thần Các Bé, con cháu chúng ta!


-Chen lẫn những tiếng hát nổi tiếng VTLV, được nhiều người yêu mến vùng Thung Lũng Hoa Vàng.

-Một mục vui không thể thiếu, mừng Sinh Nhật các Thành Viên VTLV, sinh trong những tháng cuối năm, 10, 11, 12.

-Nhân dịp này, cũng xin giới thiệu 3 tác phẩm mới, của Tác Giả Chinh Nguyên.

-10 phần quà Mừng Lễ Tạ Ơn 2023, đến với Quý Vị may mắn


Chắc chắn phải là buổi Sinh Hoạt Văn Học vui tươi và nhiều ý nghĩa, trong dịp Mừng Lễ Tạ Ơn, Trong không khí của Mùa Thu Vàng, mơ mộng, ấm áp đầy tình người.


VTLV Trân Trọng Kính Mời.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Liên Hiệp Quốc Báo Động: Dải Gaza Đã Trở Thành “Nghĩa Địa của Hàng Ngàn Trẻ Em”


(Hình: Trẻ em tại một khu dân cư ở Rafah, sau một cuộc oanh kích của quân đội Do Thái, ngày 14/10/2023.)

-Trong bối cảnh Do Thái tiếp tục tấn công dữ dội vào Dải Gaza bất chấp thương vong đối với thường dân, một đại diện Liên Hiệp Quốc vào hôm 31/10/2023 đã lên tiếng báo động bằng một hình tượng gây sốc: “Dải Gaza đã trở thành nghĩa địa của hàng ngàn trẻ em”.

Trong một thông cáo công bố tại Geneva (thủ đô của Thụy Sĩ), ông James Elder, phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tổ chức của chuyên trách vấn đề bảo vệ trẻ em, đã báo động về thảm họa đang diễn ra tại dải Gaza, đồng thời lo ngại rằng rất nhiều đứa trẻ khác sẽ bị chết vì bị mất nước.

Theo phát ngôn viên UNICEF: “Số liệu thật ghê gớm: Hơn 3.450 trẻ em được báo cáo là đã thiệt mạng và điều đáng sợ là con số này đang tăng lên mỗi ngày”. Ngoài ra, theo ông Elder, hơn 1 triệu trẻ em sống ở dải Gaza cũng bị lâm vào tình trạng thiếu nước uống. Đối với UNICEF, trẻ em tại Gaza không chỉ bị chết dưới bom đạn, mà còn là nạn nhân của tình trạng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này bị ngăn chặn. Từ Geneva, thông tín viên RFI Jérémie Lanche của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) nhận định:

“Số liệu về trẻ em bị thiệt mạng ở dải Gaza chưa tính đến con số 940 em bị báo cáo mất tích, có lẽ là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị trúng pháo kích. Thế nhưng, thoát khỏi bom đạn không thôi chưa đủ, các em còn phải có khả năng sống sót trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ, đặc biệt là nước uống. Ông James Elder, phát ngôn viên tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc ghi nhận: “Ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em ở Gaza đang rất cần nước uống. Hiện nay, lượng nước uống cung ứng chỉ bằng 5% so với bình thường. Vỏn vẹn 5% mà thôi. Càng ngày càng có nguy cơ có thêm nhiều trẻ em bị chết vì mất nước”.

Ông Christian Lindmeier thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo có lẽ đã bắt đầu cướp sinh mạng của những nạn nhân đầu tiên. Ông cho biết: “Ở Gaza, có 130 trẻ sinh non phải nuôi trong lồng ấp, 50.000 phụ nữ mang thai, với trung bình 180 ca sinh nở mỗi ngày. 350.000 người bị các chứng bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tiểu đường, v.v…. Những trường hợp này không thể được chăm sóc nếu không có điện hoặc thuốc”.

Tại Gaza, đã có những ca cắt chân hay tay mà không có thuốc mê, nhũng cuộc giải phẫu dưới ánh đèn pin, những trường hợp cha mẹ viết tên con mình trên cánh tay của chúng để có thể nhận dạng được nếu bị chết: biết bao lời chứng về những gì đang diễn ra trên hiện trường gây chấn động, kể cả trong giới nhân viên Liên Hiệp Quốc, những người ngày càng khó che giấu cảm xúc của mình”.


Gaza: Do Thái Oanh Tạc Một Trại Tị Nạn Làm Hàng Chục Người Palestine Thiệt Mạng


(Hình: Trại tị nạn Jabaliya của người Palestine ở phía Bắc dải Gaza sau trận oanh kích của Do Thái, ngày 31/10/2023.)

-Hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong vụ oanh tạc vào trại tị nạn lớn nhất tại dải Gaza hôm 31/10/2023. Quân đội Do Thái đã xác nhận vụ oanh tạc mà theo họ nhắm vào một trong những người có trách nhiệm trong vụ tấn công của tổ chức Hamas vào Do Thái ngày 7/10.

Theo hãng tin AFP, đã có ít nhất 47 người bị chết trong vụ oanh tạc vào trại tị nạn Jabaliya, nơi hiện có 116.000 người tị nạn. Còn theo Bộ Y tế của chính quyền Hamas, số người chết trong vụ oanh tạc này là hơn 50 người.

Theo quân đội Do Thái, vụ oanh tạc chính là nhằm tiêu diệt một chỉ huy của lực lượng Hamas, Ibrahim Biari, được xem là một trong những người có trách nhiệm trong vụ tấn công khủng bố vào Do Thái, sát hại dã man nhiều thường dân hôm 7/10/2023. Phát ngôn viên quân đội Do Thái khẳng định hàng chục chiến binh Hamas có mặt cùng với Ibrahim Biari trong hệ thống đường hầm của Hamas cũng đã thiệt mạng khi các đường hầm này bị sụp do trúng bom.

Qatar và Ả Rập Saudi đều đã cực lực lên án Do Thái về vụ oanh tạc vào trại tị nạn này.

Hôm 1/11, quân đội Do Thái thông báo đã đánh vào hơn 11.000 mục tiêu ở dải Gaza kể từ đầu cuộc chiến tranh với tổ chức Hamas. Quân đội Do Thái đồng thời công bố tên tuổi của 9 binh sĩ vừa tử trận hôm qua tại Gaza, nâng số lính bị thiệt hại nhân mạng lên 326, kể từ vụ tấn công của Hamas ngày 7/10.

Trong khi đó, công ty viễn thông Palestine Paltel hôm 1/11 thông báo toàn bộ các đường điện thoại và đường truyền Internet tại dải Gaza đã bị cắt hoàn toàn.

Chiến tranh giữa Do Thái với Hamas tại Gaza có nguy cơ lan rộng. Theo thông tấn xã AFP, lực lượng phiến quân Huthi ở Yemen hôm 31/10 đã thề sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào Do Thái cho đến khi chấm dứt chiến tranh. Họ khẳng định đã phóng nhiều phi đạn và drone sang lãnh thổ Do Thái, đợt tấn công thứ ba kể từ đầu chiến tranh giữa Do Thái với Hamas.


Chiến Tranh Do Thái-Hamas: Một Nhóm Người Ngoại quốc Đầu Tiên Được Đưa Từ Gaza Sang Ai Cập


(Hình: Hơn 450 người ngoại quốc từ Gaza đi qua cửa khẩu Rafah ở phía Nam để sang Ai Cập ngày 1/11/2023.)

-Sau 26 ngày giao tranh, Hamas chấp nhận cho “nhóm người đầu tiên có sổ thông hành ngoại quốc đi qua cửa khẩu Rafah để đến Ai Cập vào thứ Tư”. Thông tin được một viên chức Ai Cập phụ trách cửa khẩu với Gaza xin ẩn danh cho biết ngày 1/11/2023 nhưng không nói rõ về số lượng và thời điểm đi qua cửa khẩu. Trong khi đó, xe chở hàng cứu trợ vẫn chờ kiểm tra ở Rafah để vào Gaza.

Công dân của khoảng 44 nước và nhân viên của 28 cơ quan, tổ chức Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức phi chính phủ ngoại quốc hoạt động ở Gaza, nơi có 2,4 triệu dân, phải sống dưới bom đạn, không điện nước, thực phẩm do bị Do Thái phong tỏa hoàn toàn từ hơn 20 ngày qua, đến ngày 1/11 lại bị cắt điện thoại và internet. Thông tín viên Léonie Lebrun của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ cửa khẩu Rafah:

“Nhiều xe cứu thương đỗ bên lề đường ở gần cửa khẩu Rafah và một bệnh viện dã chiến cũng đã được dựng khẩn cấp ở cách cửa khẩu khoảng 10 cây số. Theo chính quyền Gaza, 81 người bị thương ở vùng đất Palestine có thể sẽ được đưa đến Ai Cập ngày hôm nay (1/11) để điều trị trên bán đảo Sinai. Nếu được thực hiện thì dĩ nhiên sẽ có kiểm soát an ninh nghiêm ngặt ngay tại thành phố Al Arish nơi lưu giữ phần lớn viện trợ nhân đạo. Một lực lượng quân sự cũng được khai triển.

Bên phía Ai Cập, càng tiến gần đến Rafah, an ninh càng nghiêm ngặt tại nhiều chốt kiểm tra. Con đường cũng đầy xe tăng Ai Cập. Cần phải nói là chiến tranh ngay sát sườn. Từ đồn biên phòng Rafah, người ta thấy những cột khói bốc lên từ dải Gaza. Còn những người có mặt trong khu vực từ đầu cuộc chiến thì kể nỗi hoảng sợ của họ mỗi khi nghe thấy tiếng bom tấn công người Palestine ngay từ lãnh thổ Ai Cập.

Viện trợ nhân đạo vẫn nhỏ giọt. Trước cửa khẩu Rafah bên phía Ai Cập, rất nhiều xe chở hàng vẫn chờ để có thể vào Gaza. Xe chỉ được phép xuất phát vào những khung giờ rất hạn chế, đầu tiên là bị Ai Cập kiểm tra, sau đó là Do Thái trước khi đến được Gaza.

Hôm 31/10, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã tới chân đồn biên phòng này và nhấn mạnh đến việc tuyệt đối phải tăng tốc chuyển hàng viện trợ nhân đạo”.


Pakistan Bắt Đầu Chiến Dịch Trục Xuất Cả Triệu Người A Phú Hãn


(Hình: Hàng đoàn người A Phú Hãn xếp hàng tại biên giới Pakistan-A Phú Hãn để đợi về nước, sau lệnh trục xuất. Ảnh chụp ngày 31/10/2023.)

-Kể từ hôm 1/11/2023, chính quyền Pakistan sẽ trục xuất mọi công dân ngoại quốc “không có giấy tờ hợp lệ”. Theo hãng tin Pháp AFP, trong diện bị trục xuất về nguyên quán, có đến 1,7 triệu người A Phú Hãn bị Islamabad liệt vào diện cư trú bất hợp pháp.

Theo ghi nhận tại thủ đô Islamabad của Pakistan của thông tín viên Sonia Ghezali của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), có ít nhất 600.000 người A Phú Hãn đã trốn khỏi đất nước chạy qua lánh nạn tại Pakistan sau khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8 năm 2021. Nhiều người trong số này rất lo sợ khi bị buộc phải hồi hương:

“Fazal đã đọc cho chúng tôi nghe một lá thư mà ông ấy đã nhận được từ chủ nhà của ông, yêu cầu ông phải rời khỏi căn nhà thuê càng sớm càng tốt và hồi hương về A Phú Hãn. Theo người chủ nhà, chính phủ Pakistan sẽ bắt đầu trục xuất người A Phú Hãn.

Fazal đã sống ở Pakistan được 5 năm cùng với vợ và 4 đứa con. Thẻ tị nạn của họ đã hết hạn vào tháng 8 năm 2022. Ông chia sẻ: “Ngôi nhà này là hy vọng duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không rời bỏ nó cho đến khi chủ nhà hoặc chính phủ Pakistan dùng vũ lực để đuổi chúng tôi ra. Chúng tôi sẽ ở lại Pakistan vi chúng tôi sẽ không an toàn ở A Phú Hãn. Chúng tôi thà bị cầm tù ở Pakistan còn hơn là quay trở lại A Phú Hãn vì ít nhất ở đây chúng tôi còn sống sót.

Còn ở đầu bên kia thủ đô Pakistan, một nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền người A Phú Hãn, tị nạn ở Pakistan được hai năm, đang ẩn náu trong một phòng khách sạn. Xin được che giấu tên tuổi, người phụ nữ này cho biết: “Tôi rất lo lắng và khóc rất nhiều. Tôi đã phải thay đổi chỗ ở. Tôi đang trốn ở trong nhà, không ra ngoài đường nữa. Những nhà hoạt động như tôi đã bị Taliban bắt giữ và tra tấn ở A Phú Hãn. Tôi sợ điều tương tự sẽ xảy ra với tôi nếu bị trục xuất về nước”.

Nhà đấu tranh này chưa từng có được thẻ tị nạn và đơn xin tị nạn ở Pháp của cô cho đến nay vẫn chưa được trả lời”.


Ukraine Lên Án Vụ Tấn Công Quy Mô Lớn Nhất của Nga Từ Đầu Năm



(Hình: Một tòa nhà bị phá hủy tại Izyum, Ukraine. Ảnh chụp ngày 24/10/2023.)

-Ngày 1/11/2023, Kyiv cho biết Nga đã oanh kích hơn 100 địa phương Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua. Đây là vụ tấn công có quy mô lớn nhất do Nga tiến hành kể từ đầu năm 2023.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Igor Klimenko thống kê trên các mạng xã hội “có đến 118 địa phương ở 10 vùng bị kẻ thù oanh kích trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua. Đây là số thành phố và làng mạc nhiều nhất bị tấn công cùng lúc”, ba người bị thiệt mạng trong các vụ oanh kích.

Ngoài ra, theo thông tấn xã AFP, quân Nga cũng đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở Krementchuk (miền Trung Ukraine), nhưng không gây thương vong. Khoảng 100 lính cứu hỏa được huy động chữa cháy. Trong đêm 31/10 rạng sáng 1/11, quân Nga đã phóng khoảng 20 drone và phi đạn nhắm vào nhiều công trình hạ tầng trọng điểm và quân sự. Hệ thống phòng không Ukraine bắn chặn được 18 trong số này.

Trong video tổng hợp tình hình hàng ngày được đăng đêm 31/10, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết nỗ lực của Ukraine đã làm tê liệt lực lượng Hải quân Nga ở Biển Đen.

Hoa Kỳ, đồng minh viện trợ lớn nhất cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, đang vận động Quốc hội thông qua khoản viện trợ cho Ukraine và Do Thái trong gói ngân sách 106 tỉ Mỹ kim. Trong buổi điều trần ngày 31/10 tại một ủy ban Thượng viện, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng Tổng thống “Putin tìm cách hưởng lợi từ vụ tấn công của Hamas nhắm vào Do Thái với hy vọng làm Hoa Kỳ sao nhãng và rút viện trợ” cho Ukraine. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Ausin khẳng định ông Putin sẽ thành công trong mưu đồ dùng vũ lực chiếm lãnh thổ Ukraine, nếu Mỹ ngừng hỗ trợ Kyiv.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ: Nga Sẽ Thành Công Nếu Mỹ Không Tiếp Tục Hỗ Trợ Ukraine


(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken,trái, và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin điều trần tại Thượng viện ngày 31/10/2023 về ngân khoản an ninh bổ sung.)

-Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điều trần trước Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Hoa Kỳ về yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về 106 tỉ Mỹ kim để tài trợ cho các kế hoạch đầy tham vọng dành cho Ukraine, Do Thái và an ninh biên giới Hoa Kỳ.

“Tôi có thể bảo đảm rằng nếu không có sự hỗ trợ của chúng ta (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sẽ thành công”, ông Austin nhấn mạnh trong phiên điều trần.

“Nếu chúng ta thình lình ngưng viện trợ ngay bây giờ, ông Putin sẽ chỉ mạnh mẽ hơn và ông ấy sẽ thành công trong việc thực hiện những gì mình muốn”.

Cho rằng việc hỗ trợ các đối tác của Hoa Kỳ là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, Tổng thống Biden đã yêu cầu 61,4 tỉ Mỹ kim cho Ukraine, khoảng một nửa trong số đó sẽ được chi ở Hoa Kỳ để bổ sung kho vũ khí đã cạn kiệt do hỗ trợ trước đó.

Quốc hội đã phê duyệt 113 tỉ Mỹ kim cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022. Tòa Bạch Ốc nói họ còn chưa tới 5,5 tỉ Mỹ kim trong quỹ để tiếp tục chuyển vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ cho lực lượng Ukraine đang chiến đấu với Nga.

Con đường phía trước cho kế hoạch tài trợ mới nhất của ông Biden có vẻ không chắc chắn. Đảng Dân chủ kiên quyết ủng hộ chiến lược của ông Biden trong việc kết hợp viện trợ Ukraine với hỗ trợ cho Do Thái, cũng như nhiều đảng viên Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Nhưng các đảng viên Cộng hòa lãnh đạo Hạ viện và một số đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện phản đối việc kết hợp hai vấn đề này.

Ông Austin nói chính quyền Biden muốn Ukraine tiếp tục hoạt động trong suốt mùa Đông, nhưng Kyiv không thể làm điều đó nếu họ buộc phải tạm dừng vì thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.

Các viên chức quân sự Kyiv hôm 30/10/2023 cho biết Nga đã tăng cường lực lượng xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá ở miền Đông Ukraine và đã chuyển quân từ phòng thủ sang tấn công, nhưng Ukraine đã chuẩn bị để đẩy lùi các cuộc tấn công.


Chính Phủ Pháp “Lạm Dụng” Điều 49.3 của Hiến pháp

-Về tình hình chính trị ở Pháp, bài xã luận của tờ Libération cảm thấy bất bình với một chính phủ dường như đang “đi quá giới hạn”?! 15 lần viện dẫn điều 49.3 của Hiến pháp, chính phủ đang thực sự nghĩ gì? – Điều khoản này cho phép chính phủ thông qua các văn bản pháp luật mà không cần đến các cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại Quốc hội.

Thật vô lý khi Thủ tướng Elisabeth Borne lại quyết định dùng điều 49.3, lần này, để thông qua Dự luật tài trợ An sinh xã hội, mà không cần ý kiến của Quốc hội. Nhật báo thiên tả nhận định rằng dường như điều tồi tệ nhất là người dân đã thực sự cảm thấy quen thuộc với hiện tượng này. Trong quá khứ, việc sử dụng điều 49.3 luôn gây chú ý, nhất là hồi chính phủ thông qua Dự luật về cải cách hưu trí. Giờ đây, hầu như không còn ai bận tâm đến việc chính phủ sử dụng điều khoản này, trong khi đáng lẽ mọi người phải thảo luận về sự “hợp hiến” của việc dùng 49.3.

Libération thực sự chú ý đến những mặt trái của việc sử dụng công cụ Hiến pháp này một cách tùy tiện. Năm 2022, các Nghị sĩ ít ra đã có những cuộc tranh luận ở mức tối thiểu khi họp bàn về Dự luật ngân sách Nhà nước. Giờ đây, dường như tiếng nói của họ thực sự không còn trọng lượng. Những Nghị sĩ mà tờ báo thiên tả đã phỏng vấn, bao gồm cả những Nghị sĩ thuộc phe đa số, ghi nhận về một “sự thay đổi” trong những cuộc thảo luận gần đây giữa các ủy ban, và những cuộc họp do các Bộ trưởng chủ trì.

Tóm lại, giờ đây, dường như quyền lực của Quốc hội đang thực sự bị đe dọa. Và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu việc chính phủ viện dẫn 49.3 trở thành thông lệ và các Dự luật được thông qua mà không cần có sự tranh luận, không kể đến các Dự luật hết sức quan trọng, chẳng hạn như Dự luật thắt chặt nhập cư. Làm thế nào có thể vui mừng trước viễn cảnh này? Bài xã luận kết luận rằng đáng lẽ ra quyền lực của Quốc hội phải ngày càng được gia tăng, song thật không may là điều ngược lại đang xảy ra.


Tổng Thống Pháp Công Du 2 Nước Trung Á Kazakhstan và Uzbekistan


(Hình: Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev (giữa) và nguyên thủ Pháp Emmanuel --Macron duyệt đội quân danh dự trong lễ đón tiếp tại thủ đô Astana của Kazakhstan, ngày 1/11/2023.)

-Hôm 1/11/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du Kazakhstan và Uzbekistan, hai nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tại vùng Trung Á, khu vực mà Paris có tham vọng gia tăng cường sự hiện diện trong bối cảnh Âu Châu đang tranh giành ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, phát biểu bên cạnh Tổng thống Kassym-Jomart Tokaïev hôm 1/11 tại Astana, thủ đô của Kazakhstan, Tổng thống Macron đã kêu gọi tăng cường đối tác chiến lược với quốc gia Trung Á này vào lúc mà quốc tế đang gặp nhiều “khủng hoảng và rối loạn”. Về phần mình, Tổng thống Tokaïev xem Pháp là một “đối tác chủ chốt” của Kazakhstan trong Liên Hiệp Âu Châu. Từ Astana, thông tín viên Régis Genté của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

Tổng thống Emmanuel Macron đến Kazakhstan và Uzbekistan chính là để nói về chủ quyền, chính trị và kinh tế.

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine tiếp diễn và phương Tây đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới, Tổng thống Pháp muốn khuyến khích hai nước này, vốn phụ thuộc rất nhiều vào Nga và Trung Quốc, là nên đa dạng hóa các quan hệ đối tác.

Các nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ nói rất nhiều về kinh tế trong các cuộc gặp tại Astana, thủ đô Kazakhstan và tại thành phố Samarcande của Uzbekistan, thành phố huyền thoại trên con đường tơ lụa trước đây.

Khoảng 15 lãnh đạo doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Macron, đại diện cho các ngành năng lượng, nông phẩm, giao thông và cung cấp nước. Ngoài chủ các tập đoàn như Điện lực Pháp EDF, Orano, Suez, Lactalis, còn có chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cơ quan Phát triển Pháp AFD sẽ ký một Hiệp định liên chính phủ để mở rộng các hoạt động trong khu vực. Những Hiệp định khác cũng sẽ được ký kết, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Trong phái đoàn đi theo Tổng thống Pháp còn có một số đại diện của giới văn hóa, đặc biệt là tân thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Pháp, Amin Maalouf, nhà văn đã cho xuất bản vào năm 1988 một tiểu thuyết có tựa đề “Samarcande”.


Anh Tổ Chức Hội Nghị Thế Giới Đầu Tiên Về Rủi Ro của Trí Tuệ Nhân Tạo


(Hình: Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại một hội nghị về trí tuệ nhân tạo ở thủ đô Luân Đôn, ngày 26/10/2023.)

-Lần đầu tiên một hội nghị quy mô thế giới về trí thông minh nhân tạo được tổ chức trong hai ngày 1 và 2/11/2023 tại lâu đài Bletchley Park, Anh Quốc. Ngày làm việc đầu tiên được dành thảo luận về những nguy hiểm tiềm tàng của các cách tân trí tuệ nhân tạo tiên phong, ví dụ robot đối thoại ChatGPT.

Nhiều lãnh đạo thế giới tham dự thượng đỉnh, như Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Ý Ðại Lợi Giorgia Meloni. Theo thông tấn xã AFP, Trung Quốc cũng cử một đại diện nhưng không rõ ở cấp nào.

Về phía doanh nghiệp, Sam Altman và Elon Musk, đồng sáng lập OpenAI, công ty khởi nghiệp thiết kế ChatGPT, cũng có mặt. Tuần trước, nhiều doanh nghiệp kỹ thuật như OpenAI, Meta (sở hữu Facebook) và DeepMind (Google) đã chấp nhận công bố một số quy định an ninh của họ về trí thông minh nhân tạo theo yêu cầu của Anh Quốc. Thông tín viên Emeline Vin tại Luân Đôn của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

“Giữa Hoa Kỳ - cường quốc kỹ thuật với Trung Quốc - cường quốc công nghiệp và Liên Hiệp Âu Châu với thẩm quyền điều tiết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak muốn có một vị trí trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Đây là lý do khiến ông tổ chức hội nghị cấp thế giới này.

Ông phát biểu: “Tôi thực sự nghĩ rằng các kỹ thuật như trí thông minh nhân tạo sẽ mang lại những biến đổi có thể so sánh với cuộc cách mang công nghiệp. Nhưng những kỹ thuật đó cũng đem lại những nguy hiểm mới, những nỗi sợ mới. Trí thông minh nhân tạo có thể sẽ tạo thuận lợi cho việc phát minh ra những loại vũ khí sinh-hóa học. Giới tội phạm có thể khai thác trí thông minh nhân tạo để gian lận, tổ chức tấn công mạng hoặc phục vụ cho nạn ấu dâm. Trong những trường hợp cực đoan nhất, dù không thể xảy ra, nhân loại có nguy cơ mất quyền kiểm soát trí thông minh nhân tạo”.

Vậy có thể trông đợi gì từ thượng đỉnh lần này? Giáo sư Yosshua Bengio, Đại học Montréal, một trong những nhà tiên phong về trí thông minh nhân tạo, giải thích rằng sẽ không có thỏa thuận chính thức mà chỉ là “những nguyên tắc lớn”.

Ông nói: “Sẽ luôn có những lạm dụng, những nguy hiểm mới không biết trước được. Các nhà làm luật phải có một khuôn khổ để phản ứng nhanh chóng. Có rất nhiều việc cần khai triển gấp, ví dụ đăng ký các mạng lưới kỹ thuật máy học (Machine learning). Có ít doanh nghiệp có khả năng làm việc này. Chúng ta phải chắc chắn rằng giấy phép của những doanh nghiệp có thể bị thu hồi, nếu hệ thống của họ gây rủi ro”.

Cuộc họp khép lại vào tối thứ Năm (02/11) với cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Elon Musk về mạng xã hội X của nhà tỉ phú Mỹ”.


Bắc Hàn Đóng Cửa Hàng Loạt Tòa Ðại Sứ Tại Nhiều Nơi Trên Thế Giới


(Hình: Lối vào Tòa Ðại sứ Bắc Hàn tại Roma, Ý Ðại Lợi.)

-Theo nhiều nguồn tin từ báo chí và từ giới chuyên gia, được hãng tin Anh Reuters ngày 1/11/2023 trích dẫn, chính quyền Cộng sản Bắc Hàn chuẩn bị đóng cửa hơn một chục cơ quan đại diện ngoại giao ở nhiều nước, trong đó có các cơ sở ở Tây Ban Nha, Hồng Kông và một số quốc gia Phi Châu. Tổng cộng Bình Nhưỡng sẽ đóng cửa gần 25% số cơ quan đại diện trên thế giới.

Theo hãng tin Bắc Hàn KCNA hôm 30/10, các Ðại sứ Cộng sản Bắc Hàn tại Angola và Uganda vào tuần trước đã đến chào tạm biệt các nhà lãnh đạo những nước này.

Truyền thông địa phương ở cả hai nước Phi Châu nói trên cũng đưa tin về việc Tòa Ðại sứ Bắc Hàn đóng cửa. Angola và Uganda đã thiết lập bang giao với Bình Nhưỡng từ những năm 1970, duy trì hợp tác quân sự và cung cấp cho Bắc Hàn các nguồn ngoại tệ hiếm hoi, chẳng hạn thông qua các dự án xây dựng tượng.

Còn theo hãng tin Yonhap của Nam Hàn, Bắc Hàn cũng sẽ đóng cửa Tòa Ðại sứ ở Tây Ban Nha, và cơ quan đại diện Bắc Hàn ở Ý Ðại Lợi sẽ kiêm nhiệm Tây Ban Nha. Một bức thư đề ngày 26/10 trên trang web của đảng Cộng sản Tây Ban Nha tiết lộ rằng Tòa Ðại sứ Bắc Hàn tại nước Liên Hiệp Âu Châu này đã thông báo đóng cửa.

Theo ông Chad O’Carroll – nhà sáng lập trang NK News, chuyên về tin tức liên quan đến Bắc Hàn – việc Bình Nhưỡng đóng cửa các cơ quan đại diện như trên có thể tạo tiền đề cho “một trong những chuyển đổi chính sách đối ngoại lớn nhất của Bắc Hàn trong nhiều thập niên”. Bộ Thống Nhất Nam Hàn hôm nay cho rằng Bắc Hàn bị hạn chế nguồn thu ngoại tệ do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo Bộ Thống nhất của Nam Hàn, cho đến nay, Bắc Hàn có quan hệ chính thức với 159 quốc gia, nhưng chỉ có 53 cơ quan ngoại giao ở ngoại quốc.

Về quan hệ Mỹ-Nam Hàn, Bộ Ngoại giao Nam Hàn hôm 1/11 cho biết: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến thăm Nam Hàn trong hai ngày kể từ thứ Tư tuần tới (8/11) để thảo luận “trên phạm vi rộng” về mọi hồ sơ, trong đó có vấn đề có vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

Đây sẽ là chuyến thăm Nam Hàn đầu tiên của ông Blinken kể từ tháng 3 năm 2021.


Nhật Bản Tăng Cường Hỗ Trợ An Ninh Cho Phi Luật Tân


(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishiba (phải) tại cuộc họp báo ở Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, ngày 9/2/2023.)

-Nhật Bản chuẩn bị khai triển một kế hoạch hỗ trợ an ninh mới cho Phi Luật Tân. Ngày 1/11/2023, một viên chức chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo và Manila đang đúc kết thỏa thuận viện trợ an ninh. Vấn đề sẽ được hai bên đề cập nhân chuyến công du Phi Luật Tân của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 03/11.

Phát biểu trước báo giới, chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết Tokyo đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Manila về những thiết bị sẽ cung cấp cho Phi Luật Tân, cũng như về thời điểm ký thỏa thuận theo chương trình hỗ trợ an ninh chính thức của Nhật Bản.

Một số nguồn tin, được trang NHK trích dẫn, cho biết chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị để cung cấp cho Phi Luật Tân một radar giám sát hàng hải cùng với nhiều thiết bị khác trong khuôn khổ Chiến lược Hỗ trợ An ninh Chính thức (AOS). Đây là bước áp dụng đầu tiên của kế hoạch được Tokyo đề ra vào tháng 4/2023 nhằm giúp các nước đối tác của Tokyo củng cố năng lực răn đe, cũng như thắt chặt hợp tác quốc phòng song phương.

Chính phủ Nhật Bản nỗ lực tăng cường hợp tác với Phi Luật Tân vì cả hai nước đều cảnh giác với “hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc”. Ngày 1/11, tàu Hải cảnh Trung Quốc và Nhật Bản lại đối đầu nhau trong vùng biển quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai bên đòi chủ quyền. Theo thông tấn xã Reuters, cả hai bên cùng khẳng định đã khai triển tàu để buộc đối phương phải rời khỏi khu vực.

Hai ngày trước đó, phía Trung Quốc cũng thông báo “đuổi” tàu của Phi Luật Tân khỏi vùng biển quanh bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm từ Phi Luật Tân năm 2012. Chính quyền Manila kêu gọi Trung Quốc hành xử một cách có trách nhiệm, nhưng khẳng định chuyến tuần tra định kỳ “không gặp sự việc đáng tiếc nào” dù bị tàu Trung Quốc theo dõi.


Vụ Kiện Ngăn Trump Ứng Cử: Có Cáo Buộc Ông ‘Lẽ Ra Đã Có Thể Bảo Vệ Điện Capitol’ Hôm 6/1/2021


(Hình: Ông Donald Trump kêu gọi người ủng hộ biểu tình hướng đến Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.)

-Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lẽ ra có thể huy động Vệ binh Quốc gia và các cơ quan liên bang khác để bảo vệ Điện Capitol sau khi bạo loạn nổ ra vào ngày 6/1/2021, một Giáo sư luật hôm 31/10/2023 đưa ra lập luận trong lúc vụ kiện nhằm cấm đưa tên ông Trump lên phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2024 chuyển sang giai đoạn mới.

Ông William Banks, Giáo sư luật tại Đại học Syracuse và là chuyên gia về luật an ninh quốc gia, nói rằng khi cuộc tấn công vào Điện Capitol bắt đầu, ông Trump đã có những lựachọn mà ông không sử dụng.

“Ông ấy nên thực thi trách nhiệm của mình được ghi trong Hiến pháp là bảo vệ an ninh của Mỹ khi có một cuộc tấn công vào tiến trình dân chủ của chúng ta”, Giáo sư Banks nói về ông Trump.

Ông Banks ra khai chứng với tư cách nhân chứng cho một nhóm cử tri Colorado muốn cấm đưa tên ông Trump lên phiếu bầu vì ông bị cáo buộc vi phạm lời tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp trong nỗ lực lật ngược thất bại bầu cử hồi năm 2020. Họ trích dẫn một điều khoản hiếm khi được sử dụng trong Tu chính án thứ 14 vốn được thông qua ngay sau Nội chiến Mỹ để cấm những người ‘tham gia nổi loạn’ chống Hiến pháp nắm giữ chức vụ cao.

Vụ kiện ở Colorado và một vụ khác trước Tòa án Tối cao Minnesota hôm 2/11 là hai thách thức có sức nặng nhất trong số hàng chục thách thức pháp lý đối với ông Trump trên khắp đất nước. Hôm 31/10, ban vận động tranh cử của ông Trump đã đệ đơn kiện ở Michigan để ngăn chặn một vụ kiện liên quan. Một trong những vụ kiện có khả năng sẽ được phân xử tại Tối cao Pháp viện, vốn chưa bao giờ ra phán quyết về điều khoản liên quan đến nổi loạn này.

Các Luật sư của ông Trump nói rằng các vụ kiện này là những nỗ lực phản dân chủ nhằm không cho cử tri cơ hội lựa chọn người lãnh đạo họ mong muốn. Họ cũng nói họ sẽ chứng minh trước tòa rằng ông Trump đã xem xét nghiêm túc mối đe dọa bạo lực vào ngày 6/1.

Hôm 31/10, ông Geoffrey Blue, một trong những Luật sư của ông Trump trong vụ kiện ở Colorado, lưu ý rằng các mốc thời gian của Bộ Quốc phòng vào ngày hôm đó cho thấy ông Trump trước đó đã hỏi Tướng Mark Milley, khi đó là người đứng đầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, rằng liệu quân đội có chuẩn bị cho các cuộc biểu tình mà chính ông đã kêu gọi để phản đối Quốc hội chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden vào ngày 6/1 hay không. Ông Milley đã trả lời là có.

Giáo sư Banks thừa nhận ông không biết về những cuộc thảo luận diễn ra tại Tòa Bạch Ốc vào chiều hôm đó. Lời khai trước ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn cho thấy một số Phụ tá của ông Trump đã bàng hoàng trước việc ông Trump không có hành động gì, nhưng các Luật sư của cựu Tổng thống gọi báo cáo của ủy ban này là ‘mang tính đảng phái’ và không được phe Cộng hòa tin tưởng.

Báo cáo cuối cùng của ủy ban này nêu rõ chi tiết về việc ông Trump không hành động khi những kẻ bạo loạn xông vào Điện Capitol, gọi đó là ‘sự xao lãng trách nhiệm’ và đề nghị Quốc hội xem xét cấm ông Trump giữ chức vụ trong tương lai.

 

Không có nhận xét nào: