Olympic-2024: LHQ thông qua « lệnh hưu chiến Olympic » bất chấp sự phản đối của Nga Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, 21/11/2023 đã kêu gọi các nước tôn trọng truyền thống « lệnh hưu chiến toàn cầu Olympic » trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội mùa hè Paris 2024. Nga đã chỉ trích nghị quyết mang tính biểu tượng này và lên án việc đưa chính trị vào thể thao. Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21/11/2023. REUTERS - BRENDAN MCDERMID Chi Phương Theo AFP, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên « tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn Olympic », một tuần trước khi Thế Vận Hội mùa hè Paris 2024 (26/07-11/08/2023) diễn ra và một tuần sau khi Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympic (38/08-08/09/2024) kết thúc.
<!>
Thỏa thuận hưu chiến Olympic, một truyền thống có từ thời Hy Lạp cổ đại, nhằm chấm dứt mọi hành động thù địch trong thời gian thi đấu tại Thế Vận Hội cổ đại, đã được áp dụng kể từ Thế Vận Hội mùa đông Lillehammer Na Uy, năm 1994. Thông thường các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về hưu chiến Olympic, đều được thông qua mà không cần biểu quyết, hai năm một lần, trước Thế vận hội mùa đông và mùa hè.
Thế nhưng năm nay, Nga đã yêu cầu bỏ phiếu và cho rằng nghị quyết về thỏa thuận hưu chiến mà Pháp soạn ra là « không thể chấp nhận được », khi không đề cập đến các nguyên tắc về quyền tham gia thi đấu bình đẳng và phi chính trị hóa trong các cuộc thi đấu thể thao.
Từ New York, trụ sở của Liên Hiệp Quốc, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm thông tin :
« Cho đến nay, tất cả 15 lệnh hưu bắn trong thời gian Olympic đã được thông qua theo hình thức đồng thuận. Nhưng năm nay, Nga đã quyết định làm phức tạp quá trình này, bằng cách yêu cầu một cuộc bỏ phiếu. Matxcơva đã giải thích là muốn phản đối quyết định của CIO : cấm các vận động viên Nga tham dự Thế Vận Hội dưới màu cờ Nga từ khi xẩy ra xâm lược Ukraina.
Điều này đáng lẽ ra có thể chỉ là câu chuyện nhỏ, không đáng nói, nhưng trên thực tế, đây là lệnh hưu chiến Olympic ít được ủng hộ nhất trong lịch sử Thế Vận Hội hiện đại. Chỉ có 118 nước trong tổng số 193 thành viên tham gia bỏ phiếu. Nga và Syria bỏ phiếu trắng, và 70 nước chủ yếu là ở châu Phi không muốn bày tỏ lập trường. Nếu so sánh thì cách nay hai năm, 173 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ một văn bản có nội dung tương tự.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach đã lấy làm tiếc rằng thế giới đang phải đối mặt với ‘quá nhiều cuộc xung đột, chia rẽ và phân cực’, trong khi ông lại nghĩ rằng mọi người đều mong muốn có được những sự kiện tạo ra sự đoàn kết thống nhất, như lệnh hưu chiến Olympic ».
Israel và Hamas đạt thỏa thuận trao đổi con tin - tù nhân và ngừng bắn nhân đạo
Sau một tháng rưỡi kể từ ngày 07/10/2023, một phần các con tin Israel bị Hamas giam giữ có thể được trở về nhà theo thỏa thuận đêm 21 rạng sáng 22/11 giữa Israel và Hamas. 50 con tin, gồm phụ nữ và trẻ em, được thả theo từng đợt trong vòng 4 ngày và trong thời gian này, Israel ngưng các đợt oanh kích nhắm vào Gaza.
Một tấm bảng ảnh các con tin bị Hamas dẫn đi trong cuộc tấn công 07/10, Ramat Gan, ngày 22/11/2023. AP - Oded Balilty
Thùy Dương
Israel cũng sẽ trả tự do các nhiều tù nhân Palestine, một quyết định được hoan nghênh tại các vùng đất của Palestine đang bị chiếm đóng.
Từ Jerusalem, đặc phái viên Sami Boukhelifa gửi về bài tường trình :
« Qaddura Farès, chủ tịch Câu lạc bộ Tù nhân Palestine, một tổ chức dân sự bảo vệ những người Palestine bị cầm tù ở Israel, vui mừng xem việc trả tự do cho con tin Israel để đổi lấy việc trả tự do cho tù nhân người Palestine là một « quyết định đúng đắn ». Ông nói : « Netanyahu từng tin rằng có thể giải cứu được con tin Israel thông qua các hoạt động vũ trang. Nhưng ông ta đã thất bại và gây thất vọng. Một tháng rưỡi chiến tranh đã không cho phép giải phóng con tin Israel. Lựa chọn khả thi duy nhất là đàm phán và trao đổi con tin và tù nhân ».
Hơn 200 con tin Israel đang nằm trong tay Hamas ở Gaza. Ông Qaddura Farès nhắc lại : « Hơn 8.000 người Palestine đang bị cầm tù ở Israel, trong số đó có 82 phụ nữ và khoảng 350 trẻ vị thành niên. Một số người, thậm chí cả trẻ em, đang bị giam nhốt hành chính, tức là bị giam mà không bị buộc tội hay qua xét xử ».
Ông nói tiếp : « Israel là một nước nằm ngoài luật pháp, một quốc gia bất hảo, vi phạm luật pháp và công ước quốc tế mà không bị trừng phạt. Luật pháp quốc tế nghiêm cấm việc bắt giữ trẻ vị thành niên. Việc bắt giữ họ chỉ là trong trường hợp bất khả kháng và chỉ được phép tiến hành trong những điều kiện đặc biệt, và phải áp dụng các đạo luật đặc biệt. Nhưng Israel không tính đến điều đó và đưa trẻ em Palestine ra xét xử trước tòa án quân sự. Đối với người Palestine, Israel không phân biệt người trưởng thành hay trẻ vị thành niên ».
Những người Palestine bị giam giữ nay được thả và có thể trở về nhà ở Đông Jerusalem hoặc Cisjordanie bị chiếm đóng. Theo các nhà báo Palestine, ban đầu Israel đề xuất gửi những người này đến Gaza. Nhưng Hamas dường như đã từ chối đề xuất đó ».
AFP sáng nay 22/11 cho biết là Qatar, nước trung gian trong hồ sơ Gaza, khẳng định một lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ được thông báo trong vòng 24 giờ tới đây. Hưu chiến sẽ kéo dài 4 ngày, và có thể được triển hạn.
Thỏa thuận giữa Israel và Hamas đã được nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc …
Căng thẳng gia tăng tại biên giới Israel – Libansau cái chết của hai nhà báo
Báo chí của Nhà nước Liban cho biết hôm qua, 21/11/2023, 8 người đã thiệt mạng trong vụ oanh kích của Israel vào miền nam Liban, trong đó có hai nhà báo. Các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng tại biên giới giữa hai nước, làm dấy lên nguy cơ xung đột lan rộng tại vùng Cận Đông.
Drone của Israel được nhìn thấy trên không phận thành phố Nabatieh, miền nam Liban, ngày 21/11/2023. AFP - HASSAN FNEICH
Chi Phương
Thủ tướng Liban Najib Mikati vào hôm qua, được AFP trích dẫn, đã « mạnh mẽ lên án cuộc tấn công nhắm vào các nhà báo », « bịt miệng » các phương tiện truyền thông tố cáo tội ác và các cuộc tấn công của Israel.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :
« Sau cái chết của hai nhà báo trong một cuộc tấn công bằng drone, các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng vào sáng thứ Ba tại biên giới giữa Liban và Israel.
Tổ chức Hồi giáo Hezbollah đã thề trả thù cho cái chết của hai nhà báo Farah Omar và Rabih Maamari. Họ tiến hành hàng chục vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel. Đảng của Hassan Nasrallah cho biết đã dùng tên lửa dẫn đường, tấn công vào một cơ sở tình báo quân sự của Israel, ẩn sâu trong một ngôi nhà tại Manara.
Lãnh đạo Hezbollah cũng xác nhận đã nhắm vào một cơ sở thuộc ngành công nghiệp vũ khí ở Shlomi, để đáp trả cuộc tấn công của Israel vào nhà máy luyện nhôm ở miền nam Liban hôm 18/11. Các chiến binh Hồi giáo Shiite cũng đã phóng các tên lửa dẫn đường, tên lửa Grad cũng như nã pháo vào hàng chục mục tiêu ở miền bắc Israel. Về phần mình, không quân của Israel đã hoạt động dồn dập hôm thứ Ba do điều kiện thời tiết thuận lợi, sau nhiều ngày mưa lớn.
Vào đêm qua, các drone của Israel đã tấn công vào thị trấn ven biển Naqoura, nơi đóng quân của Lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Liban (Finul).
Pháo binh và không quân Israel cũng tấn công vào các vùng phụ cận của khoảng 15 ngôi làng, tiến gần đến các khu dân cư nơi mà nhiều ngôi nhà đã bị hư hại. »
Theo AFP, kể từ ngày 07/10, về phía Liban, ít nhất 100 người thiệt mạng,hầu hết là các chiến binh Hồi giáo Hezbollah, nhưng trong đó có ít nhất 14 thường dân, gồm 3 nhà báo. Về phía Israel, 6 binh lính và 3 thường dân cũng đã bỏ mạng. Căng thẳng giữa nhóm Hồi giáo Hezbollah - ủng hộ Hamas - và Israel đã dấy lên lo ngại xung đột ở Gaza lan sang Liban.
Nga khẳng định vô hiệu hóa nhiều drone của Ukraina tấn công bán đảo Crimée
Hôm nay, 22/11/0223, bộ Quốc Phòng Nga khẳng định đã bắn hạ nhiều drone của quân đội Ukraina tấn công bán đảo Crimée, vùng lãnh thổ của Ukraina mà Matxcơva sáp nhập từ năm 2014.
Hiện trường một chiếc drone của Ukraina bị bắn rơi ở Rostov-on-Don, Nga, ngày 07/09/2023. AP
Trọng Thành
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Nga cho biết tổng cộng bốn drone hải chiến tấn công bán đảo Crimée từ phía biển bị bắn hạ, và hệ thống phòng không Nga cũng vô hiệu hóa ba drone tấn công bằng đường không. Các cuộc phản công bằng drone của Ukraina diễn ra liên tục từ đầu chiến tranh, nhưng có chiều hướng gia tăng kể từ đầu cuộc phản công mùa hè vừa qua.
Về phần mình, Không quân Ukraina cho biết đã bắn hạ 14 drone Shahed-131/136 do Iran sản xuất và một tên lửa hành trình của Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu trong đêm qua, rạng sáng nay. Bộ Quốc Phòng Ukraina nói rõ là tên lửa hành trình X-22 của Nga đã bị lệch khỏi mục tiêu, rớt tại một khu vực không người ở tỉnh Zaporijjia, vụ nổ làm hư hại một số nhà dân, nhưng ‘‘không gây tổn thất về người’’. Chỉ huy quân sự tỉnh Odessa miền tây nam Ukraina cũng cho biết ‘‘không có ai bị thương’’ trong cuộc tấn công trong đêm hôm qua của Nga vào khu vực này.
Châu Âu bảo đảm ‘‘cung cấp đủ một triệu đạn pháo’’ cho Ukraina
Từ hôm qua, 21/11, Nghị Viện Châu Âu bắt đầu xem xét việc giao đạn dược đã hứa cho Ukraina, đặc biệt là kế hoạch một triệu đạn pháo vào mùa xuân tới. Trong lúc ngày càng có nhiều thông tin lan truyền về khả năng Liên Hiệp Châu Âu bị chậm trễ trong kế hoạch này, trả lời RFI hôm qua, ủy viên châu Âu phụ trách Thị trường Nội địa, ông Thierry Breton, phủ nhận các tin đồn và bảo đảm là Liên Âu sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, trong chuyến công du Kiev bất ngờ hôm 20/11, tái khẳng định sự hỗ trợ của Washington đối với chính quyền Ukraina. Trước chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, trả lời ABC News, một giới chức Ukraina cho biết số lượng đạn pháo 155 mm Mỹ cung cấp ‘‘giảm hơn 30%’’ kể từ khi xung đột bùng nổ tại Gaza.
Cũng ngày 20/11, bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo một đợt viện trợ quân sự cho Ukraina trị giá 100 triệu euro, bao gồm nhiều hệ thống phòng không. Truyền thông quốc tế chú ý đến một hệ thống phóng tên lửa Himars trong đợt viện trợ mới. Theo báo Mỹ Forbes, điều đáng chú ý là dàn phóng Himars nói trên có thể đã được chỉnh sửa để gia tăng tầm bắn. Hiện tại quân đội Ukraina đã sở hữu 32 bệ phóng Himars, do Mỹ viện trợ và chưa hệ thống nào bị hư hỏng.
Biển Đông: Philippines và Mỹ tuần tra chung để tăng cường bảo vệ ‘‘an ninh khu vực’’
Philippines và Mỹ nối lại việc tuần tra chung ở Biển Đông. Cuộc tuần tra ba ngày, từ hôm qua 21/11/2023 đến ngày 24/11, bắt đầu ở khu vực phía bắc Philippines và kết thúc tại vùng biển phía tây Philippines, tức Biển Đông theo cách gọi của Manila, nơi các tranh chấp trên biển giữa Philippines và Trung Quốc ‘‘đang ngày trở nên quyết liệt hơn’’.
Chiến đấu cơ của Không quân Philippines và Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ trong cuộc tập trận chung mang tên Hoạt động Hợp tác Hàng hải Mỹ - Philippines, gần vùng biển Batanes và phía Nam Trung Quốc. via REUTERS - PHILIPPINE AIR FORCE
Trọng Thành
Theo AFP, Quân đội Philippines cho biết ba chiếm hạm, hai chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 và một máy bay tấn công A-29B Super Tucano tham gia cuộc tuần tra chung. Mỹ cử một tàu chiến ven biển, một máy bay trinh sát và một phi cơ tuần tra hàng hải P8-A Poseidon.
Trong một phát biểu ngày hôm qua, 21/11, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định cuộc tuần tra chung ‘‘trên biển và trên không’’ với Hoa Kỳ là một ‘‘sáng kiến quan trọng” nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tương tác giữa quân đội hai nước. Tổng thống Philippines cho biết ‘‘thông qua các nỗ lực hợp tác này, chúng tôi mong muốn tăng cường an ninh khu vực và thúc đẩy quan hệ đối tác liên lục với Hoa Kỳ trong việc bảo vệ lợi ích chung của chúng ta’’.
Kế hoạch nối lại các cuộc tuần tra chung tại Biển Đông đã được Hoa kỳ và Philippine thông qua về nguyên tắc hồi tháng 2/2023. Trong giai đoạn cầm quyền của tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte, có lập trường ngả về phía Trung Quốc, hoạt động tuần tra chung với Mỹ bị đình chỉ.
Cuộc tuần tra chung Philippines – Mỹ nói trên bắt đầu ngay sau khi tổng thống Philippines viếng thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ ở Hawaii. Trong một phát biểu trước một viện tư vấn ở Hawaii ngày 20/11, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh các tranh chấp tại Biển Đông đang ‘‘đang ngày trở nên quyết liệt hơn’’ do hành xử ngày lấn lướt của Trung Quốc. Nguyên thủ Philippines cảnh báo có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc “bắt đầu quan tâm” đến việc xây dựng căn cứ trên các rạn san hô “ngày càng gần hơn với bờ biển Philippines”.
Lo ngại của Manila tập trung vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo Palawan của nước này khoảng 200 km. Trung Quốc gia tăng các hoạt động ngăn chặn việc Quân đội Philippines tiếp tế cho đơn vị đóng tại một tàu chiến cũ ở bãi san hô này. Báo Nhật Nikkei Asia hôm 21/11/2023 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Washington ‘‘ủng hộ hoàn toàn chính sách sửa chữa con tàu chiến cũ’’ (tức tàu Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây - Second Thomas Shoal) của Manila và cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ theo yêu cầu của Philippines.
Hoa Kỳ : Nhà sáng lập OpenAI trở lại vị trí lãnh đạo sau 4 ngày bị cách chức
Sau 4 ngày bị Hội đồng quản trị của OpenAI cách chức, gây xáo động thung lũng Silicon, Sam Altman hôm nay 22/11/2023, đã trở lại vị trí lãnh đạo của công ty phát minh ra robot « biết tuốt » ChatGPT. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp về Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ được thay đổi.
Sam Altman, nhà sáng lập OpenAI, trong một hội thảo ở San Francisco ngày 06/11/2023. Getty Images via AFP - JUSTIN SULLIVAN
Chi Phương
Sam Altman, được ví như ngôi sao của thung lũng Sillicon về Trí tuệ nhân tạo, đã được Microsoft mời vào làm việc hôm thứ Hai, 20/11, sau khi bị hội đồng quản trị của OpenAI cách chức vị trí CEO với những lý do không rõ ràng vào cuối tuần trước 17/11.
Microsoft tưởng chừng là bên thắng lớn. Sau khi thông báo tuyển dụng Altman, tập đoàn này hứa hẹn sẽ đón tiếp hàng trăm nhân viên của OpenAI đe dọa nghỉ việc nếu Sam Altman không quay trở lại vị trí lãnh đạo. Thế nhưng, vào tối thứ Ba, vào lúc 22h (GMT-8), OpenAI cho biết đã tìm được thỏa thuận để Sam Altman quay trở về lãnh đạo start-up này « với một số thay thổi trong hội đồng quản trị ». Trên mạng xã hội X (tiền thân của Twitter), Sam Altman xác nhận rằng « với sự ủng hộ từ Satya Nadella, CEO của Microsoft, anh rất mong trở lại OpenAI và xây dựng mối quan hệ bền chặt với Microsoft ».
Chủ tịch hội đồng quản trị, Greg Brockman, đồng thời là nhà đồng sáng lập OpenAI, vốn đã quyết định theo Sam Altman đến Microsoft, cũng đã thông báo quay trở lại OpenAI.
Được thành lập từ 2015 như một tổ chức phi lợi nhuận, theo trang CNBC, OpenAI có cách hoạt động không giống như các start-up khác ở thung lũng Silicon, không có lượng vốn lớn do các nhà sáng lập kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp lớn như Microsoft đã đầu tư hàng triệu đô la vào start-up này. Hội đồng quản trị của OpenAI « đóng vai trò là cơ quan quản lý tổng thể cho tất cả các hoạt động của OpenAI ».
Sam Altman giữ vị trí lãnh đạo từ năm 2019, vừa là CEO, vừa là gương mặt đại diện cho nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo và phát triển sản phẩm của OpenAI. Robot hội thoại ChatGPT của doanh nghiệp này, được ra mắt vào năm 2022, đã khuấy đảo giới công nghệ, thúc đẩy cuộc đua về Trí tuệ nhân tạo, và cuộc đua sáng tạo nội dung hình ảnh, hay âm thanh qua những yêu cầu bằng văn bản.
Vụ việc tại OpenAI khiến mọi người nhanh chóng so sánh với quyết định sa thải Steve Jobs của Apple cách nay 38 năm. Đến năm 1997, Steve Jobs quay trở lại Apple và cho ra mắt iphone và biến Apple trở thành « ông lớn » công nghệ của Hoa Kỳ.
Bắc Triều Tiên khẳng định phóng thành công vệ tinh do thám lên quỹ đạo
Hôm nay 22/11/2023, Bắc Triều Tiên thông báo đã thành công trong việc phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo, vào hôm qua 21/11.
Ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp: Tên lửa đẩy Malligyong-1 được cho là dùng để phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Bình Nhưỡng ngày 21/11/2023. AP - uncredited
Thùy Dương
Theo hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Kim Jong Un đã xem được những bức ảnh vệ tinh chụp các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam, như căn cứ không quân Anderson, Apra Harbour và một số căn cứ quân sự khác của Hoa Kỳ. Ảnh chụp từ phía trên bầu trời đảo Guam ở Thái Bình Dương và Bình Nhưỡng nhận được lúc 9h21 sáng hôm nay 22/11.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm chi tiết :
« Theo truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên, Maligyong-1, vệ tinh do thám đầu tiên của nước này, đang ở trên quỹ đạo. Vụ phóng vệ tinh do thám là một ưu tiên của chế độ Bình Nhưỡng từ năm 2021 và đã được Kim Jong Un hoan nghênh. Vây quanh ông là các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật của NATA, được xem như « NASA » của Bắc Triều Tiên. Vệ tinh do thám này được cho là sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng thông tin tình báo về các hoạt động quân sự ở phía nam biên giới.
Thật khó để nói là ưu thế chiến lược mà Maligyong-1 mang lại cao đến mức nào. Tất cả sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động của vệ tinh, chất lượng hình ảnh và khả năng gửi ảnh nhanh chóng về Trái đất. Dẫu sao đây cũng là một thành tựu công nghệ lớn đối với một nước đang bị cô lập và bị trừng phạt như Bắc Triều Tiên.
Sau hai lần phóng thử thất bại, vụ phóng thành công lần này, theo Seoul, có thể là đã được thực hiện với sự giúp đỡ của Matxcơva. Sau thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Vladimir Putin hồi tháng 09/2023 tại sân bay vũ trụ Vostotchny, địa điểm mang tính biểu tượng của chương trình không gian vũ trụ của Nga, vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 10, đã được lui lại.
Và cuối cùng thì nó cũng diễn ra một tuần trước khi Hàn Quốc lần đầu phóng vệ tinh do thám theo hợp đồng với công ty Mỹ SpaceX. Hàn Quốc đã dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ đưa được 5 vệ tinh lên quỹ đạo để theo dõi liên tục và trực tiếp nước láng giềng hay gây rối ».
Theo AFP, quân đội Hàn Quốc sáng nay thông báo, dường như vệ tinh do thám này đã lên đến quỹ đạo. Ngay từ hôm qua, sau khi có thông tin về vụ phóng của Bắc Triều Tiên, Seoul đã quyết định đình chỉ bán phần thỏa thuận quân sự ký năm 2018 với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tokyo nhấn mạnh là không thể nhân nhượng hay bỏ qua việc Bình Nhưỡng phát triển nhanh chóng các công nghệ tên lửa. Về phía Mỹ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng hôm qua lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, vốn bị xem là vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào. Washington tố cáo Bắc Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng, có thể gây bất ổn trong và ngoài khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét