Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :20/11/2023 - Duke Nguyên


Trạm Không gian Quốc tế kỉ niệm 25 năm thành lập
Cách đây đúng 25 năm, ngày 20/11/1998, một tên lửa đẩy Proton đã được phóng từ sân bay vũ trụ Baykonur, Kazakhstan, mang theo Zarya, module đầu tiên của Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Trong suốt một phần tư thế kỷ, trạm ISS không ngừng được mở rộng, hiện có diện tích tương đương với một sân đá bóng, quay quanh quỹ đạo Trái Đất dài 400 km. Trạm Không gian Quốc tế (ISS) được chụp bởi các thành viên phi hành đoàn Expedition 56 từ tàu vũ trụ Soyuz, ngày 04/10/2018. REUTERS - HANDOUT - Thu Hằng
<!>
Trạm ISS là biểu tượng cho thành công khoa học, một lĩnh vực có được tiếng nói chung hiếm hoi giữa các đại cường. Năm 1993, hai năm sau Liên Xô sụp đổ, Nga và Mỹ đã ký một thỏa thuận đối tác lịch sử : xây dựng một trạm không gian. Sự kiện này biểu tượng cho mối quan hệ mới mà hai nước muốn duy trì.

Theo trang Franceinfo, thực ra Mỹ đã khởi động dự án lập trạm không gian ngay năm 1984. Tổng thống Ronald Reagan muốn các nước đối tác thuộc « thế giới tự do », như châu Âu, Nhật Bản, Canada cùng tham gia. Phía Liên Xô cũng có một chương trình riêng và đã triển khai trạm không gian MIR ngay từ năm 1986.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga trở thành đối tác trong các chương trình hợp tác không gia. Từ module đầu tiên được phóng ngày 20/11/1993, Trạm Không gian Quốc tế hiện có chiều dài 110 mét, rộng 74 mét, nặng hơn 400 tấn và có khoảng 250 phi hành gia từ 20 nước khác nhau đã sống trên trạm ISS.

Tuy nhiên, kể từ khi Nga phát động chiến tranh Ukraina vào tháng 02/2022, hầu hết các chương trình hợp tác khoa học với Nga đã bình đình chỉ. Trạm ISS sẽ ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030. Các bộ phận sẽ được tháo dỡ và để cháy trong bầu khí quyển.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bất ngờ tới Kiev để tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraina

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tới Kiev ngày hôm nay 20/11/2023, nhằm trấn an Ukraina về sự ủng hộ bền vững của Mỹ đối vớ Ukraina trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, tại Kiev, Ukraina, ngày 19/10/2021. AFP - HANDOUT
Minh Phương
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, được AFP trích dẫn, bộ trưởng Austin tới Kiev để « tăng cường sự ủng hộ » không gì lay chuyển nổi của Hoa Kỳ đối với Ukraina.

Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ hội đàm với tổng thống, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, cũng như chỉ huy quân đội Ukraina.

Đây là lần thứ hai, bộ trưởng Austin công du Ukraina, kể từ khi Nga xâm lược nước này.

Vẫn liên quan đến Ukraina, hôm nay 20/11 là Ngày Quốc tế về Quyền của Trẻ em. Cuộc chiến tại Ukraina đã làm hơn 500 trẻ em thiệt mạng và khoảng 1000 trẻ bị thương, chưa kể tới việc có khoảng 20 000 trẻ em Ukraina đã bị cưỡng ép sang Nga. Hôm qua, chính quyền Kiev thông báo, có một thiếu niên Ukriana mồ côi đã được hồi hương.

Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze gửi về bài tường trình :

Bogdan Iermokhine, một cậu bé mồ côi ở Mariupol, đã được đưa trở về quê hương Ukraina vào ngày sinh nhật 18 tuổi của mình, theo khẳng định của chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak. Lần trở về của cậu là nhờ kế hoạch hành động “Bring Kids Back” (tạm dịch : Đưa trẻ em trở về quê hương) với sự hợp tác và môi giới của UNICEF và Qatar.

Bogdan Lermokhine đã bị ép buộc chuyển đến Nga vào mùa xuân năm ngoái khi quân đội Nga chiếm đóng thành phố của cậu. Cậu đã yêu cầu được trở về nhà và thậm chí đã trực tiếp đề nghị tổng thống Zelensky giúp đỡ các thủ tục. Vào tháng ba năm ngoái, cậu đã thử bỏ trốn nhưng sau đó bị bắt lại tại biên giới Belarus.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Đến hiện tại, Ukraina ước tính đã có gần 20 000 trẻ em bị đưa sang Nga, trong đó gần 400 trẻ được đưa trở về quê hương. Toà án Hình sự Quốc Tế cũng đã cáo buộc Tổng thống Nga Valdimir Putin và Uỷ viên phụ trách nhân quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova Belova phạm tội ác chiến tranh vì đã cưỡng ép bất hợp pháp hàng nghìn trẻ em Ukraina sang Nga.

Về phần mình, hôm 18/11, Kiev đã thông báo sẽ trừng phạt hàng trăm người vì liên quan đến việc bắt cóc và đưa những trẻ em Ukraina này sang Nga.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cách chức chỉ huy lực lượng quân y Ukraina.
Theo Reuters, khi gặp bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Rustem Umerov, ngày hôm qua, 19/11, tổng thống Zelensky đã thông báo quyết định này và ông kêu gọi cần nhanh chống cải tổ cách thức hoạt động của lực lượng quân y Ukraina.

Achentina : Ứng cử viên cực hữu “chống chính quyền” Javier Milei đắc cử tổng thống

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày hôm nay 20/11/2023, ứng cử viên theo đảng cực hữu Javier Milei đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Achentina với 55,95% phiếu bầu. Trong chiến dịch tranh cử, ông Mileiđã khẳng định phải cải tổ Achentinatrong bối cảnh nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong vòng 20 năm trở lại đây.


Javier Milei phát biểu tại một cuộc mít tinh trong chiến dịch tranh cử ở Buenos Aires, Achentina, ngày 22/10/2023. AP - Natacha Pisarenko
Minh Phương
Tối qua, 19/11, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, tổng thống đắc cử Achentina Javier Milei khẳng định đây là “đêm lịch sử của Achentina” và từ nay sẽ chấm dứt tình trạng kinh tế sa sút tại quốc gia Nam Mỹ này. Ông cũng nhấn mạnh sẽ xây dựng một đường lối chính trị mới, “đường lối tự do kinh tế” để đưa đất nước trở lại vị trí cường quốc thế giới.

“Chúng ta hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn : lạm phát, trì trệ, thiếu việc làm, mất an ninh, nghèo đói và khổ đau […] và những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta áp dụng những đường lối tư duy tự do.”

Ông Javier Milei vốn là một kinh tế gia theo chủ trương “tư bản chủ nghĩa vô chính phủ” luôn mong muốn chống lại “giai cấp ký sinh” với quyết tâm loại bỏ vai trò của Nhà nước và chủ trương đô la hoá nền kinh tế. Ông cũng từng đưa ra nhiều ý tưởng gây tranh cãi như “giải pháp thị trường” cho việc hiến tạng hay phản đối luật phá thai. Về vấn đề môi trường, ông cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là một “chu trình” chứ không thuộc về trách nhiệm của con người.

Achentina hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát kéo dài, từ lâu đã luôn ở mức ba số (143%/năm) cùng với đó là sụt giảm kinh tế nghiêm trọng khi cứ 10 người dân Achentina thì lại có 4 người sống dưới ngưỡng nghèo khó. Chính phủ cũng phải đương đầu với các khoản nợ và đồng tiền suy yếu.

Hàn Quốc cảnh cáo Bắc Triều Tiên về dự án phóng vệ tinh dọ thám

Vào lúc Bình Nhưỡng được cho là sắp phóng vệ tinh trinh sát quân sự thứ ba, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm nay, 20/11/2023, đã cảnh cáo, yêu cầu Bắc Triều Tiên « ngưng tức thì kế hoạch phóng vệ tinh dọ thám hiện đang trong quá trình chuẩn bị. »


Ảnh do Bắc Triều Tiên cung cấp về vụ phóng tên lửa Chollima-1 mới được phát triển, mang theo vệ tinh Malligyong-1 tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae, ngày 31/05/2023. © AP - North Korean government
Minh Anh
Theo Yonhap, trước giới báo chí, trung tướng Kang Ho Pil, giám đốc điều hành trung tâm JCS chính thức tuyên bố lời cảnh cáo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), khi nhắc lại rằng Bắc Triều Tiên vẫn đang nỗ lực thực hiện cuộc phóng vệ tinh « bất chấp nhiều lần cảnh báo từ liên minh Mỹ - Hàn và cộng đồng quốc tế ». Và đó là « một sự vi phạm rõ nét các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cấm sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo ».

Tướng Kang cảnh báo, trong trường hợp Bắc Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự, quân đội Hàn Quốc có thể sẽ thực hiện nhiều « biện pháp thích hợp » như đình chỉ một phần việc thực thi thỏa thuận quân sự liên Triều ký này19/09/2018 nhằm « bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân ».

Mặt khác, tướng Kang cho rằng, việc thành lập một vùng cấm bay xung quanh khu vực phi quân sự DMZ đã hạn chế nghiêm trọng các hoạt động giám sát và trinh sát của Hàn Quốc, và đây cũng là khu vực mà « vệ tinh dọ thám của Bắc Triều Tiên tìm cách tăng cường khả năng giám sát và dọ thám chống lại Hàn Quốc. »

Cũng trong ngày hôm nay, chế độ Bình Nhưỡng thông qua lời một quan chức bộ Quốc Phòng đã dọa rằng sẽ phải « trả giá đắt cho cuộc khủng hoảng an ninh » từ việc « thu lợi mù quáng » nhờ vào việc « bán vũ khí bừa bãi ».

Trong tuần rồi Hoa Kỳ thông báo khả năng bán tên lửa không đối không AIM-9X, tên lửa bắn chặn Standard Missile-6 (SM-6) và nhiều loại trang thiết bị khác trong khuôn khổ chương trình bán thiết bị quân sự ra nước ngoài từ chính phủ này sang chính phủ khác.

Biển Đông : Philippines muốn cùng Việt Nam và Malaysia soạn thảo Bộ Quy tắc Ứng xử riêng

Tổng thống Philippines hôm nay, 20/11/2023, cho biết, Manila đang tiếp cận với nhiều nước láng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một Bộ Quy tắc ứng xử riêng biệt về Biển Đông.


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, ngày 19/11/2023. AP - Audrey McAvoy
Minh Anh
Phát biểu tại Hawai trong một sự kiện được phát trực tiếp, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., giải thích rằng căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và nhiều nước láng giềng để duy trì hòa bình an ninh cho các tuyến đường hàng hải rất quan trọng trong khu vực.

Theo nguyên thủ Philippines, bất chấp những nỗ lực của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tiến độ đàm phán cho bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN rất được trông đợi lại « diễn ra khá chậm chạp ».

Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, Philippines buộc phải « chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong khối ASEAN có tranh chấp lãnh hải » với Trung Quốc như Việt Nam và Malaysia để « xây dựng một bộ Quy tắc Ứng xử riêng biệt ». Tổng thống Philippines bày tỏ hy vọng « điều này sẽ được phát triển và mở rộng sang nhiều nước ASEAN khác ».

Ngoài ra, ông Marcos cho rằng « những rạn san hô gần đây nhất mà quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu quan tâm đến để xây dựng căn cứ quân sự ngày càng tiến gần hơn đến bờ biển Philippines ».

Đại sứ quán Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam tại Manila chưa có bình luận gì về những phát biểu trên của tổng thống Philippines. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong cuộc họp báo thường nhật cảnh báo « bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược tinh thần của Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu ».

Những nhận xét này của ông Marcos được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu 17/11, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ.

Theo Reuters, từ hai thập niên qua, Trung Quốc và ASEAN đã thương lượng về một dự thảo văn bản đàm phán duy nhất về Bộ Quy tắc ứng xử, nhưng các tiến bộ đạt được rất chậm chạp, cho dù các bên liên quan cam kết thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về COC.

Israel công bố bằng chứng Hamas dùng bệnh viện al Shifa ở Gaza làm "cơ sở khủng bố"

Ngày 20/11/2023, quân đội Israel tiếp tục mở rộng chiến dịch chống Hamas ở miền bắc dải Gaza trong lúc các cuộc đàm phán trả tự do cho con tin bị Hamas bắt giữ vẫn tiếp diễn. Trước đó, nước trung gian Qatar cho biết còn « vài bất đồng rất nhỏ », trong đó có vấn đề « hậu cần » và « cách tiến hành » để đi đến thỏa thuận, nhưng không nêu rõ lịch trình.


Một sĩ quan Israel chỉ vào những vũ khí được cho là của Hamas phát hiện tại bệnh viện al Shifa. Ảnh cắt từ video ngày 15/11/2023 của quân đội Israel. via REUTERS - Israel Defense Forces
Thu Hằng
Tối 19/11, quân đội Israel đã công bố nhiều hình ảnh mà họ khẳng định trích từ camera giám sát bệnh viện al Shifa ngày 07/10 cho thấy Hamas sử dụng bệnh viênal Shif làm « cơ sở khủng bố », giam giữ nhiều con tin.

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem cho biết thêm :

« Ở Israel, một nguồn tin chính trị xác nhận là đã có những tiến bộ rõ rệt theo hướng giải phóng các con tin, nhưng vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể. Người ta cũng bác thông tin là một đợt ngừng bắn lúc 11 giờ sáng nay, giờ địa phương, đang được triển khai theo như Hamas thông báo trước đó.

Vấn đề được đàm phán là trả tự do cho khoảng 50 con tin, trong đó có nhiều trẻ em và các bà mẹ, đổi lấy tù nhân và trẻ vị thành niên Palestine bị giam ở Israel. Thời hạn ngừng bắn là 5 ngày. Nhưng theo các cơ quan truyền thông, các cuộc đàm phán tập trung vào yêu cầu của Hamas lập một vùng cấm bay trên không phận Gaza trong thời gian ngừng giao tranh.

Hôm qua, đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn của quân đội Israel, đã giới thiệu nhiều hình ảnh từ camera giám sát ngày 07/10 cho thấy hai người đàn ông là lao động nhập cư Nepal và Thái Lan, mà Israel cho là các con tin, đã bị nhiều người có vũ trang đưa đến bệnh viện al Shifa. Trong một xe ô tô, người ta thấy một người đàn ông cúi gập người, bị những lính gác lôi xềnh xệch. Một con tin khác nằm trên cáng, máu đầy người.

Quân đội Israel cũng đề cập số phận của nữ quân nhân Noa Marciano, cũng bị bắt hôm 07/10. Thi thể của quân nhân này được tìm thấy vào cuối tuần trước trong một dãy nhà liền kề bệnh viện. Người phát ngôn quân đội Israel khẳng định là người lính 19 tuổi đó dường như đã bị hành hình ngay bên trong bệnh viện. Ông cũng khẳng định là có bằng chứng về vụ hành hình này ».

Ngoài ra, quân đội Israel cũng thông báo đã phát hiện một đường hầm dài 55 mét « phục vụ mục đích khủng bố », sâu 10 mét dưới bệnh viện al Shifa. « Có một cầu thang dựng đứng ở lối vào đường hầm » được trang bị kiên cố, trong đó có cửa bọc thép « nhằm ngăn lực lượng Israel tiến vào các trung tâm chỉ huy ».

Pháp gửi thêm viện trợ nhân đạo cho thường dân Gaza
Cuộc tấn công của Israel nhằm trả đũa đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng từ ngày 07/10, theo số liệu của Hamas. Ngày 19/11, điện Elysée ra thông cáo cho biết tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chất vấn thủ tướng Israel về tình trạng « có quá nhiều thường dân thiệt mạng » ở Gaza và nhắc lại với ông Netanyahu là « cần phải phân biệt rõ giữa những kẻ khủng bố và dân thường ».

Trước đó, tổng thống Pháp thông báo gửi một đợt viện trợ nhân đạo mới tới Gaza, các bệnh viện Pháp có thể tiếp nhận điều trị đến 50 trẻ em từ vùng lãnh thổ này. Ngoài ra, tầu sân bay trực thăng Dixmude sẽ đến hỗ trợ Ai Cập trong hoạt động nhân đạo.

Trung Quốc và các nước Hồi giáo thảo luận tình hình Gaza

Hôm nay 20/11/2023, tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc tiếp một phái đoàn ngoại giao của chính quyền Palestine và bốn nước có đông dân Hồi giáo là Indonesia, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, và Jordanie nhằm thảo luận về tình hình xung đột ở dải Gaza.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) bắt tay đồng nhiệm Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan Al Saud, tại nhà khách Điếu Ngư, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngfay 20/11/2023. AP - Andy Wong
Minh Anh
AFP trước hết lưu ý, Indonesia tuy không phải là một nước Ả Rập, nhưng có cộng đồng theo Hồi Giáo đông nhất thế giới (90 % dân số của đất nước hơn 270 triệu dân theo đạo Hồi). Tham dự phiên họp còn có tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Tại cuộc gặp, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải khẩn cấp hành động nhằm chấm dứt « thảm họa nhân đạo », đang diễn ra ở dải Gaza và cam kết rằng Bắc Kinh sẽ phối hợp với các bên liên quan nhằm « hạ nhiệt nhanh chóng tình hình ở Gaza và vãn hồi hòa bình cho Trung Đông càng sớm càng tốt ».

Cũng theo ông Vương Nghị, tình hình xung đột dữ dội ở khu vực đang « ảnh hưởng »nghiêm trọng đến tất cả các nước trên toàn thế giới, đặt lại vấn đề « bên thiện và bên ác » cũng như là « những nguyên tắc cơ bản của nhân loại ». Do vậy, quốc tế phải « khẩn trương hành động » và có những « biện pháp hiệu quả » nhằm ngăn chặn « tấn thảm kịch này lan rộng ».

Bắc Kinh cho biết cuộc họp lần này là nhằm « xúc tiến các giải pháp giảm leo thang cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phe Hamas, bảo vệ thường dân, và giải quyết vấn đề Palestine một cách công bằng ».

Từ đầu cuộc xung đột, Trung Quốc đã kêu gọi một lệnh hưu chiến tức thì. Theo truyền thống, Bắc Kinh ủng hộ người Palestine và chủ trương chính sách « Hai nhà nước » trong xung đột Israel – Palestine.

Ấn Độ và Úc đối thoại tăng cường an ninh và quan hệ chiến lược

Nhằm tăng cường quan hệ chiến lược giữa hai nước, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng của Ấn Độ và Úc hôm nay 20/11/2023, tiến hành thảo luận tại New Delhi các vấn đề an ninh và quốc phòng, trong khuôn đối thoại 2+2.


Đại diện chính phủ Ấn Độ đón tiếp ngoại trưởng Úc Penny Wong tại sân bay New Delhi, Ấn Độ, ngày 20/11/2023. © AP/ India's External Affairs Ministry
Minh Phương
Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, được AP trích dẫn, ngoại trưởng Úc Penny Wong và bộ trưởng Quốc Phòng Úc đã tới New Delhi để thảo luận với các đồng nhiệm Ấn Độ, trong khuôn khổ đối thoại 2+2, các vấn đề khu vực và trên thế giới.

Vẫn theo nguồn tin trên, « hai bên cũng sẽ trao đổi quan điểm về các mối ưu tiên chung nhằm tăng cường quan hệ đa phương thu hẹp và quan hệ đa phương nói chung ».

Ngoài các cuộc gặp 2+2, theo lịch trình, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh sẽ có cuộc gặp riêng với đồng nhiệm Úc. Tương tự, ngoại trưởng Úc và Ấn Độ cũng các cuộc hội đàm song phương vào thứ Tư, 22/11.

Đối thoại an ninh, quốc phòng giữa Úc và Ấn Độ diễn ra chỉ vài tuần sau khi New Delhi đã đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Llyod Austin. Hai nước cùng nhấn mạnh sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng và xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực tự do, thịnh vượng và an toàn.

Ấn Độ và Úc đều là thành viên của Bộ Tứ QUAD, cùng với Nhật Bản và Mỹ. Mục đích của QUAD là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á.


Không có nhận xét nào: