Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :13/11/2023 - Dke Nguyễn

Diễn đàn APEC : Mỹ sẽ là « chủ nhà tốt » đón tiếp phái đoàn Nga
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Washington để cô lập Matxcơva trên trường quốc tế do việc Nga xâm lược Ukraina, một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 12/11/2023 tuyên bố Washington sẽ hành xử với Nga như mọi thành viên khác tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tuần này tại San Francisco (11-17/11/2023).Ngày đầu tiên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), San Francisco, California, ngày 11/11/2023. via REUTERS - POOL - Thùy Dương
<!>
Dẫn đầu phái đoàn Nga đến dự APEC là phó thủ tướng Alexeï Overtchouk. Ông Matt Murray, quan chức bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên trách về APEC, nói với AFP là phó thủ tướng Nga sẽ được tiếp đón như « trưởng phái đoàn và sẽ có dịp tham gia toàn bộ các sự kiện trong tuần này » trong khuôn khổ APEC.

Do chiến tranh Ukraina, bản thân phó thủ tướng Nga Alexeï Overtchouk đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhất là của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng trái với đa phần các quan chức Nga, ông lại không bị chính quyền Mỹ nhắm tới. Tuy nhiên, ông Overtchouk sẽ không được Hoa Kỳ tiếp đón với nghi lễ ngoại giao, như với các nguyên thủ Nhà nước và người đứng đầu chính phủ của các nước khác đến dự APEC.

Hồi tháng trước, bộ Ngoại Giao Mỹ từng cho biết không đón tiếp tổng thống Nga Putin tại San Francisco. Đáp lại, Matxcơva cho rằng việc cử đại diện đến thượng đỉnh là quyền của các nước thành viên APEC.

Xin nhắc lại, ngày 17/03/2023, Tòa Hình sự Quốc tế, trụ sở tại La Haye, đã phát lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh xảy ra từ khi quân Nga xâm lược Ukraina, nhất là về các vụ đày ải trẻ em Ukraina sang Nga.

Thủ tướng Israel nêu khả năng đạt thỏa thuận để giải phóng các con tin bị Hamas bắt giữ

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ NBC, ngày 12/11/2023, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã đề cập đến khả năng đạt được một thỏa thuận nhằm giải phóng các con tin là người già, phụ nữ, trẻ em trong số hơn 240 người bị Hamas bắt giữ từ ngày 07/10.
 
Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu, trong một sự kiện tại Tel Aviv, Israel, ngày 28/10/2023. © Abir Sultan / AP
Chi Phương
Theo thủ tướng Israel, nếu thỏa thuận này có thể đạt được, đó là nhờ vào áp lực quân sự và ông sẽ thông báo nếu có kết quả. Tuy nhiên, một quan chức Palestine ở Gaza xin ẩn danh, cho AFP biết, chính ông Netanyahu là người gây khó khăn cho việc đạt được thỏa thuận với Hamas, trong việc trao trả con tin.

Trong một cuộc phỏng vấn khác trên đài CNN, ông Netanyahu từ chối chịu trách nhiệm về việc không ngăn chặn được cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Thủ tướng Israel cho rằng « câu hỏi này sẽ được giải quyết sau chiến tranh », và biện minh : « Liệu mọi người có đặt câu hỏi này với tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt sau cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng năm 1941 hay với ông George W.Bush sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 hay không ? »

Còn tại Israel, theo nhiều cuộc thăm dò, khoảng 70 % người được hỏi cho rằng thủ tướng Netanyahu không phải là người có năng lực tốt nhất để lãnh đạo chính phủ trong bối cảnh có chiến tranh.

Từ Tel-Aviv, thông tín viên RFI Murielle Paradon và Boris Vichith tường trình :

« Tại một ngã tư ở Tel Aviv, không có nhiều người đến nhưng họ bày tỏ ý kiến của mình. Những người biểu tình giơ các tấm bảng với hình ảnh của thủ tướng Israel tay nhuốm máu. Họ cho rằng ông Benyamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến và yêu cầu thủ tướng từ chức ngay lập tức. Itamar, một nghệ sĩ cho biết : « Tôi yêu cầu ông Netanyahu phải rời khỏi chính phủ. Ông ấy đã hủy hoại cuộc sống của những người Israel từ nhiều năm qua, nhưng trong cuộc chiến này ông ta là một thảm họa. Nếu muốn cứu con tin, nếu muốn ngừng cuộc chiến này lại và ngừng giết hại những thường dân vô tội, ông ta phải từ chức ».

Tuy nhiên, những người biểu tình này bị những người Israel khác công kích. Zeev, mặc một chiếc áo với hàng chữ đòi trả tự do cho các con tin ở Gaza, cho rằng « đây không phải là lúc để bàn về chính trị. Cần phải đoàn kết vì những người bị bắt làm con tin ở đó. Hiện không phải là thời điểm thích hợp để tranh cãi chính trị ». Một người khác khoảng 50 tuổi thì cho rằng thủ tướng Netanyahu đã để cho Hamas phát triển vì mục đích chính trị của riêng ông ấy. Bà nói : « Tôi hy vọng rằng mọi người cuối cùng sẽ hiểu được mối liên hệ giữa ông ta và các vụ thảm sát, giữa Netanyahu và chế độ độc tài. Ông ta chính là người phải chịu trách nhiệm, ấy vậy mà ông ta vẫn tại vị ».

Nhóm người biểu tình ít ỏi này là những gì còn lại của các cuộc biểu tình lớn, tập hợp những người chống ông Netanyahu cách nay vài tháng, phản đối một cải cách được cho là phi dân chủ của chính phủ Israel. Đối với họ, không có chuyện từ bỏ phản kháng. »

Liên Âu lên án Hamas dùng bệnh viện như lá chắn, kêu gọi Israel kiềm chế để bảo vệ thường dân Gaza

Liên Hiệp Châu Âu ngày Chủ Nhật 12/11/2023 lên án tổ chức Hamas ở dải Gaza sử dụng các bệnh viện và thường dân như những lá chắn sống, đồng thời kêu gọi Israel kiềm chế hết sức có thể để bảo vệ tính mạng của người dân ở Gaza.


Khói bốc lên gần khu bệnh viên Al Shìa, nơi có nhiều người Palestine đến trú ẩn, trong bối cảnh Israel tấn công Gaza. Ảnh chụp ngày 09/11/2023. REUTERS - STRINGER
Thùy Dương
Hãng tin Anh Reuters hôm nay 13/11 nhắc lại, phía Israel khẳng định tổ chức Palestine Hamas đã đặt các trung tâm chỉ huy bên dưới và gần các bệnh viện. Hamas đã bác bỏ cáo buộc này. Theo quân đội Israel, cần phải tiếp cận các địa điểm này để giải thoát khoảng 200 con tin bị Hamas đã bắt cóc trong cuộc tấn công vào Israel ngày 07/10.

Từ thứ Sáu 11/10, gọng kềm đã siết chặt quanh các bệnh viện ở Gaza.

Bộ Y Tế thuộc chính quyền Hamas tại dải Gaza hôm nay cho AFP biết là toàn bộ các bệnh viện ở miền bắc Gaza không còn có thể hoạt động. Sáu trẻ sinh non và 9 bệnh nhân đang được điều trị tích cực đã tử vong do bệnh viện không có điện trong bối cảnh bị Israel bao vây.

Trong thông cáo nhân danh 27 nước thành viên Liên Hiệp, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, lưu ý, « các thường dân phải được cho phép rời khỏi khu vực chiến sự » và thúc giục Israel tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, thực hiện hiện nghĩa vụ bảo vệ các bệnh viện, trang thiết bị y tế và thường dân đang ẩn náu trong các cơ sở này.

Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Shaina Low, phát ngôn viên tổ chức phi chính phủ Norwegian Refugee Council, tại Jérusalem, nhấn mạnh cách duy nhất để cứu mạng người và tiến hành hoạt động cứu trợ là lệnh ngừng bắn :

« Bệnh viện và xe cứu thương được hưởng sự bảo vệ đặc biệt theo luật pháp quốc tế, và phải được bảo vệ khi được sử dụng vào mục đích duy nhất là chăm sóc và hỗ trợ y tế. Nếu Israel cho rằng các hoạt động quân sự được tiến hành từ các bệnh viện thì họ có trách nhiệm chứng minh rằng điều đó đã thực sự xảy ra. Và ngay cả trong trường hợp này, Israel phải tiến hành các biện pháp đáp trả tương xứng, tránh gây tổn hại đến sinh mạng thường dân, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi Israël và cộng đồng quốc tế làm mọi điều trong khả năng, quyền hạn của mình để bảo vệ thường dân, đặc biệt là nhân viên y tế và các bệnh nhân. Hơn nữa, chúng tôi cần có một lệnh ngừng bắn. Đó là cách duy nhất để cứu các sinh mạng và tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo một cách an toàn. Nếu chúng ta muốn hàng cứu trợ đến được với những người đang bị tổn thương nhất, chúng ta cần lệnh hưu chiến để có thể thực hiện điều đó một cách an toàn ».

Liên quan đến việc di tản người dân khỏi dải Gaza, AFP cho biết là theo thông tin từ cả phía Gaza và Ai Cập, trong ngày hôm qua 12/10 đã có 500 người ở Gaza, mang hai quốc tịch, đã được Ai Cập tiếp đón qua cửa khẩu Rafah.

Về phía Liên Hiệp Quốc, định chế quốc tế này hôm nay 13/11 treo cờ rủ và để 1 phút mặc niệm các nhân viên đã thiệt mạng tại Gaza. Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Gaza ngày 10/11 thông báo kể từ khi chiến tranh Gaza nổ ra, đã có hơn 100 nhân viên thiệt mạng.

Tổng thống Ukraina cảnh báo : Mùa đông này, Nga sẽ lại tấn công ác liệt

Ukraina cần tập trung vào công tác phòng thủ. Phát biểu tối 12/11/2023tổng thống Volodymyr Zelensky báo động Ukraina phải trong tư thế sẵn sàng đối phó với một đợt tấn công mới của Nga và đặc biệt là Matxcơva sẽ lại nhắm vào các cơ sở hạ tầng như các nhà máy điện vào mùa đông giá rét. Còn trên mặt trận ở miền đông Ukraina, quân đội Nga cũng đang chuẩn bị phản công.


Một cơ sở hạ tầng điện lực sau cuộc tấn công bằng drone của Nga ở vùng Kiev, Ukraina, ngày 19/12/2022. © Felipe Dana / AP
Thanh Hà
Tuyên bố nói trên được đưa ra vào lúc một phát ngôn viên bên quân đội Ukraina cảnh báo chiến sự thuyên giảm tại Avdiivka nhưng sẽ « bùng lên trở lại trong những ngày sắp tới ». Trong toàn cảnh u ám đó, tình báo quân đội Ukraina loan báo ba sĩ quan của Nga đã tử thương trong vụ tấn công hôm Thứ Bảy vừa qua tại thành phố Melitopol do Nga chiếm đóng.

Thông tín viên Pierre Alonso từ thủ đô Matxcơva cho biết thêm thông tin.

« Một vụ nổ lớn vào tối Thứ Bảy vừa qua ở Melitopol, một thành phố ở phía nam Ukraina cách chiến tuyến 70 cây số. Tình báo quân đội Ukraina cho biết, trụ sở lực lượng Nga đang chiếm đóng khu vực này là mục tiêu bị nhắm tới. Thông cáo nói rõ đây là hành động trả thù do một phong trào kháng chiến tại khu vực này tiến hành. Theo chính quyền Kiev thiệt hại khá nặng nề : có ít nhân ba sĩ quan Lực lượng Vệ binh Nga thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên. Vẫn theo phía Ukraina, vụ tấn công đã diễn ra vào lúc có một cuộc họp giữa Lực lượng Vệ binh Nga và cơ quan an ninh FSB. Như vậy đây là một vố đau đối với Nga, vốn đã chiếm đóng thành phố này từ hơn một năm rưỡi qua, nhưng vẫn chưa hoàn toàn làm chủ tình hình và các hoạt động kháng chiến vẫn năng động ngay từ những ngày đầu khi Melitopol bị quân Nga chiếm đóng. Trái lại, đối với phía Ukraina thì đây là một tin vui bởi Kiev đang cần có những đòn ngoạn mục trong thời điểm này. Chiến dịch phản công đã chỉ cho phép gặt hái được những kết quả rất hạn chế trên bộ. Mức độ yểm trợ của các nước đồng minh cũng đang bắt đầu bị lung lay. Mùa đông đang đến gần và kèm theo đó là nỗi lo hệ thống điện lực của Ukraina lại bị oanh kích ».

Tại Berlin, bộ Quốc Phòng Đức hôm 12/11/2023 thông báo năm 2024 « tăng gấp đôi ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraina » và đây là một tín hiệu mạnh chứng tỏ phương Tây không bỏ quên cuộc chiến tranh Ukraina. Cùng lúc chánh văn phòng của tổng thống Zelensky ông Andriy Yermak dẫn đầu một phái đoàn đến Mỹ từ chiều qua. Nhiệm vụ của đoàn nhằm thảo luận với chính quyền Biden về các chương trình « hợp tác » song phương, tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraina.

Mỹ-Hàn điều chỉnh lại chiến lược răn đe Bắc Triều Tiên

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết hôm nay, 13/11/2023, Mỹ và Hàn Quốc thảo luận, xem xét lại một thỏa thuận song phương nhằm ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bình Nhưỡng.


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (T) và người đồng cấp Hàn Quốc Shin Won-sik (P) tại trụ sở bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Seoul, ngày 13/11/2023. AFP - JUNG YEON-JE
Chi Phương
Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đã ký bản cập nhật về Chiến lược răn đe phù hợp (TDS), được đưa ra cách nay 10 năm, nhằm chống lại các đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo AFP, dù không nêu ra cụ thể những sửa đổi là gì, nhưng bộ trưởng Shin Won-sik khẳng định rằng bản cập nhật này là cần thiết, vì văn bản đầu tiên ký kết giữa hai nước đã « lỗi thời » trước các tiến bộ nhanh chóng của Bắc Triều Tiên trong các chương trình về hạt nhân và tên lửa.

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ có thể sử dụng tất cả các nguồn lực quân sự chiến lược, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

Vào ngày mai, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc cùng 17 nước thành viên của Bộ Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Quốc (UNC), trong đó có Hoa Kỳ, sẽ tổ chức một cuộc họp đầu tiên, gồm lãnh đạo và đại diện quốc phòng của các nước, để thảo luận về vai trò của UNC trong việc ngăn chặn chiến tranh và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. UNC cũng là tổ chức giám sát thực hiện hiệp định đình chiến Triều Tiên 1953.

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết trong cuộc họp ngày mai, các bên tham gia sẽ kêu gọi Bắc Triều Tiên « chấm dứt các hoạt động phi pháp », tuân thủ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và đặc biệt là thông qua một tuyên bố chung kêu gọi phản ứng tập thể «trong trường hợp khẩn cấp trên bán đảo ».

Về phần mình, Bình Nhưỡng, hôm nay, đã kêu gọi giải tán tổ chức UNC do Hoa Kỳ đứng đầu, cho rằng cuộc họp ngày mai là « một kế hoạch nguy hiểm », có mục đích kích động « một cuộc chiến tranh xâm lược mới », chống lại Bắc Triều Tiên.



Không có nhận xét nào: