Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :06/11/2023 - Duke Nguyễn


Xung đột Israel - Hamas:Ngoại trưởng Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm dịu căng thẳng Trong khuôn khổ chuyến công du Cận Đông để làm giảm căng thẳng xung đột giữa Israel và tổ chức Hamas tại dải Gaza, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hôm nay 06/11/2023, đến Thổ Nhĩ Kỳ và gặp đồng nhiệm Hakan Fidan, nhưng sẽ không được tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiếp. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (P) tiếp đồng nhiệm Hoa Kỳ Antony Blinken ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 06/11/2023. © Jonathan Ernst / Reuters Thùy Dương
<!>
Chuyến đi của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Ankara đang căng thẳng và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 04/11 tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ với thủ tướng Israel, triệu hồi đại sứ ở Israel về nước.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer giải thích :

“Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hy vọng có một cuộc gặp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Đây là cuộc gặp mà Ankara chưa bao giờ hứa là sẽ diễn ra, nhưng cũng chưa từng bác bỏ. Cuối cùng thì ngoại trưởng Mỹ sẽ chỉ gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Ankara.

Tổng thống Tayyip Erdogan hôm Chủ Nhật (05/11) một lần nữa lên án “cuộc thảm sát vô đạo đức và hèn hạ” của Israel ở Gaza. Ông Erdogan sẽ không có mặt ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ mà đang ở tại một thị trấn tỉnh lẻ. Sự lựa chọn này nói lên rất nhiều điều về những bất đồng và căng thẳng sâu sắc trong quan hệ Mỹ-Thổ, vốn càng được trông thấy rõ qua cuộc chiến ở dải Gaza.

Trong những tuần qua, nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều tuyên bố ngày càng gay gắt chống lại Israel và các nhà lãnh đạo của nước này, cũng như nhắm vào phương Tây, nhất là chống lại Mỹ, quốc gia mà ông Erdogan cáo buộc là bên “thực sự” phải chịu trách nhiệm về các đợt oanh kích nhắm vào Gaza, cũng như về việc Israel từ chối thảo luận một lệnh ngừng bắn.

Thật ra, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cuộc chiến này đưa Mỹ trở lại rõ rệt hơn trong khu vực. Ankara không giấu nỗi bất bình về việc Washington điều các tàu chiến tới khu vực Đông Địa Trung Hải”.

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tối hôm qua, 05/11, đã bất ngờ đến Bagdad, Irak. Đây là lần đầu tiên ông Blinken công du Irak với tư cách ngoại trưởng Mỹ. Theo Reuters, ngoại trưởng Blinken cho biết đã có cuộc thảo luận "thẳng thắn" với chính phủ Irak và Mỹ đang tìm cách ngăn xung đột Gaza lan rộng ra khu vực trong bối cảnh các nước Ả Rập phẫn nộ về việc Israel bao vây dải đất này.

Quân đội Israel thông báo đã chia cắt dải Gaza thành hai miền

Quân đội Israel hôm qua, 05/11/2023, thông báo đã chia cắt Gaza thành hai miền bắc - nam và sẽ tiếp tục « các đợt oanh kích dữ dội » vào dải đất này. Trong khi đó, chính quyền Hamas ở Gaza hôm nay cho biết các vụ oanh kích của quân đội Israel trong đêm qua đã khiến 200 người chết.


Khói và lửa bốc lên sau các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza ngày 05/11/2023. REUTERS - RONEN ZVULUN
Thùy Dương
Trước những lời chỉ trích của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Liên Hiệp Quốc rằng quân đội Israel oanh kích vào khu vực gần các bệnh viện ở Gaza, Nhà nước Do Thái khẳng định chỉ nhắm vào các vị trí quân sự của tổ chức Hamas đặt gần các cơ sở y tế ở Gaza.

Từ Jerusalem, thông tín viên Sami Boukhelifa cho biết chi tiết :

« Theo quân đội Israel, các hình ảnh là bằng chứng cho thấy điều đó. Họ đưa ra một loạt tài liệu gồm ảnh và video cho thấy các thành viên tổ chức Hamas oanh kích từ một bệnh viện ở Gaza và nhắm mục tiêu vào các đội quân của Israel, thậm chí có cả một bãi phóng tên lửa đặt dưới chân bệnh viện.

Các hình ảnh mà quân đội Israel công bố liên quan đến hai bệnh viện ở dải Gaza : bệnh viện Qatar và bệnh viện Indonesia, do Qatar và Indonesia tài trợ xây dựng.

Quân đội Israel khẳng định: « Hamas sử dụng bệnh viện một cách vô đạo đức ». Chính quyền Hamas ở dải Gaza đáp trả : « Sai. Tất cả những cáo buộc này đều dối trá. Đó chỉ là một cái cớ để nhắm bắn vào các bệnh viện ».

Tổ chức Hamas cho biết sẵn sàng đón tiếp một ủy ban điều tra quốc tế. Các bệnh viện có thể được thanh tra. Hamas khẳng định các đường hầm mà quân đội Israel nói đến « trên thực tế chỉ là một bồn trữ nhiên liệu và một căn hầm chứa máy phát điện ».

Một trong những mục tiêu của chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel ở dải Gaza là bệnh viện Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất ở Gaza. Theo quân đội Israel, đây là nơi đặt một trung tâm chỉ huy dưới lòng đất của Hamas ».

Ở phía bắc Israel, tại khu vực biên giới với Liban, theo AFP, đợt oanh kích của quân đội Israel hôm qua đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em. Các nạn nhân là những người trong gia đình một nhà báo Liban.

Tối hôm qua, phát ngôn viên quân đội Israel thông báo là quân đội đã oanh kích vào các mục tiêu Hezbollah để đáp trả vụ lực lượng Hezbollah tại Liban phóng tên lửa chống tăng giết hại một thường dân Israel.

Gaza: Lãnh đạo 18 tổ chức Liên Hiệp Quốc và phi chính phủ kêu gọi ngừng bắn

Trong một thông cáo đăng ngày 05/11/2023, lãnh đạo của 18 tổ chức lớn của Liên Hiệp Quốc, trong đó có UNICEF, WHO và FAO, và của các tổ chức phi chính phủ bày tỏ phẫn nộ trước con số thường dân thương vong ở Gaza và đề nghị ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas.


Những phụ nữ Palestine đau buồn trước thi thể của người thân sau vụ oanh kích của Israel. Ảnh chụp tại bệnh viện Al-Najar ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 06/11/2023. AFP - SAID KHATIB
Chi Phương
Trong thông cáo được AFP trích dẫn, lãnh đạo các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ cho biết « từ gần một tháng qua, thế giới quan sát tình hình xảy ra ở Israel và vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong sự bàng hoàng và khiếp sợ trước số người thiệt mạng ngày càng tăng ».

Theo báo cáo từ chính quyền Hamas, cho tới nay đã có 9.770 người thiệt mạng, trong đó một nửa là trẻ em. Về phía Israel, 1.400 người đã thiệt mạng, chủ yếu là thường dân. Lãnh đạo các tổ chức nói trên cũng kêu gọi Hamas phóng thích hơn 240 con tin bị bắt giữ từ ngày 07/10, đồng thời kêu gọi cho phép đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Thông cáo nêu rõ « không thể chấp nhận được » việc người dân Gaza bị từ chối cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, họ bị « đánh bom ngay trong nhà, tại nơi trú ẩn, cũng như tại bệnh viện và nơi thờ tự». Lãnh đạo các tổ chức Liên Hiệp Quốc và phi chính phủ cũng lên án các vụ tấn công vào nhân viên cứu trợ y tế, « nhiều người đã thiệt mạng từ ngày 07/10, trong đó có 88 người của tổ chức Liên Hiệp Quốc cứu trợ người tị nạn Palestine UNRWA, con số tử vong cao nhất mà Liên Hiệp Quốc ghi nhận trong một cuộc xung đột ».

Our fearless air force personnel air-dropped at midnight urgent medical aid to the Jordanian field hospital in Gaza. This is our duty to aid our brothers and sisters injured in the war on Gaza. We will always be there for our Palestinian brethren pic.twitter.com/HOWI2VL7hL

— عبدالله بن الحسين (@KingAbdullahII) November 5, 2023

Về viện trợ nhân đạo, hôm nay, một phát ngôn viên quân sự Israel thông báo tối qua không quân Jordanie đã phối hợp với quân đội Israel thả dù hàng cứu trợ xuống Dải Gaza, cụ thể là thiết bị y tế và lương thực cho một bệnh viện dã chiến của Jordanie tại vùng lãnh thổ Palestine.

Ukraina mở điều tra về vụ tấn công của Nga khiến hơn 20 binh sĩ bỏ mạng

Trong một video đăng tải hôm qua, 05/11/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky xác nhận quân đội Ukraina đã chịu thương vong nặng nề trong một cuộc tấn công của Nga vào cuối tuần trước, đồng thời tiếp tục kêu gọi thêm viện trợ từ phương Tây.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraina, ngày 04/11/2023. AP - Efrem Lukatsky
Chi Phương
Từ Kiev, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết thêm thông tin :

Cuộc tấn công được các phương tiện truyền thông Ukraina đưa tin một ngày sau đó. Cụ thể, hôm 03/11, vào ngày lễ kỉ niệm của lực lượng pháo binh Ukraina, một tên lửa Iskander của Nga đã bắn trúng một nhóm binh lính thuộc lữ đoàn tấn công vùng núi 128, đến từ vùng Transcarpatie, tại chiến tuyến ở vùng Zaporijjia.

Theo truyền thông Ukraina, khoảng 20 lính đã bỏ mạng, hàng chục người bị thương. Kiev xác nhận đã xảy ra cuộc tấn công nhưng không xác nhận số nạn nhân và nói rõ rằng từ đầu cuộc chiến, quân đội vẫn không bình luận về số thương vong.

Bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov bảo đảm sẽ mở một cuộc điều tra để xác định nguyên nhân của vụ việc. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng lên tiếng về vụ tấn công và mong đợi có được « câu trả lời trung thực » từ cuộc điều tra. Cuối tuần qua, tổng thống Zelensky cũng bác bỏ bình luận của tướng Zalunzhny, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina. Ông khẳng định cuộc chiến chưa đi vào bế tắc và kêu gọi thêm viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là hệ thống phòng không, đồng thời mời cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến thăm Ukraina để tận mắt chứng kiến tác dụng của những viện trợ đó.

Liên Âu bàn về tương lai ngành công nghiệp vũ trụ tại Tây Ban Nha

Hôm nay, 06/11/2023, 22 quốc gia thuộc Cơ quan Không gian châu Âu (European Space Agency) họp tại Sevilla, Tây Ban Nha, để thảo luận về tương lai của lĩnh vực hàng không vũ trụ, trong bối cảnh cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ngày càng gia tăng.


Ảnh minh họa : Tên lửa châu Âu Ariane 5. © ESA
RFI
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết thêm :

Châu Âu đang đứng trước một lựa chọn đơn giản : Duy trì khả năng tự chủ trong không gian, hoặc trở thành khách hàng của các nước khác, thậm chí là của các doanh nghiệp tư nhân như SpaceX của Elon Musk. Một mặt châu Âu không có các phương tiện để tự đưa các phi hành gia của mình lên không gian và có nguy cơ bị gạt ra một bên trong các chuyến bay có chở phi hành gia.

Mặt khác, các bệ phóng của châu Âu hiện không hoạt động, vì vẫn đang phải chờ tên lửa Ariane 6 và tên lửa Vega-C của Ý. Điều trớ trêu là 4 vệ tinh trong hệ thống vệ tinh định vị Galileo, nhằm cung cấp dịch vụ định vị của châu Âu, sẽ do SpaceX phóng lên vào năm 2024.

Trong bối cảnh này, tại hội nghị ở Sevilla, các nước châu Âu muốn thảo luận về ý định duy trì sự “hiện diện thường trực và độc lập” của các chuyến bay có chở phi hành gia hoặc robot trong quỹ đạo và trên Mặt trăng. Châu Âu cũng muốn xây dựng các kế hoạch đầu tư cho việc quan sát khí tượng trong tương lai.

Câu hỏi hóc búa nhất hiện nay là vấn đề tài chính dài hạn, do Ý và Đức đang dần rời bỏ Arianespace và các tên lửa đẩy, có thể khiến châu Âu tiêu tốn khoảng 350 triệu euro mỗi năm.

Trung Quốc yêu cầu Miến Điện hợp tác duy trì ổn định tại biên giới chung

Sau khi các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số ở Miến Điện chiếm được một thành phố gần biên giới với Trung Quốc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay, 06/11/2023, trong một thông cáo, yêu cầu quân đội Miến Điện hợp tác để bảo vệ an ninh, bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc tại khu vực này.


Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện cùng với số vũ khí được cho là thu giữ từ quân đội Miến Điện ở Chinshwehaw, Miến Điện, ngày 28/10/2023. AP
Chi Phương
Vào tuần trước, quân đội Miến Điện đã xác nhận để lọt thành phố chiến lược Chinshwehaw vào tay một liên minh vũ trang. Thành phố vùng biên giới này là điểm trung chuyển chủ yếu giữa Miến Điện và Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Naypyidaw.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung (Nong Rong) đã đến Miến Điện trong vòng 3 ngày từ 03-05/11, gặp đại diện của quân đội nắm quyền tại Miến Điện. Trong thông cáo của bộ Ngoại Giao, được AFP trích dẫn, Trung Quốc yêu cầu Miến Điện bảo vệ an ninh về người và tài sản của cư dân Trung Quốc sống tại vùng biên giới chung, đồng thời yêu cầu quân đội hợp tác với Bắc Kinh để duy trì ổn định tại khu vực này.

Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc giao tranh ngày càng dữ dội vào tuần trước, nổ ra trong khu vực rộng lớn ở bang Shan, gần biên giới với Trung Quốc, đã khiến hơn 23 000 người phải đi lánh nạn.

Tại Miến Điện, hơn một chục nhóm sắc tộc thiểu số, chủ yếu hoạt động tại các vùng biên giới, vẫn đấu tranh đòi quyền tự chủ chính trị và kiểm soát một phần tài nguyên thiên nhiên của nước này. Theo giới chuyên gia, các cuộc tấn công của các lực lượng sắc tộc thiểu số này là thách thức lớn nhất mà chính quyền quân đội Miến Điện phải đối mặt kể từ khi lật đổ chính phủ dân sự và lên nắm quyền vào năm 2021.

Singapore : Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ chuyển giao quyền lực trước năm 2025

Ngày 05/11/2023, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chính thức thông báo sẽ chuyển giao quyền lực cho phó thủ tướng Lawrence Wong ( Hoàng Tuần Tài ) trước kỳ tổng tuyển cử năm 2025.. Đây được xem là khởi đầu cho một chương sử mới của Singapore, nhưng trên thực tế nền dân chủ chuyên chế Singapore kể từ khi ra đời vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng, Đảng Hành Động Nhân Dân.


Ảnh tư liệu : Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 12/11/2022. AP - Anupam Nath
RFI
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên trong khu vực Juliette Pietraszewski cho biết thêm :

Trong bài phát biểu đầy xúc động, thủ tướng Lý Hiển Long chính thức thông báo từ chức sau gần 20 năm nắm giữ vị trí quan trọng nhất tại Singapore. Ông phát biểu : « Tôi đã có một may mắn lớn và một vinh dự lớn được phục vụ đất nước trong suốt cuộc đời từ khi tôi trưởng thành, trước tiên là trong quân đội Singapore và sau đó là trong đảng và chính quyền ».

Thủ tướng thứ ba, con trai của Lý Quang Diệu, người thành lập Singapore, thông báo như trên tại Đại hội Đảng Hành động Nhân dân, diễn ra hai năm một lần, trước gần 1000 đảng viên.

Lịch sử đã sang trang, Lawrence Wong sẽ là người kế nhiệm thủ tướng Lý Hiển Long. Ban đầu là dân biểu, kể từ năm 2014 ông giữ chức bộ trưởng của nhiều bộ, gần đây nhất là bộ trưởng Tài Chính kiêm phó thủ tướng Singapore từ năm ngoái.

Sơ yếu lý lịch của ông Lawrence Wong như vậy được xem là tiêu biểu trong giới chính trị gia Singapore. Tuy nhiên, ông lại không phải lựa chọn đầu tiên của Đảng Hành động Nhân dân.

Eric Frécon, nhà nghiên cứu và chuyên gia về Singapore tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại IRASEC của Thái Lan, giải thích :

"Với một đất nước vốn dĩ quen dự kiến mọi chuyện thì việc lựa chọn thủ tướng mới như vậy là không theo đúng kế hoạch. Singapore không còn ở một triều đại mà con trai của thủ tướng đương nhiệm sẽ là người kế vị. Trước đây đã từng có 3,4 sự lựa chọn, nhưng cuối cùng đều thất bại bởi các ứng viên đều cần được thử thách. Lawrence Wong đã phải trải qua một chặng đường dài để chứng tỏ được năng lực.”

Lawrence Wong hy vọng có thể bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng với chiến thắng gần như chắc chắn trong kỳ bầu cử tới.

Không có nhận xét nào: