Đừng Quên! Nhớ Hôm Nay, Đổi Giờ! (Lui lại một giờ!)
Nhắc nhở: Tối hôm nay, Thứ Bảy, trước khi đi ngủ, xin Quý Vị nhớ vặn đồng hồ của mình, LUI lại một giờ. Theo quy ước, trong năm 2023, đổi giờ lần thứ 2, (vào Đông) sẽ bắt đầu vào lúc 2h sáng ngày 5 tháng 11. Lúc này người Mỹ từ 2 giờ, vặn kim đồng hồ lùi lại 1h sáng. Thời gian này, được gọi là giờ mùa đông hay giờ mùa thu (Fall Back)Hôm nay
Nước Mỹ đổi giờ! Vấn đề vẫn gây tranh cãi gay go: liệu có cần thiết hay không?
-Hôm nay, Thứ Bảy cả nước Mỹ, ngoại trừ Arizona và Hawaii, lại đổi giờ. Nhưng báo New York Times đặt vấn đề, tranh cãi, nên duy trì việc này nữa hay không?
Theo khái niệm thông thường thì daylight saving, người Việt quen gọi nôm na là đổi giờ, là việc dời một giờ có ánh sáng của ban mai, khi mọi người còn ngủ, lên chiều tối, khiến người ta có thể sinh hoạt thêm, nhờ còn ánh sáng.
Ông David Prerau, tác giả cuốn “Seize the Daylight,” nhận định: “Đối với đa số, thêm một giờ sáng sủa vào buổi chiều tối sau giờ làm việc hay sau giờ tan học có lợi hơn so với cho lúc ban mai.”
Nhưng từ khi ý kiến này đưa ra thực hành thì ngày càng gặp nhiều lời chê bai lẫn tranh cãi. Nhiều tiểu bang, trong đó có California và Rhode Island, đang xét lại việc bãi bỏ thông lệ này.
Bên thuận biện luận, đổi giờ là thêm thời gian có ánh sáng ban ngày để lởi cho kinh tế, tiêu tiền.
Ông Michael Downing, giảng viên trường Tufts University và cũng là tác giả cuốn “Spring Forward: The Annual Madness of Daylight Saving Time,” nói: “Người Mỹ không chịu ở nhà vào cuối ngày miễn là trời còn sáng.”Ông tiếp: “Chúng ta ra công viên, đi mua sắm, nhưng chúng ta không đi bộ ra đó. Đổi giờ khiến người ta tiêu thụ xăng nhiều hơn.”
Mấy ai rõ điều này hơn chủ nhân mấy cây xăng, lý do tại sao hiệp hội Association for Convenience and Fuel Retailing, một tổ chức vận động hành lang cho giới kinh doanh tạp hóa (convenience store), thúc giục bắt đầu đổi giờ sớm hơn trong năm.
Năm 2010, ông Jeff Miller, chủ tịch hiệp hội hồi bấy giờ, nói rằng ngành kỹ nghệ này kiếm thêm khoảng chừng $1 tỉ hằng năm từ khi họ vận động thêm được một tháng cho daylight saving vào năm 1986.
Ông Miller nói: “Từ đó đến nay thương vụ thu thêm được hằng chục tỉ dollar.”
Giới kinh doanh giải trí cũng hưởng lợi lây, theo lời ông Downing.
Ví dụ kỹ nghệ đánh golf ước lượng rằng thêm một tháng daylight saving giúp thu lợi thêm từ $200 triệu đến $400 triệu.
Khác với huyền thoại nói rằng việc đổi giờ bày ra lúc ban đầu là vì lợi ích của giới nông gia (các sách giáo khoa đều dạy như thế.)
Ông Prerau nói: “Tôi chẳng hiểu vì sao việc này trở thành một huyền thoại trong khi thực tế lại hoàn toàn ngược lại” vì đổi giờ làm xáo trộn giờ giấc của nông gia.
Mới đầu giới nhà nông chống mạnh nhất, rồi đến các tổ chức tôn giáo, vốn hay lấy giờ cầu nguyện vào lúc mặt trời mọc.
Giới phụ huynh cũng than phiền là con em họ phải đi bộ đến trường lúc trời còn tối.
Một số người khác, trong đó có ông Bill de Blasio, thị trưởng New York, lý luận rằng daylight saving khiến gây thêm tai nạn giao thông vào ban sáng.
Tiết kiệm năng lượng vẫn thường được cho là lý do chính đưa đến thông lệ đổi giờ.
Nhiều bất lợi về việc đổi giờ!
Mặc dù chưa được chứng minh một cách chắc chắn, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng việc thay đổi giờ đồng hồ sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của con người. Một nghiên cứu nói rằng việc đổi giờ này giống như việc thay đổi một ít nhịp sinh học vì đi máy bay. Điều đó có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Việc đổi giờ cũng có thể khiến tai nạn ô tô gia tăng, ví dụ như người lái xe thường đi lại vào lúc trời sáng đột nhiên phải chuyển qua lái xe lúc trời còn tối (hoặc ngược lại). Năng suất cũng có thể đi xuống. Có lẽ điều bất tiện nhất cho các doanh nghiệp là việc các quốc gia có thể thay đổi giờ đồng hồ của họ vào những thời điểm khác nhau.
Ở Mỹ, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra một dự luật gọi là “Đạo luật bảo vệ ánh nắng mặt trời 2021” (Sunshine Protection Act of 2021), theo đó sẽ dùng giờ mùa hè cho suốt cả năm, nhưng đề xuất này ít được ủng hộ. Mười chín cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua các luật có quy định tương tự, trong số đó có California, Florida và Washington, nhưng việc thiếu sự chấp thuận của quốc hội có nghĩa là tất cả cư dân của họ sẽ vẫn phải vặn ngược đồng hồ của mình vào cuối tuần này. Giờ Tiết kiệm ánh sáng ban ngày vẫn chưa hết.
Bữa Cơm Thân Mật của Gia Đình Không Quân Bắc Cali, Tháng 11, Tháng Có Lễ Tạ Ơn!
-KQ có truyền thống “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè!” Cho dù những cánh chim đã bị “bẻ cánh” Tháng Tư Đen, đau thương gần nửa thế kỷ, vẫn tìm đến nhau, ít nhất qua bữa cơm thân mật, gặp nhau hàng tháng.
Đây là một truyền thống rất tốt đẹp, giữ chất keo thân tình, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không bỏ nhau. Bữa cơm thân mật hôm qua, Thứ Sáu, ngày 3 tháng 11/2023, lúc 11 giờ 30 tại nhà hàng Cơm 80 Độ, có khí thế hơn những buổi họp mặt khác, vì có 2 lý do:
-Tưởng niệm 60 năm, nền Đệ Nhất Cộng Hòa kết thúc, để từ đó Quê Hương càng ngày càng tiến vào con đường hầm tăm tối!
-Tháng11, mừng Lễ Tạ Ơn! Happy Thanksgiving, Tạ ơn Trời, Tạ ơn Đời, Tạ ơn Người, nhất là Quê Hương thứ hai, đã tạo cơ hội, để qua hơn nửa thế kỷ, vẫn còn ngồi bên nhau, ôn lại những kỷ niệm khói lửa trong thời chinh chiến. Cho dù đầu ai cũng bạc trắng, nhưng nhằm nhò gì, trái tim thì… không có tuổi! ngồi bên nhau, nửa thế kỷ rồi, mà tưởng mới như…ngày hôm qua!
Trước khi tan hàng, KQ LVH, không quên gởi, Quý NT, Quý CH, chút quà mừng Lễ Tạ Ơn 2023! Với lời chúc có một Ngày Lễ, sức khỏe, an vui, hạnh phúc.
Bữa cơm thật ấm cúng, tràn ngập tình nghĩa KQ!
“Đàn chim dù bay ngàn phương, cũng về. Để rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời cùng ngàn cánh chim!”
Sau đây một vài hình ảnh từ NT Phước:
Tin Quốc Tế Đó Dây
Chiến Tranh Do Thái-Hamas: Tổng Thống Mỹ Kêu Gọi "Tạm Ngừng" Giao Tranh Vì Lý Do Nhân Đạo
(Hình: Khói bốc lên từ Gaza sau vụ tấn công của Do Thái, ngày 9/10/2023.)
-Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Do Thái và Hamas "tạm ngừng" giao tranh để có thời gian đưa các "con tin" - từ ngữ cải chính của Tòa Bạch Ốc - ra khỏi Gaza. Phát biểu hôm 1/11/2023 trong cuộc họp về xung đột, ông Biden khẳng định đã thuyết phục Thủ tướng Do Thái và nói chuyện với Tổng thống Sissi để Ai Cập mở cửa đón các con tin. Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước lên án hai vụ tấn công của Do Thái vào trại tị nạn Jabaliya lớn nhất Gaza.
Tổng thống Mỹ nhắc lại "Do Thái có quyền và trách nhiệm bảo vệ công dân của họ trước khủng bố và phải tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế và nhân đạo, đặt ưu tiên bảo vệ thường dân". Ông chia sẻ đau thương với người dân Palestine ở Gaza sống trong bom đạn, thiếu thốn, đồng thời khẳng định không ngừng nỗ lực các gia đình được đoàn tụ. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, Tòa Bạch Ốc chỉ kêu gọi "tạm ngừng" giao tranh để cứu trợ hoặc di tản thường dân, chứ không phải "đình chiến" vì như vậy sẽ rơi vào bẫy của Hamas.
Từ cuối tuần qua, Do Thái tăng cường oanh kích phía Bắc Gaza nơi có hệ thống đường hầm chằng chịt của Hamas, song song với chiến dịch trên bộ. Trại tị nạn Jabaliya, lớn nhất ở Gaza, đã bị Do Thái oanh kích trong hai ngày 31/10 và 1/11, khiến hàng trăm người chết, theo thông tin của Hamas. Trong khi đó Do Thái khẳng định trong vụ oanh kích này đã triệt hạ được Muhammad Atzar, đứng đầu đơn vị chống tăng của Hamas.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết "kinh hoàng" về vụ tấn công của Do Thái. Tối 1/11, Cao Ủy Nhân Quyền cho rằng những vụ oanh kích đó có thể cấu thành "tội ác chiến tranh" do "số nạn nhân thường dân cao và quy mô phá hủy". Pháp, Đức bày tỏ "quan ngại sâu sắc về thiệt hại nghiêm trọng" và nhắc lại "nghĩa vụ bảo vệ thường dân". Jordan phản ứng mạnh hơn khi trở thành nước Ả Rập đầu tiên triệu hồi "ngay lập tức" Ðại sứ ở Do Thái để phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế tránh để cuộc khủng hoảng lan rộng trong vùng.
Theo Hamas, quân đội Do Thái oanh kích khu phố Tal al-Hawa, phía Tây thành phố Gaza, trong đêm 1 và 2/11. Người dân ở Gaza ngày càng sống trong vô vọng, theo lời kể của một ngư dân với thông tín viên Sami Boukhelifa của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Jerusalem:
"Zakaria sống ở thành phố Gaza. Gia đình ông tiếp đón 140 người. Nhiều người thân phải rời miền Bắc nơi các trận oanh kích ngày càng dữ dội. Tìm cách tồn tại là thách thức hàng ngày. Ông nói: "Nước mà chúng tôi uống ư? Anh thậm chí còn không thể đưa cho súc vật uống. Nhà chúng tôi lúc này có hai cháu bé mới chỉ vài tháng tuổi. Chúng tôi không thể cho chúng uống nước này. Tôi chạy ngang dọc khắp Gaza cả ngày để tìm mua nước đóng chai. Nhưng hôm nay, tôi chẳng tìm được gì".
Ngư dân Gaza này cũng không tìm lương thực. Ông nói thêm: "Chiến hạm Do Thái đã đánh phá cảng Gaza. Hầu hết tàu đánh cá của chúng tôi đã bị cháy. Kể cả khi cuộc chiến này chấm dứt, tôi cũng không nghĩ là chúng tôi được phép ra khơi. Kiếm thức ăn, thực sự là ngày càng khó. Các cánh đồng ở ngoại ngô Gaza thì bị oanh kích. Ngoài chợ cũng chẳng còn rau".
Về viện trợ nhân đạo từ Ai Cập, Zakaria cho biết "chưa thấy chút dấu vết nào. Chắc chỉ vừa đủ cung cấp cho những người di tản xuống miền Nam Gaza"".
Xung Đột ở Gaza: Ai Cập Giúp Di Tản "Khoảng 7.000 Người Ngoại Quốc" Qua Cửa Khẩu Rafah
(Hình: Một phụ nữ Palestine cầm sổ thông hành Hoa Kỳ, chờ xin phép rời khỏi Gaza, ở cửa khẩu Rafah ở phía Nam dải Gaza, ngày 2/11/2023.)
-Hôm 2/11/2023, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết trong cuộc gặp các nhà ngoại giao ngoại quốc, Thứ trưởng Ngoại Giao Ai Cập, Ismail Khairat, thông báo sẽ hỗ trợ di tản khoảng 7.000 người ngoại quốc và những người có 2 quốc tịch rời khỏi dải Gaza, qua cửa khẩu Rafah.
Từ thủ đô Cairo của Ai Cập, thông tín viên Alexandre Buccianti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
Những người đầu tiên qua cửa khẩu để sang Ai Cập là người ngoại quốc và những người song tịch bị mắc kẹt ở Gaza kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Đáng lẽ có 491 người, nhưng cuối cùng chỉ có 361 người rời đi. 130 người đã quyết định ở lại Palestine cho đến khi các thành viên trong gia đình họ được phép qua biên giới.
Về quốc tịch của những người được di tản: Có 31 người Áo, chủ yếu là những người có 2 quốc tịch và 5 người Pháp. Ngoài ra, còn có công dân của nhiều nước khác, nhưng không có thông tin cụ thể về số lượng những người Anh, Mỹ, Ý Ðại Lợi, Nhật Bản, Jordan và Ả Rập Saudi.
Hôm 2/11, hàng trăm người ngoại quốc và người song tịch khác dự kiến sẽ di chuyển từ Gaza đến Ai Cập. Theo thống kê, có khoảng hơn 5.000 người ngoại quốc và song tịch hiện diện ở Gaza.
Ngoài ra, 45 người Palestine bị thương đã được xe cứu thương đưa đến các bệnh viện Ai Cập. Những người này chủ yếu là phụ nữ và thanh thiếu niên bị thương ở vùng đầu hoặc bị gãy xương nghiêm trọng, đòi hỏi những ca phẫu thuật phức tạp.
Tổ chức Bác sĩ không Biên giới (MSF) cho biết còn hơn 20.000 người bị thương được cho là vẫn mắc kẹt ở dải Gaza.
Do Thái Tuyên Bố Toàn Bộ Thành Phố Gaza Đã Bị Bao Vây
(Hình: Xe thiết giáp của Quân đội Do Thái tiến vào một địa điểm tại Gaza. Ảnh do Do Thái công bố ngày 1/11/2023. )
-Sau một tuần lễ đưa bộ binh vào dải Gaza, hôm 2/11/2023, phát ngôn viên Quân đội Do Thái Daniel Hagari thông báo "đã bao vây thành phố Gaza, khu vực đầu não của tổ chức khủng bố Hamas". Liên Hiệp Quốc lo ngại nguy cơ "diệt chủng".
Theo AFP, quân đội Do Thái trong đêm 2/11, rạng sáng hôm 3/11, đã tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tấn công tại Gaza, tiêu diệt "một số đơn vị khủng bố", sử dụng "tên lửa chống tăng" và "IED", tức "thuốc nổ tự tạo". Phát biểu khi đến thăm một căn cứ quân sự gần Tel-Aviv hôm 2/11, thủ tướng Do Thái, ôngBenjamin Netanyahu khẳng định chiến dịch quân sự đang thu được những thành công "ấn tượng", đồng thời báo trước Do Thái phải sẵn sàng cho "các tổn thất đau đớn".
Chiến sự gia tăng tại miền Bắc dải Gaza nói chung và khu vực thành phố Gaza nói riêng có thể dẫn đến một cuộc "diệt chủng", theo một báo cáo đặc biệt của chuyên gia Liên Hiệp Quốc về tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine, công bố hôm 2/11. Thông tín viên Sami Boukhelifa của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Jérusalem cho biết thêm về tình hình tại chỗ :
Từ cửa sổ nhà ở thành phố Gaza, cô Assiya ghi nhận cả một cơn mưa truyền đơn đổ xuống khu vực lân cận. Truyền đơn ra lệnh di tản do máy bay Do Thái thả xuống. Phía Do Thái thông báo chuẩn bị một trận không kích. Cô Assiya nói : "Họ đã báo trước bằng truyền đơn thả từ máy bay là sẽ có oanh kích. Vì vậy, người dân ở đằng kia phải di tản ngay lập tức".
Đằng kia có nghĩa là khu phố nhìn ra biển, nơi có trại Al Shati, nghĩa đen là "trại bãi biển", một trại tị nạn của người Palestine, cách căn hộ của Assiya chừng một cây số. Assiya nói : "Nơi ở của chúng tôi nằm ở trung tâm thành phố Gaza. Cho dù chúng tôi quyết định rời đi, chúng tôi cũng không biết sẽ phải đi đâu".
Hơn một triệu người đã chạy khỏi phía Bắc dải Gaza, tập trung về các căn nhà hoặc trường học nằm ở trung tâm và phía Nam dải Gaza, là những khu vực mà các cuộc bắn phá ít dữ dội hơn".
Hôm 2/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 14 trên tổng số 36 bệnh viện, và hai trung tâm chuyên về y tế, tại Gaza, không còn hoạt động, vì chiến sự và thiếu xăng dầu. Bốn trường học của Liên Hiệp Quốc, nơi người tị nạn ẩn náu, bị trúng bom hôm qua.
Hôm nay, phát ngôn viên của chính phủ Pháp, Olivier Véran, lên án các cuộc tấn công vào các vị trí của Liên Hiệp Quốc, và nhân viên y tế. Tuyên bố được đưa ra sau nhiều cuộc oanh kích của Do Thái vào trại tị nạn Jabaliya, trại tị nạn lớn nhất ở Gaza, ở phía Bắc khu vực này.
Trong đêm 2/11 rạng sáng 3/11, Do Thái cho biết đã buộc toàn bộ người lao động Gaza tại Do Thái - ước tính khoảng 4.000 người - là phải trở về Gaza.
Nga Oanh Kích Nhà Máy Lọc Dầu ở Miền Trung Ukraine
(Hình: Lính cứu hỏa dập lửa tại một nhà máy lọc dầu ở Kremenchuk, vùng Poltava, Ukraine, sau vụ tấn công bằng drone của Nga, hôm 1/11/2023.)
-Hôm 1/11/2023, quân đội Nga đã oanh kích bằng drone nhà máy lọc dầu Kremenchuk ở vùng Poltava, miền Trung Ukraine, Theo hãng tin Anh Reuters, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự vùng Poltava, ông Filip Pronin cho biết vụ oanh kích gây hỏa hoạn nhưng "đã nhanh chóng được dập tắt". Viên chức này không nêu những thiệt hại cụ thể.
Trong khi đó, lực lượng phòng không Ukraine thông báo đã bắn hạ được 18 trong số 20 drone và một phi đạn do Nga phóng trong khuôn khổ một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Phát ngôn viên lực lượng Không quân Ukraine, Yury Ihnat, nhận định rằng trọng tâm của cuộc tấn công là khu vực Poltava, nơi bị Nga tấn công trong nhiều đợt.
Về phía quân đội Ukraine, lần đầu tiên, Tổng Tư lệnh Valeri Zaloujny đã lên tiếng về tiến độ của cuộc phản công do Kyiv phát động từ đầu tháng 6, và bày tỏ lo ngại về việc quân đội Ukraine sẽ sa lầy vào cuộc chiến tiêu hao, theo như tường trình của thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Kyiv:
"Tướng Zaloujny chưa từng bày tỏ quan điểm về cuộc phản công của Ukraine, phát động vào đầu tháng 6, nhưng giờ đây, ông đã lên tiếng một cách thẳng thắn. Khi trả lời phỏng vấn của tạp chí The Economist, Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine thừa nhận là quân đội hai nước đang đi vào ngõ cụt.
Tương quan lực lượng bằng nhau, không bên nào thực hiện được một bước đột phá quyết định, và nếu không có sự thay đổi, kết hợp các cách thức tiến hành chiến tranh, thông qua các phát minh kỹ thuật mới, tăng cường sử dụng drone, tướng Zaloujny lo ngại rằng quân đội Ukraine sẽ sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao như Đệ nhất Thế chiến.
Ở tiền tuyến, quân đội Ukraine vẫn tiếp tục tấn công ở gần Bakhmut và vùng Zaporijjia, và lần đầu tiên, phi đạn tầm xa của họ đã đánh trúng bán đảo Crimea, bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp.
Về phần mình, quân đội Nga tiếp tục gây áp lực ở trục Kupyansk, Kreminna và toàn bộ khu vực Donetsk ở phía Đông Ukraine, và đặc biệt là ở Avdiivka, nơi mà các quan sát viên quốc tế đã xác nhận một số tiến bộ, nhưng Nga đã phải trả giá bằng những tổn thất nặng nề về vũ khí và nhân mạng".
Ukraine Ra Lệnh Di tản Trẻ Em Tại Các Vùng Có Chiến Sự
(Hình: Một trường học bị pháo kích ở Kupiansk, Ukraine, ngày 23/8/2023.)
-Hôm 2/11/2023, chính quyền Kyiv đã tổ chức di tản bắt buộc, đưa hàng trăm trẻ em ra khỏi các vùng giao tranh căng thẳng ở Ukraine.
Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm :
Quân đội Nga tăng cường hiện diện trên trục Lyman-Kupyansk tại vùng Kharkiv. Dưới sức ép đó, chính quyền Ukraine đã ra lệnh di tản 275 trẻ em, bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có thể đi cùng, ra khỏi 66 ngôi làng trên các đoàn xe sẽ được tổ chức từ nay đến giữa tháng 12. Đây không phải lần đầu tiên chính quyền tổ chức di tản bắt buộc tại các khu vực gần tiền tuyến.
Trong tháng 8 vừa qua cũng đã có hơn 340 trẻ em cùng gia đình đã được đưa đi di tản, hàng chục trẻ khác đã được di tản ra khỏi vùng Zaporizhzhia và Donetsk khi tình hình chiến sự leo thang gần Kupyansk. Chính quyền và các tổ chức phi chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ nhân đạo, chỗ ở cũng như chăm sóc tâm lý cho những đứa trẻ. Kể từ đầu cuộc giao tranh diện rộng ở Ukraine, đã có hơn 500 trẻ em bị giết và khoảng 1000 trẻ bị thương.
Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 8 triệu người dân Ukraine cần tới viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) thì việc cứu trợ còn gặp nhiều khó khăn khi mà các vùng tại Donetsk, Kherson, Louhansk và Zaporijia vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.
Ðiện Cẩm Linh: Tướng Zaluzhnyi của Ukraine Nói Cuộc Chiến Bế Tắc Là Sai; Nga Sẽ Thắng ở Ukraine
(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov.)
-Hôm 2/11/2023, Ðiện Cẩm Linh nói Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi nói rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang chuyển sang giai đoạn bế tắc là sai vì Nga sẽ giành được tất cả các mục tiêu của mình.
Khi được các phóng viên hỏi liệu ông Zaluzhnyi nói rằng cuộc xung đột đang đi đến bế tắc là có đúng hay không, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: "Không, nó chưa đi đến bế tắc".
Ông Peskov nói rằng Nga sẽ giành được tất cả các mục tiêu, và cho rằng thật vô lý khi Kyiv nói Ukraine thắng Nga trên chiến trường.
Ông nói: "Chế độ Kyiv từ lâu đã cần phải hiểu rằng ngay cả việc nói về một triển vọng chiến thắng nào đó trên chiến trường cũng là vô lý. Chế độ Kyiv càng sớm hiểu được điều này thì một số triển vọng sẽ càng sớm mở ra".
Ông Peskov đáp lại phát biểu của ông Zaluzhnyi trên tờ Economist rằng cuộc chiến đang hướng tới một giai đoạn mới khi hai bên án binh và áp dụng chiến thuật tiêu hao, một giai đoạn cho phép Mạc Tư Khoa tái lập sức mạnh quân sự của họ.
Tổng Thống Putin Ký Luật Hủy Phê Chuẩn Hiệp Ước Cấm Thử Nguyên Tử của Nga
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 2/11/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua luật huỷ bỏ phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Nguyên tử Toàn diện của Nga, một động thái mà ông cho là nhằm đưa Nga vào lập trường tương ứng với Hoa Kỳ.
Nga nói rằng họ sẽ không tiếp tục thử nguyên tử trừ khi Hoa Thịnh Ðốn làm như vậy và việc hủy phê chuẩn này không làm thay đổi tư thế nguyên tử hoặc cách nước này chia sẻ thông tin về các hoạt động nguyên tử của mình.
Hoa Thịnh Ðốn đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn Hiệp ước năm 1996 về cấm thử nguyên tử toàn diện và ông Putin từng nói rằng ông muốn Nga, nước đã ký và phê chuẩn Hiệp ước, có cùng lập trường về Hiệp ước này như Hoa Kỳ.
Một số chuyên gia kiểm soát vũ khí phương Tây lo ngại rằng Nga có thể đang tiến tới một cuộc thử nghiệm nguyên tử nhằm đe dọa và khơi dậy nỗi sợ hãi trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine, một ý tưởng mà các viên chức Nga đã ra sức trấn an dư luận.
Ông Putin cho biết hôm 5/10 rằng ông chưa sẵn sàng cho biết liệu Nga có nên tiếp tục thử nghiệm nguyên tử hay không sau khi một số chuyên gia an ninh và nhà Lập pháp Nga kêu gọi thử bom nguyên tử như một lời cảnh báo đối với phương Tây.
Các chuyên gia phương Tây lo ngại rằng một động thái như vậy nếu thực sự xảy ra có thể mở ra một kỷ nguyên mới về thử nghiệm nguyên tử ở cường độ lớn.
Việc ông Putin hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước này đã được đăng trên một trang web của chính phủ, trong đó cho biết quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Cả hai viện của Quốc hội Nga đều đã thông qua quyết định này.
Nước Nga thời hậu Xô Viết chưa bao giờ tiến hành thử nguyên tử. Liên Xô thử nghiệm lần gần nhất vào năm 1990 và Hoa Kỳ thử lần gần nhất vào năm 1992.
Liên Hiệp Âu Châu, Mỹ và Trung Quốc Ký Kết Tuyên Bố Chung Về Phòng Tránh Rủi Ro của Trí Thông Minh Nhân Tạo
(Hình: Trí tuệ nhân tạo (AI).)
-Kết thúc ngày đầu tiên cuộc họp thượng đỉnh về bảo đảm an ninh trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (IA), ngày 1/11/2023 tại Anh Quốc, lãnh đạo của 28 quốc gia, lần đầu tiên, đã ký một tuyên bố chung về phòng tránh các rủi ro trong lĩnh vực này trên quy mô toàn cầu.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
"28 quốc gia đã cùng ký kết Tuyên bố Bletchley. Được soạn thảo trước khi họp thượng đỉnh, văn bản này nhấn mạnh sự cần thiết phải nhận diện các rủi ro, hiểm họa tiềm tàng do trí thông minh nhân tạo gây ra và thông qua tiến trình hợp tác quốc tế về phát triển AI "một cách có trách nhiệm".
Tuyên bố này cũng đánh dấu thành công ngoại giao của Luân Đôn, làm rõ vai trò của Vương Quốc Anh đang muốn tìm kiếm vị thế của mình trong lĩnh vực AI. Mặt khác Thủ tướng Rishi Sunak cũng thành công thúc đẩy hai cường quốc đối thủ trong lĩnh vực kỹ thuật là Trung Quốc và Mỹ đạt được đồng thuận với nhau.
Tuy nhiên tuyên bố này vẫn chỉ là một văn bản bày tỏ ý định, không đưa ra chi tiết về tiến trình thực hiện. Làm sao để xác định các rủi ro? Làm sao để giải quyết các hiểm họa đó? Cần phải sử dụng những hệ thống nào?
Thượng đỉnh sẽ tiếp tục vào thứ Năm (2/11) với những cuộc thảo luận bàn tròn. Hàng trăm người tham dự lần này đã đồng ý tiến hành một cuộc họp trực tuyến mới trong 6 tháng tới do Luân Đôn và Hán Thành đồng tổ chức. Nước Pháp cũng sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp về An ninh (Safety Summit) trong năm tới".
Đây được coi là "thỏa thuận lịch sử" khi lần đầu tiên vấn đề an toàn trong lĩnh vực AI được các cường quốc cùng thảo luận và đưa ra tuyên bố chung, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo.
Nhiều doanh nghiệp lớn, tiên phong về AI, như OpenAI, Meta (Facebook) hay DeepMind (Google) cũng đã đồng ý "công khai" một số các nguyên tắc an toàn về AI theo yêu cầu của Vương Quốc Anh. Riêng tỉ phú Elon Musk, ông chủ của Tesla, Space X và mạng xã hội X (Twitter), sẽ có cuộc trao đổi với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tối hôm nay về mối đe dọa từ cuộc cách mạng AI.
Trung Quốc Bắt Công Khai Danh Tính Các Tài Khoản Những Nhân Vật Gây ảnh Hưởng Trên Mạng Xã Hội
(Ảnh: Mạng xã hội ở Trung Quốc.)
-Ngày 1/11/2023, chính quyền Trung Quốc thông báo tất cả tài khoản mạng xã hội của những nhân vật gây ảnh hưởng (influencer), có nhiều người theo dõi, sẽ phải công khai danh tính thật.
Từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thông tín viên Stéphane Lagarde của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết phản ứng của công luận về quyết định này:
"Những người nổi tiếng gây ảnh hưởng sẽ là những đối tượng liên quan đến chiến dịch chấm dứt các tài khoản ẩn danh trên trên mạng xã hội. Từ nay trở đi các "tài khoản lớn" với tên giả sẽ bị các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc bao gồm Wechat, Weibo, Baidu, Douyin, Kuaishou và Bilibili được yêu cầu công khai danh tính thật. Chỉ trên mạng Weibo, quyến định này liên quan đến trên 500.000 người đăng ký và trên 1.000.000 người theo dõi.
Theo các nhà cầm quyền, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn "những tin đồn" trên mạng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyết định này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận khi "những người bình thường giờ sẽ không dám bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội nữa".
Theo nhận xét của nhiều người, những tài khoản chuyên đưa các thông tin về thời sự hay kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định mới này hơn là những tài khoản đưa ra lời khuyên về sắc đẹp hay ẩm thực. Nhiều người lo ngại việc đưa danh tính thật lên mạng có thể khiến nhiều nhân vật có ảnh hưởng không chỉ bị thóa mạ mà còn bị những người không đồng tình với họ hành hung.
Những người khác lại cho rằng quyết định này vốn chẳng thay đổi gì nhiều vì thực tế thì các tài khoản ẩn danh cũng không tồn tại trên internet và đặc biệt là trên các trang mạng xã hội Trung Quốc vì các mạng này vốn dĩ bị kiểm soát rất chặt chẽ".
Xung Đột ở Miến Điện: Chính Quyền Mất Kiểm Soát Một Thành Phố Chiến Lược ở Gần Biên Giới Trung Quốc
(Hình: Khói bốc lên từ làng Let Kar, chủ yếu là người dân tộc Rakhine sinh sống, thuộc tỉnh bang Rakhine, phía Tây Miến Điện, ngày 16/5/2020.)
-Sau nhiều ngày đụng độ với 3 nhóm sắc tốc vũ trang, hôm 1/11/2023, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Miến Điện cho biết, quân đội Miến Điện đã đánh mất quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược phía Bắc, gần biên giới Trung Quốc.
Thông tấn xã AFP trích dẫn lời ông Zaw Min Tun, phát ngôn viên quân đội Miến Điện, thừa nhận rằng "chính phủ, các tổ chức hành chính và tổ chức an ninh không còn hiện diện" tại thị trấn Chinshwehaw ở tỉnh bang Shan, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sau khi giao tranh nổ ra kể từ hôm 27/10 trên khắp khu vực phía Bắc tỉnh bang Shan - nơi dự kiến xây dựng tuyến đường sắt trị giá hàng tỉ Mỹ kim như một phần của dự án cơ sở hạ tầng Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.
Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) tuyên bố đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Miến Điện với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Quân đội Miến Điện tố cáo 3 nhóm vũ trang nói trên đã "cho nổ các nhà máy điện, cho nổ cầu, phá hủy các tuyến đường giao thông", nhưng không nêu thêm chi tiết cụ thể.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, hôm 2/11, đã kêu gọi hai bên ngừng bắn "ngay lập tức".
Manila Cáo Buộc Trung Quốc Xâm Phạm Vùng Biển của Phi Luật Tân
(Hình: Các tàu Hải cảnh Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough.)
-Hôm 2/11/2023, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này sau sự việc liên quan đến tàu quân sự của hai nước tại bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tuần.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân (DFA) nói tuyên bố của quân đội Trung Quốc cho rằng một tàu quân sự Phi Luật Tân "đi vào trái phép" vùng biển gần bãi cạn Scarborough là "không có cơ sở pháp lý và chỉ nhằm mục đích làm gia tăng căng thẳng" trên tuyến đường thủy đang tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nói trong một tuyên bố: "Chính Trung Quốc đang xâm nhập vào vùng biển Phi Luật Tân".
Cả Phi Luật Tân và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough nhưng chủ quyền chưa bao giờ được xác lập và bãi cạn này trên thực tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn này của Manila vào năm 2012.
DFA cho biết bãi cạn mà họ gọi là "Bajo de Masinloc" nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân và nước này có quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với bãi cạn đó.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết: "Phi Luật Tân liên tục yêu cầu các tàu Trung Quốc ở bãi Bajo de Masinloc rời khỏi khu vực này ngay lập tức".
Bãi cạn này, nằm cách Phi Luật Tân 200 cây số, là một phần trong đơn kiện của Manila ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Phán quyết năm 2016 của tòa án này nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với 90% khu vực Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết này.
Nhật Bản và Phi Luật Tân Đồng Ý Đàm Phán Hiệp Ước Cho Binh Sĩ Tiếp Cận Lãnh Thổ của Nhau
(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Marcos (trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida ở Tokyo hồi tháng 2.)
-Hôm thứ Sáu 3/11, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Phi Luật Tân đồng ý bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận cho phép binh sĩ hai bên được tiếp cận lãnh thổ của nhau, nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai đồng minh châu Á thân cận nhất của Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm chính thức Phi Luật Tân, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho hay ông và Tổng thống Ferdinand Marcos (con) đã đồng ý hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, và cả hai đều quan ngại về những nỗ lực "không thể chấp nhận được" nhằm "đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực" ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, với ngầm ý ám chỉ Trung Quốc.
"Ngoài ra, đã có quyết định dẫn đến bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại và chúng tôi đã đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác ba bên", ông Kishida nói trong một cuộc họp báo chung.
Cả Phi Luật Tân và Nhật Bản đều có quan điểm mạnh mẽ chống lại những điều bị họ coi là hành vi hung hăng của tàu Trung Quốc trong bối cảnh có tranh chấp chủ quyền hàng hải kéo dài hàng thập kỷ.
Hiệp ước về binh sĩ hai bên tiếp cận đất của nhau tiếp nối vào một thỏa thuận tương tự mà Phi Luật Tân đã ký với Mỹ, được gọi là Thỏa thuận về Lực lượng Ghé thăm, mang lại khuôn khổ pháp lý mà theo đó Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự liên tục nhưng luân phiên thay đổi binh sĩ ở Phi Luật Tân, chủ yếu là để huấn luyện, thao dượt.
Ông Marcos phát biểu về hiệp ước với Nhật Bản: "Chúng tôi nhận thức rằng sự dàn xếp này có lợi ích cho cả nhân lực trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự của chúng tôi lẫn cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng ta".
Ông Marcos cũng cho biết Nhật Bản đã cấp khoản tài trợ trị giá 600 triệu Yen (4 triệu Mỹ kim) cho Phi Luật Tân để giúp thúc đẩy nỗ lực của Bộ Quốc phòng nước này trong việc xây dựng hệ thống radar ven biển để đảm bảo an ninh hàng hải.
Trước chuyến thăm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố chuyển giao hệ thống radar giám sát trên không đầu tiên cho quân đội Phi Luật Tân như một phần của một hợp đồng có từ hồi năm 2020.
Chính Trị Gia Thái Lan Nói Đã Đàm Thoại Trực Tiếp Với Hamas Để Tìm Cách Cứu Con Tin
(Hình: Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara (giữa) gặp báo chí khi công dân Thái về nước sau vụ tấn công ở Do Thái; Bangkok, 12/10/2023.)
-Hôm thứ Sáu (3/11/2023), một chính trị gia kỳ cựu của Thái Lan cho hay rằng ông đã đàm thoại trực tiếp với nhóm Hamas của người Palestine nhằm tìm cách giải thoát an toàn các con tin Thái Lan mà nhóm này đang giam giữ, giữa lúc chính phủ Thái Lan đang có nhiều hoạt động ngoại giao ráo riết.
Chính trị gia Areepen Uttarasin cho Reuters biết rằng cuộc đàm thoại đường cửa sau kéo dài khoảng 2 giờ, trong đó, hai bên ngồi trực diện với nhau ở thủ đô Tehran của Iran hôm 26/10 và các viên chức Hamas cho hay các con tin Thái Lan vẫn an toàn và được chăm sóc tốt.
Areepen không nêu tên các quan chức Hamas mà ông đã gặp và nói thêm: "Tôi nói với họ rằng tôi đến đây không phải để đàm phán mà chỉ đơn thuần là đề nghị hãy trả tự do cho những người đó".
Chính phủ Thái Lan vẫn chưa xác nhận việc đã có đàm thoại trực tiếp với Hamas nhưng cho hay họ đang tìm cách cứu con tin thông qua nhiều kênh khác nhau.
Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara nói hôm 3/11 rằng Thái Lan đã làm việc với Iran và các chính phủ khác ở trong khu vực có thể liên lạc với Hamas, trong số đó có Qatar và Ai Cập.
Parnpree, đã đến Trung Đông vào đầu tuần này, cho biết Iran rất thân thiết với Hamas và hứa sẽ giúp đỡ trong các cuộc đàm phán.
Ít nhất 23 công dân Thái Lan nằm trong số hơn 240 người bị bắt làm con tin khi Hamas tấn công Do Thái hôm 7/10, ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của đất nước này.
Trong số hơn 1.400 người mà Do Thái nói là đã bị giết trong cuộc tấn công bừa bãi, có ít nhất 32 người là người Thái.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, khoảng 30.000 người lao động của nước này làm việc ở Do Thái, chủ yếu trong lĩnh vực trang trại và 7.200 người trong số đó đã được hồi hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét