(Hình: Nghệ sĩ Thành Được.)
Tin buồn cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật Cải Lương. Bắc Cali: Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, Thành Được, với danh xưng 'ông hoàng không ngai!' qua đời tại San Jose, hôm qua, ngày 16 tháng 11/2023. Hưởng thọ 89 tuổi! -Từ người thân cho biết, ông ra đi trong giấc ngủ tại nhà riêng ở thành phố San Jose. Những ngày cuối đời, nghệ sĩ không thể tự chăm sóc do tuổi già, được gia đình túc trực trông nom chu đáo. Tuy có tuổi, nhưng khi ra đi "gương mặt ông vẫn hồng hào, hiền lành, giữ nét đẹp trai của kép đẹp, kép chính vang danh một thời" Thành Được qua đời đúng ngày giỗ của cố nghệ sĩ Út Bạch Lan, vợ cũ của ông.
<!>
Thân Thế và Sự Nghiệp:
Nghệ sĩ Thành Được tên thật là Châu Văn Được, sinh 1934 trong một gia đình khá giầu có ở Kế Sách, Sóc Trăng. Thuở nhỏ, sau khi học xong tiểu học, ông theo cậu ruột là bầu gánh hát cải lương Thanh Cần, để học hát và lên sân khấu diễn lần đầu tiên năm 1954, trong gánh hát của người cậu. Thời đỉnh cao, ông được mệnh danh "Ông vua không ngai" hay "Kép hát thượng thặng" trong làng sân khấu cải lương miền Nam trước 75.
Thành Được kết hôn với nghệ sĩ Út Bạch Lan năm 1961, nhưng đến năm 1964 chia tay. Khi gắn bó, họ là cặp đào kép lừng danh, nổi tiếng nhất một thời, trên sân khấu Kim Chưởng, qua các vở Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển. Sự kết hợp đôi trai tài, gái sắc này, giúp tên tuổi họ lên đến đỉnh cao, góp phần đưa đoàn Kim Chưởng nổi danh là "Người hùng lưu diễn", đi diễn bất cứ nơi nào, cũng thu hút đông khán giả, ái mộ.
Thành Được được nhiều nghệ sĩ đánh giá là có giọng ca thiên phú, diễn xuất chín chắn, kế thừa xuất sắc phong cách quý phái, biểu diễn "thật và đẹp!" mà nghệ sĩ Năm Châu khởi xướng. Thành Được được trao giải thưởng Thanh Tâm năm 1966, với vai "tướng cướp Thi Đằng"trong vở Tiếng hạc trong trăng. Sau này, ông sang nước ngoài định cư song vẫn giữ trọn đam mê với cổ nhạc.
(Hình: Thành Được và vợ cũ, nghệ sĩ Út Bạch Lan từng hội ngộ trong một show diễn tại Mỹ.)
Thành Được cũng thuộc thế hệ đầu của cải lương, bên cạnh Năm Châu, Út Trà Ôn, Phùng Há, Thanh Nga, Út Bạch Lan…
(Ảnh: nghệ sĩ Thành Được tuổi vể hưu.)
Sau này khi sang nước ngoài định cư, Thành Được vẫn giữ tình yêu với nghệ thuật. Ông thỉnh thoảng đi show biểu diễn phục vụ đồng bào, cộng đồng người Việt hải ngoại với các trích đoạn cải lương, ca cổ.
Ông giải nghệ nhiều năm vì tuổi già, dù đam mê sân khấu vẫn cháy bỏng. Năm 2007, gia đình nghệ sĩ có nguyện vọng tổ chức chương trình kỷ niệm cho ông tại quê nhà, nhưng sau đó phải hủy vì lý do sức khỏe.
(Hình: Nghệ sĩ Thành Được trong trích đoạn cải lương “Tuyệt Tình Ca” trên sân khấu Trung Tâm Thúy Nga.)
Năm 1984, nghệ sĩ Thành Được đi lưu diễn tại Đức, sau đó xin tị nạn chính trị tại đây, và mở một nhà hàng.
Năm 1995, ông sang Hoa Kỳ sinh sống và mở nhà hàng Thành Được tại Milpitas, một thành phố giáp phía Bắc thành phố San Jose.
Hiện nay, nhà hàng Thành Được vẫn còn đó, nhưng cố nghệ sĩ đã chuyển nhượng cho người khác trước khi ông nghỉ hưu.
Chủ Nhật Tuần Này! Nhớ Tham Dự: Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Hiếm Có Của Những Tháng Cuối Năm.
Do Văn Thơ Lạc Việt Tổ Chức.
Chiều Nhạc: Tình Khúc Cảm Tạ (Happy Thanksgiving!) và “Em Không Nghe Mùa Thu!”
Lúc 4 giờ chiều, Chủ Nhật, ngày 19 tháng 11, năm 2023
Tại Cà Phê Lovers, 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121.
*Nước uống và vào cửa tự do!
-Phần văn nghệ do nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” do Cô Thanh Loan và Thầy Thái đảm trách. Quý Vị tham dự, sẽ rất là ngạc nhiên, với nhiều giọng ca Tuổi Thơ, mà giọng hát, cách trình bày, không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp! nói chuyện tiếng Việt lưu loát! còn…hơn cả người lớn!
-Chưa kể VTLV, muốn giới thiệu Các Em, là những thế hệ nối tiếp, đầy khả năng gìn giữ tiếng Mẹ! Kính mong Quý Vị tham dự thật đông, để cổ võ tinh thần Các Bé, con cháu chúng ta!
-Chen lẫn những tiếng hát nổi tiếng VTLV, được nhiều người yêu mến vùng Thung Lũng Hoa Vàng.
-Một mục vui không thể thiếu, mừng Sinh Nhật các Thành Viên VTLV, sinh trong những tháng cuối năm, 10, 11, 12.
-Nhân dịp này, cũng xin giới thiệu 3 tác phẩm mới, của Tác Giả Chinh Nguyên.
-10 phần quà Mừng Lễ Tạ Ơn 2023, đến với Quý Vị may mắn
Chắc chắn phải là buổi Sinh Hoạt Văn Học vui tươi và nhiều ý nghĩa, trong dịp Mừng Lễ Tạ Ơn, Trong không khí của Mùa Thu Vàng, mơ mộng, ấm áp đầy tình người.
VTLV Trân Trọng Kính Mời.
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Hạ Viện Pháp Chấn Động Khi Xem Video Về Vụ Thảm Sát 7/10 của Hamas Tại Do Thái
(Hình: Hình ảnh “một chiến binh Hamas tại một khu dân cư ở miền Nam Do Thái” chụp từ video của một chiến binh Hamas bị Do Thái bắn hạ.)
-Các Dân biểu Pháp hôm 14/11/2023 bị chấn động mạnh khi xem một bộ phim dài 40 phút do Nhà nước Do Thái dựng từ các video quay cảnh lực lượng Palestine Hamas tiến hành thảm sát ở Do Thái hôm 7/10. Các Nghị sĩ xem đó là “vụ tấn công vào toàn thể nhân loại”, “đầy bạo lực”, “kinh hoàng”, “hãi hùng”.
Bộ phim cho thấy hình ảnh dân thường bị truy lùng, giết hại ở cự ly gần, thi thể trẻ em và người lớn bị tra tấn, bị vứt vào bụi rậm và cả những thi thể trẻ sơ sinh trong túi đựng xác. Các hình ảnh cũng cho thấy những kẻ tấn công đang ăn mừng thắng lợi của họ.
Dân biểu Mathieu Lefèvre của đảng Phục Hưng (Renaissance) phát biểu: “Tôi tin rằng, trong cả thời gian dài tới đây, những ai đã xem video này sẽ không thể nào còn có thể ngủ ngon giấc”, đồng thời mô tả những sự thật được kể lại trong bộ phim này là “một vụ tấn công toàn nhân loại”.
Ông Lefèvre chính là người đề xuất chiếu ở Hạ viện Pháp bộ phim vốn dành cho các thành viên của nhóm hữu nghị Pháp-Do Thái của Hạ viện, nhóm do ông làm Chủ tịch. Bộ phim được chiếu sau cánh cửa phòng đóng kín, không có các cộng tác viên của các Dân biểu, không có điện thoại để không ai có thể thu âm ghi hình.
Thông tấn xã AFP nhắc lại là bộ phim đã được chiếu cho các nhà báo và nhà ngoại giao ở Do Thái và tại một số nước khác, được dựng từ những đoạn trích từ máy ảnh và điện thoại của những thành viên Hamas tham gia vụ tấn công hôm 7/10, đã bị giết hoặc bị bắt làm tù binh, cũng như những hình ảnh do các nạn nhân và nhân viên cấp cứu ghi lại. Theo phát ngôn viên Tòa Ðại sứ Do Thái ở Paris, phim đã được chiếu ở Do Thái, Liên Hiệp Quốc và ở khoảng 30 quốc gia.
Sau khi xem phim, các Dân biểu đã chia sẻ nỗi xúc động với báo giới ngay tại điện Bourbon. Dân biểu Meyer Habib (đảng Những Người Cộng hòa - LR), đã khóc và phải cố gắng mới lấy lại được hơi thở. Dân biểu Éric Ciotti, cũng của đảng LR, cho biết ông “đã phải quay mặt đi” vì sự kinh hoàng ở một số đoạn phim.
Tuy nhiên, việc chiếu bộ phim cũng gây tranh cãi trong các dân diểu. Đa số Dân biểu đảng Xã Hội phản đối việc xem phim. Chủ tịch đảng Xã Hội, Olivier Faure, cho biết ông không muốn “tham gia vào điều ban đầu Hamas định dùng để tuyên truyền”, bởi có những hình ảnh do chính Hamas ghi lại.
Về phía Thượng viện, khi được thông tấn xã AFP hỏi, Thượng Nghị sĩ đảng LR, Roger Karoutchi, Chủ tịch nhóm hữu nghị Pháp-Do Thái tại Thượng viện, cho biết ông cũng có ý định tổ chức một buổi chiếu phim như vậy, nhưng chưa ấn định ngày.
Tổng Thống Zelensky: Nga Đẩy Mạnh Các Cuộc Tấn Công ở Miền Đông Ukraine
(Ảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại Kyiv, ngày 4/11/2023.)
-Hôm thứ Ba (14/11/2023), Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang phải đối phó với “sự gia tăng số vụ tấn công của Nga” tại miền Đông, nhất là quanh thành phố công nghiệp Avdiïvka.
Theo thông tấn xã AFP, quân đội Nga từ một tháng qua tìm cách bao vây thành phố công nghiệp Avdiïvka của Ukraine, nơi đã trở thành một trong những điểm nóng trong cuộc xung đột. Nỗ lực tấn công, bao vây của Nga diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Ukraine phản công trong nhiều tháng nhưng không giải phóng được các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Các chiến tuyến dường như không suy suyển cho dù cả Ðiện Cẩm Linh và chính quyền Zelensky đều khẳng định chiến tranh không đi vào ngõ cụt.
Trên mạng Telegram, Tổng thống Zelensky cho biết: “Quân đội đã báo cáo là có sự gia tăng số các cuộc tấn công của kẻ thù” như Avdiivka, Koupiansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky bảo đảm rằng binh sĩ Ukraine vẫn “giữ vững vị trí” và cũng đang tiến hành “các cuộc tấn công”.
Trước đó một hôm, trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một trung tâm phân tích đặt trụ sở tại Mỹ, cho biết “các lực lượng Nga hôm 13/11 đã tiếp tục các cuộc tấn công gần Avdiivka và đạt được một số thắng lợi”.
Trong khi đó, theo báo Pháp Le Monde, chỉ huy các đội quân trên bộ của quân đội Ukraine hôm 14/11 nhận định quân đội Nga sử dụng ngày càng nhiều drone tự sát, đang tấn công về phía miền Đông Ukraine và phản công ở phía Bắc và Nam của Bakhmout.
Về phía tình báo quân đội Ukraine, lãnh đạo Kyrylo Boudanov cho rằng rất có thể là sẽ không bao giờ có Hiệp định Hòa bình ký với Nga. Ông tuyên bố, trong lịch sử, có những trường hợp chiến tranh giữa các nước không được giải quyết bằng một Hiệp định.
Vụ Ám Sát Nhà Báo Politkovskaïa: Tổng Thống Nga Ân Xá Cho Một Tòng Phạm
(Hình: Người dân đặt hoa tưởng niệm trước bức chân dung của nhà báo Nga Anna Politkovskaya, bị ám sát 7/10/2006.)
-Nhờ cầm súng chiến đấu tại Ukraine, ông Sergueï Khadjikurbanov từng bị Tư pháp Nga kết án 20 năm tù trong vụ sát hại nhà báo Anna Politkovskaïa năm 2006, đã được Tổng thống Vladimir Putin ân xá. Tin trên được Luật sư của Khadjikurbanov cho biết vào hôm 14/11/2023.
Là một nhà báo điều tra về tội ác của chính quyền Chechnya, bà Anna Politkovskaïa bị sát hại ngay trước cửa nhà hôm 7/10/2006. Kẻ chủ mưu đằng sau vụ án nói trên tới nay vẫn chưa được nêu đích danh, nhưng giới bảo vệ nhân quyền và các nhà đối lập Nga đồng loạt cho rằng nghi can chính là Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Chechnya hiện nay và là một cánh tay đắc lực của Tổng thống Putin. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa, thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích thêm:
“Bị kết án tù cho đến năm 2032, ông Sergueï Khadjikurbanov trở thành một người hùng của nước Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine. Một tờ báo nổi tiếng thân cận với cơ quan an ninh Baza thuật lại công trạng của Khadjikurbanov như sau: “Nhập ngũ tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt từ cuối 2022, chỉ huy một đơn vị tình báo, rồi đã nhanh chóng được đề cử làm chỉ huy tiểu đoàn. Để thăng tiến như vậy trong vài tháng, Khadjikurbanov phải thực sự là một dạng Rambo”, từ trong nguyên văn.
Không ai biết viên cựu cảnh sát này đã chiến đấu cùng với ai và đã chiến đấu ở khu vực nào. Ðiện Cẩm Linh công khai chủ trương ân xá cho các cựu tù nhân bởi, xin trích, “ngay cả những tù nhân phạm những tội nghiêm trọng nhất, thì họ cũng đã trả giá bằng xương máu trên trận địa”.
Phát ngôn viên phủ Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov đã tuyên bố như trên hôm thứ Sáu tuần trước (10/11) khi được hỏi về quyết định ân xá cho một tù nhân tên là Vladislav Kaniouss. Người này bị kết án tù vì tội tra tấn tàn bạo cho đến chết trong 3 tiếng rưỡi người bạn gái và vụ án đó năm 2020 đã khiến công luận Nga rúng động”.
Liên Hiệp Quốc: Thế Giới Chỉ Giảm 2% Lượng Khí Phát Thải So Với Mục Tiêu 43%
(Ảnh: Buổi sáng đầy khói mù tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 13/11/2023.)
-Chỉ còn 2 tuần nữa là khai mạc hội nghị khí hậu quan trọng nhất kể từ khi đạt được thỏa thuận Paris, Liên Hiệp Quốc báo động những cam kết hiện nay của các quốc gia chỉ dẫn đến việc giảm 2% lượng khí phát thải, trong khi mục tiêu phải đạt được là 43% để có thể kềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5%.
Theo thông tấn xã AFP, báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm qua, 14/11/2023, là bản tổng hợp thường niên các cam kết mới nhất về cắt giảm khí phát thải của 195 quốc gia đã ký kết thỏa thuận Paris 2015. Văn bản này đề ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2% so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là dưới 1,5%. Nhưng để có được 50% cơ may kềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5%, từ đây đến 2030, lượng khí phát thải của cả thế giới phải giảm 43% so với mức của năm 2019.
Theo các tác giả báo cáo, kết luận nói trên cho thấy, thay vì đi “những bước nhỏ”, các chính phủ phải đi “những bước khổng lồ” tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu lần thứ 28 (COP28). Cuộc họp này sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Dubai và đây sẽ là dịp để đưa ra bản tổng kết chính thức đầu tiên về thực hiện cam kết cắt giảm khí phát thải của thế giới.
Trong một thông báo, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã thúc giục thế giới rằng đã đến lúc phải có “một supernova” (siêu tân tinh) về tham vọng khí hậu ở mỗi nước, mỗi thành phố.
Về phần Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 14/11 ông nhấn mạnh: “Bất cứ ai chối bỏ những tác động của biến đổi khí hậu đều sẽ đẩy dân Mỹ đến một tương lai rất nguy hiểm”.
Cũng về khí hậu, Liên Hiệp Quốc hôm 15/11 báo động về sự gia tăng “rất đáng quan ngại” các cơn bão cát và bão bụi trên thế giới, nhất là tại vùng Trung Á. Theo Liên Hiệp Quốc, đây là một mối đe dọa cho sức khỏe của nhân loại và là cũng hậu quả của biến đổi khí hậu do những hoạt động của con người gây ra.
Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN Diễn Ra Tại Jakarta Với Chủ Đề Hòa Bình, Thịnh Vượng và An Ninh
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) trong cuộc gặp đồng nhiệm Nam Dương Prabowo Subianto, Jakarta, thủ đô của Nam Dương, ngày 15/11/2023.)
-Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ADMM) lần thứ 17, hôm 15/11/2023 đã khai mạc tại Jakarta, thủ đô của Nam Dương, và kéo dài đến ngày 16/11. Cũng trong ngày 15/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tham dự cuộc gặp không chính thức các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Hoa Kỳ.
Tổng Thư ký ASEAN, Kao Kim Hourn, đã đến dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN do Nam Dương chủ trì. Phái đoàn Việt Nam do đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu.
Theo trang tin của ASEAN, Hội nghị đã thông qua một số tài liệu, trong đó có Chương trình công tác ADMM 2023-2026, Tài liệu Khái niệm các triển vọng của ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương từ góc độ quốc phòng, Tài liệu khái niệm về hài hòa các sáng kiến của ADMM và ADMM+, cũng như Tuyên bố chung ADMM Jakarta vì Hòa bình, Thịnh vượng và An ninh.
Theo thông tấn xã AFP, ngày 16/11 các Bộ trưởng Quốc phòng khối ASEAN sẽ có cuộc thảo luận chung về Á Châu-Thái Bình Dương, khu vực mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt. Đại diện của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc Ðại Lợi và Nga ngày mai cũng sẽ tham gia cuộc thảo luận này.
Ngoài ra, hội nghị cũng bàn về rất nhiều chủ đề khác, như chiến tranh Gaza, cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế ở Miến Điện, việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông….
Riêng về Mỹ-Trung, Tòa Bạch Ốc chưa xác nhận về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và đại diện của Bắc Kinh.
Quân Kháng Chiến Miến Ðiện Chiếm Thêm Chốt Cửa Khẩu ở Biên Giới Với Ấn Độ
(Hình: Người dân mất nhà cửa do giao tranh ở tỉnh bang Chin, miền Bắc Miến Ðiện.)
-Hai ngày sau khi quân nổi dậy ở tỉnh bang Chin của Miến Ðiện chiếm được hai căn cứ của chính quyền quân sự gần biên giới với Ấn Độ, họ vừa chiếm thêm quyền kiểm soát một chốt cửa khẩu nữa giữa hai nước phía bên kia tiểu bang Mizoram nhỏ bé của Ấn Độ.
Hầu hết trong số gần 5.000 người dân Miến Ðiện di tản sang Ấn Độ để tránh giao tranh dữ dội giữa quân nổi dậy và quân đội Miến Ðiện kể từ sáng sớm ngày 13/11/2023 đã trở về nhà khi tình hình lắng dịu, các lãnh đạo địa phương cho biết.
Trong khi thung lũng dọc biên giới Ấn Độ-Miến Ðiện phần lớn đã yên tĩnh trở lại vào chiều ngày 15/11, từ làng Zokhawthar của Ấn Độ có thể nghe thấy còi báo động không kích từ phía Miến Ðiện cảnh báo người dân về các cuộc không kích có thể xảy ra của chính quyền quân đội.
Giữa những ngọn đồi sum suê, cờ Chin được treo trên cổng chào đón du khách đến Cộng hòa Liên bang Miến Ðiện tại cửa khẩu Zokhawthar.
Lực lượng bán quân sự Assam Rifle ở phía Ấn Độ và quân kháng chiến vũ trang ở phía Miến Ðiện bảo vệ hai đầu của cây cầu biên giới bắc qua sông Tiau, nơi người dân đi qua tự do hôm 15/11.
Một nguồn tin trong nhóm Lực lượng Phòng vệ Chin cho biết họ sẽ bảo vệ biên giới với hai nhóm quân kháng chiến khác - Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và Quân đội Quốc gia Chin. “Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các vị trí chiến lược khác gần đó”, ông nói.
Ông Ramtharnghaka, Chủ tịch Chi hội Zokhawthar ở địa phương của nhóm xã hội dân sự Hiệp hội người Mizo Trẻ, nói hầu hết các công dân Miến Ðiện băng sang biên giới là từ các thị trấn gần đó.
“Trong khi một số người ở tại các trung tâm cộng đồng, những người khác được bạn bè và thân nhân chào đón”, ông nói và cho biết thêm rằng hầu hết trong số họ hiện đã trở về.
Hạ Viện Mỹ Thông Qua Ngân Sách Ngăn Chính Phủ Đóng Cửa
(Hình: Các Dân biểu rời Điện Capitol đêm 14/11/2023, sau phiên bỏ phiếu về Dự luật ngân sách tại Hạ viện.)
-Hôm 15/11/2023, Thượng viện Mỹ đã sẵn sàng tiếp nhận Dự luật chi tiêu tạm thời của Hạ viện để ngăn chính phủ đóng cửa một phần, với thời gian còn lại rất ít trước khi chính phủ cạn ngân sách vào ngày 17/11.
Các lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện cho biết họ ủng hộ Dự luật được Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua hôm 14/11 với cách biệt lớn nhờ sự ủng hộ của cả hai đảng.
Nhưng những người phản đối có thể dựa vào các điều lệ phức tạp của Thượng viện để ngăn đưa Dự luật ra bỏ phiếu trước nửa đêm 17/11, thời điểm ngân sách hiện tại hết hiệu lực. Cả hai viện Quốc hội cần thông qua luật chi tiêu và chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước thời điểm đó để tránh cho hoạt động của chính phủ bị gián đoạn.
Dự luật sẽ kéo dài ngân sách hiện tại cho chính phủ cho đến giữa tháng Một, để cho các Nghị sĩ có thêm thời gian soạn thảo các Dự luật ngân sách chi tiết cho mọi hoạt động từ quân đội cho đến nghiên cứu khoa học.
Quan trọng hơn, nó giúp cho chính phủ tránh bị đóng cửa một phần vốn sẽ làm gián đoạn một loạt các hoạt động của chính quyền và khiến hàng trăm ngàn công chức liên bang phải nghỉ việc không lương.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 14/11 là một chiến thắng cho Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, vốn đối mặt sự chống đối từ một số đồng viện Cộng hòa – những người muốn cắt giảm chi tiêu mạnh tay.
Ông Johnson là Dân biểu ít tên tuổi đến từ tiểu bang Louisiana cho đến khi ông được bầu làm Chủ tịch Hạ viện vào ngày 25/10 sau nhiều tuần đấu đá nội bộ của đảng Cộng hòa.
Dự luật này sẽ gian hạn ngân sách cho quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1. Ngân sách cho tất cả các hoạt động khác của chính quyền liên bang khác - gồm cả quốc phòng - sẽ hết hạn vào ngày 2/2.
Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, hôm 14/11 cho biết ông ủng hộ Dự luật và cam kết sẽ đưa nó ra biểu quyết càng nhanh càng tốt. Thượng Nghị sĩ lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, cho biết ông cũng ủng hộ Dự luật.
Tin Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại
Đài VOA Tiếng Việt: Biểu Tình Phản Đối Phái Đoàn của Chủ Tịch Võ Văn Thưởng Tại APEC
(Hình: Ban tổ chức cho biết khoảng 200 người tham biểu tình phản đối phái đoàn của Chủ tịch nước CSVN Võ Văn Thưởng.)
-Tiếp nối làn sóng biểu tình tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) 2023, hôm 15/11 các nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến trung tâm thành phố San Francisco để phản đối phái đoàn Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đang tham gia sự kiện này, yêu cầu chính quyền Hà Nội cải thiện đời sống người dân, tuân thủ các cam kết quốc tế, mở rộng dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Ông Lê Trung Khương, một thành viên trong ban tổ chức cuộc tuần hành, nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA):
“Chúng tôi tổ chức biểu tình để phản đối sự hiện diện của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước và phái đoàn của ông, là những kẻ cầm quyền đã đưa dân tộc đến chỗ nghèo nàn, lạc hậu và nền đạo đức bị suy đồi.
“Họ đã nhốt khoảng 243 nhà bất đồng chính kiến và đấu tranh cho dân chủ, đẩy những nhà đấu tranh đến chỗ suy sụp tinh thần, dân oan bị Cộng sản cướp đoạt đất đai, cũng như các hình thức tra tấn và bắt bớ người dân với những tội rất bất công”.
Những người biểu tình tụ tập tại khu bảo tàng Sáng tạo cho Thiếu nhi Yerba Buena và tuần hành đến trước trung tâm hội nghị Moscone West, nơi tổ chức Hội nghị APEC 2023, lúc 1 giờ trưa (giờ địa phương) và hô vang các khẩu hiệu phản đối phái đoàn ông Thưởng. “Đả đảo Cộng sản Việt Nam”, “Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, người biểu tình đồng thanh hô lớn, trang Facebook của Việt Tân tường thuật trực tiếp.
Ông Khương cho VOA biết có khoảng 200 người gốc Việt tham gia biểu tình chiều ngày 15/11.
Ông Nguyễn Viết Nhân, một người dân ở Stockton, tiểu bang California, tham gia biểu tình, chia sẻ:
“Dự APEC và kêu gọi đầu tư là chuyện đương nhiên, nhưng đối với Việt Nam hiện tại, sự tự do và dân chủ của người dân trong nước không có, nên tôi tham dự cuộc biểu tình với mục tiêu phản đối chính quyền Việt Nam vẫn còn tiếp tục đàn áp người dân.
“Cá nhân tôi và chắc chắn cũng như người dân Việt Nam mong muốn rằng sẽ có thay đổi nhiều hơn về tự do dân chủ. Đó vừa là nguyện vọng, vừa là xu hướng của thế giới ngày hôm nay: một đất nước có tự do, dân chủ thì mới phát triển được”.
Từ hôm 12/11, nhiều nhóm biểu tình khác nhau đã có mặt ở trung tâm San Francisco, phản đối Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại Toàn cầu, nơi sẽ có mặt Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ gần 20 quốc gia. Những người biểu tình phản đối doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc tồi tàn và cuộc chiến Do Thái-Hamas, theo hãng thông tấn AP.
Trước đó, các cộng đồng gốc Việt đã phát đi lời kêu gọi biểu tình chốn phái đoàn của Việt Nam do ông Võ Văn Thưởng dẫn đầu.
“Trong khi mục tiêu của APEC là gia tăng phúc lợi cho mọi người và đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong khu vực, chúng tôi khẳng định rằng nhân quyền vẫn là yếu tố cốt lõi của phúc lợi đó”, lời kêu gọi viết.
Thay mặt cộng đồng người Mỹ gốc Việt Bắc California, ông Jimmy Phan nói trong một lời kêu gọi: “Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không phải là đối tác đáng tin cậy. Chúng là những kẻ ăn bám và đâm sau lưng, bằng chứng là qua những hành vi khúm núm gần đây của chúng đối với Trung Cộng và Nga, ngay sau khi được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Lợi ích của chúng hoàn toàn mang tính tư lợi và gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ”.
VOA đã liên lạc Tòa tổng Lãnh sự CSVN tại San Francisco, Tòa Ðại sứ CSVN tại Hoa Kỳ, và Bộ Ngoại giao CSVN, yêu cầu cho ý kiến về cuộc biểu tình này, nhưng chưa được phản hồi.
Ban tổ chức cho biết các mạnh thường quân gốc Việt hỗ trợ nhiều chuyến xe buýt đưa đồng hương từ Nam California đến Bắc California để tham gia cuộc biểu tình này.
Thông tấn xã Việt Nam hôm 15/11 cho biết sáng ngày 14/11, giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Cộng sản Việt Nam đã tới Phi trường Quốc tế San Francisco.
Theo chương trình, trong khuôn khổ các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, ông Thưởng sẽ cùng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực; đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, ông Thưởng cũng sẽ kết hợp thực hiện các hoạt động song phương tại Mỹ.
Dự kiến trong chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit); tham dự các buổi đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC với đối tác, khách mời; dự Hội nghị Cấp cao Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vẫn theo TTXVN, dự kiến ông Thưởng sẽ có các buổi tiếp xúc các nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ; tham dự và phát biểu, trao đổi chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR); dự Bàn tròn kết nối doanh nghiệp, địa phương về kỹ thuật cao, gặp gỡ lãnh đạo một số công ty và tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ.
Các ưu tiên của Diễn đàn năm nay do nước chủ nhà Hoa Kỳ chọn là “Kết nối, Sáng tạo và Bao trùm”, với chủ đề cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 là “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”.
Phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC hôm 14/11, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác APEC gồm: Tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, tận dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC, theo truyền thông trong nước.
APEC, một diễn đàn kinh tế khu vực, được thành lập năm 1989 và có 21 quốc gia thành viên, trong đó có hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, cũng như Mễ Tây Cơ, Ba Tây và Phi Luật Tân.
Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam 2 lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào 2006 và 2017.
Đài Á Châu Tự Do (RFA): Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc Quan Ngại Việc Chính Phủ CSVN Không Thừa Nhận Khái Niệm “Người Bản Địa”
(Ảnh: Ông Surya Deva trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 15/11/2023.)
-Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông Surya Deva chỉ ra những mặt hạn chế của Việt Nam đặc biệt liên quan đến người sắc tộc thiểu số sau chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới quốc gia này.
Chiều 15/11/2023, ông Surya Deva tổ chức cuộc họp báo ở Hà Nội và phát trực tuyến qua nền tảng Zoom có sự tham dự của phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Trong bài phát biểu của mình, ông Surya cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có nhiều tiến bộ trong phát triển nhưng còn nhiều hạn chế và chính phủ cần cố gắng hơn nữa để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Ông Surya Deva nhận thấy Việt Nam phát triển mạnh trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên có sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả.
“Chúng tôi cảm thấy rằng khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự tiến bộ không đồng đều, không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau trong xã hội trong khi mục tiêu của sự phát triển bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng tôi cảm thấy rằng một số người, một số cộng đồng nhất định đã bị bỏ lại phía sau và một trong những điển hình là nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ chính phủ biết điều đó và cần phải giảm tỷ lệ nghèo đói, đói ăn và thiếu dinh dưỡng trong những cộng đồng của người dân tộc thiểu số”.
Người Thiểu Số và Vấn Đề Người Bản Địa
Trong các văn bản của Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành có những cam kết không để các cộng đồng người dân tộc thiểu số bị bỏ lại phía sau, tuy nhiên có sự khác biệt giữa cam kết trên văn bản giấy tờ và hành động thực tế.
“Tôi nghĩ rằng cần phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng người dân tộc thiểu số không đối mặt với những bất lợi”.
Ông cho hay bản thân nhận được thông tin nhiều người thuộc nhóm dân tộc thiểu số không được cấp thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân, vì vậy họ không thể tiếp cận được các dịch vụ công.
Ông bày tỏ quan ngại về việc Nhà nước Việt Nam không thừa nhận sự tồn tại của khái niệm “người bản địa”. Theo ông, chính phủ ủng hộ Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) năm 2007, cho nên họ cần cho phép người dân tộc thiểu số tự nhận mình là người bản địa.
“Nguyên tắc chính của Công ước về quyền của người bản địa là mọi người phải có quyền tự xác định liệu họ có muốn được coi là người bản địa hay không”, ông nói.
Lợi Ích Không Đồng Đều Từ Các Hiệp định Thương Mại
Theo ông Surya Deva, Hà Nội không được bỏ qua các yếu tố về nhân quyền, quyền lao động, và môi trường trong các Hiệp ước Thương mại với quốc tế.
Việt Nam đang có 3 Hiệp định Thương mại Thế hệ mới với Liên Hiệp Âu Châu (EU), Anh Quốc và CPTPP. Các Hiệp định này buộc Việt Nam cần tôn trọng các quyền lao động và môi trường.
“Tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam thừa nhận lợi ích từ các Hiệp định Thương mại không được hưởng đều giữa các địa phương và giữa người với người”.
Tiếp xúc với một số doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và cả doanh nghiệp ngoại quốc, ông nhận thấy họ chưa nhận thức được các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho doanh nghiệp để tôn trọng nhân quyền và môi trường cũng như quyền của người lao động.
Ông hỏi các công ty và nhân viên về việc họ có chính sách chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không và câu trả lời của các công ty này là “không”.
Ông cho đó là thiếu sót của các doanh nghiệp về phương cách giải quyết các tình huống quấy rối có thể xảy ra tại nơi làm việc.
Ngoài ra, viên chức của Liên Hiệp Quốc cũng nhận được thông tin chính quyền thu hồi đất đai của người dân với giá đền bù thấp nhưng bán lại cho các doanh nghiệp với giá cao gấp nhiều lần.
Ông hy vọng với Dự thảo Luật Đất đai, Việt Nam sẽ có chính sách thu hồi đất đai cân bằng hơn, không để những người bị thu hồi đất bị bỏ lại phía sau, bằng cách bồi thường với giá không quá thấp so với giá bán lại cho doanh nghiệp, và bảo đảm sinh kế cho người bị thu hồi đất.
Thách Thức của Việt Nam
Ông Surya Deva chỉ ra những thách thức mà quốc gia độc đảng đang phải đối mặt, trong đó có tệ quan liêu của bộ máy công quyền, và việc áp dụng luật không công bằng giữa người dân và viên chức.
Một trong những biểu hiện rõ nét sự quan liêu của các cơ quan công quyền là việc xét duyệt các dự án phát triển rất chậm, mất hàng năm trời, vì vậy người thụ hưởng không được hưởng lợi từ dự án cho dù họ rất cần.
Ông cho biết trong các cuộc nói chuyện với viên chức của nhiều cơ quan và nhận thấy rằng các viên chức thận trọng trong việc ra quyết định vì sợ bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay.
Việc nhiều cơ quan tham gia xét duyệt cũng làm chậm các dự án. Ông hy vọng Chính phủ Việt Nam đơn giản hóa các thủ tục để các dự án phát triển được tiến hành sớm và người dân được hưởng lợi từ đó.
Áp Dụng Luật Bất Bình Đẳng
Theo ông, một quốc gia phát triển phải xây dựng trên cơ sở mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật.
“Tôi cảm nhận được việc sử dụng luật một cách có chọn lọc để nhằm vào người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, và người bảo vệ môi trường”.
Mặc dù không nêu bất kỳ danh tính nào, tuy nhiên chính phủ Cộng sản Việt Nam hiện đã và đang bỏ tù ít nhất 5 nhà hoạt động môi trường với cáo buộc “trốn thuế” vốn bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích.
Ông đặt câu hỏi tại sao cùng một vấn đề mà người này bị pháp luật trừng phạt trong khi người kia lại không bị sao.
Ông cũng nhận thấy Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế quyền tự do ngôn luận, kể cả trên mạng Internet.
Theo ông, Chính phủ cần nhìn nhận những ý kiến khác biệt để tạo ra một xã hội phát triển bền vững. Nếu không, có những nhóm người nhất định sẽ bị bỏ lại phía sau.
Trong thông cáo của Liên Hiệp Quốc trước chuyến đi, chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt có mục đích hỗ trợ Hà Nội củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.
Chuyên gia sẽ trình bày báo cáo của ông lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2024.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét