Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Mười bảy cây số đường ma - VÕ DIỆU THANH

Minh họa: Thái Mỹ Phương
Mưa lắc rắc, trời chuyển tối mịt. Mới tám giờ mà tưởng đã gần nửa đêm. Tôi tranh thủ ghé cây xăng. Cái lạnh của mưa lâm râm làm cho đêm như nặng hơn. Hình như mọi người không ai muốn ra đường. Tôi cũng mong mau tới nhà. Cái nôn nóng đó làm tôi bỏ qua bàn tay vẫy của một người phụ nữ. Gương mặt đen đúa và cặp mắt đỏ này tôi từng gặp trên chuyến xe từ Sài Gòn về mấy năm trước. Chị tên Hua, nhà ở dưới xóm tôi một đỗi. Nhớ ra, tôi cho xe quay lại. Tôi và chị từng ngồi cùng một băng ghế trong một chuyến xe. Hôm đó mặt chị háo hức nhưng nét lo âu hằn rõ làm chị như trần ai hơn giữa lộn xộn hành khách. 
<!>
Vừa yên chỗ, chị kéo bọc bánh mì đồ sộ ra vuốt ve. “Coi tôi mua đúng loại bánh mì Bình Chánh nè. Thơm lắm. Nhai ngọt miệng. Mấy lần trước không biết mua nhằm bánh gì mà lạt xèo, ăn mắc tức thêm. Đúng là bị gạt rồi mới có kinh nghiệm hé chú”.

Tôi chỉ lấy mắt nhìn. Thấy tội nghiệp. Chắc chị hình dung cảnh bầy con đang ôm mấy ổ bánh mì gần bằng tụi nó nhai ngon lành. Con tôi không thích bánh mì. Nó nói như bò nhai rơm. Không bận tâm thái độ của tôi, chị ôm bọc bánh thở dài. “Thằng Út bữa nay không biết có nhận ra mẹ không. Con nít mau quên gì đâu”. “Nó nhiêu tuổi?”. “Mười chín tháng!”.

Tôi không trả lời nhưng thầm gật đầu. “Mấy tháng trước lúc tôi mới đi làm, con chị nó gọi điện nói nó khóc hoài, không chịu ngủ. Tôi nán làm thêm có mấy bữa cho tới có lương mới về. Vậy mà về nó đã nhìn tôi như người lạ. Mấy tiếng đồng hồ sau mới quen lại. Khi nó vừa quen, tôi lại đi rồi”. Chị thở dài một hơi run run. Y như là mình chơi ác với con. “Người lớn hay ỷ mình lớn hé chú? Nói bỏ đi là bỏ đi. Tụi nhỏ dù muốn hay không cũng phải chịu”. Tôi nói góp: “Người lớn mà còn phải chịu nữa, nói gì tụi nhỏ, chị! Hoàn cảnh mà”.

Làm nghề dạy học, tôi sẩu mình với cảnh này. Lớp chỉ có hơn mười em mà đầu óc cứ để đâu đâu. Những cặp mắt nhìn có vẻ bình thường nhưng bên trong nó đã hụt đi một góc nào đó. Cha mẹ cách chúng gần ba trăm cây số. Mỗi năm chúng được gặp họ hai lần. Đó là tết và hè. Cái nhớ dai dẳng làm lớp học chật chội hơn. Nó đã quá hẹp hòi so với lứa tuổi cần một không gian vô tận để tung hoành.

Lớp học chỉ bó chân chúng được vài ba năm nữa. Sức vóc có một chút, tụi nó đã mượn giấy chứng minh của anh chị trong xóm phôtô kèm hồ sơ lên Sài Gòn kiếm việc làm. Rồi chúng gặp nhau, đẻ những đứa con, gởi về quê và tụi nhỏ lại đem nỗi nhớ vào lớp học...

Vị khách chung băng ghế tôi đây cũng vậy. Gởi ba đứa con ở nhà để đi Bình Dương. Rồi đang ngồi may tự nhiên làm công tác đo đạc bằng tưởng tượng. Thấy sao mà xa quá. Ví dụ có giặc giã, ví dụ con đi lạc, ví dụ hỏa hoạn... Một ngàn lẻ một cái ví dụ sắp hàng có dò có dọc trong đầu người mẹ. Người mẹ thấy tay chân mình bủn rủn. Ví dụ một trong những cái rủi đó tới thiệt, mình có hay biết gì đâu. Hay cũng có về kịp đâu... Vậy là bỏ hết mọi thứ để về với bầy con. Gặp mặt chút xíu cũng được. Làm như là nhìn một cái rồi thì những xui rủi nó sợ, nó không dám ghé.

Chạng vạng nay nhìn thấy chị, tôi lại nghĩ chị vừa “ví dụ” ra sự cố gì nên lại tranh thủ về qua. Vừa tấp xe vào lề, tôi hỏi ngay: “Chị vẫn đi làm xa hả? Lại nhớ tụi nhỏ à? Mà sao chị về trễ vậy, về giờ này đón xe trần ai lắm?”. “Dà, khó đón xe”. “Mà chị đi về bằng xe gì lại có cái nón này? Nó đâu phải nón bảo hiểm?”. Chị làu bàu khó hiểu: “Ừ, má nó!”. Tôi nhíu chân mày nhìn chị. Chị lảng nhìn hướng khác rồi lập cập leo lên xe tôi. “Chú chạy mau mau nghe!”.

Mưa dường như nặng hơn. Tôi cũng muốn chạy nhanh nhưng đường áo một lớp nước. Đang vụ gặt, xe cải tiến chở lúa nếp từ ruộng lên, để lại mặt đường đầy dấu bùn. Chỉ cần rà thắng nhẹ là xe sề bánh. Đành chạy từ từ.

“Sao chú bò vậy?”. “Đường trơn, ẩu tả té một cái hết về. Muốn nhanh thì phải từ từ”. “Ừ, vậy thôi chậm chậm đi...”. Tôi vẫn thả vòng quay bánh xe đều đều, từ tốn. Chị lại quýnh quáng hét bên tai tôi. “Đã biểu chậm mà!”. Tôi hét lại: “Rốt cuộc chị muốn gì?”. “Thì muốn tới nhà!”. “Vậy chị ngồi im”. “Ừ, ngồi im, chạy từ từ nghe chú. Đó đó, vậy là nhanh. Tới cái cua kìa, sát bên này nè. Chú chạy vậy là ẩu, ẩu lắm, phải né sát bên này nè. Rủi có xe ngược chiều. Tôi mà bị té xe ở đây mấy nhỏ khóc chắc chết. Tội nghiệp lắm”. “Hay chị cầm tay lái đi?”. “Sao được. Tôi đâu biết chạy xe!”.

Thật hết chịu nổi. Tôi còn muốn nổi quạu thêm chút nữa. Nhưng tôi dịu xuống mau. Nhớ lại cảnh hồi đó chị vừa rớm nước mắt vừa buộc tới buộc lui mấy ổ bánh mì Bình Chánh mà thấy tội.

Giọng chị bắt đầu đều đều như độc thoại sau lưng tôi. Thấy con người ta tràn trạc con mình đi ngang là tay chân buông xụi, cầm cái gì cũng muốn bỏ hết. Nhớ cái lỗ mũi thò lò, nó lấy tay quẹt ngang quằn quện như ông kẹ. Nhớ cái sào phơi mấy cái quần cái áo cũ mèm, thâm kim của con... Chồng cằn nhằn. Nhà nghèo muốn chết, làm không lo làm đặng còn nuôi con, bày đặt vìa hoài.

Chị thấy chồng nói phải. Nhưng mà biểu hoài nó không đi, ý chị nói cái nhớ con, biết làm sao! Kiếm sống đủ đường rồi. Hồi lúc mới sanh đứa đầu lòng còn gởi nó ở nhà đi cắt nếp. Giờ thì nếp cắt tay rẻ hơn nếp cắt máy cả ngàn đồng một ký. Trong khi đó công cắt tay lại mắc gấp đôi công cắt máy. Cho dẫu không có máy cắt người ta ngồi chờ chớ không dòm tới đám lưỡi hái. Mấy công đất nếp sập chèm bẹp thì phải mướn cắt tay. Nhưng bon chen dữ lắm. Còn lâu mới tới tay những người hịch hạc như vợ chồng chị.

Vậy là đẩy xe trái cây đi bán. Nhưng mà cái nghề không cần nhiều vốn nên nhìn tới nhìn lui cũng chỉ thấy người bán. Ế ẩm thấy ngán trong khi các con lại thèm đủ thứ. Nó không giống cái hồi chị còn nhỏ. Đứa nào cũng cơm nguội muối hột. Nhưng có thấy thèm gì đâu. Vì đường sá khó đi lại, hàng quán ít ỏi, đâu có nhìn thấy gì gợi thèm. Còn tụi nhỏ bây giờ nhìn đâu cũng có những món buộc chúng nó ao ước.

Học làm giàu thì khó chớ học đua đòi dễ ợt. Nhà có của ăn của để một chút, mấy đứa con một con hai thành cậu ấm cô chiêu hết. Có đứa muốn cho nó ăn hết một chén cơm với thịt cá ê hề phải tốn nửa lít xăng. Người ta cho xe chạy một vòng, năn nỉ mỏi mòn nó mới chịu ăn một muỗng cơm. Còn con mình thì... Nhìn con trẻ thèm ăn nhểu nước miếng mẹ cha héo ruột. Ở nhà gần gũi các con mà để chúng thiếu thốn, thà đi...

Đang làm tự nhiên hình dung con mình ở cách mình hơn ba trăm cây số... Biết là sau một ngày đuối nhừ mình về cái chỗ không phải là nhà mình. Nằm xuống chỗ ngủ không có cái mùi quen thuộc của con. Thèm kê mũi hít thằng Út một cái chợt thấy nghẹt mũi, mắt xốn, ruột teo ngắt... Thấy đồng tiền có nhằm nhò gì đâu. Mà đồng tiền xa nhà cũng đâu có dễ kiếm. Có khi cả tháng không thấy mặt trời vì tăng ca liên tục.

“Còn mười sáu cây hả chú?”. “Chị đừng có đếm vậy, nó lâu lắm. Cứ ngồi hình dung lát nữa gặp mấy con. Nói chuyện với tôi đi để không thấy lâu. Tôi vù một hồi là mình tới nhà hà”. “Tôi dốt muốn chết, nói được khỉ gì. Mà nói về con thì nôn thêm”.

Tự nhiên tôi cũng không biết gợi chuyện gì cho chị quên. Giờ này mà đem đề tài nào ra nói cũng thấy lảng. Thành ra, tôi tự đặt tôi vào tình thế mất tự nhiên. Chúng tôi đang băng qua một cánh đồng. Mười bảy cây số mới tới hàng cây bên kia, chỗ có nhà tôi và nhà chị Hua. Hai bên đường tối mịt. Mùi rơm, mùi đồng ruộng tràn đầy mũi. Nếu là ban ngày đã có thể nghe tiếng máy gặt đập liên hợp nổ ành ành trên đám gốc rạ. Vô vụ, cả đồng có hơn nửa trăm máy chớ không ít. Cánh đồng lớn mà. Nhưng nó vẫn không nuôi hết những người ở cặp theo nó. Có nhiều người như chị bỏ xứ đi.

Ngày tôi còn nhỏ, má sanh chục đứa con không cần phải cố gắng vẫn sống - chị lại lảm nhảm như ru tôi - Chỉ cần lo hũ gạo, ra hè mò ốc, mò cua cũng có cái quọt quẹt. Giờ thì cua ốc chỉ ở nhà hàng mới có. Hai vợ chồng đẻ ba đứa thôi đã phải chạy ăn ngất ngư, đi tứ tán... Thời này Sài Gòn, Bình Dương thiếu gì việc làm. Nhưng đất công nghiệp, máy móc ầm ầm, chứa cha mẹ chớ không chứa con nít. Có nhiều đứa chưa thôi bú đã bị dứt ngang bầu sữa, về với ông bà. Rồi mẹ rồi con chia hai đầu nỗi nhớ.

“Chú, sao lại còn mười bảy cây số? Mình đã đi hơn một cây rồi”. “Khùng thiệt”.

“Đ mẹ”. “Sao vậy chị?”. Tôi nghe được cơn hậm hực trào lên trong chị. Tưởng như là cái cột cây số đã kéo dài con đường về nhà hơn. “Sao càng chạy càng xa vậy chú?”.

Nghe chị hỏi tôi thấy mắc cười. Ừ, người ta nói càng học càng ngu, càng tiến bộ càng thụt lùi. Rõ ràng thấy mình giàu hơn hồi đó chớ. Nhưng hồi xưa ông bà nghèo cũng có năm ba công đất. Giờ thì ai có năm ba công đất đã thành triệu phú. Có khá nhiều người như vợ chồng tôi, dạy học gần hai chục năm, chạy xe đời mới, thèm gì mua đó, có khi thừa mứa bỏ lăn bỏ lóc, nhưng nợ ngân hàng ngập đầu. Muốn mua được một công đất chỉ có chiêm bao.

“Họ cắm trụ bị lộn đó mà” - tôi nói với chị về mấy cột cây số bên đường. “Đồ mất dạy, đập mẹ nó đi. Chú ngừng lại tôi đập mẹ nó đi!”. “Trời đất! Sao chị nóng vậy. Ủa, mà cái gì kế bên nó vậy chị?”. “Hình như bóng cột cây số!”. “Sao cái bóng đỏ lòm?”.

Tôi không hiểu. Xe đã vượt qua một đỗi xa, ngoái nhìn nhanh tôi vẫn còn thấy nó như đang cháy. Mà, phải cái bóng không?

“Chạy xe không lo. Má nó!”. “Chị chửi tôi?”. “Chửi cột cây số. Đáng lẽ nó đâu cần đứng đó!”. “Cũng có ảnh hưởng gì đâu”. “Ừ, lo chạy đi. Nôn muốn chết. Ngày mai phải nấu cho ba đứa con ăn. Không, về sẽ nấu liền. Thằng Tiền thèm gà luộc, con Mẹo thèm tôm hấp bia. Mà nói thèm chớ nó đâu có biết cái mùi tôm hấp bia là ngọt hay mặn. Bữa ở gần nhà có đám cưới, nó thấy người ta làm món đó, con tôm đỏ lựng, mắc thèm. Chuyến này về phải làm cho tụi nó ăn đã đời”.

Tôi thấy mắc cười. Mọi người cứ y như chị. Chưa kịp dạy cho con cách đứng vững giữa cuộc sống đầy bất trắc này đã dạy cho con thói đua đòi. Nhưng trách chị cũng khó. Nỗi nhớ con đã làm người mẹ không thể lựa chọn. Khi xa con, một người mẹ học lớp mười mấy còn muốn bù đắp bằng kiểu ấu trĩ, huống gì người phụ nữ ít ỏi chữ nghĩa như chị. Tôi cũng vậy. Mấy lúc đi học bồi dưỡng nhiều ngày, bỏ con cho bà nội, vợ chồng tôi nhớ con đứt ruột. Cứ tưởng như là mình đang làm cái gì đó có lỗi với con dữ lắm. Về phải cho con cái này cái nọ.

“Cái mùi thấy ghét”. “Sao mà ghét?”. “Thì tại ghét thôi chớ không biết sao. Thấy không quen”. “Mùi lò sấy, chị không biết à?”. “Từ hồi có lò sấy, không ai mướn cắt lúa, phơi lúa, tôi đi Bình Dương luôn nên đâu có biết mùi của nó”.

Ừ, mùi khó chịu nhưng ấm. Tôi không biết sao lò sấy lại phun ra mùi bùn. Lò sấy làm cho hột nếp có chất lượng cao hơn. Nhưng vô mùa, gặp lúc mưa dầm, nếp vẫn rớt giá thê thảm. Nông dân làm ruộng ít đỉnh gặp sự cố một vài lần nợ nần chồng chất, cầm cố ruộng để trả nợ rồi dần dần cũng đi Bình Dương. Nông dân hờn trách ông trời mưa nắng không phải thì còn những người làm thuê như chị Hua thì không biết mùi lò sấy.

“Lần này về chắc tôi không đi nữa chú à. Lên đó đêm nào ngủ cũng gặp mấy nhỏ. Nghe nói thằng Tiền nhớ tôi đêm nào cũng quậy, nói mớ um sùm, hết la hét thì ngồi dậy chạy re ra cửa. Bà nội phải để cây dao sét ở đầu giường...”. “Gì vậy ta?”. “Chú đừng sợ, đừng né, đâm mẹ nó đi!”. Trước mặt tôi ba cái bóng trắng đi qua đi lại. Tôi hạ ga, rà thắng. “Đã nói đâm mẹ nó đi!”. “Sao mà được!”. “Chú mà né té chết ráng chịu!”.

Cái chị này, chạy xe mà hết tai nạn rồi chết chóc, ớn nổi da gà. Nếu tôi không làm nghề dạy học ở quê, không quen cảm thông tính tình của trăm ngàn kiểu phụ huynh, thế nào tôi cũng ngừng xe rồi mời chị xuống. Lúc dạy học tôi gặp nhiều tình huống còn vô lý dữ dội hơn. Quen rồi. Cứ nghĩ bụng, nếu mình là họ, cũng thất học, cũng vật lộn với miếng cơm như họ, có lẽ mình còn lỗ mãng dữ dội hơn.

Khi xe tôi tới nơi bóng trắng vừa dạt qua bên đường. Một ánh chớp sáng ngời rạch ngang mặt. Tôi kịp nhìn sâu lề đường, thấy tre níu tre chằng chịt. Ai đi vô đó giờ này. Tôi bắt đầu thấy ớn. Chạy một khúc tôi lại phải đạp thắng nhanh. Một đứa nhỏ xẹt qua đường. Cái thắng đột ngột đã làm xe tôi sề bánh. May mà tôi vẫn còn cầm vững tay lái. Nhìn lại chỉ thấy hai con mắt xanh lè của một con mèo.

“Đã biểu đừng có thắng!”. “Không thắng rủi gặp con nít thiệt rồi sao?”. “Nó đi đâu giờ này!”. “Ừ hé. Nhưng mà hồi nãy tôi thấy rõ ràng một đứa con nít!”. Tôi lại rùng mình. “Chị có nhìn thấy đứa con nít chạy qua không?”. “Khùng!”. “Thiệt mà”. “Nhắc con nít hoài. Không biết mấy đứa nhỏ ngủ ngon không. Về chắc kêu tụi nó ngồi dậy liền đặng nó mừng. Nhưng mà thôi đi, để tụi nó ngủ. Được nằm xuống với tụi nó, nghe mùi tụi nó là đã thèm rồi...”.

Tôi và chị cùng im lặng. Tôi không dám lên tiếng. Chắc là trong đầu chị đang hình dung lúc mình được ngồi một bên con, nhìn những gương mặt nhỏ nhắn quen thuộc. Những gương mặt nhớ. Chắc chị đang mỉm cười với cảnh được ngả nhẹ người xuống, nghe hơi ấm các con chạy rần, thấm đầy phổi.

“Chị nhắc hoài tụi nó nhảy mũi chắc chết”. “Không nhắc nữa. Chạy mau mau. Mà thôi chạy chậm chậm... Đừng chạy mau, nguy hiểm. Mấy đứa nhỏ đang trông...”.

Tiếng con gà bên đường gáy nghe văng vẳng. “Con gà nào mà siêng vậy, gáy giờ này. Chị thấy kỳ không, đáng lẽ nó đang ngủ li bì chớ”. “Ngừng lại!”. “Sao vậy?”. “Tới rồi!”.

Ủa, sao tôi không có một ý thức gì về đoạn đường quen thuộc này hết. Chị hấp tấp bước xuống xe, lướt nhanh rồi mất hút. Tôi dừng lại nhìn kỹ thì đúng là nhà của chị. Chị đã đi khuất vào mảnh sân nhà chị. Tôi nhóng người lên một chút cho bớt cảm giác nóng đít rồi chạy xe tiếp. Gần tới nhà thì xe xịch xịch nặng nề rồi ngừng lại. Đồng hồ báo xăng cạn khô. Tôi vừa dắt xe vừa cằn nhằn. Gần ba lít! Là tại xe bữa nay trở chứng hay tại cây xăng đong ăn gian?

Vợ tôi mở cửa mặt chưng hửng rồi nhìn đồng hồ. Mắc mớ gì ông về giờ này, bộ nghi tôi dẫn trai vô nhà hả? Ba giờ khuya, cha nội!

Tôi dụi mắt.

Tôi đi rửa mặt nằm im nhưng không ngủ được. Mười bảy cây số. Ba lít xăng. Bảy giờ chạy xe. Giờ tôi mới phát hiện cả người tôi mỏi rã rời. Rồi tôi mê man lúc nào không hay.

***
Sáng đi ngang nhà chị Hua tôi thấy trước nhà dựng một bàn Phật, vài người đang cầu nguyện. Tôi thả chân chầm chậm đi vào. Trước bàn Phật có miếng giấy ghi: Nam mô Phật tổ, Phật thầy tiếp dẫn vong linh... Trên chiếc bàn thờ nhỏ trong góc nhà, hình chị Hua với hai mắt ngơ ngác. Đúng là chị Hua đây mà. Dường như chị vẫn không tin mình đang ngồi đây.

Cạnh đó, một nhóm người lén chỉ trỏ nhà chị xì xầm.
- Hổm rày ai chạy xe ban đêm cũng bị nó đón đường xin quá giang...
- Chỉ sao mà chết?
- Nó đi làm trên Bình Dương, nhớ con quá đón xe đò về. Tới bến ngoắc xe ôm về nhà. Thằng xe ôm chạy né cái xe ngược chiều đâm vô cột cây số. Cái nón bảo hiểm mỏng te, bể nát bấy. Máu linh láng. Chở gần tới bệnh viện thì chết. Tội nghiệp, thấy con thiếu thốn, làm có tiền nó mua đủ thứ về. Lúc té, tôm, gà đổ đầy đường... Không gặp được con lần cuối nói gì được nấu cho con ăn...

Tôi dòm kiếm ba đứa nhỏ. Một đứa đang ngồi lượm mấy cái lá trước sân, sấp thành một cọc. Đứa lớn đang quét nhà. Một đứa mới biết đi lựng cựng xé lá nhét vô miệng. Nhỏ chị chạy lại:
- Dơ!

Nó vả miệng đứa em cái bốp.

Đứa nhỏ khóc ré lên.
- Má ơi!

Nhỏ chị ôm em khóc. Rồi nhỏ đứng xếp lá cùng. Ba chị em mỗi đứa mếu một kiểu.

Không biết trong ba đứa đó, đứa nào thèm gà luộc, đứa nào thèm tôm hấp bia...

Chị Hua, chị đang ở quanh quất đâu đây phải không. Tôi sẽ mua giùm chị một con gà luộc, cả tôm và bia rồi nói vợ tôi qua nấu cho tụi nó ăn, nghe chị?


Không có nhận xét nào: