Tôi được chuyển từ Trại Mễ Phủ Lý vô trại A Hà Nam Ninh, trại này được gọi là trại mẩu của Bộ Nội Vụ gồm có nhiều trại nhỏ hơn nằm xung quanh. Cũng là thành phần “sứt càng gãy gọng”, là thành phần bị bệnh khoảng gần 100 người, nên chi được dồn hết vào buồng 8, một buồng sáng ra được mở cửa cho tù ra ngoài sân buồng, đến chiều thì nhốt lại vào trong, không phải đi lao động. Ở đây tôi được nhốt chung với nhiều Đại Tá, Trung tá, đặc biệt có cựu Trung Tá Thiết Giáp Bùi Thế Dung là Thứ Trưởng Quốc Phòng trong Chính Phủ 3 ngày của Dương Văn Minh. Tôi nằm sát cạnh ông trong cùng chiếc giường 2 tầng.
<!>
Chúng tôi nằm tầng dưới chỉ có 2 chiếc mùng (người Miền Bắc gọi là cái màn) ngăn đôi nằm sát bên nhau nên ông nói nhỏ vào tai tôi: “Tôi nói cái này, mai kia nếu anh có về, anh nhớ nói lại cho đồng bào mình biết một sự kiện bí mật trong Dinh Độc Lập của những ngày cuối cùng”.
Tiếng nói của ông thì thào rất nhỏ làm như sợ người khác nghe được, càng tăng thêm mức độ bí mật của câu chuyện. Tôi cũng tự thấy mình như có nhiệm vụ truyền tải lại mọi người.
Ông ta nói về lý lịch và nguyên nhân ông đi du học Hoa Kỳ khóa Cao Đẵng Quốc Phòng, năm 1974 về nước rồi ngồi chơi xơi nước. Ông ta bắt đầu vào chuyện Đại Sứ Pháp chuyển tin từ Trung Quốc muốn VNCH lên tiếng chính thức trên truyền thông quốc Tế yêu cầu Trung Quốc đưa quân vào đánh bật quân đội CS Bắc Việt đang tràn ngập Miền Nam. Ông Bùi Thế Dung nói về suốt một đêm thức trắng cùng ông Đại Sứ chọn vùng vẽ phóng đồ cho quân Trung Quốc đổ bộ.
Tôi không ngờ có một sự kiện lạ lùng ấy tưởng như là trong tiểu thuyết mà không có thực. Thế rồi ngày tháng đi qua với bao nhiêu sự kiện dồn dập xãy ra trong trại A Hà Nam Ninh, cho đến một này bọn cai tù thông báo “Các anh chuẫn bị hành quân”.
Thực ra khi biết được tin chính thức thì trước đó cả buồng chúng tôi cũng đã nghe tin hành lang rằng mấy đợt trước họ đã chuyển vào Nam bằng xe lửa.
Lần này “Hành quân” như một niềm vui, vì ít ra cũng trở lại Quốc gia của mình, nếu có phải còn trong tù nữa thì cũng thấy gần gủi người của mình hơn.
Bản thân tôi nghe tin hành lang liền chuẩn bị may một cái túi bằng vải chiều dài 40 centimet, chiều rộng 20 centimet, vừa đủ để bỏ một cái mền làm đủ nặng để khi xe lửa chạy ngang sau lưng nhà tôi tại Nha Trang, tôi sẽ ném xuống.
Cái mền chỉ có công dụng làm nặng vật ném xuống, còn cái gì được ném báo tin cho gia đình thì sẽ viết sau khi lên tàu lửa.
Nghề của tôi trong tù ở trại Phủ Lý là chuyên viết thư trên vải, may vào áo rồi gởi ra khi thăm nuôi mục đích cho gia đình biết sự thực trong tù. Tôi đã gởi nhiều lần đều trót lọt, nhưng cũng có một lần “suýt chết”.
Khi tập họp trước sân trại, Ban Chỉ Huy Trại chính thức công bố: “Các anh sẽ chuyển vào Nam”, và nghiêm cấm những hành động vi phạm được ban hành, nào là tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cán bộ trên tàu trong lúc di chuyển, cấm tuyệt đối không mang theo viết giấy, họ đã lục soát rất kỷ “quân tư trang” từng người.
Tôi đã hiểu họ muốn gì và tôi cần làm gì, nên cái mền thì đã có sẵn, vải để viết cũng đã xé sẵn, cái túi vải thì làm như là vật dụng đựng đồ dùng cá nhân khi di chuyển, mấy miếng vải trắng trống trơn xem như khăn lau. Họ xem chừng chú trọng đến bút viết, và nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng như khám rất kỷ để tìm cho ra giấy bút viết ở đâu. Tôi có một cái túi xách tay ngày nhập trại Trường Đại Học Phú Thọ đã mang theo, cái túi có một đường viền chạy dọc theo đáy túi. Tôi lợi dụng đường viền này, rút ruột cây bút nguyên tử và lận vào đường viền ấy. Ruột viết nguyên tử bằng nhựa cũng mềm mềm như đường viền đáy túi. Bọn khám xét không tài nào tìm ra.
Rời trại Nam Hà bằng xe molotova, chở đến ga xe lửa lúc ba bốn giờ chiều. Trên một bãi đất trống họ lại chưa yên lòng, cuộc khám xét diễn ra một lần nữa, đặc biệt cũng chỉ chú trọng đến giấy bút viết.
Tôi thật bất ngờ khi bọn Công An dùng cái khóa tay bằng sắt tự chế thô sơ, khóa hai người vào một khóa. Tôi biết phải dùng tay phải để viết thư trên tàu, nên đề nghị người bạn khóa tay phải của họ vàotay trái của tôi.
Thì ra, những chuyến về Nam trước đây, bọn cai tù sơ ý chuyện khám xét này nên khi đoàn tàu vào các sân ga từ trong vĩ tuyến 17 trở vô, tức là vào lảnh địa của VNCH, các người tù tha hồ gởi thư tay viết vội cho các đồng bào tại các ga ào lên thăm hỏi, cho tiền, khóc, trao đồ ăn; một cảnh tượng bất ngờ làm các Công An áp tải tù không phản ứng kip.
Cũng từ các thư rơi nhờ đồng bào chuyển bằng bưu điện hay tự tay mang đến tận nhà này mà gia đình các người tù biết được rất nhanh thân nhân của mình đang về Nam.
Rút kinh nghiệm những lần truớc, họ khám xét bút giấy rất gắt gao, khi tàu đến sân ga nào phải dừng lại tránh tàu chạy ngược chiều, các cán bộ Công An hò hét từ đầu toa đến cuối toa bắt đóng cửa sổ toa xe.
Chuyến tàu của tôi xuôi Nam thật may mắn, khi chạy trên sông Bến Hải, con sông ngăn đôi nước Việt trước 1975, đúng vào giờ giao thừa, lòng tôi xúc động ngậm ngùi và như tin vào một điều may mắn cho Năm Mới. Đúng vào giờ phút thiêng liêng ấy, các bánh xe dắt con tàu lăn trên vùng đất Quê Hương của mình.
Tôi bị xui xẽo là người bạn khóa tay với tôi bị tiêu chảy quá cở, thế là mỗi khi anh ấy đi toilet thì bắt buộc tôi phải đi theo. Mà toilet trên tàu lửa quá chật, tôi cũng phải đành đứng chịu trận ngửi mùi suốt mấy ngày mỗi khi anh ấy cần đi toilet. Bị tiêu chảy thì đi hoài đi hoài tôi cũng phát cáu. Khổ cái thân tôi là phải chống nạng mỗi khi di chuyển.
Khi xe ngừng lại tại Ga Quãng Ngãi, người dân đã biết trước tự bao giờ nên ùn ùn kéo ra đón, họ đón bằng những giọt nước mắt tràn lòng thương mến, họ như tìm kiếm thân nhân của họ có trên xe này không, họ như muốn nhìn tận mắt bao con người, bao đồng bào ruột thịt của họ đã bị giặc thù đày ải mấy năm nay.
Tất cả gần như ai cũng muốn khóc hay đã khóc từ trên tàu cho đến người dân đứng dưới đất. Họ lấm lét nhìn ngang nhìn dọc, chạy vội tới khi cánh cửa sổ bỗng kéo lên. Họ nhét vào tay mớ tiền, mấy cái bánh chưng hay bịch cơm nắm nấu vắt lại.
Ôi tình thương của đồng bào dành cho người tù cao cả quá, vĩ đại quá. Bao nhiêu năm khổ ải trong tù, chúng tôi được đền đáp bằng những tình cảm như thế này làm quên hết đắng cay khổ lụy.
Những lần chuyển vào Nam trước họ không nghĩ ra đồng bào thương đến như vậy nên không có lệnh đóng cửa sổ và khóa các cửa lên xuống. Tình cảm của đồng bào dành cho như thế này, chúng tôi sung sướng đến ứa nước mắt và đó chính là chất kích thích tố tạo thêm nhiều nghị lực cho những tháng năm sắp tới trong tù.
Không biết mình phải diễn tả những cảm xúc nghèn nghẹn nơi cổ họng như thế nào khi nhìn tận mắt sự thương yêu lo lắng hiện rõ lên từng nét mặt, từng cử chỉ hành động của người dân đứng đầy nghẹt hai bên con tàu khi từ từ tiến vào sân ga.
Lòng thương của đồng bào mình vẫn chan chứa không như họ đã tuyên truyền láo khoét rằng dân sẽ ném đá vào các anh y như họ đã dàn dựng khi bắt đầu tiến ra Bắc.
Tôi xúc động thật mạnh, nó như liều thuốc bổ ngấm dần vào cơ thể đối với cuộc sống cùng cực của thân phận người tù hiện tại.
Vì bọn áp tải tù không đủ nhân lực nên không thể nào kiểm soát nổi hết các cửa sổ toa tàu. Bọn nó đến đầu toa thì cuối toa được kéo cửa lên, và đồng bào được dịp áp sát con tàu.
Tôi đã có ý định sẵn ném túi xách xuống sau lưng nhà cha mẹ ruột khi con tàu rời sân Ga Nha Trang vài phút, nên tôi không gởi thư tay cho người dân tại đây.Chuyến tàu của chúng tôi ngừng tại Ga Quãng Ngãi lâu quá, đâu chừng hơn cả giờ, có lẽ chờ tàu ngược chiều đến. Đó là thời gian rất thuận tiện cho các bạn tù gởi thư nhắn về gia đình qua bưu điện.
Khi đoàn tàu bắt đầu rời sân ga Quãng Ngãi cũng là lúc tôi bắt đầu viết thư báo tin cho gia đình tôi biết: tôi đang chuyển vào Nam. Thư viết trong khi xe lửa chạy rất là khó vì sự lắc lư của con tàu và đặc biệt là sự kiểm soát của các công an liên tục đi tuần qua lại trên boong tàu.
Chúng tôi được ngồi trên 1 băng ghế 2 chỗ và đối diện với 2 người tù trước mặt; phải viết từ bây giờ cho đến khi đến Ga Nha Trang thì phải chấm dứt, vì từ Ga Nha Trang chạy vô Sài Gòn, nhà tôi chỉ cách 3 cây số rưỡi từ sân Ga.
Màn đêm buông xuống khi còn tại Quãng Ngãi, xe chạy mãi tới 4 giờ sáng hôm sau mới đến Nha Trang, vậy là tôi có suốt một đêm để viết lá thư cho Ba Má tôi. Thư viết trên vải trắng của cái áo gối mang theo từ hồi mới trình diện Trường Đại Học Phú Thọ.
Trong tù hay trên xe lửa cũng không tin được ai vì sợ họ báo cáo lập công để trở thành “người học tập tốt” được Cách Mạng Nhà Nước khoan hồng cho về sớm; cho nên tôi phải giữ ý và viết thư trong một tình trạng lén lút. Chẵng những sợ mấy tên Công An đi tuần thì chớ, mà còn sợ bạn tù biết được.
Dùng một cái mền đắp lên người và cả lên tấm vải, cây bút nguyên tử chỉ có ruột mà vỏ đã bỏ đi từ khi còn trong trại Nam Hà A. Cái mền kéo khỏi tay ra khi người Công An vừa đi qua, viết được vài chữ lại phải ngưng lại và phủ kín bàn tay, cứ như thế mà mãi gần đến Ga Nha Trang mới xong cái thư ngắn. Nội dung thư cũng không thể nói điều gì “phản động” vì còn ngại lọt ra tay công an, mà chỉ thông báo cho gia đình biết tình trạng sức khỏe bê bết của mình cùng với ý chính đang trên đường chuyển vô Nam, mà không biết dừng ở đâu. Tôi tin tưởng Ba Má và gia đình tôi mừng lắm khi bắt được tin này.
Xe ngừng tại ga Nha Trang khá lâu, khoảng 2 giờ đồng hồ thì lăn bánh vô Nam. Đây là thời gian đủ cho tôi bỏ cái thư bằng vải vô trong chiếc túi xách cũng mới may bằng vải đã có cái mền làm cho dễ ném xuống đất khi xe đang chạy.
Bên ngoài cái túi xách vải ấy đã may sẵn một miếng vải màu trắng để viết tên người nhận. Phải cẩn thận chưa viết gì hết, mà chỉ chắc chắn sắp ném xuống mới viết lên: “Ai nhận được túi này xin vui lòng mang đến nhà anh Nguyễn Lợt”.
Có một con đường cái quan lớn, con đường chính của làng tôi nằm cạnh nhà, nhà thì quay lưng ra đường rầy xe lửa nên không thể ném vào hướng ấy; tôi phải canh chừng xe chạy đúng đến con đường cái quan thì ném nó xuống về phía đối diện nhà tôi bên kia đường. Đó là nhà 1 người hàng xóm mà cái sân nhà sát đường rầy.
Phải công nhận tài của mình tính toán khá chính xác, phải ném làm sao cho vật rơi xuống bị cuốn hút theo với tốc độ của xe lăn đi một đoạn khá dài. Tôi nhìn thấy rõ cái túi chui hẵn vô sân người hàng xóm ấy, mà lát nữa đây người quét sân nhà sẽ nhặt được.
Gia đình tôi vui biết dường nào khi hay tin tôi đã vào Nam, dù rằng chưa được thả ra, cũng yên lòng con mình, chồng mình đang “thiệt gần” với mình, tiện cho việc đi thăm nuôi nếu có.
Gần chiều thì đoàn xe dừng lại ga Dầu Giây, và bị lùa xuống để lên xe molotova chở về trại Hàm Tân Z30 C. Phải hơn 1 tháng sau mới cho viết thư báo tin và cho gia đình thăm nuôi. Ba Má tôi nóng lòng lâu không gặp nên “thương lượng” với vợ tôi để Ba tôi và người chị dâu từ Nha Trang vô Hàm Tân thăm lần đầu. Vợ tôi từ Sài Gòn phải chờ sau 1 tháng nữa mới tới phiên.
Cũng giống như ngoài Bắc, sau khi bị tai nạn lao động chấn thương thần kinh tọa, bị liệt chân phải vì té từ trên núi cao khi đi chặt cây ở núi Hoàng Liên sơn; tôi không còn đi lao động nữa mà phải chống nạng khi di chuyển. Vậy là về trại Z30 C cũng chỉ trùm mềm ngủ mỗi khi đến giờ anh em đi lao động.
Mỗi người bạn khi đi ngang qua chỗ tôi nằm đều nói: “Nguyễn Trãi không còn nữa...”; “Nguyễn Trãi không có trên cõi đời này...” người khác có câu khác: “Nguyễn Trãi đã tiêu diêu miền cực lạc..” Nói xong thì cười khoái chí và đó là niềm vui của họ mỗi ngày cho quên đời sống lao tù khổ ải.
Cũng vào một buổi trưa, sau khi các anh bạn tù đã vừa ra khỏi cổng trại để đi lao động, tôi vẫn còn một thói quen nằm trên “cái sạp bằng xi măng” dài từ cửa vào cho tới cuối “láng”, “cái sạp” thấp chừng 5 tấc, làm chỗ ngủ và cũng là chỗ ăn cơm cho mọi người. Cái sạp có một đường luồng chính giữa làm đường đi.
Sau khi các anh em đã đi ra khỏi phòng, tôi đắp chiếc mền phủ kín đầu như muốn tách rời ánh sáng chói mắt và muốn ngủ tiếp. Tôi không bị đi lao động vì thương tật đã gần 6 năm từ khi còn ngoài Bắc.
Một giọng nói gắt gỏng the thé thốt lên, một loại ngôn từ nạt nộ áp đảo người nghe mà tôi vẫn nghe quen tai từ khi chui vào cái gọi là “Trại Cải Tạo”.
- Ai đây, sao không đi lao động?
Tôi biết ngay là một tên cán bộ quản giáo nào đó đang đứng dưới chân chỗ tôi đang nằm. Tôi lật tấm mền ra khỏi mặt một cách từ từ và trả lời:
- Tôi đây cán bộ, tôi bị bệnh không đi lao động được.
Giọng nói của tên quản giáo cố ý tăng âm vực lên thêm như cố tình uy hiếp tinh thần tôi. Hắn quát lớn:
- Bệnh gì?
Vì biết mình có “bệnh án” thực sự đã được ghi trong hồ sơ từ khi được các Bác Sĩ dân sự tại bệnh viện Quãng Ninh vào trong trại giam khám bệnh cho các tù nhân bị bệnh từ Yên Bái chở về giam tại trại tù Quãng Ninh, cho nên tôi không phải là loại tù yếu bóng vía khai bệnh để tránh đi lao động, tôi cũng nhát gừng trả lời chậm chạp:
- Thì cán bộ coi trong hồ sơ của tôi thì biết.
Rõ ràng tay này đã nghiên cứu hồ sơ của tôi từ ngoài Bắc chuyển vào đây, đã biết tôi bị bệnh như thế nào cho nên hắn không còn lên giọng uy hiếp tinh thần nữa.
Thì ra tên này tôi chưa gặp bao giờ kể từ ngày đám tù chúng tôi cứ 2 người 1 còng chung với nhau khi được chuyển từ Hà Nam Ninh vào trại Z30C Hàm Tân. Hắn như bị khựng lại, và chưa biết nói gì thêm, tôi liền đánh phủ đầu bằng một câu hỏi cắc cớ:
- Vậy tôi chừng nào được về hả cán bộ?
Như là dịp được xỗ những lời thuộc lòng mà từ tên “thủ trưởng”cho đến những tay vệ binh quèn chuyên vác AK dẫn tù đi lao động đều có một luận điệu y chang như nhau:
- Thì khi nào anh đạt được 4 tiêu chuẩn cải tạo tốt.
Chưa để cho tên này nói dứt câu tôi ngắt lời ngay:
- Thôi, thôi, tôi biết rồi cán bộ ơi!
Hắn gắt to tiếng sừng sỏ:
- Anh biết gì, biết gì?
Tôi đã có bằng chứng rõ ràng từng trường hợp bạn tôi đã từng trốn trại mà vẫn về sớm, tôi mạnh dạn nói:
- Này cán bộ nhé, bạn tôi ở ngoài Bắc, tháng nào cũng được bình bầu cải tạo tốt màhọ là đội trưởng, tổ trưởng nữa đó, nhưng họ vẫn tiếp tục đi theo tôi vào đây đây này. Còn có những người đã từng trốn trại 4 lần vẫn được thả về sớm. Vậy là sao hả cán bộ? Đừng nói với chúng tôi 4 tiêu chuẩn cải tạo nữa.
Bất ngờ bị phản ứng rất là đúng sự thật mà tay này nghĩ rằng không bao giờ có “cải tạo viên” nào dám nói ra. Hắn ú ớ giống như bị ngọng:
- Thì... thì... đó là những trường hợp cá biệt.
Nói xong thấy như sự lừa dối của mình bị vạch trần, hắn lặng lẽ bỏ đi không một lời nào thêm nữa.
Gần 1 năm sau, trong một buổi tập họp lên hội trường cả thảy hơn 500 người tù ngồi xõm dưới đất mà họ thường xài từ ngữ “lên lớp”. Họ thông báo danh sách các cải tạo viên được Đảng và Nhà Nước khoan hồng cho về.Trong số 76 anh em được đọc tên, gần đến chót nghe đọc tên tôi: Nguyễn Trãi. Lòng tôi cũng thấy mừng nhưng lại được nghe tiếp ngay: “Đó như cái anh này này, về tư tưởng cũng có mặt này mặt khác, nhưng Đảng và Nhà Nước cũng xét và khoan hồng cho anh ta về”.
Tôi ngẫng đầu lên cố nhận ra người đang đọc danh sách chính là tên đã chất vấn tôi khi tôi đang ngủ trưa. Thì ra hắn là cán bộ tư tưởng của Trại Hàm Tân Z30C.
76 người được thả lại bị dồn vào một láng riêng mà họ gọi là “cách ly” với những bạn tù khác và còn phải đi “Lao động Xã Hội Chủ Nghĩa 10 ngày” trước khi chính thức được về.
Ngày được thả, họ gọi chúng tôi lên bộ chỉ huy trại gọi là “khung” để nhận lại quân tư trang cũ của chúng tôi mang theo từ 7 năm trước, và mỗi người lảnh 25 đồng tiền “cụ Hồ” để đi đường.
Tôi, một tay chống nạn, một tay mang cái đàn guitar tôi tự làm ngoài Hoàng liên Sơn, vai mang cái túi xách đựng ba thứ cũ mèm kéo lê đôi chân có cây nạng gỗ phụ giúp từ trong trại HàmTân Z30C ra tới quốc lộ số 1. Một chiếc xe than, xe đò chở khách được cải biến chạy bằng than chạy ì ạch, khi lên dốc Ông Đồn, mọi người trên xe phải xuống đẩy phụ. Sau 7 năm trở lại xã hội Miền Nam tôi mới nhìn được hình ảnh tụt hậu như thế này. 20 đồng trại phát cho tiền đi đường chỉ vừa tới Dầu Giây thì đã hết, tuy nhiên người lơ xe nói “tôi không lấy tiền thêm nữa của anh đâu”. Tôi hiểu lòng người dân miền Nam còn rất thương những người tù cải tạo như chúng tôi.
Nguyễn Trãi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét